Huế - đẹp và thơ - nhiều người hay nói và hay nghĩ như thế về Huế. Nhưng ai là người đầu tiên, ai đã nói về Huế như thế? Chỉ biết Huế - đẹp và thơ là tập thơ đầu tay của thi sĩ Nam Trân (1907-1967) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1939.

Nam Trân tên thật là Nguyễn Học Sỹ, người xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, thời thanh niên là học sinh Quốc học Huế. Sau khi đỗ tú tài ở Hà Nội, ông về lại Huế, làm tham tán tại Toà khâm sứ Huế, về sau làm Tá lý ở Bộ Lại của Nam triều.

Nam Trân thuộc lớp những nhà thơ mới, từng có mặt trong Thi nhân Việt Nam của nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh.

Đã là thi nhân của làng thơ mới, điều dễ hiểu là nhà thơ trẻ tuổi Nam Trân cũng có những khoảnh khắc rung động tự nhiên, không gò bó, khách sáo, cầu kỳ:
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo.
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết,
Rằng thơ thấy đẹp phải tìm theo.
Thuyền qua đến bến, cô lui lại,
Vẫy chiếc chèo ngang giọt nước gieo.
Đăm đăm mắt mỏi vì chèo,
Chèo cô khuấy nước trong veo giữa dòng
Biết không? Cô hỡi biết không?
Chèo cô còn khuấy, sóng lòng còn xao!
(Cô gái Kim Luông)
Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh nhận xét thơ Nam Trân là thơ “tả chân” và Nam Trân đã “sáp nhập cái cảnh núi Ngự sông Hương” vào làng thơ Việt.

Những năm tháng sống ở Huế, dẫu có lúc cũng rất là “người” khi nao nao lòng một cách hồn nhiên trước Cô gái Kim Luông, thi sĩ Nam Trân vẫn có sự cảm nhận rất thực tế về tình cảnh đất nước và ước vọng của dân tộc.

Nhà thơ viết trong bài thơ Giận khúc Nam ai
...Tôi ghét anh mê giọng hát sầu bi
Và tung mãi tâm hồn thừa truỵ lạc.
Hãy đứng dậy vứt chiếc cầm ảo não
Tôi cần nghe những khúc nhạc rất hùng
Thét ngựa lòng phi mãi chẳng chồn chân
Sáng như gươm tuốt, mạnh như luồng bão...
Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam có nhận xét rằng không ai tả cảnh Huế như Nam Trân. “Nam Trân không rơi vào khuôn sáo, không mơ màng, không buồn vẩn vơ. Ở Huế mà ghét “Nam ai”, nội chừng ấy cũng đã là lạ”. “Nam ai” là một loại hình nghệ thuật cần cho người nghiên cứu, là một phần tâm tư dù là rất nhỏ của Huế trong quá khứ, là một loại hình văn hoá phi vật thể không ai muốn đánh mất. Và Nam Trân chẳng phải bực tức gì với “Nam ai”. Có điều là ở thập kỷ 30 của thế kỷ XX, khi cả dân tộc đang tìm đường vùng dậy vì quyền sống của mình thì “Nam ai” không thể là khúc nhạc động viên, cổ vũ.

Với Nam Trân, những câu ca vừa đẹp, vừa thơ lúc bấy giờ phải hùng tráng như khúc quân hành.

Đấy là lý do vì sao Nam Trân đã nhanh chóng hoà nhập vào đời sống cách mạng trong Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Đại Lộc từ sau tháng 8-1945, trong Uỷ ban Hành chính - kháng chiến tỉnh Quảng Nam, làm Chánh văn phòng Uỷ ban Hành chính - kháng chiến liên khu V. Và cũng chính ông là một trong số các dịch giả rất thành công trong việc dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chữ Hán ra chữ Việt. Bản dịch này được chính thức công bố năm Bác Hồ 70 tuổi.

Phạm Hồng Việt