Dưới đây là các bài dịch của Phạm Thị Hảo. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Vết máu đỏ nhàn nhạt (Lỗ Tấn): Bản dịch của Phạm Thị Hảo

Đấng Tạo hoá là một kẻ nhát gan. Ông ta ngấm ngầm làm cho trời đất thay đổi song lại không dám huỷ hoại cả trái địa cầu này, ngấm ngầm khiến mọi sinh vật đều phải suy vong, song lại không dám để mọi thi thể trường tồn mãi mãi, ngấm ngầm khiến loài người đổ máu, song lại không dám cho máu đó mãi mãi đỏ tươi, ngấm ngầm khiến loài người khổ sở song lại không dám làm cho họ ghi nhớ mãi trong lòng.

Ông ta chỉ lo suy nghĩ cho đồng loại của ông ta - những kẻ nhút nhát trong loài người, lo dùng những nơi gò đống mồ mả hoang vu để mà kết dựng nhà hoa, dùng thời gian để làm phai nhoà khổ đau và những vết máu, lo ngày ngày rót ly rượu nhạt không ít lắm cũng không nhiều lắm, để có thể đủ say ngà ngà, rồi đưa vào chốn nhân gian, khiến kẻ nào uống sẽ có thể khóc, có thể ca, nửa như say nửa như tỉnh, dường như biết dường như không biết, vừa muốn chết lại vừa muốn sống.

Ông ta cần phải làm cho tất cả đều muốn sống!

Ông ta còn chưa diệt tận hết dũng khí của loài người!

Mấy cái gò và mấy nấm mồ mả hoang vu nằm rải rác đó đây, có những vết máu nhờ nhờ. Mọi người đều đang gậm nhấm nỗi khổ đau. Song họ không chịu nhổ toẹt nó ra mà lại cho rằng như vậy còn hơn là trống rỗng. Người nào cũng tự xưng mình là “dân bị Trời giết” để biện giải cho cái chuyện cứ gậm nhấm nỗi khổ đau, và còn lặng lẽ mà đón chờ những buồn đau mới rồi sẽ tới. Những buồn đau mới, nghĩ đến mà hãi hùng, song lại khát khao tương ngộ.

Đó đều là dân lành của Đấng Tạo hoá cả. Chính ông ta đã muốn như vậy mà.

Có một dũng sĩ phản nghịch từ trong chốn nhân gian bước ra. Chàng ta đứng sừng sững, chăm chú nhìn những gò hoang và mồ mả. Có cái đã thay đổi, có cái vẫn thế. Chàng ta nhớ lại mọi nỗi khổ đau, rồi nhìn chằm chằm vào đám màu tích đọng thành từng lớp, biết rõ rằng tất cả đều đã chết nhưng cũng có loại vừa mới sinh ra. Chàng ta đã biết tỏng cái trò của Tạo hoá. Chàng ta sẽ phải đứng vùng lên, làm cho loài người sống lại. Hoặc giả là làm cho loài người bị diệt đến tận hết đi, diệt đến tận hết những kẻ dân lành của đấng Tạo hoá đi.

Đấng Tạo hoá kia, kẻ nhát gan kia, đã thấy xấu hổ rồi và đã phải náu mình rồi.

Thế là, trước mắt chàng dũng sĩ, trời đất đã phải tái mặt!


Ngày 8 Tháng 4 năm 1926

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Đêm thu (Lỗ Tấn): Bản dịch của Phạm Thị Hảo

Ở vườn sau nhà tôi, có thể nhìn thấy phía ngoài tường có hai cái cây, một là cây táo, còn cây kia cũng là cây táo.

Đêm nay, bầu trời trên kia cao đến kỳ lạ. Từ thuở bé đến giờ, tôi chưa hề nhìn thấy bầu trời cao lạ lùng như vậy. Dường như nó muốn rời bỏ thế gian này mà ra đi, khiến mọi người dù có ngẩng mặt lên cũng không thể nhìn thấy nó được nữa.

Thế nhưng lúc này, nó lại là một màu xanh lam rất sẫm với mấy chục con mắt sao nhấp nháy, những con mắt sao lạnh lẽo. Chúng như đang mỉm cười, như tự cho là mình có thâm ý gì ghê gớm lắm và sẽ rắc sương lạnh lên bãi hoa dại cỏ dại vườn tôi.

Tôi cũng không rõ loại hoa cỏ đó tên thật là gì. Và người ta đã gọi chúng là gì. Tôi nhớ là có một loại đã từng nở những bông hoa tí xíu màu hồng. Lúc này bông hoa cũng đang nở nhưng lại còn nhỏ hơn nữa. Khí trời lạnh giá, nó co mình lại và nó mơ, nó mơ thấy mùa xuân đã tới, rồi mơ thấy mùa thu cũng tới, mơ thấy nhà thơ gầy gò đang tưới nước mắt lên cánh hoa cuối cùng của nó và bảo nó rằng tuy mùa thu đã tới, rồi mùa đông cũng tới, song sau đó lại là mùa xuân, lại có bướm bay, lại có đàn ong mật ca hát. Thế là nó cười, mặc dù vẫn đang co ro và tím tái đi vì giá lạnh.

Những cây táo, chúng đã rụng sạch lá. Mấy hôm trước, còn có mấy đứa trẻ đến chọc những quả táo còn sót lại, nay thì hết sạch rồi, đến cái lá cũng chẳng còn. Chúng cũng biết giấc mơ của bông hoa nhỏ kia, biết rằng sau mùa thu lại có mùa xuân. Chúng cũng biết giấc mơ lá rụng, biết rằng sau mùa xuân lại là mùa thu. Chúng thật sự rơi hết lá rồi, chỉ còn trơ lại thân cây. Song, được thoát khỏi cái hình vòng cung nặng trĩu đầy quả và lá trước nay, nó vươn vai thoải mái. Có mấy cành là thấp xuống để bảo vệ cho thân cây khỏi bị trầy xước vì gậy chọc táo. Nhưng mấy cành thẳng nhất và dài nhất thì lại như những chiếc gậy sắt lặng lẽ chọc thẳng lên lão trời cao kỳ lạ trên kia, khiến lão phải nhấp nháy mắt liên hồi. Rồi lại chọc đến tận chị trăng tròn trịa trên không trung khiến chị ta ngượng đến chín mặt.

Bầu trời nhấp nháy mắt lại càng xanh thẫm. Không ổn rồi. Dường như nó rời bỏ thế gian này, tránh xa hai cây táo, chỉ để lại vầng trăng. Nhưng chị trăng cũng đã len lén núp vào phía đông. Còn những thân cành trụi lá kia thì lại vẫn cứ lặng lẽ như chiếc gậy bằng sắt chọc thẳng lên bầu không kỳ lạ trên cao, ý như muốn ép nó phải chết, bất kể là nó đang nhấp nháy đủ kiểu những con mắt đầy mê hoặc.

Quạc một tiếng, con quạ đêm bay qua.

Tôi chợt nghe thấy tiếng cười. Tiếng cười vào lúc nửa đêm, tiếng cười khúc khích, dường như không muốn phá giấc ngủ của mọi người, song không khí xung quanh lại ứng hoạ cười theo. Đang giữa ban đêm, chẳng có ai khác, tôi tức khắc nhận ra đó là tiếng cười từ miệng mình. Và tôi bị ngay tiếng cười đó xua đẩy về phòng mình. Dây treo đèn lập tức được cuốn cao lên.

Kính cửa sổ phía sau kêu lanh canh bởi nhiều côn trùng bay đập vào. Chỉ một lúc, có mấy con vào được trong phòng, có lẽ chúng lọt qua chỗ giấy thủng. Vừa vào được là chúng lại va đập lanh canh vào cái chụp đèn thuỷ tinh. Có một con va vào phía trên, thế là nó chạm lửa, và tôi cho rằng đó là lửa thật. Hai ba con nằm thở hổn hển nghỉ ngơi trên chao đèn. Cái chao này mới thay tối qua, bằng giấy trắng muốt, gấp thành nếp như làn sóng, chỗ góc vẽ một cành dành dành đỏ chót.

Lúc dành dành nở hoa thì cây táo lại nằm mơ như bông hoa nhỏ màu hồng kia, lại xanh rì và uốn thành vòng cung...

Tôi lại nghe thấy tiếng cười lúc nửa đêm. Tôi vội cắt đứt ngay dòng tâm tưởng của mình và ngắm nhìn con côn trùng nhỏ màu xanh đang đậu trên cáo chao đèn bằng giấy trắng, con vật đầu to đuôi nhỏ trông như hạt hướng dương song chỉ nhỏ bằng nửa hạt tiểu mạch, toàn thân nó xanh biếc rất dễ thương, rất tội nghiệp.

Tôi ngáp một cái, đốt điếu thuốc rồi nhả khói, mắt nhìn ngọn đèn, lặng lẽ tỏ lòng tôn kính trước những vị anh hùng xanh biếc xinh xắn kia.


Ngày 15 tháng 9 năm 1924

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Sơn quỷ (Khuất Nguyên): Bản dịch của Phạm Thị Hảo

Dường như có người trên góc núi
Khoác cỏ thơm, lưng thắt dây tơ
Mắt ngóng nhìn, cười mỉm như mơ
Dáng thiết tha, dịu dàng, xinh đẹp
Xe tân di dùng báo đỏ kéo
Cờ ngọc quế dắt chồn hoa theo
Mui xe lan buộc đai đỗ hạnh
Tìm hoa thơm hái tặng bạn tình
Chốn thâm sâu, trời mây chẳng thấy
Đường gập ghềnh, ta tới trễ chăng?
Đứng lặng một mình nơi đầu núi
Phía bên kia, mây kéo giăng hàng
Ban ngày mà âm u mù mịt
Gió đông táp, mưa rơi nặng hạt
Ngóng đợi chàng, quên cả chuyện về
Hồng nhan tàn, tươi lại được sao?
Hái linh chi bên bờ khe suối
Đá lởm chởm, rậm rì cây cối
Oán bạn lòng quên cả chuyện về
Chàng nhớ ta nhưng chẳng rảnh chăng?
Người trong núi khác nào cỏ thơm
Ăn bóng tùng, uống nước suối trong
Lòng nhớ chàng, một mình lặng lẽ
Phải vì chàng nghi hoặc ta chăng?
Tiếng sấm rền, mưa mù u ám
Vượn hú đêm, não nuột tiếng kêu
Gió rì rào, lá cây xào xạc
Nhớ bạn lòng, luống những bi thương


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Như ý nương (Võ Tắc Thiên): Bản dịch của Phạm Thị Hảo

Nhìn xanh hoá đỏ, lạ thay
Xác thân tiều tuỵ vì ai võ vàng
Chẳng tin thiếp khóc nhớ chàng
Mở rương xem: lệ thấm loang quần hồng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Quan thư 2 (Khổng Tử): Bản dịch của Phạm Thị Hảo

So le rau hạnh mọc dài
Cô em ngắt hái ngọn ngoài ngọn trong
Yêu nàng anh những nhớ mong
Cầu mà chẵng được anh trông đêm ngày
Chao ôi là cái đêm dài
Băn khoăn trằn trọc thức hoài vì em.

Ảnh đại diện

Quan thư 1 (Khổng Tử): Bản dịch của Phạm Thị Hảo

Tiếng kêu ríu rít thư cưu
Đôi chim âu yếm bãi sau sông Hà
Nết na cô gái mặn mà
Cùng chàng trai tốt thật là xứng đôi.

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]