Chiếu kiến

Gần đây, người yêu thơ trên FB được thưởng thức thường xuyên những bài thơ mới của nhà thơ Lâm Huy Nhuận, những bài thơ mang nặng cảm xúc và suy ngẫm về bản thể con người thông qua dục vọng, tình yêu trong cuộc đời trong trời đất.

Có thể nhận thấy thơ Lâm Huy Nhuận có hai giai đoạn. Giai đoạn đầu được tổng kết vào năm 1999 bằng việc ra tập thơ Chiều có thật (62 bài) giai đoạn nhà thơ gần 50 tuổi. Tập thơ tưởng như đỉnh của sự nghiệp của ông với nhiều bài có chất lượng. Những người có chuyên môn rất ngưỡng mộ dẫu rằng thơ ông không dễ hiểu, không dễ phổ biến.

Bẵng đi thời gian rất lâu, 20 năm ông không công bố bài thơ nào. Ông chỉ tập trung vào công tác, vào nghiên cứu… Bất ngờ giai đoạn từ 2020 đến nay, người yêu thơ lại được thưởng thức thơ ông. Và bây giờ 2022 nhà thơ ra mắt tập thơ mới Mùi mưa, Sông mắt ướt (132 bài) giai đoạn nhà thơ 70 tuổi.

Lâm Huy Nhuận sinh năm 1952, con trai nhà thơ Yến Lan, quê ở Bình Định, gốc người Hoa Minh hương. Năm 1955 gia đình tập kết ra Bắc, ở 37 Hàng Quạt Hà Nội. Năm 1971 nhập ngũ chiến đấu ở mặt trận Đông Nam bộ. Sau khi xuất ngũ học Hán Nôm ở Đại học Tổng hợp Hà Nội (1977-1981). Khi ra trường làm biên tập viên ban văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2012 nghỉ hưu, mưu sinh bằng nghề y, nghề dự trắc tứ trụ, xem phong thuỷ, và đam mê sưu tầm đồ cổ.

Đọc thơ Lâm Huy Nhuận không thể bỏ qua tìm hiểu về hồn thơ tập Chiều có thật (1999).

Tập thơ Chiều có thật

Tập thơ có 62 bài tập hợp những bài thơ từ khi nhập ngũ đến năm 1998, có mảng thơ làm trong chiến trường khi nhà thơ là chiến sĩ (8 bài), được giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - giải nhì năm 1974. Đặc biệt có bài thơ được viết năm 1985 sau khi ông giải ngũ “Một điều giản dị về đất nước” như một tượng trưng về mạch ngầm văn hoá, là sức mạnh để dân tộc tồn tại qua bao thăng trầm của lịch sử.

Chiếm lượng lớn tập thơ là những bài mang nặng tâm trạng băn khoăn, chất vấn cái “TÔI” hữu hạn trong dòng đời, khát khao lắng nghe cái vô hạn, cảm nhận cái hợp nhất với không gian thời gian…

Mở đầu tập thơ là bài:
Tựa

Ngửa tay
Ngửa tay
Ai cho

Ai vay

Ngày sấp với chợ đời
Đêm nằm lưng lạnh ngắt

Rờ mãi không thấy mặt
Của mình
Nơi đâu?
Tựa – Nương vào, dựa vào quan điểm chủ đạo này để xuyên suốt hồn thơ, phương pháp sáng tác thơ. Bài thơ được sáng tác năm 1993 khi ông 40 tuổi, cuộc đời đã trải, hôn nhân vừa đổ vỡ. Nhà thơ đối thoại với chính mình để hiểu: MÌNH LÀ? Năm dòng khổ thơ đầu chỉ có 9 chữ, lấy hình ảnh bàn tay như chủ thể để đong đếm cái gì đến với mình, cái gì đi khỏi mình? Khổ sau hai dòng dùng hình ảnh đối lập vận động: ngày - đêm, sấp - ngửa, mình (lưng) - chợ đời, làm phương tiện để nhận biết “mình?” Ba dòng kết, dòng đầu là hành động kiểm tra nghi vấn: “mình?”. Hai dòng sau trả lời nghi vấn, câu thơ trượt xuống “nơi đâu?”. Chủ thể “mình?” rơi vào hoang mang…

Nội dung và hình thức của bài thơ gắn bó chặt chẽ. Người đọc đọc xong, ngẫm về hình ảnh, âm vận câu thơ nhận ra đây cũng là nhu cầu của con người khi từng trải: không muốn nghi hoặc về mình nữa, muốn biết mình là gì trong cõi đời nay, trời đất này? - “Tứ thập nhi bất hoặc”.

Kết thúc tập thơ là bài:
Kệ 1

Hãy xua đi tủi hổ
Khỏi trời sâu thăm thẳm kiếp người

Tôi nằm trong đốt mưa rơi
Mà nghe trăng nói ma cười xốn xang
Tôi nằm ngoài những hỗn mang
Mà nghe lưng ráo sắc vàng cuối thu
Tôi nằm giữa thực và mơ
Mà nghe tay buốt hai bờ thương đau

Có bông hoa nhỏ dưới cầu
Nở ra trắng muốt không màu thời gian.
Kệ - Đương nhiên thế, đừng bận tâm! - Là thể thơ ngắn, xúc tích của các bậc tu chứng nói về sự phát hiện ra cái lẽ nghìn năm nó thế (chân lý) ở đời sống thường hằng.

Kết thúc bài Tựa là trạng thái nhà thơ hoang mang không xác định được “mình?”. Bài Kệ như trả lời cái hoang mang của bài Tựa. Khổ 1: Hai câu đầu gạt đi cách tiếp cận cũ, không muốn biết “mình?” trong hệ quy chiếu: ngày đêm, sấp ngửa, “mình” - “chợ đời”, cõi “trời sâu thăm thẳm kiếp người”. Khổ 2: Sáu câu sau đưa ra cách tiếp cận mới, hệ quy chiếu mới:
Tôi nằm trong đốt mưa rơi
Mà nghe trăng nói ma cười xốn xang
Vâng! Không là trời cao, nơi ở của thần linh, của những lý thuyết cao siêu thoát tục, của cõi vô hạn, không chướng ngại… Không là đất dày, nơi con người tồn tại với đầy chướng ngại, đầy giới hạn trói buộc… Cả hai trạng thái này đều không hình thành “đốt mưa”. “Đốt mưa rơi” là khoảnh khắc giữa hai giọt mưa ở giữa trời giữa đất. Là khoảnh khắc một lần ra đi không trở lại, là kiếp người như thế, cái vạn năm trong chớp mắt như thế!... “Nằm trong đốt mưa rơi” là để nghe “trăng nói ma cười”… Để cảm và thấy cái thiện cái ác, cái đúng cái sai, cái trắng đen, cái âm dương sáng tối, cái thiên đường địa ngục… làm nên thế giới này. Bốn câu tiếp theo cụ thể hoá 2 câu 3-4. Cái chủ thể TÔI nằm trong đốt mưa rơi…nằm ngoài những hỗn mang… nằm giữa thực và mơ, để nghe trăng nói ma cười… để nghe lưng ráo sắc vàng cuối thu.. để nghe tay buốt hai bờ thương đau. Ba trạng thái “nằm”, ba trạng thái “nghe”, ba điểm nhìn thoát tục và ba cung bậc cảm xúc thấy biết của con người thực. Hai câu kết: nhận ra bông hoa, cái biểu hiện của sự sống nghìn năm nó thế! Cả bài thơ thật hàm xúc!

Tập thơ với bài Tựa mở đầu và bài Kệ kết thúc đã toát lên cách nhìn và cảm xúc xuyên suốt phương pháp sáng tác của nhà thơ, điều này tạo ra phong cách riêng trong thơ Lâm Huy Nhuận: Đó là:
- Lắng nghe về “mình?” là nghe cái khao khát, cái dục vọng, tình yêu, cái thăng trầm buồn vui tan hợp của chủ thể tương tác với khách thể chợ đời, ngày đêm…
- Lựa chọn “trời sâu thăm thẳm kiếp người” hay “trong đốt mưa rơi” làm quan điểm (hệ quy chiếu) để thấy cái “mình” trong tương tác với hai mặt phải trái của sự vật hiện tượng, vận động vừa thống nhất vừa mâu thuẫn trong không gian thời gian trời đất.
Hai đặc điểm này là nhất thể, đều từ một nguồn chảy là tâm hồn nhà thơ, nó ẩn đằng sau và chi phối những bài thơ của ông!

Bản chất “Lắng nghe” là trạng thái giác quan (thính giác) của chủ thể nối kết với khách thể (âm thanh) khi tập trung, khi chú ý. Chủ thể (cái TA, cái MÌNH) - vẫn được nhận biết là TÂM, TÂM HỒN là nguyên nhân của cảm xúc, nhận thức và tạo tác- có 5 giác quan làm phương tiện: mắt tai mũi lưỡi thân, bất cứ một giác quan nào trong 5 giác quan cảm nhận được khách thể cũng hội lại chủ thể để nhận biết phân biệt lựa chọn. Khách thể là thế giới vật chất, thế giới ý niệm, có khi là thế giới nội tâm của ta, khi chủ thể tương tác với khách thể sẽ sinh ra cảm xúc, nhận thức, “ta nghe bằng mắt ngẫm bằng tai...” góc hạ - LHN. Vì vậy LẮNG NGHE đồng nhất với kết nối và cảm nhận, đồng nhất với tập trung, chú ý, lắng lòng- là phương tiện để chủ thể suy ngẫm, nhận thức rồi phát sinh ra tạo tác (thái độ, ứng xử).

Ta xem nhà thơ lắng nghe về mình trong bối cảnh giao thừa trời đất đầy sức sống mới. Cái chủ thể và khách thể là hai, trái ngược nhau:
Tự mình xông đất cho mình
Căn phòng vắng ngắt lặng thinh suốt mùa
Tự đốt pháo, tự giao thừa
Bắt tay chúc tết như vừa thấy nhau
Giật mình hai mắt trũng sâu
Người trong gương ấy còn đau hơn mình
(Tự xông đất 1989 - trong tập Chiều có thật)
Chủ thể đối thoại với thời gian kiếp người: âm thầm, trói buộc, bất như ý:
…Đời người lạt mỏng buộc khuya
Lá khô rụng tiếng gậy khua cuối ngày.
(Thắp hương 1992)
Là người nội hướng, nhà thơ lắng lòng để nhận ra:
Thì ra chiều có thật…
(Chiều có thật 1980)
…Những mong trong suốt một trời
Rợn nghe trong gió lẫn lời của chim…
(Thanh khiết 1992)
…Tôi nghe trong suối tiếng thầm rơi
Xin đừng đánh động, tâm còn lặng
Bạn đến cùng tôi chia bóng tôi.
(Quán núi 1994)
Chủ thể suy ngẫm tình yêu:
…Gặp nhau giây phút đầu
Đợi yêu ngàn năm lẻ
Đừng nói tình dài lâu
Kẻo đến ngày vò xé…
(Ngày thu 1992)
…Cái tuổi biết yêu thu đầy mộng tưởng
Mà ngày ôi đã ngắn lại rồi…
(Mùa thu 1978)
Nhà thơ “nằm trong đốt mưa rơi” nên thấy có hợp thì có tan, có đến thì có đi, có tình yêu thì có chia ly cạn tình, nhận ra cái hữu hạn trói buộc ở “trời sâu thăm thẳm kiếp người”. Thậm chí trong bài thơ Không đề 3 sự sống cái chết luôn nối tiếp nhau, nhưng con người vẫn cần yêu sống, vẫn yêu cái đẹp làm động cơ sống dẫu biết có sống thì có chết…
Chiều vừa xốp trên tay
Chợt nghe thoáng ong bay
Có ai vừa chết nhỉ
Mây thắt tang trăng gầy

Ớt đỏ sao cứ đỏ
Táo chín cho thật vàng
Em đẹp cho thêm đẹp
Để mắt ngừng lang thang.
(Không đề 3)
Được biết “LẮNG NGHE” là phép tu dưỡng của các tín đồ tôn giáo, của các nhà tư tưởng, của nghệ sĩ chân chính. Razathutra - giáo chủ bái hoả giáo: Đã lâu rồi tôi không muốn hỏi các vì sao và sách vở nữa, tôi chỉ muốn lắng nghe tiếng thầm thĩ trong lòng của tôi mà thôi, tại sao điều đơn giản có thế mà rất đỗi khó khăn? “LẮNG NGHE” để thấy: thiên địa nhân hợp nhất (trời đất người hợp nhất), thấy: vạn vật giai ư bị ngã (vạn vật đều đủ trong ta) - Lý học, Lão Trang. Rabindranath Tagor: Khi chúng ta nhìn nhận quy luật bên trong chúng ta, chúng ta đạt đến chân ngã và chúng ta có được tự do… Nhà thơ sống ở nơi “thăm thẳm kiếp người” nhưng muốn hiểu lẽ của người lẽ của trời ở hệ quy chiếu “đốt mưa rơi”.

Đây cũng là cách nhìn của người xưa:
Dục cùng thiên lý mục
Cánh thướng nhất tầng lâu
(Muốn nhìn xa hơn ngàn dặm
Cần lên thêm một tầng lầu)
(Thơ Đường)
Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu
Vạn lý phong vân cử mục tần
(Một lồng trời đất tàng trong thân ta
Vạn dặm gió mây mở mắt nhìn)
(Câu đối cổ)
Bởi vậy có thể hiểu bài thơ:
Tôi cùng với gió là hai
Đi dọc theo triền đê vắng
Để nghe con đò thở
Hí hóp bên sông

Quần bò và áo phông
Tôi vứt ngoài bãi
Tôi cởi truồng đây này
Hãy quây màn trên lưng tôi mà tắm

Tôi đợi
Tôi chờ
Bên con đò
Đang thở
Hí hóp

Tôi trần truồng đây này
Hãy quây màn trên thân tôi mà tắm.
(Gió và tôi)
Bài thơ gợi đến câu chuyện Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung. Nhà thơ lắng nghe chữ nghĩa và nhận ra: Chử (bến nước), Đồng tử (cậu con trai biểu tượng của sức sống chất phác, hồn nhiên), Tiên Dung (vào cõi tiên) - Đây là biểu tượng của Đạo Lão: Thiên Địa Nhân hợp nhất, hồn nhiên chất phác, bỏ đi hết những gì không bản thể, ngoại nhập - (kiến tố bão phác) để được hoà đồng (cõi tiên).

Con người là một dạng thiên lệch, hoặc âm hoặc dương. Vì không giống nhau, khác giới nhau nên sức sống vận động tương tác cần có nhau để tìm hợp nhất, tìm sự cân bằng và phát triển. Nên tìm yêu khao khát yêu, yêu được được yêu thì được yên, được tiên, không được yêu thì thiếu, yếu, yểu…

Có thể nói: suy ngẫm, lắng nghe lòng mình qua tương tác với khách thể nơi “trời sâu thăm thẳm kiếp người” hay “trong đốt mưa rơi” là phong cách thơ Lâm Huy Nhuận. Nội dung này được nhà thơ thể hiện bằng thể thơ ngắn gọn xúc tích trong tập Chiều có thật với hình ảnh, âm vận từ cuộc sống chân thực gần gũi với tâm hồn người đọc, nhưng cũng rất tượng trưng khái quát, có sức lan toả, gợi ra những liên tưởng mở rộng, kết quả là đi vào ngân nga trong lòng người, khi hội đủ lại mở ra nhận thức mới, cảm xúc mới- thơ tượng trưng.

Tập thơ Mùi mưa, Sông mắt ướt

Trong tập thơ mới: Mùi mưa, Sông mắt ướt ra năm 2022 này, hồn thơ Lâm Huy Nhuận vẫn từ nguồn chảy tập thơ Chiều có thật. Trong lặng lẽ, nhà thơ vẫn thèm trò chuyện với cõi riêng của mình:
Né nhau vài cơn bão
Đỡ hả men rượu xưa…

…Rượu khuây còn mấy chén
Tự mình chuốc cho mình.
Đốt hương mời người đến
Thơm mãi mùi lặng thinh!
(Rượu khuây)
…Bạn đến cùng tôi trải nỗi lòng
Không cười không nói nhói âm âm
Ly rượu mắt rỗng nhìn ai đó
Ớn lạnh quanh mình những lặng câm
(Khoảng lặng)
Nhà thơ đặt mình trong cái hữu hạn, cái vô hạn:
Gọi núi về đây say với ta
Mặc xuân lọm khọm mấy nhành hoa
Nhân gian chín cõi còn ai ngự
Thế giới mười phương đâu hướng nhà
(Gọi núi)
Biết tựa vào đâu một dãy ngày
Bên thềm hoa nắng gờn gợn bay
Vào ra ai mất ai còn lại
Nhíu mắt qua mùa một hớp say…
(Khoảng lặng)
Tôi thức dậy
Bật đèn
Xem gió
Xem trăng
Xem cả tiếng còi tàu
Xiết gió
Ê răng
Xem cuộc chia ly
Bên dấu chân người đi
Có vệt lòng trở lại
Sao đuôi mắt em trôi mãi
Không một lần quyệt lại
Trong tôi…
(Đang trôi)
Ở tuổi 70, cái tuổi với đức Khổng Tử là “tâm tòng sở dục bất dũ củ”- tâm theo sở thích vẫn không ra ngoài nguyên tắc. Với ông đã thuần thục về tư duy cảm xúc và kỹ năng thể hiện nên tập thơ mới có nhiều bài nhà thơ để tâm hồn tuôn chảy trong tương tác giữa chủ thể khách thể, tuôn chảy những suy ngẫm cảm xúc về lẽ người lẽ trời “trong đốt mưa rơi”.
Dưới những mái nhà chìm
Một dòng phố tuôn chảy
Nơi con sông gẫy
Ngã ba
Đèn đỏ
Tôi ngậm cỏ lạy trời…
Tôi cúi đầu nhìn đất…
…Mãi chờ xin bảo hiểm
Bên vài em tiếp thị
Vú vê mình.
(Phác hoạ góc ngoại ô)
Lá bàng ngầu lửa cuối đông
Đến khi ấm áp có không đến mình
... Chiều chiều ơi hỡi trời chiều
Có nghe lá rụng đang thiêu chín mình
(Lá bàng cuối đông)
Người đến người đi trơ sỏi đá
Một sinh một tử nhờn cõi ma...
(Cây chợt lá)
Chiếm phần lớn tập thơ là những sáng tác theo lối này, có thể kể đến những bài như Nắng ai về, Qua xóm núi, Lạnh nhớ, Tuổi rượu em đi, Hang mộng, Đường mây, Tìm cười… Khi ông đắm vào hồn thơ - suy tưởng, cảm xúc rủ nhau kéo về và hình ảnh âm vận tuôn chảy không theo trật tự lớp lang truyền thống, nhưng mỗi câu thơ đều có sức lay động, cả bài thơ có thể không gắn kết rõ ràng nhưng có tính liên kết ngầm, người đọc khi hội lại cả bài nhận ra hồn thơ sâu sắc, rộng mở nhưng dường như khó nắm bắt (xu hướng trừu tượng). Lúc này tâm hồn nhà thơ hợp nhất với khách thể, suy tưởng liên miên.
Ai đã theo người sương gió ơi
Tím ngắt môi trời tím ngắt rơi
Lá tứa sâu bò gai đất ẩm
Sao còn nổi sứa ngứa mây trôi

Rũ đi tất cả nào đâu tiếc
Cớ sao tìm mãi nụ ai cười
Đầm gió bãi mưa đưa tóc bạc
Lời thương ngứ đọng mỏng môi đời

Trước mắt ta kìa ba nhúm bụi
Đựng bia chi lắm buộc gió lời
Lớp lớp người xưa còn nép đợi
Thân bụi sủi lên những… hàm cười.
(Tìm cười)
Nhà thơ là con người thực, ở nơi “trời sâu thăm thẳm kiếp người” lắng nghe những buồn vui tan hợp vẫn đang thì thầm trong tâm hồn mà diến giải ra thơ, tuy nhiên nhà thơ vẫn muốn hiểu con người trong trời đất ở hệ quy chiếu “đốt mưa rơi”. Muốn thấy cái bản chất trong hiện tượng, cái vô hạn trong cái hữu hạn của dòng đời, cái ý nghĩa của cuộc đời chật chội bên cái mênh mang của thời gian không gian trời đất. Muốn biết quy luật khách quan tất yếu đang ngày đêm vận hành, xem cái vô thường chướng ngại trói buộc dẫn đến cạn tình bên cái tình yêu khát vọng dẫn đến yêu sống…
Trời có nói gì đâu
Mà bốn mùa luân chuyển
Em có nói gì đâu
Mà đời anh sao xuyến…
(Nói và không nói)
Với cảm xúc và nhận thức này mà nhà thơ kết nối tâm hồn với tình thân thiết của sự vật hiện tượng, cảm nhận được linh hồn sức sống của thế giới vật chất, thế giới ý niệm, thế giới nội tâm - “Để nếm trải hương vị vô tư của niềm vui toàn mãn vốn thuộc về tạo hoá” - R Tagor.
Nhìn xem ngón ngắn ngón dài
Ru trăng chú cuội ngày mai sẽ về
Ru cho con rắn nhớ quê
Đừng thè lè lưỡi trườn về tổ đêm
Tổ đêm ngón cứng ngón mềm
Da mồi ghẻ lạnh khê chiêm thối mùa

Muỗi ru con dấm về chua
Đã quăn cải bắp mái chùa khô rêu
Dế ru theo kiểu dế yêu
Mớ ba mớ bảy sáo diều ru mây
Cái tôm ru ngủ thuyền chài
Nghe ru mơ thấy ai ai cũng Người.
(Nghe ru)
Có thể hiểu được hồn thơ với cách nhìn “dưới trời sâu thăm thẳm kiếp người” hay “trong đốt mưa rơi” của nhà thơ khi biết ông xuất thân trong gia đình thi sĩ, lại là bậc thầy lý học. Sau khi về hưu 2012 ông làm thầy thuốc, thầy dự trắc tứ trụ, thầy phong thuỷ mưu sinh. Tuy nhiên ông không phải thày tu, không phải nhà tư tưởng để sống với lý thuyết khô khan. Ông vẫn là con người thi sĩ mải mê lắng nghe tiếng nói của tạo vật hát lên khúc du dương của vĩnh hằng, để sống và cảm nhận sự hoà điệu trong tâm hồn, nghe nó đi sâu vào giữa lòng thân thiết của sự vật hiện tượng mà thấy cái BẢN THỂ đại ngã trong cái TÔI, MÌNH tiểu ngã.

Vậy nên đọc thơ Lâm Huy Nhuận, xin “lắng nghe” những hình ảnh, âm vận, tiết điệu ngân nga trong lòng, nghe những rung động gợi ra những liên tưởng lan toả về lẽ của người lẽ của trời, để lặng lẽ tham gia vào tứ thơ hồn thơ mới.
…Xin đừng đánh động tâm còn lặng
Bạn đến cùng tôi chia bóng tôi.
(Quán núi - trong tập Chiều có thật)

Nguyễn Đắc Tiến, hoạ sĩ, giới thiệu trên Facebook cá nhân ngày 10/5/2022