Tháng 10 năm 2015, tôi được mời đến tham dự ngày hội thơ Ko Un ở trường đại học Gun-san, thành phố Gun-san, quê hương nhà thơ Ko Un. Lễ hội có nhiều chương trình phong phú, kéo dài suốt 3 ngày. Trong đêm khai mạc lễ hội, tôi được vinh dự tham gia và được ngồi cạnh Ngài Nghi sĩ Quốc hội Hàn Quốc Do Jong-hwan và Ngài Thị trưởng thành phố Gun-san.

Sau màn chào hỏi, giới thiệu riêng và chung, tôi và ông Do Jong-hwan trao đổi thân mật về những hoạt động của nhau. Ông kể rất nhiều về những địa điểm, con người mà ông đã từng gặp, từng làm việc ở Việt Nam. Ông rất yêu và thân thiết với đất nước và con người Việt Nam. Khi trao đổi danh thiếp cho nhau, tôi ngạc nhiên thấy tên ông viết bằng tiếng Việt, “Nghị sĩ Quốc hội, ĐÔ CHÔNG HOAN…” Tôi có ấn tượng với ông từ đó.

Sau khi tôi về nước được khoảng 2 tháng, tôi nhận được hai tập thơ của ông bằng bưu điện. Trong đó có tập thơ Hoa lay động và nở. Câu thơ này đã gây ấn tượng cho tôi trước đó, khi tôi vô tình đọc được trong một nhà ăn Hàn Quốc ở Việt Nam. Nhưng tôi không ngờ câu thơ đó lại là của Do Jong-hwan, vì khi đọc câu thơ đó trên bàn ăn(được in trên tờ giấy sang trọng để trước mặt mỗi chỗ ngồi của thực khách), tôi chưa biết Do Jong-hwan là ai.

Mùa hè năm 2019, có dịp sang Hàn Quốc, được sự giới thiệu của nhà báo Jang Gun-seop, tôi được ông Do Jong-hwan hẹn gặp tại văn phòng ở nhà Quốc hội Hàn Quốc. Nhưng không may, ông có việc đột xuất phải đi địa phương, nên bà thư kí Hong Su-jin đã tiếp tôi và thay mặt ông tặng tôi tập thơ để nếu có điều kiện thì dịch ra tiếng Việt. Sau đó, khi tôi liên lạc trực tiếp để xin phép nhà thơ dịch tập thơ đó ra tiếng Việt, thì ông bảo sẽ gửi tập thơ khác mà ông nói là ông thích hơn và phù hợp hơn nếu ra tiếng Việt. Đó là tập thơ tôi đã dịch và giới thiệu với bạn đọc hôm nay - Ba đến năm giờ chiều.

Nhà thơ Do Jong-hwan sinh năm 1954, tại tỉnh Chung-cheong Bắc, huyện Cheong- won, vùng Gang-nae. Là tiến sĩ văn học tại trường đại học Chung-nam (2006). Hiện nay ông là Nghị sĩ Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Văn hoá xã hội, nguyên là Bộ trưởng bộ Văn hoá thể thao du lịch Hàn Quốc (6-2017 đến 4-2019) Ông là một trong những nhà thơ hiện đại của Hàn Quốc hiện nay, đã từng là Tổng thư kí thường trực Hội Nhà văn Hàn Quốc (2008), Phó chủ tịch Liên hiệp Hội những nhà Nghệ thuật dân tộc Hàn Quốc (2008). Nhà thơ Do Jong Hwan xuất bản tập thơ đầu tiên vào năm 1985 với đầu đề Ở làng Go-du-mi. Đến nay ông đã xuất bản 10 tập thơ. Ông là nhà thơ hiện đại, kiêm nhà hoạt động chính trị mà ở Hàn Quốc rất hiếm có. Các tác phẩm chủ yếu là: Ở làng Go-du-mi; Em, Hoa thục quỳ; Dù bây giờ không còn bên cạnh em; Em là ai; Hoa lay động và nở; Đường thẳng mềm mại; Gốc rễ nỗi buồn; Con đường đi đến Hae-in; Ba đến năm giờ chiều; Biển tháng tư. Ông đã nhận nhiều giải thưởng văn học, như giải Baek-seok; giải thưởng văn học Shin Dong-yeob; giải thưởng văn học Jeong Ji-yong; giải thưởng Yun Dong-ju; giải thưởng văn học Gong-cho; giải thưởng văn học Shin Seok-jeong, v.v…

Tập thơ Ba đến năm giờ chiều là tập thơ thứ 8 của nhà thơ Do Jong-hwan, do Nhà xuất bản Chang-bi xuất bàn năm 2018. Là một nhà hoạt động chính trị, vừa là nhà thơ, nên thơ ông được viết dựa trên cuộc đời thực thông qua thực tiễn cuộc sống vất vả từ thời trẻ cho đến các hoạt động sau này. Nếu thời gian của cuộc đời mỗi con người được chia ra 24 giờ trong một ngày, thì Ba đến năm giờ chiều, là khoảng thời gian đã về chiều, sắp đến hoàng hôn. Từ khoảng thời gian này ông nhìn lại cuộc đời đã qua và nghĩ về những gì mình còn phải đi tiếp trong thời gian còn lại. Đó là ký ức tuổi thơ, từ ngày đầu tiên ông chào đời mở mắt ra là thấy mẹ và cánh đồng hoa:
Khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy thế gian
Ở đó có mẹ tôi và cánh đồng hoa
Suốt cuộc đời nhà thơ luôn có vườn hoa đi theo, cho đến bây giờ, khi đã nghiêng bóng xế chiều thì hương hoa vẫn làm bạn và đưa ông đến nơi ông muốn đến, nơi ông tìm:
Nhờ đi theo hương của hoa màu hồng mà tôi gặp dòng sông
Và nghĩ đến sự ung dung trong cuộc sống
Cho đến bây giờ trong ống tay áo tôi vần còn đọng mùi hương thuần khiết.
(Vườn hoa)
Cuộc đời ông cũng đã trải qua nhiều bất hạnh, cuộc sống rất vất vả, thiếu thốn, có lúc nghèo khổ, đau răng mà vẫn phải chịu đựng, không có tiền chạy chữa. (Nhổ răng)
Vợ ông là người ông yêu thương nhất, bà mất sớm, đã để lại cho ông một khoảng trống không thể bù đắp:
Giờ thì em đã không còn, còn lại một mình anh. Mùa thu của những ngày chịu đựng nhuc nhã hàng năm tìm về quất vào anh. Những lúc như vậy anh muốn chết ngay trước khi tuyêt đầu mùa rơi xuống. Anh đã nói rằng anh thích ánh hoàng hôn, em đã nói em thích ngọn lửa than củi hồng, anh đã nói rằng anh thích thổi sáo bằng tiếng khóc của anh, em lại nói rằng em muốn đưa bàn tay lạnh cóng vào da thịt ấm áp. Hôm nay như thường lệ, đêm lại tìm đến, hôm nay gió lại thổi như số mệnh, mà sao ở đâu, ở đâu đâu cũng không, có em.
(Mùa đông năm hơn hai mươi tuổi)
Trong tập thơ này nhà thơ Do Jong-hwan muốn đưa độc giả đi sâu vào cuộc sống của mình, một người Hàn Quốc trải qua tất cả mọi cung bậc, sinh ra, lớn lên học hành, đi tù vì đấu tranh cho nền dân chủ, hoạt động chính trị, lên đến chức Bộ trưởng, nhưng hơn tất cả đó là đời sống của một công dân có trách nhiệm với đất nước mình, mà đến nay ông vẫn là Nghị sĩ Quốc hội của Đại Hàn dân Quốc. Có thể tóm tắt điểm đặc trưng nhất của tập thơ qua lời tâm sự của tác giả như sau: “Bây giờ với tuổi của tôi đang là mấy giờ so với thời gian của một ngày nhỉ!. Phải chăng là khoảng quá ba đến năm giờ chiều. Tôi nghĩ rằng bây giờ chỉ còn lại một ít thời gian đang tối dần mà thôi. Cuộc đời tôi trước mười hai giờ đã là khốc liêt, nhưng sau đó là mệt mỏi bệnh tật luôn là thời gian tĩnh lặng, đơn chiếc. Không lâu nữa bóng đêm sẽ tìm đến. Nhưng tôi quyết không đánh mất nghĩa khí, vì vẫn còn mấy giờ trước mắt. Tôi cảm ơn đời còn được nhận thêm một ít giờ đồng hồ nữa. Trước khi tối, biết đâu thời gian mà ráng chiều rực rỡ mê ly sẽ tràn ngập bầu trời sẽ tìm đến.” (Lời tác giả)

Tập thơ Ba giờ đến năm giờ chiều còn chứa đựng nhiều nội dung về cuộc sống hiện đại của xã hội Hàn Quốc trong thời kì phát triển, như ảnh hưởng thành thị hoá đến đời sống của người mất đất, mất nhà, thất bãi của dự án “Làm sống lại 4 dòng song” do tổng thống Lee Myung-park phát động, tác động phá huỷ môi trường khi phát triển công nghiệp, xây dựng nhà máy điện nguyên tử, v.v… Thơ ông luôn đứng trên lập trường của người dân để nhìn nhận mọi khía cạnh của cuộc sống. Đặc biệt trong tập thơ có bài Sông Ba nói về sông Ba ở Tuy Hoà của Việt Nam. Bài thơ không đơn thuần miêu tả dòng sông, mà ẩn ý trong đó, muốn nói lên rằng:
Một thời hoà bình ít ỏi nhận được qua hàng chục năm chiến tranh
người và vật cùng nhau vui, tận hưởng
Nhưng giải phóng không có nghĩa là đã hoàn thành tất cả
Thắng lợi chỉ là bắt đầu của gian khổ lớn khác mà thôi
Đó là điều đến nước sông cũng biết
Cuộc chiến tranh nào thì điều giá trị cũng chỉ là tiến trình…

Nông trường chăn nuôi nằm trong tay những kẻ có tiền nắm giữ
Người ta nói rằng cái đáng giá là thời trên tiền tuyến
là những ngày đổ máu đánh nhau
Còn bây giờ nước sông trở thành bạn bè cùng nghe chung tiếng nói.
Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Điều này đang là mơ ước của cả dân tộc Hàn Quốc. Nhưng “Giải phóng không có nghĩa là đã hoàn thành tất cả/ Thắng lợi chỉ là bắt đầu của gian khổ lớn khác mà thôi”. Chúng ta đã và đang làm tất cả để gìn giữ và biến thắng lợi mà ta thu được trong thời gian qua thành hạnh phúc, ấm no cho dân tộc Việt Nam, không lãng phí sự hi sinh cùa người đã ngã xuống để có được ngày hôm nay. Tập thơ không dài chỉ có hơn 60 bài, nhưng nhiều quan điểm của tác giả trải nghiệm trong suốt cuộc đời, từ 0 giờ sáng cho đến năm giờ chiều, đã được miêu tả bằng những lời thơ nhiều cung bậc khác nhau. Xin bạn đọc tìm hiểu sâu hơn và góp ý cho những khiếm khuyết khi ra mắt một tập thơ rất đa nghĩa, tất cả các bài thơ đều không có dấu chấm phẩy và nhiều bài thơ văn xuôi này!

Để xuất bản được tập thơ dịch này ở Việt Nam, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc (KLTI), Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam và các bạn bè, đồng nghiệp đã tận tình giúp đỡ cả vật chất và tinh thần trong quá trình dịch, hiệu đính, hoàn chỉnh.

Xin chân thành cảm ơn.

Lê Đăng Hoan
Tháng 8, mùa Thu - Cô Vít – Giãn cách. 2021.