Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Quang Tri

Tôi cũng thích viết truyện ngắn nhưng biết mình không đủ khả năng,dù đã cố thử sức mấy lần.Qua đây,đọc những câu chuyện của TT thật dí dỏm,mang tính nhân văn và thời sự .Tôi cũng không biết giọng văn của TT là "thế hệ cũ".Qua đây ,tôi mong được đọc một chuyện văn thuộc "thế hệ mới" để có cái mà so sánh như thế nào.Thân mến
Hoa đào ngày cũ còn đâu nữa,
Thấp thoáng bên song một đoá hồng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

@ Quang Trị: cái này thì TT cũng ... chịu, vì viết thì cứ viết thôi còn nó ra sao, hay dở thế nào thì lại là quyền của bạn đọc mà :)
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phạm Thôn Nhân

Phạm Thôn Nhân đã viết:
Tường Thụy đã viết:
Xin chúc mừng anh Phạm Thôn Nhân đã vượt qua cơn hiểm nghèo, di chứng của cuộc chiến tranh tàn khốc.
Cầu chúc những điều tốt lành nhất đến với anh.
(Em cũng là một cựu chiến binh, cầm súng trong những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến)
       CHÀO TƯỜNG THUỴ - ĐỒNG ĐỘI CỦA THÔN NHÂN.

   Cảm ơn TƯỜNG THUỴ đã quan tâm và động viên.TN đã khá hơn rồi.TN mong TT luôn ghé chơi cùng TN nha.
   Mình có một truyện ngắn (1500 từ) về sự ko bị nhiễm thói vô cảm đời nay của những người lính từng trải qua mất mát. TN rất muốn gửi cho TT đọc mà ko biết gửi vào đâu! Nếu TT biết, mách cho TN nha.
................................

Thôn Nhân tìm ra chỗ để thực hiện lời hứa rồi Đ/C Tường Thuỵ ơi!

                HAI CHÚ CHIM GÁY THỜI HẬU H5N1
                                                        Truyện ngắn

 Hôm nay lạnh. Bệnh xương khớp lại dán tôi xuống giường. Linh cảm sắp có khách, làm tôi vui hẳn lên. Hai con cu gáy của tôi bỗng xục xạo, càng khẳng định linh cảm của tôi là đúng.Tôi định tung chăn dậy, thì nghe hai chú chim cùng gù:
   - Gù...gù...gù...
   -Gù... gù... gù...
  Tiếng bác Tùng gù theo hai chú chim, thay cho lời chào tôi và hai chú chim của tôi. Dựng xong chiếc xe đạp, bác Tùng vẫn giọng ăn sóng nói gió thời lính:
   -Dậy! Dậy! Đau cũng dậy.Cho tôi ấm trà ra đây. Hôm nay ta ngồi ngoài này nhé.Tôi đi từ sớm, chỉ để nghe chú Thổ đồng của bác gáy thôi.
   Vụ dịch cúm gia cầm vừa qua, vùng quê bác có ổ dịch, nên thiệt hại nặng. Việc tiêu huỷ mấy con chim gáy, mà bác Tùng coi như bạn tri âm, làm bác thẫn thờ hàng tháng.
   Bác Tùng rất sành trà và cũng là một chuyên gia về chim gáy. Nhờ bác, tôi mới hiểu đôi chút về loài chim mà nghe tiếng gáy của nó, mọi cảm xúc bộn bề ập đến với tôi. Đặc biệt làm tôi xao xuyến nhớ quê.
   Tôi, Thuần và Tùng là sinh viên khoa hoá cùng xung phong nhập ngũ sau sự kiện vịnh bắc bộ 1964. Suốt thời lính, chúng tôi sát cánh bên nhau trong một đơn vị. Cả đại đội, thường gọi chúng tôi là bộ ba"xe, pháo, mã". Trận đường 9, chúng tôi vĩnh biệt bốn đồng chí thân yêu, trong đó có Thuần. Nỗi đau dai dẳng bám chặt đơn vị tôi hàng năm trời. Và bộ ba của chúng tôi chỉ còn "xe, mã" (Đó là bác Tùng và tôi). Hai chúng tôi chiến đấu bên nhau cho tới ngày xuất ngũ. Thật ngẫu nhiên, sau khi tốt nghiệp, tôi và Tùng về công tác tại nhà máy, cách nhà bác Tùng chục cây số. Nay cả hai đều đã nghỉ hưu. Chúng tôi tự cho mình là người may mắn và hạnh phúc nhất, mặc dù hai chúng tôi chỉ có ba cánh tay cùng nhiều căn bệnh trầm kha. Kể cũng hiếm, từ lúc còn trẻ, nay về già vẫn được cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui.
   Bác Tùng nâng chén trà toả khói, đưa đi đưa lại trước mũi tận hưởng hương trà, mắt đăm chiêu nhìn tia nắng cuối thu lọt qua khóm trúc chiếu vào tấm vải phủ lồng chim tạo thành những chấm loang lổ lung linh. Nét mặt bác tư lự...     -Này! Thổ đồng sắp gáy. Cổ anh bạn đang cúi nhẹ, lông hơi xù. Nó sắp nói chuyện với chúng ta đấy. Quả nhiên, chú chim hất nhẹ đuôi và cất tiếng:
 - Cù- cúc cu...cu... Cù - cúc cu...cu... Cù - cúc cu...cu...
 - Con này giọng hay. Ta ngồi gần mà nghe tiếng vang như từ xa, nhưng rất rành rọt. Thế mới tuyệt! Còn đẹp mã nữa chứ. Đầu thon. ức mầu ngói lửa, nở đều. Nhưng tiếng gáy thua con của tôi trước đây một chút. Này nhé - Con của tôi, tiếng "cù" đầu câu nhẹ nhưng vang, còn tiếng thứ hai thứ ba: "Cúc cu..." giọng thổ vang vọng. Đến tiếng thứ tư chuyển giọng thổ đồng thật là âm...
  -Mình là bậc cao niên, là cựu chiến binh... Ta quá hiểu: chiến tranh và dịch đâu phải trò đùa! phải hy sinh thôi, chứ thực tình tiêu huỷ mấy con chim tôi buồn lắm...
  Tôi lặng im, không muốn quấy rầy dòng suy nghĩ của bác. Bỗng bác hạ giọng như tự nói với mình:
 -Bác nhớ năm Mậu Thân, khi đơn vị tập kết ven rừng sát biên giới. Cũng heo may cuối thu, cũng nắng hanh hao. Bỗng nghe tiếng chim gáy vọng từ phía bìa rừng. Tôi liền thao thao những kỷ niệm đẹp về loài chim và tiếng gáy của nó. Cả tiểu đội bỗng trầm đi vì nhớ nhà. CậuTân, cậu Hoà lính mới còn thút thít khóc. Nghĩ lại tôi thấy mình thật vô ý. Nhất là trong hoàn cảnh lính mới sắp vào trận lần đầu.
 - Lúc đầu, mọi người đua nhau kể về quê mình. Nhưng chỉ lát sau, cả tiểu đội lặng đi. Còn tôi, lúc đó nhớ quê gia diết. Một vùng quê yên ả, quanh năm sóng lúa rì rào. Tôi nhớ, thường vào lúc gần trưa, từ phía rặng xoan vườn nhà một tiếng cu gáy, gáy sôi lên như đón tôi từ trường học về. Tôi bắt đầu chú ý và yêu thích tiếng chim gáy từ cái buổi ở bìa rừng hôm đó. Dọc nẻo hành quân, mỗi khi nghe tiếng chim gáy, bác lại giảng giải cho tôi thế nào là giọng kim, giọng thổ, giọng thổ đồng... Lại còn phân biệt tướng mạo của chúng...
  Bác Tùng nhấp một chút nước, chúm miệng gáy rất sôi. Mắt bác bỗng sáng, lanh lợi như những đốm nắng lung linh đùa rỡn trên những chiếc lá trúc xanh biếc, mắt hướng về phía con giọng kim nghe nó gáy đối đáp:
 - Cúc -cù cu...cu... Cúc -cù cu...cu....
 Để phá đi không khí trầm mặc, cũng để bác đỡ buồn nhớ những chú chim thân yêu của bác, tôi quyết định tặng bác con Thổ đồng của tôi:
  - Bác Tùng, Bác đem con Thổ đồng về nuôi.Tôi nuôi con Kim. Lâu nay chúng ta không làm thơ đấy. Lần sau, nhất định mỗi người phải có một bài rồi đem bình cho vui.
   Bác Tùng ngần ngừ một lát, rồi vui vẻ đồng ý. Bác cho lồng chim lên xe đạp, bắt tay tôi, từ biệt ra về.
*
  Kể cũng lạ, từ ngày bác Tùng mang con Thổ đồng đi, con Kim của tôi không gáy. Cu cậu ủ rũ buồn ra mặt. Mấy ngày đầu tôi không chú ý, nghĩ cũng là lẽ thường. Nhưng qua một tuần, cu cậu không những không gáy, mà ăn uống cũng kém. Tôi biết nó buồn, nhớ bạn phát ốm. Bác Khương hàng xóm là người kinh doanh chim cảnh bảo tôi:
 - Bác cứ hay lo nghĩ, con cu gáy của bác không ốm đau gì sất! Vô tư đi. Còn nó không gáy ư. Vài hôm quen hết. Không đáng quan tâm. Con chim ấy mà!
   Mọi khi tôi chỉ "gù" một tiếng, nó đã gù theo. Khi tôi cho nó ăn, nó còn mổ, và day tay tôi, đùa nghịch với tôi giai dẳng. Thậm chí tôi đã bỏ tay nó còn thò đầu đòi tôi chơi tiếp. Mấy hôm nay tôi cho cu cậu món đậu xanh khoái khẩu, nó thờ ơ. Tôi "gù" gọi, đưa ngón tay đùa với nó, nó cũng mổ tay tôi, nhưng tôi nhận ra sự gượng gạo, buồn buồn. Lòng tôi nặng chĩu...
  - Chú mày có tâm sự phải không? Tao cũng buồn lắm. Nhớ Thổ Đồng lắm. Chú mày tưởng, chỉ có chú mày...
    Tôi đang chuyện với con Kim thì bác Tùng đã dừng xe, ghếch chân lên trụ đặt khóm trúc, cánh tay duy nhất giơ lồng chim có con Thổ đồng, miệng nói tiếp câu mà tôi đang nói giở:
  - Chỉ có chú mày buồn thôi ư! Tao cũng đang nẫu ruột ra đây... Bác ạ, con Thổ đồng về với tôi, nó buồn, nhớ bạn, hệt như chú Kim của bác. Mà thôi...
  - Này anh bạn, tôi đem bạn anh về với anh đây nhé!
  Bác Tùng nhẹ nhàng treo chú Thổ đồng vào chỗ cũ. Lặng lẽ bày chiếc ghế đẩu làm bàn. Bác lấy chiếc bình tông, vẫn còn lớp vỏ bọc nhưng ngả mầu vàng ệch, đặt lên ghế, và giục tôi lấy chén. Tôi lặng lẽ làm theo. Hai chén được rót đầy rượu, chúng tôi cụng chén. Không gian tĩnh mịch. Cả những đốm nắng cuối thu cũng đậu im phắc trên lá trúc và trên mặt sân. Giọng bác Tùng xa xăm:
 - Chiến tranh, sự vô tình, ích kỷ, và tính vô cảm của con người... Đó là sự huỷ diệt. Huỷ diệt cả thế giới hữu hình và vô hình! Bác xem kìa, hai chú chim linh lợi hẳn lên khi gặp nhau... Chú Thổ đồng buồn khi xa bạn đã gợi cho tôi ý thơ. Tôi đọc bác nghe nhé. Bài thơ viết gởi cho "Pháo" của chúng ta đấy:
Ai Lao. Gió Lào.
Trời Tây. Viễn xứ.
Mịt mù. Gió hú.
Lao Bảo, Đèo cao.
Buồn nao nao,
Đất khách…

Đìu hưu, lau lách,
Rừng chiều…
chạnh lòng,
Thương nhớ.
Linh thiêng,
Theo gió.
Về đây!

Câu thơ,
Từ mắt, Cay cay.
Ta ngâm ngợi,
Để cùng say,
Gió Lào...
 Nghe đến đây, tôi lặng lẽ vào lấy thêm chiếc chén. Bác Tùng rót ba chén đầy. Ba tay ba chén cụng đánh cạch, nhẹ mà vang. Tôi lặng lẽ rót một chén xuống đất. Cứ như vậy, chúng tôi đứng lặng im uống ba chén liền... Mùi rượu từ sân toả lên thơm lựng. Cả hai chúng tôi như quyện vào hương rượu bay lên bồng bềnh ... Hai chú chim cũng cất tiếng gáy đưa chúng tôi về với cánh rừng thủa nào của một thời lính trẻ...  
.
Thiên trường địa cửu vô chung tất
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

@ Phạm Thôn Nhân: Cảm ơn anh đã mang truyện vào đây cho em đọc. Truyện của anh đọc bâng khuâng day dứt quá. Đúng là những người lính trải qua chiến tranh còn bao nhiêu điều muốn nhắn gửi. Chúc anh mạnh khoẻ.
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


ANH TRUNG QUỐC GHEN?

Phiếm đàm


    Em Việt Nam là một cô gái xinh đẹp nên khối anh muốn chim. Những anh giàu có, nhà mặt đại dương, làm to (ở Liên hợp quốc) như Trung Quốc, Nga, Pháp, Mỹ đều thích em cả.
    Em như thế sao lai không thích cơ chứ. Này nhé: gương mặt em rực rỡ như một bông hoa buổi sớm, các anh đi trên máy bay nhìn xuống em có cảm giác như đi trên một rừng hoa. Dáng em lại tuyệt vời, lộ rõ đường cong mềm mại hình chữ S trông thật hấp dẫn, gợi tình. Em nằm xõa tóc, tênh hênh bên bờ Biển Đông thơ mộng, hai núm bồng đảo Lưỡng Sa (Hoàng Sa, Trường Sa) ưỡn ra Thái Bình Dương, anh nào đi qua trông thấy chẳng nao lòng mà nhớ đến mấy câu thơ của Hồ Xuân Hương:
    Lược trúc chải dài trên mái tóc
    Yếm đào trễ xuống dưới nương long
    Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

    Nhà em VN ở giữa cái chợ phồn thịnh và sôi động nhất địa cầu. Nếu lấy chính điện nhà em (Hà Nội) làm tâm, quay một vòng tròn thì sẽ bao gọn cả xóm Đông Nam Á. Cha mẹ em lại để cho em bao nhiêu của hồi môn nên em có của ăn của để. Vàng cha mẹ em giấu ở Quảng Nam, than ở Quảng  Ninh, sắt ở Thái Nguyên, thiếc ở Quì Hợp, boxit ở Tây Nguyên ... Lúa gạo thì nhiều vô kể từ hai thửa ruộng to nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Em ăn không hết, mang ra chợ bán bốn năm triệu tấn một năm. Riêng dầu mỏ cha mẹ em chôn ngoài khơi Vũng Tàu và còn cẩn thận giấu ở chỗ ít ai để ý là vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa (nói ít ai để ý là hồi trước cơ). Thiên hạ còn xì xào rằng nếu hút hết dầu trong ao nhà em thì dầu của các anh Trung Đông, Nam Dương ... tự nhiên lại dồn đến, làm cho mấy anh Ô-pếc đừng nhìn, tức mà ứ làm gì được. Nghĩa là các túi dầu dưới ao nhà em là túi dầu Thạch Sanh.
    Tuy vậy, em không thích sống xa hoa, chỉ cần mo cơm quả cà là xong bữa, có thể khai phá con đường đi lên thiên đường chủ nghĩa cộng sản được rồi. Cái chính em cần là cái tình, một tình yêu đích thực không vụ lợi.
    Xinh đẹp, hiền thục và có nhiều lợi thế khác nên việc em VN bị những thằng đàn ông tìm cách chiếm hữu cũng là lẽ đương nhiên. Hồng nhan thường là trắc trở về đường tình duyên. Cái đận 1954, sau khi đi hội nghị Giơ-ne-vơ về, em VN bị hai anh mê liền một lúc. Anh TQ cậy gần nhà, chỉ cách nhau cái giậu mồng tơi nên nhanh tay yêu được phần trên, tha hồ hôn hít xoa bóp. Anh Mỹ thì ở xa, đến chậm hơn thì yêu phần dưới. Nhưng ai cũng bảo anh Mỹ chiếm phần dưới là vớ bở, là thực dụng, chứ phần trên thì ăn thua gì. He he. Ấy là chưa kể phần dưới em còn hòn ngọc Viễn Đông nữa.
    Anh TQ dèm pha rằng thằng Mỹ tuy giàu và đẹp trai (thế mới gọi là Mỹ) làm ra vẻ hào phóng nhưng thực dụng, không hào hoa lãng mạn, thiếu chung thủy. Của nả nhà nó toàn do bóc lột giá trị thặng dư từ mồ hôi nước mắt của công nhân mà có. Phải như ở phe ta thì nó đã bị tịch thu hết tài sản, đem bắn từ lâu rồi. Nó lại là thằng đa tình, thấy cô gái nào cũng sán đến tán tỉnh. Nhà nào có con gái bị chèn ép, đối xử bất công nó cũng tìm cách nhúng mũi vào bênh vực hộ nên người ta mới gọi nó là sen đầm quốc tế.
    Còn anh Mỹ thì bảo thằng TQ nghèo, nghe thằng Nga suỵt chó vào bụi rậm, đi quàng đi xiên, lấy nó rồi khổ một đời. Bây giờ có tí của đã khoe nhặng lên mà giàu xổi thì không bền. Ấy là chưa kể đến tính nó hung hăng, cục súc. Nó chuyên dùng sức mạnh để bắt người ta yêu nó. Nó cho rằng tình yêu đẻ ra từ nòng súng, đầu tiên dẫu có bị cưỡng bức nhưng mãi rồi sẽ quen, tình yêu thực sự sẽ dần dần nảy nở.
    Nhưng em VN vốn là người có tình nghĩa, thấy anh TQ cho nhiều quá, khi thì bát gạo, lúc thì phong lương khô, đôi khi lại mảnh vải may quần áo trong khi nhà anh cũng chẳng khá giả gì nên sinh ra nể. Mặt khác, tuy hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay là vậy nhưng anh TQ cũng dẻo mỏ ra phết. Anh nóng tính đấm em một quả xong xoa dịu, bảo rằng chuyện vặt ấy mà, bát đĩa còn xô nhau huống chi bồ bịch (mà bồ thì phải bịch chứ nhỉ), hai đứa hãy khép lại quá khứ hướng tới hôn nhân, chớ để tụi đế quốc nó lợi dụng. Em VN ấm ức: "Anh khôn thế, không nhắc lại thì chỉ có lợi cho anh thôi bởi anh ra tay thì anh xấu, chứ em bị ăn hiếp thì xấu chi, kêu ra ai người ta chẳng bênh em". Nhưng đến khi anh TQ mang 16 chữ vàng với bốn cái tốt ra tán thì em VN lại mê tít. Em vốn bao dung, vị tha mà.
    
    Trong tình trường, người ta có câu: "Nhất cự ly, nhì cường độ" nên em VN sau này ngả hẳn vào vòng tay anh TQ không cho anh Mỹ yêu phần dưới nữa cũng là dễ hiểu. Nhưng qua thời gian tìm hiểu mấy chục năm (may mà chưa cưới), càng ngày em VN càng thấy anh TQ không thật lòng, có nhiều cái rất đáng khả nghi mà kẻ độc miệng gọi là mưu mô, nham hiểm.
    Anh TQ sang giữ nhà hộ em VN nhưng lại tranh thủ nghiên cứu đường đi lối lại để sau này sang ăn trộm. Nhà em hở hang ra cái gì là anh tìm cách chôm hay xâm lấn theo kiểu chó sói gửi chân. Anh sang nhà em đào ngạch khoét núi nói là làm trận địa nhưng thực ra là tìm của nả tổ tiên anh giấu, cho vào ô tô bịt kín chạy thẳng về, em không dám kiểm tra. Anh rất hay để ý đến cái giậu mồng tơi, thấy chỗ nào tiện là anh nhổ cọc giậu cắm lùi sang nhà em một tí. Anh mượn vườn nhà em làm lối đi, sau anh cãi đường anh làm nghĩa là đất của anh. Ấy vậy mà cuối cùng cũng được nhiều phết, toàn chỗ trọng yếu cả. Thác Bản Giốc trước khi các cụ nhà em mất, nó nằm hẳn bên này giậu mồng tơi. Hàng ngày em vẫn ra tắm và soi gương xuống suối. Thế mà anh vẫn đòi em chia cho một nửa rồi đòi tắm chung (thẹn chết đi được). Lối đi sang nhà anh, có cái cổng gọi là ái tình quan anh cũng bắt em dịch vào mấy trăm mét.
    Nhà em với nhà anh chung một cái ao con, góc ao có bến tắm Tục Lãm, trước đây các cụ hai bên đã thống nhất chia rồi, nay anh bắt chia lại sao cho anh được lợi hơn. Anh xoa dịu: chia thế, nhưng cá bên anh sang bên em, em cứ việc bắt. Nói thế thì ai chả nói được. Em lè lưỡi.
    Hai cái cồn ngoài khơi của nhà em VN, anh TQ ra chiếm mất, nói là đất nhà anh vì có xương tổ tiên của anh ở đó. Em VN tức quá bảo vậy ở Gò Đống Đa có ối xương cụ tổ nhà anh, thế thì Hà Nội cũng là của nhà anh chắc. Anh TQ cay lắm nhưng không cãi được.
    Cứ thế, vừa yêu nhau, vừa cãi nhau, vừa đánh nhau nhưng vẫn chả đứa nào bỏ được đứa nào. Em VN muốn khép lại quá khứ lắm nhưng nhưng cứ định khép thì lại phát hiện ra anh TQ ngày càng tỏ ra tham lam, muốn dỡ hẳn cái giậu mồng tơi đi để "tớ sang ở với mình cho vui".

    Anh Mỹ thì tinh quái, thấy đôi tình nhân trục trặc, biết là cơ hội đã đến nên lại ra sức tìm cách ve vãn tán tỉnh em VN. Còn em VN trước đây chê đứng chê ngồi anh Mỹ bây giờ cũng liếc mắt đưa tình vì em đã chán thằng tình nhân kia rồi.
    Tháng trước, anh Mỹ đến nhà em VN chơi nhân dịp 15 năm hai đứa không ghét nhau nữa. Anh ngồi ở giữa nhà lớn tiếng phản đối đứa nào âm mưu dùng vũ lực chiếm cái hồ xóm em làm anh TQ tức điên lên vì anh cho rằng cái hồ ấy là "lợi ích cốt lõi" của anh (khoản nhận vơ là anh TQ nhất). Anh Mỹ cho rằng anh í cũng có lợi ích ở đấy (chắc  anh muốn khoe là anh sắp chiếm được trái tim em VN rồi). Điều này làm cho em VN can đảm hơn, hình như em đang muốn thoát khỏi cái bóng của anh TQ. Tuy em vẫn còn yêu nhưng em muốn yêu bình đẳng hơn chứ không phải vừa yêu vừa sợ. Những nhà gần em thấy vậy thích lắm vì nhà nào cũng đã từng bị anh TQ chim chuột và bắt nạt, thậm chí bị cưỡng hiếp lấy mất một cái gò bồng đảo như chị Phi Luật Tân chẳng hạn. Họ đồng thanh cùng em VN đưa vấn đề tranh giành cái hồ xóm em ra làng hóa chứ không muốn để anh TQ tán tỉnh và áp đặt cho từng em một mà anh gọi là đàm phán song phương.
    Anh TQ thấy thế nhảy dựng lên, tuyên bố, đe dọa đủ thứ, chắc là vừa ghen vừa sợ đụng chạm đến quyền lợi của anh. Anh mắng anh Mỹ xúi giục em VN và hàng xóm của em chống anh. Anh mang tàu với súng đạn ra khơi bắn ầm ầm để diễu võ giương oai. Anh cho đem cả phi đạn Đông Phong-21D ra khoe, nói là đó là loại hoả tiễn bắn chính xác tới 1500 cây lô mếch để diệt tàu sân bay (ý là của anh Mỹ tình địch). Anh Mỹ thì vẫn nhởn nhơ hát karaoke, coi như không có chuyện gì: "Em yên tâm, ba thứ vặt vãnh đó trước khi đụng vào tầu của bọn anh thì nó đã tan xác rồi". Khi lên tiếng, anh TQ không dám dọa trừng phạt xóm em về quân sự nhưng dọa trả đũa về kinh tế. Em VN và mấy chị hàng xóm cười hic hic, yên trí, có gì đã có anh Mỹ bao. Xóm em thừa biết anh TQ tuy hung hăng là vậy nhưng vẫn khiếp anh Mỹ vì anh ấy khỏe hơn, giàu có hơn và nói năng mọi người dễ nghe hơn, nhất là anh chẳng thèm tơ hào của nhà ai cái gì. Họ bảo anh này đúng là Lục Vân Tiên ở Tây bán cầu.
    Mấy hôm sau, anh Mỹ còn mang tàu sân bay đến gần ao nhà em VN, cho máy bay rước em ra chơi để khoe giàu khoe mạnh và để ... chim cho kín đáo. Anh còn mang tàu khu trục vào tận bờ ao nhà em VN tán tỉnh, lại mang cả bệnh viện hàng không đến chữa bệnh cho em nữa:
    Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
    Cho thịt da em lại nở trắng ngần.

    (Chắc không phải là bênh giang mai, he he mặc dù bị anh TQ cưỡng hiếp ba lần, một lần ở giậu mồng tơi, một lần ở Hoàng Sa và một lần ở Trường Sa).
    Việc em VN đầu mày cuối mắt với anh Mỹ, tất nhiên anh TQ theo dõi từng ly từng tí nên biết cả nhưng có đứa nào dèm pha kích đểu thì anh cay đắng nói chuyện đó là chuyện của hai đứa chúng nó. Nhưng cô con gái yêu kiều xinh đẹp mà anh đã từng độc quyền ve vuốt ngót năm chục năm (đã trừ hơn 10 năm giận nhau ra) bây giờ để thằng khác chim chuột trước mặt mình sao lại không ghen cơ chứ. Tuy anh TQ không đặt nặng nề về khái niệm trinh tuyết nhưng cú nhất là em VN muốn thoát khỏi vòng cương tỏa của anh. Cứ đà này rồi bồ bịch của anh TQ trong cái xóm ấy phản lại anh hết, cuối cùng chỉ còn trơ lại anh với thằng Bắc Hàn chơi với nhau, mà thằng Bắc Hàn thì cả làng người ta ghét. Bụng nghĩ vậy nhưng lại không có lý do gì nên anh TQ đành phải nói chúng nó ôm ấp nhau ứ liên quan gì đến mềnh.
    Bạn bè của anh Mỹ thấy thế thì rào rào vỗ tay cổ vũ, bạn bè anh TQ (ít hơn) thì ấm ức. Còn mấy chị ở tận Bắc Âu trung lập như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan chẳng nói gì, quay sang ru con:
    Thân em như tấm lụa đào
    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.



12/8/2010
Tường Thụy

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


TỰ TRÓI MÌNH?

    
    Trong chuyến công tác sang Trung Quốc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10/2010, ông Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ quốc phòng trả lời báo chí khẳng định chính sách ba không trong chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó là không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không được dựa vào nước này để chống nước kia.
    Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh còn nói, Việt Nam (VN) và Trung Quốc (TQ) là hai nước láng giềng, có đại cục quan hệ tốt đẹp, VN ủng hộ và vui mừng trước sự phát triển của TQ, trong đó có phát triển quốc phòng.
    Trong quan hệ Việt - Trung sáu chục năm nay, TQ không ngừng đòi hỏi về lãnh thổ đối với VN. Hai nước đã nổ ra một cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 (còn lẻ tẻ kéo dài sang nhiều năm sau) và hai trận đánh chiếm đảo. Các cuộc chiến này đều do TQ ra tay trước và đều thực hiện được mục tiêu của họ. Tham vọng của TQ ngày càng lớn hơn tới mức coi Biển Đông như ao nhà, là "lợi ích cốt lõi" của họ. Quan hệ Việt - Trung hiện nay không thể nói về cơ bản là tốt đẹp mà phải nói ngược lại.
    Dù chúng ta yêu chuộng hòa bình nhưng chính sách quốc phòng ba không chỉ có thể thực hiện khi VN không chịu sự đe dọa của một nước lớn nào. Nhưng lịch sử đã đặt VN vào vị trí cạnh anh hàng xóm khổng lồ tham lam vô độ với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Chưa nói đến sự thua thiệt về biên giới trên bộ, hiện nay TQ đã chiếm của VN trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa, và chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa, trong đó cướp trực tiếp từ tay VN đảo Gạc Ma mà VN hy sinh 64 chiến sĩ nhưng không giữ nổi.
    Việc khẳng định chính sách quốc phòng ba không vào lúc này sẽ như là một tín hiệu xanh cho TQ rằng họ cứ yên tâm thực hiện tham vọng lãnh thổ, biển đảo, rằng những gì trót mất vào tay họ thì VN coi như sự đã rồi.
    VN không bao giờ có ý định tấn công TQ, điều đó là đúng nhưng điều ngược lại, tức là TQ không bao giờ có ý định tấn công VN thì chỉ có kẻ liều mới dám khẳng định. Thử hỏi khi TQ tiến hành chiến tranh xâm lược VN một lần nữa thì điều gì sẽ xảy ra? Có thể nói rằng VN không tự mình bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ trước TQ nếu không liên minh quân sự với nước khác.
    Trong quá khứ, trước tình hình quan hệ Việt Trung xấu đi một cách trầm trọng, VN đã từng ký với Liên Xô Hiệp ước hợp tác toàn diện vào ngày 3-11-1978. Theo đó, VN có quyền yêu cầu và Liên Xô có quyền tham chiến khi VN bị xâm lược. Năm 1979, Việt Nam cũng đã từng cho Liên Xô (sau đó là Nga) thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự trong 25 năm, sử dụng cảng như một cơ sở hậu cần kỹ thuật chính của không quân và hải quân Nga ở Đông Nam Á.
    Quan hệ Việt - Mỹ gần đây có những bước phát triển vượt bậc. Sự trở lại Đông Nam Á của Hoa Kỳ đã làm cho TQ tức giận còn dân chúng VN và các nước Đông Nam Á hân hoan. Tiếng nói của VN trong việc khẳng định chủ quyền đã mạnh mẽ hơn. Nhưng trước những tín hiệu phát ra từ Hoa Kỳ thì việc đưa ra chính sách ba không vào lúc này liệu có làm cho họ bẽ bàng?
    Đành rằng, trong thế cuộc hiện nay, VN không thể tuyên bố sẽ liên minh quân sự, sẽ cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự vì điều đó gây nên sự căng thẳng trong khu vực và tạo cớ cho TQ leo thang chiến tranh, "đánh trả tự vệ". Chúng ta cũng mong rằng VN sẽ không phải liên minh quân sự với nước khác hay tham gia một khối quân sự nào đó. Nhưng khẳng định chính sách quốc phòng ba không vào thời điểm này vô hình trung vừa khuyến khích tham vọng của TQ, vừa tự trói tay mình.

Nguyễn Tường Thụy
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


PHẢI CHĂNG BIỂN ĐÔNG ĐANG YÊN TĨNH?

    
    
    Dưới tiêu đề "Đề nghị báo cáo Quốc hội tình hình Vinashin" đăng trong "Tuổi trẻ online" ngày 26/8/2010 có một đoạn như sau: "Ông Bình cũng cho rằng nên báo cáo Quốc hội về tình hình biển Đông và tình hình an ninh trước Đại hội Đảng để các đại biểu thảo luận, tạo sự đồng thuận. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kết luận chưa cần báo cáo tình hình biển Đông vì so với báo cáo của Bộ Ngoại giao tại kỳ họp thứ 6 (cách đây một năm - NV), đến nay không có gì mới".
    Chỉ với dòng chữ nằm khuất trong một bản tin mà tiêu đề tưởng không liên quan gì, như là một sự vô tình của báo Tuổi trẻ nhưng lại làm cho nhiều người quan tâm.
    Tình hình biển Đông "so với báo cáo của Bộ Ngoại giao tại kỳ họp thứ 6 đến nay không có gì mới". Ông Chủ tịch Quốc hội nói thế, người ta sẽ hiểu rằng, tình hình Biển Đông một năm qua là yên ổn, Trung Quốc (TQ) không có hoạt động gì làm rắc rồi thêm tình hình.
    Nhưng thực tế thì từ đầu năm đến nay, TQ vẫn tiếp tục có những hành động đơn phương thực hiện quyền làm chủ của mình ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam (VN). Xin nêu một vài sự việc:
     -    Tháng 5/2010, TQ tiến hành lắp đặt và đưa vào sử dụng một trạm thu phát sóng đầu tiên trên đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa). Ngoài ra họ đang tiến hành lắp đặt thêm một số trạm thu phát sóng ở một số đảo khác nữa.
    -    TQ vẫn tiếp tục tổ chức hoạt động diễn tập quân sự của hải quân tại quần đảo Hoàng Sa. Họ đã cho hàng trăm xe bọc thép, pháo tự hành với hàng ngàn quân ra quần đảo Hoàng Sa tiến hành diễn tập. Trong lần diễn tập này, lần đầu tiên hải quân TQ đưa vào sử dụng một khối lượng lớn vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật quân sự mới.
          -    Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, TQ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, có tàu quân sự bảo vệ nhằm mở rộng đảo này để xây dựng công trình trên đảo. Khi người phát ngôn Bộ ngoại giao VN phản đối thì người phát ngôn bộ ngoại giao TQ lập tức lên tiếng bác bỏ và tái khẳng định TQ “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Hoàng Sa.
    -    Đầu tháng 4/2010, TQ điều hai tàu Ngư Chính 311 và 202 (sau đó thay bằng tàu Ngư Chính 301 và 302)  đến tuần tra trong khu vực Trường Sa. Phía TQ cho biết, hai tàu này được điều đi với mục đích tuần tra và hộ tống các tàu đánh cá của họ trong khoảng thời gian một tháng ở quần đảo Trường Sa. Hành động này nhằm khẳng định quyền đánh cá của TQ ở Biển Đông, ngăn chặn những tàu không phải là của ngư dân TQ đánh bắt cá.
- TQ công bố lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển Đông từ 12h trưa ngày 06/0512010 đến 12h trưa ngày 01/08/2010. Khu vực TQ cấm đánh bắt cá bao gồm cả những phần thuộc lãnh hải của VN, trong đó có  hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
     -    Theo New York Times thì trong tháng 3/2010, Trung Quốc đã nói với hai quan chức cao cấp Hoa Kỳ đang viếng thăm rằng, Bắc Kinh sẽ không tha thứ cho bất cứ sự can thiệp nào trên Biển Đông, rằng bây giờ Biển Đông đã là một phần các lợi ích cốt lõi về chủ quyền của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đặt Biển Đông vào danh mục "lợi ích cốt lõi" của quốc gia, ngang hàng với Đài Loan và Tây Tạng. Điều này nói lên quyết tâm của TQ với những yêu sách biển đảo mà họ đã đưa ra.
    Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và  khoảng 80% Biển Đông cùng với những hành động leo thang ráo riết làm cho tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng. Cho đến nay, không có bất cứ một động thái nào chứng tỏ TQ từ bỏ hoặc rút bớt tham vọng đó. Điều này làm những người VN quan tâm đến vận mệnh của Tổ quốc hết sức lo ngại. Thế nhưng sự đánh giá của ông Nguyễn Phú Trọng về tình hình Biển Đông hiện nay khiến cho người ta không khỏi ngạc nhiên và không thể lý giải nổi.


27/8/2010
NTT
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


PHẢN ĐỘNG, BẤT MÃN?

(Nhân đọc bài "Lại thư của nông dân: về việc bị công an thẩm vấn vì “phát tán tài liệu” trên Bauxite Việt Nam)


    Phản động nghĩa là người có lời nói hoặc hành động chống lại cách mạng, chống lại trào lưu tiến bộ. Trong đó, cách mạng là một sự thay cái cũ bằng cái tiến bộ hơn. Ví dụ: cách mạng Tháng Tám lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thay cho chế độ thuộc địa.
    Bất mãn là không thỏa mãn, về một điều gì đó.
    Phản động thì xấu, nhưng bất mãn thì chưa chắc.
    Người dân đi bị xử oan sai thì họ bất mãn.
    Nạn tham nhũng ngày càng gia tăng theo cấp số nhân (vì một kẻ tham ô mà không bị xử hoặc xử lấy lệ thì sinh ra nhiều kẻ tham ô khác). Tham nhũng đã trở thành quốc nạn nên người dân bất mãn.
    Pháp luật không được tôn trọng, cán bộ Nhà nước làm việc theo ý muốn riêng, dân có kiện cũng không làm gì được, điều đó làm cho dân bất mãn.
    Dân còn nhiều người đói khổ trong khi rất nhiều kẻ ăn chơi xa hoa, trụy lạc, có tài sản khổng lồ không phải do tài kinh doanh mà do làm cán bộ mà có, càng vị trí cao tài sản càng lớn. Điều đó làm cho dân bất mãn.
    Ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắt khi đánh cá ở vùng biển Việt Nam. Họ bị đánh, bị cướp của, bị giam giữ cả tàu lẫn người và đòi tiền chuộc nhưng Chính phủ cho người phát ngôn Bộ ngoại giao phản ứng mấy câu yếu ớt, điều đó làm cho dân bất mãn.
    Dân biểu tình phản đối Trung quốc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam), trực tiếp quản lý ba quần đảo trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN, bị cấm đoán. Viết ba chữ HS-TS-VN lên tường để thể hiện cơ thể Việt Nam là một khối thống nhất cũng phải lén lút. Điều đó làm cho dân bất mãn.
    Có thể kể ra vô số những điều làm cho người dân bất mãn nữa.
    Thế nhưng người ta thường dùng bất mãn với nghĩa xấu, không đếm xỉa đến tại sao họ bất mãn. Chẳng hạn nói tên này tên kia do bất mãn với chế độ nên có những việc làm này, việc làm kia.
    Còn "phản động" thì sao? Người ta hay dùng từ này để qui chụp cho người khác một cách rất tùy tiện. Những ai có lời nói, bài viết không phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước, thậm chí chỉ cần trái ý ông chủ tịch xã đều cho là phản động cả. Điều đó cũng có nghĩa rằng họ cho Đảng và Nhà nước bao giờ cũng đúng.
    Đảng CSVN đã từng phạm nhiều sai lầm. Thí dụ trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, trong phong trào hợp tác hóa, trong vụ Nhân văn giai phẩm, vụ xét lại chống Đảng ... cuối cùng phải sửa sai. Những việc làm đó đã làm cản trở bước tiến của xã hội, làm cho nước ta tụt hậu so với thế giới nói chung và các nước trong khu vực nói riêng. Nhưng đã ai dám nói những chính sách đó là phản động?
    Hiện nay, tình trạng công dân chết trong trụ sở công an khi bị giam giữ hay bị "mời" đến làm việc xảy ra ngày càng nhiều. Những chuyện này đã gây phẫn nộ trong nhân dân, làm băng hoại lòng tin của dân đối với chế độ. Nhưng mấy vị công an làm chết dân (chữ dùng theo báo chí Nhà nước, chứ không dám nói là đánh chết hay bắn chết) đã ai dám gọi là phản động?
    Bauxit Việt Nam là một website yêu nước, chỉ có điều là đăng những bài viết mang tính phản biện, không phù hợp với quan điểm chính thống nên nhiều người được cảnh báo đó là trang mạng phản động, có xem cũng phải lén lút. Khi làm việc với giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người lãnh đạo Tổng cục an ninh đã nói rằng trang mạng này là một tiếng nói nhiệt huyết với đất nước của giới trí thức, người điều hành trang mạng là một trí thức uy tín, từ đời ông đời cha cho đến bản thân đều giữ vững truyền thống yêu nước và cách mạng, tuyệt đối không có liên hệ với lực lượng thù địch trong nước cũng như nước ngoài. Kết luận này thật đáng hoan nghênh. Trong khi đó, ông Tuấn công an tỉnh Bình Dương thì nói trang Bauxite Việt Nam là trang mạng có nội dung đi ngược đường lối của Đảng và Nhà nước ta (bài "Lại thư của nông dân: về việc bị công an thẩm vấn vì “phát tán tài liệu” trên Bauxite Việt Nam). Điều ông Tuấn nói (đi ngược lại) có thể đúng ở những khía cạnh cụ thể nào đó nhưng không có nghĩa là phản động. Theo tôi, giáo sư Nguyễn Huệ Chi và cộng sự muốn phản biện, bác bỏ  những gì mà các ông cho là "phản động", nếu hiểu phản động theo đúng nghĩa của từ này.
    Hình như càng các quan chức địa phương, càng hay qui chụp tùy tiện. Dân cãi lại một ông bí thư cũng cho là chống Đảng. Công an, quan chức nào áp bức dân cũng thích nhân danh người của Đảng để làm bậy. In một bài trong bauxite Việt Nam ra cho người khác đọc cũng bị truy bức, đến công an tỉnh cũng phải can thiệp, bị mang tiếng là kẻ phản động (trường hợp ông Kim Văn Vũ, bài đã dẫn). Tôi dám chắc nếu có đến nhà ông Tổng bí thư chơi, mở nhờ máy tính nhà ông mà vào trang bauxit Việt nam thì ông cũng không cấm đoán gì, có chăng chỉ hỏi: "Ông (bà) thích đọc trang đó à" và im lặng suy nghĩ.
    Khẩu hiệu "Sống và làm việc theo pháp luật" dường như bây giờ không mấy được quan tâm. Hãy thử xem, nếu thực hiện đúng luật pháp thì dân được lợi hay cán bộ Nhà nước được lợi? Câu hỏi dễ trả lời, đó là dân được lợi vì dân thì không tham nhũng được. Vì tiền đóng góp của dân không không bị rơi vào túi bọn quan tham mà được sử dụng vào những việc ích nước lợi nhà. Làm đúng pháp luật sẽ không có vấn đề dân oan.
    Hãy làm quen với khái niệm những gì pháp luật không cấm thì được phép làm. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một người yêu nước, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Anh có kiến thức sâu rộng, am hiểu thời thế, có lòng dũng cảm, các bài viết của anh lập luận chắc chắn, có tính thuyết phục rất cao. Bài "Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại" của anh là một trong những bài viết chứng tỏ điều đó. Thế mà công an và an ninh Bình Dương dám bảo Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ rằng anh chống đối xuyên tạc đường lối của Đảng và Nhà nước, rằng nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, rằng không biết gì về quân sự. Nếu đúng thế sao không khởi tố anh ra tòa?
    Gọi đài VOA là địch thì biết đâu họ cũng cho mình là địch. Nên nhớ ta qui chụp cho ai đó là phản động thì họ cũng có thể cho mình là phản động. Phản động là cản trở trào lưu tiến bộ. Vậy nên khi nghe, thấy những gì mình không thích chớ nên qui chụp lung tung. Mà đã nói ai đó phản động thì nên có gan xác nhận ý kiến đó bằng văn bản. Phải chăng họ cũng không tin lắm vào những điều kết tội người khác?

Nguyễn Tường Thụy
(Bài đã đăng ở bauxit Việt Nam)

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

DNH xin trích đăng bài của ông Trần Duy Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Cựu chiến binh VN (trang 31-33, “Thông tin Cựu chiến binh”, số 206, 9/2010):

DIỄN BIẾN MỚI VỀ ĐỘNG THÁI ĐỊA CHÍNH TRỊ Ở KHU VỰC BIỂN ĐÔNG HIỆN NAY

Vừa qua, Bắc Kinh đã chính thức tuyên bố Biển Đông là một trong những quan tâm sống còn của Trung Quốc, bên cạnh Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương…
Một số báo chí nước ngoài nhận định: Sở dĩ Bắc Kinh xem trọng vấn đề Biển Đông như vậy, vì ở đó có nguồn tài nguyên dầu mỏ và tài nguyên hải sản. Trung Quốc cho xây dựng ở đảo Hải Nam một căn cứ mới dành cho tàu ngầm tấn công và tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Đầu năm 2010, Trung Quốc thông báo ý định khai thác du lịch ở quần đảo tranh chấp Hoàng Sa, khiến phía Việt Nam phản ứng dữ dội. Bài báo cũng nhắc lại sự kiện năm 1974, Bắc Kinh đã dùng vũ lực để chiếm giữ quyền kiểm soát quần đảo này.
Ngày 20-7-2010, mạng “Nhân dân Cam Túc” (mạng chính thức của “Nhân dân nhật báo” kênh Cam Túc) đăng bài: “Nam Sa (tức Trường Sa – cách gọi của Trung Quốc) đang kêu khóc, Trung Quốc không thể ngồi yên”.
Trong bối cảnh đó, tại diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) ở Hà Nội vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clintơn xác định rằng, Mỹ xem việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của mình. Bà nêu rõ hướng đi cụ thể của Mỹ là tìm cách làm việc với các nước ASEAN, Trung Quốc và một số nước khác để phát triển một cơ chế quốc tế giải quyết tranh chấp. Theo Ngoại trưởng Mỹ, tiến trình này có thể được định chế hóa thông qua ASEAN và dựa trên cơ sở Luật Biển Quốc tế.
Hai ngày sau, trên mạng web Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã công bố lời phản đối của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, cho rằng Washington không nên “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông…Rằng đối với Trung Quốc, việc Mỹ can dự vào hồ sơ này chỉ làm vấn đề rắc rối thêm. Trong bản tuyên bố, Ngoại trưởng Trung Quốc đã xem các nhận định của đồng nhiệm Mỹ trước ARF là một hành động “tấn công Trung Quốc”. Ông cũng cho rằng, Biển Đông hiện vẫn đang là một khu vực hòa bình, không hề có vấn đề an ninh hay quyền tự do hàng hải bị hạn chế…
Theo giới phân tích, thái độ sẵn sàng can dự của Mỹ, kèm theo chủ trương quốc tế hóa và đa phương hóa hồ sơ Biển Đông đã đi ngược lại với chủ trương của Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương, nhằm dễ bề gây sức ép đối với các nước nhỏ và yếu hơn mình, tránh được sự nhòm ngó của quốc tế…Một số nhà bình luận cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc ngược với những gì một số quan chức trong phái đoàn Mỹ tiết lộ cho báo chí. Theo Nhật báo phố Uôn ngày 25-7, trong các cuộc họp vừa qua, các quan chức một số nước bên bờ Biển Đông đã lên tiếng bày tỏ với Washington thái độ quan ngại về cách hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền ở các khu vực như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đây là sự diễn biến mới về động thái địa chính trị khu vực Biển Đông hiện nay. Chúng ta cần có phương pháp xem xét, phân tích khách quan, toàn diện với quan điểm lịch sử, cụ thể, phát triển, để có thái độ xử lý đúng đắn, tránh rơi vào chủ quan, phiến diện, cực đoan sẽ làm rối thêm vấn đề…
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


VÀI DÒNG CHO EM



Ngày thứ 3 của lễ hội 1000 năm Thăng Long, em gọi điện cho tôi, bảo anh cho bé Châu chơi cùng học trò và các con em.
Con gái tôi học lớp 10 thích đi lắm nhưng tối hôm nay, nó lại đi dạ hội ở trường. Tôi định không đi nữa nhưng em bảo vậy anh chở giúp em một học trò. Thế là tôi đi một mình.
Hà Nội trong những ngày lễ hội sạch đẹp hơn hẳn ngày thường, tràn ngập cờ hoa và ánh sáng. Khí trời mát mẻ làm lòng tôi lâng lâng. Ít khi tôi có được tâm trạng thư thái như vậy.
Chúng tôi dạo chơi Hoàng thành, quay về Tràng Tiền ăn kem rồi gửi xe đi dạo quanh bờ hồ.
Khi chúng tôi ngồi nghỉ ngắm cảnh và chụp ảnh, có một anh trung niên chừng ngoài bốn mươi luôn miệng cười, vừa nói, tay vừa khua khoắng loạn xạ. Anh ta yêu cầu chúng tôi chụp cho mấy kiểu ảnh. Nhìn qua, tôi cũng biết là anh ta bị tâm thần. Nhưng hình như em không để ý đến chuyện đó. Em kiên trì hướng dẫn anh ta thay đổi các tư thế để em chụp cho mấy kiểu ảnh. Mỗi lần chụp, em lại kiểm tra xem ảnh được chưa, nếu chưa thì em chụp lại. Xong em bảo:
    -    Anh cho địa chỉ để em gửi ảnh cho. Em hứa sẽ gửi ảnh đến tận tay cho anh.
Hỏi đi hỏi lại nhưng dường như anh ta chẳng hiểu gì. Gặng mãi anh bảo anh ở viện 108. Lại hỏi và luận, chúng tôi mới lờ mờ hiểu ra nhà anh ở trong Nam, hiện nay anh là bệnh nhân đang điều trị ở viện 108.
Không hỏi được địa chỉ, phải tìm cách khác thôi. Em xoay sang hỏi số điện thoại của anh. Lại gặng đi gặng lại, em cũng ghi được số máy, nhưng không biết có đúng không.
Mấy lần, anh ta lại thọc tay vào túi đòi trả tiền trước để làm tin. Em phải giải thích mãi rằng em không phải là người chụp dạo nên không lấy tiền.
Trước khi chúng tôi đi dạo tiếp, em lại hứa rằng, anh cứ yên tâm, có số máy rồi, em sẽ tìm cách liên lạc để gửi ảnh tận tay cho anh.
Sau đó, chúng tôi vào một quán ăn ở Mai Hắc Đế. Ngồi gần chúng tôi là hai mẹ con, cậu con trai chừng 18-20 tuổi.  Nhìn mặt cậu sần sùi những mụn và vết rỗ, em liền bắt quen và hỏi chuyện. Em bảo cháu biết cách trị bệnh này để cháu hướng dẫn, bác làm đúng như thế thì chừng một tháng em sẽ khỏi. Người mẹ phấn khởi lắm, bảo tôi chữa cho cháu mãi rồi nhưng không được. Em hướng dẫn tỉ mỉ cách làm, nói đi nói lại nhiều lần đến khi bà mẹ nhớ được, em mới chia tay với hai mẹ con rồi cùng chúng tôi về.
Chắc chắn, em không hề biết rằng tôi để ý đến hai chuyện đó. Chuyện tuy nhỏ nhưng càng ngày ta càng ít gặp. Trong nhịp sống hối hả thường nhật, người ta không mấy để tâm đến những chuyện giúp đỡ người khác nhất là những người chỉ gặp ngoài đường ngoài phố. Nhưng với em, tôi hiểu, em muốn làm bất cứ điều gì để giúp đỡ người khác hoặc đơn thuần chỉ đem lại niềm vui cho họ.
Tôi biết, nhiều người gặp những chuyện như thế, người ta thường bỏ qua hoặc nghĩ: không rỗi hơi.  Sự vô cảm lạnh lùng đối với đồng bào, đồng loại đang trở thành xu hướng, chi phối hành động của con người.
Đôi khi, em gọi điện rủ tôi đi với em làm từ thiện hoặc đi chơi cùng bạn bè và học trò của em. Tôi cũng chứng kiến nhiều việc em làm mà tôi ít khi gặp ở nhiều người khác. Chẳng hạn cách cư xử của em khi gặp ăn mày, thắp hương công đức ở những nơi thờ cúng, gặp người thân lúc về quê ... Bác Thanh, một nhà giáo đã nghỉ hưu có lần nói với tôi: "Đi tắc xi, trước khi xuống xe, cháu nó nói lời cảm ơn. Tôi chưa bao giờ làm được như thế vì cho rằng, mình trả tiền để họ phục vụ mình, đó là quan hệ sòng phẳng, nên chẳng hề nghĩ đến chuyện cảm ơn. Qua cử chỉ ấy của cháu, tôi đã hiểu ra mình nghĩ không được như nó".
Vâng, chẳng riêng gì bác Thanh, tôi cũng thế thôi. Những việc em làm đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Chắc tôi sẽ vui vẻ hơn, không cảm thấy khó chịu khi gặp ai nhờ vả hay phiền nhiễu, hay chủ động quan tâm, yêu cầu được giúp đỡ một ai đó ngoài đường mà không sợ bị cho là hâm, là dở hơi.
Chơi với em, tôi chỉ băn khoăn một điều: trong giao tiếp, hình như em ngây thơ và cả tin. Điều này có thể dẫn đến cho em những phiền toái. Tuy vậy, tôi không muốn em khác đi vì nếu không thế thì làm sao tôi được chứng kiến những việc làm tuy nhỏ nhưng gây ấn tượng tốt đẹp mà tôi vừa kể.


3/10/2010
Nguyễn Tường Thuỵ

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] ›Trang sau »Trang cuối