Nếu hỏi là hình ảnh nào gắn liền với làng quê Việt Nam đó có thể là cánh đồng lúa bát ngát, có thể là ngôi đình làng cổ xưa, nhưng mà luỹ tre làng lại là điểm in đậm dấu ấn trong lòng nhiều người, đối với nhà thơ Nguyễn Công Dương cũng vậy, từ hình ảnh này ông đã sáng tác nên bài thơ Luỹ tre của mình.

Trong bài thơ Luỹ tre, hình ảnh của luỹ tre xanh bình dị ở nông thôn trong vòng tuần hoàn giữa ngày và đêm. Song dưới con mắt của nhà thơ (mà lúc này đã hoá thân thành một bạn nhỏ) luỹ tre xanh không chỉ đơn thuần là thiên nhiên vô tâm vô tính nữa. Nó đã được nhân cách hoá, đã mang tâm tính của con người biết vui buồn, biết nhớ nhung và có những hành động tinh tế phù hợp trong mỗi hoàn cảnh.

Luỹ tre cũng như người bạn thân của chúng ta, mỗi sáng khi thức dậy đều nghe thấy tiếng của luỹ tre. Hình ảnh tre cong gọng vó là hình ảnh quen thuộc nhưng cũng rất giàu tính hình tượng của tác giả. Đọc đến đây ta sẽ liên tưởng đến công việc của những người kéo vó, kéo lưới, cộng thêm với câu thơ “Kéo mặt trời lên cao” không chỉ nói luỹ tre mà ta còn thấy được ngụ ý của tác giả.

Bức tranh buổi trưa ở nông thôn trước đây phải nói là hết sức êm ả, im lìm. Sau một buổi sáng lao động cật lực cả người cả vật đều đang trong những phút giây nghỉ ngơi, tạm quên đi bao mệt nhọc. Những con trâu có thể nằm dưới luỹ tre để nghỉ ngơi sau một buổi làm việc vất vả. Gió với tre, tre với gió lúc nào chả như đôi bạn thân, lúc nào chả bên nhau.
Mặt trời xuống núi ngủ
Tre nâng vầng trăng lên
Sao, sao treo đầy cành
Suốt đêm dài thắp sáng.
Nếu như ở buổi sáng, tre thể hiện sự dứt khoát, mạnh mẽ “Kéo mặt trời lên cao” thì vào thời khắc của buổi chiều tối, nó lại mang đến cái cảm giác khá êm đềm, nhẹ nhàng “Tre nâng vầng trăng lên”.

Và cứ như thế, nhanh chóng đến đêm, rồi đêm chuyển dần về sáng, luỹ tre vẫn ở đó đợi nắng lên nhưng lúc này đã có thêm một mầm măng mới đang chuẩn bị phát triển lên cao, lại bắt đầu một chu kỳ mới. Sớm thôi, mầm măng kia sẽ trở thành tre cao vút, lại tiếp tục gắn bó với con người Việt Nam.

Nhà thơ đã khắc hoạ được một bức tranh làng quê thật sinh động và phần nào mang đến cho chúng ta những bài học về lao động.