Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO


Kỳ  137

CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN THUẬT
CHỐNG QUÂN MINH CỦA LÊ LỢI [2]


2.
Dùng quân mai phục

“Bình Ngô đại cáo” xác nhận nghĩa quân thường dùng quân mai phục:

“Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ,
Lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục.”

Hầu như tất cả những trận đánh nổi tiếng của nghĩa quân đều là những trận mai phục. Sau đây xin trích sử nhà Minh chép về trận phục kích nổi danh tại ải Chi Lăng, trận này đưa đến việc kết thúc cuộc chiến:

Ngày 9 tháng 9 năm Tuyên Đức thứ 2 [29/9/ 1427]
Ngày hôm nay quân của quan Tổng binh An Viễn hầu Liễu Thăng đến Ải Lưu quan; Lê Lợi cùng các đầu mục lớn nhỏ sai người đến cửa quân dâng thư xin bãi binh để yên dân và lập con cháu họ Trần làm chủ đất này. Bọn Thăng nhận thư, không mở ra xem, sai người tâu về kinh. Lúc này những chỗ quan quân đi qua, giặc làm trại để thủ, quan quân liên tiếp công phá, đến ngay ải Trấn Di như vào chỗ không người. Ý Thăng xem thường; Thăng là người võ dõng nhưng ít mưu. Bấy giờ Tả Phó Tổng binh Bảo Định bá Lương Minh, Tham tán quân sự Thượng thư Lý Khánh đều bệnh; Lang trung bộ Lễ Sử An, Chủ sự Trần Dung nói với Khánh rằng:

“Xem lời lẽ, sắc mặt của chủ tướng, có vẻ kiêu; kiêu là điều tối kỵ của nhà binh. Vả lại bọn giặc nguỵ trá, hoặc có thể làm ra vẻ yếu để dụ chúng ta; huống tỷ thư dụ rõ ràng là phải phòng ngừa giặc đặt phục binh. Đây là phút an nguy, Ngài nên nói gấp.”

Khánh rán ngồi dậy gặp Thăng, hết sức can gián. Thăng ừ ào, nhưng vẫn không nghiêm chỉnh phòng bị. Đến Đảo Mã pha, cùng với hơn trăm quân kỵ qua cầu; nửa chừng cầu bị sập, quân đằng sau không tiến được. Thăng rơi xuống vũng lầy, phục binh giặc nổi lên bốn phía, Thăng bị đâm chết bằng giáo; đám quân theo Thăng cũng bị giết sạch. Lúc này Hữu Tham tướng Đô đốc Thôi Tụ thu thập quan quân, chỉnh đốn đội ngũ. Cũng ngày hôm đó Lương Minh bệnh chết, lại ngày hôm sau Lý Khánh cũng chết. Rồi đến ngày hôm sau nữa, Thôi Tụ điều quan quân tiến; đến Xương Giang gặp giặc, quan quân ít giặc thì đông, cố gắng đánh, nhưng giặc xua voi vào trợ chiến, nên quân loạn, Thôi Tụ bị bắt sống. Giặc hô lớn:

“Kẻ hàng không bị giết.”
Quan quân hoặc tử trận, hoặc chạy về biên giới, không một ai hàng… [8]
3.
Đánh thành

Đánh thành là điều bất đắc dĩ, vì phải dùng lực lượng lớn hơn đối phương gấp bội và chấp nhận tổn thất cao. Bởi vậy mấy ngàn năm về trước, Tôn Tử, chiến lược gia số một của Trung Quốc đã cảnh cáo như sau:

Công thành chi pháp vi bất đắc dĩ.
(Tôn Tử binh pháp, Mưu công đệ tam)

Gọi là bất đắc dĩ hàm ý chấp nhận có những trường hợp ngoại lệ. Đó là trường hợp đánh thành Xương Giang; thành này nằm trên con đường huyết mạch từ cửa ải Pha Luỹ đến Đông Đô, là đường ra vào tiếp viện của quân Minh. Khác với việc đánh các đồn nhỏ, các tài liệu về chiến thuật thường chủ trương dùng pháo binh tấn công trước, kế đó bộ binh xung phong tiêu diệt sau (tiền pháo tập trung, hậu xung tứ diện); nhưng trường hợp đây là một đại đồn, nằm trên một vị thế chiến lược, nên cuộc tấn công cam go và phức tạp hơn nhiều.
Quyết đánh cho bằng được, Minh Thực lục đã ghi lại những nỗ lực sau đây của nghĩa quân:
Xây núi đất (thổ sơn), tức công sự chiến đấu bằng đất xung quanh thành. Thử hình dung cảnh lợi dụng màn đêm, nghĩa quân xây những núi đất xung quanh thành, mỗi núi phải sử dụng đến hàng trăm tấn đất. Công trình nặng nề, gian nguy; gương can đảm biết là nhường nào!

Nghĩa quân đào địa đạo vào thành, khiến quân phòng thủ trong thành phải đào hào để chặn địa đạo.

Dùng thang mây tức vân thê. Đây là loại thang đặc biệt, thường đặt trên bệ có sáu bánh xe, nên thang này có thể di chuyển được. Không cần điểm tựa, thang được kéo lên, quân leo trên thang có thể quan sát và bắn vào thành.

Mặc dù Minh Thực lục đã cố tình nói bớt quân số trong thành, nhưng không giấu được gương anh dũng, lòng cương quyết, và sáng kiến của nghĩa quân trong chiến thuật đánh thành:

Ngày 2 tháng 4 năm Tuyên đức thứ 2 [28/4/1427]
Ngày hôm nay giặc Giao Chỉ Lê Lợi công hãm thành Xương Giang. Lợi cho rằng Xương Giang là nơi quan trọng, [trên đường] đại quân ra vô; bèn dùng hơn 8 vạn quân đánh. Quan giữ thành Đô Chỉ huy Lý Nhiệm,Chỉ huy Cố Phúc ra lệnh già, trẻ, phụ nữ đều lên mặt thành, dương cờ hò hét, ngày đêm chống cự; Bọn Nhiệm bất ngờ mang quân tinh nhuệ ra công kích, đốt phá dụng cụ đánh thành. Bốn phía giặc đều xây núi đất, dùng phi minh bắn vào thành; Nhiệm sai quân cảm tử ban đêm mở cửa thành ra đánh, giết giặc giữ núi đất. Mưu tập kích doanh trại, giặc đào địa đạo vào thành, Nhiệm sai đào hào ngang chặn địa đạo, rồi ném đá xuống, khiến giặc chết nhiều.

Giặc nghe tin đại binh của Chinh di Tướng quân sắp tới, sợ sẽ dùng thành này làm chỗ dựa, bèn tăng cường thêm quân và voi tấn công. Tên đá bắn vào như mưa. Nhiệm dùng trăm cách để chống cự, trải qua 9 tháng trời, giao tranh hơn 30 trận; khởi đầu trong thành có hơn 2.000 tướng sĩ, lúc này chết và tật bệnh đến một nửa, nhưng giặc vẫn quyết vây đánh, dùng thang mây leo lên thành, rồi đoạt cửa, Nhiệm điều lính quyết tử ba lần đánh lui, nhưng giặc lại xua voi và lính vào. Bọn Nhiệm kiệt sức, đánh không xuể, Nhiệm và Phúc đều tự tử; quan trong thành là Phùng Trí khóc ròng, hướng về phía bắc bái tạ, rồi cùng Chỉ huy Lưu Thuận, Tri phủ Lưu Tử Phụ thắt cổ chết. Trong thành các quan quân, cùng trai gái chết rất đông; giặc phóng hoả đốt, cướp phá đến sạch không. [9]

http://sohanews.sohacdn.c...55-crop-1477538855925.jpg

4.
Tâm thuật

Đọc Chinh phụ ngâm, bí quyết về thuật dùng người, thấy được trong hai câu thơ:

Trượng phu thiên lý chí mã cách,
Thái Sơn nhất trịch khinh hồng mao.
(Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao)

Tâm lý con người chuyển biến không ngừng; lúc nghĩ đến bản thân, vợ con, thường xem sinh mệnh to lớn như núi Thái Sơn; ngược lại lúc hăng hái liều chết thì coi tính mệnh nhẹ tựa lông hồng. Nhắm nêu bằng chứng về thuật trị tâm, xin đơn cử một con người thực được các “tay tổ” về tâm thuật lần lượt uốn nắn; đó là Đô đốc Thái Phúc, cấp bực tương đương với Trung tướng, Thượng tướng ngày nay.

Một trong các “tay tổ” về môn này, phải kể đến vua Minh Thái Tông. Trước khi tấn công thành Đa Bang, lệnh vua được ban truyền trong quân “…đại trượng phu báo đền quốc gia, công danh chính tại nơi này…”. Kích thích bởi lệnh này, Thái Phúc hăng hái dẫn đầu, trèo lên trước, chém giết loạn xạ:

Ngày 11 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [19/1/1407]
…Sau khi đã hoàn tất dụng cụ đánh thành, bèn hạ lệnh trong quân rằng:

“Giặc chỉ dựa vào thành này mà thôi; đại trượng phu báo đền quốc gia, công danh chính tại nơi này, ai leo lên trước không kể cấp bực cao thấp, lập tức được thăng thưởng.”

Do đó quân sĩ đều hăng hái liều mình. Ngày này bọn Trương Phụ hội ý phân công tại bãi cát, Phụ đánh thành phía tây nam, Thạnh đánh thành phía đông nam. Sau khi phân công xong, sai một số tướng sĩ nhắm cách mục tiêu định đánh khoảng 1 dặm, chuẩn bị dụng cụ để công thành gấp. Tối hôm đó dập tắt lửa, hẹn quân sĩ đến giờ trèo thành, mới nổi lửa thổi tù và làm hiệu lệnh. Vào canh tư, Phụ sai Đô đốc Thiêm sự Hoàng Trung âm thầm mang công cụ vượt hào đến tây nam thành, dùng thang mây dựa vào thành. Đô Chỉ huy Thái Phúc leo lên trước, dùng dao chém loạn xạ, bọn giặc kinh hoảng la báo động, trên thành lửa sáng rực, tiếng kèn, tù và huyên náo. Dưới thành quân sĩ hăng hái liều mình leo tiếp, bọn giặc kinh hoàng không kịp trở tay, gạch đá tên đạn không tung ra được, vội nhảy xuống thành bỏ chạy… [10]

Sau khi cuộc chiến hoàn tất, Phúc trở thành anh hùng quân đội nhà Minh, được thăng một lượt 3 bực, từ Đô chỉ huy lên đến hàng Đô đốc:

Ngày 7 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [29/7/1408]
…Những kẻ đầu tiên trèo lên thành Đa Bang gồm 19 người không kể cấp bực đều được thăng thưởng: Đô Chỉ huy Thái Phúc thăng Đô đốc Đồng Tri, thưởng bạch kim 150 lượng, tiền giấy 400 nén, lụa nõn trong ngoài 20 tấm… [11]

Hãy tiếp tục theo dõi sự nghiệp của Thái Phúc, qua sử liệu được đề cập ở phần trên cho biết Đô đốc Thái Phúc coi giữ thành Nghệ An, tinh thần suy sụp, mang quân rút lui khỏi thành để trở về Đông Đô, đám tàn quân bị đánh tan tại sông Phú Lương [sông Hồng], nên phải đầu hàng. Tính mạng Thái Phúc lúc bấy giờ vào tay nghĩa quân của vua Lê; tại đây cũng có những “tay tổ” về tâm thuật, lại biết cách biến người hùng Thái Phúc từng coi tính mệnh như “lông hồng”, trở về với bản chất nguyên thuỷ của y, sinh mệnh tựa núi “Thái sơn”. Kết quả, Thái Phúc lập công hợp tác với nghĩa quân, như việc báo cáo một âm mưu tù binh nổi dậy, giúp chế dụng cụ đánh thành, cùng chiêu dụ quân nhà Minh tại các thành ra hàng. Khi chiến tranh chấm dứt, y được đưa trở về nước; bị quần thần nhà Minh đàn hạch, lãnh án tử hình phơi thây giữa chợ với tội trạng như sau:

Ngày 30 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 3 12/7/1428
Thái Trung, Chu Quảng, Tiết Tụ, Chu Tán, Lỗ Quý, Lý Trung bị xử tử. Phúc là Đô đốc; Quảng, Tụ, Tán đều giữ chức Đô chỉ huy, Quý là Chỉ huy, Trung là Thiên hộ.

Bọn Phúc trước đây tại Giao Chỉ trấn thủ Nghệ An, bị giặc vây, Phúc không đánh, lại đem bọn Quảng hàng giặc, chỉ cho giặc tạo chiến cụ để đánh thành Đông Quan. Lúc bấy giờ hơn 9.000 quân định đốt trại giặc, bọn Phúc lệnh Bách hộ Mưu Anh tố cáo; giặc giết sạch 9.500 người, rồi đánh các thành như Xương Giang. Phúc đi thuyết dụ những người trong các thành ra hàng; đến Thanh Hoá phi ngựa đến dưới thành, kêu to rằng:

“Thủ thành lợi dụng cơ hội đầu hàng có thể bảo tồn mạng sống, không nghe thì gan não phơi mặt đất.”

Bị bọn Tri châu La Thông chửi mắng nên bỏ đi.
Nay bọn Lợi đưa bọn Phúc đến kinh sư. Mệnh Công, Hầu, Bá, 5 phủ, 6 bộ, Đô sát viện, cùng các quan 3 bốn lần hặc tội… Đều phúc tấu tội trạng, mệnh hành quyết phơi thây ngoài chợ và tịch thu gia sản. [12]
5.
Chia rẽ hàng ngũ giặc

Thông thường khi lâm vào cuộc chiến, nội bộ thường có hai phe: chủ hoà và chủ chiến. Vua Lê Lợi và đám bầy tôi tham mưu, biết lợi dụng tình hình địch, đào sâu sự chia rẽ giữa hai phe này. Qua thư từ gửi cho các quan chức nhà Minh trong Quân trung từ mệnh tập, người đọc thấy được dụng ý chia rẽ của tác giả Nguyễn Trãi, khéo dùng ngòi bút phân biệt đối xử. Đối với tên tướng hiếu sát như Đô đốc Phương Chính, thì mở đầu thư, thường là một câu chửi:

Thị nhĩ ngược tặc Phương Chính (Bảo cho mày biết, tên ngược tặc Phương Chính)
Nhưng đối với Sơn Thọ thì dùng lời lẽ mềm dẻo hơn. Thuật xử thế và ngoại giao đã chinh phục được Sơn Thọ, khiến y dám đứng trước mặt vua Nhân Tông bảo lãnh cho vua Lê Lợi:
Ngày 4 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 22 22 [26/9/1424]

Sai trấn thủ Giao Chỉ Trung quan Sơn Thọ mang sắc dụ Đầu mục Giao Chỉ Lê Lợi. Sắc rằng:

“Ngươi vốn là kẻ lương thiện, từ lâu có lòng thành qui phụ. Nhưng quan ty cai trị không đúng cách, sinh ra nghi sợ; rồi ẩn trốn nơi núi rừng, không toại chí nguyện. Nay sau khi đại xá, bỏ hết sai lầm quá khứ, hàm chứa sự canh tân. Đặc cách sai người mang sắc dụ ban cho ngươi chức Tri phủ Thanh Hoá, cai trị dân một quận. Hãy đến nhận chức ngay, để đáp lại sự cứu xét đến lòng thành và bao dung đãi người của Trẫm.”

Sở dĩ có sắc dụ này, vì Thọ tâu trước mặt Thiên tử rằng Lê Lợi và y hợp ý nhau, nay đến dụ sẽ trở về. Thiên tử nói:

“Bọn giặc gian trá, ngươi không biết được; nếu bị lừa, đây là dịp giúp cho thế giặc ngày một lớn, khó mà chế ngự.”
Thọ khấu đầu tâu rằng:
“Nếu như thần dụ mà nó không quay về, thì tội thần đáng vạn lần chết.”
Bèn giáng sắc này. [13]

Việc ban sắc phong cho Lê Lợi làm Tri phủ Thanh Hoá, khiến quân Minh tham chiến đâm ra lưỡng lự giữa hai con đường chiến và hoà. Phe Sơn Thọ thì ngồi chờ sẵn tại thành Nghệ An để đợi Lê Lợi nhậm chức, trong khi đó chỉ huy quân như Trần Trí, Phương Chính thì chần chừ, cãi cọ không thống nhất trong việc tiến quân. Càng chia rẽ, chần chừ, càng giúp nghĩa quân đạt nhiều chiến thắng, mau lớn mạnh. Sự thực được tóm tắt qua chiếu dụ của vua Tuyên Đức ngày 12/4/1426 đã dẫn ở phần trên.

Bàn về chiến lược và chiến thuật có muôn màu muôn vẻ; huống hồ người đời nay luận về việc làm của người xưa nên không khỏi có những chỗ võ đoán, như thầy bói mù sờ voi. Tuy nhiên căn cứ sử sách còn lưu lại, người viết cố gắng phác hoạ những nét đại cương, mong được sự đóng góp thêm của các nhà nghiên cứu lịch sử và quân sự.

Hồ Bạch Thảo
--------------------
[1]Minh Thực lục v. 18, tr. 1057-1062.
[2]Đại việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, tập 2, tr. 256-257.
[3]Minh Thực lục q. 15, tr. 0395-396.
[4]Trà Lung: sử nước ta gọi là Trà Lân, hay Trà Long.
[5]Tam ty: tức Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty.
[6]Minh Thực lục v. 16, tr.148-149; Tuyên Tông q. 6, tr. 1b.
[7]sđd, tr. 253.
[8]Minh Thực lục q. 31, tr. 0797-0801.
[9]Minh Thực lục q. 27, tr. 0701-702.
[10]Minh Thực lục v. 11, tr. 893-894; Thái Tông q. 62, tr. 3a-3b.
[11]Minh Thực lục v. 11, tr.1080-1088; Thái Tông q. 81, tr. 2b-6b.
[12]Minh Thực lục v. 18, tr. 1075-1076; Tuyên Tông q. 43, tr. 17a-17b.
[13]Minh Thực lục v. 15, tr. 0057-058; Nhân Tông, tập Trung, q. 2, tr.5a-6b.

https://1.bp.blogspot.com/-dTrW4vATNeo/X_iGTi_H_iI/AAAAAAACQC4/rxUOOSfA2XYTbZccWa3AC87b0s7mWDyMACLcBGAsYHQ/w640-h480/105-L%25C3%258A%2BL%25E1%25BB%25A2I.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHƯƠNG 8
CHỐNG XÂM LƯỢC TỔNG HỢP

https://1.bp.blogspot.com/-6ugT7dPDpIQ/X_m4vh9YsbI/AAAAAAACQDA/G6F74w-e824vWfqzSvj9xRGwi78his3oQCLcBGAsYHQ/w640-h640/137-%25C4%2590%25E1%25BA%25A0I%2BL%25C3%259D.JPG


Kỳ 138
CUỘC CHIẾN GIỮA LÝ THÁI TỔ
VÀ TỔ TIÊN ĐOÀN DỰ NƯỚC ĐẠI LÝ



Đoàn Dự là nhân vật nổi tiếng trong truyện kiếm hiệp Kim Dung được nhiều người Việt Nam biết đến. Trong lịch sử, Đoàn Dự là vua thứ 16 nhà Đại Lý. Nhưng ít ai biết rằng Đại Lý đời vua thứ 7 đã có cuộc chiến khốc liệt với Đại Cồ Việt nước ta thời vua Lý Thái Tổ.

Đầu thế kỷ 11, khi mà nước Đại Cồ Việt vừa trải qua cuộc đổi ngôi từ họ Lê (tức nhà Tiền Lê) sang họ Lý, khi kinh thành Thăng Long mới vừa bước sang tuổi thứ tư với hàng loạt công trình đang xây dựng, một cuộc chiến tranh đã nổ ra với quy mô hàng chục vạn người. Chiến tranh giữa nước Đại Cồ Việt thời vua Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn và vương quốc Đại Lý là cuộc chiến mà ngày nay khá nhiều người trong chúng ta chưa được biết rõ.

Đại Lý là quốc gia của các tộc người Bạch (còn gọi là người Hạc Thác), người Di Lão (Lô Lô, Tày, Nùng, Thái …) có lãnh thổ nằm ở phần đất mà ngày nay tương ứng với tỉnh Vân Nam, tỉnh Quý Châu, một phần tỉnh Tứ Xuyên thuộc nước Trung Quốc. Đại Lý được lập nên bởi Đoàn Tư Bình vào năm 937. Vương quốc này được coi là quốc gia kế thừa nước Nam Chiếu, được lập nên vào nửa đầu thế kỷ thứ 8. Trong thời kỳ Nam Chiếu, nước này liên tục tổ chức những cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ ra các hướng. Nhiều lần quân Nam Chiếu đã đánh vào đất Giao Châu (tên lãnh thổ nước ta và một phần Quảng Tây thời Bắc thuộc), khiến quân Đường phải nhiều phen vất vả mới đánh lui nổi. Đến thế kỷ thứ 11, nước Đại Lý nổi lên như một thế lực hùng mạnh trong khu vực với nền nghệ thuật, tôn giáo, thương mại phát triển và quân sự cũng khá mạnh, đủ khiến các nước lân bang như Thổ Phồn, Pagan, Tống… đều phải dè chừng.

Mâu thuẫn giữa Đại Cồ Việt và nước Đại Lý bắt nguồn từ việc tranh giành ảnh hưởng ở vùng mà ngày nay là tây bắc nước Việt Nam. Vào khoảng thế kỷ thứ 11, vùng này là nơi sinh sống chủ yếu của người Tày, người Nùng, người Thái. Thời bấy giờ, người Việt và người Tống thường gọi chung các sắc dân vùng biên giới giữa hai nước là người Man, hoặc người Lý, người Lão. Nằm giữa ba trung tâm quyền lực mạnh là Đại Cồ Việt, Đại Lý và Tống, các tù trưởng trong vùng phải lựa chọn cho mình một phe để thần phục. Biên giới giữa Đại Cồ Việt, Đại Lý, Tống cũng chưa được định hình rõ ràng mà liên tục co duỗi, phụ thuộc vào tiềm lực và khả năng thu phục các tù trưởng người Nùng của các bên.

Trước khi vương triều Lý thành lập, kinh đô nước Đại Cồ Việt đặt tại Hoa Lư. Theo đó, trung tâm nước ta cũng là vùng ven biển phía đông đồng bằng sông Hồng. Lúc này nước Đại Cồ Việt vẫn đang trong thời kỳ quá độ từ phong kiến tản quyền lên nhà nước trung ương tập quyền, xu hướng ly khai của các thế lực cát cứ địa phương, các nhóm sắc tộc vẫn còn rất lớn. Các vua thường phải bận đi đánh dẹp liên miên trong nước. Do đó, việc cai trị ở các miền biên viễn phía tây bắc có phần lơi lỏng. Các tù trưởng ở các châu Vị Long (thuộc Chiêm Hoá, Tuyên Quang ngày nay), châu Đô Kim (thuộc Hàm Yên, Tuyên Quang ngày nay), châu Bình Nguyên (thuộc Hà Giang)… nắm quyền tự trị rất cao, tuỳ tiện quản lý địa hạt theo ý mình. Nhân đó, người Đại Lý thường xuyên xuất hiện trong các vùng ảnh hưởng của Đại Cồ Việt để trao đổi, buôn bán mà không thông qua triều đình nước ta. Nhiều phần đất ở vùng tây bắc dần dần trở thành vùng ảnh hưởng của nước Đại Lý trên thực tế.

Đến khi Lý Thái Tổ, tức vua Lý Công Uẩn lên ngôi, việc triều chính có nhiều biến chuyển mới. Thế nước Đại Cồ Việt dâng cao với kinh đô mới và một quân đội được tổ chức bài bản, chặt chẽ hơn trước. Việc trao các trọng trách về quân sự cho các thân vương, hoàng tử đã giúp vua Lý Thái Tổ dễ dàng hơn trong kiểm soát quân đội, ngăn ngừa nguy cơ phản loạn. Mệnh lệnh của vua được thông suốt từ trên xuống dưới. Bên cạnh đó, quân Đại Cồ Việt trong vốn thường xuyên phải đánh dẹp các lực lượng trong nước và đánh giặc ngoài (kháng chiến chống Tống 981, chiến tranh với Chiêm Thành những năm 982, 989 …) nên rất thiện chiến. Với sức mạnh và vị thế mới, triều đình Đại Cồ Việt không còn dễ dãi trong vấn đề biên giới như trước mà đã có những hành động cứng rắn đối với các tù trưởng khinh nhờn triều đình và cả người Đại Lý tự tiện xâm nhập vào vùng ảnh hưởng của mình.

Vào cuối năm 1012, Lý Thái Tổ được tin người Đại Lý đem ngựa đến buôn bán ở bến Kim Hoa, châu Vị Long rất đông đúc dưới sự bảo trợ của tù trưởng Hà Trắc Tuấn mà không xin phép triều đình Đại Cồ Việt. Để thể hiện uy quyền của triều đình, vua sai quân đến đánh bắt các thương nhân và tuỳ tùng người Đại Lý, tịch thu đến 1 vạn con ngựa. Sự kiện này ngoài việc thể hiện quyết tâm bảo vệ vùng ảnh hưởng của nước Đại Cồ Việt, còn là một sự thách thức công khai của đối với nước Đại Lý. Thông điệp của vua Lý Thái Tổ rất rõ ràng, rằng nước Đại Cồ Việt có đã đủ sức mạnh và quyết tâm để thẳng thừng đối đầu với Đại Lý, hòng bảo vệ đất đai và chủ quyền của mình.

Nước Đại Lý thời bấy giờ dưới sự cai trị của vua Tuyên Túc đế Đoàn Tố Liêm đang trong thời kỳ hưng thịnh, tất nhiên không dễ dàng bỏ qua chuyện này. Vua Đại Lý ngay sau đó đã chuẩn bị cho việc trả đũa. Năm 1013, tù trưởng châu Vị Long là Hà Trắc Tuấn vì muốn được thoải mái ngả về phe Đại Lý, đã khởi binh chống lại triều đình nhà Lý. Không bỏ qua cơ hội này, vua Đại Lý đã điều động binh mã, ước hẹn liên thủ với Hà Trắc Tuấn, mưu đồ đánh tách châu Vị Long ra khỏi lãnh thổ Đại Cồ Việt để nhập vào đất của Đại Lý, đồng thời lấy Vị Long làm chỗ đứng chân mà chiếm thêm các châu khác ở vùng tây bắc nước Đại Cồ Việt. Trước tình hình đó, vua Lý Thái Tổ đã quyết định thân chinh để đánh Hà Trắc Tuấn trước khi quân Đại Lý kịp tiến sang. Hà Trắc Tuấn quân ít không thể địch nổi quân đội của Lý Thái Tổ, nên dẫn quân tránh vào núi, ngầm cho người đi kêu gọi các dân người Tày, Nùng, Thái quanh vùng cùng đứng lên chống lại triều đình nhà Lý.

Quốc Huy

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 139

TƯỢNG BINH ĐẠI VIỆT
PHÁ TAN KỴ BINH ĐẠI LÝ


Không thể đóng quân lâu dài nơi rừng núi, Lý Thái Tổ quyết định rút quân về đồng bằng dưỡng sức, chuẩn bị cho những biến cố về sau. Quả nhiên sau đó không lâu, quân giặc mạnh đã đến. Tháng giêng năm 1014, quân Đại Lý dưới do các tướng Dương Trường Huệ, Đoàn Kính Chí rầm rộ tiến sang, chính thức mở màn cuộc xâm lược nước Đại Cồ Việt. Theo sử cũ là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đoàn quân này đông đến 20 vạn người. Nhưng theo sách An Nam Chí Lược dẫn lời thư của vua Lý Thái Tổ gửi cho nước Tống thì quân Đại Lý chỉ có 3 vạn người. Vậy đâu là con số đáng tin?

Nếu tính theo tỷ lệ thông thường thời kỳ này là khoảng 3-4 dân phu cho một người lính viễn chinh, có thể suy ra quân số thực của Đại Lý là khoảng 4-5 vạn quân chiến đấu, 15-16 vạn dân phu. Trong thành phần đội quân Đại Lý, ngoài người Hạc Thác có 3 vạn, còn có số quân liên minh người Tày, Nùng, Thái… chiếm khoảng 1-2 vạn quân. Con số này phù hợp với tính chất của cuộc chiến là đánh lấn đất ngoài biên giới, mở rộng vùng ảnh hưởng và cướp bóc chứ không phải một cuộc chiến tổng lực nhằm thôn tính toàn bộ nước Đại Cồ Việt.

Thế mạnh của quân Đại Lý nằm ở chỗ họ có rất nhiều ngựa chiến, tức là có nhiều kỵ binh, cùng với nguồn hậu cần dồi dào. Nguyên nước Đại Lý thời kỳ là vương quốc buôn bán ngựa nổi danh trong khu vực. Ngựa Đại Lý được cho là tốt nhất trong các nước phương nam. Ngoài các lợi thế trên, quân Đại Lý còn có được sự ủng hộ của không ít dân Tày, Nùng, Thái trong vùng nhờ vào các mối quan hệ buôn bán trước đó và sự gần gũi về phong tục, ngôn ngữ.

Khi thấy giặc tiến sang, châu mục Bình Nguyên (thuộc Hà Giang ngày nay) là Hoàng Ân Vinh cho người chạy trạm cấp báo về thành Thăng Long. Lý Thái Tổ, tức vua Lý Công Uẩn được tin, bèn phái Dực Thánh Vương (không rõ tên thật) – vị hoàng tử thứ năm của nhà vua cầm hàng vạn quân đi đánh giặc. Quân Đại Cồ Việt có lợi thế lớn ở tượng binh, bộ binh thì dũng cảm và có nhiều kinh nghiệm trận mạc. Kỵ binh nước ta trước đó ít và yếu hớn nước Đại Lý, nhưng đã được tăng cường đáng kể nhờ vào nguồn ngựa bắt được từ chính những thương nhân Đại Lý vào năm 1012.

Quân Đại Lý tiến quân đóng ở bến Kim Hoa, châu Vị Long, lập doanh trại gọi là trại Ngũ Hoa để chờ quân Đại Cồ Việt đến. Quân Đại Lý không cần tiến nhanh như gió bão, mà chỉ mong chiếm cứ lấy phần đất biên giới. Việc quân Đại Lý đóng trại không tiến cùng với sự đồng tình của một bộ phận không nhỏ dân cư vùng biên viễn đã phần nào tăng thêm phần khó khăn cho quân Đại Cồ Việt. Giặc tuy là quân đi xâm lấn, nhưng lại giữ được thế nhàn. Quân ta là bên giữ đất nhưng trở thành kẻ phải chịu nhọc. Điều này đặt ra cho quân Đại Cồ Việt hai lựa chọn: một là phải chủ động tiến đánh quân Đại Lý lúc này đang ở thế thủ chờ sẵn, hai là chấp nhận mất đất vào tay Đại Lý.

Dực Thánh Vương kéo quân đến Vị Long, không ngần ngại cho quân tấn công vào trại quân Đại Lý. Đoàn Chí Kính, Dương Trường Huệ cũng dàn quân ra ứng chiến. Hai bên đánh nhau một trận lớn Mao Lâm. Quân Đại Lý dù có kỵ binh mạnh nhưng không chống nổi voi ngựa, cung nỏ của quân Đại Cồ Việt, phải tan chạy. Dực Thánh Vương thúc quân truy kích, bắt sống được tướng Dương Trường Huệ, chém hàng vạn quân Đại Lý. Đoàn Kính Chí cùng đám tàn quân và dân phu bỏ chạy thục mạng về nước, để lại hàng vạn ngựa chiến, vô số khí giới, lương thực… Tất cả đều trở thành chiến lợi phẩm cho nước Đại Cồ Việt.
Sau trận đại thắng, vua Lý Thái Tổ liền sai viên ngoại lang Phùng Chân cùng Lý Thạc đi sứ sang Tống, tặng 100 con ngựa chiến và báo tin thắng trận cho nước Tống biết. Việc ngoại giao này vừa để thể hiện thiện chí, vừa tỏ rõ cho người Tống thấy sự hùng cường của nước Đại Cồ Việt mà thôi không nhòm ngó. Ngoài ra, cũng là để gián tiếp kìm chế nước Đại Lý bởi vì ngoài Đại Cồ Việt thì nước Tống cũng là thế lực mà Đại Lý phải đề phòng. Nước Đại Lý vừa hao binh tổn tướng và nước Tống đã biết điều đó, buộc Đại Lý phải sắp đặt quân đội chuyển sang thế thủ chứ không thể nghĩ đến việc trả đũa.

Tống Chân Tông biết tin Đại Cồ Việt đánh thắng Đại Lý, lòng vừa phục vừa ái ngại. Để đáp lễ, vua Tống hết mực khoản đãi sứ giả. Từ lúc vào địa giới Tống cho đến kinh thành Khai Phong, phía Tống đài thọ tất cả chi phí. Khi sứ bộ Phùng Chân vào chầu, vua Tống ban nhiều mũ, đai, đồ dùng, lụa là tuỳ theo thứ bậc từng người. Sau việc đi sứ này, quan hệ Đại Cồ Việt và Tống trở nên êm thắm một thời gian, phần vì thiện chí của vua ta, phần vì nước Tống đã biết binh uy nước Đại Cồ Việt vẫn hùng mạnh sau cuộc đổi ngôi. Không như trước đó, Tống Chân Tông vẫn hục hặc với nhà Lý vì cho rằng Lý Thái Tổ là kẻ cướp ngôi.

Sau trận chiến này, người Đại Lý không còn dám bén mảng đến vùng biên thuỳ nước Đại Cồ Việt nữa. Thừa thế thắng, vương triều Lý cố gắng thiết lập lại nền cai trị chặt chẽ hơn đối với vùng tây bắc. Những tù trưởng người Di Lão muốn ly khai khỏi Đại Cồ Việt mất đi thế lực chống lưng trở nên yếu ớt, một số đành chấp nhận quy phục, một số khác cố gắng liên kết lại để phản kháng đều bị triều đình nhà Lý đều quân mạnh đi đánh dẹp. Năm 1015, liên minh các bộ lạc do tù trưởng Hà Trắc Tuấn nổi lên ở các châu Đô Kim, Vị Long, Thường Tân, Bình Nguyên, quyết trận sống mái với triều Lý hòng lập nên một cõi giang sơn riêng. Vua Lý Thái Tổ sai hai hoàng tử là Dực Thánh Vương, Vũ Đức Vương dẫn quân đi đánh. Hà Trắc Tuấn binh ít thế cô không thể địch nổi. Quân đội nhà Lý đánh tan tác đạo quân người dân tộc thiểu số, bắt sống Hà Trắc Tuấn giải về kinh đô Thăng Long, chém đầu bêu ở cửa đông thành.

Cuộc chiến với nước Đại Lý tuy sử liệu còn ít ỏi và ít được nhắc đến trong sử sách hiện đại, nhưng cùng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nên lãnh thổ nước Việt Nam. Nhờ vào chiến thắng trước quân Đại Lý, nhà nước quân chủ của người Việt đã tiến thêm một bước trong việc kiểm soát lãnh thổ vùng tây bắc, góp phần đưa các sắc dân nơi đây vào một quỹ đạo chung của triều đình Thăng Long. Chiến công này là một trong những nền tảng đầu tiên, cùng với những biện pháp hôn nhân, phủ dụ của các đời vua Lý về sau nữa, nước Đại Cồ Việt – Đại Việt dần có được một vùng biên giới tây bắc yên ổn để từ đó huy động sức người sức của vào các cuộc chiến chống ngoại xâm. Khi quân giặc từ phương bắc tiến sang, vùng tây bắc trở thành một vùng đệm che chở cho trung châu nước Việt.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-mWJeUD2iKU0/X_srV9YzD0I/AAAAAAACQDM/b38o2Ppi_UEcz0IzpiEMOpI2Wb-WyAYtACLcBGAsYHQ/w640-h410/138.2.jpg

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

140

NGƯỜI VIỆT TRƯỚC ĐÊM ĐÁNH BẠI
CUỘC XÂM LƯỢC CỦA TẦN THUỶ HOÀNG


Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có nhiều cuộc chống ngoại xâm vang dội từ thời Hai Bà Trưng đánh Tô Định cho đến Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, thiết lập nền độc lập, rồi Đinh, Lê, Lý, Trần... bao đời gây nền độc lập. Tuy nhiên, cuộc chiến chống ngoại xâm đầu tiên đánh bại đạo quân xâm lược của Tần Thuỷ Hoàng thì lại ít được nhắc đến một cách chi tiết. Các sách giáo khoa lớp 4, 6 hay lớp 10 kể về giai đoạn mở đầu lịch sử nước nhà chỉ dành 1, 2 dòng nói về cuộc chiến chống quân Tần năm 218 trước Công nguyên. Do vậy, chúng tôi gắng kể lại và phân tích rõ hơn về cuộc chiến chống xâm lược đáng tự hào này.

Trước thời Tần Thuỷ Hoàng

Trong huyền sử thì ghi nhận cuộc chống ngoại xâm đầu tiên của nước ta là Thánh Gióng đánh giặc Ân ở thời Hùng vương thứ 6. Nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư khi kể chuyện Thánh Gióng cũng chỉ nhắc: Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: “Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì”. Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vường nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục dẫn lại Sử ký (Trung Quốc) chép: Năm Tân Mão thứ sáu (1110  trước Công nguyên - TCN) đời Thành Vương nhà Chu, phía Nam bộ Giao Chỉ có Việt Thường thị qua ba lần sứ dịch, sang dâng chim trĩ trắng. Chu công nói: “Đức trạch chưa thấm khắp đến phương xa, người quân tử không nhận đồ lễ ra mắt; chính lệnh chưa ban ra tới, người quân tử không bắt người ta thần phục”. Theo lời thông dịch, sứ giả muốn nói: “Ông già trong nước chúng tôi có nói: “Trời mưa không dầm gió dữ và biển không nổi sóng đã ba năm nay, ý chừng Trung Quốc có thánh nhân chăng?”. Vì thế, chúng tôi sang chầu”. Chu Công đem dâng lễ vật lên nhà tôn miếu. Sứ giả không thuộc đường về, Chu Công cho năm cỗ xe biền7 đều làm theo lối chỉ nam. Sứ giả đi xe ấy theo ven biển nước Phù Nam* và nước Lâm Ấp**, vừa một năm mới về đến nước.

Sử ký của Trung Quốc nói sứ giả các nước phía Nam gặp vua Chu đi lại mất cả năm đủ thấy giao thông thời ấy rất khó khăn. Với mức độ phát triển thời Thương - Chu thì không thể có chuyện mang quân đi thôn tính các vùng đất xa như vậy, nhất là khi thời Thương hay Xuân Thu thì chưa hề có kỵ binh. Ngay cả thời Chiến quốc, các nước cũng chỉ lo việc tranh bá ở Trung Nguyên chứ xem nhẹ việc mở rộng lãnh thổ (trừ Tần). Nước Tần theo chủ trương của Bách Lý Hề mở rộng ảnh hưởng sang phía Tây ngày càng cường thịnh. Nước Sở ở phía Nam chỉ nhòm ngó lên phía Bắc tranh bá với Tam Tấn, Tề, Tần chứ không đặt nặng tư tưởng bành trướng xuống phía nam. Thế nên các nước nhỏ ở phía nam khá yên ổn ngay cả trong giai đoạn Chiến quốc biến loạn. Nhưng tình hình đã thay đổi khi Tần Thuỷ Hoàng đánh bại 6 nước, thống nhất Trung Nguyên.

Tần Thuỷ Hoàng thống nhất và bành trướng

Năm 230 TCN, Tần vương Doanh Chính tung ra các chiến dịch cuối cùng của thời kỳ Chiến Quốc nhằm chinh phục các vương quốc độc lập còn lại. Nước Hànsau nhiều lần thua trận, đã rất nhỏ yếu không còn khả năng kháng cự nên là nước đầu tiên bị hạ. Hàn vương An sợ hãi, vội thu hết sổ sách, địa đồ trong nước sang đầu hàng nộp đất. Tần vương chính thức thôn tính nước Hàn.

Hàn với Triệu vốn như môi với răng, trong lịch sử thì Triệu nhiều lần phải phát quân cứu Hàn nhưng lần này cũng bó tay. Sau khi diệt Hàn, Tần đánh Triệu. Năm 228 TCN, quân Tần phá vỡ kinh thành Hàm Đan, bắt sống Triệu vương Thiên. Hạ xong Hàn, Triệu thì Tần vương Chính quay sang đánh Nguỵ để hoàn tất chiến thuật diệt Tam Tấn. Năm 225 TCN, quân Tần hùng mạnh tấn công Đại Lương, tháo nước sông vào thành. Nguỵ vương Giả không chống nổi phải ra hàng.

Ngay trong năm 225 TCN, Tần vương Chính sai Lý Tín mang 20 vạn quân đánh Sở. Lý Tín bị tướng Sở là Hạng Yên đánh bại. Tần vương Chính bèn nghe theo lão tướng Vương Tiễn, tổng động viên 60 vạn quân giao cho Vương Tiễn ra mặt trận. Vương Tiễn đánh Sở trong 2 năm, đánh bại Hạng Yên, bắt sống Sở vương Phụ Sô. Hạng Yên chạy thoát, lập vua Sở mới là Xương Bình quân lên ngôi. Vương Tiễn lại tấn công xuống phía nam, giết chết vua Sở và Hạng Yên, bình định nước Sở. Nước Sở, quốc gia chư hầu lớn lớn nhất và kình địch nhất của nước Tần đến năm 223 TCN bị chinh phục

Một năm sau khi đánh bại Sở, Tần vương sai  quân tấn công Yên và nhanh chóng thôn tính nước Yên và nước Đại - tàn dư của nước Triệu. Năm 221 TCN, Tần vương Chính lấy cớ Tề vương Kiến mang 30 vạn quân phòng thủ ở biên giới phía tây là hành động gây hấn, bèn sai Vương Bí mang quân từ nước Yên tiến thẳng xuống phía nam đánh úp kinh thành Lâm Tri. Nước Tề vốn 40 năm không binh đao nên không chống nổi, Tề vương Kiến phải đầu hàng. Cả 6 nước hoàn toàn bị thôn tính.

Sau khi thống nhất 6 nước, Doanh Chính tự xưng là Tần Thuỷ Hoàng. Mặc dù là vị Hoàng đế sở hữu vùng lãnh thổ rộng lớn nhất từ trước đến thời điểm bấy giờ nhưng Tần Thuỷ Hoàng vẫn chưa hài lòng và muốn mở rộng biên giới hơn nữa. Các dân tộc ở phía nam trong đó có người Việt phải trải qua những tháng ngày không yên ổn sau đó.

ANH TÚ
Lời chua của Khâm định Việt sử thông giám cương mục:
* Phù Nam: Theo Phương dư kỷ yếu, nước Phù Nam ở trong cù lao lớn về phía tây Nam Hải thuộc quận Nhật Nam và ở về phía Tây Nam nước Lâm Ấp, cách quận Nhật Nam bảy nghìn dặm về phía Bắc, cách nước Lâm Ấp hơn ba nghìn dặm về phía Tây, diện tích được hơn ba nghìn dặm.
**Lâm Ấp: Quốc giới của Việt Thường thị xưa; đời Tần là huyện Lâm Ấp, thuộc Tượng Quận; đời Hán đổi làm huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam.

https://1.bp.blogspot.com/-ZgCqulD3vwI/X_up82VniKI/AAAAAAACQDU/peiCydF85QIkzNVJOodfqz79QF9rMK1EQCLcBGAsYHQ/w628-h640/140.0-T%25E1%25BA%25A6N.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 141

TẦN THUỶ HOÀNG NHẬP NHÈM
CHUYỆN BIÊN GIỚI VỚI NGƯỜI VIỆT


Về việc chia quận thì nhà Tần đặt ra 36 quận* bao gồm lãnh thổ của các khu vực các nước thời Chiến Quốc bị Tần đánh bại. 36 là con số khá đẹp với quan điểm của người Trung Quốc thời ấy nhưng nhà Tần không hề hài lòng mà sau đó tiếp tục bành trướng lãnh thổ lớn hơn và lập ra 5 quận là Cửu Nguyên (quận trị phía tây Bao Đầu, Nội Mông Cổ hiện nay), Nam Hải (quận trị ở Quảng Châu, Quảng Đông hiện nay), Quế Lâm (quận trị phía tây Liễu Châu, Quảng Tây hiện nay), Tượng Quận (quận trị ở Sùng Tả, Quảng Tây hiện nay), Mân Trung (quận trị ở Phúc Châu, Phúc Kiến hiện nay) để thành 41 quận.

Trong số 5 quận này, chúng ta có thể thấy 4 quận mà Tần Thuỷ Hoàng lập thêm là các vùng lãnh thổ bành trướng xuống phương nam: Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận và Mân Trung. Điều đó không hề ngẫu nhiên mà là việc làm có chủ đích của nhà Tấn nếu chúng ta xét lộ giới kỳ lạ mà Tần Thuỷ Hoàng quan niệm khi đó.

Lộ giới nước Tần được Tần Thuỷ Hoàng quan niệm chỉ có 3 mặt chứ không phải 4 mặt như thông thường, cụ thể hơn là chỉ có 3 mạn Đông, Bắc, Tây chứ không hề có mạn nam. Sử ký Tư Mã Thiên ghi rất rõ chuyện này: Đất đai chạy dài phía đông đến biển và đất Triều Tiên, phía tây đến Lâm Thao (huyện Dận Cam Túc hiện nay), Khương Trung, phía nam tới Bắc hướng bộ, phía bắc lấy Hoàng Hà làm biên giới và men theo Âm Sơn đến tận Liêu Đông.
Biên giới phía Nam nhà Tần tự xác định Bắc hướng bộ nghĩa là gì? Theo giải thích của một số dịch giả thì Bắc hướng bộ tức là những nhà phải làm quay cửa về phía Bắc để lấy ánh mặt trời. Cách vạch biên giới này vô cùng trừu tượng đã thổi dã tâm xâm chiếm phương nam lên nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc sau này. Thậm chí, khi cả khu vực người dân Việt có thói quen làm nhà quay về phương nam để đón gió mát mùa hè, tránh gió lạnh đông, cũng bị người phong kiến phương Bắc coi là khu vực Bắc hướng bộ.

Thời Chiến Quốc, nước nằm ở phía Nam là Sở. Lãnh thổ của Sở kéo dài về phía nam cũng chỉ ở phía nam sông Dương Tử một chút và khu vực quanh hồ Động Đình, chứ không đủ sức vươn tầm ảnh hưởng xuống vùng người Việt sinh sống (không ám chỉ khu vực Cối Kê của nước Việt thời Xuân Thu). Nhà Tần chiếm được nước Sở còn muốn bành trướng sâu hơn nữa khu vực phía nam.

Chính vì chủ trương nam tiến lấn đất nên ngay thời Tần Thuỷ Hoàng, việc đó đã được thực hiện bằng việc lập thêm 4 quận ở phía nam với diện tích khá lớn. Tuy nhiên, ngay cả việc đặt thêm quận đó cũng chỉ mang tính hình thức chứ không hẳn đã kiểm soát trên thực tế.
Chúng ta có thể hiểu điều này qua việc Tần Thuỷ Hoàng đi tuần thú. Sau khi thống nhất, Tần Thuỷ Hoàng rất thích đi tuần thú khắp lãnh thổ của mình để vừa thể hiện uy quyền trên toàn lãnh thổ, vừa được dịp hưởng thụ của ngon vật lạ khắp đất nước.

Năm thứ 33 trị vì, Tần Thuỷ Hoàng lập 4 quận thì 4 năm sau, vị quân vương nhà Tần thực hiện chuyến tuần thú tới Vân Mộng, vọng tế Ngu Thuấn ở núi Cửu Nghi, lại theo Trường Giang đi xuống qua Đan Dương, tới Tiền Đường, ra Chiết Giang lên núi Cối Kê tế Đại Vũ, nhìn ra Nam Hải khắc bia ca tụng công đức nhà Tần rồi lại trở về đất Ngô (Tô Châu, Chiết Giang hiện nay), men theo bờ biển lên bắc, sau cùng chết giữa đường và đó cũng lần Tần Thuỷ Hoàng đi xa nhất về phía nam.

Cái mà Sử ký Tư Mã Thiên gọi là Nam Hải thực ra là biển Hoa Đông hiện giờ vì từ Cối Kê thì chỉ nhìn được ra biển Hoa Đông chứ thời đó khu vực duyên hải phía nam vẫn là nơi sinh sống của các dân tộc trong Bách Việt. Cho tới lúc chết, Tần Thuỷ Hoàng cũng chưa bao giờ được nhìn thấy Biển Đông.

Nếu thực sự mà nhà Tần kiểm soát được các vùng đất mới phía nam, giao thông dễ dàng thì có lẽ bánh xe của vua Tần không chỉ dừng ở Cối Kê. Trong lúc xe của Tần Thuỷ Hoàng lăn khắp nước thì vị hoàng đế nhà Tần vẫn có các chính sách để thực hiện dã tâm đặt nền móng cai trị lên 4 quận mới phía nam và tiếp tục lấn sâu xuống tiếp khu vực người Việt sinh sống. Đó là phần chúng tôi sẽ đề cập trong lần sau.

ANH TÚ

Chu: nước Sở
Yan: nước Yên
Qi: nước Tề
Qin: nước Tần
Han: nước Hàn
Wei: nước Nguỵ
Zhao: nước Triệu
ngôi sao ở nước Sở là vị trí của Cối Kê
Ghi chú:
*36 quận ban đầu mà nhà Tần đặt gồm:
Lũng Tây (quận trị ở Lâm Thao, Cam Túc hiện nay), Đắc Địa (quận trị ở tây nam Khồnh Đương (Cam Túc hiện nay), Thượng Quận (quận trị ở Hán Trung, Thiểm Tây hiện nay), Hán Trung (quận trị ở hiện nay), Thục Quận (quận trị ở Thành Đô, Tứ Xuyên hiện nay), Đa Quận (quận trị ở Trùng Khánh hiện nay), Hàm Đan (quận trị ở Hàm Đan, Hà Bắc hiện nay), Cự Lộc quận trị ở tây nam Binh Hương, Hà Bắc hiện nay), Thái Nguyên (quận trị phía nam Thái Nguyên, Sơn Tây hiện nay), Thượng Đảng (quận trị ở Trưởng Tử, Sơn Tây hiện nay), Nhạn Môn (quận trị phía ty Đại Đồng, Sơn Tây hiện nay), Đại Quận (quận trị phía đông bắc huyện Uý, Hà Bắc hiện nay), Vân Trung (quận trị phía đông bác Thác Khắc Thác, Nội Mông Cổ hiện nay), Hà Đông (quận trị ở huyện Hạ, Sơn Tây hiện nay), Đông Quận (quận trị phía nam Bộc Dương, Hà Nam hiện nay), Nãng Quận (quận trị ở Thương Khâu, Hà Nam hiện nay), Hà Nội (quận trị phía nam Vũ Thiệp, Hà Nam hiện nay), Tam Xuyên (quận trị phía đông Lạc Dương, Hà Nam hiện nay), Dĩnh Xuyên (quận trị ở huyện Võ, Hà Nam hiện nay), Nam Quận (quận trị ở Giang Lăng, Hồ Bắc hiện nay), Kiềm Trung (quận trị ở Nguyên Lăng Hồ hiện nay), Nam Dương (quận trị ở Nam Dương, Hà Nam hiện nay), Trường Sa (quận trị ở Trường Sa, Hồ Nam hiện nay), Cửu Giang trị ở huyện Thọ, An Huy hiện nay), Tứ Thuỷ (quận tri phía tây Hoài Bắc, An Huy hiện nay), Tiết Quận (quận trị ở Khúc Phụ, Sơn Đông hiện nay), Đông Hải (quận trị ở Viêm Thành, Sơn Đông hiện nay), Cối Kê (quận trị ở Thiệu Hưng, Chiết Giang hiện nay), Tề Quận (quận trị ở Trị Bắc, Sơn Đông hiện nay), Lang Nha (quận trị phía nam Giao Nam, Sơn Đông hiện nay), Quảng Dương (quận trị Mật Vân, Bắc Kinh hiện nay), Thượng Cốc (quận trị phía đông nam Hoài Lai Hà Bắc hiện nay), Thượng Bình (quận trị ở huyện Tô, Hà Bắc hiện nay), Liêu Đông (quận trị ở Liêu Dương, Liêu Ninh hiện nay)

https://1.bp.blogspot.com/-JjIHgiXCOCc/X_ypLW7NQtI/AAAAAAACQDw/Olrtxr3_hxY5NKwgUuueYhgOlkgQ2OuWwCLcBGAsYHQ/w624-h640/141.PNG

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 142

TẦN THUỶ HOÀNG:
TỪ XÂY VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
ĐẾN GÂY SỰ VỚI NGƯỜI VIỆT


Như đã đề cập trong phần trước, sau khi thống nhất được Trung Nguyên, Tần Thuỷ Hoàng đã phân chia quận huyện, tạo lộ giới rõ ràng ở mặt Đông, Bắc, Tây. Đặc biệt, ở mạn Bắc thì Tần Thuỷ Hoàng đã thực hiện việc tạo biên giới với người Hồ hay Hung Nô bằng việc xây Vạn Lý trường thành vào khoảng năm 220 trước Công nguyên.

Thực tế thì trước thời Tần Thuỷ Hoàng, các nước Chiến Quốc ở phía bắc như Yên, Triệu, Tần đã có những bức tường thành dài để ngăn cản các sắc dân người Hồ  thâm nhập xuống phía nam. Công việc của Tần Thuỷ Hoàng là nối các bức tường đó lại để tạo thành một dãy công sự vĩ đại bậc nhất trong lịch sử nhân loại khi đó. Nhà Tần bắt người dân phải làm việc để đắp thành, và các công nhân luôn bị đe doạ bởi tai nạn, bệnh tật và cướp tấn công. Có lẽ trong 2 thập kỷ, khoảng một triệu công nhân đã chết khi xây dựng bức tường thành. Bởi vì có nhiều người đã chết khi xây dựng thành, nó được đặt cho cái tên khủng khiếp, “Nghĩa địa dài nhất Trái Đất”.

Tại sao Tần Thuỷ Hoàng phải lao tâm, khổ tứ xây tường thành? Vì nỗi lo câu “sấm”: “Vong Tần giả, Hồ dã” (Tần mất là do Hồ) mà Hồ ở đây được Tần Thuỷ Hoàng hiểu là người Hồ. Trong các lần chiến đấu trước đây, quân đội Trung Nguyên thật sự ngán các bộ lạc du mục phía bắc rất có tài cung ngựa và di chuyển cơ động. Quân đội Yên, Triệu, Tần không bao giờ tiêu diệt được các bộ lạc ở thảo nguyên bao la phía bắc cả và các triều đại Hán, Đường, Tống, Minh sau này cũng vậy. Hơn nữa, đánh lên mạn bắc hoang vu thì cũng chẳng giữ được đất do điều kiện tự nhiên không phù hợp với tập quán trồng trọt của dân Trung Nguyên. Cách tốt nhất để đối phó với các bộ lạc láng giềng người Hồ là xây tường làm hệ thống phòng ngự, ngăn vó ngựa của họ xuống Trung Nguyên.

Việc tạo ra căn cứ vững chắc để không lo mặt bắc sẽ tạo tiền đề để nhà Tấn thực hiện việc đánh xuống phía nam lấn đất của người Việt như cách vạch biên giới Bắc hướng bộ mà chúng tôi đã đề cập trong phần trước. Có một công trình được Tần Thuỷ Hoàng tạo ra ở phía nam xứng đáng gọi là Vạn lý trường giang. Chúng ta đang nói đến kênh Linh cừ mà Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh đào năm 214 trước CN.

Miền Nam Trung Quốc có một câu nói nổi tiếng “Ở miền Bắc có Trường Thành, ở miền Nam có kênh Linh Cừ” để nói về con kênh nổi tiếng này. Nơi khởi nguồn của sông Quế cùng nơi khởi nguồn của Tương Giang thuộc hệ thống sông Dương Tử đều nằm ở phía bắc huyện Hưng An. Việc đào kênh chỉ dài 34 cây số này đã nối liền sông Tương và sông Quế mà sông Quế lại chảy vào sông Châu Giang. Có thể nói con kênh Linh Cừ đã thông đường thuỷ giúp tàu bè từ Dương Tử xuống cả hệ thống lưu vực đồng bằng Châu Giang (miền nam Trung Quốc) hiện giờ. Thực sự con kênh này hỗ trợ đắc lực cho sự mở rộng của nhà Tần xuống phía nam.

Để đánh xuống phía nam thì giao thông đường bộ vô cùng khó khăn cho việc tải lương. Ngoài việc đường đi vất vả phải băng qua núi đồi quanh co thì còn có thể bị đánh chặn. Nhưng với đường sông thì dễ dàng hơn nhiều. Chỉ cần một đội thuyền lương thì không cần tốn quá nhiều nhân lực mà có thể vận chuyển được một lượng lương lớn trong thời gian tương đối ngắn nếu so với việc đi đường bộ Chính nhờ việc đào con kênh Linh Cừ đã giúp nhà Tần và các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này thuận lợi trong việc lấn chiếm địa bàn người Việt sinh sống.

Có thể nói xây Vạn lý trường thành giúp nhà Tần yên tâm mặc bắc còn đào kênh Linh Cừ thì giúp nhà Tần bành trướng xuống phía nam. Nếu không có kênh Linh Cừ thì chưa chắc nhà Tần và các triều đại phong kiến sau của Trung Quốc đã thực hiện được dã tâm xuống phương nam.

Thực ra ngay khi chưa khởi công đào kênh Linh Cừ, Tần Thuỷ Hoàng đã nóng ruột muốn xua quân xuống phía nam để chiếm các vùng đất màu mỡ. Khu vực phía nam sông Dương Tử là nơi khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển nông nghiệp chứ không giống như miền bắc hoang vu lạnh lẽo. Có lẽ Tần Thuỷ Hoàng cũng chủ quan xem nhẹ sức chiến đấu của các dân tộc Bách Việt nên phát động cuộc chiến xâm lược xuống phía nam và phải hứng chịu thất bại ngoài tưởng tượng. Đó là điều sẽ được đề cập trong phần sau.

ANH TÚ
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Theo Lĩnh Nam di thư của Âu Đại Nhâm, tiên tổ Sử Lộc là người nước Việt. Khi nhà Tần sang đánh Bách Việt, sai hiệu uý Đồ Thư chia binh sĩ làm năm quân, cắt Lộc tải lương, khai cừ để tiện lối chở lương thực. Lộc bèn khơi nguồn nước từ núi Dương Sơn (thuộc Phiên Ngung) xuôi xuống, thấy rằng theo sông Tương chảy về phía Bắc, đổ vào sông Sở Dung, là hạ lưu sông Tường Kha chảy về phía nam đổ ra biển mà vận tải lương thực thì thật vất vả. Lộc bấy giờ mới lượng tính làm ra cái đập để nước sói mạnh vào trong bãi cát sỏi, rồi xếp đá làm vũng, lái nước sông Tương đổ ra. Nước chảy xói đi hàng 60 dặm. Lại đặt ra 36 cửa đập, hễ thuyền qua một cửa đập thì đóng cửa đập ấy lại, khiến cho nước tụ lại, đầy lên dần dần. Vì thế thuyền có thể lần theo sườn núi mà lên, dễ dàng mà xuống. Không những thuyền bè đi lại được, mà lấy nước vào ruộng cày cấy cũng tiện. Người ta gọi cừ ấy là Linh Cừ. Theo Thái bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử nhà Tống, nhà Tần có đào cái cừ ở về phía Nam huyện Hưng An (nay thuộc Quế Châu) hai mươi dặm. Gốc tận sông Ly, từ phía Bắc núi Thác Sơn, chảy về Tây Bắc, đến phía Tây Nam huyện Hưng An, hợp với Linh Cừ năm dặm mới chia ra hai dòng. Xưa, nhà Tần sai ngự sử giám, tên là Lộc, từ huyện Linh Lăng đào cừ đến Quế Lâm tức là đấy.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 143

THỰC HƯ ĐẠO QUÂN 50 VẠN
CỦA TẦN THUỶ HOÀNG
GÂY CHIẾN VỚI NGƯỜI VIỆT


Phần trước, chúng tôi có đề cập đến truyện Tần Thuỷ Hoàng cho người đào kênh Linh Cừ để nối liền hệ thống sông Dương Tử với hệ thống sông Quế để thâu tóm huyết mạch đường sông xuống hạ lưu châu thổ Châu Giang. Việc khơi thông đường thuỷ có tác dụng lớn trong việc vận chuyển lương thảo, quân nhu nhằm bành trướng xuống phía nam.

Có một điều phải bàn là trong một số cuốn sách và các bài báo trước đây nói về cuộc chiến này thì thường nhắc đến sự kiện Đồ Thư mang 50 vạn quân xuống phía nam nhưng bị sa lầy bởi chiến tranh du kích của người Việt và cuối cùng là Đồ Thư bị chết cùng hàng chục vạn người. Thực hư chuyện này thế nào?

Trước hết những lời kể về truyện Đồ Thư toàn dựa theo lời kể của cuốn Hoài Nam Tử của Lưu An. Cuốn Hoài Nam Tử chép như sau: “Truyện xưa viết: “Nhà Tần vong, tại sao vậy”. Nguyên nhân là sai Mông công (Mông Điềm) và Tương ông đưa 50 vạn quân xây trường thành.  Phía tây thì chiếm Lưu Sa, phía bắc thì đánh Liêu, phía đông thì liên kết với Triều Tiên, các quận của Trung quốc phải kéo xe đi chinh chiến. Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thuý, trân châu, nên sai quan uý là  Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo đi xâm chiếm (Bách Việt). Một đạo đóng ở Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở Cửu Nghi là chỗ hiểm yếu, một đạo đóng ở Phiên Ngung làm đô thành, một đạo đóng ở Nam Dã là nơi biên giới, một đạo đóng ỡ sông Dư Can. Ba năm quân không cởi giáp, lúc nào cũng phải mang theo cung nỏ. Sử Lộc không tìm được hướng (để tiến quân), mới tuyển lính đào kinh để chuyển binh lương đánh người (Bách) Việt, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Vì vậy người (Bách) Việt  vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Ho kén chọn ngưòi tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần,  đạt được chiến thắng lớn, giết quan uý Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn”.

Có thể nói chính Hoài Nam tử được Lưu An viết năm 139 TCN đã làm nhiều sách sử bị việt vị. Hoài Nam tử được coi là một cuốn sách quý nhưng ở góc độ nghiên cứu triết học mang hơi hướng Lão Trang chứ không phải lịch sử nên thường được so sánh với Đạo Đức Kinh hay Nam Hoa Kinh chứ không được coi là sử như Sử Ký hay Hán thư. Ngay trong phần kể trên thuộc chương 18 của Hoài Nam Tử là Nhân gian huấn thì cũng chỉ thấy sách dẫn lại truyện xưa chứ không hề dựa theo ghi chép chính sử nào.

Bản thân Lưu An lại là cháu nội của Hán Cao Tổ Lưu Bang (Lưu An là con trưởng của Lưu Trường, và Lưu Trường là con thứ 7 của Lưu Bang) nên không ngạc nhiên khi ông viết có phần nói quá về mức tàn tệ của Tần Thuỷ Hoàng. Lưu An là người theo Đạo giáo nên ông càng ghét việc dùng bạo lực và không ngại tô thêm đen các thất bại của nhà Tần. Đúng là Tần Thuỷ Hoàng vô cùng tàn bạo và nuôi dã tâm cực lớn trong việc bành trướng xuống phía nam nhưng Tần Thuỷ Hoàng là một con người vô cùng đa nghi. Chắc chắn Tần Thuỷ Hoàng không bao giờ có chuyện giao đạo quân đến 50 vạn cho một viên hiệu uý như Đồ Thư xuống phía nam. Điều này cũng vô lý như việc trao một “phương diện quân” vào tay một viên đại uý vậy. Theo quan chế thời Tần thì hiệu uý là chức quan võ rất thấp nên không thể nào thống lĩnh một đạo quân 50 vạn được.

Dựa vào các sử liệu thì Đồ Thư không phải là một trọng thần của Tần Thuỷ Hoàng thì làm sao được tin tưởng để trao 50 vạn quân. Đó là chưa kể việc nếu đưa 50 vạn quân đánh xuống phía nam thì vô cùng tốn kém về mặt hậu cần. Với việc đang điều động cả triệu người đi phục dịch cho xây Vạn lý trường thành ở thời điểm đó thì Tần khó có khả năng huy động một đạo quân viễn chinh đến 50 vạn xuống phía nam xa xôi như vậy.

Các sách thì dẫn Sử ký chép truyện này như sau: “Lại sai quan Uý là Đồ Thư đem quân thuyền lầu xuống phía nam đánh người Bách Việt, sai quan Giám tên là Lộc đào kênh chở lương, vào sâu đất Việt, người Việt bỏ trốn. Ngày dài chờ đợi, lương thực thiếu hết, người Việt ra đánh, quân Tần thua to. Nhà Tần mới sai quan Uý tên là Đà đem quân đến đóng ở đất Việt. Lúc bấy giờ, nhà Tần phía bắc gây hoạ binh đao với người Hồ, phía nam kết oán với người Việt, đóng quân ở đất vô dụng, tiến không được mà lui cũng không được. Trong hơn mười năm, đàn ông mặc giáp, đàn bà chuyển chở, khổ chẳng muốn sống, tự treo cổ trên cây bên đường, tuyệt vọng nhìn nhau. Đến lúc Tần Hoàng Đế băng, thiên hạ nổi lên chống”.

Thực ra phần Sử ký đó  ở trong Quyển 112 bình tân Hầu Chủ Phụ liệt truyện (không phổ biến trong các bản in ở nước ta vì quá vụn) và chỉ là dẫn lại lời kể chứ không phải ghi chép thành sự kiện.

Đến Đại Việt sử ký toàn thư của nước ta thì có nói đến con số 50 vạn nhưng cho rằng đó không phải quân tinh nhuệ mà thực chất chỉ là những người bị lưu đày trừng giới. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhà Tần phát những người trốn tránh, người ở rể  người đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu uý Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất Lục Dương, đặt các quận Quế Lâm (nay là huyện Quý của đất Minh, Quảng Tây), Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông) và Tượng Quận (tức là An Nam); cho Nhâm Ngao làm Nam Hải uý, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh (Long Xuyên là thuộc huyện của Nam Hải), đem những binh phải tội đồ 50 vạn người đến đóng đồn ở Ngũ Lĩnh, Ngao và Đà nhân đó mưu xâm chiếm nước ta”.

Nhưng về sau, các sử gia nhà Nguyễn cũng không tin vào con số 50 vạn quân nên khi chép sự kiện này chỉ nói chung chung: Bấy giờ nhà Tần hám đất Việt có nhiều ngọc trai và ngọc cơ, muốn chiếm lấy đặt làm quận huyện, mới bắt kẻ trốn tránh, người gửi rể và lái buôn ở các đạo đi làm lính, sai hiệu uý là Đồ Thư làm tướng, Sử Lộc thì khơi cừ lấy lối tải lương, đi sâu vào cõi Lĩnh Nam, cướp lấy đất Lục Lương, đặt ra Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đày những kẻ phải đi thú. Người Việt bấy giờ đều rủ nhau núp vào trong rừng rậm, không ai chịu để cho người Tần dùng. Lại ngầm bầu những người tài giỏi lên làm tướng, đánh nhau với người Tần, giết được hiệu uý Đồ Thư.

Có thể tin rằng nhà Tần huy động rất nhiều người cho chiến dịch bành trướng xuống phía nam nhưng khó có chuyện là một đạo quân đông đến 50 vạn để một viên uý là Đồ Thư thống lĩnh đạo quân này. Có chăng thì người Tần huy động một lực lượng lớn quân và dân để vừa bành trướng, vừa đồng hoá mà Đồ Thư chỉ là một viên tướng chỉ huy cánh quân đánh xuống sâu nhất, tới tận khu vực thuộc ảnh hưởng của Âu - Lạc rồi bị chết dưới tay người Việt mà thôi.

ANH TÚ
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 144

TẦN THUỶ HOÀNG VÀ TOAN TÍNH
ĐƯA 3 VẠN PHỤ NỮ KHÔNG CHỐNG
XUỐNG ĐẤT VIỆT


Trong phần trước, chúng tôi đã phủ nhận về khả năng nhà Tần sai một viên hiệu uý là Đồ Thư làm chủ một đạo quân 50 vạn đánh xuống phía Nam với hai lý do: thứ nhất, nhà Tần không đủ vật lực để cung ứng cho đạo quân nửa triệu người xuống nơi xa hàng ngàn dặm và thứ hai là Tần Thuỷ Hoàng không thể mang quân trao cho một viên uý chức vụ thấp kém làm việc này. Chúng tôi cũng phân tích cái sai trong việc sách báo dẫn chứng sai trong việc dùng sử liệu thời kỳ này.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng người Tần huy động một lực lượng lớn quân và dân để vừa bành trướng, vừa đồng hoá. Khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất xong các nước thời Chiến Quốc thì ông rất coi trọng việc di dân để đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia. Sử ký chép Tần Thuỷ Hoàng “sai dời các nhà hào khí trong thiên hạ đến Hàm Dương tất cả mười hai vạn nhà”. Có thể hiểu đây là việc Tần Thuỷ Hoàng bắt hết quý tộc các nước bị thu phục về Hàm Dương để giam lỏng, dập tắt mầm mống làm loạn từ Tề, Sở, Yên, Tam Tấn... Cái này gọi là đảm bảo cho an ninh nước Tần.

Ngược với chính sách di dân về đô thì Tần Thuỷ Hoàng cho di dân ra các vùng biên giới để phục vụ kế hoạch lấn đất. Sử ký phần Tần Thuỷ Hoàng bản kỷ chép: “Năm thứ 31 thời Tần Thuỷ Hoàng (216 TCN), đem đày những quan coi ngục không thanh liêm đi xây Trường Thành và đi thú ở đất Nam Việt (địa bàn người Việt sinh sống gần duyên hải biển Hoa Đông hiện giờ)”.

Rồi: “Năm thứ 33 thời Tần Thuỷ Hoàng (năm 214 TCN), phát những kẻ từng trốn tránh, ở rể, nhà buôn đi cướp lấy đất Lục Lương, đặt thành các quận Quế Lâm, Tượng, Nam Hải (vốn là khu vực người Việt sinh sống ở phía nam Trung Quốc hiện giờ) đem lính thú đến giữ”.

Thời điểm đó, các khu vực Nam Việt, Quế Lâm, Tượng, Nam Hải bị người Trung Nguyên coi là những nơi rừng thiêng, nước độc nên không mấy ai chịu tự nguyện chuyển tới phục vụ cho mưu đồ bành trướng của nhà Tần. Do vậy, để có người đi thì nhà Tần chỉ còn cách ép buộc những kẻ phạm tội xuống đó. Ban đầu là quan coi ngục bị lưu đày, sau mở rộng ra cả người trốn lính, phạm nhân, thậm chí người ở rể.

Chưa hết, năm thứ 34 thời Tần Thuỷ Hoàng (213 TCN), nhà Tần chủ trương đốt sách chôn Nho, những kẻ tội nặng thì bị chôn sống còn những người bị đày ra biên giới cũng khá nhiều. Sử ký chép: sai ngự sử xét tất cả các nhà Nho. Các nhà Nho tố giác lẫn nhau, có hơn 460 người phạm điều đã cấm. Thuỷ Hoàng sai chôn sống tất cả ở Hàm Dương,báo cho thiên hạ biết để làm răn. Sau đó lại sai đày biên giới nhiều người bị tội để đi thú”.

Bên cạnh việc đưa những người phạm tội thì Tần Thuỷ Hoàng còn có các chính sách khuyến khích để di dân quy mô. Sử ký chép: “Thuỷ Hoàng bèn sai dựng đá ở bờ biển Đông Hải (tức biển Hoa Đông) thuộc đất Cù để làm cửa phía đông của Tần, nhân đấy dời 3 vạn nhà đến Ly Ấp, 5 vạn nhà đến Vân Dương, những này đều được tha việc công dịch mười năm”.

Với khu vực bành trướng địa bàn người Việt, việc di dân được đẩy mạnh nhưng không thu hút được các hộ gia đình đến đó mà chỉ toàn là lính thú và các phạm nhân bị lưu đày mà thôi. Phạm nhân và lính thú thì cũng toàn là nam giới nên nảy sinh việc mất cân bằng giới tính. Thời điểm đó, Triệu Đà là một trong những viên võ tướng tham gia chiến lược bành trướng xuống phương Nam của Tần Thuỷ hoàng vào những năm 218 đến 208 trước Công nguyên. Theo cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam, Triệu Đà đã từng xin Tần Thuỷ Hoàng cho đưa 3 vạn đàn bà con gái không chồng xuống để “may vá áo quần” cho quân sĩ xây dựng cơ sở lâu dài. Triệu Đà cũng khuyến khích các tướng lĩnh, quan lại, quân lính người Hán lấy vợ người Việt nhưng thời gian đó người Việt bất hợp tác nên lấy đâu ra phụ nữ chịu lấy quân lính người Hán đông đảo.

Việc đề nghị đưa 3 vạn đàn bà con gái xuống cho thấy lượng lính và phạm nhân được đưa xuống địa bàn người Việt cũng phải tương đương 3 vạn (chứ không thể có chuyện là 50 vạn được). Việc đưa phụ nữ xuống như vậy sẽ giúp giải quyết 2 chuyện cho kế hoạch bành trướng xuống phía nam của nhà Tần. Thứ nhất sẽ giúp ổn định tinh thần của lính đóng ở biên giới, tránh việc lâu ngày xa nhà sinh loạn. Thứ hai, tạo ra một cộng đồng với các thế hệ cắm rễ lâu dài tại vùng bành trướng. Tuy nhiên, việc này cũng không được thực hiện êm ả chút nào trước sự phản kháng của người Việt.

Những lời đồn đại về cuộc sống khổ cực được ghi vào lời kể của Nghiêm an thượng thư trong phần Bình Tân hầu chủ phụ liệt truyện (Sử ký - quyền 112) nói rằng: “Trong hơn mười năm, đàn ông mặc giáp, đàn bà chuyển chở, khổ chẳng muốn sống, tự treo cổ trên cây bên đường, tuyệt vọng nhìn nhau” - nguyên văn là: “Hành thập dư niên, đinh nam bị giáp, đinh nữ chuyển thâu, khổ bất liêu sinh, tự kinh ô đạo thụ, tử giả tương vọng”.

ANH TÚ
14.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 145

NGƯỜI VIỆT VÀ NGHỆ THUẬT CHIẾN TRANH
ĐÁNH BẠI QUÂN CỦA TẦN THUỶ HOÀNG


Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất 6 nước thời Chiến quốc thì đã có ý định rõ ràng về việc lấn đất về phía Nam, nơi người Việt sinh sống bằng việc mở quận huyện mới và thi hành chính sách di dân xuống. Tuy không phải đạo quân đông đảo đến 50 vạn nhưng khả năng vài ba vạn là có cơ sở đáng tin cậy.

Thời điểm đó, do chiến tranh liên minh trong suốt 400 năm thời Xuân Thu – Chiến quốc thì trình độ quân sự ở Trung Nguyên đã được đẩy lên mức cao. Thợ rèn của Trung Quốc đã có thể tạo ra những thanh kiếm tốt là do nắm được công nghệ luyện kim để chế tạo ra các vật dụng bằng sắt cứng. Nếu thời Xuân Thu, các trận chiến thường chỉ có vài trăm cỗ xe ngựa kéo tham gia thì đến cuối thời Chiến quốc, đã có thể huy động cả chục vạn quân cho một chiến dịch quân sự. Đặc biệt thời Chiến quốc thì bắt đầu xuất hiện kỵ binh do Triệu Vũ Linh Vương học theo cách cưỡi ngựa của người Hồ phía bắc. Nhìn vào dàn tượng đất nung trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng với các chiến binh mặc giáp và cả  kỵ binh hay xa kỵ thì chúng ta có thể hình dung về sức mạnh đạo quân nhà Tần khi ấy.

Phương tiện vũ khí chiến tranh được phát minh liên tục được phát triển, nâng cấp. Thời Chiến Quốc, Lỗ Ban đã phát minh ra những vũ khí công thành hiệu quả cho nước Sở như thang mây chuyên để phá thành cao. Sách Mặc Tử, thiên Công Thâu chép: “Công Thâu Ban làm thang mây cho nước Sở xong, sắp đem đi đánh Tống. Mặc Tử nghe tin, bèn đi suốt mười ngày mười đêm từ nước Lỗ đến kinh đô của nước Sở để yết kiến Công Thâu Ban. [...] Mặc Tử cởi đai lưng giả làm thành, lấy thẻ tre giả làm khí giới. Công Thâu Ban chín lần bày cách đánh thành giả ấy nhưng Mặc Tử chín lần cự lại. Công Thâu Ban dùng hết khí giới đánh thành mà Mặc Tử thì còn cách chống giữ. Công Thâu Ban chịu thua”. Câu chuyện đọ trí giữa Công Thâu Ban (có sách chép đó chính Lỗ Ban) và Mặc Tử đã phần nào cho thấy về quy mô phát triển phương tiện quân sự tại Trung Nguyên thời Chiến Quốc.

Về học thuyết quân sự, thời Xuân Thu đã có nhà tư tưởng quân sự giỏi như Tôn Vũ, đến thời Chiến quốc lại có Ngô Khởi và các bộ binh thư nổi tiếng như Binh pháp Tôn Tử, Binh pháp Ngô Tử.  Riêng nhà Tần thì lúc đó hấp thu tinh hoa hết của các nước thời Chiến Quốc nên trình độ quân sự có thể coi là cao bậc nhất thế giới thời kỳ đó (tiếc là không có cuộc đọ sức với quân đội La Mã tinh nhuệ để so sánh).

Trong khi đó, người Việt khi đó đang ở cuối thời Hùng vương. Các di vật khảo cổ cho thấy thời đại đó, người Việt vẫn dùng đồ đồng là chủ yếu. Người Việt khi đó cũng phải trải qua chiến tranh nhưng chỉ ở mức quy mô nhỏ chứ không thể huy động vài vạn người. Ấy vậy mà người Việt đã đánh bại được sự xâm lấn của quân Tần. Tất cả là nhờ chiến tranh trường kỳ và nghệ thuật đánh du kích.

Quân Tần không thể triển khai những chiến dịch quân sự quy mô khi bành trướng xuống phía nam, lấn đất của người Việt. Ngoài việc giao thông khó khăn, hậu cần thiếu thốn thì địa bàn ở khu vực phía nam cũng không đủ lớn để tiến hành dùng xa kỵ hay kị binh. Hơn nữa, quân Tần có muốn tìm người Việt để thực hiện một chiến quy mô là điều không thể vì người Việt không có thói quen dàn trận đánh quy mô mà chỉ thích phục kích, đánh tỉa. Do vậy, người phương Bắc chịu cảnh sa lầy không thể tiến sâu mà chỉ gắng giữ những vùng giáp ranh và phải trả giá bằng không ít sinh mạng do bị phục kích, bệnh tật...

Sách Đại cương Lịch sử Việt Nam chép: “Sau ba năm hành quân (kể từ 218 trước Công nguyên), quân Tần mới tiến đến đất Lĩnh Nam của người Việt. Đất Lĩnh Nam bấy giờ tương ứng với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và là địa bàn sinh sống của người Mân Việt, Tây Âu V.V.. Năm 214 trước Công nguyên, với một lực lượng mạnh, quân xâm lược Tần đã chiếm được cả vùng Lĩnh Nam, giết chết tù trưỏng Tây Âu là Dịch Hu Tống, chia đất Lĩnh Nam thành 3 quận sáp nhập vào lãnh thổ đế chế Tần (3 quận là Nam Hải, Quế Lâm, Quận Tượng). Nhưng bây giờ người Việt Tây Âu không chịu khuất phục, kéo nhau chạy vào rừng, dưới sự chỉ huy của các tù trưởng chiến đấu chống lại quân Tẩn.

Từ Tây Giang, quân Tần đã tiến vào xâm lược nước Vân Lang. Người Tây Âu và người Lạc Việt đã chiến đấu rất ngoan cường. Họ rút vào rừng “Không ai chịu để cho quân Tần bắt” ngày ẩn, đêm đánh phá quân xâm lược, dựa vào các chiềng, chạ, tận dụng địa hình địa vật hiểm trở là núi rừng để chiến đấu lâu dài, tiêu hao binh lực địch. Cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân Tây Âu và Lạc Việt đã làm cho quân Tần tiến thoái lưỡng nan “lương thực bị tuyệt và thiếu, đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được mà thoái cũng không xong”.

Năm 210 trước Công Nguyên, Tần Thuỷ Hoàng mất. Không lâu sau, Trung Nguyên lại xảy ra đại loạn nên nhà Tần không còn tâm trí đâu mở rộng bành trướng xuống phía nam. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Tần của người Việt coi như thắng lợi. Và trong các cuộc chiến chống phương Bắc sau này, ông cha ta cũng phát huy lại những bài học từ chiến tranh du kích, kháng chiến trường kỳ để giành thắng lợi trước đối phương được trang bị phương tiện quân sự hùng hậu hơn hẳn.

ANH TÚ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHƯƠNG 10
MỞ CÕI
PHƯƠNG NAM
********************************


Kỳ 146
3 MIỀN VĂN MINH
TRẢI DÀI TRÊN 3 MIỀN NƯỚC TA
LÀ RẤT ĐẶC BIỆT



3 miền nước ta đều có những nền văn minh từ lâu đời. Đây là điều vô cùng đặc biệt vì không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được những nền văn minh sớm và đa dạng như đất nước chúng ta.

Thời tiền sử, Việt Nam là một trong những ngã tư đường của các luồng di cư. Trên lãnh thổ nước ta đã sớm xuất hiện các cộng đồng người tiền sử thuộc hai đại chủng Mogonloid và Australoid. Người người thuộc hai đại chủng này đã sinh sống trên lãnh thổ nước ta đã có sự hôn phối, hoà huyết với nhau tạo thành những chủng người mới. Do đời sống thời mông muội khá bấp bênh, chọn lọc tự nhiên khá gay gắt nên một số dòng di cư đã bị tuyệt diệt. Một số khác thích nghi được với điều kiện sống, sinh sôi và phát triển.
1.
Văn minh Đông Sơn

Theo huyền sử được chép trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua Kinh Dương Vương đã lập ra nước Xích Quỷ vào năm 2879 trước công nguyên tức khoảng 5.000 năm trước, là quốc hiệu đầu tiên của người Việt. Trên thực tế thì giai đoạn này hầu hết những vùng trên thế giới vẫn còn sống đời sống mông muội, trừ một vài vùng hiếm hoi ở Bắc Phi và Trung Cận Đông bắt đầu thoát khỏi thời kỳ đồ đá và biết làm nông nghiệp thành thục, biết xây dựng thành phố. Ở nước ta, 5.000 năm trước cư dân vẫn đang trong thời kỳ đồ đá mới.
Đến khoảng 4.000 năm trước, những nền tảng văn minh đầu tiên đã xuất hiện ở miền bắc Việt Nam. Tầng văn hoá Phùng Nguyên mà khảo cổ học khai phá đã cho chúng ta biết rằng những cư dân thời kỳ này đã biết chế tác công cụ bằng đá với độ tinh xảo cao, dựng nhà, làm gốm, đồ trang sức, lưới đánh cá …

Đến giai đoạn khoảng 3.500 năm trước, cư dân tại đồng bằng bắc bộ đã chuyển sang một tầng văn hoá mới được định danh là văn hoá Đồng Đậu. Lúc này, nông nghiệp đã xuất hiện, và người ta đã bắt đầu bước vào thời đại đồ đồng. Nối tiếp thời kỳ văn hoá Đồng Đậu là văn hoá Gò Mun từ khoảng 3.000 năm trước, nông nghiệp trồng lúa nước và kỹ thuật luyện kim đồng đã đạt đến trình độ cao. Năng suất lao động thời bấy giờ tăng cao. Xã hội bắt đầu phân hoá mạnh, các cộng đồng người được tổ chức thành những bộ lạc được chỉ huy bởi những vị thủ lĩnh. Những bộ lạc sinh sống trên vùng bắc bộ chia sẻ ngôn ngữ và nhiều tập quán tương đồng, vừa hợp tác với nhau để chống cải tạo tự nhiên và các thế lực ngoài vùng, vừa có sự cạnh tranh lợi ích với nhau. Để chiến đấu và sinh tồn, các công nghệ mới được áp dụng vào chế tác vũ khí. Cung tên, giáo, rìu chiến … được làm bằng đồng thau trở nên phổ biến.

Sự phát triển của văn hoá Gò Mun đã dẫn đến văn hoá Đông Sơn, một nền văn minh thực sự của tổ tiên người Việt. Thời kỳ Đông Sơn có cột mốc xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, đánh dấu sự phát triển đến đỉnh điểm của thời đại đồ đồng trên miền Bắc Việt Nam, và bắt đầu chuyển sang thời đại đồ sắt. Trên nền tảng xã hội phát triển khá hoàn chỉnh và một nền kinh tế đa dạng bao gồm nông nghiệp, thủ công, ngư nghiệp và hàng hải, nhà nước đầu tiên của người Việt ra đời.

Thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, trên lãnh thổ miền bắc Việt Nam đã định hình hai tộc người chủ yếu là người Âu Việt và người Lạc Việt, đều thuộc chủng Mongoloid phương nam. Người Lạc Việt có 15 bộ lạc gồm Giao Chỉ, Việt Thường, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thanh Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Hoan, Cửu Đức (theo Việt Sử Lược). Trong số các bộ lạc, Văn Lang là bộ lạc hùng mạnh nhất. Thủ lĩnh của bộ lạc Văn Lang đã được các bộ lạc còn lại tôn làm vua, sử gọi là vua Hùng, lập ra nước Văn Lang. Lãnh thổ nước Văn Lang chủ yếu là vùng đồng bằng, vùng trung du bắc bộ và vùng bắc trung bộ ngày nay. Kinh đô Văn Lang đóng tại Phong Châu (Phú Thọ), cả nước chia làm 15 bộ tương ứng với vùng của 15 bộ lạc trước khi lập quốc.

Cư dân Văn Lang là những người giỏi nghề sông biển, trồng lúa nước và đúc đồng. Ở nơi sông nước, người dân có tục xăm mình để tránh giao long làm hại. Lương thực chính của người Văn Lang là lúa nếp, dùng để nấu xôi và làm bánh. Bên cạnh đó, lúa tẻ và những hoa màu khác cũng là những sản phẩm thường xuyên được sản xuất và tiêu dùng. Trống đồng Đông Sơn là di sản minh chứng cho trình độ phát triển cao của văn minh Đông Sơn. Qua các hoạ tiết trên trống, chúng ta có thể hiểu về trang phục, lối sinh hoạt hằng ngày, kiến trúc nhà cửa, kiểu dáng thuyền, nếp nghĩ, nếp sống thời xưa. Trống đồng không chỉ được tìm thấy ở miền bắc Việt Nam, mà còn ở những nơi khác tại Đông Nam Á và vùng Hoa Nam. Điều đó chứng tỏ, đã có sự giao thoa về thương mại và văn hoá nhộn nhịp vào thời cổ đại. Về quân sự, người Việt giỏi thuỷ chiến và sử dụng cung nỏ trong chiến đấu. Mũi tên đồng của người Việt có khả năng xuyên giáp gieo rắc nổi kinh hoàng cho kẻ thù. Khi ra trận, trống đồng được dùng làm hiệu lệnh tiến công, khiến cho tinh thần chiến đấu của các chiến binh dâng cao. Bên cạnh vũ khí bằng đồng, từ giữa thời kỳ Đông Sơn đã xuất hiện vũ khí làm bằng sắt, là công nghệ tối tân thời bấy giờ. Truyền thuyết về Thánh Gióng được nhiều ý kiến đánh giá là một câu chuyện thần thánh hoá sự việc có thật rằng dựa vào vũ khí và áo giáp bằng sắt, người Lạc Việt đã chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ đất nước.

Trong thời kỳ Đông Sơn, bên cạnh sự phát triển mạnh của cộng đồng người Lạc Việt thì người Âu Việt cũng phát triển thế lực ở gần vùng núi phía bắc và đông bắc bộ, ngay bên cạnh lãnh thổ nước Văn Lang. Khoảng gần công nguyên, người Âu Việt cũng đã lập quốc. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi nước của người Âu Việt là nước Thục. Còn theo truyền thuyết của dân Tày, Nùng thì nước này có tên là Nam Chưởng hoặc Nam Cương.

Thậm chí một số nhóm Âu Việt đã sinh sống hoà lẫn với người Lạc Việt trong vùng cai trị của các vua Hùng. Do có sự tương đồng nhất định về nhân chủng, phong tục tập quán nên hai cộng đồng Âu Việt và Lạc Việt chung sống với nhau tương đối hoà bình. Sự xâm lấn của các thế lực từ phương bắc càng thúc đẩy người Âu Việt tiến về phương nam. Năm 257 trước công nguyên, vua của người Âu Việt là Thục Phán nhân lúc vua Hùng nước Văn Lang không phòng bị, kéo quân đánh chiếm Phong Châu, lãnh thổ của nước Văn Lang và Âu Việt được sáp nhập làm một. Sau khi thay thế vua Hùng, Thục Phán thi hành chính sách hoà hợp hai cộng đồng, đặt tên nước là Âu Lạc, xưng là An Dương Vương. Thời kỳ Âu Lạc cũng là thời mà văn minh Đông Sơn đạt đến đỉnh cao, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
2.
Văn minh Sa Huỳnh

Trên dải đất miền trung Việt Nam vào khoảng 4.000 năm trước, các cư dân thuộc chủng Malayo-Polynesian (Mã Lai – Nam Đảo) đã sinh sống tràn ngập. Họ đã biết làm nông nghiệp và bắt đầu bước vào thời đại kim khí. Các nhà khảo cổ học gọi thời kỳ này là thời kỳ văn hoá Tiền Sa Huỳnh. Khác với những cư dân vùng bắc Việt Nam cùng thời, những người Tiền Sa Huỳnh luyện đồng với quy mô nhỏ hơn nhiều.

Tuy nhiên, đến giai đoạn văn hoá Sa Huỳnh vào khoảng 3.000 năm trước đến đầu công nguyên, người Sa Huỳnh đã có bước nhảy vọt về kỹ thuật luyện kim và bước vào kỷ nguyên đồ sắt sớm hơn cả văn minh Đông Sơn. Vũ khí và công cụ bằng sắt trong các di chỉ văn hoá Sa Huỳnh có tỉ lệ vượt trội so với đồ đồng. Do đặc điểm của vùng đất ven biển với các đồng bằng nhỏ hẹp, người Sa Huỳnh không thể chỉ dựa vào nông nghiệp để sống mà có hoạt động kinh tế dựa trên cả ba nền tảng nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp và thương mại.

Mặc dù cũng trồng lúa nước như cư dân Đông Sơn, cư dân Sa Huỳnh có lương thực chính là lúa tẻ chứ không phải lúa nếp. Sản phẩm của văn hoá Sa Huỳnh đa dạng, hướng đến nền kinh tế hàng hoá. Riêng về thủ công nghiệp, bên cạnh các sản phẩm đồ gốm, người Sa Huỳnh phát triển nghề luyện thuỷ tinh và chế tác đá quý thành những đồ trang sức tuyệt đẹp. Những đồ trang sức và thuỷ tinh của người Sa Huỳnh đã trở thành hàng hoá quý giá, được nhiều nước trong khu vực ưu chuộng.

Cư dân Sa Huỳnh thời cổ đại là tổ tiên của người Chăm, nền văn minh mà họ tạo nên chính là tiền đề cho văn minh Chămpa về sau. Hiện chưa có bằng chứng để khẳng định rằng liệu người Sa Huỳnh đã có thành lập nhà nước như những cư dân Đông Sơn hay chỉ tồn tại những thành bang, bộ lạc nhỏ cùng chia sẻ chung một nền văn minh. Đến đầu công nguyên, cư dân Sa Huỳnh đã có sự phát triển về văn minh ngang ngửa với văn minh Đông Sơn, với sức sản xuất không hề thua kém.
3.
Văn minh Ốc Eo

Tầng văn hoá đầu tiên được khảo cổ học tìm thấy ở vùng Nam bộ là tầng văn hoá Đồng Nai, xuất hiện vào khoảng 4.000 – 3.000 năm trước. Chủ thể của văn hoá Đồng Nai là cư dân thuộc chủng Mã Lai – Đa Đảo. Trên vùng đất Đông Nam Bộ màu mỡ, thiên nhiên trù phú, cư dân văn hoá Đồng Nai chủ yếu sinh sống bằng canh tác nương rẫy, săn bắt và hái lượm. Cũng giống như cư dân Sa Huỳnh, việc khan hiếm mỏ đồng thúc đẩy cư dân văn hoá Đồng Nai sớm phát triển kỹ thuật luyện sắt và tiến vào kỹ nguyên đồ sắt mạnh mẽ.

Các sản phẩm thủ công đặc trưng của văn hoá Đồng Nai là trang sức, đồ thuỷ tinh. Sự phát triển các nghề thủ công đã góp phần thúc đẩy thương mại và hàng hải. Về cuối giai đoạn văn hoá Đồng Nai, các thành thị ven biển đã hình thành và phát triển. Cho đến khoảng 2.000 năm trước, văn hoá Đồng Nai đã tiếp thu nhiều yếu tố ngoại lai. Cư dân văn hoá Đồng Nai vừa ưa chuộng những chiếc trống đồng du nhập từ Văn Lang, vừa học cách rèn vũ khí theo mẫu của các nước Chiến Quốc Trung Hoa. Đặc biệt là ảnh hưởng từ văn minh Ấn Độ đã chuyển biến văn hoá Đồng Nai sang một tầm cao mới, chính là văn minh Ốc Eo.

Văn minh Ốc Eo là sự nối tiếp, kế thừa của văn hoá Đồng Nai kết hợp với những yếu tố du nhập từ văn minh Ấn Độ. Vào khoảng đầu công nguyên, cư dân Ốc Eo đã lập nên vương quốc Phù Nam với trung tâm nằm tại vùng mà ngày nay là Hà Tiên, Kiên Giang. Phù Nam là một nước có nền kinh tế chuyên về thương mại và hàng hải. Cư dân Phù Nam là những chủ thể đầu tiên khai phá và làm chủ toàn bộ đất đai Nam bộ. Với tiềm lực kinh tế hùng mạnh, họ thiết lập được sự cai trị trên khắp vùng Nam bộ và lấn dần về phía tây, lần lượt kiểm soát đất đai của vùng ngày nay là nước Campuchia.

Đông Sơn, Sa Huỳnh và Ốc Eo là ba nền văn minh Việt Nam thời cổ đại đều đáng để người Việt trân trọng và nghiên cứu, bảo tồn. Trên đây là những nét khái quát về sự hình thành văn minh và một số đặc trưng sơ lược nhất. Để tìm hiểu sâu hơn về việc thịnh suy của các nền văn minh, mời độc giả đón xem những kỳ sau.

Quốc Huy
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] ... ›Trang sau »Trang cuối