Trang trong tổng số 10 trang (98 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tái giản tuyển Phúc Thọ doãn Vũ đài chi lị (Lê Khắc Cẩn): Bản dịch của Trần Bá Chí

Bồng Lai gặp vận chiếu ban ra,
Lời nói văn thần đẹp tựa hoa.
Biết trước Phúc tinh đà báo mệnh,
Tìm về Đồng Lạc gắn tình nhà.
Cúc tùng vườn cũ luôn gần cạnh,
Mai liễu trước đồi chẳng phải xa.
Đình đấy vườn đây say một chén,
Rượu mưa tiễn khách tới quan nha.

Ảnh đại diện

Nhớ Bắc (Huỳnh Văn Nghệ): Tiễn bạn về Bắc

Đoạn hỏi đáp dưới đây được trích từ tạp san "Áo trắng", đường dẫn là: http://phienbancu.tuoitre...=392075&ChannelID=414

HỎI: Xin hỏi BPVH, bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ có câu thơ "Từ độ mang gươm đi mở cõi", nhưng chúng tôi thấy một số chỗ chép là "Từ độ mang gươm đi mở nước".

Gần đây có chương trình truyền hình "Người đi mở cõi", cũng nhắc về chuyện mở nước của Nguyễn Hữu Cảnh về phương Nam. Vậy thì giữa hai chữ "mở nước" và "mở cõi", chữ nào chính xác là của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ dùng trong bài thơ trên?

(vankhachsg@)

ĐÁP: Về bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ, từ trước đến nay tồn tại nhiều nhầm lẫn. Có lúc nhầm chữ "từ độ” thành "từ thuở", có lúc nhầm chữ "trời nam" thành "ngàn năm". Và hiện nay hai từ "mở cõi" hay "mở nước" vẫn còn nhầm lẫn.

Chúng tôi có tìm hiểu về trường hợp này và trong quyển Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam do hai vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương kỳ công sưu tập, biên soạn, có công bố bản chụp thủ bút bài thơ nói trên do chính Huỳnh Văn Nghệ viết. Đọc bản viết tay của Huỳnh Văn Nghệ mới thấy hết các lỗi nhầm lẫn lâu nay. Bài thơ chép tay như sau:

Tiễn bạn về Bắc

Ai đi về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi giữ nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta, con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng mến thương.

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh quy hỡi!
Bao giờ mang trả kiếm dân ta?

Ga Sài Gòn 1940

Như vậy là rõ, Huỳnh Văn Nghệ dùng chữ "mang gươm đi giữ nước", chứ chẳng mở mang xâm lấn gì cả. Tuy nhiên, xét về văn bản học thì tập sách của Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương trên đây còn thiếu phần giới thiệu xuất xứ các bút tích, để tăng thêm tính thuyết phục về độ chân xác của những tài liệu này. Dù sao, nếu tin cậy thao tác của tác giả sách Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam, thì cũng có thể yên tâm về Huỳnh Văn Nghệ - rằng sự mang gươm của ông cha Đàng ngoài tiến vào Đàng trong là để "giữ nước"!

Ảnh đại diện

Hạ Yên Trung cử nhân Đặng Đình Tuân trưởng khoa ông (Lê Khắc Cẩn): Chú thích bài thơ

Ở phần dịch xuôi, nhà xuất bản Hải Phòng dịch tựa bài thơ là "Mừng Đặng Đình Tuân ở Yên Trung đậu đầu cử nhân", với chú thích kèm theo:
 "Đặng Đình Tuân: người làng Yên Trung, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương Hà Nội. Ông đậu đầu khoa Cử nhân năm Kỷ mão 1879."

Ảnh đại diện

Hạ Yên Trung cử nhân Đặng Đình Tuân trưởng khoa ông (Lê Khắc Cẩn): Bản dịch của Trần Bá Chí

Tuổi trẻ vào trường kể đã lâu,
Đến nay dài rậm cả mày râu.
Hơn thua chớ luận trong thi cử,
Du ngoạn là điều ta sở cầu.
Ngày trắng đời vinh chưa gặp hội,
Cúc vàng vào mộng đã chờ lâu!
Từ đây mở vận công danh mới,
Bốn chín năm rồi đã hiểu sâu.

Ảnh đại diện

Tầm ẩn giả bất ngộ (Giả Đảo): Dị bản

Cách nay rất lâu, lần đầu tiên tôi đọc được bài thơ này, thì câu cuối ghi là "Vân thâm bất kiến xứ". Nguồn tham khảo có rất nhiều, các bạn cứ google search thì sẽ gặp.

Ảnh đại diện

Thứ vận Sơn Phòng Ngô ông “Hạ Đồng Lạc Vũ Bá Ngọc bổ Phúc Thọ tri huyện” (Lê Khắc Cẩn): Bản dịch của Trần Bá Chí

Tin tức từ xuân đến dịp này,
Núi sông ngàn dặm ngóng trông hoài.
Mẹ cha còn sống lo bồi sức,
Đàn hát gần nhà cũng sướng tai.
Cốt cách cửa vàng nơi mái ngọc,
Tấm lòng như tuyết tựa hoa mai.
Tuổi hưu tìm bạn ôn tình cũ,
Chống gậy hiên ngang bước dặm dài.

Ảnh đại diện

Hát ru Việt sử thi (Phạm Thiên Thư): Cách đánh số những bài thơ

Trong tập photocopy bản thảo mà tác giả Phạm Thiên Thư trao cho tôi, ông sử dụng cả hai cách đánh số La Mã và Ả Rập. Để tránh làm nát phần trình bày khi đăng thơ lên Thi viện, tôi chỉ sử dụng cách đánh số Ả Rập, nhưng vẫn tuân theo đúng tuần tự xuất hiện của các bài thơ trong bản thảo.
  Theo tác giả Phạm Thiên Thư, tập Hát ru Việt sử thi đang được Nhà xuất bản Thanh Niên in để mừng 1000 năm Thăng Long. Khi nào phát hành, chúng ta sẽ có cơ sở đối chiếu.

Ảnh đại diện

Thịnh Liệt Nguyễn cử nhân nam chu nguyệt tức tịch tặng (Lê Khắc Cẩn): Phụ chú của Nxb Hải Phòng

Xã Thịnh Liệt nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Con trai thứ của cử nhân tên là Hoàng, 19 tuổi thi đậu cử nhân khoa Mậu dần, được ông Thành Hội gả con gái cho. Tiệc hôm nay là ngày thứ 8 sau ngày Đông chí năm Canh thìn (1880).

Ảnh đại diện

Thịnh Liệt Nguyễn cử nhân nam chu nguyệt tức tịch tặng (Lê Khắc Cẩn): Bản dịch của Trần Bá Chí

Cành quế trong trăng đã bén tay,
Cung dâu treo cửa tỏ tài trai.
Hoa mai giữ sắc dù bên tuyết,
Suối ngọt từ nguồn gốc cỏ dai.
Trai đã đến kỳ làm bố trẻ,
Bà ru ẵm cháu trọn ngày dài.
Tiệc vui đầy tháng nhà đông khách,
Đầy chén chúc thơ nhiều ý hay.

Ảnh đại diện

Đăng Ngọc Sơn viện kỳ tường (Lê Khắc Cẩn): Chú thích bài thơ

Trong sách đã dẫn của Nxb Hải Phòng, phần dịch âm Hán-Việt ghi tiếp theo đề bài thơ: "Canh thìn Mạnh xuân nhật, thời hữu Thái viên ông dữ Phác ông hội, túy trung tác", với ba chú thích như sau:

  1. Bài này viết giữa tháng giêng năm Canh thìn (1880). Đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm có thời gọi quán vì có thờ Văn Xương, có khi gọi viện vì có thờ Phật, khi thì gọi đền vì có thờ Trần Hưng Đạo. Thời Nguyễn, chùa được nâng cấp gọi viện, thì trở thành một trung tâm đào tạo của Phật hội cả vùng. Ở Nhân Mục thời Minh Mệnh, có chùa được gọi viện.

  2. Thái ông hoặc Thái viên ông là Vũ Oánh Phủ, làm Hàn lâm biên tu, Tri huyện Phúc Thọ, thân sinh là Vũ Bá Ngọc, làm Giáo thụ của phủ, sau thăng làm Tri phủ, phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây.
  Phác ông tức Phác Hiên hiệu Tử Nê, nhà ở Trúc hồ (hồ Trúc Bạch). Hai người đều là bạn chơi thân với Lê Khắc Cẩn.

  3. Khi tác giả viết bài thơ này, đang cùng uống rượu say với Thái ông và Phác lão.

  Xem ra các cụ ta sướng thật. Hết "túy trung" rồi lại đến "túy hậu" mà làm thơ!

Trang trong tổng số 10 trang (98 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: