Trang trong tổng số 3 trang (24 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bình san điệp thuý (Mạc Thiên Tích): Giới thiệu thêm Bình San điệp thúy

Bình San điệp thúy (chữ Hán: 屏山疊翠) có nghĩa Núi dựng một màu xanh, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh[1].
Cả hai bài đều miêu tả cảnh đẹp của núi Bình San hay Bình Sơn, một trong mười thắng cảnh của đất Hà Tiên (Việt Nam) xưa. Nay núi thuộc phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Bình San là một dãy núi như bức bình phong che chắn gần hết mặt phía Tây thành Hà Tiên xưa. Điệp Thuý có nghĩa là ngút ngàn, lớp lớp một màu xanh trập trùng.[2] Núi này còn có tên gọi là núi Lăng, vì trên núi có lăng mộ Mạc Cửu, con cháu họ Mạc và các vị quan văn võ khác.

Giới thiệu thơ:
Bài chữ Hán (xem bên trên)

Bài chữ Nôm
Đây là một khúc vịnh 30 câu được Mạc Thiên Tứ viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát gián thất (Song thất lục bát), mà cuối đoạn gắn liền với một bài thơ bát cú.
Bài thơ bát cú như sau:

Một bước càng thêm một thú yêu,
Lằn cây vít đá vẽ hay thêu?
Mây tòng khói liễu, chồng rồi chập,
Đàn suối ca chim, thấp lại cao.
Ngọc luật Trâu ông chăng phải trổi,
Ngòi sương Ma Cật đã thua nhiều.
Đến đây mới biết lâm tuyền quới,
Dám trách Sào Do lánh Đế Nghiêu.[3]

Bình Sơn điệp thúy là cảnh thứ hai trong Hà Tiên thập cảnh. Đầu bài này sóng đôi với đầu bài thứ nhất là Kim Dữ lan đào. Cảnh Kim Dữ là địa điểm chiến lược, thì cảnh Bình San là chốn an nhàn, thanh tú.

Đề cập bài luật Nôm, trong Văn học Hà Tiên do Đông Hồ biên soạn, có đoạn phân tích đại để như sau:
Hai câu đầu: tả vẻ đẹp thanh tú của cảnh, với lằn cây vết đá như vẽ như thêu. Câu ba & bốn: tả mây tùng, khói liễu, đàn suối, chim ca. Ở đây, tác giả khéo dùng cụm từ: chồng rồi chập để diễn tả. Câu năm: thừa ý câu bốn, vì tác giả nghĩ rằng đã có khúc hòa tấu thiên nhiên rồi, thì cần gì phải nghe âm nhạc nhân tạo, dù là của Trâu ông (người âm luật học có tài) đi chăng nữa. Câu sáu: thừa ý câu hai & ba. Vì đã có lằn cây vết đá như vẽ như thêu, khói liễu mây tùng chồng chập thì cần chi phải nhìn tranh sơn thủy, dù là của danh họa Vương Duy. Câu bảy & tám: Tác giả kết luận rằng có Bình San, mới biết chốn lâm tuyền là quý; rồi mới hiểu vì sao Sao Phủ & Hứa Do từ chối ngôi vua.

Đối với bài Hán thi, trong sách trên cũng có phần phân tích, tóm lược như sau: Bốn câu đầu tả cảnh đẹp của núi Bình San. Câu năm & sáu: vừa tả khí thế bề lâu, vừa tự hào khí thế của mình cùng ý mong cầu sự nghiệp được vững bền như non núi. Câu bảy & tám: ý tác giả muốn nói, tuy là núi Bình San không thể sánh với những danh lam khác, nhưng mà một ngọn đồi nhỏ nhắn, một màu xanh nhẹ nhàng cũng đủ là một cảnh đặc biệt, có bản sắc riêng. Câu kết hô ứng với câu hai, nhắc lại lần nữa ý đầu bài, làm nổi rõ thêm màu sắc của ngàn xanh điệp thúy. [4]
Bùi Thuỵ Đào Nguyên, soạn.


Chú thích
1. Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh có sau Hà Tiên thập vịnh (1737), và tập thơ này chưa được khắc in. Bản hiện nay do thi sĩ Đông Hồ sưu tập được.
2. Thi sĩ Đông Hồ giải nghĩa từ chữ như sau: "Bình là tấm bình phong, sơn là núi, điệp là chồng chất nhiều lớp, thúy là màu xanh lông chim trả" (Văn học Hà Tiên, tr. 177).
3. Chép đúng theo Văn học Hà Tiên, do Đông Hồ biên soạn, Nxb Văn nghệ TP. HCM, 1999, tr. 160-162. Xem toàn bài thơ trong sách này.
Chú thích từ khó hiểu:
Ngọc luật: ống tiêu, ống sáo làm bằng ngọc.
Trâu ông: chưa khảo cứu được. Ma Cật tức Vương Duy.
Lâm tuyền: rừng và suối, dùng để chỉ cảnh suối rừng thanh u, tĩnh mịch.
Sào Do: cùng với Hứa Do là hai nhân vật cao sĩ thời xưa, vua Nghiêu nghe tiếng hiền đức, muốn nhường ngôi cho nhưng cả hai đều từ chối, bỏ đi ở ẩn (theo Đông Hồ, Văn học Hà Tiên, tr. 180).
4. Lược theo Văn học Hà Tiên, tr. 183-187.
Ảnh đại diện

Tiêu tự thần chung (Mạc Thiên Tích): Thông tin thêm về Tiêu Tự thần chung

Tiêu Tự thần chung (chữ Hán: 蕭寺晨鐘) có nghĩa Chuông sớm ở chùa vắng, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh[1].

Cả hai bài đều nói về tiếng chuông sớm vang lên từ ngôi chùa Tiêu, một danh lam của đất Hà Tiên (Việt Nam) xưa.
Theo Nghiên cứu Hà Tiên, trong Hà Tiên thập vịnh in năm 1737, bài thơ có tên Tiêu Tự hiểu chung. Khi họa vận mười bài thơ này vào năm 1753, Nguyễn Cư Trinh đổi tựa lại là Tiêu Tự thần chung.[2]

Và hiện nay có ba ý kiến khác nhau về ngôi chùa đã phát ra tiếng chuông trong thơ:

*Ý kiến thứ nhất: chùa Tiêu ở núi Địa Tạng.
Sách Gia Định thành thông chí chép:
Địa Tạng Sơn (núi Địa Tạng) Ở về phía bắc của trấn, cách núi Phù Dung 5 dặm. Trên núi có chùa Địa Tạng, vì vậy nên có tên là núi Địa Tạng. Chùa nầy công đức trang nghiêm, ai vào cửa chùa bỗng thấy tắt hẳn tục niệm tham sân, thật là cảnh giới làm bậc thang để đến non Thứu. Đây là cảnh Tiêu tự thần chung (chuông mai chùa vắng) là một trong số 10 cảnh đẹp của Hà Tiên.

*Ý kiến thứ hai: chùa Tiêu là chùa Tam Bảo ngày nay, hiện tọa lạc tại số 328, tổ 2, ấp Ao Sen, đường Phương Thành, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

*Ý kiến thứ ba: chùa Tiêu là chùa Phù Dung cổ.
Sau khi dẫn chứng, tác giả sách Nghiên cứu Hà Tiên viết:
Chúng tôi khẳng định rằng chùa Tiêu (Tiêu Tự) chính là chùa Phù Dung cổ, tọa lạc ở phía tây nam núi Phù Dung.
Và cũng theo sách này, thì Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí đều mô tả đúng vị trí Tiêu Tự, nhưng ghi lầm tên là chùa Địa Tạng.[2]

Giới thiệu thơ
Bài chữ Hán (xem bên trên)
Bài thơ Nôm
Đây là một khúc vịnh 34 câu được Mạc Thiên Tứ viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát gián thất (Song thất lục bát), mà cuối đoạn gắn liền với một bài thơ bát cú.
Bài thơ bát cú như sau:

Rừng thiền sít sát án ngoài tào,
Chuông gióng chùa Tiêu tiếng tiếng cao.
Chày thỏ bạt vang muôn khói sóng,
Oai kình tan tác mấy cung sao.
Não phiền kẻ nấu sôi như vạc,
Trí tuệ người mài sắc tợ dao.
Mờ mịt gẫm dường say mới tỉnh,
Phù sanh trong một giấc chiêm bao.(3)

Bài Hán thi Tiêu Tự thần chung, tác giả đã khéo mượn thêm ý cảnh bên ngoài chùa chiền để làm nổi bật tiếng chuông chùa. Thi sĩ Đông Hồ có lời bình đại để như sau:
Câu phá đề (câu 1) bốn chữ “tàn tinh liêu lạc” rất đắc địa. Câu thừa đề (câu 2) điểm ngay vào tiếng chuông vang lên trong cảnh đêm tàn. Câu thực trên (câu 3), nói về tai người nghe tiếng chuông mà lòng những mơ màng. Câu thực dưới (câu 4) tả thanh âm của hồng chung đồng vọng vang đầy khắp bờ cây nến nước. Cặp luận (câu 5 & 6) mượn thêm tiếng hạc, tiếng quạ. Hai câu kết (câu 7&8) nói lòng người bâng khuâng khi vừa mới thức, giấc mộng vừa tan, bên gối mơ màng, tâm hồn chưa định, thì bỗng vang lên một tiếng gà gáy sớm, mà người đã khát khao, chờ đợi...
Toàn thể bài Hán thi, nửa trên nói về tiếng chuông; nửa dưới mượn thêm những tiếng khác góp với tiếng chuông để gây nên một bản hòa tấu thanh âm, một khúc nhạc đón bình minh rộn rã; làm cho cảnh chùa tịch mịch mà bỗng hóa xôn xao, đang buồn bã bỗng hóa vui. Bài đã tỏ được cảnh “tiêu tự”, mà lại tỏ rõ được tiếng “thần chung”.
Đề cập bài Tiêu Tự thần chung luật Nôm, Đông Hồ có lời bình thêm: Tác giả mượn tiếng chuông chùa để cảnh tỉnh người đời. Ý thơ rất đắc địa, vì thời khắc thỉnh chuông vừa đúng lúc tàn canh, người đời cũng vừa tỉnh cơn mộng mị.[4]

Trích nhận xét của GS. Lê Đình Kỵ:
Tiếng chuông trong bài Tiêu Tự thần chung không phải là tiếng chuông chiều mộ vắng của một Hàn sơn tự nào, mà là tiếng chuông giữa buổi sớm, nó đánh thức hơn là ru ngủ. Tuy nó gợi đến kiếp phù sinh, đến cuộc đời mộng ảo; nhưng người đọc vẫn cảm nhận được đó là một tiếng chuông vang dội át cả tiếng sóng rền, làm rung chuyển tạn cung mây, lay động đến các vì tinh tú...qua những câu thơ đầy khí thế.(5)

Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu.


Chú thích
1. Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh có sau Hà Tiên thập vịnh (1737), và tập thơ này chưa được khắc in. Bản hiện nay do thi sĩ Đông Hồ sưu tập được.
2. Trương Minh Đạt, Nghiên cứu Hà Tiên, sách do Nxb Trẻ và tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, 2008, tr. 356 & 447. Xem dẫn chứng trong sách này.
3. Chú thích: Sít sát: khít gần bên cạnh.Tào: công thự, dinh sở. Xem toàn bài thơ trong Văn học Hà Tiên, do Đông Hồ biên soạn, Nxb Văn nghệ TP. HCM, 1999, tr. 188-190.
4. Lược theo Văn học Hà Tiên, tr. 197 và 200-202.
5. Lược theo Thay lời nói đầu trong Văn học Hà Tiên, tr. 15.
Ảnh đại diện

Đông hồ ấn nguyệt (Mạc Thiên Tích): Đông hồ ấn nguyệt

Đông hồ ấn nguyệt (chữ Hán: 東湖印月,) có nghĩa hồ phía đông in hình trăng, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh[1].

Cả hai thi phẩm đều nói về một khu đầm tự nhiên nằm ở phía Đông trấn Hà Tiên xưa, nay thuộc phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (Việt Nam).
Đông Hồ rộng khoảng 1.047 ha (có nguồn ghi 14 Km2), là nơi hợp lưu giữa kênh Vĩnh Tế với sông Giang Thành trước khi đổ ra vịnh Thái Lan. Lẽ ra nơi đây phải được gọi là đầm, phá hay vũng; nhưng người xưa đã quen gọi là hồ, vì lẽ từ trên cao nhìn xuống, núi Tô Châu (đại Tô Châu, tiểu Tô Châu), núi Kim Dữ và núi Bình San vây quanh, không còn trông thấy cửa biển, nên nó trông giống một cái hồ hơn.

Sách Gia Định thành thông chí giới thiệu hồ như sau:
Ấy là hồ ở trước trấn thự, phía nam khóa thủy khẩu của hải cảng Hà Tiên chặt chẽ để giữ địa khí, bề ngang 5 trượng, sâu 10 thước ta. Phía bắc tiếp với hạ lưu sông Vĩnh Tế. Lòng hồ mênh mông rộng 71 trượng, gọi là hồ Hà Tiên, còn gọi là Đông Hồ, vì hồ ở về phía đông vậy. Giữa hồ có nổi cồn cát non, phía đông và phía tây nước sâu trên dưới 5 thước ta, thuyền bè ở sông ở biển đến đậu chen nhau, người buôn tụ hội đông đảo. Cảnh trăng nước mênh mang, trong 10 cảnh ở Hà Tiên đây là cảnh Đông Hồ ấn nguyệt (trăng in Đông Hồ).

Ngày trước, nối hai bờ Đông hồ là một chiếc cầu phao, bây giờ đã có cầu bê tông.

Thơ:
Bài chữ Hán (xem bên trên)
Bài chữ Nôm
Đây là một khúc vịnh 34 câu (2) được Mạc Thiên Tứ viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát gián thất (Song thất lục bát), mà cuối đoạn gắn liền với một bài thơ luật (8 câu). Thể thơ này rất thịnh hành thời cuối Lê.

Bài thơ luật như sau:

Một hồ lẻo lẻo tiết thu quang,
Giữa có vầng trăng nổi rỡ ràng.
Đáy nước chân mây in một sắc,
Ả Hằng nàng Tố ló đôi phương.
Rạng thanh đã hứng thuyền Tô Tử,
Lạnh lẽo càng đau tiếng Nhạc Xương.
Cảnh một mà tình người dễ một
Kẻ thì ngả ngớn kẻ sầu thương.

Cả hai bài đều chú trọng tả cảnh một vầng trăng in bóng xuống mặt hồ, thành đôi bóng song song trên trời dưới nước. Đề cập đến bài Hán thi, theo thi sĩ Đông Hồ thì toàn thể bài không nói lên được ý cảnh của đầu bài là “ấn nguyệt”. Tác giả chỉ nói được tư thế của mình cũng có thể sánh với triều đình nhà Thanh và nhà Nguyễn. Hai câu luận (5 &6) bộc lộ ý rõ ràng: “Trời” và “biển” được dùng để chỉ hai triều đình trên.

Với bài thơ Nôm, thi sĩ Đông Hồ có lời bình đại để như sau:

Tả một hồ nước trong vắt đương tiết mùa thu quang đãng. Tại sao lại chọn vào tiết mùa thu? Bởi núi thì đẹp vào mùa xuân mà nước thì đẹp vào mùa thu. Một vầng trăng vành vạnh nổi giữa thanh không in bóng xuống mặt hồ trong leo lẻo. Dưới như hô như ứng, như tiếng vang, như ảnh tùy hình. Ở hai câu đầu, hồ và trăng riêng rẽ, đến hai câu thực (ba & bốn), trời với nước mới hòa đồng, trăng với hồ mới hỗn hợp. Trong cảnh sắc đó, có người hân hoan như chàng Tô Tử thả thuyền trên sông Xích Bích, nhưng cũng có người đeo mối bi ai như nàng Nhạc Xương[3]. Mới biết ngoại cảnh là một, mà cảnh ngộ tâm tư đâu đã giống nhau.

Tóm lại, bài thơ Nôm có tám câu, mà câu nào cũng vừa đúng với ý cảnh, với tâm tình. Nửa bài trê, tả cảnh trăng cảnh nước, nửa bài dưới, đáng lẽ nói lên niềm vui trọn vẹn thì tác giả lại để vào đó một niềm bi thu não nuột, làm cho chúng ta thấy cuộc hoan lạc ở đời, không bao giờ được hoàn toàn. Bài thơ vì thế có đôi chút triết lý nhẹ nhàng...
So lại, bài thơ Nôm hay hơn, trau chuốt hơn bài Hán thi. Cách đây hơn hai thế kỷ mà lời thơ đã trau chuốt, lọc lõi đến như thế, thật là một điều đáng lạ và đáng quý...[4].

Bùi Thuỵ Đào Nguyên, giới thiệu.


Chú thích
1. Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh có sau Hà Tiên thập vịnh (1737), và tập thơ này chưa được khắc in. Bản hiện nay do thi sĩ Đông Hồ sưu tập được.
2. Xem toàn bài trong Văn học Hà Tiên do Đông Hồ biên soạn, Nxb Văn nghệ TP. HCM, 1999, tr. 246-247.
3. Đây nhắc tích "gương vỡ lại lành": Nhạc Xương công chúa, em Trần Hậu Chủ, có chồng (có sách chép là người yêu) là Từ Đức Ngôn. Gặp buổi loạn lạc, bèn bẽ gãy một chiếc gương tròn, chia mỗi người giữ một mảnh. Nhờ vậy, mà sau này hai người gặp lại nhau.
4. Theo Đông Hồ, Văn học Hà Tiên, tr. 257-259 và 263
Ảnh đại diện

Châu nham lạc lộ (Mạc Thiên Tích): Giới thiệu Châu Nham lạc lộ

Châu Nham lạc lộ (Cò về núi ngọc), là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh[1]. Cả hai bài đều mô tả cảnh đẹp của núi Châu Nham, một trong mười thắng cảnh của đất Hà Tiên (Việt Nam) xưa.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả núi Châu (Chu) Nham như sau:
Châu Nham tục gọi là Bãi Ớt, cách trấn về phía đông 22 dặm rưỡi. Đỉnh núi tròn trịa, sườn đá lởm chởm, chạy thẳng đến bờ biển; có những gành đá chênh vênh, vũng sâu bùn cát, quanh bọc 2 bên tả hữu. Trong đó có đá tinh quang, ở dưới nhiều sò vằn đỏ. Tương truyền khi Mạc Cửu còn hèn mọn đến dưới Châu Nham nhặt được viên ngọc đường kính gần cả tấc ta (gần 3,3 cm) quý vô giá, ông kính dâng lên chúa. Bên bờ Châu Nham có vực sâu, là nơi hang ổ của cá tôm, chim cò bơi lội kiếm ăn từng bầy. Đây là cảnh Châu Nham lạc lộ, một trong 10 cảnh ở Hà Tiên.
Hai sách khác là: Đại Nam nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt (1865-1882)[2], Nam Kỳ lục tỉnh Địa dư chí của Duy Minh Thị (1872)[3]đều chép tương tự.
Riêng cuốn Monographie de la Province d’Hatien do người Pháp biên soạn năm 1901, chép vắn tắt hơn, dịch: Đồi Châu Nham trong cụm Bãi Ớt, xưa che giấu một viên ngọc trai vô giá [4]

Mặc dù các sách trên đã nói rõ "Châu Nham tục gọi là Bãi Ớt", nhưng hiện nay vẫn tồn tại hai ý kiến khác nhau về núi Châu Nham.

*Ý kiến thứ nhất: Châu Nham là núi Đá Dựng.
Đây là một dãy núi đá vôi cao gần 100 m nằm chơ vơ giữa đồng bằng, theo hướng Tây Bắc, cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 6 km. Ý kiến này do thi sĩ Đông Hồ nêu ra trong bài Bút ký chơi Châu Nham, đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1926.
Chung quan điểm trên, tác giả Huỳnh Công Tín, viết:
Có ý kiến cho "Châu nham lạc lộ" là vùng "Bãi Ớt" vì nơi đây cũng có nhiều chim cò về trú ngụ. Nhưng nếu xét trong tương quan của một cặp cảnh thì "Châu nham lạc lộ" có lẽ thích hợp với vùng núi Đá Dựng hơn. Hơn nữa, trong bài khúc vịnh "Châu nham lạc lộ", Mạc Thiên Tích có nói về sự gần gũi địa lí của hai cảnh đẹp này:
Luôn đường trở gót đi ra,
Chân còn Thạch Động, mặt là Châu Nham...[5]

*Ý kiến thứ hai: Châu Nham là tên một ngọn núi ở Bãi Ớt.
Đây là một ngọn núi thuộc bãi Nam Phố, nằm ở phía Nam thị xã Hà Tiên. Ý kiến này do Trương Minh Đạt nêu ra sách Nghiên cứu Hà Tiên.
Sau khi trích dẫn các sách (đã nêu ở phần mô tả), ông Đạt còn cho biết ở trong bài thơ chữ Hán Châu Nham lạc lộ của Mạc Thiên Tứ và bài hoạ của Nguyễn Cư Trinh, có những chữ như: bãi cồn, cát, bến nước, trên sóng, chài, nước triều lên xuống...thì rõ ràng Châu Nham phải nằm sát bờ biển, chớ không thể ở chỗ đồng bằng.
Thêm nữa, núi Đá Dựng đã được Gia Định thành thông chí biên chép với cái tên là Bạch tháp sơn (Hòn Bạch Tháp):
Ở cách phía bắc Vân Sơn 5 dặm. Thế núi quanh co, cỏ cây xanh tốt, có nhà sư ở Quy Nhơn (Bình Định) là đại hòa thượng Hoàng Long vân du dừng gậy trụ lại đó. Đến đời Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế (Nguyễn Phúc Chú) năm thứ 13 là năm Đinh Tỵ (1737), hòa thượng viên tịch, đồ đệ của ông dựng tháp 7 cấp để trân tàng xá lợi; mỗi khi đến tiết Tam nguyên và Phật đản thì sáng có con hạc đen đến chầu, con vượn xanh cúng quả, lưu luyến bồi hồi như có ý muốn tham thiền nghe pháp; đáng gọi là cõi tịnh độ tiêu sái của vườn Kỳ viên vậy.

Sách Hoàn Vũ Ký của Tĩnh Sơn Nguyễn Thu, Đại Nam nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt của Quốc sử quán nhà Nguyễn, Nam kỳ Lục tỉnh địa dư chí của Duy Minh Thị đều chép tương tự, và không có sách nào nói núi Bạch Tháp (núi Đá Dựng) là Châu Nham cả.
Sau khi phân tích, đối chiếu, Trương Minh Đạt kết luận rằng:
Do trước kia ở miền Nam sách vở thiếu thốn, mười cảnh đẹp của Mạc Thiên Tứ không được biết rõ ràng, khiến thi sĩ Đông Hồ đã nhầm lẫn trong khi viết. Và hai chữ Châu Nham trong tựa bài thơ của Mạc Thiên Tứ, không phải chỉ có ý nghĩa thuần túy văn học mà còn là một địa danh có thật thời xưa. Châu Nham chính là Bãi Ớt, thuộc xã Dương Hòa, thị xã Hà Tiên, chứ không phải là núi Đá Dựng. Ngày nay, sự lầm lẫn này đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong xã hội và trong sách báo.[6]

Thơ chữ Hán (xem bên trên)

Thơ chữ Nôm
Đây là một khúc vịnh được Mạc Thiên Tứ viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát gián thất (Song thất lục bát), mà cuối đoạn gắn liền với một bài thơ luật. Thể thơ này rất thịnh hành thời cuối Lê.
Luôn đường trở gót đi ra,
Chân còn Thạch động, mặt là Châu Nham.
Thế đã cam thơ nào mạc (1) đặng,
Hình thể này mới bạn họa danh (2).
Đỉnh kia tháp nọ đã đành,
Sói hùm lộn lạo, yến oanh dần dà.
Non chẳng già ai xưa khéo đặt,
Nảy chồi thu vẫn sắc kiều nhiêu (3).
Dọc dò (4) đá mọc cheo leo,
Đã quen quyến nhạn, lại nhiều rủ loan.
Cò đâu kể số muôn ngàn,
Truông mây vén ngút man man (5) bay về.
Đầy bốn bề kêu la tở mở,
Lượn rồng rồng (6) như vỡ chòm ong.
Rơi ngân rớt phấn (7) giữa không,
Sương ken đòi cụm, tuyết phong khắp hàng.
Ví Hành dương (8) nhạn phân chủ khách,
Trắng hòa ngàn (9), chẳng khác trời dông.
Chen nhau giáp cánh dửng lông,
Vật tranh thể ấy, non lòng biết bao.
Sắc phau phau đã nên trong sạch,
Đối thái hư hắc bạch càng phân.  
Bỏ ngày khác chốn giang tân,
Cá tôm giỡn mặt, xa gần ỏi tai.
Xót cõi ngoài doi le bãi hạc,
Nhớ đầm xưa lại nhắc ngặt ngào (10).
Chi bằng cây cả tán cao,
Co tay một giấc, ba sào chưa hay (11).
Dẫu chẳng tày (12) sẽ toan thế khác,
Ai chẳng cho ưu lạc (13) làm chi.
Đã hay có chỗ về đi,
Người lành chưa dễ mất khi đỗ đình (14).
Một chữ tình lại thêm chữ kiểng (15),
Chạnh lòng này mấy tiếng trường ngôn. [12]
Thơ rằng:
Biết chỗ mà nương ấy mới khôn,
Bay về đầm cũ mấy mươi muôn.
Đã giăng chữ nhất dài trăm trượng,
Lại xấp bàn vây trắng mấy non.
Ngày giữa ba thu ngân phấn vẽ,
Đêm trường chín hạ tuyết sương còn.
Quen cây chim thể người quen chúa,
Dễ đổi nghìn cân một tấm son.

Thi sĩ Đông Hồ có lời bình:
Đây là cảnh thứ sáu trong Hà Tiên thập cảnh, đối lại với cảnh thứ năm là Thạch Động thôn vân (Động đá nuốt mây). Cũng là cảnh động đá, nhưng ở Thạch Động thôn vân càng mơ màng diễm ảo, thì ở Châu Nham lạc lộ càng sáng sủa, phân minh. Cảnh Thạch Động, chú trọng ở điểm “thôn vân”, thì cảnh Châu Nham, chú trọng ở điểm “lạc lộ”. Nhất là trong nền tối hoàng hôn, sắc trắng của cánh chim càng thêm nổi rõ, khiến sắc minh bạch lại càng thêm minh bạch. Ở bài thơ này, tác giả mượn cảnh đàn chim về núi mà ví với cảnh ngộ, với cảm tình của con người đối với gia hương tổ quốc.
Tương tự, GS. Lê Đình Kỵ cũng đã viết:
Châu Nham lạc lộ là nói núi Đá Dựng, nơi những đàn cò trắng sáng đi ăn ở các đầm vũng gần xa, ở bãi biển mé gành, tối bay về nghỉ trong núi. Tác giả mượn cảnh đi về của chim để nói lên tấm lòng son gắn bó với dân với nước...

BÙi Thuỵ Đào Nguyên, giới thiệu.


Chú thích
1. Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh có sau Hà Tiên thập vịnh (1737), và tập thơ này chưa được khắc in. Bản hiện nay do thi sĩ Đông Hồ sưu tập được.
2. Đại Nam nhất thống chí do Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ Khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn xuất bản, 1973, tr. 57.
3. Nam Kỳ lục tỉnh Địa dư chí in trên Đại Việt tạp chí số 52 ra ngày 1 tháng 12 năm 1944, tr. 95.
4. Monographie de la Province d’Hatien, Saigon-Imprimerie L. Ménard, 1901, tr. 59.
5. Từ thị xã Hà Tiên, đi một đoạn đường khoảng 7km theo quốc lộ 80 về hướng cửa khẩu Xà Xía, đến ngọn Thạch Động thì gặp một con đường rẽ phải. Theo con đường này đi khoảng 1km nữa là đến núi Đá Dựng. Danh thắng này nằm cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 4 km.
6. Theo bài viết: Châu Nham Lạc Lộ, cảnh xưa thật sự nơi đâu? Và bài Nơi phát tích bài thơ Châu Nham Lạc Lộ không phải là núi Đá Dựng. Cả hai bài đều in trong Nghiên cứu Hà Tiên, sách dẫn ở mục tham khảo.

7. Đông Hồ giải thích từ khó hiểu: (1) Mạc: phỏng để vẽ lại. (2) Mới bạn họa danh: ý nói cảnh tượng kỳ tuyệt, không có ai phỏng theo mà vẽ cho được. (3) Kiều nhiêu: non mởn tươi đẹp. (4) Dọc dò: sâm si không đều nhau, có hình thể kỳ lạ cheo leo. (5) Man man: vạn vạn, chỉ số nhiều. (6) Rồng rồng: tả hình dáng uốn khúc như hình rồng. (7) Rơi ngân rớt phấn: Ví đàn cò bay đáp xuống từng đợt, ở xa nhìn như ngân rơi phấn rớt giữa không gian. (8) Hành dương: bãi biển Hành Dương. (9) Trắng hòa ngàn: trắng khắp cả ngàn núi, ngàn cây. (10) Ngặt ngào: biến âm của ngặt nghèo. (11) Ba sào chưa hay: mặt trời lên cao ba sào mà chưa thức. (12) Dẫu chẳng tày: dầu chẳng được như ý mong muốn (13) Ưu lạc: thong dong nhàn hạ vui vẻ. (14) Mất khi đỗ đình: mất những lúc đậu, lúc ngừng, lúc nghĩ. Đỗ đình có nghĩa là nơi căn cứ vững chắc, nơi gốc gác. (15) Kiểng: biến âm của cảnh (Văn học Hà Tiên, tr. 233-236).

Tham khảo
*Trương Minh Đạt, Nghiên cứu Hà Tiên, Nxb Trẻ & Tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, năm 2008.
*Đông Hồ, Văn học Hà Tiên, Nxb Văn Nghệ TP. HCM, 1999.
Ảnh đại diện

Lộc trĩ thôn cư (Mạc Thiên Tích): Lộc trĩ thôn cư

Giới thiệu Lộc trĩ thôn cư

Lộc trĩ thôn cư (chữ Hán: 鹿峙村居), có nghĩa thôn xóm Mũi Nai, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh[1].
Thôn xóm Mũi Nai xưa, nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Lộc trĩ thôn cư cùng với Lư khê ngư bạc là cặp cảnh sau cùng mà Mạc Thiên Tứ đã nói đến trong Hà Tiên thập vịnh & Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Đây là hai cảnh sinh hoạt của người dân Hà Tiên, gắn liền với đặc điểm đất đai và ngành nghề.

Lộc Trĩ, là tên chỉ một mỏm núi nhô ra mặt biển, đi thuyền từ ngoài biển nhìn vào phảng phất giống như hình đầu con nai nằm ghếch mõm ngó ra mặt biển. Theo Đông Hồ thì có lẽ nhân tên Nôm là Mũi Nai nên mới có tên Hán là Lộc trĩ.

Và cũng vì mỏm núi có hình dạng như thế, nên từ rất lâu, trong dân gian đã lưu truyền rằng, từ thuở xa xưa, có một chú nai con hay ra đây uống nước. Rồi một ngày, vì mải say sưa ngắm cảnh đẹp của biển trời nên chú nai bị lạc lối về. Đến đêm, thì chú ngã gục rồi thì hóa đá bởi không thể chịu đựng mãi cảnh đói khát cùng sóng to, gió lớn...

Nhưng theo nghiên cứu của Trương Minh Đạt, thì cái tên Mũi Nai có nguồn gốc như sau: Thuở xa xưa, góc biển này được gọi là Mũi Nạy, vì nơi đó có núi Pù Nạy (Pù là núi, Nạy là lớn) mà người khmer nói trại là P’Nay hay Bà Nay. Đến khi người Việt đến đọc âm này thành Nai. Đến thời người Hoa đến, họ dịch chữ Nai ra chữ Hán là Lộc...[2]
Bãi biển Mũi Nai tuy không rộng, cát không trắng nhưng bãi thoai thoải, sóng không to, khí hậu luôn ôn hoà, mát mẻ. Xung quanh bãi là dăm xóm làng chài lẩn khuất trong màu xanh của núi rừng, của cây trái... Danh thắng này hiện là trọng điểm du lịch của tỉnh Kiên Giang.

Bài chữ Hán (xem bên trên)

Bài chữ Nôm
Bài Lộc trĩ thôn cư bằng Quốc âm có đến 34 câu ngâm song thất lục bát, và được kết bằng một bài thơ bát cú như sau:

Lâm lộc ai rằng thú chẳng thanh
Nửa kề nước biếc, nửa non xanh.
Duỗi co chẳng túng kiền khôn hẹp,
Cúi ngửa vì vâng đức giáo lành.
Lưu loát hưởng dư ơn nước thạnh
Ê hề sẵn có của trời dành.
Đâu no thì đó là an lạc,
Lựa phải chen chân chốn thị thành.[3]

Cả hai bài thơ đều tả cảnh sinh hoạt của dân cư trong thôn xóm ở Mũi Nai. Thi sĩ Đông Hồ có lời bình, đại ý như sau:

Chúng ta không nên quên Hà Tiên là vùng đất mới, tác giả chẳng những là một nhà cai trị có văn chương mà còn là một nhà kinh tế có tài cán. Vì thế, tác giả đã mượn đề tài này để cổ động cho người dân rủ nhau về chốn thôn trang, tức quy tụ về đất Hà Tiên; để ca tụng cảnh đồng quê cho người dân biết lấy cảnh quê làm thú, bằng lòng khẩn hoang lập ấp, vui sống với nghề cày cấy, trồng trọt...
Cũng theo Đông Hồ, thì cả hai bài Lộc trĩ thôn cư đều là thơ hay. Bởi tả cảnh thanh thú ở chốn thôn quê, tả nếp sống của người nông dân, có đủ cả: mái cỏ, tiếng chim, ráng chiều, mùi lúa nếp, con hươu con vượn...Nghĩa là, có đầy đủ điều kiện cho một cuộc sống vô sự hồn nhiên như người thái cổ. Nếu quan niệm rằng người ta sống là để tìm cảnh thái bình, hưởng lấy hạnh phúc; thì đời sống ở thôn quê quả là chỗ đáng để tìm đến...[4]

Bùi Thuỵ Đào Nguyên, giới thiệu.


Chú thích
1. Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh có sau Hà Tiên thập vịnh (1737), và tập thơ này chưa được khắc in. Bản hiện nay do thi sĩ Đông Hồ sưu tập được.
2. Trương Minh Đạt, Nghiên cứu Hà Tiên, Nxb Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, 2008, tr. 28.
3. Bản chữ Nôm có dị bản ở câu 4: "Vâng" thay vì "tuân", câu 5: "ơn" thay vì "nhân".
4. Lược theo Văn học Hà Tiên, tr. 287
Ảnh đại diện

Thạch động thôn vân (Mạc Thiên Tích): Thạch động thôn vân

Thạch động thôn vân (chữ Hán: 石洞吞雲), có nghĩa động đá nuốt mây, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh [1]. Cả hai bài đều mô tả cảnh đẹp của núi Thạch Động, một trong mười thắng cảnh của đất Hà Tiên (Việt Nam) xưa.

Thạch Động còn được gọi là Vân Sơn, là một ngọn núi nhỏ nằm ở xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đây là một khối đá vôi Pecmi sót khổng lồ, đứng sừng sững trên một đồi cát kết Đêvôn-cacbon sớm (cao 10 m), ở ngay ven đường Hà Tiên đi Campuchia.

Từ trung tâm thị xã Hà Tiên theo con đường nhựa đi về hướng biên giới Tây Nam, khoảng 3 km sẽ gặp núi Thạch Động nằm cạnh bên đường, với nhiều cỏ dại và cây xanh. Leo hết những bậc thang là một hang cao và rộng, có nhiều thạch nhũ với những hình thù lạ mắt. Ở đó còn có một ngách hang ăn sâu xuống lòng đất, khiến không biết từ bao giờ ngách hang sâu này cùng với những vân đá tượng hình cô gái lờ mờ trên vách đứng, đã hình thành nên câu chuyện cổ tích Thạch Sanh chém chằn. Ngoài ra, trong hang còn có chùa cổ Tiên Sơn. Tương truyền trước khi có chùa, đây là am tu của đạo sĩ Huỳnh Phong Chơn Nhơn (sau tu theo Phật, nên đổi hiệu là Huỳnh Phong Hoà thượng), dưới thời Mạc Cửu. Nhờ hai cửa hang ở trên cao (cửa phía Đông và cửa phía Tây), nên trong hang lúc nào cũng thoáng mát, và cũng nhờ nó mà người viếng cảnh nhìn thấy toàn cảnh thôn Vân, cửa khẩu Xà Xía, và mũi Nai ở phía xa...

Danh thắng Thạch Động đã được Mạc Thiên Tứ miêu tả bằng hai bài thơ, một bài chữ Hán và một bài chữ Nôm. Bài Thạch động thôn vân bằng Quốc âm có đến 32 câu ngâm song thất lục bát, và được kết bằng một bài thơ bát cú như sau:

Quỷ trổ thần xoi nổi một toà,
Chòm cây khóm đá dấu tiên gia.
Hang sâu thăm thẳm mây vun lại,
Cửa rộng thinh thinh gió thổi qua.
Trống rỗng bốn bề thâu thế giới,
Chang bang một dãy chứa yên hà.
Chân trời mới biết kho trời đấy,
Cân cái hèn chi rỡ ỷ, la. [2]
Đây là cảnh thứ năm trong Hà Tiên thập cảnh. Bốn đề tài trước gần thực tế, đến đề tài này thì khác hẳn. Thi sĩ Đông Hồ có lời bình: “Thơ này mượn cảnh nhân gian mà tả cảnh thần tiên. Nhân Thạch động là một cảnh động đá thiên nhiên, khói mây quanh quất, có thạch nhữ, nước ngọt suối trong khiến liên tưởng đến Đào Nguyên, Thiên Thai, mà so sánh với Động Đình, Nhạc Dương, toàn là cảnh thần tiên diễm ảo. Vì thế nên tứ thơ phiếu diễu mông lung, nửa hư, nửa thực; nửa chân nửa mộng; lời thơ cũng vì thế mà hoá ra huyền diệu mơ màng; khiến người đọc không nhận thấy đường nét sáng sủa phân minh, mà như lạc mình vào cõi mây phong khói toả.” [3]


Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Chú thích
1. Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh có sau Hà Tiên thập vịnh (1737), và tập thơ này chưa được khắc in. Bản hiện nay do thi sĩ Đông Hồ sưu tập được.
2. Xem toàn bài thơ Nôm này trong Văn học Hà Tiên, tr. 218-219.
3. Đông Hồ, Văn học Hà Tiên, Nxb Văn Nghệ TP. HCM, 1999, tr. 224.
Ảnh đại diện

Kim tự lan đào (Mạc Thiên Tích): Giới thiệu thêm Kim Dữ lan đào

Kim Dữ lan đào, Kim dữ lan đào hay Kim Dự lan đào (金嶼攔濤), là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Cả hai bài đều mô tả cảnh đẹp của núi Kim Dự, một trong mười thắng cảnh của đất Hà Tiên xưa.

Thi sĩ Đông Hồ giải nghĩa: Kim dữ là hòn đảo vàng. Lan là khép cảnh cửa lại, ngăn chặn, như cánh cửa khép lại. Đào là sóng gió. Vậy, Kim dữ lan đào là hòn đảo vàng ngăn chặn sóng gió từ ngoài biển không lọt vào được bên trong.

Bốn chữ này ngụ ý nói rằng, Hà Tiên tuy là một vùng đất nhỏ nhưng lại có tầm quan trọng trong việc che chắn cho giang sơn của chúa Nguyễn.

Tuy nhiên, có người dịch tên núi là Kim Dự hay Kim Dữ. Và núi này rất thấp, nên còn được gọi là hòn hay đảo. Năm 1831, vua Bảo Đại sai sửa sang đồn luỹ trên núi, cho đặt trọng pháo, vì thế ngọn núi này còn có tên gọi là Pháo Đài.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả núi Kim Dữ lớn (Đại Kim Dữ) như sau: “Đại Kim Dữ ở vùng bãi biển phía nam trấn, chu vi 193 trượng 5 thước ta. Đảo nầy ngăn sóng giữ, ấy là hạt ngọc biển của trấn. Nơi bờ có bắc cái cầu ván để thông lối ra vào, phía sau có viện Quan Âm, là chỗ Tống Thị Sương[1] thêu tượng Phật Bà tịnh tu; phía trái có điếu đình, khi có gió mát trăng trong, khách du ngoạn thường buông câu ngâm vịnh. Phía trước có đặt trại thủ bị, phía tây nam xây luỹ đá bao quanh để giữ giặc biển. Đây là cảnh Kim dữ lan đào [đảo Kim (vàng) ngăn sóng], một trong 10 cảnh đẹp ở Hà Tiên.” [2]

Trải bao năm tháng, đồn luỹ xưa trên đỉnh núi chỉ còn là phế tích. Giờ đây, ở nơi đó, người ta đã cho xây dựng một toà kiến trúc bề thế, đó chính là khách sạn Pháo Đài. Còn dưới chân núi, con đường bằng đá (đường Cầu Đá) ngày xưa nay đã được mở rộng và trải nhựa. Năm 2003, người ta cũng đã xây dựng cầu bê tông nối liền đôi bờ của cửa biển Hà Tiên. Đứng từ đỉnh, người ta có thể chiêm ngưỡng cảnh biển, cảnh Đông Hồ và phố chợ Hà Tiên. Núi này nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Cảnh núi Kim Dữ ngày xưa từng được Mạc Thiên Tứ miêu tả bằng hai bài thơ. Bài Kim dự lan đào bằng Quốc âm lại có đến 34 câu ngâm song thất lục bát và một bài thơ bát cú như sau:

Kim dữ này là núi chốt then,
Xanh xanh dành trấn cửa Hà Tiên.
Ngăn ngừa nước dữ khôn vùng vẫy
Che chở dân lành khỏi ngửa nghiêng.
Thế cả vững vàng trên Bắc hải,
Công cao đồ sộ giữa Nam thiên.
Nước yên chẳng chút lòng thu động,
Rồng bủa nhơn xa tiếp bách xuyên.
Đây là cảnh thứ nhất trong mười thắng cảnh xứ Hà Tiên, và cũng là đề tài mở đầu mà Mạc Thiên Tứ đã chọn cho thi phái Chiêu Anh Các ngâm vịnh. Thi sĩ Đông Hồ giải thích: “Tác giả lấy ngay cảnh này làm cảnh mở đầu, bởi vị trí Kim Dữ là địa điểm trọng yếu ở ngay giữa cảng Hà Tiên, ngó ra vịnh Xiêm La. Hình thể nó ví như cửa thành thiên nhiên, chống đỡ ngoại xâm và che chỡ nội địa. Tác giả đã khéo mượn vị trí núi để so sánh với nhiệm vụ, với địa vị của mình là một vị tướng lãnh trọng yếu trấn giữ biên cương; mượn lời vịnh cảnh mà thác gởi chí khí tâm sự mình rất nhiều trong đó.”

Đối với hai bài thơ trên, thi sĩ có lời bình, trích: “Bài Hán thi là bài nguyên xướng, bao nhiêu thi liệu, bao nhiêu từ ngữ về biển khơi về sóng gió tác giả đều dành hết cho bài này. Làm thơ Hán, sẵn thi liệu, sẵn điển cố, sẵn thành ngữ cho nên lời thơ dễ lưu loát, dễ phong phú”.

Vậy mà bài thơ Nôm hoạ lại, ý tứ vẫn chu đáo lời thơ vẫn thanh thoát. Tác giả đã tìm được vần chốt then rất đắc địa. Vần then vừa để hoạ vần tiên của bài Hán thi, mà lại nói đúng được hình thế vị trí tác dụng của cảnh đảo Kim Dữ.

Hai câu đầu: ý nói đất này không phải là đất chiếm đoạt. Họ Mạc đến đây trấn giữ chính là hành động thuận theo ý Trời và ứng với lòng người.

Câu ba & bốn: nói về công nghiệp ngăn ngừa chống đỡ ngoại địch và che chở bảo vệ cho dân cư đất nước.

Câu năm & sáu: ý nói đối với biển Bắc (chỉ nước Trung Quốc) thì giữ được thế lực chắn chắn vững vàng; còn đối với Trời Nam (chỉ chúa Nguyễn) thì dựng được công lao to lớn.

Cây bảy & tám: ý nói sau khi giữ gìn lãnh thổ trong ngoài đều được yên lành, trên dưới đều được no ấm, rồi thì đem chánh lịnh mà cai trị, lấy nhân nghĩa mà ban bố cho khắp chốn xa gần đều được nhờ, ví như dòng nước lai láng chứ chan tràn ngập khắp các sông lạch.

Ngoài ra, Mạc Thiên Tứ đặt chữ Kim ở đầu đề có một dụng ý văn hoa mà tự hào. Bởi sẵn có chữ Kim thành thang trì, là thành vàng ao sôi, ý nói về thành trì kiên cố, hào luỹ vững vàng [3].


Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Chú thích
1. Lịch sử Phật giáo Đàng Trong ghi tên cô là Tống Thị Lương và cho biết rằng cô là con một nhà giàu ở Hà Tiên, giỏi nữ công, giàu nữ hạnh. Khi đến tuổi mười sáu, nhiều nhà quyền thế cậy người đến cầu hôn, nhưng tất cả đều bị cô từ chối. Tương truyền, một hôm có một vị sư lạ tìm đến nhà cô khất thực. Người nhà cô cho gì, sư cũng không nhận chỉ nằng nặc đòi xin chiếc áo lót của cô đang phơi ngoài sân. Cha mẹ cô thấy việc bất nhã nên la mắng, xua đuổi nhà sư. Cô chạy ra khuyên can cha mẹ, thì thấy nhà sư nhìn cô mỉm cười rồi đi thẳng. Sau đó, lúc nào cô cũng thấy hình như có đức Phật hiển hiện ở bên mình, nên nài nỉ xin cha mẹ đi tu. Được phép, cô lập am thờ Quan Âm ở trên núi Kim Dự, rồi thêu một bức hình Quan Thế Âm bồ tát lớn, cứ mỗi mủi kim lại niệm Phật một câu, suốt ba tháng mới xong... (Theo Đại Nam Liệt Truyện tiền biên, quyển 6. Dẫn lại theo, Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb TP. HCM, 1996, tr. 385).
2. Đối diện với Đại Kim Dữ là Tiểu Kim Dữ. Sách Gia Định thành thông chí chép ngọn núi nhỏ này như sau: Ở ngoài cảng Hà Tiên, chu vi 74 trượng, như con cá Kim Ngao trấn nơi cửa biển, làm trụ tiêu cho thuyền bè ra vào.
3. Văn học Hà Tiên, Nxb Văn Nghệ TP. HCM, 1999 (tr. 25, 169, 171 và 174).
Ảnh đại diện

Quy khứ lai từ (Đào Tiềm): Thêm một ít tư liệu

Theo Dịch Quân Tả, một học giả người Trung Quốc, cho biết khi Đào Tiềm làm quan lệnh Bành Trạch, có quan đốc bưu đến huyện, bọn tiểu lại khuyên ông nên buộc dây đai để tiếp quan đốc bưu, ông than rằng: “Ta không thể vì năm đấu gạo mà uốn lưng trước bọn hương lý tiểu nhi”. Nói rồi, nội ngày đó ông trả ấn từ quan đi về làng cũ. Trên đường ông hoàn thành bài ‘‘Quy khứ lai’’ để biểu lộ chí của minh. ‘‘Quy khứ lai’’ có nghĩa “Hãy đi về đi!”, giống như câu nhà Phật đã thường nói: “Quy mệnh khứ lai”, “Quy y khứ lai”. Chử “từ” là do người sau thêm vào.

Đào Tiềm sáng tác bài trên khi ông 41 tuổi, tức cũng là năm treo ấn từ quan (tháng 11 năm Ất Tỵ, tức 405 theo Tây lịch, đời vua An Đế nhà Đông Tấn, niên hiệu Nghĩa Hy nguyên). Theo GS. Huỳnh Minh Đức, thì: Bài này có trên Quy khứ lai từ hề, nhưng trong ‘‘Chiêu Minh văn tuyển’’ của thái tử Lương Chiêu Minh (con Lương Vũ Đế & là người đầu tiên sưu tập thơ Đào Tiềm) chữ “hề” bị bỏ đi. Chữ “lai” là một trợ ngữ từ, không có nghĩa.

Ở sáng tác này, Đổ Phủ nhằm bộc lộ tư tưởng của mình và ca tụng cảnh trí, thú vui ở vườn ruộng.
Trước phần thơ, là phần Tự bằng văn xuôi của ông như sau:

Ta nhà nghèo, việc cấy trồng không đủ cung ứng cuộc sống. Con cái đầy nhà, trong hủ thì thiếu gạo, cuộc sống chưa phải giải quyết thế nào. Bà con, bạn bè đến khuyên ta ra làm quan. Không có gì cản trở, ta cũng có ý muốn tìm ít tước lộc, nhưng chưa tìm ra. Vừa lúc có việc quan các nơi, ta phụng mệnh quan ra kinh đô và được các chư hầu yêu mến, thúc phục cũng thương ta nghèo nên tiến cử ta làm quan lệnh. Bây giờ giặc giã chưa yên, trong lòng ta vẫn cứ sợ phải đi xa; huyện Bành Trạch cách nhà độ hơn trăm dặm, số thu công điền cũng đủ cho cuộc sống. Vì thế ta xin được đến làm quan ở đấy. Không lâu sau, ta lại có ý nhớ nhà, muốn về nhà.
Tại sao thế? Bản tính tự nhiên của ta là như thế, nên không thể miễn cưỡng, giả vờ được. Sự đói lạnh tuy là quan trọng thực đấy, nhưng làm ngược lại bản tính mình còn đau khổ nhiều hơn. Trước giờ ta từng theo làm việc với người khác cũng chỉ vì miếng ăn mà phải chịu cảnh tôi mọi. Thế rồi ta cảm thấy thất vọng, bị khích động tủi thẹn cho chí bình sinh. Ta vẫn định làm quan chừng hơn một năm rồi hãy len lén thu xếp áo quần mà về quê. Nhưng chỉ được ít lâu, nghe tin em gái ta là Trình thị (heo họ chồng) mất ở Võ Xương; vì tình ruột thịt, khiến ta phải mau mau chạy tang (Đào Tiềm nói vậy, nhưng các sách đều ghi ông từ quan chỉ vì không thể xu nịnh, luồn cúi). và tự động xin từ chức. Từ trọng thu (tháng 8) đến mùa đông, ta làm quan được hơn 80 ngày. Theo việc, thuận lòng, ta viết bài “Quy khứ lai hề”.
Tháng 11 năm Ất Tỵ (405) (chép nguyên bản dịch in trong Hán Văn I, GS. Huỳnh Minh Đức biên soạn, tr. 242-243)

Trích thêm nhận xét của các nhà nghiên cứu:

-Học giả Nguyễn Hiến Lê viết:
Từ Phú ở đời Lục triều đều dùng thể biền ngẫu, lời hoa mỹ, song thiếu tự nhiên và khó hiểu. Đáng dịch nhất có 2 bài: ‘‘Quy khứ lai từ’’ của Đào Tiềm và ‘‘Bắc sơn di văn’’ của Khổng Khuê. Bài trên giọng khoáng đạt, theo thể biền ngẫu mà vẫn tự nhiên; bài dưới rực rỡ như hoa mà mỉa mai một cách thú vị.

-Lâm Ngữ Đường, một nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc, nhận xét:
Không hề làm một vị quan lớn, không có quyền uy, không có sự nghiệp nào cả trừ một tập thơ mỏng và vài ba thiên tản văn, mà Đào Uyên Minh chiếu sáng cổ kim như một ngọn đuốc lớn, và được các văn nhân thi sĩ coi là tiêu biểu cho một nhân cách cao quí nhất. Đời ông vô tư, tự do, khiêm tốn, giản phác...Ông có thiên tài cảm được và tả được một lối sống điều hoà, thiên tài đó tới cái mức hoàn toàn tự nhiên, bình dị mà từ xưa chưa ai đạt được. Bài phú “Qui khứ lai từ”, viết vào tháng 11 năm 405, khi ông quyết định từ chức tri huyện, biểu hiện được tình cảm và thiên tài của ông... Có người cho rằng ông chủ trương “lánh đời”, nhưng không phải vậy. Ông lánh chính trị chứ không lánh đời. Ông vui vẻ trở về cảnh điền viên giữa gia đình. Như vậy kết cục là một sự hoà hợp với thiên nhiên, với đời sống, chứ đâu phải là một sự phản kháng.

Văn học Trung quốc tập I đánh giá:
Trước đây, nhiều người lấy bài Qui khứ lai từ và bài Đào hoa nguyên ký, rồi nói Đào Tiềm là một “ẩn sĩ phiêu diêu ngoại vật”...nhưng theo Lỗ Tấn thì ông có nhiều bài thơ tích cực nữa, như những bài Vịnh Nhị Sơ, Vịnh Tam lương, Thuật Tửu...đều dính dáng đến sự đổi thay của triều đại thời đó.‘’
Tất nhiên, tư tưởng ẩn cư vẫn có ở Đào Tiềm, nhưng có điều tư tưởng này rất khác tư tưởng ẩn cư của người đương thời, chẵng hạn như Kê Khang (223-263). Ông ca tụng đời sống lao động lành mạnh, giản dị. Không phải ông thi vị hoá công việc đồng áng, mà chỉ muốn nói lên cái mơ ước một xã hội thuần phác, yên vui, ai nấy đều được lao động và hưởng được thành quả của mình.
Tuy trở về với thiên nhiên, nhưng ông không đơn thuần ngâm trăng vịnh gió, bởi tâm tình ông bao trùm luôn cảnh thiên nhiên và cảnh thiên nhiên phản ảnh lại những gì ông ấp ủ trong lòng. Lấy bài nào cũng minh hoạ được ý ấy.
Do vậy, thơ ‘‘điền viên’’ của ông rất khác với thơ của những nhà thơ đồng thời hay sau ông, vì họ thường chỉ chú trọng màu sắc, âm thanh trong cảnh thiên nhiên...bằng những lời đẹp đẽ, gọt đẽo mà ít có nội dung xã hội...‘’ (Lược theo ‘‘Văn học Trung quốc tập I’’. GS. Nguyễn Khắc Phi và GS. Trương Chính biên soạn)

Bùi Thuỵ Đào Nguyên, giới thiệu.

Sách tham khảo:
- Văn học sử Trung Quốc tập I của Dịch Quân Tả.Nxb Trẻ, 1992, tr. 227.
- Hán Văn I của Huỳnh Minh Đức. Nxb Minh Trí, Sài Gòn, 1973, tr. 242.
- Đại cương Văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê,. Nxb trẻ, 1997, tr. 193.
- Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường, Nguyễn Hiến Lê dịch. Nxb Văn hoá, 1993, tr. 93, 94 và 96.
-Văn học Trung quốc tập I. GS. Nguyễn Khắc Phi và GS. Trương Chính cùng biên soạn. Sách dùng cho bậc ĐHSP. Nxb Giáo dục, 1987, tr. 104-107.

Ảnh đại diện

Nhãn nhi mị - Thu khuê (Lưu Cơ): Lưu Bá Ôn, danh sĩ thời nhà Minh.

Lưu Bá Ôn, danh sĩ thời nhà Minh.
Lưu Bá Ôn (劉伯溫, 1311-1375) tên thật: Lưu Cơ (劉基 ), một người có nhiều tài năng ở Trung Quốc. Ông không những là người có công gầy dựng vương triều nhà Minh, một trong những nhân vật có nhiều huyền thoại; mà còn là người dám đề cao tư tưởng “quan bức, dân phản” đồng thời là tác giả “Mại cam giả ngôn”, một tản văn nổi tiếng nhằm đả kích giới thống trị thối nát.
*
Lưu Bá Ôn, người huyện Thanh Điền, tỉnh Chiết Giang.
Nhờ siêng học, đam mê đọc sách; ông sớm làu thông kinh sử, văn chương, binh pháp và thiên văn. Đương thời có câu khen:
Thông binh pháp ai hơn Tôn Võ
Giỏi thiên văn phải kể Lưu Cơ.
Vào cuối đời Nguyên, ông thi đỗ tiến sĩ, được bổ làm quan; nhưng vì bị chèn ép, bị chỉ trích hoài, nên ông tức giận bỏ về ở ẩn.

Khi Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) mới dấy nghiệp, lấy lễ mời ông ra giúp. Ông đệ trình 18 kế mưu nhằm ổn định thời cuộc, liền được tin dùng, cất ngay lên chức Quảng văn quán học sĩ.

Khi đại cuộc đã định xong, Lưu Bá Ôn được phong Thành Ý Bá. Rồi cùng với Tống Liêm (1), hai ông giúp vua chế định mọi công việc, từ khoa cử, hình pháp cho đến lễ nhạc...

Về cuối đời, do bất hòa với tể tướng Hồ Duy Dung, ông buồn rầu mà sinh bệnh.

Ông về ẩn dật ở quê rồi mất vào năm 1375, hưởng thọ 64 tuổi, có để lại Thành Ý Bá văn tập, gồm 20 quyển. (2)

*
Lưu Cơ truyện trong bộ Minh sử không ghi chép gì về thuật phong thủy của ông. Nhưng dân gian thì lại lưu truyền rất nhiều chuyện, như chuyện Lưu Cơ chọn đất xây cung điện (chép trong Anh liệt truyện), hay chuyện ông cùng các thầy phong thủy huyện Hải Diêm bàn luận về long mạch ở Trung Quốc (chép trong Lạc dao tư ngữ) v.v...

Nói tới vấn đề này, trong sách Bí ẩn của phong thủy có lời bình:  
“Lưu Cơ về ẩn dật ở quê, nghe nói ông bị Hồ Duy Dung sai thầy thuốc đầu độc mà chết. Trong con mắt các thầy phong thủy, Lưu Cơ là bậc thầy về thần cơ diệu toán, là nhân vật để lại dấu ấn trong lịch sử phong thủy. Với một “thần nhân” như vậy mà không hiểu làm ăn thế nào, để đến nỗi cuối đời, bị bất hạnh, thậm chí bị đầu độc mà chết? Xem ra, thuật phong thủy không cứu nổi con người”.
Và giống như Bao Công (3), cuộc đời nhiều huyền thoại của ông đã được các nhà văn, các nhà làm phim gần đây chọn làm đề tài, để sản xuất & biên soạn ra, như:  Lưu Bá Ôn Phần 1 (33 tập), Thất Tuyệt Trận-Lưu Bá Ôn II (34 tập) Thần cơ diệu toán (phim ngắn) & bộ sách Phong Thủy Đại Sư - Lưu Bá Ôn gồm 2 tập.v.v...

Trong ''Lịch sử Văn học Trung Quốc'' tập 3, có giới thiệu vài tác phẩm tiêu biểu của Lưu Bá Ôn kèm theo lời nhận xét, tóm lược như sau:

Tản văn:
-Bài Mại cam giả ngôn (Lời người bán cam): thông qua cuộc nói chuyện giữa người bán cam và tác giả, bằng giọng văn sắc sảo, sinh động, mạnh mẽ; truyện đã vạch trần và công kích sự thối nát của tầng lớp thống trị...(4)

- Bài Tùng phong các kí: lời văn điêu luyện, miêu tả thành công hình tượng và âm thanh của cây thông núi, rất xác thực và sinh động...

-Và đặc biệt hơn cả là tập Úc Li tử.
Lịch sử Văn học Trung Quốc không nói rõ Úc Li tử (cũng là tên nhân vật chính) là tập sách riêng hay nằm trong Thành Ý Bá văn tập.
Đây là tác phẩm gồm 18 chương (195 thiên), bằng thể văn ngụ ngôn, được viết vào đời Nguyên, khi ông còn ở ẩn.
Trong Lời tựa, Từ Nhất Quỳ khi nói đến ý đồ sáng tác của tác giả: “có lẽ vì ông muốn uốn nắn cái sai lầm của triều Nguyên, nên gợi ra mà nói”. Và Lịch sử Văn học Trung Quốc có lời bình rằng:

“Trong tập Úc Li tử, chủ yếu tác giả đứng trên lập trường bảo vệ lợi ích của tầng lớp thống trị, để gieo rắc nhiều những thứ, như tư tưởng thống trị, quan niệm đạo đức, quan điểm định mệnh theo phong kiến...Tuy nhiên trong đó có không ít truyện ngụ ngôn đã bóc trần được hành vi tội ác bóc lột và lừa gạt nhân dân của tầng lớp thống trị, công kích sự thối nát, bất lực và lòng tham không đáy của họ, như chuyện Dưỡng thư giả (Người nuôi khỉ), Dưỡng Phong giả (Người nuôi ong)...Về mặt nghệ thuật, trong ''Úc Li tử'', mỗi bài thường ngắn gọn, nội dung sinh động, ngôn từ giản đơn, tự nhiên và đều có khả năng đứng độc lập vì chỉ được liên kết nhau qua lời bàn của nhân vật Úc Li Tử.”

Thơ ca:
Nhìn chung, lời thơ mộc mạc, hào phóng, hùng hồn mang phong cách thơ cổ, làm khơi dậy dòng thơ phục cổ sau này.
Lịch sử Văn học Trung Quốc đánh giá:

“Nhờ gần gũi nhân dân, nên trong các tác phẩm thơ ca của ông ở thời kì đầu, có không ít bài phản ảnh được hiện thực xã hội, cảm thông được nỗi thống khổ của nhân dân. Như bài Mãi mã từ, Bắc thượng cảm hoài, Tặng Chu Tông Đạo; ông không những chỉ trích gay gắt những quan lại địa phương chiếm đoạt gạo cứu tế, vu cho dân lành là kẻ cướp; mà còn vạch hành vi trần tội ác, thói hay đàn áp của chúng, làm nguy hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Điểm nổi bật nữa là, qua thơ ca, ông đã chỉ ra một chân lí cuộc sống "quan bức, dân phản”.

Giới thiệu tác phẩm:

Tản văn:
Mại cam giả ngôn (Lời người bán cam)
Tại Hàng Châu có người bán trái cây, khéo giữ cam, qua những thời tiết nóng lạnh mà không thối, lấy ra vẫn đỏ rực, chất như ngọc, sắc như vàng.
Bầy ở chợ giá bán đắt gấp mười, người ta tranh nhau mua. Tôi mua được một trái, lột ra hơi xông vô miệng mũi, nhìn ruột thì thấy khô vụn như vải nát.
Tôi lấy làm lạ, hỏi:
-“Anh bán cam cho người là để người ta bày mâm đồng rồi cúng tế hoặc đãi khách khứa hay là để khoe cái vỏ ngoài mà lừa kẻ ngu, kẻ mù? Anh thực là gạt người quá lắm!”
Người bán cam đáp:
-“Tôi làm nghề này đạ lâu năm, nhờ nó để sống. Tôi bán, người mua chưa hề ai nói gì, chỉ riêng ông là không vừa lòng ư? Ở đời, kẻ lừa gạt người không phải ít, há chỉ có riêng tôi? Ông chưa nghĩ đấy. Nay những kẻ đeo ấn cọp, ngồi lên da hổ, hống hách thay, công cụ để giữ nước, nhưng có quả là đã có mưu lược của Tôn Tẩn, Ngô Khởi không? Đội mũ lớn, đeo giải dài, hiên ngang thay, bảo khí của miếu đường, nhưng có quả dựng được nghiệp như Y Doãn, Cao Dao không? Cướp đấy mà không biết ngăn, dân khấn mà không biết cứu, quan lại gian tà mà không biết cấm, hình phạt hủy hoại mà không biết sửa, ngồi không ăn tốn lúa trong kho mà không biết nhục. Thấy họ ngồi trên bệ cao, cưỡi ngựa lớn, say rượu ngon, no thịt cá, kẻ nào mà chẳng vòi vọi đáng sợ, hiển hách ra vẻ lắm? Kẻ nào mà chẳng ngoài như ngọc, như vàng mà trong như vải nát? Nay ông không xét họ mà chỉ xét cam của tôi.”

Tôi nín thinh, không biết đáp ra sao, lui về nghĩ lời của người ấy có cái giọng hoạt kê của Đông Phương Sóc. Hay là người ấy phẫn thế ghét tà mà mượn trái cam để phúng thích đó chăng?”

Chú thích:
Tôn Tẩn, Ngô Khởi: hai danh tướng thời xưa. Y Doãn, Cao Dao: hai hiền thần đời thượng cổ. Đông Phương Sóc: một người có tài hoạt kê, phúng thích ở đời Hán. (Nguyễn Hiến Lê dịch & chú thích.''Đại cương Văn học sử Trung Quốc'', tr. 587-588). Bạn đọc quan tâm, tìm đọc nguyên tác & phiêm âm Hán-Việt có in trong sách này.
Trong ''Quốc văn giáo khoa thư'' (lớp đồng ấu) của Trung Quốc ngày trước, có in bài Mại cam giả ngôn, dùng để dạy trẻ môn tập đọc. Năm 1925, tại Việt Nam, Nguyễn văn Ngọc (1890-1942) & Trần Lê Nhân cũng đã cùng tuyển dịch, đưa vào sách Cổ học tinh hoa với tựa đề Lời nói người bán cam, và kèm lời bàn: “…Cốt ý của tác giả muốn lấy quả cam đẹp vỏ, thối ruột mà bóc cả cái hách dịch, cái oai vệ bề ngoài của những bậc quan lớn, một đời suy đốn;để phơi bày cái thực tình bất tài, bất trí, bất dũng ở bên trong… thật là có ý nhị” (Nxb Trẻ, 1992, tr. 149).

Thơ ca
Cổ Thú (Biên ải xưa)
Hồ Lăng dịch thơ:

Biên ải rừng xưa cháy
Tiếng khèn đất cũ vang
Chín châu còn hổ báo
Bốn bể chửa tằm tang
Trời rộng mây đè cỏ
Sông xa cát lẫn sương
Mai đồng không cháy hết
Lại thấy thoảng mùi hương.

Đây là bài thơ luật duy nhất của Lưu Cơ được sách Lịch sử Văn học Trung Quốc trích giới thiệu kèm với lời bình: “Bài thơ thâm trầm, hàm súc; tả cảnh thê lương, tiêu điều ở chốn biên thành. Tuy nhiên ở hai câu cuối, lại toát lên một sức sống, đem lại hy vọng cho mọi người.”

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
(1)Tống Liêm (1310-1381), tự Cảnh Liêm, người Chiết Giang, làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ thừa chỉ. Đương thời, ông được coi là người đứng đầu các văn thần khai quốc. Tác phẩm của ông có ''Tống học sĩ tập'', gồm 75 quyển.
(2) Trong dân gian có lưu hành sách Kham Dư mạn hưng, đề tên ông soạn. Nhưng theo giới chuyên môn thì đây là sách do người đời sau giả danh làm ra.
(3) Bao Công (999–1062), tên thật là Bao Chửng tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi là Bao Thanh Thiên, Bao Hắc Tử''' hay Bao Long Đồ... Ông nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình”
(4) Đánh giá chung về thơ văn đời Minh, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) viết: “Hồi đầu còn kha khá, có ít bài sánh được với cổ văn các đời trước (một trong số đó có bài ''Mại cam giả ngôn''). Về sau, các văn nhân chỉ ham tranh biện nên bắt chước đời nào, rồi chỉ biết mô phỏng cổ nhân mà thiếu tinh thần sáng tạo”. (Sử Trung Quốc tập 2. Nxb Văn hóa, 1997, 171-172)

Sách tham khảo chính:
-Lịch sử Văn học Trung Quốc'' tập 3. Sở nghiên cứu Văn học thuộc Viện KHXH Trung Quốc tổ chức biên soạn. Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành, 1995, tr.195-198.
- Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1997.
- Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển quyển I, Sài Gòn, 1966, tr. 724.
- Bí ẩn của phong thủy, Vương Ngọc Đức (chủ biên). Trần Đình Hiến dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc. Nxb VHTT, 1996.

Ảnh đại diện

Cảm hoài [Thuật hoài] (Đặng Dung): Danh tướng Đặng Dung & bài thơ Thuật hoài.

Danh tướng Đặng Dung & bài thơ Thuật hoài.

Đặng Dung (? – 1414) là tác giả bài thơ Thuật hoài (hay Cảm hoài) nổi tiếng và là danh tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông người huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí - phần Nghệ An tỉnh thì:
Tổ tiên Đặng Dung vốn người Hóa Châu, sau di cư đến làng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc.
Dưới triều nhà Hồ, ông giúp cha là Đặng Tất (? - 1409) cai quản đất Thuận Hóa. Sau khi quân Minh từ Trung Quốc tiến chiếm nước Việt (khi ấy có quốc hiệu là Đại Ngu), nhà Hồ sụp đổ, Đặng Dung cùng cha tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi, tức Giản Định Đế.

Năm 1409, sau trận đại chiến ở Bô Cô (xã Hiếu Cổ, huyện Ý Yên, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay); vì nghe lời gièm pha của bọn hoạn quan là Nguyễn Quỹ, nói rằng Đặng Tất chuyên quyền, vua Giản Định Đế đem lòng ngờ vực đã giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đặng Dung tức giận bỏ Trần Ngỗi, cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) rước Trần Quý Khoáng từ Thanh Hóa về đất Chi La (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), tôn lên ngôi vua (tức Trùng Quang Đế), và ông được giữ chức Đồng bình chương sự.

Về sau, do nhu cầu cần phải hợp nhất hai lực lượng, các tướng của Trần Quý Khoáng do Nguyễn Súy cầm đầu đã tổ chức đánh úp vào Ngự Thiên, đem Trần Ngỗi về Chi La tôn làm Thượng Hoàng.
Dù phải chiến đấu dưới quyền người đã giết cha mình, nhưng vì sự nghiệp chung ông đã “vượt lên trên tất cả, trước sau vẫn giữ vững phẩm cách đường đường của một vị tướng.” (Nguyễn Khắc Thuần, sách dẫn bên dưới, tr. 234).

Từ đó ông trải qua rất nhiều trận giao chiến, nổi bật hơn cả là trận đánh vào tháng 9 năm Quý Tị (1413) ở khu vực Thái Gia (theo Minh Sử của Trương Đĩnh Ngọc thì trận đánh này xảy ra tại Ái Tử, nay thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Dẫn lại theo Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr. 235).
Đại Việt Sử Kí Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chép lại đánh như sau:
“Đang khi đôi bên quân nam và quân bắc đang cầm cự nhau thì Đặng Dung bí mật dùng bộ binh và tượng binh mai phục, đúng nửa đêm thì bất ngờ đánh úp vào doanh trại của (Trương) Phụ. (Đặng) Dung đã nhảy lên thuyền của (Trương) Phụ và định bắt sống (Trương) Phụ nhưng lại không biết mặt để có thể nhận ra hắn, vì thế, (Trương) Phụ liền nhảy sang thuyền nhỏ chạy thoát. Quân Minh bị tan vỡ đến quá nữa, thuyền bè, khí giới bị đốt phá gần hết, thế mà (Nguyễn) Súy không biết hợp lực để cùng đánh. (Trương) Phụ biết quân của (Đặng) Dung ít nên lập tức quay lại đánh. (Đặng) dung đành phải chịu thất bại, quân sĩ chạy tan tác hết.” (theo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Bản kỉ toàn thư, quyển 9, tờ 22-b).
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép tương tự và hạ bút viết lời tiếc rẻ: ''Trời nuông tha trương Phụ'' (Chính biên, quyển 12, tờ 39)

Nguyễn Khắc Thuần kể tiếp:  
“Tháng 11 năm 1413, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ bắt sống khi đang tìm đường tạm lánh sang Xiêm La để tính kế lâu dài. Vì liên tục lớn tiếng chửi mắng nên Nguyễn Cảnh Dị đã bị Trương Phụ hạ lệnh giết ngay. Còn Đặng Dung cùng Trần Quý Khoáng, Nguyễn Súy và một số tướng lãnh khác bị áp giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Dọc đường, Trần Quý Khoáng nhảy xuống biển tự tử, Đặng Dung cũng lập tức nhảy xuống chết theo.” (Sách dẫn bên dưới, tr. 236)

Trần Trọng Kim cũng cho biết tương tự:
“Từ khi thua trận ấy rồi, Trần Quý Khoách thế yếu quá không thể chống với quân giặc được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi. Chẳng được bao lâu Trần Quý Khoáng, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy đều bị bắt, và phải giải về Yên Kinh cả. Đi đến giữa đường, Quý Khoách nhảy xuống bể tự tử, bọn ông Đặng Dung cũng tử tiết cả. Ông Đặng Dung có làm bài thơ Thuật hoài, mà ngày nay còn có nhiều người vẫn truyền tụng.
Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công được, nhưng cái lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến, bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh...” (Nxb Tân Việt, Sài Gòn, tr. 197)

Và Thuật hoài là bài thơ tự sự duy nhất còn lại của Đặng Dung, được chép trong Toàn Việt Thi Lục của Lê Quí Đôn (1726 - 1784), khi ông đem quân giúp vua Trùng Quang Đế, nhưng do lòng người ly tán, quân binh ít ỏi, lương thực thiếu thốn nên cuối cùng đã thất bại.

Bài Thuật hoài được viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn luật, thể hiện ý chí sắt đá của một người anh hùng nhưng không may là không gặp thời thế, công việc chưa xong thì tuổi đã già.

Thơ đời trần, bất kể là vui hay buồn thường thể hiện sự khẳng định nhân phẩm và niềm tự hào về bản lĩnh con người. Và ngay cả trong cái buồn của thơ ca cuối thế kỷ thứ 14 vẫn còn còn phảng phất dư ba của hào khí Đông A (theo lối chiết tự, chữ Trần còn có thể đọc là Đông A, vì được ghép từ hai chữ Đông (東) và A (阿)). Và Thuật hoài, chính là một trong những bài thơ hay và tiêu biểu cho phong cách thơ ấy.

Từ điển văn học (bộ mới) đánh giá:
Tuy là thơ của một người...ôm hận vì bất lực trước thời thế, “người đọc vẫn thấy toát lên ở đây tình cảm cao cả tràn khắp đất trời, đó là lòng yêu nước thiết tha của một tráng sĩ vì nước bôn ba, là niềm tin và quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc qua hình tượng rất đẹp, rất thơ: “Mấy phen mang gươm Long Tuyền mài dưới trăng”. Thuật hoài ra đời vào những ngày cuối cùng của nhà Trần, nhưng vẫn mang trọn hào khí dân tộc của những năm đầu dựng nước và giữ nước cả về nội dung lẫn hình thức.
Lý Tử Tấn (1378 - ?, quan thời Lê) nhận xét "Phi hào kiệt chi sĩ bất năng" (Nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể làm được bài thơ này).

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Tài liệu tham khảo:
- Trần Trọng Kim, Việt nam sử lược, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, tr. 197.
- Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam, tập 4,  Nxb Giáo dục, 2006, tr. 236.
- Ngữ văn 10 (nâng cao), Nxb Giáo dục, 2007, tr. 157.
- Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr. 389.
- Văn học Việt Nam thế kỷ 10 đến nửa đầu thế kỷ 18, tập I, do Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương biên soạn, Nxb Đại học & THCN, 1978, tr. 177-178.

Trang trong tổng số 3 trang (24 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: