Bài Cứu Trung Quốc thị cứu tự kỷ (Cứu Trung Quốc là tự cứu mình) có xuất xứ từ một bài báo của Nguyễn Ái Quốc với bút danh Bình Sơn đăng trên Cứu vong nhật báo mục Văn hoá cương vị ngày 4-12-1940.

Cứu vong nhật báo là một tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, sáng lập ở Thượng Hải tháng 8 năm 1937, sau dời về Quảng Châu, ra mắt vào dịp Nguyên đán năm 1938. Mùa thu năm 1938 dời về Quế Lâm, ra lại vào ngày 10-1-1939. Ngày 28-2-1941 (sau sự biến Hoản Nam do bọn phản động Quốc dân đảng gây ra) bị đình chỉ hoạt động. Ở Quế Lâm, toà báo đặt tại nhà số 12 đường Thái Bình.

Một buổi tối tháng 11 năm 1940, Nguyễn Ái Quốc đến nơi ở của Hạ Diễn, lúc đó là Tổng biên tập Cứu vong nhật báo trên đường Thái Bình (Quế Lâm, Quảng Tây), mang theo một bản thảo.

Hạ Diễn đề nghị Người sao một bản bỏ vào phong bì gửi bằng đường bưu điện đến cho toà báo để phòng khi bị bọn Quốc dân đảng lục soát thì Hạ Diễn sẽ có chiếc phong bì đóng con dấu bưu điện mang ra đối phó.

Từ đó Nguyễn Ái Quốc thường gửi bài đến toà báo.

Người đến Quế Lâm vào tháng 10 năm 1940 và trung tuần tháng 12 thì rời Quế Lâm. Trong thời gian đó, Người đã viết cho Cứu vong nhật báo 8 bài sau đây:

(1) Trì hoa dữ hoàng ngưu (Con nhái và con bò) đăng ngày 24 tháng 11.
(2) Lưỡng cá phàm – nhĩ tái chính phủ (Hai chính phủ Versailles) đăng ngày 29 tháng 11.
(3) Tạo dao (Đặt điều) đăng ngày 1 tháng 12.
(4) Việt Nam nhân dân dữ Trung Quốc báo chí (Nhân dân Việt Nam với báo chí Trung Quốc) đăng ngày 2 tháng 12.
(5) An Nam ca dao dữ Trung Quốc kháng chiến (Ca dao An Nam với cuộc kháng chiến của Trung Quốc) đăng ngày 4 tháng 12.
(6) Ngư mục hỗn châu (Mắt cá đánh lận ngọc trai) đăng ngày 5 tháng 12.
(7) Ý đại lợi thực bất đại lợi (Ý-đại-lợi thực không đại lợi) đăng ngày 6 tháng 12.
(8) Việt Nam “phục quốc quân” hoàn thị mại quốc quân (Việt Nam “phục quốc quân” hay là mại quốc quốc) đăng ngày 18 tháng 12.

Bẩy bài đầu đều đăng ở chuyên mục Văn hoá cương vị, riêng bài cuối đăng ở mục Bản báo đặc cáo. Trong đó bốn bài Con nhái và con bò, Hai chính phủ Versailles, Đặt điều, và Ý-đại-lợi thực không đại lợi thuộc loại bài bình luận quốc tế, bốn bài còn lại đều xoay quanh chủ đề cách mạng Việt Nam và mối quan hệ Việt Nam – Trung Hoa.

Trong bài thứ 5, tác giả làm lời “một nhà báo” đưa tin về tình hình nhân dân Việt Nam chi viện mọi mặt cho cuộc kháng chiến của Trung Quốc. Người viết: “Đại đa số nhân dân An Nam đều hết sức đồng tình với cuộc kháng chiến của Trung Quốc... Để mở rộng việc tuyên truyền giúp Trung Quốc chống Nhật Việt Nam độc lập đồng minh hội, một đoàn thể rất sôi nổi hoạt động nhưng cũng rất bí mật - đã nghĩ ra một cách rất tài tình: họ đã đặt ra các bài hát theo các làn điệu rất phổ thông và dạy cho trẻ em hát. Thế là tự nhiên không hề hay biết gì cả, các cháu bé An Nam trở thành những nhà tuyên truyền viên rất đắc lực. Những bài hát đó chẳng mấy chốc đã truyền khắp cả nước. Cuối cùng bài báo đã sao lại một bài ca dao lưu hành ở Việt Nam”. Thật ra đó là một bài ca tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc viết bằng bạch thoại. Tuyên truyền bằng hình thức ca dao vốn là một sở trường của Nguyễn Ái Quốc như chúng ta đã biết trong hàng loạt bài ca tiếng Việt đăng trên báo Việt Nam độc lập những năm sau đó.

Toàn bộ nội dung trên đã được Hạ Diễn kể lại rất tỷ mỉ và sinh động trong bài hồi ký của ông: bài “Hồi sức về nghề làm báo” – Kể về Cứu vong nhật báo ở Quế Lâm đăng trên Dương thành văn báo từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 7 năm 1981 và bài Nhà báo đầu bạc kể chuyện năm xưa – Nói tiếp về Cứu vong nhật báo đăng trong Tân văn nghiên cứu tư liệu, năm 1981, tập II.

Hồi đó Nguyễn Ái Quốc quen Hạ Diễn là qua mối quan hệ với văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm. Năm 1957, Hạ Diễn dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Văn hoá Trung Quốc sang thăm Việt Nam, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch. Trong buổi tiếp, nhắc lại chuyện cũ, Người vui vẻ nói với Hạ Diễn: “Bài ấy của tôi, đồng chí đã trả nhuận bút năm đồng. Năm đồng hồi đó là quý lắm”.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]