Trang trong tổng số 37 trang (369 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phong Kiều dạ bạc (Trương Kế): Cây bến, cây bãi, phong bến

Có bạn nói với tôi rằng: Cây bến, cây bãi, hay phong bến cũng đều để tả cảnh “trên bến có cây, dưới bến có lửa chài” mà thôi không có gì khác biệt quan trọng lắm. Đành rằng tính từ chỉ nơi mọc của cây thường được gán với cây như: tre núi, tre bãi, tre vườn, tre rừng, hay chuối bãi, chuối đồi…Nhưng cây phong là thứ cây còn lạ với dân ta trước đây, riêng một từ “phong” thì nhiều người còn không biết đó là tên cây, thậm chí vơ vẩn liên tưởng sang là “gió”. Vì thế các cụ Tản Đà, Nguyễn Hàm Ninh đành chọn cách dịch thành “cây bãi”, “cây bến”. Cây bến phổ biến suốt mấy chục năm trường cùng với bài của cụ Nguyễn Hàm Ninh, đến nỗi nhiều người không muốn chấp nhận cụm từ “phong bến”. Vâng đúng sự thực là như vậy. Nhưng nói là “không có gì khác biệt quan trọng” thì tôi cho rằng không phải như vậy. Dịch là cây bãi, cây bến không hợp logic của tác giả Trương Kế ở đoạn này. Câu 1, Trương Kế tả cảnh xa. Câu 2, tác giả tả gần. Chắc nhiều bạn biết đoạn Nguyễn Bính tả cảnh tiễn nhau ở bến thuyền:
Anh đi đâu, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm.
Người đưa tiễn đã ngóng theo con thuyền chở người đi xa. Trông theo mãi, lúc đầu là cánh buồm nâu, xa hơn vẫn còn nhận được cánh buồm nâu, rồi xa tắp không nhận ra là buồm gì, nâu, xám hay đen? (Xin mở ngoặc để rông dài một chút. Có giai thoại kể một học trò làm luận cũng tả cảnh biệt li tại một phi trường. Học trò này bắt chước đoạn kết ngóng theo phi cơ chở bạn đi “Chiếc tàu bay, chiếc tàu bay, chiếc tàu”)(!!!). Trương Kế tả cảnh gần và nhận rõ trên bến là cây phong, dưới bến là lửa chài (phân biệt được không phải lửa đèn của thuyền khác, thuyền bán hàng chẳng hạn..). Nay dịch thành cây (không biết là cây gì) trên bến, thì do cây và bến ở xa nên không nhận rõ được. Như vậy là hai cách dịch khác nhau cũng nhiều chứ không phải là không đáng kể. Vài dòng mua vui để các thi hữu đọc chơi. Xin cảm tạ bạn đọc.

Ảnh đại diện

Yết Sơn (Lý Thương Ẩn): Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn

Dây nào trói được mặt trời đây
Nước chảy mây về dạ chẳng khuây
Muốn phép Ma Cô thay dâu bể
Một chén sương xuân lạnh giá này!

Ảnh đại diện

Nhật nhật (Lý Thương Ẩn): Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn

Sáng xuân tỏ với sáng trời,
Dốc thành núi, hạnh hương rơi ngày ngày.
Khi nào lòng rối dứt đây?
Được như trăm thước sợi bay tơ trời!

Ảnh đại diện

Nhật nhật (Lý Thương Ẩn): Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn

Ngày ngày ánh xuân tỏ ánh trời,
Dốc lên thành núi hạnh hương rơi.
Khi nào mối rối tâm tư dứt,
Để được như trăm thước tơ trời!

Ảnh đại diện

Lạc nhật (Đỗ Phủ): Cạnh thác, cạnh bãi?

Ta hãy tưởng tượng nơi tác giả viết “Mặt trời lặn”. Tác giả ở trong nhà (viện hoặc quán) trông ra, thấy cảnh: Mặt trời đã xế sau mành. Ở phía xa xa: Con suối trước mắt cảnh xuân vắng vẻ. Vườn ven suối đầy cỏ hoa thơm. Thuyền của tiều phu (đậu xa hơn nữa) cạnh bãi ven suối (hoặc cạnh thác phía đầu suối) để nấu cơm chiều. Ở gần thì: Bọn sẻ đánh nhau trên cành cây tranh tổ. Côn trùng (thấy chiều tối) đã bay đầy viện…Con suối tác giả tả, có vườn ven bờ (vậy là có nhà ở gần), có thuyền của tiều phu đi lấy củi. Vậy nó là suối không nhỏ, nhưng cũng chẳng lớn. Vì không thấy thuyền cá, thuyền buôn..hay cảnh nhộn nhịp, và nhiều nhà cửa ở gần (Khê biên xuân sự u). Suối bắt nguồn có thể ở  từ chân một ngọn thác (cũng không thể lớn). Vùng nước chứa, nơi thác đổ xuống, rồi từ đây một vài con suối chảy đi, thường là vùng nước thuận lợi cho thuyền (câu, chài, hái củi..). Và thuyền đỗ ở bờ vùng nước này, người đứng phía xa có thể tả là “thuyền cạnh thác” chứ không phải là ngay chỗ thác đổ xuống, do đó “vẫn đun nấu được”! Có điều tôi chưa tra cứu rõ được tác giả viết bài này ở đâu? Nếu biết chắc địa phương đó có con thác nào không thì mới dám chắc là “Thuyền tiều cạnh thác hay cạnh bãi” là đúng hơn!

Ảnh đại diện

Phong Kiều dạ bạc (Trương Kế): Dịch, phóng tác, sáng tác

Theo Tự Điển Tiếng Việt thì dịch là “chuyển nội dung từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác”. Song thật khó để mà hiểu cho đúng chữ dịch này. Cùng một nội dung có người viết thành truyện, có người viết bằng thơ, có người lại soạn ra kịch. Chắc chắn không thể nào lại dùng chữ “dịch” ở chỗ này. Cũng như chắc chẳng có ai gọi Truyện Kiều của Nguyễn Du là bản dịch Đoạn Trường Tân Thanh. Tôi nghĩ rằng ngày xưa các cụ đọc một tác phẩm, cảm nó, cảm mình, cảm thông và viết. Sau này chúng ta căn cứ vào các tiêu chí tiêu chuẩn của đời sau mà phân loại. Nếu sát với tác phẩm gốc thì là dịch, không sát, có ít nhiều đổi thay, khác biệt là phỏng dịch, phóng tác..và xa hơn thì như là sáng tác mới vậy (trường hợp Truyện Kiều).
Trở về với bài “Phong Kiều da bạc”.
Nội dung bài của Trương Kế:
Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời
(Rặng) cây phong (bên sông), ánh lửa chài, sánh đối giấc buồn (của khách)
Ngoại thành Cô Tô, có ngôi Hàn San Tư
Nửa đêm, tiếng chuông chùa đến (thăm, viếng, khua lòng..) người khách trên thuyền.
Nội dung bài của Nguyễn Hàm Ninh:
Trăng tà, có con quạ đơn độc kêu trong sương.
Lửa chài, cây bến (không rõ cây gì: đa, si, sung…), nỗi sầu vương trong giấc ngủ
Có thuyền khách (nào đó) đỗ ở bến Cô Tô
Nửa đêm, người khách nghe được tiếng chuông của chùa Hàn San.
Đối chiếu kỹ hơn:
Câu 1:
Trương Kế tả cảnh: Đêm không trăng, quạ kêu và sương đầy trời (hoặc trời đầy sương)
Nguyễn Hàm Ninh: Trăng tà (sắp lặn), có con quạ đơn độc (chiếc qụa) kêu trong sương (để chỉ ban đêm, có sương chứ chưa hẳn đầy trời ). Hơn nữa chúng ta đã quen với cách diễn đạt tiếng “cuốc gọi hè” nghĩa là cuốc kêu trong mùa hè, nhưng còn có nghĩa “cuốc (như muốn) giục mùa hè sang". Vậy thì “quạ kêu sương” có nghĩa là kêu trong sương, và có giục sương rơi không? Chi tiết quạ kêu của Trương Kế chỉ tả cảnh “khách quan”, còn chi tiết con quạ cô độc kêu sương của Nguyễn Hàm Ninh chứa đựng thông điệp chủ quan nào đây của tác giả.
Câu 2:
Trương Kế tiếp tục tả cảnh, (câu 1 tả cảnh xa rộng, câu 2 tả gần hơn): Cây phong trên bến, lửa chài (dưới sông), (tất cả cảnh xung quanh ấy) đối sánh dài song song với giấc buồn (dài chập chờn) của khách (tác giả).
Nguyễn Hàm Ninh: Lửa chài, cây (gì đó) trên bến, nỗi sầu vương vất trong giấc ngủ của khách.
Như vậy cảnh vật xung quanh và người khách trong thuyền của Nguyễn Hàm Ninh không thấy rõ mối liên hệ “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vả lại chữ đối 對: đối đãi, đối đáp, phù hợp với, sánh với..nếu dịch là “giấc sầu vương, vương giấc sầu” (nghĩa là cảnh vật xung quanh đối sánh song song với giấc buồn của khách) thì cũng chấp nhận được. Còn như “(nỗi) sầu vương giấc hồ” thì chữ "vương" ở đây không thể là chữ “đối” được.
Câu 3:
Trương Kế: Ngoại thành Cô Tô, có Hàn San Tự
Nguyễn Hàm Ninh: Có thuyền ai đậu ở bến Cô Tô (bên trong hay ngoài Cô Tô?)
Câu 4:
Trương Kế: Nửa đêm, tiếng chuông đến (chủ động) người khách trên thuyền.
Nguyễn Hàm Ninh: Nửa đêm người khách (bị động) nghe được tiếng chuông Chùa Hàn San. (Không rõ xa gần, và có thể chuông chùa khác nữa, nhưng khách nghe và phân biệt được đặc điểm tiếng chuông của chùa Hàn San?)
Tóm lại:
1. Bản Phong Kiều Dạ Bạc của Nguyễn Hàm Ninh là một tuyệt phẩm, nhưng gọi nó là sáng tác của Nguyễn Hàm Ninh (như Truyện Kiều của Nguyễn Du) hoặc gọi là bản diễn nôm như cách gọi của thi hữu Khoi Dinh Bang…thì đúng hơn, chứ gọi là bản dịch thì gượng ép quá.
2. Bản Phong Kiều Dạ Bạc của Nguyễn Hàm Ninh rất hay, đã rất phổ biến và quen thuộc với nhiều thế hệ. Nhưng như lý do trình bày ở phần trên, vẫn cần có một bản dịch “Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế ra tiếng Việt. Có thể sẽ chẳng bao giờ có được bản dịch hay và có anh hưởng được như “bản diễn nôm-cách gọi của TG Khoi Dinh Bang) nhưng vẫn cần một bản dịch (sát nghĩa dịch) hơn ra tiếng Việt.
Đăng ý kiến này lên chắc có bạn sẽ mắng “Đồ liều mạng nói càn”. Tại hạ cũng xin cam chịu chỉ cốt được các thi hữu am hiểu xa rộng hơn chỉ giáo thêm cho rộng tầm hiểu biết là vui rồi. Xin cám ơn và mong được đại xá cho.

Ảnh đại diện

Lạc nhật (Đỗ Phủ): 芳菲

Cám ơn ý kiến của bạn trongvu, bạn rất có lý. Chữ 灘:than: đất ven nước, cái thác (Thiều Chửu); Bãi cát, Ghềnh (TĐ Hán Việt hiện đại-Khổng Đức, Long Cường, Đạt Sĩ); Bãi cát khi nước xuống lòi ra, Ghềnh nước có nhiều đá lởm chởm (Đào Duy Anh), như vậy hiểu là bãi ở đây hợp ngữ cảnh hơn là thác.
Chữ 圃:phố: vườn (trồng rau, hoa).Nhưng 芳菲:Phương phi: Cỏ hoa thơm đẹp (Đ D Anh). Còn: Phương phi: đẫy đà đẹp đẽ (không phải từ Hán Việt - T Đ Khai Trí). Như vậy nghĩa câu thứ 3: Vườn dọc bờ (sông, suối) đầy hoa cỏ sum suê thơm ngát.
Câu "một lần nâng chén giải bay ngàn sầu" của bạn rất hay. Nhưng một cuộc (rượu) thì có thể là cuộc rượu 1 mình hay "nhiều mình" đều đúng cả chứ. Chọn cách diễn đạt nào là tuỳ theo tâm sự và nhận thức của độc giả (người dịch xét cho cùng cũng là 1 độc giả)trước bài thơ của tác giả mà thôi. Vài lời bàn thêm góp vui với các thi hữu, chứ tự tôi không dám cho là mình đúng. Cám ơn.

Ảnh đại diện

Hà Mãn Tử (Bạch Cư Dị): Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn

Mãn Tử tên truyền lại với đời,
Tử hình là lúc viết xong lời.
Một bài bốn điệu ca tám lượt,
Lời đầu ruột đã đứt từng nơi!

Ảnh đại diện

Tòng quân hành (Lệnh Hồ Sở): Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn

Gió bấc ngàn dặm kinh người,
Năm canh trăng Hán giữa trời sáng suông.
Dù còn say mộng quê hương,
Phải nghe theo lệnh lên đường xuất quân.

Ảnh đại diện

Thiền (Lý Thương Ẩn): Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn

Cao khiết nên chẳng đủ no
Nhọc nhằn ca cũng phí cho giọng mình
Năm canh kiệt sức bình sinh
Cây xanh lá biếc vô tình thế thôi
Chức bạc, phận cánh bèo trôi
Vườn quê, nhà nát hoang rồi còn đâu
Phiền ngài răn giúp một câu
Vốn nhà cao khiết đã lâu bần hàn!?

Trang trong tổng số 37 trang (369 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: