Dưới đây là các bài dịch của Mạnh Tứ. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 3 trang (21 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Việt Nam, người phụ nữ (Raúl Valdés Vivó): Bản dịch của Mạnh Tứ, Bàng Thúc Long

Khi xiết chặt bàn tay bà phó tổng tư lệnh
Bàn tay ấy là bàn tay đầu tiên cầm súng
Để mà cướp súng quân thù
Tưởng chừng như
Còn những bàn tay nào khác nữa
Những cành cây
Đơn giản
Mọc chòi lên từ tay - rễ nào đây
(trong bóng đêm đen dày
Những tên chỉ điểm hãi hùng hốt hoảng)

Từ năm 1960 xa xôi ấy
Khi nhìn những chiến sĩ chân không giầy
Của “đội quân búi tóc”
Bồng trên tay
Những thi thể còn ấm mềm thân thiết
Xông vào đồn giặc
Đòi yên vui cho những đứa con còn sống
Khi nhìn những chị mang thai
Nôn oẹ trong đồng nước đục
Gặt lúa nhanh tay
Dưới bom đạn Mỹ
Tôi chợt nghĩ: Việt Nam, người phụ nữ
Lòng ước mong cháy bỏng
Cất giọng vang xa
Mà hát lên bài ca: Việt Nam, người phụ nữ
Người phụ nữ bình thường
Mang trong mình những mầm tạo hoá

Miền Nam Việt Nam ơi, chị có hiểu tôi không?
Chị đã mở lòng
Không phải trong vòng chín tháng
mà mang thai nghén, chín năm với một tình yêu trong trắng
Trong rừng sâu, máu nóng xốn xang
Hoà với máu toàn dân
Giờ đây chị đã đến giờ sinh nở
Chị hãy gắng lên
mai này chiến thắng
tất cả mọi người sẽ bảo vệ đứa con yêu
bên giường cữ có những người du kích gìn giữ sớm chiều
đêm ngày
Canh gác
Chị hãy nghĩ rằng
Người em gái bên kia trái đất
Cũng không sinh nở dễ dàng

Cách mạng
Có bao giờ sinh nở dễ dàng đâu?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Ngày tháng sáu (II) (Carlos Pellicer): Bản dịch của Mạnh Tứ

Anh nói với ai nắm trong tay bông hồng thứ nhất
Và bài hát đầu tiên
Hãy cắm lấy những quả tròn đầy và đến cùng anh
Hai chúng ta sẽ là một cuộc đời thực sự

Anh muốn nói với em, anh muốn
Thành cái yên lặng của chính em
Muốn đi theo em mà em chẳng biết anh theo
Tâm hồn anh đã đợi em, bao giờ cũng đợi!

Khi gần em hơi thở anh ngắn lại
Đón làn gió nam và đường bay của cánh chim câu
Anh muốn nói với em nhưng cuống họng như có viên ngọc thạch
Trên vòm trời làm chói lọi đêm thâu

Tháng Sáu lặng im đã đưa anh qua núi
Đưa tên anh hướng tới em rồi


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Ngày tháng sáu (I) (Carlos Pellicer): Bản dịch của Mạnh Tứ

Ngày tháng Sáu, mùa cho trái chín
Và bàn tay em mạch máu căng đầy
Hãy gạn lọc vào búp chồi thanh sạch
Sức mạnh thu phục rồi hãy nắm lấy đầy tay

Anh đi tìm và đã thấy em
Duyên nồng thắm, hồ hởi và thân thiết
Áng mây trôi là là mặt đất
Mảnh vườn em lừng tiếng đất nâu đen
Và màu hung vàng mưa sau ánh sáng tươi quen

Bằng những lời này anh nói với em
Cái may mắn lặng thầm anh cảm thấy
Mắt em ôm bầu trời cho ánh sáng vào trong

Trái tim em uống hết phút giây vàng
Loài chim mổ những quả mận màu chín mọng
Còn trong em anh tiêu hao ngày tháng
Vì góp gom nên những kho tàng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tiếng khóc của châu Phi (Agostinho Neto): Bản dịch của Mạnh Tứ

Tiếng than khóc dài bao thế kỷ
Trong con mắt mất tinh anh bởi làm tôi tớ bao đời
Trong sự ước ao nuôi nấng bao tham vọng đầy lãng mạn
Trong lao động, trong những trận cười điên loạn
Tiếng khóc châu Phi trong lửa trại đêm đêm
Trong điệu batukê trong những nụ cười
Đâu cũng thấy tiếng châu Phi than khóc

Luôn có tiếng than, ngay trong nỗi vui mừng bất diệt
Của người anh em Ngơuxi và bạn Musunđa
Trong cái vòng bạo lực gần xa
Ngay trong uy lực huyền ma nằm trong quả đất
Nơi cuộc sống tràn trề mạch nước
Trong mọi miền, trong tất cả mọi con người
Trong cơn xuất huyết, trong vết thương, nhịp nhảy
Trong máu chết khi chạm vào lòng đất
Cả trong mùi hương nở của cành hoa
Cả trong từng chiếc lá, trái cây
Trong hoà hợp của những dòng nước chảy
Trong chị ngựa vằn tinh nhanh chạy nhảy
Cả trong khô cằn vùng hoang mạc lô nhô
Trong sự bình yên lặng lẽ những con hồ
Cả trong cái đẹp của lao động dựng xây của con người nữa

Tiếng than khóc dài bao thế kỷ
Nảy sinh ra từ cái nhục tôi đòi
Trong những chuyện của người da đen thảm kịch bao đời
Và những chuyện của người da trắng biếng lười
Trong những linh hồn thơ ấu của châu Phi
Trong những điều dối trá
Cộng những tiếng khóc thật sự của những con người nơi đó

Tiếng than khóc dài bao thế kỷ
Ở nơi sự thật bị ức hiếp khốn cùng trong vòng vây sắt thép
Đương huỷ hoại những cơ thể gầy còm như xác chết
Nơi kẻ thù của sự sống chỉ huy
Ẩn trong óc hẹp của bộ máy chuyên nghề tính đếm
Bằng bạo lực, bạo lực và bạo lực

Tiếng than khóc châu Phi là những điều báo trước
Chúng ta có trong tay
Một cuộc đời và những nguồn vui rất khác
Để cải chính những tiếng khóc than giả dối ở miệng người
Cải chính bởi chúng ta

Và tình yêu
Và những con mắt ráo khô


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Khi giương ngọn cờ (Agostinho Neto): Bản dịch của Mạnh Tứ

Tặng các anh hùng nhân dân Angola

Khi tôi trở về
Hàng cây xanh đã không còn bóng trong thành phố

Và cả anh
Hỡi bạn Liceu
Tiếng nói vỗ về của nhịp sôi nóng trong những trò chơi náo nhiệt
Những đêm thứ bảy không thể nào thiếu được

Cả anh nữa
Sự hoà hợp thiêng liêng tổ tiên truyền
Sống bật dậy với hương thiêng của Đoàn Ngola dân tộc

Cả anh nữa đều đã mất đi
Mất cùng anh những nhà trí thức
Trong Liên đoàn của toàn dân tộc
Trong tờ tạp chí Farolim
Những cuộc họp ở Ingombotas
Biến đi cả
Ý thức, lương tâm của những kẻ đã phản bội, không tình

Tôi đã đến vừa đúng cơn bão táp buổi ban mai
Khi mầm hạt xuyên qua đất ẩm ướt dưới trời mưa lũ
Cành cây xanh vươn màu sắc thanh xuân

Tôi đã đến để thấy sự hồi sinh của hạt giống đâm chồi
Bản giao hưởng say sưa của nguồn vui lớn dậy của con người

Và máu với đau thương
Như dòng nước quằn quại chia đôi thành phố

Khi tôi trở lại
Ngày kia đã đến
Và giờ kia đã điểm
Đến nụ cười trên môi em nhỏ cũng không còn
Cả các anh, bàu bạn tôi và những anh em
Berge, Joaquim, Gaspar, Ilídio, Manuel
Và còn ai nữa?
- Hàng trăm hàng nghìn các anh, các bạn
Một số người đã ngàn năm tan biến
Đã vĩnh viễn chiến thắng trong cái chết vì cuộc sống con người

Khi tôi trở lại
Đương chuyển trên trái đất một cái gì vĩ đại
Con người có trong vựa lúa nhiều hơn mãi
Các em học sinh trong trường học, học nhiều thêm
Mặt trời cũng chiếu sáng hơn
Có cái thanh xuân bình tĩnh trong những ông già tóc trắng
Hơn cả hi vọng có những điều chắc chắn
Hơn cả lòng nhân ấy chính đó tình yêu

Có những cánh tay của những con người
Sự dũng cảm của những anh bộ đội
Những tiếng thở của nhà thơ, hồi hộp

Tất cả mọi người đều vươn thật cao lên
Cao hơn cả những anh hùng trong ký ức
Ngola Kiluanji
Rainha Ginga
Tất cả mọi người đều muốn giương thật cao
Ngọn cờ độc lập


Nhà lao Aljube, Lisboa
Tháng 8-1960

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Những vùng đất bị thương (Agostinho Neto): Bản dịch của Mạnh Tứ

Ôi châu Phi những vùng đất bị thương
Nơi người nô lệ xưa nay vang tiếng khóc
Nơi những giọt mồ hôi tủi nhục của điệu nhảy không lành
CỦa bao vùng biển cũng đau thương khác

Ôi châu Phi những vùng đất bị thương
Trong hờn giận của hương say ngan ngát
CỦa đoá hoa bị giẫm nát trong rừng
Bởi lửa sắt bạo tàn vô đạo lý
Ôi châu Phi những vùng đất chưa lành

Ôi châu Phi những vùng đất bị thương
Trong giấc mơ say bất thần bị ngắt
Do tiếng leng keng của nhùm chìa khoá cửa nhà tù
Tiếng cười bị dìm đi, giọng khóc than lấn át
Những cảm giác thầm vô tinh vẫn sáng

Ôi châu Phi những vùng đất bị thương
Bản thân vẫn sống và cùng chúng tôi vẫn sống

Nhộn nhịp tranh hoàng trong giấc mộng
Những điệu nhảy của loài cây bao báp
Những bước thăng bằng của những huơu nai
Trong một liên minh vĩnh cửu của cuộc sống muôn loài

Thét lên, vẫn thét lên tiếng của cuộc đời
Ngay cả những thây ma từ bên kia Đại tây dương trôi lại
đương thối rữa, rạc rời, chết chóc
và trong dòng sạch trong của dòng sông trong vắt

Ôi những vùng đất đau thương của châu Phi vẫn sống
Trong tiếng hài hoà của ý thức. lương tâm
Trong dòng máu sạch của con người chân thật
Trong khát khao của những con người mãnh liệt
Trong sự thực sáng trưng: có thế giới con người
Trong chân lý giản đơn: rõ ràng có những vì sao

Ôi những vùng đất đau thương của châu Phi vẫn sống
Bởi lẽ giản đơn chúng ta đương sống
Như những tế bào không thể phá vỡ, hiên ngang
Của châu Phi, những vùng đất đau thương


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Trên da trống (Agostinho Neto): Bản dịch của Mạnh Tứ

Những bàn tay thợ vỗ dồn trên mặt trống châu Phi
Tiếng trống rung vang dội thả tôi đi
Cùng vô số những bóng hình lực sĩ
Khi đèn đỏ bật lên báo hiệu tan tầm

Tôi bẹp gí trên tấm da căng mặt trống
Tôi rung lên trong những hình hoen máu của chính mình
Trong hương rượu đã rung lên thành tiếng
Trên tấm da căng bọc khối óc mình

Tôi là ai, tôi ở đâu đây?
Mà rung lên trên mặt nhẵn của dàn trống hội
Của những cô gái châu Âu tươi cười, thừa thãi
Sống phiêu du trên màu mỡ của mồ hôi đen vô tội
Của những phụ nữ châu Phi sớm già vì hờn tủi
Sống kiếp người phụ nữ châu Phi

Của những người phụ nữ phi tươi lại do ánh sáng mặt trời
CỦa sự biến đổi êm nhẹ mà nổ tung trong vũ trụ
Trong động tác của chính mình đương rung theo nhịp
Trống châu Phi tấm da óc vẫn rung
Nhịp nhàng theo điệu lá cọ múa trong rừng

Tôi rung lên ở giữa biển châu Phi
Trong những tiếng hội hè hăng say, hỗn độn
Chẳng có thứ tiếng nào anh nói qua tôi
Trong nhịp điệu này mà tôi lẫn lộn

Tôi chưa hề nghĩ đến độ quá lụi tàn như vậy
Ôi nhớp nhơ tội lỗi thực dân bao thế kỷ dài!
Cái chi như câu chuyện thỏ rùa
Mà bà kể cháu nghe theo nhịp điệu mới bên đống lửa
Ôi bà tôi người phụ nữ da đen!

Nhưng chẳng quá xa xôi, lụi tàn như vậy
Những tiếng trên da óc của mình
Giậm trên mặt trống căng bởi chính tay mình
Cho những con người châu Phi thức dậy

Những bàn tay đan chéo trên tôi
Hưởng những niềm vui, những chuỗi cười
Những hồ thoải mái bao khoang rộng
Xanh ngát vươn dài tận biển khơi

Tạo cho tôi một tiếng đặc sắc của châu Phi
của những dân tộc da đen trên lục địa này nảy nở
Ngoài những vực của phủ định đen ngòm sâu thẳm
Bên những nhịp điệu dưới ngón tay tím máu bầm
Trên mặt da trống đã già nua nhẵn bóng
Tôi rung lên, kêu lên, tôi vẫn sống:
Tiến lên!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bamako (Agostinho Neto): Bản dịch của Mạnh Tứ

(Sau Hội nghị toàn châu Phi ở Bamako)

Bamako!
Nơi chân lý long lanh trên lá sáng
Hoà lẫn trong tươi mát của con người
Như những rễ khoẻ nở trong lòng đất ấm

Nơi nảy nở tình yêu với mai sau
Được bồi dưỡng bởi Nigiê ưu đãi
Được che chở bởi Congo rộng rãi
Hương vị gió nồm châu Phi trong những trái tim

Bamako!
Nơi nảy sinh cuộc sống
Nơi lớn lên, bay bổng
Trong chúng ta những ngọn lửa thao thức của lòng lành

Bamako!
Nơi chúng ta sát cánh tay
Nơi chúng ta rung tiếng nói
Nơi mắt chúng ta sáng lên hy vọng
Môt lực lượng vô biên không gì sánh nổi
Tình bầu bạn
lau ráo khô nước mắt
Hàng thế kỷ châu Phi nô lệ ngày xưa
Làm dậy lên nhựa nuôi dưỡng quả ngon
Làm bốc dậy hương thơm trái đất
Nơi mặt trời thiêu tan ảo vọng
Dưới bầu trời xanh mát hoà bình

Bamako!
Kết quả sống của châu Phi sống
Mầm tương lai trong những tia máu sống
Nơi đây hy vọng đã hiện thành sông nước
Thành cỏ cây, muông thú, núi rừng
Nơi hy vọng đã chiếm được tình bầu bạn
Rừng đẹp pan-ma, nước da sẫm con người

Bamako!
Nơi chúng ta đã xua tan chết chóc
Nơi nảy nở tương lai, từ sức lực chúng ta
Sức tự nhiên không ai kìm giữ nổi của cuộc đời
Cùng với chúng ta sức kia sống mãi


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Sáng tạo (Agostinho Neto): Bản dịch của Mạnh Tứ

Sáng tạo, sáng tạo
Sáng tạo trong tinh thần, trong khối óc
Sáng tạo trong từng cơ bắp

Sáng tạo trong con người, trong quần chúng
Sáng tạo
Sáng tạo với con mắt ráo khô

Sáng tạo về những khu rừng không thần thánh
Về sức mạnh nhớp nhơ của trận đòn roi
Về hương ngát của những thân cây đương xẻ
Sáng tạo với con mắt ráo khô

Sáng tạo những tiếng cười ngay trên bàn kẹp
Dũng khí ngay trước mũi ủng tụi thực dân
Sức mạnh nơi còn lại của cửa nhà bị cướp
Sự kiên quyết trong tim gan trước những điều chưa chắc
Sáng tạo với con mắt ráo khô

Sáng tạo những ngôi sao trên lưỡi búa đấu tranh
Trên tiếng khóc trẻ thơ sáng tạo hoà bình
Trên căm thù, trên mồ hôi đã đổ
Hãy sáng tạo hoà bình
Sáng tạo hoà bình với đôi mắt ráo khô

Sáng tạo tự do trên những con đường nô lệ
Những liên lạc yêu thương trên những lối vắng tình yêu
Những tiếng nhạc lễ trên những thân hình đung đưa trên giàn treo cổ
Sáng tạo tình yêu, với những con mắt ráo khô


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Những bàn tay kiến trúc (Agostinho Neto): Bản dịch của Mạnh Tứ

Ngoài xa những vẻ nhìn chiến bại
Như những biển đen đầy mệt mỏi
Ngoài những xiềng gông ghê gớm bao quanh những căn nhà
Ngoài những bóng đêm dáng kỳ quái yêu ma
Trong châu Phi có những sức mà các lục địa xung quanh đã mệt

Ngoài xa cái châu Phi đầy những muỗi
Đầy lính canh, yêu ma bí ẩn
Những nụ cười trắng viền quanh những tâm hồn đen sẫm
Đi bố thí để mà bóc lột gian ngoan
Những viên thuốc cho để giết rất bạo tàn

Ngoài xa cái châu Phi của những thế kỷ dài lạc hậu
Và bên trong những trái tim buồn

Tôi trông thấy
Những bàn tay kiến trúc
Như huyền thoại của một nhân dân bất diệt
Sáng tạo trên những mảnh đất bị trị vì khắc nghiệt
Những bàn tay kiến trúc của một dân tộc dựng xây
Xây những ách gông để chúng huỷ diệt mình

Tôi trông thấy bên ngoài của châu Phi
Tình yêu trung trinh nở trên miệng mọi người
Trong những mối liên quan vô địch của cuộc sống tạm thời
Trong các bàn tay kiến trúc cùng nhau liên kết
Chống bụi mây huỷ diệt của những gì cũ rích

Khác xa sự mệt mỏi của những châu lục khác
Tôi trông thấy đây trong sức sống châu Phi
Những bàn tay kiến trúc mạnh khoẻ của một nhân dân đương tuổi dậy thì
Và tương lai
Hoa hồng với bánh


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 3 trang (21 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối