Trang trong tổng số 2 trang (14 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoạ “Tôn phu nhân quy Thục” (Phan Văn Trị): sai chính tả dấu hỏi ngã, v.v...

Câu 2: Mặt ngả (không phải ngã). Câu 3: Khói toả (không phải Tơ toả)

Ảnh đại diện

Truyện lòng (Đinh Hùng): Sửa lỗi một từ trong câu thứ 5

Tôi 'kết' thơ hoa mộng bướm rồi, phải sửa thành: Tôi 'hết' thơ hoa mộng bướm rồi.

Ảnh đại diện

Thu điếu (Nguyễn Khuyến): Phân tích hình ảnh mùa thu trong 3 bài thơ thu của Nguyễn Khuyến

Đối với các nhà thơ cận đại, kể cả các nhà Thơ Mới nữa thì mùa thu là mùa của cảm xúc, của thương nhớ. Trong làng thơ Việt Nam, sau Nguyễn Khuyến, Tương Phố, Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… đều có những bài thơ thu nổi tiếng. Tuy vậy, giữa Tam nguyên Yên Đổ và các nhà thơ mới đang có một khoảng cách. Thơ thu của Nguyễn Khuyến là thơ của làng cảnh Việt Nam đậm đà chân thực dù tác giả có gửi gắm vào trong thơ ít nhiều tâm sự. Thơ thu của các nhà Thơ Mới từ Giọt lệ thu (Tương Phố), Tiếng thu (Lưu Trọng Lư) đến Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) chỉ mượn cảnh thu, sắc thu, màu thu, âm thanh mùa thu để gửi gắm tâm trạng đượm buồn hay lưu luyến bâng khuâng trước đất trời đã chuyển sang thu.

Chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến là hiện tượng độc đáo và là cống hiến xuất sắc của nhà thơ. Cả ba bài đều viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Mỗi bài là một phác thảo với nét bút của nền hội hoạ phương Đông, không rườm rà loè loẹt mà cũng không gò bó khuôn sáo. Nhà thơ – hoạ sĩ họ Nguyễn đã đưa chúng ta về một vùng chân quê quanh năm ngập nước của đất Hà Nam đầu thế kỷ này vào độ sang thu.

Thu vịnh phác hoạ khái quát những đặc điểm nổi bật về mùa thu. Thu điếu dừng lại ở một không gian và thời gian cụ thể: trên một ao thu, vào một chiều thu, một ông già trên chiếc thuyền câu thả mồi đợi cá. Thu ẩm quan sát cảnh thu trong nhiều thời điểm khác nhau để thâu tóm những nét nên thơ nhất.

Cảnh thu trong Thu vịnh đã được nhà thơ phác hoạ như thế nào? Phần lớn dung lượng bài thơ (6/8 câu) là thơ tả cảnh. Biên độ không gian và thời gian không hạn chế: một buổi sáng, một cảnh chiều, một đêm trăng đượm màu thu. Ta vẫn bắt gặp trời (c1-2), nước (c3), trăng (c4), hoa (c5) có điểm xuyết âm thanh vọng lại từ không trung cao vút nhưng điệu thơ, hồn thơ thì đã vượt khỏi khuôn sáo kiểu tứ thời, tứ thú, tứ quý… của nét bút thơ và hoạ cổ điển.

Nét thu quán xuyến tất cả là bầu trời không ủ dột, quẩn quanh, tù túng mà cao vời vợi, cao ngất mấy tầng, cao hút tầm mắt… và thăm thảm màu xanh huyền diệu. Giữa thu bao la ấy, một khóm tre xa xa từ thôn vắng lả ngọn theo làn gió thu nhẹ nhàng uyển chuyển càng tô thêm sắc thu: Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu như làm sống động bầu trời vốn tĩnh lặng.

Đối chiếu với trời thu là sông thu vào sáng tinh mơ, lúc màn đêm đã vén hay vào buổi chiều tà, lúc bóng ô vừa ngậm non đoài, thời điểm “long lanh đáy nước in trời”; nước biếc dội lên màu xanh thơ mộng tạo nên ảo ảnh màn khói mênh mông mà các nhà thơ cổ điểm thường gọi là “yên ba giang thượng” (khói sóng trên sông). Trời thu và nước thu. Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc (trời nước một màu) là như vậy.

Sau thu thiên, thu thuỷ là thu nguyệt. Trăng thu sáng dịu trong trẻo tuyệt trần. Xưa nay trăng vốn là bạn của thi nhân. Trăng là kẻ đồng hành “chè tiên, nước ghín, nguyệt theo về” (Nguyễn Trãi); “Một trăng, một bóng một người hoá ba” (Lý Bạch). Trăng là người chứng giám: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời, Đinh ninh hai miệng một lời song song” (Nguyễn Du). Có khi trăng là kẻ thóc mách “Gương Nga chênh chếch dòm song” (Nguyễn Du). Nguyễn Khuyến không cài song để đón trăng và ngắm trăng chẳng biết trăng ở đây có đòi thơ Tam nguyên Yên Đổ như nó đã lọt qua cửa sổ đòi thơ Hồ Chí Minh: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” – Nhật kí trong tù. Hẳn là chỉ có trăng thu mới thâm quen với con người đến thế!

Bây giờ đến hoa thu. “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái”, ý nhà thơ muốn nói: Mấy chùm hoa trước giậu đã nở từ năm ngoái nay lại đã trổ bông chăng? Và hoa thu chỉ là hoa cúc, một trong bốn loài hoa quý (lan, sen, cúc, mai) chọn mùa thu để trổ hoa.

Điểm xuyết cảnh thu là tiếng ngỗng trời từ từng trên không xa tít vọng lại. Âm thanh không líu lo nhưng con chim oanh học nói trong tiết xuân sang (Truyện Kiều) mà chỉ thoáng qua như nâng thêm tầm cao rộng rộng của không giang hẳn là đàn ngỗng bay nhanh về phương nam để tránh rét, tường bắt gặp trong kì thu muộn.

“Nhân hứng” mà tác giả đã vẽ xong bức tranh thu. Say theo cảnh trí thơ mộng nhưng rồi chợt tỉnh. “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” – ông Đào Bành Trạch treo ấn từ quan từ hồi còn trẻ, trở về vui với cỏ hoa và non xanh nước biếc. Nguyễn Khuyến cũng đã vứt miếng đỉnh chung về ở ẩn tại quê nhà. Có lẽ danh nho Nguyễn Khuyến “thẹn với ông Đào” bởi ông từ cho là mình từ quan hơi muộn?

Với Thu vịnh, chúng ta cảm thu bằng “nhân hứng” chung mà nhà thơ để lại; với Thu điếu chúng ta có một thú vui nhỏ mà cũng rất hấp dẫn.

Nơi quê hương nhà thơ trước đây lắm ao, lắm vũng. Có lẽ không riêng gì Nguyễn Khuyến mà dân quê cả vùng nhất là các ông già, lúc rảnh rỗi thường lên thuyền nan ngồi thả mồi đợi cá, coi đó là một thú tiêu khiển chăng? Đối với cụ Tam nguyên mùa thu câu cá quả là một lạc thú.

Ông đẩy thuyền xa bờ để được đắm mình trong thiên nhiên bao la trời nước một màu. Chỉ có câu kết nói đến chuyện thả câu, bài thơ chủ yếu ghi nhận những quan sát và cảm nhận của nhà thơ và cảnh vật đang diễn ra quanh mình. Ở đây mọi chi tiết đều được chắt lọc sao cho mỗi cảnh sắc chỉ cần điểm một nét, cộng hưởng thành màu sắc thu đích thực và độc đáo. Ông kết hợp tuyệt diệu hình ảnh và từ ngữ. Cả bức tranh có vẻ tĩnh lặng nhưng từng chi tiết thì động và gợi cảm.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo: nước tinh kết và lạnh gây cảm giác khẽ rùng mình. Thuyền câu vốn đã nhỏ bé khi nhập vào không gian bao la càng trở nên bé xíu “bé tẻo teo”. Ngư ông dường như cảm thấy mình quá bé trước tạo hoá!

Thuyền vừa xa bờ, cận cảnh dẫn đến một cảm giác thu mới: Phẳng lặng trong xanh vốn là đặc tính của mặt nước ao thu, hồ thu. Chỉ thế mà sau này Tản Đà viết: Trời xanh xanh, nước xanh xanh, khói lam xây thành: Màu biếc xao động khi gió thu khẽ khàng lướt qua. “Hơi gợn tí” nhưng cũng đủ mạnh để đưa chiếc lá già của cây cao gần bờ lìa cành “đưa vèo” xoay xoay giữa không gian theo chiều gió… Gió thu là như vậy.

Bình giảng hai câu 3-4, Xuân Diệu đã viết: “Thật tài tình! Nhà thơ đã tìm được cái tốc độ bay của lá, vèo, dễ tương xứng với cái mức độ gợn của sóng: “tí”. Tác giả Đây mùa thu tới quả thật đã phát hiện đầy đủ tài nghệ của Nguyễn Khuyến.

Chắc là sau khi đã buông câu, nhà thơ mới có dịp ngẩng đầu nhìn trời và làng mạc vây quanh. Trời thăm thẳm một màu xanh, vài đám mây bạc lững lờ trôi như tôn thêm độ cao xa của không giang (Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt). Đường đi lối lại trong thôn viễn rặng trúc uống lượn vòng vèo không ồn ào náo nhiệt như những ngày mùa mà êm đềm u tịch. Nhà thơ “tựa gối ôm cần” chìm đắm vào cảnh vật tựa sống trong mơ…

Câu kết thúc “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Tiếng động của cá đớp mồi đã trả nhà thơ về cõi thực. Nguyễn Khuyến là ông ngư trên chiếc thuyền nan mỏng mảnh.

Với Thu ẩm, nhà thơ Hà Nam đưa chúng ta về nhiều thời điểm khác nhau để cảm nhận vẻ đẹp mùa thu. Mở đầu bài thơ, tác giả nói về một ngôi nhà xuềnh xoàng ở tận sâu trong làng Và (Vị Hạ) nơi cụ Thượng quan hưu trí thường độc ẩm để tìm cách lãng quên thế sự; bởi vì người xưa đã nói: “Chỉ có rượu mới phá được thành sầu”.

Từ “năm gian nhà cỏ” này ông nhập vào cảnh thu và quan sát những nét thu khi về chiều, vào đêm tối hay buổi trăng thu viên mãn. Thu ẩm thường diễn ra trong ngôi nhà này vào những thời điểm kể trên. Không có bóng dáng buổi mai hồng hay chính ngọ trong thơ thu. Phải chăng những thời điểm đó không hợp với tạng của nhà thơ? Hai buổi đêm và một buổi chiều lần lượt xuất hiện trong Thu ẩm.

Một đêm không trăng dày đặc bóng tối trùm lấp đường ngõ, “lập loè” ánh sáng đom đóm vây bủa đường thôn (Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè). Một đêm khác trăng soi vằng vặc “bóng trăng vàng từ mặt nước ao loé ra, bốn chữ 1 gợi chất vàng [đang dàn trải] ba dấu sắc khứ thanh gợi ánh bắn đi từ loa gợi [vòng tròn lan toả]” (Xuân Diệu). Nguyễn Khuyến dùng thần bút để cực tả đêm thu.

Một buổi chiều nhẹ thênh từ “nhà cỏ” hay từ bếp nhà ai toả ra làn khói lam chiều? Một nét thân thương và trìu mến biết bao! Và một buổi chiều khác không còn “tầng mây lơ lửng”, chỉ có da trời ửng màu biếc bao la vô hạn. Nét phác hoạ đặc thù này vốn là sở trường của Nguyễn Khuyến.

Phần kết, tác giả đã gửi gắm ít nhiều tâm sự: “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe… Độ năm ba chén đã say nhè”. Đâu phải vô cớ mà mắt lão Nguyễn “đỏ hoe”. Cũng không phải vô cớ mà lão uống ít say nhiều (say không tự chủ được sinh lè nhè). Ông uống rượu để tiêu sầu nhưng sầu đâu có dứt!

Trong bộ ba thơ thu tuy tác giả không trực tiếp nói đến nhưng vẫn không sao che giấu nổi: Tâm sự nước non đầy vơi dường như chi phối cả cuộc đời và cảm hứng thơ văn của tác giả. Quý thay Nguyễn Khuyến!

Ba bài thơ thu là những viên ngọc quý trong vườn thơ Việt Nam. Nó đậm đà màu sắc quê hương đất nước. Hình tượng và ngôn ngữ thơ đạt đến đỉnh cao của sự giản dụ mà đầy chất thơ. Từ nét bút tạo hình đến các thủ pháp nghệ thuật khác như sử dụng từ ngữ trau chuột, chính xác, đối ngẫu rất chỉnh, gieo vần phong phú độc đáo (kể cả tử vận). kết hợp nhạc điệu và âm thanh tinh tế… cả ba bài đều viết theo thể thơ Đường hoàn chỉnh nhưng người đọc không có cảm giấc đó là thể thơ ngoại lai. Nối gót nữ sĩ Hồ Xuân Hương và các nhà thơ Nôm lớp trước, Nguyễn Khuyến đã góp phần Việt hoá đến kì tài thể thơ nhập ngoại này.

Ảnh đại diện

Thu điếu (Nguyễn Khuyến): Cảm nhận của em về bức tranh thu trong “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến

Mùa thu là một trong những đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Nói tới đề tài này trong thơ ca Việt Nam chúng ta có thể kể tới rất nhiều tác giả với những sáng tác xếp vào hàng kiệt tác, trong số đó có Nguyễn Khuyến với chùm ba bài thư thu. Mỗi bài trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến là một bức tranh thu đặc sắc, và Câu cá mùa thu được đánh giá là “điển hình hình cho thơ ca mùa thu của làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu).

Cảnh thu trong bài được đón nhận từ nhiều góc độ khác nhau: từ gần đến xa, từ thấp lên cao, từ hẹp đến rộng... Dưới nhiều góc độ như vậy, cảnh sắc mùa thu được mở ra nhiều hướng thật sinh động và gợi cảm. Từ ao thu đến trời thu rồi đến đường thôn xóm... tất cả đều toát lên cái hồn thu, cảnh thu xiết bao thân thuộc của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Cái hồn ấy được gợi lên từ những khung cảnh, những cảnh vật hết sức thanh sơ: ao nhỏ trong veo, thuyền câu bé tí, sóng biếc gợn, lá vàng khẽ đưa, tảng mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co... sắc xanh của trời hoà lẫn cùng sắc xanh của nước tạo nên một không gian xanh trong, dịu nhẹ, một chút sắc vàng của lá rụng trên cái nền xanh ấy khiến cảnh thu, hồn thu càng thêm phần sống động. Những đường nét, màu sắc... gợi lên trong tướng tượng của người đọc khung cảnh của một buổi sớm thu yên bình trên một làng quê miền Bắc với bầu trời thu cao rộng, khoáng đạt, những ao chuông trong vắt phản chiếu màu trời, màu lá, thôn xóm với những con đường nhỏ quanh co hun hút xanh màu tre trúc, gió thu dịu mát khẽ làm xao động mặt nước, thỉnh thoảng một vài chiếc lá rụng cắt ngang không gian... Trong bức tranh thu này mọi cảnh vật hiện ra đểu rất đỗi bình dị, dân dã. Khung cảnh ấy vận thường hiển hiện vào mỗi độ thu về trên những làng quê và đi vào tâm thức của bao người, nhưng lần đầu tiên được Nguyễn Khuyến vẽ ra với nguyên cái thần thái tự nhiên của nó và khiến ta không khỏi ngỡ ngàng xúc động. Đó là một mùa thu trong trẻo, thuần khiết, mát lành đã bao lần đến trên quê hương của mỗi chúng ta.

Cảnh trong Câu cá mùa thu là cảnh đẹp nhưng cũng tĩnh lặng và đượm buồn. Một không gian vắng người, vắng tiếng: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Sự vận động cũng có nhưng chỉ là những vận động rất nhẹ, rất khẽ: sóng hớt gợn, lá khẽ đưa mây lơ lửng... âm thanh tiếng cá đớp mồi thì mơ hổ. Những vận động này không làm cho không khí của bức tranh thu trở nên sôi động mà chỉ càng làm tăng thêm sự tĩnh lặng của nó. Mọi cảnh, mọi vật trong bức tranh thu này đều gợi cái tĩnh lặng và đượm buồn. Cái lạnh lẽo, trong veo của nước, cái biếc của sóng, cái xanh ngắt của trời... những trạng thái, màu sắc đó cho thây một sự tĩnh lặng đang bao trùm từ bầu trời cho đến mặt đất. Mọi cái dường như không chuyển động, dường như rơi vào trạng thái im vắng đến tuyệt đối. Cả con người ở đây cũng vậy. Người ngồi câu trong trạng thái tựa gối ôm cần, không câu được cá nhưng dường như vẫn không hề sốt ruột, cái không chi toát lên ở vẻ bề ngoài mà là ở chiều sâu của tâm tư - một tâm tư dường như cũng tĩnh lặng tuyệt đối. Con người và cảnh vật một cách tự nhiên đã hoà nhịp cùng nhau tạo nên linh hồn cho bức tranh thu. Cái tĩnh, cái buồn rõ ràng là trạng thái của cảnh vật ở đây tuy nhiên, đó không phải là cái tĩnh của sự chết lặng, thiếu vắng sức sống, cũng không phải là cái buồn của sự bi luỵ, chán chường. Gắn với cái buồn, cái tĩnh này vẫn là sự trong sáng, thơ mộng và sức sống muôn đời bất diệt của thiên nhiên xứ sở.

Phải gắn bó tha thiết với quê hương, phải có một tâm hồn nhạy cảm đến độ nào thì Nguyễn Khuyến mới có thể tái hiện một cách tài tình tất cả vẻ đẹp xiết bao bình dị mà nên thơ của mùa thu làng quê Bắc Bộ vào trong những vần thơ tự nhiên, giản dị đến thế. Thơ thu Việt Nam giàu có, đặc sắc hơn bởi những vần thơ như thế của Nguyễn Khuyến.

Ảnh đại diện

Thương tiến tửu (Lý Bạch): Bản dịch của Vũ Hoàng Chương

Nước sông Hoàng cuồn cuộn ra khơi?
Một ra biển, chẳng về trời,
Nhà cao gương sáng thương ai bạc đầu!
Sớm như tơ, xanh màu tóc ấy
Chiều đã như tuyết đấy... biết không?
Thì vui sao chẳng đến cùng?
Việc đời dễ được như lòng mấy khi...
Đừng để chén vàng kia trơ đáy
Cùng vầng trăng đây đấy ngẩn ngơ.
Trời sinh tài, chẳng để hư,
Ngàn vàng để trắng tay ư?... lại về...
Hãy mổ thịt trâu dê mà khoái,
Gặp nhau đây là phải say sưa,
Uống, xin đừng một giọt thừa.
Ba trăm chén, hãy cho vừa một hơi.
Ý ta muốn chén mời chẳng gác,
Chớ ngừng tay hai bác Đan, Sầm!
Vì nhau một khúc ca ngâm,
Lắng tai, nào bạn tri âm đó hề!
Của trước mắt đủ gì quý báu,
Cho ngọc ngà! Cho dẫu trống chuông!
Nguyện say một giấc ra tuồng,
Mình ta tỉnh, bốn phương cuồng... nhảm chưa?
Đều thế cả... từ xưa hiền thánh
Cũng giờ đây nằm lạnh thời gian.
Tiếng tăm còn để trần hoàn
Chỉ riêng có gã say tràn cung mây.
Trần Vương trước, tiệc vây Bình Lạc
Rượu ngàn chum thả sức vui đùa.
Chủ nhân nào! Đã nhớ chưa?
Nói chi tiền ít mà thưa dặt dìu!
Ngựa Hoa đấy, áo Cừu cũng đấy,
Gọi trả đem đổi lấy rượu... mau!
Ta cùng Ngươi... lại cùng nhau
Uống cho ngàn trước ngàn sau tan buồn.

Ảnh đại diện

Hà Nội - phố (Phan Vũ): Thêm một version nói là được tìm thấy ở Paris, có vẻ đầy đủ hơn, xin đăng lên để bạn đọc thưởng thức

HÀ NỘI - PHỐ
Gửi những người Hà Nội đi xa...

Chương I
1.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa.
Tiếng giầy gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ...
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về...

2.
Ta còn em một gốc cây
Một cột đèn
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang xoã xoã bờ vai...
Ta còn em một ngã ba
Vội vã
Chiếc khăn quàng tím đỏ,
Thoáng qua
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ!
Mỗi góc phố
Một trang tình sử...

3.
Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn mưa nhỏ
Trên vòm cao
Đổ xuống chuông hồi
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...

4.
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa
Tháng năm dừng lại
Một ngôi nhà
Gã Trương Chi ôm ghi-ta
Từng đêm
Hoá đá...
Ta còn em chuyến tàu đêm
Về muộn
Qua cầu
Một người nào lạc giữa sân ga...

Chương II
5.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em những hố sâu
Trước cửa
Cơn mưa đầy
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...
Ta còn em quả bóng lăn
Một mình trên sân cỏ
Thằng bé thẫn thờ
Tuổi thơ qua cuộc chơi
Vội vã...
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai?
Qua đó bâng khuâng
Nhớ tuổi học trò...

6.
Ta còn em giàn thiên lý
Năm xưa
Thơm mùi hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm
Những nụ hôn xanh ngắt trên cành...
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Nắng chiều vàng ngọn cỏ
Vườn hoang
Ngày cũ vui tàn theo mùa hạ...
Ta còn em tiếng ghi-ta
Bập bùng
Tự sự
Châm lửa điếu thuốc cuối cùng
Xập xoà
Kỷ niệm
Đêm kinh kỳ một thuở
Xanh lơ...

7.
Ta còn em chiếc đồng hồ quả lắc
Già nua
Đếm thời gian
Theo nhịp đong đưa
Trước ngõ phố
Sót cây hoa gạo
Buổi chợ chiều họp giữa kinh đô...

8.
Ta còn em những ngọn đèn mờ
Trên nóc phố
Mùa trăng không tỏ
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ...
Ta còn em bảy nốt cù cưa
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ
Cô gái mặc áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ [1]
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate Ánh Trăng
Nốt nhạc thiên tài bay lả tả
Một kiếp người,
Một phím đàn long...

9.
Ta còn em khuya phố
Mênh mông
Vùng sáng nhỏ
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều
Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa
Những chàng trai say suốt cả mùa...

10.
Ta còn em tiếng hàng ngày
Vang âm đường phố
Tia hồ quang chớp xanh
Toa xe điện cuối ngày
Người soát vé
Áo bành tô cũ nát...
Lanh canh! Lanh canh!
Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ?
Bó gạo, mớ rau
Mẹ về buổi chợ
Lanh canh! Lanh canh!
Lá bánh, củ khoai
Đàn con trên bến đợi
Cuối ngày...

Chương III
11.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang theo hình phố
Cô gái dựa lưng bên gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá...
Ta còn em một con tàu
Giã biệt bến sông
Mảnh trăng vỡ
Tiễn người bỏ xứ
Dãy phố buồn
Nghìn năm mắt nhớ...

12.
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần đi ngược trời mưa...
Ta còn em con đường tên cũ
Cổ Ngư
Cành phượng vĩ la đà
Chiều phai nắng
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa...
Ta còn em chiếc lá rụng
Khởi đầu nguồn gió
Lao xao con sóng biếc
Gió Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vội vội
Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...

13.
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn
Gió Nhật Tân
Gợi
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai...

14.
Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ
Cô gái gặp nắng hanh
Chợt hồng đôi má
Cơn mưa nào đi nhanh qua phố
Một chút xanh hơn
Trời Hà Nội hôm qua...
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu...

Chương IV
15.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em một Hàng Đào
Không bán đào
Một Hàng Bạc
Không còn thợ bạc
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy...
Ta còn em tiếng gọi trong đêm
Người đi xa trở về
Căn nhà không biển số
Ngày đi mỏi mòn nỗi nhớ
Ngày về phố cũ quên tên...

16.
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rũ
Giỏ phong lan
Điệp vàng rực rỡ
Cánh tay trần trên gác cao khép cửa
Những gót son dập dìu đại lộ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào...
Ta còn em tà áo nhung huyết dụ
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa
Ngõ phố nào in dấu hài hoa?

17.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại
Chợt quên ai kia bên đường đứng đợi
Cuộc đời, có lẽ nào
Là một thoáng
Bâng quơ...
Ta còn em những cuộc tình
Như một bài thơ
Những nỗi đau gặm mòn phận số
Nhật ký sang trang
Ghi thêm nỗi khổ...

18.
Ta còn em đống kim ngân
Đổ đầy hàng mã
Ngựa, xe, võng, lọng
Những hình nhân nuối tiếc vàng son
Khi phố phường là miền loạn gió
Làm sao tìm được mớ tro than?

19.
Ta còn em nóc phố
Lô xô
Màu ngói cũ
Ngôi nhà còn tiếng khóc oa oa
Con đường đá lát bao niên kỷ
Qua sông nhớ mẹ tuổi già...

Chương V
20.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ
Một thời thịnh
Một thời suy
Hưng vong lẽ thường
Người qua đó
Hững hờ bài học sử...
Ta còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa
Ly rượu đầy xin rót cúng cha
Nghìn lạy cúi đầu thương đất tổ
Bến nước nào đã neo thuyền ngự
Đám mây nào in bóng rồng bay?

21.
Ta còn em tháng chạp
Những hàng cây óng ả sợi hồng
Tháng chạp
Trên giường trải chiếu hoa
Tháng chạp
Mùi hương dài theo phố
Một tháng chạp
Mẹ
Nửa đêm thức
Hoá vàng...

Chương VI
22.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em năm cửa ô -
Năm cửa gió
Cơn bão thường niên qua đó -
Ba mươi sáu phố
Bao nhiêu mảnh vỡ?
Ta còn em một màu xanh thời gian
Một màu xám hư vô
Chợt nhoè
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến
Chợt mong manh
Một dáng
Một hình
Nhợt nhạt vàng son
Đậm đầy cay đắng...

23.
Ta còn em những ngõ cụt bất ngờ
Cửa ngẩn ngơ
Ngôi nhà không người ở
Khung trời của nỗi buồn
Vô cớ...
Người nghệ sĩ lang thang
Hoài
Trên phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha...

24.
Ta còn em những giọt sương
Nhoè nhoè bóng điện
Mặt nước Hồ Gươm
Một đêm trở lạnh
Tháp Rùa ngả bóng lung linh
Cánh nhạn chao nghiêng
Chiều cuối
Người ra đi mang theo buốt giá
Áo choàng không ấm thân gầy
Cầm bằng như cánh chim bay...

Chương VII
25.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em cây bàng
Mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố
Mồ côi mùa đông
Ta còn em mảnh trăng
Mồ côi mùa đông...
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em cánh tay trần
Mở cửa
Mùa Xuân trong khung:
Giò phong lan
Điệp vàng rực rỡ
Từng cây khô óng ả sợi tơ hồng
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình
Xanh nõn lá...
Ta còn em,
Hà Nội - phố, em ơi!
Ta còn em,
Em ơi! Hà Nội, phố...

(Tháng chạp, 1972)


Chú thích
[1] Gợi nhớ pianiste Trịnh Thị Nhàn (ĐT)
Ảnh đại diện

Khuôn mặt em (Văn Cao): Sửa một chữ sai chính tả

Câu đầu tiên: 'Giữa những ngày dài dằng dặc', 'không phải dài dằng dặt'

Ảnh đại diện

Bài thơ tình ở Hàng Châu (Tế Hanh): sửa mấy chữ sai trong bài Bài Thơ tình ở Hàng châu của Tế Hanh

Câu 33: Anh ngước nhì bức thêu trên vách,
phải là: Anh ngước nhìn (không phải là nhì) bức thêu trên vách

Câu 34 : Hỡi bóng người đi một hàng tùng bách
phải là: Hai (không phải là hỡi) bóng người đi một hàng tùng bách

Ảnh đại diện

Tiếc bướm (Đinh Hùng): Sửa một chữ trong bài thơ "Tiếc bướm" hay "Linh hồn Hoài Điệp"

Câu thứ hai khổ thứ tư:
'Vịn hái hoa trong vườn quý' cần sửa là:
'Vin hái hoa trong vườn quý'
'Vin'là vin cành xuống để hái(thấy dùng trong câu ngạn ngữ: "Bé không vin, cả gãy cành").
Chứ không phải'Vịn' vào cành để hái hoa, ở đây nghĩa nặng nề, không phải ngôn ngữ thơ. Đây là theo trí nhớ của chúng tôi khi đọc bài thơ này ở đâu đó ngày xưa, không còn nhớ nguồn gốc.

Ảnh đại diện

Chiều xuân (Anh Thơ): sửa mấy chữ sai trong bài Chiều xuân của Anh Thơ

Câu 2 khổ 1: "trôi sông" phải sửa thành "sông trôi";
Câu 2 khổ 2: "sà xuống" phải sửa thành "xà xuống";
Câu 1 khổ 3: Câu "Trong đồng hoa lúa xanh dờn và ướt lặng" phải sửa thành" Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng"

(theo bài thơ trích dẫn trong "Thi nhân VN" cua Hoài Thanh.

Trang trong tổng số 2 trang (14 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: