Trang trong tổng số 3 trang (24 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Viên Viên khúc (Ngô Vĩ Nghiệp): Thông tin về Trần Viên Viên

Trần Viên Viên (陳園園, gọi tắt là Viên Viên, không rõ năm sinh năm mất), là một mỹ nhân thời Minh mạt-Thanh sơ trong lịch sử Trung Quốc.

Trần Viên Viên, xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, đến Tô Châu làm kỹ nữ, và tài năng cùng nhan sắc của nàng đã được rất nhiều người hâm mộ.

Khi ấy, vua Minh là Sùng Trinh đang sủng ái Điền Quý phi, làm cho Chu hoàng hậu rất ghen tức. Biết chuyện, cha của Chu hoàng hậu đến kỹ viện bỏ tiền ra mua Viên Viên, để đưa vào cung phục vụ nhà vua. Kề cận được Viên Viên, vua Sùng Trinh cứ ở mãi trong cung không muốn ra thiết triều.

Khoảng thời gian này, các nhóm khởi nghĩa chống lại nhà Minh đã dần lớn mạnh, trong số ấy có lực lượng của Lý Tự Thành. Sau khi hay tin quân nổi dậy đánh lấy ba thành trì lớn, cộng thêm lời can gián của các quan, vua Sùng Trinh mới cho nàng ra ở trong phủ Chu quốc trượng.

Trong một bữa tiệc tại phủ, Chu quốc trượng cho Viên Viên ra múa hát, và nhan sắc cùng tài năng của nàng đã lọt vào mắt xanh của Ngô Tam Quế. Và khi viên võ quan này được cử ra trấn thủ Sơn Hải Quan (nay thuộc tỉnh Hà Bắc), để ngăn chặn quân Mãn Châu, thì vua Sùng Trinh đã ban Viên Viên cho ông [1]. Sau đó, Viên Viên cũng được họ Ngô sủng ái, tuy nhiên, nàng không theo ra trận, mà vẫn ở lại Bắc Kinh.

Ngày 26 tháng 5 năm 1644, lực lượng của Lý Tự Thành (tự xưng là Sấm vương) vào chiếm lấy Bắc Kinh, lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thuận. Vua Sùng Trinh bỏ chạy rồi tự vẫn ở Môi Sơn. Quân nổi dậy bắt được Viên Viên, đem nạp cho Lý Tự Thành.
Tiếp theo, Ngô Tam Quế đánh bại Lý Tự Thành và diệt luôn nhà Nam Minh ở Nam Kinh, nên được nhà Thanh phong là Tây Bình vương, cho trấn thủ ở Vân Nam.

Theo Vũ Đức Sao Biển, thì sau khi Lý Tự Thành bị đánh đuổi, Ngô Tam Quế đã xum họp với Viên Viên. Nhưng khi nghe tin sắp được phong vương, Ngô Tam Quế không dám đưa tên Viên Viên ra trình với Thuận Trị Hoàng đế vì nguồn gốc xuất thân của nàng. Họ Ngô phải cưới vợ khác và bố trí Viên Viên ra tu tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành Côn Minh (tức thủ phủ của Vân Nam).

Trích lời bàn của Vũ Đức Sao Biển:
Cuộc đời của Trần Viên Viên đúng là bi kịch của nhan sắc: hết làm trò chơi cho các danh sĩ và nhà hào phú đất Tô Châu; nàng lần lượt trở thành trò chơi cho Sùng Trinh Hoàng đế, Sấm vương Lý Tự Thành rồi Bình Tây vương Ngô Tam Quế. Cuộc chiến giữa Ngô Tam Quế và Lý Tự Thành tại Nhất Phiến Thạch làm chết cả vạn người, bị dư luận lịch sử Trung Quốc trút lên đầu của Trần Viên Viên. Chỉ có một người thông cảm với kiếp hồng nhan, đã làm một bài thơ để giãi bày hộ Trần Viên Viên. Đó là danh sĩ Ngô Vĩ Nghiệp [2] với "Viên Viên khúc"...Và với một bút pháp kể chuyện có xen mô tả khá tinh tế, nhà văn Kim Dung đã xây dựng một Trần Viên Viên trở thành đệ nhất đại mỹ nhân trong hàng ngàn nhân vật nữ trong tiểu thuyết của mình. Những Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Mẫn, Tiểu Siêu, Hân Tố Tố, Viên Tử Y, Vương Ngữ Yên... cũng là những đại mỹ nhân nhưng là đại mỹ nhân ở tuổi 18-20. Họ không thể sánh bằng Trần Viên Viên ở tuổi 40 tươi đẹp, chân tình, trí tuệ, tài hoa và đau khổ! (trích trong "Kim Dung giữa đời tôi", tập 2, chương 7, tr. 70)


Chú thích:
1.Có nguồn ghi hơi khác: Viên Viên được vào hoàng cung để hầu hạ vua Sùng Trinh, nhưng chỉ được 3 ngày, bà bị Chu hoàng hậu đưa ra khỏi cung. Sau được Chu quốc trượng (cha của Chu hoàng hậu) gã cho Ngô Tam Quế.  

Tài liệu tham khảo:
-Phan Khoang, Trung Quốc sử lược. Văn sử địa xuất bản tại Sài Gòn năm 1970.
-Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc (tập 2). Nxb Văn hóa, 1997.
-Vũ Đức Sao Biển, Kim Dung giữa đời tôi (tập 2). Nxb Đồng Nai, 1997.
Ảnh đại diện

Tương biệt dạ (Huyền Kiêu): Xuất xứ bài thơ “Tương biệt dạ”

Lúc ở Hà Nội, Huyền Kiêu với thi sĩ Đinh Hùng vốn là bạn thân từ thuở nhỏ. Cho nên khi bắt đầu gia nhập làng báo, làng văn; nhờ người bạn này, mà Huyền Kiêu sớm trở thành bạn thân thiết của Vũ Hoàng Chương, Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Tường Bách…

Năm 1954, Đinh Hùng vào sống ở Sài Gòn, làm báo và phụ trách chương trình Tao Đàn trên Đài phát thanh Sài Gòn. Trong một lần trò chuyện với bạn (Quốc Nam) về những văn nhân thời tiền chiến, thi sĩ có nhắc đến hai bài thơ của Huyền Kiêu, đó là Tình sầuTương biệt dạ. Và theo Đinh Hùng, thì câu thơ đầu của bài Tương biệt dạ, là của nhà văn Thạch Lam.

Lược lại lời thi sĩ kể: Bên Hồ Tây, một đêm chớm thu năm Canh Thìn (1940), chúng tôi cùng kéo nhau ra vườn của Thạch Lam, ngồi nghe cá quẫy, nhìn trăng vời vợi… Một lát sau, Thế Lữ đã về nhà gần đấy rồi, quanh quẩn chỉ còn lại Huyền Kiêu, Thạch Lam và tôi thôi.

Đang buồn vì đôi bạn thân là Khái Hưng và Nhất Linh sắp sửa xa nhau, thì bỗng dưng Thạch Lam khơi mào bằng câu thơ: “Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề...”, rồi xui Huyền Kiêu hãy làm tiếp đi!... Huyền Kiêu và tôi đều ngơ ngác, vì không hiểu sao hôm nay Thạch Lam lại nhiều... thi hứng đến thế.

Suy nghĩ một hồi lâu, Huyền Kiêu nói:
- Tôi thử đọc cho các anh nghe. Bài thơ nhan đề Tương biệt dạ. Hay, dở tuỳ nghi Thạch Lam và Đinh Hùng giúp sửa lại. Và anh khe khẽ ngâm sau khi giục Thạch Lam vào nhà lấy giấy bút ghi tốc ký…

Vậy là bài thơ Tương biệt dạ, với đầy hình ảnh của Khái Hưng cùng Nhất Linh, đã được chính Thạch Lam mở đầu và do Huyền Kiêu sáng tác. Tình bạn thơ văn giữa chúng tôi thắm thiết là thế đó.

Chỉ mấy tháng sau, bài thơ trên được nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực văn đoàn tuyển in trong Giai phẩm Đời nay xuân 1941, cùng với bài thơ Bài ca man rợ của Đinh Hùng. Đặc biệt, bài Tương biệt dạ còn được hoạ sĩ Đông Sơn (tức Nhất Linh) vẽ tranh minh hoạ.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Anh biết em đi... (Thái Can): Thêm tài liệu về nhà thơ Thái Can

Thái Can, sinh ngày 22 tháng 10 năm 1910 tại xã Văn Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông lần lượt theo học các trường: trường phủ Đức Thọ (Hà Tĩnh), trường Vinh (Nghệ An), Trường Trung học Bảo Hộ (tức Trường Bưởi, Hà Nội), trường thuốc Hà Nội (tức Trường Y- Dược Đông Dương).
Lúc còn đi học, ông đã làm thơ. Buổi đầu, ông ký bút hiệu Th.C. Thơ ông phần nhiều đăng trên các báo: Phong hoá, Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội báo, Văn học tạp chí 1935.

Năm 1934, Thái Can cho in tập thơ Những nét đan thanh, do Ngân Sơn tùng thư ở Huế xuất bản. Tập thơ này về sau, được ông bổ sung thêm, tự mình đề tựa rồi cho tái bản năm 1938 (năm 1995, Nxb Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho tái bản lần nữa với tên mới là Thơ Thái Can).

Năm 1940, ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa.

Tháng 8 năm 1941, ông được Hoài Thanh và Hoài Chân chọn để giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942). Cũng năm này, ông học thêm chữ Hán và làm thơ bằng chữ Hán.

Không rõ năm nào ông vào Đà Nẵng và mở phòng khám bệnh ở đó, và sau nữa ông sang định cư ở Hoa Kỳ. Ngày 22 tháng 04 năm 1998, Thái Can qua đời tại California, Hoa Kỳ.

Tác phẩm:
- Những nét đan thanh (Ngân Sơn tùng thư xuất bản, Huế, 1934)
- Thơ Thái Can (gồm 33 bài thơ. Nxb. Văn nghệ TP. HCM, 1995)

Giới thiệu Thái Can, Hoài Thanh và Hoài Chân, viết:
Tôi đã cố đọc lại thơ Thái Can để mong tìm lại cái say sưa ngày trước. Nhưng lòng tôi cứ dửng dưng. Sao bây giờ tôi thấy thơ Thái Can sáo quá mà người thiếu nữ trong thơ Thái Can thì hầu hết ẻo lả đến khó chịu...

Thơ Thái Can vẫn như trước. Dễ lòng tôi đã khác xưa? Một người thơ cũng như một người tình, yêu đó rồi bỏ đó sao cho đành. May thay tôi vẫn có thể thích được dăm bảy bài. Kể người bài đó đều phỏng theo lối thơ xưa. Chữ dùng cũng xưa. Nhưng có cái gì bảo ta rằng ở đây có một người khóc cười thật. Ở đây không còn cái thói khóc gượng cười vờ nó vẫn lưu hành trên sân khấu tuồng cổ và trên thi đàn Việt Nam khoảng vài mươi năm trước...

...Thơ Thái Can nhạc điệu không có nhiều lối và cũng chỉ nằm trong khuôn khổ thơ thất ngôn, nhưng trong những câu thơ hay bao giờ cũng thấm thía...Cho đến những bức tranh thỉnh thoảng ta gặp trong thơ Thái Can cũng không phải là những bức tranh tô bằng nét, bằng màu, mà chính là hoà bằng nhạc điệu...(1)


Trong sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển hạ) có đoạn viết:
Với Thái Can, mùa xuân cũng như mùa thu, đều chất chứa những gì tan tác:

Một ngày là một đoá hoa tươi
Sớm với bình minh mỉm miệng cười.
Theo bóng tà dương chiều đã tạ,
Trong thời gian mãi lửng lo trôi...
(Bên hồ)
...Một khía cạnh khác của Thái Can, đó là những mảnh đời của những ca nhi, vũ nữ đã chiếm nhiều hồn thơ của thi nhân, làm chuyển hẳn mạch thơ từ chỗ khách quan, thành cái nhìn vạn hữu như hư ảo, cái trò đời như bạc bẽo, đảo điên...Cho nên, nói đến thơ ông, ta không thể tách rời tính xã hội trong nét bút. Nói khác hơn, cuộc sống của những thân phận ấy xuất hiện trong thơ Thái Can như những tiếng uất ức, nghẹn nào…Và nó như muốn đạp đổ những gì bất công trong xã hội...(2)

Theo Từ điển Văn học (bộ mới), thì mặc dù nhà thơ viết nhiều đề tài khác nhau, nhưng chủ yếu nhất vẫn là "tình yêu" và "người đẹp"... Có thể nói thơ tình của ông là những tứ thơ dịu nhẹ, thường mang cái triết lý tình là mộng ảo... Trong số đó, nổi trội hơn vả là bài "Anh biết em đi…" Tuy nhiên, đây cũng là thi phẩm mà ông tỏ ra mâu thuẫn với lòng mình nhiều nhất...Đặc biệt, câu: "Anh biết em đi chẳng trở về", cứ lập đi lập lại đến bốn năm lần, khiến người đọc thơ nghe như có một cảm giác tái tê, một cái gì dằn dặt nơi nội tâm của nhà thơ rất nhiều... Một bài khác cũng gây nhiều ấn tượng là bài "Cảnh đoạn trường". Một cô kỹ nữ xinh đẹp về sau phải quyên sinh nhưng không chết, đã được tác giả cực tả bằng những câu xúc động. Nhưng tiếc là ông lại đưa tiếp vào bài thơ một thứ triết lý sống khinh bạc... làm cho ý nhị bài thơ biến đổi, đang từ trữ tình chuyển sang triết luận một cách khô sáo... Thơ Thái Can nói chung cổ kính về ngôn từ, bị Hoài Thanh chê là sáo... Mặc dù vậy, cách dùng từ của ông cũng tạo được cho ông một âm điệu riêng ít có trong thơ mới...(3)


Chú thích:
1. Hoài Thanh-Hoài Chân, "Thi nhân Việt Nam", Nxb Văn học in lại, 1988, tr. 248.
2. Lược theo Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng, "Thi nhân tiền chiến" (quyển hạ). Nxb Sống Mới, 1969, tr. 197, 198 và 201.
3. Lược theo GS. Nguyễn Huệ Chi, mục từ “Thái Can”, in trong "Từ điển Văn học" (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004, tr. 1625-1626.
Ảnh đại diện

Giọt lệ thu (Tương Phố): Chỉnh lại câu cuối bài thơ trên

Câu đúng là: Ai đem thu cảnh họa cùng thu tâm.

Ảnh đại diện

Tống biệt (Tản Đà): Thông tin thêm về bài “Tống biệt”

Tống biệt là một bài từ nổi tiếng của Tản Đà, được trích trong vở chèo Thiên Thai do Tản Đà sáng tác năm 1922. Nội dung vở diễn tích hai chàng thư sinh là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán, nhân tết Đoan Ngọ (còn gọi là tết Đoan dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch), vào núi Thiên Thai (Chiết Giang, Trung Quốc) hái thuốc bị lạc lối về. Hai chàng bất ngờ gặp được tiên nữ, rồi kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì cả hai cùng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần thì không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn về làng thấy quang cảnh khác xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai chàng trở lại Thiên Thai, thì không còn thấy các tiên đâu nữa... Kể từ đấy, họ cũng đi đâu biệt tích.

Ở bài Tống biệt, tác giả chỉ nói đến cảnh chia biệt đầy lưu luyến của Lưu - Nguyễn với hai nàng tiên, để qua đó “thầm gửi gắm niềm thương tiếc của mình đối với cái đẹp không bao giờ trở lại”.

Tống biệt là bài từ khúc theo điệu Hoa phong lạc, rút từ vở chèo Thiên Thai, có thể coi là một bài toàn bích. Vì đây là vĩnh biệt (từ đây xa cách mãi), cho nên bài thơ có nhịp chân bước quyến luyến mà chậm rãi, dường như ung dung. Văn khí trong thơ thay đổi luôn, câu ngắn thì như nấc như nghẹn, câu dài thì như tiếng than não nuột của một cặp tình nhân chia tay nhau giữ cảnh trời đất mênh mông...

Giới thiệu bài thơ này, thi sĩ Bùi Giáng có lời bình: “Lá rơi - hình ảnh của lìa tan, của ly biệt... Người đi. Khách phàm trần đã lên đây, đem lên đây tình yêu của hạ giới, gây bàng hoàng cho lòng xanh tiên nữ, để giờ đây chia biệt, đem tình về hạ giới, cho lòng xanh tiên nữ lại bâng khuâng... Lời tiễn đưa vang nhè nhẹ giữ Đào Nguyên trăng sáng rộng vô ngần. Như hồn xuân đêm yểu điệu. Như ngậm ngùi tình vương vấn thiên thai. Như gió lùa thổi vào tâm hiu hắt... Sực tỉnh rồi... còn đâu nữa mộng lòng xuân. Nụ hồng giữa vườn xuân không hé phơi lần nữa. Đá mòn. Rêu nhạt. Nước chảy - huê trôi. Cái hạc bay lên vút tận trời... đem đi mộng cũ của lòng ta... Tình của người lặng đi giữa bốn bề câm nín. Lạnh mang mang vây ám mãi nghìn năm. Đường lối cũ, nơi đầu non cửa động. Trăng chơi vơi còn sáng mãi, hững hờ. Mộng Thiên Thai võ vàng, đã mòn mỏi... Bài thơ quả là có mang ý nghĩa tượng trưng đó. Tống biệt? Vĩnh biệt Thiên Thai là vĩnh biệt hồn thơ của tuổi mộng - Tuổi mộng không ở mãi với hồn thơ, để thắm mãi giữa đời...”

Nhà nghiên cứu Thạch Trung Giả phân tích: “Ngậm ngùi là nỗi buồn sâu xa thấm thía, tuy không mãnh liệt đốt xét lòng người nhưng dư vang bất tuyệt. Trong cuộc tiễn đưa, bốn người đã ngầm biết không bao giờ gặp lại nên tình cảm của họ lắng sâu như thiên cổ. ‘Nửa năm tiên cảnh/ Một bước trần ai...’ diễn tả nỗi bàng hoàng của người thấy cuộc vui qua mau như giấc mộng. Trần ai xuất từ kinh Phật ví cõi đời ô trộc và vô thường. Để rồi từ đó mạch thơ chuyển sang thơ ‘Đá mòn, rêu nhạt/Nước chảy, huê trôi’ cốt nói thêm rằng cuộc tan vỡ này không phải là ngẫu nhiên mà là theo định luật chung của vũ trụ. ‘Cái hạc” không những chỉ chiếc xe tiên mà còn ám tỷ hạnh phúc từ đây hoàn toàn mất hút. Tiếng ‘thơ thẩn’ như tả một người đi lẻ loi. ‘Bóng trăng’ có thể coi như là một linh hồn trầm tư cúi xuống chứng kiến nơi đã ghi dấu một cuộc tình duyên đẹp nhất và cũng bi thương nhất... Về mặt nghệ thuật, chữ dùng tinh vi, gợi cảm đến mức cuối cùng.”

GS. TS. Kiều Thu Hoạch nhận xét: “Đương nhiên, Tản Đà chưa phải là một nhà thơ mới như các nhà thơ mới lớp sau ông. Nhưng rõ ràng, ông là nhà thơ đã có tư tưởng cách tân, có nhiều tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ. Trong thời buổi mà lối thơ niêm luật gò bó đang còn phổ biến, thì lối thơ như bài Tống biệt này của Tản Đà quả thật là mới, rất mới! Chính cái sự mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ ấy đã tạo nên ‘một giọng phóng túng riêng’ trong phong cách thơ Tản Đà.”


Tham khảo:
1. Thạch Trung Giả, Văn học phân tích toàn thư, NXB Lá Bối, Sài Gòn, tr. 511, 512 và 514
2. Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập 2), NXB Văn học, 1987
3. Nguyễn Hiến Lê, Luyện văn, NXB Văn hoá, 1998, tr. 240
4. Bùi Giáng, Giảng luận Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, NXB Văn học, 2001, tr.109
5. Kiều Thu Hoạch, Người mở đầu thơ Việt Nam hiện đại
Ảnh đại diện

Thất ai thi kỳ 1 (Vương Xán): Góp thêm tư liệu về tác giả

Vương Xán (chữ Hán: 王粲, 177-217) tự Trọng Tuyên (仲宣), là nhà thơ nổi tiếng nhất, làm thơ nhiều nhất và cũng tiêu biểu nhất trong Kiến An thất tử ở cuối đời Đông Hán (東漢,) Trung Quốc.

Ông, người Cao Bình, Sơn Dương, nay thuộc huyện Trâu, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).
Tổ tiên ông nhiều đời đều làm quan to đời Hán. Năm 17 tuổi, được tiến cử, ông giữ chức Hoàng môn thị lang. Lúc Hán Hiến Đế (181-234, ở ngôi 189-220) dời đô sang phía Tây, ông cũng rời khỏi Trường An, đến Kinh Châu lánh nạn ở nhà Lưu Biểu (142-208), một lãnh chúa phong kiến thuộc hoàng tộc nhà Hán.
Năm 208, Lưu Biểu chết, Tào Tháo mời ông về làm khách rồi cử ra làm quan đến chức Thị trung, lúc mới 32 tuổi.
Mùa đông năm Kiến An (2) thứ 21 (216), Vương Xán theo quân đi đánh nước Đông Ngô, đến mùa xuân năm sau (217), trên đường trở về thành Nghiệp, ông mất giữa đường, khi tuổi mới 40 tuổi.
Theo sử sách biên chép, thì hình dáng ông tuy thấp, nhưng ông nổi tiếng là người uyên bác, vừa hay văn, vừa giỏi toán và có một trí nhớ thật tốt. Mỗi lần ông đặt bút là thành văn, không sửa một chữ. Tác phẩm của ông để lại có thi, phú, luận gồm 60 thiên; trong số đó có các bài Thất ai thi, Tòng quân thi, Đăng lâu phú, còn được truyền tụng.

Đề cập đến thơ Vương Xán, TS. Trần Lê Bảo viết:
Là người từng nhìn thấy cảnh hỗn chiến thời Kiến An, bản thân cũng từng chạy loạn, nên thơ Vương Xán phản ảnh được ít nhiều nỗi bi thảm của nhân dân trong cảnh loạn lạc. Ở chùm thơ Thất ai thi (Những bài thơ theo đầu đề “Bảy nỗi buồn đau” của nhạc phủ) được ông làm trên đường đi lánh nạn từ Trường An đến Kinh Châu, không chỉ bộc lộ tình cảnh riêng của ông mà còn là của nhiều người. Lời thơ đau xót, cảnh tượng chân thực, như những câu thơ ở bài thứ nhất: Bước ra ngõ không thấy gì, chỉ thấy xương trắng phơi đầy đồng...đã khái quát chân thực thảm họa chiến tranh. Các bài thơ khác của Vương Xán cũng được nhiều người đọc yêu thích, như bài thứ hai trong Thất ai thi tả cảnh vật Kinh Châu để nói lên lòng thương nhớ quê hương. Vương Xán còn có sở trường về phú. Bài Đăng lâu phú (Bài phú lên lầu) được ông làm khi lên chơi thành Giang Lăng ở Kinh châu. Nội dung bài phú là lòng buồn giận vì có tài mà không được dùng.
Có thề nói, bất mãn trước cảnh loạn ly, khát khao có được cuộc sống thanh bình, muốn gây dựng sự nghiệp dưới triều vua sáng...là những tình cảm chân thực của Vương Xán. Tất cả đều được thể hiện dưới một bút pháp trong sáng, lưu loát, khác hẳn với tác phong đẽo gọt câu chữ của thể phú thời Hán, mở đường cho thể phú ngắn trữ tình thời Ngụy - Tấn về sau.[2]

GS. Nguyễn Khắc Phi nhận xét:
Điểm nổi bật nhất của văn học Kiến An[4], là giá trị hiện thực. Nhiều bài thơ của các nhà thơ có tên tuổi (trong số đó có Kiến An thất tử) đã ghi lại đầy đủ sinh động những tai họa mà nhân dân đương thời phải gánh chịu. Như Vương Xán trong chùm thơ Thất ai thi đã dựng lên được bức tranh khái quát về xã hội Đông Hán cực kỳ bi thảm và hỗn loạn, bởi chiến tranh xâm lược và hỗn chiến quân phiệt.[3]

Và trong thiên Luận văn, Tào Phi, người cùng thời, đã khen Vương Xán sở trường về từ phú; và sau này, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã khen thơ của Vương Xán là có nhiều bài lời bình dị mà thắm thía, làm người đọc nhớ tới những bài thơ xã hội của Đỗ Phủ, như Thất ai thi...


Chú thích
1.Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr. 1957, tr. 2055-2066.
2.Kiến An (196-219) chỉ là niên hiệu thứ hai của Hán Hiến Đế, vị vua cuối cùng của triều Hán. Song khái niệm văn học Kiến An được dùng để chỉ một giai đoạn dài hơn: từ cuối Hán đến đầu triều Tào Ngụy (220-265), cho nên nó có một vị trí khá quan trọng trong lịch sử phát triển của văn học Trung Quốc.
3.Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr. 1957.
4.Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc. Nxb trẻ, 1997,  tr. 166.

Bùi Thuỵ Đào Nguyên, soạn.
Ảnh đại diện

Giang thành dạ cổ (Mạc Thiên Tích): Giang Thành dạ cổ

Giang Thành dạ cổ (chữ Hán: 江城夜鼓), có nghĩa tiếng trống đêm Giang Thành, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Cả hai bài đều nói đến tiếng trống canh ban đêm ở đồn Giang Thành. Xưa đồn quân này thuộc trấn Hà Tiên, sau nữa thuộc huyện Hà Châu, tỉnh Hà Tiên; và nay thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Sông Giang Thành bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia, xưa người Khmer gọi sông này là Prêk Ten, vì bên cạnh nó có một thôn ấp cổ tên là Tà Ten[1]. Sông chảy vào Việt Nam theo hướng Bắc Nam, dài khoảng 23 km, nằm trên địa phận xã Tân Khánh Hòa, xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, rồi đổ vào vũng Đông Hồ ở thị xã Hà Tiên, trước khi ra vịnh Thái Lan.

Sông Giang Thành nối liền với kênh Vĩnh Tế, tạo thành tuyến đường thủy quan trọng từ thị xã Châu Đốc đến thị xã Hà Tiên. Nó cũng góp phần đưa nước ngọt từ sông Hậu về tỉnh Kiên Giang phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Chỗ sông Giang Thành và kênh Vĩnh Tế gặp nhau gọi là ngã ba Giang Thành; và đây chính là một thắng cảnh của trấn Hà Tiên xưa, mà Mạc Thiên Tứ đã chọn làm đầu đề.

Thời Mạc Thiên Tứ cai quản trấn Hà Tiên, ông đã cho xây dựng ở Giang Thành một lũy đất dài 17km, rộng khoảng 1m; chạy dài từ bờ sông đến chân núi Châu Nham, và cho đặt vài đồn canh phòng nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của quân Chân Lạp dưới thời vua Nặc Bồn...

Giới thiệu thơ:
Bài chữ Hán (xem bên trên)
Bài chữ Nôm
Bài Giang Thành dạ cổ trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, gồm một khúc vịnh dài 36 câu (99-134) và kết bằng một bài thơ Đường luật như sau:

Trống quân Giang thú nổi oai phong
Nghiêm gióng đòi canh ỏi núi sông
Đánh phá mặt gian người biết tiếng
Vang truyền lệnh sấm chúng nghiêng lòng
Phao tuôn đã thấy yên bao vạc
Nhiệm nhặt chi cho lọt mảy lông
Thỏ lụn sớm hầu trưa bóng ác
Tiếng xe sầm sạt mới nên công.

Bài Giang Thành dạ cổ này sóng đôi với bài Tiêu Tự thần chung, thi sĩ Đông Hồ giải thích thâm ý của tác giả như sau: Ngoài việc để “tiếng chuông” chùa Tiêu đối lại với “tiếng trống” ở đồn Giang Thành; Mạc Thiên Tứ còn muốn nói lên rằng: một cảnh biểu thị cho đạo đức là chùa chiền, một cảnh biểu thị cho ý thức quân sự là đồn lũy.
Toàn thể hai bài đều tả tiếng trống canh ban đêm ở một đồn thú bên sông. Nhờ tiếng trống này mà đối phương không dám xâm lấn cõi bờ, giúp cho nước nhà được yên ổn, an vui.

Bình riêng cho bài Hán thi, Đông Hồ viết: Nửa bài trên tả tiếng vang động của trống mõ, khí thế hùng mạnh của quân lính; nửa bài dưới kể công lao của những người tướng sĩ, đem thân ra chống đỡ cho biên thùy được yên ổn, triều đình được vững vàng. Qua đây, tác giả còn có ý muốn kể công của mình đối với chúa Nguyễn ở Đàng Trong...[2]

Tài liệu liên quan.

Trích Tuy Tĩnh tử tạp ngôn của An Tây mưu lược tướng Doãn Uẩn (1795-1850):

Mùa thu năm ngoái, ta vâng kiếm lệnh của nhà vua đi dẹp giặc cỏ ở nơi sơn cùng thủy tận, nhân đó có dịp tới Hà Tiên. Cảnh vẫn còn đó mà người xưa đâu tá? Vừa rời khỏi yên ngựa, áo vẫn nồng khói đạn, lòng vẫn nặng trĩu gươm lệnh, chưa kịp nhắp chén rượu tẩy trần, ta đã hạ lệnh cho tướng sĩ mau dâng lên Hà Tiên thập cảnh đề của cố Mạc tướng công...

Mùa thu, nửa đêm, trời không trăng sao...Ta quên ăn quên ngủ đọc liền một mạch. Mắt có nhìn thấy cảnh vật đâu, nhưng qua thơ Mạc tướng công, cảnh vật cứ như hiển hiện trước mắt mình. Bây giờ là nửa đêm chăng, ta không nhớ kỹ nữa vì thơ và rượu làm người say ngầy ngật, ta đương trầm ngâm đọc "Trống đêm ở Giang Thành" của Mạc tướng công trong thư phòng của chính người xưa. Cũng chính bấy giờ, từ đồn Giang Thành, trống quân báo giặc tới bỗng thúc lên từng hồi... Ta vốn cúc cung tận tụy vì mệnh vua, vội tiếc rẻ gài thơ hay vào bao gươm lệnh, rồi cùng tướng sĩ lên mình ngựa xông pha vào chốn lằn tên mũi đạn mà dẹp tan bọn giặc cỏ ngu si mê cuồng...

...Tiệc rượu khao quân cử ngay trước trận, ngay bên gò đống xác giặc. Tướng sĩ nói:
- Rượu ngon. Giá có đồ nhắm thì tuyệt...
Sực nhớ, ta cười ha hả, rút bài thơ hay trong bao gươm lệnh ra sang sảng nói:
- Thức nhắm đây.
Rồi sang sảng đọc lớn bài "Trống đêm ở Giang Thành" của Mạc tướng công. Tướng sĩ ngồi im phăng phắc lặng nghe quên cả rượu trước mắt và "đồ nhắm" ở đâu đâu.
Đọc xong, ta nói: thơ hay phải nói cái thực, đã là thực thì thành thơ hay ngay! Đó, ta và các người, những cái thực, đang là bài thơ hay mà người xưa miêu tả...

Giới thiệu đoạn văn trên, nhà văn Trần Thanh Giao viết:
Có lẽ không có lời phẩm bình nào về thơ Mạc Thiên Tích độc đáo như lời phẩm bình này !


Chú thích
1. Theo Trương Minh Đạt thì sau này Tà Ten biến âm thành Hà Tiên, chứ không có cô tiên nào xuống tắm sông như sách xưa đã ghi (theo Nghiên cứu Hà Tiên, Nxb Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, 2008, tr. 30).
2. Theo Văn học Hà Tiên, Nxb Văn nghệ TP. HCM, 1999, tr. 24 và 216.

Bùi Thuỵ Đào Nguyên, soạn.
Ảnh đại diện

Lư khê nhàn điếu (Mạc Thiên Tích): Lư Khê ngư bạc

Lư Khê ngư bạc (chữ Hán: 鱸溪漁泊), có nghĩa thuyền đánh cá đỗ bến Vược, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh.

Cả hai bài đều nói đến cảnh thuyền đánh cá đỗ bến Vược, nơi Rạch Vược; nay thuộc phường Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.

Giải thích từ đầu bài: Lư là cá vược (còn được gọi là cá chẽm. Tên khoa học: Lates calcarifer). Khê là khe nước. Ngư bạc là thuyền câu hay thuyền chài đỗ bến.

Khi khởi xướng mười đầu bài trong Hà Tiên thập vịnh, Mạc Thiên Tứ đã chọn tên bài thơ là Lư Khê ngư bạc, để sóng đôi với 'Lộc Trĩ thôn cư, vì cả hai đều nói đến cảnh sinh hoạt nghề nghiệp của nhân dân Hà Tiên.
Sau, vì thích cảnh Lư Khê quá, ông đã sai cất một tiểu đình để làm nơi buông câu thư giãn. Không chỉ vậy, ông còn mượn cảnh trí này, làm thêm 32 bài thơ Đường luật, gọi là Lư Khê nhàn điếu tam thập thủ, và một bài phú dài hơn trăm câu, có tên là Lư Khê nhàn điếu tam thập nhị phú. Số thơ và phú này, về sau được khắc bản in thành một tập, có tên là Minh bột di ngư (Ông chài còn sót lại ở đất Minh bột)(1).

Sách Gia Định thành thông chí chép:
"Khe Lư Khê ở cách trấn về phía đông 7 dặm rưỡi, lại cách về phía đông núi Tô Châu 4 dặm rưỡi. Phía nam thông với biển cả, phía tây có điếu đình (nhà ngồi câu) là di tích của Mạc Quận công khi rảnh đến ngồi câu.
Khe rộng 2 trượng rưỡi, sâu 5 thước ta, dài 5 dặm rưỡi, dòng khe uyển chuyển lên bắc chảy quanh ra Đông Hồ. Bờ phía đông có dân cư thôn Tiên Thuận ở đấy. Thỉnh thoảng có người dắt bạn (đêm), chèo thuyền đi dưới bóng cây sạch mát, rượu thịt ê hề, hừng đông tỉnh giấc Tô Tử; canh gỏi tươi ngon, hơi thu động niềm Trương công. Dân địa phương hay khách lạ tạt qua đều vui cảnh ấy, nên trong 10 cảnh ở Hà Tiên, có cảnh Lư Khê nhàn điếu (rảnh câu Lư Khê) ấy là ghi chép một việc lạc thú vậy".

Rạch Lư Khê, xưa có hai nhánh trổ, một nhánh đổ ra biển, một nhánh thông với vũng Đông Hồ. Nơi hợp lại của hai dòng nước tạo thành một ao rộng, nước sâu trong vắt và nhiều cá. Ngược dòng Lư Khê, hai bên là những ngọn núi nhỏ nhấp nhô cùng với những túp lều tranh lúp xúp của dân chài. Về sau, khi quốc lộ 80 được xây dựng, cửa rạch Lư Khê thông ra biển đã bị lấp, con rạch chỉ còn một nhánh trổ ra vũng Đông Hồ.

Bài thơ Lư Khê ngư bạc
(bài chữ Nôm)
Bài Lư Khê ngư bạc trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, gồm một khúc vịnh dài 34 câu (301-334) và kết bằng một bài thơ Đường luật như sau:

Bến Vược nhà ngư chật mấy từng,
Trong nhàn, riêng có việc lăng xăng.
Lưới chài phơi trải đầy trời hạ,
Gỏi rượu hê ha toại nghiệp hằng.
Nghề Thuấn hãy truyền bền trác trác,
Dấu Nghiêu còn thấy đủ răng răng.
Sao đây, mười cảnh thanh hoa lạ,
Hoạ cảnh đào nguyên mới sánh chăng?[2]

Tác giả đã khéo chọn lư (cá vược) đối với lộc (nai), khéo mượn cảnh thuyền chài về đỗ bến đối lại với nghề canh tác ở chốn nông thôn (Lộc trĩ thôn cư); để chứng minh rằng vùng đất mới Hà Tiên, chẳng những đồng ruộng phì nhiêu mà sông biển cũng rất phong phú. Tất cả làm cho người dân có được một cuộc sống ấm no, an lạc và thái bình như thời Nghiêu, Thuấn.


Chú thích

1. Trải qua bao biến cố, số thơ phú đã kể trên thất lạc gần hết. Bởi vậy, sau này có người lầm rằng Lư Khê ngư bạc là Ngư Khê nhàn điếu (鱸溪閑釣). Xét nội dung Lư Khê ngư bạc (bài Hán và Nôm), thì chỉ thấy Mạc Thiên Tích nói đến cảnh sinh hoạt, lao động của dân thuyền chài, không hề nói gì về việc “buông câu” của ông. (Xem thêm bài viết riêng về Ngư Khê nhàn điếu).

2. Chú thích từ khó hiểu: Trác trác: giữ chắc chắn vững bền, không thay đổi. Răng răng: còn nguyên vẹn, chưa mất mát chút nào.
Ảnh đại diện

Nam phố trừng ba (Mạc Thiên Tích): Thông tin thêm

Nam Phố trừng ba (chữ Hán: 南浦澄波), có nghĩa bãi Nam sóng lặng [1], là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Cả hai bài đều nói đến một cảnh biển ở phía Nam trấn Hà Tiên (Việt Nam).

Sau khi quân Xiêm tràn sang đánh phá dữ dội Hà Tiên vào năm 1771, văn thơ thì mất mát, còn người thì tản lạc; lâu dần rồi không ai còn nhớ Nam Phố mà Mạc Thiên Tứ đã nói trong thơ hiện ở đâu.

Đến năm 1960, thi sĩ Đông Hồ mới công bố lần đầu Nam Phố chính là Bãi Ớt. Ông viết:

"Người khách du lịch đến Hà Tiên vào mùa gió Tây Nam, lúc nào nhìn ra mặt biển cũng thấy cảnh sóng bạc trùng trùng. Như vậy mà, có một chỗ gọi là Nam Phố (tục danh là Bãi Ớt) ở trên đường Rạch Giá - Hà Tiên, cách trấn lỵ Hà Tiên độ 11 cây số. Vì nhờ vị thế nằm khuất vào hai đồi núi nhô ra, che cho cánh bãi không bị sóng gió lọt vào, khiến cho cảnh bãi biển, tuy là trong mùa động Nam mà vẫn yên lặng êm đềm như mặt nước hồ thu.[2]"

Nhưng theo bài viết "Cần xác định đúng địa điểm Nam Phố trừng ba" của tác giả Trương Minh Đạt, thì Nam Phố không thể ở xa trấn lỵ Hà Tiên đến như vậy. Ông dẫn ra nhiều tài liệu, trong số đó có ba tài liệu đáng chú ý như sau:

*Sách Hoàn Vũ Ký của Tĩnh Sơn Nguyễn Thu đời Thiệu Trị, chép về Nam Phố (dịch):
Tại bãi biển, từ tỉnh lỵ (tức vị trí phố chợ ngày nay) nhìn ra thì thấy, đó gọi bãi Nam, tức tên trong mười bài vịnh, cảnh Nam Phố trừng ba là đó vậy.[3]

*Bài thơ Nôm Hà Tiên thập cảnh tổng vịnh, có câu:
Đông Hồ Lộc Trĩ luôn dòng chảy,
Nam Phố Lư Khê một mạch xanh.

*Trên vách tường phía tả Mạc Công Miếu, tức Đền thờ họ Mạc ở Hà Tiên, có chép một bài văn tế xưa (1847)[4], trong có đoạn (dịch):
Cao nghiêm nhà trung nghĩa, Bình San Tô Châu non chót vót,
Vĩnh viễn đời khói hương, Đông Hồ Nam Phố ánh trăng trong.

Căn cứ vào thơ và văn tế vừa ghi trên, thì rõ ràng Mạc Thiên Tứ và Nguyễn Hữu Lập đều nói rằng: Nam Phố, Lư Khê, Đông Hồ là ba nơi ở kề cận nhau.

Sau khi phân tích kỹ càng, Trương Minh Đạt kết luận: Nam Phố chính là cái bãi cát dài và rộng, nằm phía trước hai quả núi Đại và Tiểu Tô Châu, bên trái vàm sông Giang Thành (còn gọi là sông Hà Tiên), lối vào vũng Đông Hồ, nơi có nhiều loài vạc quây quần kiếm ăn, và người dân địa phương đã gọi nơi đó là cồn Quay Vạc.[5]

Bài Nam Phố trừng ba trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, gồm một khúc vịnh dài 32 câu (235-266) và kết bằng một bài thơ Đường luật như sau:

Dòng Nam vững rạng khách dầu chơi
Hai thức như thêu nước với trời
Bãi khói dưới không hương lại bủa
Hồ gương trong có gấm thêm rơi
Sóng chôn vảy ngạc tình chi xiết
Nhạn tả thơ trời giá mấy mươi
Một lá yên ba dầu lỏng lẻo
Đong trăng lường gió nước vơi vơi.[6]

Nam Phố là cảnh thứ tám trong Hà Tiên thập cảnh. Ở bài, tác giả chú trọng đến điểm "trừng ba", để đối lại với cảnh thứ bảy là "ấn nguyệt" (Đông Hồ ấn nguyệt). Và thi sĩ Đông Hồ có lời bình đại để như sau:

"Cảnh trăng Đông Hồ, đẹp thì có đẹp nhưng không lạ. Cảnh Nam Phố mà trừng ba mới là thật đặc biệt. Bởi vì, trong thời kỳ gió mùa Tây Nam, các bãi biển ở Hà Tiên đều phải hứng chịu gió, nên lúc nào biển cũng có cảnh sóng bạc trùng trùng...Chính Mạc Thiên Tứ đã nhận thấy điểm đặc biệt đó, mới chọn đầu đề cho thơ.
Cả hai bài đều tả cảnh biển Nam Phố phẳng lặng êm đềm, khách đến chơi không e ngại gì sóng gió. Thơ này có ý quảng cáo tốt cho xứ Hà Tiên, rằng người dân đến ở sẽ không gặp khó khăn trở ngại. Mọi người sẽ luôn được mặc tình thỏa thích, vì đó là nơi yên lặng thanh bình..."[7]


Chú thích:

1. Nam Phố: bãi ở phía Nam; trừng ba: sóng lặng, nước yên.

2. Văn học Hà Tiên (tái bản), Nxb TP. HCM, 1999, tr. 270.

3. Nguyễn Thu, Hoàn Vũ Ký, mã số A.585, Thư viện Hán Nôm Việt Nam, Hà Nội.

4. Bài văn tế do Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập, dưới đời vua Thiệu Trị sáng tác năm 1847, tức sau khi Mạc Công Miếu được xây cất một năm (1846).

5. Lược theo Nghiên cứu Hà Tiên, tr. 319-324. Xem thêm chi tiết trong sách này. Thông tin thêm: Sách Gia Định thành thông chí chép Nam Phố như sau: "Là lỵ sở Hà Tiên, nằm theo hướng Kiền (Càn) (tây - bắc) ngó về hướng Tốn (đông - nam), mà cuộc đất thì theo hướng Tý (bắc) nhìn đến hướng Ngọ (nam), cho nên các bến ven biển gọi là Nam Phố. Ngày xưa, Quận công Mạc Tông vịnh 10 cảnh ở Hà Tiên trong có cảnh Nam Phố trừng ba (Sóng lặng bến Nam) ấy là chép việc thực vậy". Đề cập đến tài liệu này, ông Đạt nói sách ghi như vậy thật là mơ hồ và khó hiểu.

6. Chép đúng theo Văn học Hà Tiên, tr. 265-266. (Bài thơ chép theo website Nam Kỳ lục tỉnh ở bên trên, chép sai mấy chữ).

7. Dựa theo Văn học Hà Tiên, tr. 270 và 272.
Ảnh đại diện

Tổng vịnh (Mạc Thiên Tích): Hà Tiên thập cảnh tổng vịnh

Chép đúng theo sách "Văn học Hà Tiên" do thi sĩ Đông Hồ biên soạn:

Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,
Non non nước nước gẫm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy,
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi,
Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột,
Sừng sựng muôn năm cũng để dành.


(Nxb Văn nghệ TP. HCM, 1999, tr. 306)

Trang trong tổng số 3 trang (24 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: