Nguyễn Bính “một ông vua thơ tình”, “một thiên tài lỡ dở”. Trong suốt 30 năm cầm bút (1936-1966) ông đã đểlại cho chúng ta một sự nghiệp văn học khá đồ sộ: trên 10 tập thơ với hàng trăm bài thơ hay, nhiều truyện thơ, truyện ký, nhiều vở kịch có giá trị. Thơ Nguyễn Bính mang đậm sắc thái dân tộc, gần gũi với ca dao và đi vào tâm hồn người Việt Nam sâu sắc nên được bạn đọc cả nước mến mộ.

Như mọi người, tôi cũng rất yêu thơ Nguyễn Bính, đã bỏ thời gian nghiên cứu, sưu tầm sự nghiệp thơ ca của ông để viết bài Nguyễn Bính trên Bách khoa toàn thư mở tiếng Việt. Vừa rồi tôi tìmđến nhà bà Nguyễn Thị Kim Tuyến em gái nhà thơ, biết tôi muốn tìm thêm tài liệu để hoàn thiện bài Nguyễn Bính trên Wikipedia. Người nhà bà Tuyến cho tôi xem một số tài liệu nói về Nguyễn Bính, tôi thuyết phục bác này cho tôi xem một vài tấm ảnh riêng tư của gia đình. Sau một vài phút đắn đo lưỡng lự, rồi bác cũng đồng ý mở cái tủ cũ kỹ đó ra. Có lẽ đã lâu lắm rồi góc tủ này không được sắp xếp lại, bụi phủ lên bề mặt những trang giấy, tôi giở chúng ra, nhiều tờ giấy vì để lâu đã bị dính vào nhau. Đây rồi, những bức ảnh, những lá thư, một số bài thơ mà bút tích là của Nguyễn Bính, của bạn bè nhà thơ chép lại những bài thơ của ông. Lẫn trong sấp ảnh trắng đen cũ của gia đình, tôi thấy một bài thơ có nhan đề “Xuân về nhớ cố hương” (đây là bút tích của nhà thơ Trúc Sơn, đề chép tặng Thanh Hằng tháng 7 năm 1980) mà những tài liệu về Nguyễn Bính tôi có không thấy nhắc đến. Tôi trao đổi với một số người bạn yêu thơ Nguyễn Bính họ đều không biết bài thơ này, vào tìm trong Google xem có trang Web hay Blog nào nói về bài thơ này không? Tôi đã tìm kỹ nhưng cũng không thấy. Tôi tìm đến nhà ông Đỗ Đình Thọ ở phố Hàng sắt, thành phố Nam Định, người có nhiều năm công tác cùng Nguyễn Bính, người được mệnh danh là nhà Nguyễn Bính học, người được ông An Viết Đàm (nguyên là phó giám đốc sở VHTT, Uỷ viên BCH hội văn nghệ Hà Nam Ninh) viết lời giới thiệu trong tập thơ tình Nguyễn Bính như sau: “…Đồng chí Đỗ Đình Thọ là chuyên viên nghiên cứu văn hoá- văn nghệ của Sở VHTT đã có nhiều công phu và bỏ nhiều thời gian đi nghiên cứu, sưu tầm sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Bính trên khắp các nẻo đường đất nước mà Nguyễn Bính đã đi qua…” . Nhưng ông Thọ cũng chưa biết về bài thơ này.

Lại là một bài thơ trong chủ đề “Xuân tha hương”. Bài thơ là một điển hình hội tụ tất cả các phong cách thơ của nhà thơ Nguyễn Bính như: giang hồ, tha hương, lỡ dở, và vẫn toát lên cái chân chất mộc mạc của hương đồng gió nội, của những lễ hội mùa xuân quen thuộc trên quê hương Nam Định của ông. Xin chân trọng giới thiệu cùng các bạn.