ND - Huế đẹp và thơ, người xưa, người nay đều cảm nhận như thế. Có thể người xưa đã nói ở đâu đó như thế. Nhưng tôi chỉ biết cụm từ ấy qua tên tập thơ của Nam Trân được xuất bản năm 1939 (Huế, Ðẹp và Thơ). Ðược cái tên để người đời nhắc nhớ, thật là một may mắn lớn, một vinh hạnh lớn của Nam Trân!

Trong tập thơ này có bài Ðẹp và Thơ viết về cảnh tình Kim Luông. Kim Luông là một làng nhỏ phía bắc sông Hương, phía tây thành Huế, nổi tiếng về các món ăn ngon và con gái đẹp, từng có câu thơ, đồn là của vua Thành Thái: Kim Luông nhiều ả mỹ miều; Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi. Còn thơ của Nam Trân cũng từng được chép tím trong nhiều trang vở học trò:
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng Thơ thấy, Ðẹp phải tìm theo
Thuyền qua đến bến; cô lui lại
Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo...
Tản Ðà khen thơ Nam Trân “ý rất hay, lời cũng thật đẹp”; Phan Khôi đánh giá là “một thi nhân đáng biểu dương”, còn Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam (1941) từng viết: “Tả cảnh Huế chưa ai bằng được Nam Trân”. Viết thế có lẽ hơi quá vì thời ấy còn có Hàn Mặc Tử, Thu Hồng, Nguyễn Ðình Thư, Thúc Tề, Mộng Huyền và nhiều nhà thơ khác với “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền”; với “Một hàng tiên nữ cười trong nón/ Sông mở lòng ra đón bóng yêu”; và “Xào xạc sóng buồn khua bãi sậy/ Bập bềnh trên mạn chiếc thuyền ai”, v.v... Nhưng quả thật, Nam Trân là người có tình yêu, có hiểu biết Huế thật sự sâu sắc, thật sự máu thịt, dù ông là người xứ Quảng.

Nam Trân là người dịch thơ Ðường xuất sắc. Ông là người có công lớn trong việc xuất bản Nhật ký trong tù và hai tập Thơ Ðường ở Việt Nam. Những tác phẩm này có độ chuẩn cao về nhiều phương diện, được coi là loại sách gốc. Giáo sư Mai Quốc Liên, một học trò Hán học của Nam Trân cảm tưởng về các tác phẩm dịch của thầy mình như sau “Ðó là một sự nhập thần tinh diệu, một đỉnh cao và một kiểu mẫu của việc dịch thơ” (Báo Văn nghệ, số 41 năm 1997).

Nam Trân là một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu ở Viện Văn học nói riêng và cả nước nói chung bằng nhiều hoạt động, trong đó có việc trực tiếp giảng dạy; giới thiệu tinh hoa văn học nước ngoài như Homer, Dante, Goethe, Lỗ Tấn, văn học cổ Trung Hoa...

Vì sao ông có một vốn kiến thức phong phú và một tài năng như vậy?

Học giả Nam Trân, tên thật là Nguyễn Học Sĩ, sinh năm 1907 ở làng Phú Thứ Thượng, huyện Ðại Lộc (Quảng Nam); cả hai bên nội ngoại đều là gia đình Khoa bảng, có nhiều danh sĩ nổi tiếng. Ông theo học chữ Hán từ nhỏ, năm 12 tuổi đã thạo lối văn chương trường ốc, cử tử. Lớn lên, ông theo Tây học, học Quốc học Huế, có bằng tú tài bản xứ và tiếp tục tốt nghiệp Trường Bảo hộ Hà Nội. Lý tưởng và con đường của nhà nho ngày trước là “Tiến vi quan, đạt vi sư”. Nam Trân từng làm quan dưới triều Nguyễn trước cách mạng, cao nhất đến Án sát Bình Ðịnh, Thị lang Bộ lại, hàm Chánh tam phẩm.

Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Ông hào hứng, tích cực nhập vào con đường lớn của nhân dân, tham gia Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Ðại Lộc, rồi Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Nam, Chánh văn phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu V và nhiều chức vụ khác cho đến khi về công tác ở Viện Văn học, phụ trách công tác tư liệu, phụ trách Ban cổ cận; Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Ông mất năm 1967, thọ 60 tuổi đang độ chín nhất của một nhà nghiên cứu, để dở dang nhiều công trình khảo cứu, dịch thuật đồ sộ.

Vào thời ấy, học vấn như Nam Trân Nguyễn Học Sĩ là gồm đủ và ở đỉnh cao. Tuy nhiên, ông không ngừng tự học và làm việc miệt mài vì mục đích lâu dài, đó là phát triển sự nghiệp văn học, văn hoá nước nhà.

Nam Trân không để lại nhiều tác phẩm, như một số người khác. Ðánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của ông, ngay khi ông mất, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Một người như anh khi ra đi, đáng lẽ có thể để lại sau lưng mình nhiều quyển sách. Nhưng anh là người yêu công tác, công việc, bất cứ việc gì có ích cho anh em - hơn là yêu cái tên mình để lại trên gáy những quyển sách dày hay mỏng... Nhưng hãy yên lòng! Chỉ một việc anh dịch xong tập thơ Bác, anh đã coi là có thể làm xong nhiệm vụ của mình... Một nhà thơ bạn đã bảo tôi: Thi sĩ Nam Trân giúp tôi hiểu thơ Hồ Chí Minh hơn, đồng thời hiểu văn học cổ Việt Nam và phương Ðông hơn. Chẳng có lời khen nào xứng đáng bằng”.

Tên tuổi Nam Trân đã theo thơ Bác, thơ Ðường mà đến với các bạn đọc trẻ. Ông cứ thế mà trường tồn. Trên báo Văn học số 94, ra ngày 13-5-1960, Nam Trân đã viết về Nhật ký trong tù: “Ngục trung nhật ký là một tác phẩm rất lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thơ rất lớn”. Ðánh giá đó thật ngắn gọn và tuyệt đối đúng, phải là người có kinh nghiệm văn học, có bản lĩnh nhìn suốt thời gian mới viết được như vậy.

Vẻ đẹp và giá trị lớn lao trong thơ Hồ Chí Minh chưa từng được khai thác hết vì nó là rất lớn và vô hạn, vô hạn như Ðường thi và Truyện Kiều vậy.

Năm nay, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà thơ, nhà văn hoá Nam Trân, chúng ta không chỉ ghi nhận những đóng góp có giá trị của ông mà còn thấm thía trước tinh thần xuất xử, sự lựa chọn và hành vi ứng xử đáng trân trọng, học tập của ông, một trí thức yêu nước.

Dưới chế độ cũ, ông dồn hết tâm nguyện và sức học hành để làm một ông quan tốt, mang chí kinh bang tế thế, mong làm điều có ích cho nhiều người hơn là “độc thiện kỳ thân” của kiểu nhà nho yếm thế. Lòng yêu nước và thức thời sớm đưa ông đến với cách mạng và ở đây, ông không từ nan bất cứ một công việc nào, kể cả tăng gia sản xuất trồng rau, đem sức đại bút để làm vè ví như Gò Côi từ độ khẩn hoang/ Sắn mì cùng với khoai lang tốt mù..., miễn là việc nhỏ ấy có ích cho một sự nghiệp lớn. Ông bằng lòng, thanh thản cởi hết trọng trách, phẩm hàm, chức tước - mà cũng khá lớn - của chính quyền vì đã nhiều người có thể làm được để trở về hoạt động trong lĩnh vực văn hoá của buổi nhân tài còn hiếm, không mấy ai đương.

Rồi trong đời sống hằng ngày, nhiều khi ông dẹp lại những công trình riêng, những cuốn sách do ông chủ biên để “dạy người không mỏi” đám học trò sẽ là tương lai của nền học thuật nước nhà.

Vào cuối ngũ tuần, khi mắc trọng bệnh, ông đã viết một bức thư rất cảm động cho các học viên lớp đại học Hán Nôm: “Và mỗi lần nghĩ đến việc học của các đồng chí, tôi cảm thấy buồn là chưa giúp gì được cho các đồng chí lúc này. Buồn thật các đồng chí ạ. Ðó là một điều khi nghĩ đến là tôi thở dài:
Ðào lý phương viên thắng huỷ đa
Tiểu tâm bồi ủng nhị niên qua
Như kim vô lực truyền xuân sắc
Trường hướng thu phong thán nhất ta!
Tôi xin được tạm dịch là:
Vun đắp lâu rày, dạ chứa chan
Vườn thơm đào lý, nhựa đang tràn
Buồn nay vô lực truyền xuân sắc
Trước gió thu dài, một tiếng than!
Các học trò của ông, những cành đào lý ngày ấy giờ đã thành cổ thụ, những giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành. Tiếp bước ông, họ đã và đang truyền thụ kiến thức, tình yêu văn học cho các thế hệ trẻ. Xin ông hãy an vui cùng Lý - Ðỗ chốn vườn thơ bất tuyệt!

Nguyễn Sĩ Đại
Bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh, 40 năm ngày mất Nhà văn hoá, nhà thơ, dịch giả Nam Trân