Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [37] [38] [39] [40] [41] [42] [43] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU


Tiếng Việt có những chữ không bắt nguồn từ một chữ Hán: [空], mà âm Hán Việt cũng là không.
Không (1) là cách đọc chữ số “0”, đặc biệt là khi nói về giờ giấc, tỷ số, ví dụ: Kết quả trận chung kết đơn nam giải Roland Garros 2020 giữa Rafael Nadal và Novak Djokovic là “sáu - không” (6-0) ở set 1.
Không (2) là phó từ dùng để phủ định tính chất hoặc hành động do vị từ hoặc ngữ vị từ đi liền sau nó biểu hiện; ví dụ: Ở đây cửa Phật là không hẹp gì (Truyện Kiều, câu 2076); Năm nay (2020), Roger Federer không tham dự giải Roland Garros... Trong sáu chữ không thì không (2) có tần số sử dụng cao nhất.
Không (3) được Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên ghi chú là tính từ (tức vị từ tỉnh - NV) và giảng là: “1 ở trạng thái hoàn toàn không có những gì thường thấy: cái hộp không, vườn không nhà trống [...]. 2 ở trạng thái hoàn toàn rỗi rãi, không có việc gì làm hoặc không chịu làm việc gì: chỉ độc ngồi không; ăn không ngồi rồi. 3 ở trạng thái hoàn toàn không có thêm những gì khác như thường thấy hoặc như đáng lẽ phải có: ăn cơm không; làm công không [...]. 4 ở trạng thái hoàn toàn không kèm theo một điều kiện gì: cho không [...]. 5 [khẩu ngữ] ở mức độ gây cảm giác như là không có gì cả: cái thùng nhẹ không, việc dễ không”.
Không (4) là danh từ mà Từ điển tiếng Việt 2008 giảng là: “khoảng không gian ở trên cao, trên đầu mọi người: bay lượn trên không; vận tải đường không”.
Không (5) là một thuật ngữ Phật giáo mà Từ điển tiếng Việt 2008 giảng là: “cái không có hình dạng, con người không ý thức được, theo quan niệm của đạo Phật [nói khái quát]; đối lập với sắc: quan niệm sắc sắc không không của đạo Phật”. Còn Từ điển Phật học Hán Việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên (NXB Khoa học xã hội, 2002) thì giảng: “Trống không, không có thật, không có cảnh, không có thể. Tất cả các sự vật trong tam giới đều không phải là thật. Nhận ra điều đó tức là Không”.
Không (6) là một hình vị Hán Việt phụ thuộc mà chúng tôi muốn nói rõ vì nó thường bị thay bằng vô [無] trong thành ngữ không tiền khoáng hậu [空前曠後] thành “vô tiền khoáng hậu”. Đây là một lối nói sai so với hình thức gốc do sự đánh đồng ngữ nghĩa giữa không [空] và vô [無]. Thực ra thì vô [無] có nghĩa là “không”, còn không [空] thì lại có nghĩa là “trống” cả về không gian lẫn thời gian như: không bạch [空白] là “trống trơn, để trống, để trắng (tờ giấy)”; không địa [空地] là “đất trống, chỗ trống”; không tử [空子] là “chỗ trống, lúc rảnh”; sáp không [揷空] là “tranh thủ lúc rảnh rỗi”; điền không [塡空] là “điền vào chỗ trống; lấp chỗ trống”... Trong thành ngữ không tiền khoáng hậu [空前曠後] thì không [空] cùng thuộc một trường nghĩa với khoáng [曠] vì khoáng là “rộng rãi, trống trải”. Còn vô [無] là một hình vị dùng để phủ định, có nghĩa là “không”, như: vô biên, vô cảm, vô can, vô danh, vô địch, vô lý... Có một số người hiểu sai không trong không tiền khoáng hậu là “không có”, đồng nghĩa với vô, nên đã làm một thao tác “bác học” mà đổi không tiền khoáng hậu thành vô tiền khoáng hậu. Đây chỉ là hậu quả của một sự siêu chỉnh (hypercorrection) do thiếu hiểu biết mà ra.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGU NHƯ BÒ
và LỢN LIÊU ĐÔNG


Minh hoạ thành ngữ “Liêu Đông thỉ”

“Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt - Hán” (Nguyễn Văn Khang - NXB Văn hoá Sài Gòn – 2008), là cuốn từ điển đối chiếu những đơn vị thành ngữ và tục ngữ có nghĩa giống nhau trong tiếng Việt và tiếng Hán. Sách này cho rằng, thành ngữ “ngu như bò” và “ngu như lợn” trong tiếng Việt đồng nghĩa với 遼東之豕 (Liêu Đông chi thỉ) trong tiếng Hán. Tuy nhiên, đây là cặp thành ngữ Việt và Hán hoàn toàn không đồng nghĩa.

Tiếng Việt “ngu như bò”, “ngu như lợn” hay “dốt như bò”, ý chỉ dốt nát, đần độn, học hành kém cỏi, không có khả năng tiếp thu; trong khi Hán: “遼東之豕” (Liêu Đông chi thỉ) lại ý chỉ kiến văn hạn hẹp, hiểu biết nông cạn, thấy gì cũng cho là kì lạ.

Thành ngữ “Liêu Đông chi thỉ” vốn xuất phát từ tích Bành Sủng thời Tây Hán, có công đốc suất vận lương khi Hán Quang Vũ vây đất Hàm Đan, nhưng sau lại không được Quang Vũ trọng thưởng, nên rất bất mãn. Quang Vũ đế biết vậy, nên hỏi ý kiến quan Châu mục là Chu Phù. Vốn không ưa và có xích mích với Bành Sủng, nên Chu Phù tâu lời dèm pha, rồi nhân đó gửi cho Bành Sủng bức thư với ý sỉ nhục, ví công lao của ông này chẳng khác nào “Liêu Đông thỉ”.

Hán ngữ đại từ điển trích lời Chu Phù gửi Bành Sủng và giảng như sau: “Liêu Đông thỉ: “Hậu Hán thư – Chu Phù truyện”: “Xưa ở Liêu Đông có con lợn nái đẻ ra một con lợn đầu trắng. Chủ nhân cho là dị thường, liền đem tiến vua. Khi đến đất Hà Đông mới thấy một đàn lợn toàn những con đầu trắng. Người này lấy làm xấu hổ quay về. Nếu đem công lao của ông (tức Bành Sủng - HTC) mà luận ở triều đình, thì cũng giống như con lợn ở Liêu Đông mà thôi (ý nói công lao kiểu như Bành Sủng không có gì đáng để ý - HTC) . Sau này thành ngữ ‘Liêu Đông thỉ’ chỉ người kiến thức nông cạn, kiến văn hạn chế, thấy gì cũng lạ.” [nguyên văn: 遼東豕 “後漢書 - 朱浮傳”:“往時遼東有豕,生子白頭,異而獻之,行至河 東, 見群豕皆白,懷慚而還. 若以子之功 論於朝廷, 則為 遼東 豕也.” 後以 “遼東豕” 指知識淺薄, 少見多怪].

Lỗi này do tác giả Nguyễn Văn Khang bê nguyên cách hiểu sai từ sách “Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán” (Trung tâm Khoa học và Nhân văn Quốc gia - Viện Ngôn ngữ học; Như Ý - Nguyễn Văn Khang - Phan Xuân Thành, NXB Văn hoá Thông tin – 1994), trong đó Nguyễn Văn Khang là đồng tác giả. Sách này giải thích như sau: “Liêu đông chi thỉ: Ngu độn, kém hiểu biết, ví như con lợn của Liêu Đông vậy”.

Không biết “con lợn của Liêu Đông” là con lợn gì, và tại sao nó lại ngu hơn những con lợn khác?

Như vậy, “Liêu Đông chi thỉ” trong tiếng Hán, có chăng gần nghĩa với “ếch ngồi đáy giếng”, chứ không đồng nghĩa với “ngu như bò”, “ngu như lợn” trong tiếng Việt.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THUẦN PHONG MỸ TỤC


Chúng ta thường hay nghe nhắc về thuần phong mỹ tục, pháp luật cũng quy định về mức phạt hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục, nhưng thế nào là thuần phong mỹ tục thì pháp luật chưa có định nghĩa.



Mới đây, Thanh tra Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với anh Nguyễn Văn Hưng (28 tuổi, trú tại xóm Chùa, xã Xuân Hương, H.Lạng Giang, Bắc Giang; con trai bà Tân Vlog) về hành vi cung cấp, chia sẻ, thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Nhiều người thắc mắc về khái niệm “thuần phong mỹ tục” và những quy định liên quan vấn đề này.

Hiểu sao về thuần phong mỹ tục?
Một tiến sĩ văn hoá trường Đại học KHXH & NV (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, chưa có sách vở nào định nghĩa một cách đầy đủ về khái niệm thuần phong mỹ tục.

Chúng ta chỉ hiểu và mặc định cùng nhau hiểu nôm na, mỹ là đẹp; tục là phong tục, tập tục; phong tục được hiểu là sắc thái, phong thái, bản sắc riêng của vùng miền, quốc gia, dân tộc; thuần là không lẫn, pha trộn với bất cứ thứ gì. Như vậy, thuần phong mỹ tục là giữ gìn những tập quán, thói quen tốt đẹp mang tính chất đặc thù, bản sắc của dân tộc.

Hay bao quát hơn, thuần phong mỹ tục bao gồm các phong tục, tập quán, lối sống văn minh, những điều tốt đẹp ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo.

Theo vị này, thuần phong mỹ tục là khái niệm tổng quát để chỉ cả về ăn, mặc, ở, giao tiếp hằng ngày.

Tiến sĩ văn hoá học phân tích, việc mặc sao cho phù hợp thuần phong mỹ tục có thể minh hoạ tiêu biểu nhất đó là khi đến chùa phải ăn mặc kín đáo, không mặc váy áo hở hang. Không chỉ vậy, tuỳ từng môi trường chúng ta đến, việc lựa chọn trang phục sao cho phù hợp đó cũng là thuần phong mỹ tục.

“Chửi tục không thuộc lĩnh vực thuần phong mỹ tục, mà nói như thế nào để giữ cho tiếng Việt trong sáng, rõ nghĩa hay thì mới là thuần phong mỹ tục. Còn nói chuyện hay lên mạng xã hội phát ngôn tục tĩu thì đó là tính văn hoá trong giao tiếp”, tiến sĩ văn hoá phân tích thêm.

Một YouTuber bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục.

Theo vị này, thời gian gần đây, một YouTuber bị xử phạt về hành vi chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục khi quay clip nấu cháo một con gà nguyên lông trên mạng xã hội khiến người dân càng thêm mơ hồ, thắc mắc về khái niệm thuần phong mỹ tục.
Ông phân tích, một số nơi vẫn chế biến gà bằng cách nung với đất sét, để con gà nguyên lông đắp đất sét lên rồi nung, nung đến một thời điểm nhất định bóc đất sét ra thì lông gà rời ra và ăn thịt gà.

Do đó, trường hợp YouTuber đưa vào phạt hành vi chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục thì chưa thật sự phù hợp vì pháp luật chưa định nghĩa thế nào là không phù hợp. Sự “định tính” trong vi phạm hay không vi phạm trong nhiều trường hợp chiếm phần lớn.

“Nếu YouTuber làm con gà nấu ăn ở nhà thì không có gì, nhưng đưa lên mạng thì đưa hiện tượng bất thường lên mạng xã hội. Đây là hành vi là đi ngược với văn minh của dân tộc, nhân loại”, ông nhận định.

Cần mô tả chi tiết thuần phong mỹ tục
Luật sư (LS) Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cũng cho rằng, xét về mặt pháp lý, việc giải thích khái niệm “thuần phong mỹ tục” không được ghi nhận trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, đặc biệt trong các văn bản xử phạt vi phạm hành chính.

Trước đây, việc giải thích khái niệm này đã từng tồn tại trong Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong việc hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp (đã hết hiệu lực từ 8.2016).
Như vậy, đây là một khái niệm chỉ tồn tại trong suy nghĩ của mỗi người, không nằm trong văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư Lê Trung Phát

LS Phát nêu ý kiến: “Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần sớm đưa ra giải thích, mô tả chi tiết cho khái niệm này. Việc này là rất cần thiết, bởi hiện nay có khá nhiều văn bản xử phạt vi phạm hành chính có quy định thành vi bị xử phạt với tình tiết “vi phạm thuần phong mỹ tục”, trong khi nó không được giải thích một cách cụ thể. Điều này đã tạo ra việc áp dụng pháp luật một cách cảm tính, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”.

LS Phát phân tích, về nguyên tắc, một người chỉ bị xử phạt cho hành vi của mình, khi người đó vi phạm một quy định cụ thể trong luật. Vì vậy, ông cho rằng, việc cơ quan chức năng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp được gọi là vi phạm là chưa có tính thuyết phục.

“Thuần phong mỹ tục suy cho cùng nó cũng chỉ là những quan niệm, lối sống phù hợp có thể được truyền từ đời này sang đời khác, tạo nên một nếp sống tốt. Như vậy cũng có nghĩa là nó chỉ là một sự chọn lọc, mà sự chọn lọc thì tất nhiên là cần thời gian để lựa chọn”, LS Phát nói.

VŨ PHƯỢNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐÁNH CHUỘT SỢ VỠ BÌNH


Ông Lê Thanh Hải - Cựu Bí thư Thành uỷ TPHCM là nhân vật
thường được ví với câu tục ngữ “Đánh chuột sợ vỡ bình”-Ảnh minh hoạ: ST

Hàng ngàn năm qua, loài người luôn xem chuột là một thứ “giặc”. Nhưng tiêu diệt giống vật đa nghi, tinh quái này không dễ. Người ta chế ra trăm ngàn thứ bẫy bả để đánh chuột, chúng cũng tương kế tựu kế, tìm đủ cách để sinh tồn. Bởi vậy, đặt bẫy dùng bả có khi chuột chẳng hề gì mà chó, mèo, gà, thậm chí là chính con người lại phải mất mạng. Còn đánh đuổi chuột thì lắm khi chuột chẳng chết mà chum vại, bát chén lại vỡ tan tành! Thế nên tục ngữ Việt Nam mới có câu “Ném chuột sợ vỡ bình quý” (dị bản “Ném chuột còn ghê chạn bát”; “Ném chuột còn e chạn bát); và tục ngữ Hán cũng có câu “Đầu thử kỵ khí” 投鼠忌器 (Ném chuột sợ vỡ đồ).

Về điển tích “Đầu thử kỵ khí”, Truyện Giả Nghị trong sách Hán thư (Hán thư - Giả Nghị truyện 漢書 - 價議傳) cho biết, xưa có một phú ông đam mê đồ cổ, và sưu tập được rất nhiều. Trong số đó có một món đồ cực quý hiếm, nghệ thuật tinh mỹ, gọi là liễn ngọc (nguyên văn “ngọc vu” 玉盂). Nhiều kẻ sưu tầm đồ cổ giàu có khác rất thèm muốn. Chiều tối một ngày nọ, bỗng có con chuột chui vào liễn ngọc tìm kiếm thức ăn. Phú ông nhìn thấy và vô cùng tức giận. Trong cơn thịnh nộ, ông cầm hòn đá ném mạnh khiến con chuột kia chết ngay tức khắc. Nhưng than ôi, chiếc bình ngọc quý của phú ông cũng vỡ tan tành. Lúc này, phú ông mới cảm thấy nuối tiếc và vô cùng hối hận bởi hành vi vội vàng, lỗ mãng của mình.

Điển tích “Ném chuột sợ vỡ đồ” được vận dụng khá rộng rãi trong đời sống cũng như các tác phẩm văn học từ cổ chí kim, với nhiều ẩn ý khác nhau. Xin nêu một vài ví dụ:

Thời Tây Hán, Đại văn học gia Giả Nghị đã vận dụng điển tích “Đánh chuột sợ vỡ đồ” để nói với vua Cảnh Đế: “Tục ngữ có câu “Đầu thử kỵ khí”, ý nói một người cầm gậy muốn ném chuột, nhưng lại sợ làm vỡ đồ vật ở ngay bên cạnh con chuột. Có khi đánh chuột không thành mà lại làm vỡ đồ. Ví như đám bề tôi gần gũi Chúa thượng, dẫu có làm việc lầm lỗi hoặc phạm tội chăng nữa, cũng không ai dám tố giác, càng không ai dám chửi rủa. Sở dĩ những hình phạt như thích chữ lên mặt, hay xẻo mũi không thể đụng chạm đến những vị ấy được, nguyên nhân cũng vì họ đều thân cận hai bên tả hữu Chúa thượng, phải tôn trọng Chúa thượng vậy.” (Hán thư - Giả Nghị truyện - 漢書-價議傳).

Ai từng đọc “Tam quốc diễn nghĩa” hẳn nhớ một đoạn trong Hồi 20 “Tào A Man ra săn ruộng Hứa Điền, Đổng Quốc cữu vâng chiếu trong nội các”:

“…Đi qua một cái gò, chợt thấy trong bụi gai một con hươu lớn chạy ra, vua bắn luôn ba phát không tin, bèn ngoảnh lại bảo Tháo rằng:
- Ngươi bắn đi!

Tháo xin mượn cung ngọc tên vàng của vua, giương lên bắn một phát, tin ngay giữa lưng, hươu ngã trong đám cỏ. Các đại thần và các tướng trông thấy lưng hươu có tên bịt vàng, tưởng vua bắn tin, cùng chạy lên trước mặt vua reo: Vạn tuế!

Tào Tháo tế ngựa ra đứng trước mặt vua để nhận lấy những lời chúc mừng.
Trăm quan thấy vậy ai nấy đều tái mặt. Sau lưng Huyền Đức, Quan Vân Trường giận lắm, mày tằm dựng ngược, mắt phượng giương to, cầm đao, thúc ngựa định ra chém Tào Tháo. Huyền Đức biết ý, vội vàng vẫy tay đưa mắt. Quan Công thấy anh ra hiệu, phải chịu đứng im.

Huyền Đức ngoảnh lại mừng Tào Tháo rằng:
- Thừa tướng bắn tài trong đời hiếm có!

Tháo cười nói nhún rằng:
- Ấy cũng nhờ phúc lớn của thiên tử.

Rồi Tháo quay ngựa ngoảnh vào vua chúc mừng, nhưng từ đấy giữ lấy cung khảm ngọc, không trả vua nữa.

Săn bắn xong, Tháo mở một tiệc yến ở Hứa Điền, rồi rước vua về Hứa Đô. Khi các quan tướng đâu đã về đấy rồi, Quan Vũ mới hỏi Lưu Bị rằng:
- Thằng giặc Tào nó dối vua khinh trên, tôi toan giết nó để trừ hại cho nước, sao anh lại ngăn tôi?

Lưu Bị nói:
- Ném chuột còn phải lo vỡ đồ quý, Tháo đứng cách vua chỉ có một đầu ngựa, mà những người tâm phúc nó đi xúm xít cả chung quanh, nếu em nhân cơn giận làm liều không nghĩ, nhỡ việc không xong, hại đến Thiên tử thì có phải tội tại chúng ta không?”.

Câu “Ném chuột còn phải lo vỡ đồ quý” của Lưu Bị (Bản dịch Phan Kế Bính, Bùi Kỷ hiệu đính) nguyên văn chữ Hán trong “Tam Quốc diễn nghĩa” là  “Đầu thử kỵ khí” (投鼠忌器).

Năm Giáp Tý 1984, nhân cuộc xướng hoạ thơ vui “Năm Tý nói chuyện chuột” trên báo Thanh Hoá, Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ có bài hoạ, trong đó câu “Tiếc lọ chê ai đành chuột phá” chính là vận dụng tục ngữ “Đánh chuột sợ vỡ bình quý”:

Giống chuột xưa nay vẫn sống đời
Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi!
Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu,
Của để tớ thầy hợp sức lôi!
Tiếc lọ chê ai đành chuột phá,
Hoài cơm trách bạn để mèo xơi!
Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc,
Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!

Như vậy, câu tục ngữ “Đánh chuột sợ vỡ đồ” mang nhiều nghĩa bóng. Đại văn học gia Giả Nghị vận dụng với ẩn ý: đôi khi buộc phải nương tay với kẻ phạm tội, bởi chúng được sự sủng ái của bề trên; Lưu Bị dùng với nghĩa: trừng trị, tiêu diệt kẻ thù cần phải khôn ngoan, tránh làm tổn hại chính mình; còn tác giả bài thơ hoạ “Năm Tý nói chuyện chuột”, lại dùng với ý: không nên vì sợ tổn hại mà quá nương tay với kẻ gây hại.

Ấy chính là cái khó khi tiêu diệt loại kẻ thù mà chúng luôn tìm cách nương náu, dựa dẫm, lẩn khuất vào chính những thứ mà mình đang cần bảo vệ.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĂN CHÓ CẢ LÔNG


Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt”. Sách “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh-2010) tách làm 2 dị bản và giải thích:

-“Ăn chó cả lông Ăn (thịt) chó thì đừng ăn cả lông (mà mất ngon đi). Hay dùng để chê những kẻ hà tiện vô lối, tới độ làm uổng phí cả những thứ ngon”.
-Với dị bản “Ăn chó cả lông; ăn hồng cả hạt”, Nguyễn Đức Dương diễn giải: “Ăn (thịt) chó thì ăn luôn cả lông; ăn hồng thì ăn luôn cả hạt (cho đỡ bỏ phí). Hay dùng với ẩn ý: nh.  Ăn chó cả lông”.

         Đầu tiên, soạn giả có sự mâu thuẫn trong cách giảng. Theo đây với dị bản 1, Nguyễn Đức Dương cho rằng tục ngữ khuyên người ta “ăn (thịt) chó thì đừng ăn cả lông (mà mất ngon đi)”; trong khi dị bản 2, lại khuyên ngược lại (rất vô lý): “ăn (thịt) chó thì ăn luôn cả lông; ăn hồng thì ăn luôn cả hạt (cho đỡ bỏ phí)”, nhưng cuối cùng soạn giả lại kết luận: “hay dùng với ẩn ý: nh.  Ăn chó cả lông”!
         Thứ hai, cách giải thích của soạn giả sai hoàn toàn.

Trong thực tế, không ai dại dột hoặc “hà tiện” tới mức “ăn chó cả lông”, để rồi dân gian phải đúc kết, đưa ra lời khuyên “Ăn (thịt) chó thì (đừng ăn cả lông (mà mất ngon đi)”, hoặc chê “những kẻ hà tiện vô lối” như soạn giả giảng.
Thực ra “Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt” là cách nói ngoa dụ của dân gian, ám chỉ những kẻ tham lam, thô bỉ, ăn bẩn ăn thỉu một cách đê tiện, ăn cả những thứ tưởng chừng không ai dám ăn, không thể ăn nổi!

Sự việc bà Thứ trưởng Bộ Giáo dục sau khi về hưu còn xin giữ lại nhà công vụ
cho con trai sử dụng, được nhiều người ví với cách nói của dân gian “Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt”-Ảnh: Báo Tiền Phong

Dở dĩ dân gian đem lông chó ra để ví von là bởi chó là loài ăn tạp, bộ lông của nó cực hôi hám bẩn thỉu. Thế nên khi thịt chó, sau khi cạo lông, người ta còn phải thui lên để làm sạch hết lông tơ và làm thơm phần da hôi tanh của nó. Còn hạt quả hồng (cũng như hạt của các loại quả thuộc họ thị, cậy…) thì đã cứng như sừng lại vô vị, ăn vào chỉ tổ đau dạ dày (có câu “Tiền một đồng lại muốn ăn hồng không hạt” là vậy). Ấy vậy mà có kẻ vẫn ăn tất!

Trong thực tế cũng có một số câu tục ngữ về kinh nghiệm ăn uống, như “Ăn cơm lừa/lìa thóc, ăn cóc bỏ gan” (dị bản “Ăn cóc bỏ gan, ăn trầu nhả bã”). Hạt thóc lẫn vào cơm, hay xơ của quả cau trong bã trầu có thể gây hại đến hệ tiêu hoá; thịt cóc thơm ngon bổ dưỡng, nhưng gan cóc thì cực độc. Bởi vậy khi ăn phải lìa ra, bỏ đi những thứ ấy. Tương tự “Ăn cá nhả xương, ăn đường nuốt chậm”, “Ăn cá bỏ vây, ăn quả nhả hạt”…

Với câu “Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt” lại khác.

“Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt” gần nghĩa với “Uống nước cả cặn”, “Uống nước không chừa cặn”, “Ăn cả cứt lẫn đái”, ám chỉ kẻ tham lam, tồi tệ, cạn tàu ráo máng, ăn hết cả phần người khác. Tương tự, tục ngữ Hán cũng có một số câu đồng nghĩa như: “Ăn thịt không nhả xương” [Thực nhục bất thổ cốt đầu - 吃肉不吐骨頭], dị bản “Ăn thịt người không nhả xương” [Thực nhân bất thổ cốt đầu - 吃人不吐骨頭], hoặc dị bản thậm xưng: “Ăn thịt người chết không nhả xương” [Thực tử nhân bất thổ cốt đầu - 吃死人不吐骨頭]…Tất cả đều không phải kinh nghiệm ẩm thực, mà là ám chỉ, lên án kẻ cực tham lam, tàn bạo (極端貪婪,凶惡) sự bóc lột tàn khốc đối với dân nghèo, ăn của dân không từ thứ gì!(*)

HOÀNG TUẤN CÔNG
(*)-Trong Hán ngữ, hai chữ “ngật nhân” (吃人) còn được hiểu là sự “áp bức, bóc lột tàn bạo của giai cấp thống trị đối với dân nghèo.” (吃人: 比喻舊社會剝削階級殘酷地剝削和壓迫窮人-Hán ngữ đại từ điển)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHÔN RAU CẮT RỐN


Theo thầy giáo Trần Văn Tám, không chỉ có lỗi, sách giáo khoa ngày nay cũng sai về kiến thức. Trong đó, buồn cười nhất là câu: “chôn rau cắt rốn”!

“Sách giáo khoa dùng trong nhà trường hiện tại bây giờ không còn xem là pháp lệnh, mà nó chỉ là phương tiện để giáo viên tham khảo để soạn giáo án riêng cho mình trước khi lên lớp.

Dĩ nhiên, các nội dung điều chỉnh của từng giáo viên phải được thông qua ban giám hiệu và được sự đồng ý của hiệu trưởng.

Tuy nhiên, trong thực tế giảng dạy khi gặp từ sai về ngữ, nghĩa giáo viên trực tiếp dạy không dám mạnh dạn sửa cho học sinh mà rập khuôn, máy móc bám vào sách, dạy y chang trong sách giáo khoa.

Tôi lấy thí dụ: môn Luyện từ và câu bài: Mở rộng vốn từ Tổ quốc (ở trang 18 Sách Tiếng Việt 5/ tập 1, NXB Giáo dục, in tại Công ty Trần Phú, 71-75 Hai Bà Trưng, Q1. TP.HCM, Số xuất bản 1517/105-05) bài tập câu 4. Đặt câu với một trong những từ ngữ dưới đây:

a/ Quê hương
b/ Quê mẹ
c/ Quê cha đất tổ
d/ Nơi chôn rau cắt rốn.
Đúng ra câu d phải là: Nơi chôn nhau cắt rốn.

Ai cũng biết, nghĩa đen của từ “nhau” là phần nuôi dưỡng thai nhi sau khi sinh bị bỏ đi, ngày xưa nhân dân ta thường đem chôn xung quanh nhà. Còn nghĩa bóng là quê hương của một người!

Vậy mà, trong sách giáo khoa học lại đưa từ ‘rau’ vào!

Theo tôi, việc đem áp đặt từ “rau” trong trường hợp này hoàn toàn sai. Sai từ người biên tập, chủ biên, nhà xuất bản...

Một ví dụ khác, trong sách Tiếng Việt lớp 3 (tập 2) trang 60 viết về Hội đua voi ở Tây Nguyên (Theo Lê Tấn) có đoạn: “Trường đua là một đoạn rộng phẳng lì, dài hơn năm cây số”.

Mới đọc qua đoạn này, thú thật tôi không tin ở đó có “trường đua voi”. Và, càng không tin ở đó có đường đua rộng phẳng lì dài năm cây số.

Ai cũng biết vị trí địa lý ở Tây Nguyên đồi núi trập trùng, đường sá quanh co, khúc khuỷu làm gì thiết kế được “trường đua voi” hết sức rộng và dài như trong sách viết.
Cách miêu tả của tác giả trong bài hết như vậy sức cụ thể như đang chứng kiến trận đua voi đọc đến đây trẻ hết sức ấn tượng và nhớ lâu, mà thực tế thì không đúng như vậy.

Như vậy, miêu tả đoạn này, chẳng khác nào người lớn “nói dóc” là “xí gạt” trẻ. Càng tệ hại hơn, từ chuyện nói dóc đó, đã vô tình cung cấp kiến thức sai không đúng với thực tế cho học sinh mới lên 8 tuổi và mới chỉ học lớp 3.

Nêu lên 2 ý này tôi khẳng định sách giáo khoa không chỉ sai về chính tả mà còn sai luôn về mặt kiến thức.

Và, cái sai này sẽ dẫn đến hậu quả tai hại ra sao?
Xin nhường lời lại câu trả lời cho các nhà cải cách giáo dục!

TRẦN VĂN TÁM
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BỤNG ĐÓI CẬT RÉT


“Bụng đói” thì có lẽ khỏi phải bàn, nhưng “cật” trong “cật rét” là gì? Vấn đề tưởng đơn giản, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu rất khác nhau, kể cả nghĩa của “cật” trong các bản trái nghĩa “no cơm, ấm cật”, “ấm cật, no lòng”. Sau đây, xin tạm chia thành ba cách hiểu về “cật”:
1-
“Cật” là phần lưng, thắt lưng (được ghi nhận nhiều nhất):
- “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung).: “Bụng đói cật rét (cật: phần lưng chỗ ngang bụng) Ngđ: Đã đói lại rét. Ngb: Nghèo khổ thiếu thốn”.
-Nhóm Vũ Dung tái khẳng định: “được bụng no, còn lo cật ấm (cật: phần lưng ở chỗ ngang bụng). Phải lo toan có đủ ăn đủ mặc”.
- “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “cật [cũ] phần lưng ở chỗ ngang bụng: (…) “Đói thì đầu gối biết bò, No cơm ấm cật còn lo lắng gì.” (Cdao)”.
-“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí tiến đức): “cật • Lưng <> No thân ấm cật (…) Văn-liệu: Đói trong không ai biết, rách ngoài cật nhiều kẻ hay (T-ng)”.
2-
“Cật” là quả thận: “Từ điển thành ngữ-tục ngữ ca dao Việt Nam” (Việt Chương): “Bụng đói cật rét: “Cật là cơ quan có tác động làm cho bộ phận sinh lý hoạt động. Do đó khi bụng đói thì người ta chỉ nghĩ đến cái ăn, chứ không còn ham muốn sinh thú gì nữa. Nghĩa bóng: nghèo khổ thiếu thốn”.
3-
“Cật” là “hai vai” người ta. “1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia) giảng: “Đây là chữ “cật” có nghĩa ngang bằng. Ta gọi cái vai, phần ngang bằng trên thân thể, là “cái cật” như “ấm cật no lòng” và “chung lưng đấu cật”. “Cật rét” là cái vai bị rét. Khi ta mặc quần áo hay đắp chăn mền thì phải mặc, phải đắp trùm che hai vai thì mới đủ ấm, nếu không thì dù mặc gì, đắp gì nữa cũng vẫn cảm thấy còn lạnh. Khi tắm nếu ta xối nước lạnh vào vai trước tiên thì ta sẽ cảm thấy lạnh…”

Chúng tôi cho rằng, các nhà biên soạn từ điển đều chưa hiểu đúng nghĩa chữ “cật” trong “bụng đói cật rét”, cũng như “cật” trong “no cơm, ấm cật”. Theo đó, “cật” ở đây có nghĩa là phần da thịt bên ngoài (không kể là lưng, hay vai), đối với “bụng” (lục phủ ngũ tạng) bên trong. Đây chính là nghĩa của “cật” trong “lạt cật” (lạt được chẻ ra từ phần ngoài cùng cây tre, nứa), “lạt bụng” (được chẻ ra từ phần bên trong cây tre nứa).

Ăn giúp cho cái bụng được no; mặc giúp cho thân mình được ấm. Dù cật có thiếu áo mặc, nhưng bụng được ăn no, thì sẽ đỡ rét hơn. Ngược lại, nếu cật đã rét, mà bụng lại đói nữa, thì đã rét, lại càng thêm rét, đã đói lại càng thêm đói. “Bụng đói, cật rét”, hay “no cơm, ấm cật” chính là nói đến nhu cầu tối thiểu ăn và mặc. Ví dụ:

-“Đói trong không ai biết, rách ngoài cật nhiều kẻ hay”. “Rách ngoài cật” ở đây không thể hiểu là “rách” ở phần “lưng chỗ ngang bụng”, hay ở “hai vai”, mà là rách quần áo che thân.

Theo đây, có thể loại bỏ luôn cách giải thích “cật” là quả thận, “cơ quan có tác động làm cho bộ phận sinh lý hoạt động” (ham muốn “sinh thú”) của Việt Chương.

-“Được bụng no còn lo ấm cật”. “Lo ấm cật” ở đây, là lo cái mặc, cái che ngoài thịt da (ngoài cật) của con người nói chung, chứ không riêng gì phần “lưng”, hoặc “phần lưng chỗ ngang bụng”, hay lo cho “quả thận” được ấm.

-“Xưa kia kén lấy con dòng, Bây giờ ấm cật no lòng thì thôi”. “Ấm cật no lòng” chẳng qua là cách diễn đạt khác của “No cơm ấm áo”. Mà “ấm áo” ở đây có nghĩa là quần áo lành lặn, đầy đủ nói chung, chứ không riêng gì quần áo rét, hoặc chỉ che phần “thắt lưng”, hay “hai vai”.

-“Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi.” (Nguyễn Đình Chiểu).

“Ngoài cật”, ở đây cũng có nghĩa là thân mình chỉ có “một manh áo vải”, không được trang bị giáp trụ, vũ khí gì đáng kể.

Để làm rõ thêm nghĩa của “cật”, xin trích dẫn một số ngữ liệu:

-“Nhớ hồi bé đi úp nơm, đến gần ngọ, bụng đói, cật rét, bỗng mò bắt được con tôm càng, liền bóc vỏ ăn sống” (Trần Giang Nam-baoquangninh.com.vn).

-“Em bé đáng thương bụng đói cật rét vẫng lang thang trên đường.” (“Cô bé bán diêm”- Hans Christian Andersen).

-“Bụng đói cật rét: Không những đói mà còn rét, bụng càng đói thì lại càng rét.” (“Cái đói không thể nào quên được của thời bao cấp”-Minh Tiệp-Đại Kỷ Nguyên).

-“Đời sống vốn thiếu thốn, quần áo không đủ, chăn mền hiếm hoi, ăn uống ít, bụng đói cật rét,…” (“Nhớ mùa đông xứ Bắc”-Xuân Quỳnh-Một thế giới).

-Đại Nam Quấc âm tự vị: “cật: lưng; sấp cật: sấp lưng; ấm cật: bận ấm; đâu cật: hiệp sức, đâu lưng nối lấy nhau; tre cật: tre lưng, tre chắc, lấy ở phía gần vỏ nó, phía trong kêu là ruột tre; bề cật: bề lưng, bề ở gần vỏ (nói về về tre, mây, v.v...); mây cật: mây lưng, mây chắc ở phía gần vỏ nó; nang nghiêng, nan cật: nan chẻ có lưng có ruột kêu là nan nghiêng, lấy lưng không kêu là cật; Đói trong ruột không ai biết, rách ngoài cật nhiều kẻ hay: đừng cho người ta biết tâm sự mình”

Như vậy, “cật” trong “bụng đói cật rét” được hiểu là da thịt, thân mình. “Bụng đói, cật rét” có nghĩa cùng lúc người ta phải chịu đựng cả đói và rét; đã đói, lại rét; bên trong thì đói, bên ngoài thì rét. Thế nên, thành ngữ Hán cũng có câu đồng nghĩa “Cơ hàn giao bách” 飢寒交迫 (cùng lúc phải chịu đựng cả cái đói và cái rét rất khốn khổ).

Cũng cần nói thêm rằng, “bụng đói cật rét” thường được dùng để chỉ tình thế, cảnh ngộ đói rét cụ thể, nhất thời nào đó, chứ không phải chỉ nói hoàn cảnh “nghèo khổ, thiếu thốn” (về kinh tế) nói chung, như cách giải thích của nhiều nhà biên soạn từ điển.

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MỒ CHẲNG CHỐI
NÓI DỐI CHO MỒ


“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TP, HCM-2010) đưa ra dị bản: “Mồ chẳng DỐI, nói dối cho mồ: Mồ vốn chẳng biết nói dối (nên đám thầy địa lý rởm) mới có cơ nói dối thay cho các nấm mồ. Hay dùng để nhắc mọi người chớ có vội tin lời của đám thầy địa lý rởm (vì đó chỉ là những lời nói dối để moi tiền)”.

         Theo chúng tôi, cách diễn giải nghĩa đen của Nguyễn Đức Dương không có cơ sở thực tế. Giải thích “Mồ vốn chẳng biết nói dối (nên đám thầy địa lý rởm) mới có cơ nói dối thay cho các nấm mồ” nghĩa là sao? Phải chăng ý soạn giả là mồ chỉ biết nói thật, chứ không biết “nói dối”, nên thầy địa lý “mới có cơ nói dối thay cho các nấm mồ”? Nhưng “mồ” (ngôi mộ chôn người chết) làm gì biết nói năng, mà bàn đến chuyện nói thật hay nói “dối”? Tác giả nhầm lẫn, hoặc bị ảnh hưởng bởi câu: “Hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”?

Tất cả các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay, không có cuốn nào thu thập và giải nghĩa câu tục ngữ mà “Từ điển tục ngữ Việt” đã thu thập. Tuy nhiên, vùng Quảng Xương - Thanh Hoá có tồn tại dị bản “Mồ chẳng CHỐI, nói dối cho mồ”. Theo đây, có thể Nguyễn Đức Dương đã  lầm lẫn “CHỐI” thành “DỐI”. “Mồ” ở đây ám chỉ người đã chết. “Chối” có nghĩa là “cãi”:

-“Đại Nam Quấc âm tự vị” giảng: “CHỐI: cãi đi, không chịu”.
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “chối • (B) Cãi, không nhận những điều người ta gán cho mình: Cãi-chối”.

Theo đó, “Mồ chẳng chối, nói dối cho mồ”, ám chỉ những chuyện liên quan đến người đã khuất, chỉ được kể lại, hoặc luận tội, phán xét, sau khi người đó đã chết thì không có giá trị, không đáng tin, nhưng để bác bỏ những lời nói ấy thì cũng rất khó, bởi người ta đâu có thể hỏi người đã chết xem thực hư vấn đề ra sao.

Về nghĩa bóng, câu tục ngữ đang xét cũng có thể vận dụng vào trường hợp như Nguyễn Đức Dương đưa ra ví dụ (dù rằng không thể hiểu theo cách lý giải nghĩa đen của soạn giả). Nghĩa là thầy địa lý, thầy bói thường phán nhà nọ nhà kia động mồ, động mả, hay có bà cô, ông mãnh nào đó quấy quả, phải làm lễ lạt, cúng bái. Nhưng biết đâu “Mồ chẳng chối, nói dối cho mồ”?

Rộng hơn, câu tục ngữ ám chỉ tất cả những lời nói khó kiểm chứng, không ai có thể xác nhận đúng sai. Người đã chết chẳng thể nói năng, không “chối”, không “cãi” lại được, nên muốn phán gì, cáo buộc thế nào chả được!

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHỚ ĐÁNH RẮN TRONG HANG


Tục ngữ Việt Nam có câu “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên núi”. Các nhà biên soạn từ điển giải thích và dẫn thêm nhiều dị bản đồng nghĩa:

-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào): “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên mây [Chớ khua tổ kiến trên cây, chớ đánh cáo cầy ngoài nội]. Không nên đánh kẻ thù khi chúng đang ở thế thuận lợi”.

-“Kho tàng tục ngữ người Việt” (Nguyễn Xuân Kính-Nguyễn Thuý Loan- Phan Lan Hương-Nguyễn Luân): “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên chín tầng mây”; “Chớ đánh rắn ở trong hang” (Văn hoá truyền thống Liễu Đôi). Chớ làm việc nguy hiểm, viển vông, bất lợi”; “Chớ khua tổ kiến trên cây, chớ đánh cáo cầy ngoài nội: Chớ làm những việc dại dột, không kết quả có khi lại luỵ đến mình”.

-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Chớ chọc tổ kiến trên cây; chớ trêu cáo cầy ngoài nội. Chớ trêu chọc lũ kiến đang ở yên trên cây cũng như lũ cáo cầy đang sống yên lành ngoài nội (để khỏi bị những giống vật ấy nổi giận và quay lại làm hại). Hay dùng để nhắc mọi người chớ có làm kinh động những ai đang sống yên lành (mà dễ bị họ nổi giận và quay lại gây hại)”.

         Mới đọc qua, có vẻ như cách giải thích của các nhà biên soạn từ điển không có gì cần phải bàn thêm. Nhưng suy cho kĩ sẽ thấy có vài điều chưa ổn.
Xét nghĩa đen, “rắn” có thể cắn chết người; “kiến” đốt người; “cáo cày”, “đại bàng” săn bắt gia cầm, vật nuôi của người. Tuy nhiên, tất cả chúng đều nhỏ bé và yếu thế trước sức mạnh của con người. Mặt khác, dân gian cho thấy những con vật này đều đang sống trong lãnh địa của chúng: “rắn trong hang” (vô hại), “tổ kiến trên cây” (không đụng chạm gì đến con người), “cáo cày ngoài nội” (cách biệt xóm làng), “đại bàng trên núi”, “đại bàng trên mây”, thậm chí là “đại bàng trên chín tầng mây” (hẻo lánh, quá xa cách). Nghĩa là chúng không hề xâm phạm lãnh địa, hay gây nguy hiểm, làm hại gì đến con người.

Nếu cho rằng “chúng đang ở thế thuận lợi” (như cách giải thích của từ điển Nhóm Vũ Dung), thì có lẽ phải hiểu ngược lại mới đúng. Vì “rắn trong hang” ở thế bị động, dễ bị tiêu diệt; “tổ kiến trên cây” dễ diệt gọn tận gốc; còn “cáo cày ngoài nội”, “đại bàng trên chín tầng mây”, thì sự thuận lợi của chúng có chăng chỉ là dễ dàng thoát khỏi sự tìm diệt của con người mà thôi. Điều đáng chú ý là dân gian dùng từ “đánh”, “khua”, “chọc” “trêu”, chứ không phải “bắt” (săn bắt). Theo đó, con người có thể săn bắt những đối tượng ấy để lấy thịt, hoặc đánh giết khi bị chúng tấn công, gây hại, nhưng bỗng dưng đi lùng bắt, giết chúng thì không nên.

Như vậy, về nghĩa đen, câu tục ngữ “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên núi” [dị bản “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên chín tầng mây”; “Chớ chọc tổ kiến trên cây, chớ trêu cáo cầy ngoài nội”…] cho chúng ta thấy một quan điểm ứng xử với thế giới tự nhiên của dân gian: không phá hại, xâm hại môi trường sống của muông thú khi mà chúng không hề gây hại gì cho con người, tránh những rắc rối không đáng có; nghĩa bóng: trong các mối quan hệ xã hội, nếu người khác không đụng chạm, xâm hại đến quyền lợi của mình, thì mình cũng không nên “chuốc dữ mua hờn”, làm những việc không đâu.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GÁI GIẾT CHỒNG
ĐÀN ÔNG AI GIẾT VỢ


Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ”, dị bản: “Gái giết chồng, đàn ông ai nỡ giết vợ”; “Gái giết chồng chứ, đàn ông không ai giết vợ”; “Đàn bà mới hay giết chồng; chứ đàn ông ít ai lại nỡ giết vợ”; “Gái giết chồng chứ, đàn ông không ai giết vợ”.

Tuy có khác nhau chút ít về từ ngữ diễn đạt, nhưng những dị bản trên đều đồng nghĩa. Vấn đề là tại sao dân gian lại có sự nhận định mang tính đúc kết này?
-Sách “Kho tàng tục ngữ người Việt” (Nguyễn Xuân Kính-Nguyễn Thuý Loan-Phan Lan Hương) chỉ thu thập các dị bản, chứ không trích dẫn giải thích, hoặc đưa ra lời giảng giải nào.

-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) có thu thập, nhưng thận trọng xếp câu tục ngữ này vào diện “chưa rõ nghĩa”.

-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) giải thích đây là “Lời nhận định thiên về đàn ông và có ác ý với phụ nữ”.

Tại sao một câu tục ngữ “có ác ý với phụ nữ” như vậy mà vẫn được dân gian truyền đời?

Thực ra, câu tục ngữ phản ánh một thực tế lịch sử. Xưa kia trong chế độ “đa thê”, đàn ông được phép “năm thê bảy thiếp”. Họ không vì có mới nới cũ, mà là “Năm con năm nhớ, người vợ mười thương”! Trong khi nhiều vụ án lại cho thấy, đàn bà ngoại tình, hoặc bị áp bức, thường thông đồng với kẻ gian phu lập mưu giết chồng để được tự do đi lại với “tình lang”, hoặc “tự giải phóng” mình. Bởi vậy, Luật Gia Long có hẳn điều 254 quy định về “Tội thông gian và giết chồng, vợ cả” như sau: “phàm thê thiếp nhân vì việc thông gian mà đồng mưu với gian phu trong việc giết chết chồng của mình thì bị xử tội lăng trì, gian phu thì bị xử trảm giam hậu”.

Không thấy có điều luật quy định riêng về tội người chồng thông gian, hay gian dâm với người đàn bà khác, mà chỉ quy định đối với những trường hợp trái thuần phong mỹ tục, như: Tội người thân thuộc thông gian; Tội tăng đạo, tang nhân thông gian; Tội quan chức phạm về thông gian; Tội thông gian trái đẳng cấp…

Cũng không thấy luật quy định về việc xử tội người chồng vì thông gian mà giết vợ. Điều này không có nghĩa luật pháp thiên vị, chỉ xử nặng tay với đàn bà, mà chứng tỏ chuyện đàn ông giết vợ để được sống với người tình, hoặc “tự giải phóng” mình, hầu như không xảy ra trong thực tế, nên nhà làm luật đã không có mục quy định riêng về tội này.

Dĩ nhiên, trong trường hợp vì lí do nào đó mà người đàn ông giết vợ, sẽ bị xử vào tội “giết người”, hoặc tội “chồng đánh vợ đến chết”. Ví dụ Lệ 7 thuộc Điều 254 Luật Gia Long quy định:

“Nếu người chồng do tình ý riêng đã dung túng sự gian dâm của vợ, nhưng rồi sau đó lại giết chết cả gian phu và gian phụ ở ngay tại nơi diễn ra sự gian dâm thì y bị xử theo tội “cố ý giết người”. Nếu như người chồng đã ép buộc vợ bán gian để có cớ mà giết chết vợ thì xử theo tội “giết chết người thường” để nghiêm trị. Còn như, người chồng vốn trước đây không có ý định bán gian nhưng lại dung túng, mà về sau do nhân ý gian trá đòi hỏi đối với vợ và người ấy đã không đáp ứng nổi đòi hỏi của y, nên bị người chồng giết chết, thì y theo luật “chồng đánh vợ đến chết” để xử người chồng mang ác tâm ấy vào tội trảm giam hậu”(1).

Về tội ngoại tình, trong “Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài”, Samuel Baron cho biết: “nếu người chồng có địa vị phát hiện vợ ngoại tình, anh ta có thể tự tay kết liễu kẻ lăng loàn đó cùng với tình nhân một cách tự do. Nếu không tự tay giết, người chồng có thể đem vợ ra cho voi giày, còn kẻ tình lang kia không sớm thì muộn cũng sẽ bị xử tử”.

Những điều Samuel Baron mô tả phù hợp với những gì quy định trong Luật Gia Long: “Phàm thê thiếp ăn nằm với đàn ông khác mà chồng y bắt được cả gian phu và dâm phụ ngay tại nơi diễn ra sự gian dâm và người chồng đã giết chết cả hai tên thông gian đó thì luật không bắt tội; còn nếu chỉ giết chết có tên gian phu thì tên gian phụ kia sẽ bị khép vào tội hoà gian và xử chém không tha”.

Điều 254 Luật Gia Long, phần giải thích, nhà làm luật còn nói thêm: Nếu như đã hành động, nhưng chưa gây thương tích, hoặc đã gây ra thương tích, nhưng chưa đến nỗi bị chết, thì thê thiếp ấy bị xếp vào tội chém, còn tên gian phu kia thi y theo luật để xử tội “mưu sát người thường”, hoặc khép y vào tội “cố ý hoặc a tòng trong việc đánh người gây ra thương tích cho người ta”.

Trường hợp kẻ gian phụ (người vợ) không hề biết được tình ý về chuyện giết người của tên gian phu kia, thì gian phụ đó vẫn bị khép vào tội xử thắt cổ. Nhà làm luật giải thích: vì kẻ gian phu giết chết người chồng là do chính sự gian dâm ấy mà ra. Ngược lại, theo Lệ 4, thì nếu người gian phụ tự mình giết chết người chồng của mình và quả tình người gian phu ấy không hề hay biết thì luật chỉ xử người gian phu theo tội về thông gian mà thôi.

Ở Lệ 6, nhà làm luật có chiếu cố đối với sự hối lỗi của gian phụ, nên quy định: “Phàm gian phu giết chết chồng của gian phụ và người gian phụ không hề biết đến sự việc ấy, nhưng khi sự việc xảy ra, người gian phụ lập tức kêu cứu và sau đó làm người đứng đơn để đi thưa trình với quan, hoặc chỉ chỗ để lính đến bắt tên gian phu ấy đem nộp quan, thì chính là vì người gian phụ ấy vẫn còn có cái tâm bất nhẫn đối với người chồng quá cố cho nên được xử theo luật gốc là riêng tội thông gian mà thôi”

Những lệ trên cho thấy, điều 254 với tội danh “giết chồng” đã được nhà làm luật tính toán, quy định rất chi tiết, chặt chẽ.

Việc có đồng ý cho vợ chia tay hay không, hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào quyền của người đàn ông. Trong “Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài”(2), Samuel Baoron cho biết như sau: “Luật pháp ở đây cho phép đàn ông ly dị vợ nhưng phụ nữ thì không được phép ly dị chồng, cũng khó mà ly thân, trừ khi bà ta xuất thân từ gia đình có thế lực và có thể dùng thế lực đó để can thiệp thì mới đuổi được người chồng đi”.

Trong khi đó, người chồng lại có thể rẫy vợ một cách dễ dàng, một khi cô ta phạm vào các lỗi “thất xuất”, “nghĩa tuyệt”, đôi khi rất cảm tính, như “đa ngôn” (lắm lời); “đố kị” (ghen tuông),v.v..: “Khi người chồng cự tuyệt vợ mình, anh ta đưa cho vợ một tờ giấy thông báo anh ta không thèm đoái hoài gì đến cô ta nữa; cô ta có thể tự giải phóng mình nếu thấy có cơ hội và cho phép cô được tái giá với người khác. Nếu không có tờ giấy đó thì chẳng ai dám đến gần người đàn bà kia vì sợ người chồng cũ sẽ đòi lại vợ và kiện cáo lên quan, khiến cho người đàn ông đến sau gặp rắc rối lớn và thiệt hại đáng kể về tài chính” (Samuel Baoron, sách đã dẫn).

Về phía người vợ, theo Điều 108, Luật Gia Long, thì người vợ chỉ được phép cải giá, sau thời hạn 3 năm, nếu như người chồng vô cớ mà bỏ nhà ra đi. Hoặc giả người vợ trình với quan trong trường hợp người chồng phạm vào các lỗi “nghĩa tuyệt” như: bán vợ làm nô lệ; bán vợ cho người khác làm vợ; cho thuê hay cầm cố vợ; đánh đập vợ mang thương tích nặng; đánh đập ông bà cha mẹ vợ,v.v..., thì mới được quan xét cho li dị.
Như vậy, câu tục ngữ “Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ” xuất phát từ thực tế thân phận của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, chứ không phải “nhận định thiên về đàn ông và có ác ý với phụ nữ”, như GS. Nguyễn Lân đã giảng.

Trong cách sách từ điển chúng tôi có trong tay, cách giải thích của “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nhóm Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào, cơ bản là đúng: “Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ – Phản ánh một thực trạng xã hội thời phong kiến: đàn ông được quyền bỏ hoặc lấy nhiều vợ, ngược lại người đàn bà phải chịu nhiều ràng buộc khắt khe, muốn tự giải phóng khỏi người chồng không phù hợp, họ thường phải có những hành động tội ác”.(4)

HOÀNG TUẤN CÔNG
(1)  “Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn”-TS Huỳnh Công Bá-NXB Thuận Hoá.
(2)  “Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài”(2), Samuel Baoron – Hoàng Anh Tuấn dịch, NXB Khoa học xã hội-2019.
(3)  Các lỗi “thất xuất” là: “vô tử” (không có con); “dâm dật” (lẳng lơ); “bất sự cậu cô” (không phụng sự cha mẹ chồng); “đa ngôn” (lắm lời); “đạo thiết” (trộm cắp vặt trong gia đình); “đố kị” (ghen tuông); “ác tật” (mắc bệnh hiểm nghèo như điên, hủi). Các lỗi “nghĩa tuyệt” (tuyệt hết ân nghĩa vợ chồng) là: người vợ phạm tội thông gian; bỏ trốn nhà chồng v.v…thì buộc phải bỏ vợ, nếu không người chồng sẽ bị phạt 80 trượng.
(4) Trong “Truyện Thuỷ Hử” có vụ án điển hình dâm phụ Phan Kim Liên thông đồng với gian phu Tây Môn Khánh giết chồng là Võ Đại, cũng là anh trai của Võ Tòng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [37] [38] [39] [40] [41] [42] [43] ... ›Trang sau »Trang cuối