Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [35] [36] [37] [38] [39] [40] [41] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

BỤNG


Trong bài “Miếng ăn trong văn hoá Việt Nam”, tôi đã chứng minh miếng ăn là một ám ảnh lớn của người Việt Nam từ xưa đến nay. Chứng minh từ nhiều góc độ: huyền thoại, tín ngưỡng, ngôn ngữ, văn học, từ văn học dân gian đến văn học viết; trong văn học viết, tập trung vào dòng văn học hiện thực (phê phán) và thể tuỳ bút.

Tương ứng với việc coi trọng miếng ăn là vai trò của cái bụng.

Nói đến cái bụng cũng đồng thời nói đến lòng, dạ và ruột. Những khái niệm này không hoàn toàn đồng nhất với nhau, nhưng trong cách sử dụng của người Việt, bằng phép hoán dụ, chúng được xem như những từ đồng nghĩa.

Một nhận xét có tính khái quát đầu tiên cần nêu lên là: Đối với người Việt Nam, bụng chiếm tầm quan trọng đặc biệt trong thân thể. Quan trọng hơn óc, não. Và cũng quan trọng hơn cả tim.

Tầm quan trọng ấy có thể được nhìn thấy rõ nhất ở cách dùng các ẩn dụ.

Nếu trong tiếng Anh hay trong chữ Hán, chữ trái tim, chữ heart hay chữ tâm được mở rộng thành một cái gì chính, nằm giữa, như chữ heartland là khu vực chính, nằm giữa và quan trọng nhất trong một vùng nào đó, được dịch ra chữ Hán là khu trung tâm, thì trong tiếng Việt, để biểu thị một ý niệm tương tự, người ta lại dùng chữ lòng, một bộ phận của bụng. Phần giữa bàn tay: lòng bàn tay; phần giữa căn nhà: lòng căn; phần giữa cái chảo: lòng chảo; phần giữa dòng sông: lòng sông, phần giữa con đường: lòng đường, v.v...

Cũng liên quan đến khía cạnh ẩn dụ, chúng ta biết trong phần lớn các ngôn ngữ khác, từ tiếng Hoa đến tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, v.v..., người ta đều dùng hình ảnh trái tim để làm biểu tượng cho tâm hồn, cho tư tưởng và cho tình cảm. Tình yêu ở trong trái tim; niềm vui và nỗi buồn cũng ở cả trong trái tim. Sự chung thuỷ người ta để trong tim, tất cả những bí mật cũng đều được chôn kín trong trái tim.

Trong tiếng Việt thì ngược lại. Với chúng ta, trung tâm của tư tưởng và tình cảm là phần bụng, bao gồm bụng và bộ phận chính trong bụng là lòng.

Người khác nghĩ thầm trong đầu, chúng ta thì nghĩ thầm trong bụng. Trong các ngôn ngữ khác, một người thông minh là một kẻ có đầu óc nhạy bén, còn trong tiếng Việt, đó là một kẻ sáng dạ.

Tình yêu cũng như vui buồn hờn giận người khác giấu trong trái tim, còn chúng ta thì để bụng. Yêu nhau, chúng ta nói là “phải lòng nhau”. Giận nhau, chúng ta nói là “mất lòng nhau”. Một người tốt, trong tiếng Anh là kẻ có trái tim tốt, a kindhearted person, trong tiếng Việt, là kẻ tốt bụng.

Nhớ cái gì, đối với người nói tiếng Anh, là ấn sâu cái đó vào trong tim, là learn by heart, đối với người Trung Hoa, là làm cho nhập tâm, nhập vào trái tim, còn đối với người Việt Nam, là nhồi vào trong bụng, là nhớ thuộc lòng.

Chính vì thế, khi đi thi, để kiểm tra lại kiến thức của mình, Tú Xương đã không sờ lên đầu hay sờ lên tim mà là sờ vào bụng: “Tiễn chân cô mất ba đồng lẻ / Sờ bụng thầy không một chữ gì.” Cuối cùng, thi hỏng; thay vì than như người nói tiếng Anh là “tan nát cả trái tim”, là heart-broken, Tú Xương lại thấy đau trong bụng: “Bụng buồn còn biết nói năng chi / Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.”

Vai trò của các chữ bụng, lòng, dạ và ruột cũng có thể thấy rõ trong cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Nhắc đến Truyện Kiều, người ta hay nói đến chữ tâm.

Nhưng xin lưu ý, trong 3254 câu thơ của Truyện Kiều, chữ tâm lại xuất hiện một cách hoạ hoằn. Chỉ có hai lần, trong hai câu thơ khác nhau. Một lần là “chữ tâm càng dập càng nồng” và một lần khác là “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Là hết.

Trong khi đó thì Nguyễn Du dùng chữ dạ đến sáu lần, từ “Tình càng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ” đến “Mấy lời ký chú đinh ninh / Ghi lòng để dạ, cất mình ra đi”. Ngay câu nói phân bua về việc ghen tuông của Hoạn Thư, “Rằng tôi chút phận đàn bà” cũng có một số bản ghi là “Rằng tôi chút dạ đàn bà”.

Ngoài chữ dạ, trong Truyện Kiều còn có mười hai chữ ruột được dùng để chỉ tính tình và cảm xúc, chẳng hạn, “Tai nghe ruột rối bời bời” hay “Tơ tình đứt ruột, lửa phiền cháy gan”.

Nhưng trong Truyện Kiều, xuất hiện nhiều nhất là chữ lòng. Nó xuất hiện đến 165 lần khác nhau. Nào là “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, nào là “Lòng đâu sẵn mối thương tâm”, nào là “Đã lòng hiển hiện cho xem / Tạ lòng, nàng lại nối thêm vài lời”, v.v...

Nói cách khác, trung tâm trong Truyện Kiều là những lòng, dạ và ruột. Tức thuộc phần bụng. Cái bụng của Thuý Kiều.

Chứ không phải là trái tim (tâm).

Nguyễn Hương Quốc
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

https://lh3.googleusercontent.com/-O6_n81-26fg/YPufd69UwPI/AAAAAAACQ78/5vr0g_zyiz0e-aLJgYVboag0o7IM6gl3QCLcBGAsYHQ/w200-h185/image.png


CHỮ & NGHĨA


https://1.bp.blogspot.com/-CcZNzeS92U0/YLYa62RjxUI/AAAAAAACQYA/fYZBtgzQtyAIGU6ZEOJXdM5FopbRqCXPQCLcBGAsYHQ/w640-h452/%2540.1.PNG

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THÀNH ĐÁ KHÔNG BẰNG DẠ NGƯỜI !


“Thành đá không bằng dạ người Thành (xây bằng) đá cũng chẳng (bền vững bằng những thứ được ghi giữ lại trong) lòng dạ con người. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Những gì được người đời ghi giữ trong lòng mới là những thứ lâu bền đích thực”.

         Đó là giải thích của Nguyễn Đức Dương trong “Từ điển tục ngữ Việt” (NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh – 2010).

Nguyễn Đức Dương hiểu sai nghĩa đen nên giảng sai luôn nghĩa bóng. Ông đã lầm “thành đá” ra “bia đá”, rồi liên tưởng đến câu “Trăm năm bia đá còn mòn / Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” chăng?

Thực ra, “thành đá” ở đây ví với sự xây đắp, củng cố lực lượng để bảo vệ cơ đồ của một triều đại hoặc một thể chế, một quốc gia. Nhưng quân đội lớn mạnh, thành cao, hào sâu bao nhiêu chăng nữa mà không thu phục được nhân tâm, không được ủng hộ bởi lòng dân, lòng trời, thì triều đại, thể chế, quốc gia ấy không những khó có thể đứng vững, mà còn sẽ nhanh chóng sụp đổ, nhường chỗ cho một triều đại, thế lực mới, thậm chí mất cả giang sơn vào tay ngoại bang.

Có lẽ câu tục ngữ tổng kết từ bài học lịch sử cách đây hơn nửa thiên niên kỷ.

-Hồ Quý Ly trong tay có tất cả: giang sơn gấm vóc, quân đội hùng mạnh, thành cao, hào sâu... Nhưng “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà / Để trong nước lòng dân oán hận”[1] Khi nhà Minh lăm le xâm lược, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã sớm bày tỏ sự lo ngại với Thượng hoàng Hồ Quý Ly: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.

Hồ Nguyên Trừng giăng xích sắt trên sông, dựng phòng tuyến trải dài mấy trăm dặm quyết tâm chống giặc...Nhưng rồi tất cả thành luỹ,, phòng tuyến ấy đã lần lượt và dễ dàng tan vỡ trước sức tấn công ào ạt của quân Minh. Họ Hồ bỏ Kinh đô, lui dần, lùi dần về Thanh Hoá. Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly, Hoàng thượng Hồ Hán Thương, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng,... đã không dám thủ thành chiến đấu. Cha con họ Hồ bỏ cả cơ đồ Đại Ngu, bỏ cả Tây Đô thành đá sừng sững có một không hai... trốn chạy vào vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng rồi giặc Minh cũng đuổi kịp. Chỉ có bảy thằng giặc quèn mà đủ sức trói cổ một ông vua oai trùm thiên hạ - Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly - giải về Kim Lăng kinh đô nhà Minh, cùng với tất cả anh em con cháu họ Hồ lần lượt bị bắt sống sau đó.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“VẢY MẠI THÌ MƯA, BỐI BỪA THÌ NẮNG” –
“BỐI BỪA” NGHĨA LÀ GÌ?


-”Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Vảy mại thì mưa; bối [?] bừa thì nắng (Mây mà) hiện lên trên nền trời hình vảy cá mại (là điềm) trời sắp mưa; (mây mà) hiện lên trên nền trời hình đường bừa (là điềm) trời sẽ nắng”.
-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) vảy mại thì mưa, bối bừa thì nắng: Một kinh nghiệm dự đoán thời tiết: mây trên trời kết lại như hình vảy cá mại trên trời là sắp mưa, mây kết thành những vệt như đường bừa trên ruộng là trời sắp nắng”.

         Nguyễn Đức Dương đánh dấu hỏi [?] sau chữ “bối bừa” chứng tỏ ông không hiểu, hoặc nghi ngờ tính chính xác của văn bản.

           Thực ra, “bối bừa” ở đây là búi bừa, chứ không phải “đường bừa” như cách giải thích...bừa của các nhà biên soạn từ điển.

Khi người ta bừa ruộng, cỏ rác, rơm rạ quấn vào răng bừa thành từng cục, từng búi, gọi là “búi bừa” hay “bối bừa”. Lâu lâu, búi bừa to nặng dần, người đi bừa lại phải dừng trâu, nhấc cái bừa lên để xổ các búi bừa ra khỏi răng bừa rồi mới tiếp tục. Thường là mỗi lần xổ, có 9 hoặc 12 bối, tương ứng với 9 hoặc 12 răng bừa, xếp thành hàng:

-Việt Nam tự điển (Hội khai trí Tiến đức): “bối • Những sợi dây quấn buộc với nhau <> Bối tóc củ hành đàn anh thiên-hạ (T-ng). Văn-liệu. - Vẩy mại thì mưa, bối bừa thì nắng (ngạn-ngữ nói về dáng mây). Ruột rối như bối bòng-bong”.

Cách dự đoán thời tiết của dân gian “Vảy mại thì mưa, bối bừa thì nắng” (dị bản “Vảy trút thì mưa, búi bừa thì nắng”) là ban đêm nhìn lên bầu trời, thấy mây tĩnh hiện lên giống như vảy cá, vảy tê tê, thì trời sẽ chuyển mưa; nếu mây hiện lên từng đám nhỏ, xếp thành dãy dài như bối bừa, thì trời sẽ còn nắng dài dài (không phải “thì trời sắp nắng” như cách giải thích của Nhóm Vũ Dung).

Tham khảo: Phương ngữ Thanh Hoá còn có câu “Trâu nhác kéo cả bối bừa”, chỉ kẻ lười nhác, đáng lẽ tuần tự làm từng bước một, thì lại làm gộp một lúc cho nhanh xong, nên việc càng trở nên vất vả, nặng nề và lâu xong. Giống như con trâu nhác, đáng lẽ phải trút bớt các bối bừa ra cho đỡ nặng, nhưng lại muốn cho mau xong nên cứ để vậy mà bừa, mà kéo khiến cho cái bừa càng nặng, công việc càng lâu. Tục ngữ Mồ cha không khóc, khóc tổ mối; mồ mẹ chẳng khóc, khóc bối bòng bong, thì bối bòng bong đây cũng có nghĩa là búi (búi bòng bong = đám dây bòng bong quấn vào nhau nhằng nhịt trong bụi rậm, tựa như ngôi mộ thất lạc).
           HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĂN CÓ SỞ - Ở CÓ NƠI


“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh – 2010) giảng: “Ăn có sở; ở có nơi: Ăn thì nên chọn những thứ hợp sở thích mà ăn; ở thì nên chọn những nơi thuần hậu mà cư ngụ”. (chú thích: “sở dt. Sở thích [nói tắt]”.

Tuy nhiên, soạn giả hiểu sai nghĩa của từ “sở”, nên diễn giải sai, và dẫn đến giải thích sai cả hai vế, cũng là sai cả câu.

“Sở” 所 đây có nghĩa là “nơi, chốn”, mà Hán ngữ đại từ điển giảng là “xứ, địa phương” (處所;地方), chứ không phải “sở” là “sở thích”. Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “sở • Chốn, nơi <> xứ-sở.”; Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “sở • I Nơi, chốn, thửa <> ở yên sở. Một sở ruộng. Nghĩa rộng: Nơi có đông người làm việc <> Sở xe lửa”.

Người Thanh Hoá khi trách mắng ai đó sống không ngăn nắp, vật dụng để lộn xộn, thường nói: “Đồ đạc để chẳng có sở có mỗ gì cả!” (đồ đạc, vật dụng để tuỳ tiện, không đúng chỗ). Theo đây, “sở” (所) có nghĩa là nơi chốn; mà “mỗ” (某) cũng là phiếm chỉ sự vật, họ tên người hoặc nơi chốn nào đó (như mỗ danh 某名; mỗ xứ 某處).

Như vậy, trong câu “Ăn có sở, ở có nơi” thì “sở” đối với “nơi”, đều phiếm chỉ địa điểm. Trong tiếng Việt, chưa bao giờ “sở” được hiểu là nói tắt của “sở thích” như Nguyễn Đức Dương chú thích. “Ăn có sở ở có nơi” chính là dị bản đồng nghĩa của “Ăn có nơi, chơi có chốn”; “Ăn có chỗ, đỗ có nơi”; “Ăn tuỳ nơi, chơi tuỳ chốn”, và dị bản gần nghĩa: “Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn”.
HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MUỐN ĂN ĐI TÁT
MUỐN NGỒI MÁT ĐI CÂU


Trong “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh – 2010) có một số câu tác giả thu thập, nhưng xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”. Cách làm này thể hiện sự thận trọng, và cũng có cái hay là lưu ý cho độc giả và các nhà nghiên cứu về những vấn đề còn bỏ ngỏ. Một trong số những câu “chưa rõ nghĩa” đó là: “Muốn ăn đi tát; muốn ngồi mát đi câu”.

         Sau đây, chúng tôi xin đưa ra cách giải thích câu tục ngữ này.

         “Đi tát” ở đây là tát vũng, tát đầm, tát đìa để bắt cá, một kiểu đánh bắt chắc ăn nhất. Thế nên thành ngữ “Tát cạn bắt lấy”, ý chỉ “tát” là cách bắt cá cho bằng được và có thể bắt cho bằng hết. Tục ngữ Hán cũng có câu gián tiếp nói lên ý này: “Không tát cạn đầm để bắt cá, không đốt cháy rừng để săn cầm thú” [Bất hạc trạch nhi ngư, bất phần lâm nhi liệp - 不涸澤而漁不焚林而獵 - không nên khai thác theo kiểu tận diệt, bắt cho bằng hết].

Như vậy, “muốn ăn đi tát”, có nghĩa “đi tát” tuy vất vả, nhọc công nhưng lại thu được kết quả chắc chắn và số lượng nhiều cá, con to con nhỏ gì đều thấy và bắt được hết.

         Với “đi câu” thì ngược lại: “Thôi đừng đáy bể mò kim, Bóng chim tăm cá dễ tìm được nao!”; “Chim trời cá nước”;  “Ai uốn câu cho vừa miệng cá”! (lời dân gian). Cá sống dưới nước, mắt thường ta đâu có nhìn thấy. Cá có cắn câu hay không, nhiều hay ít, cá to hay cá nhỏ còn phụ thuộc vào sự may rủi. Có hôm đi câu cả buổi, “Nhắc như nhắc câu” (nháy cần câu để nhử cá liên tục) nhưng có khi cuối cùng vẫn phải về tay không. Thế nên dân gian cho rằng, không còn cách nào khác người ta mới lựa chọn nghề đi câu (“Vô nghệ đi hát, mạt nghệ đi câu”).

Không hẹn mà gặp. Sự kém hiệu quả của đánh bắt cá bằng câu còn được thể hiện qua tục ngữ của nhiều dân tộc khác. Ví như Tục ngữ Tày: “Quăng chài: người chăm chỉ; câu cá: người  thừa, bỏ đi” (Tót khe: vỏ xắc; tức bất: vỏ lưa)[1]; Tục ngữ Mường: “Muốn ăn cơm lấy người xáo cỏ dác, muốn húp nước lấy người đi câu” (Moành ăn cơm lêế khá keo dạc, moành họt rạc lêế khá đi câu)[2].

         Câu cá thường có hai cách chính:

-Câu cặm: dùng mồi là nhái, hay giun rồi cắm thật chặt cần câu vào bờ, hay các bè chuối nhỏ cho trôi lênh đênh trên mặt nước (thường là ruộng lúa, ao hồ, đầm…) rồi ra về, sau đó ra nhấc câu để thu cá. Cách này tuy cũng phụ thuộc vào may rủi, nhưng không vất vả hay mất thời gian.

-Câu rê, câu nhử: phải trực tiếp cầm cần, hoặc trông coi câu để khi động đậy phao thì cầm cần lên để nhử, xem chừng cá đã cắn câu thì giật lên. Cách này tuy cũng nhàn hạ, nhưng mất thời gian và phụ thuộc vào may rủi. “Đi câu” trong “muốn ngồi mát đi câu” là nói đến cách câu này.

Khi câu rê, câu nhử, người ta thường lựa chỗ có bóng cây, bờ kè nơi ao chuôm hoặc đồng ruộng để ngồi câu. Đó là chỗ nước mát, cá tôm hay tập trung trú ngụ. Người đi câu chỉ ngồi trên bờ, vừa thả câu vừa thảnh thơi hóng gió mát, cơ bản chẳng phải hì hục, chân lấm tay bùn như tát cá, nhưng hiệu quả thu được thì thường ít ỏi hoặc không chắc ăn. Thế nên đi câu chỉ được xem là một thú vui tao nhã của kẻ nhàn hạ. Thậm chí, tục ngữ “Bé đi câu, lớn đi hầu”, đã liệt đi câu vào kiểu chơi bời lêu lổng, không còn thì giờ dành cho việc học hành nữa.

Như vậy, “Muốn ăn đi tát, muốn ngồi mát đi câu”, ý nói: đi câu tuy nhàn hạ hơn đi tát nhưng không chắc ăn, ít hiệu quả.

                                      Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÉ CHẲNG VIN, CẢ GÃY CÀNH


“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh – 2010) giảng: “Bé chẳng vin cả gãy cành: Lúc còn bé mà chẳng cho vin (vào những thứ cứng cáp) thì ít nữa lớn lên ắt có thể bị gãy cả cành. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Lúc còn bé mà chẳng lo dạy dỗ thì khi lớn lên rất khó nên người”. (chú: “vin vt. (cổ) Nương tựa vào (cái cứng cáp để có thể đứng vững được)”.

Soạn giả hiểu không đúng nghĩa từ “vin” nên giảng sai luôn nội dung câu tục ngữ, thậm chí là hiểu ngược lại ý dân gian.

“Vin” cũng có một nghĩa là vịn, dựa vào (như “vin cớ”). Nhưng “vin” trong câu tục ngữ đang xét có nghĩa là níu, uốn:

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê-Vietlex): “vin • đg. 1 với tay mà níu [cành cây] xuống : vin cành hái hoa ~ “Dù ai bẻ lá vin cành, Thì nàng phải nhớ lời anh dặn dò.” (Cdao)”.

-Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “vin • Dùng tay kéo cành ở trên cao xuống <> vin cành”.

Theo đây, “Bé không vin, cả gãy cành” (dị bản Non chẳng uốn, già nổ đốt; Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về), có nghĩa khi còn non, còn bé, mà không uốn nắn (vin), thì khi lớn lên (cả) mà uốn thì sẽ bị gãy cành (sẽ hỏng).

“Bé chẳng vin cả gãy cành”, chính là dị bản đồng nghĩa với câu “Măng chẳng uốn uốn tre sao được”, mà chính Nguyễn Đức Dương đã giảng là: “Còn là măng mà chẳng lo uốn thì tới lúc thành tre làm sao còn uốn được nữa. Hay dùng để khuyên mọi người hãy uốn nắn con trẻ ngay từ khi còn nhỏ, vì lúc đã khôn lớn rồi thì khó mà uốn nắn được”.

Trở lại cách giảng của soạn  giả: “Lúc còn bé mà chẳng cho vin (vào những thứ cứng cáp) thì ít nữa lớn lên ắt có thể bị gãy cả cành”, điều này mâu thuẫn hoàn toàn với phương pháp dạy dỗ. Bởi thông thường, người ta tập cho trẻ có tính tự lập từ nhỏ thì mới tốt. Còn lúc nhỏ mà dựa dẫm nhiều, lớn lên sẽ sinh ra tính ỷ lại, ăn bám bố mẹ.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LANH CHANH NHƯ HÀNH KHÔNG MUỐI


Cách giải thích của từ điển:
1-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “lanh chanh như hành không muối Ngđ: Một kinh nghiệm: giã hành củ, phải cho vài hột muối, nếu không củ hành sẽ nhảy ra ngoài cối. Ngb: Hấp tấp vội vàng, nhanh nhảu đoảng, vô duyên”.

2-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) thu thập dị bản: “Không muối thì hành lanh chanh”, và giải thích: “Hễ vắng mặt muối là hành đâm ra lanh chanh ngay. Hay dùng để than phiền về những kẻ hay làm hỏng việc khi chẳng có người theo dõi do quá nhanh nhảu (Chú thích: Lanh chanh vt. Ưa làm những việc vốn chẳng phải là phận sự chính của bản thân mình (do quá nhanh nhảu)”.

Xét cách giảng nghĩa đen của Nhóm Vũ Dung không có cơ sở thực tế. Vì:

-Nếu muối có thể khiến hành không “nhảy ra ngoài cối” khi giã, thì phải có tác động hoá học giữa hai loại này. Nói cách khác, hành và muối phải nhuyễn vào nhau thì tác động hoá học mới diễn ra. Nhưng một khi hành và muối đã quyện vào nhau, thì còn lo gì hành “nhảy ra” khỏi cối?

-Nếu cho rằng, bỏ muối lẫn vào hành, tạo ma sát để hành khỏi nhảy ra khỏi cối cũng không đúng. Vì trong thực tế, giã hành không khó đến mức phải cần dùng tới muối, một loại phụ gia có thể khiến người ta phải thay đổi mục đích sử dụng của hành.

-Sau khi trực tiếp thực nghiệm, chúng tôi thấy: giã hành bỏ muối hay không, đều không có gì khác biệt.

Kết luận: “kinh nghiệm: giã hành củ, phải cho vài hột muối, nếu không củ hành sẽ nhảy ra ngoài cối”, của Nhóm Vũ Dung là hoàn toàn phi thực tế.

Về giải thích của “Từ điển tục ngữ Việt”: “Hễ vắng mặt muối là hành đâm ra lanh chanh ngay”, thực chất chỉ mới diễn đạt lại câu nói của dân gian, chứ chưa giải thích nghĩa đen, mà nghĩa bóng cũng không chính xác.

Một số cách giải thích khác trong đời sống:

-Khi muối dưa hành mà không bỏ muối, thì hành sẽ nổi lên lềnh bềnh, nên gọi “Lanh chanh như hành không muối”. Tuy nhiên, về nguyên lý hoá học, củ hành bao giờ cũng dễ nổi trong môi trường nước muối hơn là nước lã. Và như thế, sự thực hoàn toàn ngược lại: có muối thì hành mới “lanh chanh” (nổi lềnh bềnh)!

-Lại có ý kiến cho rằng, “lanh chanh như hành không muối”, chỉ ai đó “đoảng tính”, muối dưa hành mà lại quên không…bỏ muối. Nhưng muối dưa hành hay muối dưa cải, mà không…bỏ muối thì có gì khác nhau về độ “đoảng tính”?

Vậy “Lanh chanh như hành không muối”, hay “Không muối thì hành lanh chanh” được hiểu nghĩa đen như thế nào?

Chúng tôi cho rằng, nghĩa đen các thành ngữ, tục ngữ này dựa trên tầm quan trọng của muối và hành. Theo đây, so với hành thì muối quan trọng hơn rất nhiều. Mọi món ăn có thể thiếu gia vị, nhưng không thể thiếu muối. Nhưng trong thực tế, cũng có lúc hành lại “tiếm ngôi” đầu của muối.

Xin bắt đầu từ câu hỏi: vậy thì khi nào “hành có muối”, và khi nào thì “hành không muối”?

         Hành có muối khi người ta chế biến các món mà muối và hành được bỏ ngay từ đầu và bỏ cùng lúc để ướp, nấu. Trong những trường hợp này, muối là nguyên liệu không thể thiếu, còn hành chỉ là một trong nhiều gia vị (như gừng, tỏi, ớt, mì chính, đường…). Bởi vậy, khi xuất hiện cùng lúc với muối, thì hành là thứ yếu, không có gì nổi bật, thậm chí có cũng được, không có cũng chẳng sao. Việc ướp hành chung với mắm muối và đồ nấu cũng chẳng cần phải vội vàng hay theo một quy trình ngặt nghèo nào cả. Tuy nhiên, khi “hành không muối” thì mọi chuyện lại khác.

         Vậy khi nào thì “hành không muối”?

“Hành không muối” là khi người ta phải phi thơm hành mỡ để làm dậy mùi các thức xào nấu, trước khi cho mắm muối vào, hoặc chiên hành để làm gia vị, nhân bánh,v.v… Để đảm bảo cho hành được chín vàng thơm lừng, chảo mỡ phải sạch, tuyệt đối không dính muối mặn. Khác với khi “hành có muối”, lúc này hành không chỉ quan trọng nhất mà còn đi trước tiên, mắm muối trở thành kẻ “tham gia” sau cùng.

Vậy, vì sao dân gian lại liên tưởng “hành không muối” giống như một kẻ “lanh chanh”, lau chau nào đó?

Cách xào nấu thường ngày không giống đầu bếp chuyên nghiệp. Nghĩa là thay vì đập hành, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng rồi mới bắc chảo mỡ, thì có khi người ta lại làm ngược lại; trong khi chờ chảo khô, mỡ nóng lên, thì tranh thủ bóc và đập hành.

Bóc củ hành tưởng nhanh mà khó. Lắm khi chảo mỡ đã nóng xèo xèo mà tay còn lật đật với mấy lớp vỏ hành cứng đầu. Đập vội được củ hành thì lớp thân trong của nó lại văng ra tứ tung, trong khi chảo mỡ ngày càng nóng sôi, thúc giục người ta phải nhanh tay…

Khi bỏ hành vào thì động tác phi hành phải cũng phải thật nhanh để chảo mỡ nóng già không làm hành bị cháy…Ấy là chưa kể nếu không chuẩn bị sẵn sàng mấy thứ nguyên liệu (như cà chua, rau, thịt…) cho vào sau khi hành đã được phi thơm, thì bất kể bắc chảo mỡ trước hay sau khi đập hành, chỉ cần chậm tay, lơ là chút là hành “đi tong”. Lắm khi vì vội vàng với cái anh hành “lanh chanh” này mà bị dao thớt làm cho đau, bằng không thì hành cũng quá lửa, cháy đen sì, hỏng việc! Và “trật tự” chỉ được “vãn hồi” sau khi có sự xuất hiện của bước gia giảm, thêm mắm thêm muối.

Dưới cái nhìn nhân cách hoá của dân gian, “hành không muối” giống như kẻ lanh chanh, lau chau, lúc nào cũng rối rít, tỏ ra nhanh nhảu, và kết quả đôi khi là vô duyên, hỏng việc!

Điều thú vị là cùng một sự vật, hiện tượng, cùng xuất phát từ một nghĩa đen, nhưng dân gian đã tạo nên một bản là tục ngữ, một bản là thành ngữ:

-Bản là tục ngữ “Không muối thì hành lanh chanh”: đúc kết một thực tế mang tính quy luật: khi thiếu vắng nhân tố chính yếu, thì cái thứ yếu tự dưng nổi bật lên. Giống như khi “không muối” thì hành được dịp thể hiện vai trò quan trọng, mà “Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương đã diễn giải theo nghĩa hiển ngôn là: “Hễ vắng mặt muối là hành đâm ra lanh chanh ngay”. Câu này đồng nghĩa câu “Có voi voi to; chẳng có voi bò lớn”, hay “Có núi núi lớn; chẳng có núi cồn cao” (thiếu vắng cái cao lớn thật sự, thì cái nhỏ bỗng dưng thế chỗ). Cái hay của câu “Không muối thì hành lanh chanh” ở chỗ dân gian nhân cách hoá củ hành để lột tả điệu bộ, tính cách bắng nhắng, thích thể hiện ta đây của kẻ hãnh tiến, “thằng chột làm vua xứ mù”!

-Bản là thành ngữ “Lanh chanh như hành không muối”: đơn thuần ví von, so sánh dáng vẻ, điệu bộ lau chau, hấp tấp vội vàng của ai đó giống như “hành không muối”. Câu này đồng nghĩa với câu “Lanh chanh như đứa ở mới đến”: đứa ở mới đến thì hăng hái, lau chau, cái gì cũng tỏ ra nhanh nhảu, nhiệt tình, biết việc (Dị bản “Lau chau như đứa ở mới đến, ngổng nghến như đứa ở đầy năm”).

Dân gian thường dựa vào sự quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh đời sống sinh hoạt hàng ngày để đặt nên thành ngữ tục ngữ. Bởi vậy, nghĩa đen thường bao giờ cũng tương ứng với nghĩa bóng. Trường hợp này, cái cách mà “hành không muối” tham gia vào món ăn gợi nên điệu bộ của kẻ “lanh chanh”, đúng như nghĩa mà “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê - Vietlex) đã giảng: “lanh chanh • t. có dáng điệu hấp tấp, vội vã, muốn tỏ ra nhanh nhảu. tính hay lanh chanh ~ Đn: lau chau”.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHỖ ĐAU HAY ĐỤNG


“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Chỗ đau hay đụng Chỗ đang đau là chỗ hay bị va chạm phải hơn cả. Hay dùng để khuyên mọi người hãy cố tránh cho các chỗ đang đau khỏi bị va chạm nhằm giảm nhẹ bớt cảm giác đau”.

         Giải thích như vậy là hời hợt và không đúng.

         Về nghĩa đen, “chỗ đau” ở đây chỉ vết thương chưa lành, thường nằm ở vị trí như đầu gối, cùi tay, đầu ngón chân…nên hay đụng phải. Tuy nhiên, dẫu không nằm ở vị trí “nhạy cảm” ấy, thì với vết thương ở bất cứ đâu, chỉ cần vô tình “đụng” nhẹ một cái cũng khiến người ta đau. Trong khi những chỗ khác, thì dù có va chạm cũng không ai để ý. Bởi vậy, người ta có cảm giác “chỗ đau” là chỗ “hay đụng” phải so với những chỗ khác.

Nghĩa bóng: với người mang nỗi đau tinh thần, thì chỉ cần một lời nhắc nhớ, gợi lại của bất cứ ai, bất cứ điều gì tương tự, dù vô tình hay hữu ý, dù nặng hay nhẹ, cũng đủ đụng chạm đến ký ức, khiến người ta cảm thấy đau đớn, buồn tủi.

Ví dụ 30/4/1975 là một sự kiện mà “khi nhắc lại có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” (trích lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Với “hàng triệu người vui”, có khi không mấy ai để ý, nhưng với “hàng triệu người buồn”, thì những từ ngữ như “ba mươi tháng tư một chính bảy lăm”, “giải phóng miền Nam”, “Sài Gòn”, “TP Hồ Chí Minh”, “Ngô Đình Diệm”,... “Dương Văn Minh”, ...và rồi “di tản”, “thuyền nhân”, “tị nạn”, “Mỹ nguỵ”... luôn gợi nhớ, đụng chạm vào vết thương lòng... Người ta cảm thấy dường như những từ ngữ ấy hay được nhắc đến hơn bất cứ những từ ngữ nào khác.


Như vậy, câu tục ngữ là lời tự thán về cảnh ngộ của ai đó, nhưng cũng là lời dân gian răn dạy phải biết ý tứ, tránh đụng chạm đến nỗi đau đớn, buồn tủi của người khác.

HOÀNG TUẦN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

DẦN DẠ NHẬP NHÂN GIA, PHI GIAN TỨC ĐẠO


Tục ngữ Hán có câu “Dần dạ nhập nhân gia, phi gian tức đạo” 寅/夤夜入人家非奸即盜, có nghĩa: Đêm hôm  khuya khoắt mò vào nhà người ta, không gian dâm cũng trộm cắp.

         “Dần” 夤夜 trong câu tục ngữ được hiểu theo nghĩa sâu (đêm), khuya. “Dạ” ở đây cũng có nghĩa là đêm khuya. Cấu trúc “dần dạ” 夤夜 được hiểu = nửa đêm, đêm hôm khuya khoắt.

“Dần dạ” là khoảng thời gian đã quá muộn với lý do thăm hỏi hay đi chơi buổi tối, nhưng lại quá sớm với lý do đi chơi hay thăm hỏi buổi sáng. Bởi vậy, đến nhà người ta vào nửa đêm chỉ có thể là nhằm thực hiện những việc mờ ám, bất lương. Tục ngữ Việt cũng có dị bản gần nghĩa “Chẳng gian đi đâu tối, chẳng dối đi đâu đêm” là vậy.

Cách nói “phi gian tức đạo” tạo hiệu quả cho sự khẳng định mạnh mẽ: không có bất cứ lý do nào có thể biện hộ cho cho việc xâm nhập tư gia của người khác vào lúc đêm hôm khuya khoắt!

Tục ngữ là bách khoa tri thức, là kinh nghiệm nghiệm ứng xử. “Dần dạ nhập nhân gia, phi gian tức đạo” cũng có ý khuyên nhủ: chớ dại dột đến nhà người ta vào thời điểm “nhạy cảm” này, bởi muốn giải thích thế nào, dù vô tình hay hữu ý, lỗi vẫn thuộc về kẻ “dần dạ nhập nhân gia”, chứ không phải chủ nhà. Trong trường hợp này, chủ nhà có quyền phòng vệ chính đáng.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [35] [36] [37] [38] [39] [40] [41] ... ›Trang sau »Trang cuối