Trần Hữu Thung là tên thật. Ông sinh (1923) và mất (2000) tại quê gốc Diễn Châu, Nghệ An. Tham gia Việt Minh từ 1944. Trong kháng chiến chống Pháp là cán sự văn hoá, cán bộ tuyên truyền. Làm thơ, viết ca dao nhiều từ dạo đó. Trần Hữu Thung có phong cách một nhà thơ dân gian. Thơ đối với ông, những ngày đầu cầm bút, chỉ là phương tiện công tác, ông viết để ca ngợi chiến công, phổ biến chủ trương chính sách, phản ánh đời sống người nông dân kháng chiến. Lời lẽ mộc mạc, tình cảm thật thà, phổ cập. Trần Hữu Thung không quan tâm lắm đến cái mà bây giờ ta gọi là trữ tình riêng tư. Ông không nói chuyện mình. Không vui buồn chuyện riêng. Đúng hơn, lòng ông vui buồn cùng vận nước, tình dân. Năm 1944, ông viết bài thơ dài Việt Nam ly khúc, theo thể song thất lục bát, mang hơi hướng thơ yêu nước của phong trào Đông Du, cổ động lòng yêu nước, thương dân, ý chí cách mạng. Thời kháng chiến chống Pháp, những bài thơ Cò trắng phát thanh, Hai Tộ hò khoan, Nhớ sông Lô... chưa thể coi là thơ, nhưng các văn phẩm ấy lại có sức phổ biến rộng, phù hợp với năng lực tiếp nhận của vùng quê kháng chiến Nghệ An, Thanh Hoá, những năm cuối 40, đầu 50. Đến bài Thăm lúa, viết 1- 1- 1950, mới là bài thơ khai sinh nhà thơ Trần Hữu Thung. Thăm lúa mang giọng thơ năm chữ, đôi chỗ gợi nhớ nhịp điệu hát dặm Nghệ An, nhưng đã đầy đủ cốt cách một thi phẩm mới mẻ của nền thơ cách mạng đang thời trứng nước:
Xoè bàn tay bấm đốt
Tính đã bốn năm ròng
Người ta bảo không trông
Ai cũng nhủ đừng mong
Riêng em thì em nhớ
Tình cảm trong trẻo, đặc biệt chất cảm xúc mới, thật, khoẻ khoắn. Không gian bay của con chim chiền chiện vẽ ra khoảng rộng xa của hồn người kháng chiến, bài thơ tình yêu thôn dã ấy đã thành dấu tích tâm hồn của kháng chiến chín năm. Hiện thực đời sống kết tinh thành tâm trạng nhân vật. Để từ tâm trạng người đọc luận ra đời sống. Đấy là chỗ tinh vi của thơ. Trần Hữu Thung cứ hồn nhiên mà đạt tới bút pháp tinh vi ấy (theo Võ Văn Trực, Trần Hữu Thung cao hứng viết bài thơ này trong buổi dự một đám cưới ở Đô Lương). Bài thơ liền một mạch cảm xúc sáng và trong. Hình ảnh chân thật như vốn có của đời sống nhưng rất nên thơ, nên thơ do cách nhìn của người trong cuộc, cách nhìn ấy do một tấm lòng đang hạnh phúc, nâng niu mọi nét đời...

Mười bốn năm sau, năm 1964, năm mở đầu miền Bắc đánh Mỹ, bài thơ Anh vẫn hành quân như một điệp khúc của Thăm lúa. Cũng thể thơ năm chữ. Cũng đề tài tình yêu xa cách. Cũng cảm xúc riêng chung hài hoà, trong sáng, đầy phẩm chất lý tưởng. Thơ Trần Hữu Thung giàu lý tưởng và mơ ước nhưng không lên gân nặng nề tư biện. Chất lý tưởng ấy rất giống với lòng mơ ước trong các truyện cổ tích: thiện thắng, ác thua, ở hiền gặp lành... Lý tưởng nhưng ấm áp đời thường. Chính cuộc sống, cách sống của tác giả tạo nên chất thơ ấy, chất tâm hồn ấy. Đã từng tham gia công tác ở các cơ quan chỉ đạo văn học nghệ thuật ở trung ương, từng có công tích cách mạng lẫn văn chương (giải thưởng thơ tại Liên hoan thanh niên thế giới ở Buy-ca-rét 1953), nhưng lại xin trở về quê nhà, sống như một nông dân, thanh bần, vất vả. Nghệ thuật thơ có thể chưa cao, nhưng những điều gan ruột bộc bạch thì lại hay cảm động lòng người. Bạn đọc, bạn viết yêu thơ Trần Hữu Thung cũng có lý do ấy.

Từ những năm 80 rồi 90, Trần Hữu Thung có ý hướng tới nhiều hơn những cảm xúc trữ tình cá thể: Thơ những dòng viết dở/ Đời nắng mưa vẫn còn. Cảm xúc có trầm xuống, lời thơ cũng mượt hơn, nhưng bao giờ cũng chất phác chân tình. Em ơi phải thú thực rằng/ Quên nhau khó lắm chi bằng nhớ nhau. Hoặc Đã buồn cái chuyện riêng ta/ Lại thêm lắm chuyện từ xa ập vê ö. Chính cái nỗi lắm chuyện từ xa ập vê ö ấy sẽ tạo cảm xúc cho thơ, tạo sự phong phú cả đề tài, cảm xúc lẫn bút pháp của Trần Hữu Thung. Bài thơ Chợ Tết sau chân núi như một thành công muộn mằn của đời thơ ông. Bài này ông dùng thơ bảy chữ cổ điển. Trần Hữu Thung thường quen dùng lục bát và ngũ ngôn gợi ca dao và hát dặm. Bài này hơi thơ cổ điển tạo những cảm xúc dư ba, lời hết mà tình chưa hết. Đây là nét mới của Trần Hữu Thung:
Tay nắm tay nhau tình chẳng ngỏ
Để sáng sương mù năm ấy trôi.
Bên cạnh thơ, Trần Hữu Thung còn viết văn xuôi, chủ yếu là những ghi chép, giữ lại những năm tháng, những kỷ niệm của quê hương đánh giặc. Đáng trân trọng là những công trình sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian của vùng quê Nghệ Tĩnh: Vè, Dòng sữa quê hương, Sức biểu hiện của dân ca Nghệ Tĩnh... Ông còn soạn cả Từ điển tiếng Nghê û. Những chi tiết ấy càng cho thấy thêm hồn thơ ông dấy lên chính từ quê hương xứ sở. Cảm và nghĩ trong thơ ông bắt nguồn từ cuộc sống vật lộn nhỡn tiền của bà con làng xóm quanh ông. Hơn hai mươi năm cầm bút, là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam (1957) nhưng trước sau ông vẫn rõ là nhà thơ dân gian, với tất cả phẩm chất cao quý của từ này.

Hà Nội, 28-8-2001
Vũ Quần Phương