Trang trong tổng số 44 trang (432 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [27] [28] [29] [30] [31] [32] [33] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Một cốc nước nhỏ
Đầy đủ mọi điều:
Văn minh, lịch sự
Nhân nghĩa, thương yêu.

Từ những việc nhỏ
Làm nên mọi điều!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

mộng

cảm ơn cái Tâm rạng ngời trong sáng của những con người đó...
Nhân tựa hoa phi tiếu đoạn trường  
Nghìn xuân nhất khắc mộng dạ duyên
Phù du chi mệnh phong trần tuý
Đại mạc trường giang luỵ lệ sầu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Món quà của cậu bé bán vé số



TTO - Cách đây một năm, tôi cùng một người bạn mở một quán cà phê ở TP.HCM với ý định tạo cơ sở cho những hoạt động công tác xã hội lâu dài và tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật.

Tên quán được chọn là Smiles (Những Nụ Cười), mang theo bao kỳ vọng của chúng tôi rằng khi quán vững vàng, tiền lời của quán sẽ được dùng cho hoạt động công tác xã hội.

Bước đầu, chúng tôi chỉ tạo được việc làm cho một bạn sinh viên nghèo, hai bạn từ tỉnh lẻ lên Sài Gòn kiếm sống và hai người khiếm thị có trách nhiệm biểu diễn văn nghệ vào tối thứ bảy hằng tuần.

Việc kinh doanh không hề đơn giản, nhất là với những người chưa có kinh nghiệm gì như chúng tôi. Bốn tháng sau khi khai trương, quán đóng cửa. Hai chúng tôi mất tổng cổng gần 200 triệu cho cái quán nhỏ bé ấy. Chưa kể bốn tháng quán hoạt động là bốn tháng tôi rất mệt mỏi. Phần vì lo cho quán, phần vì làm việc ở cơ quan.

Tôi nghĩ mình cần phải làm một điều gì đó để tự nâng mình dậy. Tôi đọc sách và biết được một lời khuyên rất giá trị: những khi cảm thấy chán chường, hãy đem đến niềm hi vọng, niềm vui cho ai đó, rồi ta sẽ hạnh phúc hơn. Vậy là tôi quyết định đi tặng quà cho các em bé đánh giày, bán vé số, kẹo cao su…

Không như trẻ em ở mái ấm, nhà mở… tập trung một chỗ, các em nhỏ ấy phải kiếm sống bằng đủ nghề trên đường phố. Tìm các em quả không dễ. Tôi đi cùng một chú xe ôm. Đó là lần đầu tiên tôi phát quà cho trẻ em trên đường phố nên không có kinh nghiệm gì.

Ba tiếng đồng hồ chạy loanh quanh khắp thành phố mà chúng tôi chỉ phát được 7 phần quà. Phải cần thêm 1 đêm nữa chúng tôi mới phát hết 20 phần chuẩn bị sẵn. Và đã có một hình ảnh làm tôi không thể quên.

Em là một đứa trẻ bán vé số, đen nhẻm, gầy gò. Em mặc một chiếc áo thun sọc ngang xỉn màu, chân mang đôi dép mòn vẹt. Khi tôi đưa phần quà cho em, em tròn mắt nhìn tôi, không nói gì. Có vẻ như em hiếm khi được tặng quà thế này. Em đi được vài bước, rồi bất chợt nhảy cẫng, hét lên mừng rỡ rồi chạy thật nhanh.

Thật khó mà diễn tả thành lời những cảm xúc khi tôi nhìn em nhảy cẫng và hét lên như thế. Nhưng có thể chắc chắn một điều rằng chỉ bằng cách ấy, em đã mang lại cho tôi món quà vô giá. Tôi cũng nhận ra rằng đôi khi một lời nhờ cậy, một cử chỉ biết ơn chân thành cũng có thể nâng đỡ một người đang thất vọng về bản thân.

Đối với tôi, cử chỉ sung sướng ấy của em là món quà lớn hơn rất nhiều những gì tôi đã tặng em.

Quán cà phê đóng cửa, tâm nguyện của tôi không thành, những đồng tiền mồ hôi nước mắt đội nón ra đi, những rắc rối từ phía người cho thuê mặt bằng... khiến tôi thấy mình thất bại, yếu kém, vô dụng.

Nhưng chính cậu bé bán vé số ấy đã cho tôi niềm tin rằng tôi còn cần cho cuộc đời này.

Nếu không thể làm được điều có ích này, tôi có thể tìm cách làm nên điều có ích khác...

GIÀY THỦY TINH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nghẹn lòng trẻ em bơi qua sông “tìm chữ”



(Dân trí) - Chứng kiến cảnh bơi qua sông đến trường của các em học sinh chúng tôi không khỏi nghẹn lòng. Hàng chục năm nay như một quy luật, để đến được lớp, trước tiên các em phải bơi qua 50m sông, tiếp đến là đi bộ hơn 5km đường đồi dốc rồi mới đến được lớp.

Năm học mới đang bắt đầu, đó cũng là lúc những học sinh của làng Kpắih bước vào những “trận vật lộn” với dòng nước dữ của sông Ayun để theo đuổi sự nghiệp trồng người. Còn các giáo viên phải liều mình qua sông để đến trường điểm làng.

Ayun là một trong những xã nghèo nhất của huyện Chư Sê, có lẽ “đóng góp” cho chữ “nghèo” này “công đầu” phải kể đến đó là vấn đề giáo dục, khai mở tri thức của người dân. Đã 35 năm nay, kể từ sau khi đất nước giải phóng, Ayun chưa có một học sinh nào tốt nghiệp được cấp 3.

http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2010/08/31/cau-310810-6.jpg
Để đến trường điểm làng thầy Đạt và các thầy cô giáo khác phải đi trên chiếc bè này, từng nhiều lần bị nước cuốn trôi.




Làng Kpăíh có hơn 200 nhân khẩu, thuộc xã Ayun nhưng dường như làng tách biệt hoàn toàn so với xã bởi sự ngăn cách của dòng sông Ayun. Chúng tôi không khỏi rùng mình khi phải chứng kiến cảnh qua sông của người dân và học sinh nơi đây. Giữa dòng sông đục ngầu vì lũ, hàng chục em học sinh thậm chí mới 9, 10 tuổi phải mang thân ra “đánh cược” với thủy thần để bơi qua sông đi học. Việc đi rẫy, trồng lúa, đi chợ… hay làm bất cứ việc gì người dân cũng phải băng qua dòng nước cuồn cuộn…

Có lẽ vì vậy mà những người Bahnar của làng Kpăíh vẫn còn rất “hoang sơ”, ngoài một vài cán bộ ở xã và giáo viên vào làng làm việc thì hiếm có ai đặt chân đến làng. Lũ trẻ con lớn lên không được tiếp xúc với trẻ con làng khác, không được tiếp xúc với người kinh và tiếng kinh, nên tất cả trẻ con nơi đây khi chưa được đi học đều không biết đến tiếng kinh là gì.


http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2010/08/31/cau-310810-3.jpg
Hàng chục em học sinh phải liều mạng bơi qua sông để đến được với con chữ




http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2010/08/31/cau-310810-2.jpg
Để đến trường các em học sinh phải bơi qua sông bằng 1 tay, tay kia phải cầm sách vở




http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2010/08/31/cau-310810-5.jpg
Lên đến bờ bên kia thì người đã ướt sũng và phải đi bộ thêm hơn 5km đường đồi dốc mới đến được trường




Vì con đường đến trường quá nguy hiểm, thương và lo cho tính mạng của các em nên các thầy cô giáo ở đây phải vào tận làng mở lớp cho các em từ mẫu giáo đến lớp 3. Khiến các thầy, cô như thầy Đạt, thầy Tư, cô Thủy hàng ngày cũng phải mang mạng sống của mình ra để đánh liều với dòng nước lũ, để mang cái chữ đến cho học sinh của mình.

Để qua được sông, trước đây các thầy cô giáo cũng phải bơi qua sông để vào làng. Hai năm nay, các thầy cô được phòng giáo dục trang bị cho chiếc bè tre và đoạn dây cáp để chèo qua sông nhưng vẫn còn rất nguy hiểm, nhiều hôm nước to nhưng vì thương học trò nên các thầy cô đã liều mình chèo bè qua và đã không ít lần bị nước cuốn cả bè cả người theo: “Vào Kpăíh dạy, giáo viên không chỉ có tâm huyết mà phải có sức khỏe tốt và bơi giỏi mới dám vào làng để đi dạy. Có bè nhưng nhiều hôm nước to quá chúng tôi cũng đành bó tay không dám qua, vì nhiều lần cáp đứt, bè trôi”, thầy Trần Văn Đạt chia sẻ, bởi đã không dưới chục lần thầy đánh liều qua sông nên bị lũ cuốn trôi cả bè.



http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2010/08/31/cau-310810-4.jpg
Lên đến lớp nhưng người vẫn còn “hơi nước” và quần áo các em mặc thì rất “đơn sơ”




Nguy hiểm nhất là đối với những học sinh từ lớp 4 trở lên phải đến trường đi học. Chứng kiến cảnh bơi qua sông đến trường của hàng chục em học sinh chúng tôi không khỏi nghẹn lòng. Để đến được lớp, trước tiên các em phải bơi qua 50m sông, tiếp đến là đi bộ hơn 5km đường đồi dốc rồi mới đến được lớp. Chính vì vậy, những bộ quần áo các em mặc đi học cũng là những bộ quần áo mặc đi nương, đi rẫy đã cũ rách: “Có lần mưa to nước ngập lên cả bờ, các em chỉ biết đứng nhìn nước thôi chứ không ai dám bơi qua cả”, một em học sinh cho biết.

Giao thông luôn là nỗi lo, sự sợ hãi của làng Kpắih, nhất là đối với những em học sinh. Dù có yêu “con chữ” đến mấy thì các em cũng phải sớm “đầu hàng” bởi những dòng nước lũ. Và thực tế, làng chưa có em nào học đến được cấp 3.

Ông Dương Mạnh Mẫn, chủ tịch xã Ayun cho biết: Vấn đề qua sông của làng Kpắih hay các giáo viên phải vào dạy ngay tại làng luôn là nỗi lo, sự quan tâm của xã. Người dân ở đây đã luôn ao ước có một cây cầu nhưng không biết làm thế nào. Vì kinh phí để xây một cây cầu là quá lớn đối với xã nghèo như Ayun.

Một cây cầu qua sông Ayun là mong ước hàng chục năm nay của toàn bộ người dân và nhất là các em học sinh nơi đây.

THIÊN THƯ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Hôm qua trong chương trình thời sự thấy tin Hà Nội bỏ bắn pháo hoa để dành tiền cho việc giúp đồng bào miền trung khắc phục hậu quả lũ lụt, tự nhiên thấy vui ghê. Đây là một việc làm thiết thực nhất để chào mừng đại lễ. Mọi người có thể bớt chút vui đi một chút để cả dân tộc cùng vui nhỉ? Cảm ơn sáng kiến này!
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Baba Yaga

Chị Tâm!Chẳng có gì vui cả chỉ vì sự cố bị cháy nổ xe pháo hoa nên thiếu pháo hoa mà thôi.Có điều bây giờ họ nhập thêm nữa thì e...
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cô học trò tội nghiệp của tôi



TT - Năm nay là năm đầu tiên tôi được nhà trường phân công công tác chủ nhiệm lớp. Ngày nhận lớp, sau khi quan sát một lượt, tôi dừng lại ở góc phải cuối lớp bởi nơi đó có em - một cô học trò gầy gò, dáng vẻ khắc khổ.

Tôi chú ý đến em bởi cái vẻ bề ngoài nhỏ bé, làn da tái xanh, nhưng đôi mắt em mở to đầy nghị lực cùng nụ cười thật tươi. Sau khi nhận sơ yếu lý lịch (SYLL) của lớp, tôi biết em tên T.N.K.N, có ghi tên cha mẹ nhưng không hề có số điện thoại để liên lạc, ngay cả máy điện thoại cố định cũng không –lại thêm một sự chú ý nữa….

Những khoản tiền đầu năm phải đóng  tôi đã thu xong ,chỉ còn lại mình em, tôi phải đợi đủ hết lớp rồi mới quyết toán cho tài vụ. Một hôm, đang giờ ôn bài, mẹ em vào gặp xin không đóng tiền bảo hiểm vì gia đình rất khó khăn. Những tuần sau đó em thường nghỉ học Thấy em hay vắng học, tôi lại viết giấy mời phụ huynh vào trao đổi. Thì ra bấy lâu nay tôi thật vô tâm. Theo lời kể của mẹ em, em mang trong minh căn bệnh không thể chữa khỏi.

Em bị nhiễm viêm gan siêu vi B khi còn trong bụng mẹ, đến 5 tuổi lại bị bệnh thiếu hồng cầu lắng (Thalassomi) gây thiếu máu, suy tim, lách to. Mỗi tháng em phải vào bệnh viện truyền máu, ngoài ra em phải uống thuốc điều trị hàng ngày. Chi phí cho một lần điều trị là số tiền vượt quá khả năng chi trả của gia đình, dù đã có Thẻ bảo hiểm.

Những ngày em không đến lớp hoặc phải nằm viện đợi có máu để truyền hoặc em do yếu nên không thể đi học được. Biết hoàn cảnh của gia đình em, một người tốt bụng đã cho mẹ em mượn vỉa hè để bán hủ tiếu vào buổi sáng và bán cơm buổi chiều, kiếm ít tiền trang trải qua ngày và chữa bệnh cho em.

Lúc này tôi mới có dịp quan sát chị - người mẹ của em cũng gầy gò, bàn tay thô ráp, mái tóc điểm những sợi bạc dù chị mới có 45 tuổi. Đôi mắt trũng sâu và đầy những vết chân chim. Có lẽ đó là những tháng ngày lam lũ cộng với những lo toan cho gia đình cùng nỗi lo vì sợ mất con. Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao trong SYLL em không ghi số điện thoại. Chao ôi !Giữa cái thời buổi mà trẻ con đi học cũng mang điện thoai di động cho tiện liên lạc với gia đình ,bạn bè thì gia đình em lại không thể sắm nổi chiếc điện thoại cố định. Cái nghèo thật muôn hình vạn trạng!

Tôi đem sự việc trình bày với cô hiệu trưởng, vì muốn miễn cho em khoản tiền công trình cha mẹ học sinh (vì em không có giấy xác nhận gia đình XĐGN). Cô hiệu trưởng lắng nghe và nhờ tôi viết giấy mời phụ huynh vào trao đổi. Sau hôm ấy, trong tiết họp giáo viên chủ nhiệm  khối chiều, cô hiệu trưởng đã phổ biến đến từng chủ nhiệm của các lớp trong trường về việc phát động học sinh, phụ huynh ủng hộ, quyên góp cho em. Biết chuyện ,nhiều thầy cô chủ nhiệm đã hỏi thăm tôi về bệnh tình của em.

Buổi chiều thứ 6 ngày 1/10/2010 có tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Hôm ấy, em vắng học. Tôi nói với cả lớp về bệnh của em và lời phát biểu của cô hiệu trưởng. Tôi là một GVCN nghiêm khắc trước học trò nhưng lúc ấy tôi đã khóc. Tôi nói với các em mà như đang nói với chính mình: “Các em ạ, cô biết trong lớp nhiều em gia đình còn khó khăn, bố mẹ các em cũng vất vả để  các em ăn học nhưng các em hãy bớt một ít tiền tiêu vặt, ăn quà đóng góp cho bạn. Của ít lòng nhiều nhưng đó là sự sẻ chia cần có giữa người với người”.

Sau khi tôi dứt lời, các em đã tự động góp cho N tại thủ quỹ lớp. Trong vòng 45 phút, lớp tôi đã góp 300.000đ. Cầm trên tay số tiền ấy, tôi vui đến rơi cả nước mắt. Tôi vuốt lại những đồng tiền lẻ 500đ, 1000đ cho phẳng phiu hơn. Vậy là học trò của tôi cũng đã lớn hơn rất nhiều so với tuổi vào lớp 7, các em đã biết xúc động trước hoàn cảnh đáng thương của bạn. Tôi biết những đồng tiền nhỏ bé ấy là sự động viên rất lớn về vật chất lẫn tinh thần cho cô học trò không may mắn như em.

Chiều thứ 2 đầu tuần, một phụ huynh có con học lớp tôi chủ nhiệm xin gặp và trao cho tôi chiếc phong bì trong đó có 5 triệu đồng cùng lời dặn: “xin được giấu tên và mong cô chuyển đến gia đình em”. Người phụ huynh ấy nói nghe con anh về kể cảnh ngộ đáng thương của bạn nên anh đã đến gặp tôi. Tôi hứa với anh sẽ là chuyển số tiền này đến tận tay gia đình em.

Khi tôi viết những dòng này, cô học trò tội nghiệp của tôi đang ở Viện truyền máu huyết học TP. HCM. Em đến truyền máu theo chỉ định điều trị của bác sĩ nhưng ngân hàng máu của bệnh viện không còn nên em phải đợi. Em có nhóm máu O, nhóm máu dễ cho nhưng khó nhận-đó cũng là một thiệt thòi cho em…

Bàn ghế, lớp học, tôi và các bạn trong lớp đang mong em về để tiếp tục những bài học còn dang dở. Tôi ước mong sao có thật nhiều những tấm lòng xa gần chia sẻ cho em, giúp em về vật chất, động viên tinh thần để em sớm lành bệnh và viết tiếp những ước mơ đang đợi em ở phía tương lai…

ĐĂNG THƯ

(Trường THCS Bình Tây, Q.6, TP.HCM)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang

"Trong vòng 45 phút, lớp tôi đã góp 300.000đ."
Số tiền này nặng hơn 5 tỷ mĩ kim cho "đại lễ" rất rất nhiều...
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang


Chủ đề này lấy chữ TÂM làm tên và cũng là cột xương sống xuyên suốt các bài viết cũng như các bài sưu tầm. Tuy nhiên khi chữ TÂM bị lợi dụng thì có còn là TÂM nữa không? Thật buồn khi người ta lại lừa đảo ngay cả khi đi làm THIỆN NGUYỆN...

Khi lòng từ thiện... quá đát
Nguồn: http://tuanvietnam.vietna...khi-long-tu-thien-qua-dat

Tác giả: Mỹ Hòa
Bài đã được xuất bản.: 23/09/2010 06:00 GMT+7

Lòng từ thiện quá đát, giống như những sản phẩm hết hạn dùng, cũng cần bị cấm sử dụng và đem thiêu hủy.

Những "diễn viên" từ thiện bậc thầy

Một hộp sữa bột cho trẻ em được bật nắp trước đó và hạn sử dụng chỉ còn vỏn vẹn một tháng, một chai nước mắm hết hạn từ hơn hai năm trước, một gói bột ngọt và 10 gói mì ăn liền. Đó là suất quà từ thiện mà mỗi hộ dân thuộc 656 đối tượng nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn của Hà Tĩnh nhận được. Những con người này, chỉ chưa đầy 2 tháng trước đang oằn mình chống chọi cơn bão số 3, tận mắt chứng kiến những người bị thương, chết, chứng kiến cả nghìn ngôi nhà sập, tốc mái và hàng nghìn héc ta lúa ngập úng...

Và họ không phải trường hợp hi hữu có "may mắn" được nhận những món quà như vậy. Tính từ đầu năm 2010 đến nay, đã có ít nhất 2 vụ việc tương tự được báo chí "vinh danh". Cuối tháng 3, các em học sinh một trường khuyết tật ở Hà Nội nhận được 3.000 gói bột dinh dưỡng ăn liền hết hạn từ lâu do một doanh nghiệp chuyển qua Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam. Tiếp đến, tháng 6, Đoàn y, bác sĩ từ thiện do một bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã lặn lội về vùng sâu, xa tiến hành khám chữa bệnh và phát thuốc... quá đát, thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc cho người nghèo.

Trong những "bộ phim" từ thiện kiểu này, thường có một "kịch bản" khá tương đồng. Trong đó, "diễn viên" sắm vai nhà từ thiện là những người ít nhiều cơm no áo ấm, khỏe mạnh và lành lặn về thể chất. Trước niềm hân hoan và vui sướng của những con người thiệt phận, các "diễn viên" này rưng rưng cảm động giơ tay phân phát món quà từ tâm. Chỉ khi những chiếc nhãn dán đè, những hạn dùng thuốc bị cắt lộ ra, ánh đèn trường quay vụt tắt, dàn diễn viên mới trở về đúng nghề nghiệp đích thực của mình: các bậc thầy trong một lĩnh vực đầy tiềm năng - tiêu thụ hàng quá đát.

Để thực sự "tỏa sáng" trong nghề nghiệp hấp dẫn này, họ phải chinh phục được hai thử thách sống còn: bước qua lương tri con người, lương tâm nghề nghiệp và bôi đen trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của mỗi doanh nghiệp, tổ chức.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/Tu-thien-bang-hang-qua-date-1.jpg
Những hộp sữa đã bật nắp, nước nắm dán nhãn "hàng tài trợ không bán" đè lên hạn sử dụng đã được làm quà tặng cho người nghèo.

Trong một xã hội nhân văn, những con người thiệt thòi luôn là nỗi ám ảnh của cộng đồng. Ở đó, những số phận thiệt thòi, sự mất mát của người khác là nỗi đau chung của cộng đồng và được cộng đồng giang tay đón nhận, che chở. Đối với một đất nước có truyền thống "lá lành đùm lá rách" như Việt Nam thì đó chính là những chiếc lá rách cần che chở, đùm bọc nhất.

Bởi không chỉ thiệt thòi về số phận, thân thể, đây còn là tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Điều họ cần không chỉ là những món quà vật chất, lòng thương mà còn là sự tôn trọng và tình cảm đồng loại xuất phát từ đáy lòng.

Trong một thế giới nhân văn, các doanh nghiệp ngoài và trên cả mục tiêu kinh doanh, phải luôn nhận thức được trách nhiệm xã hội. Bởi đó là một cách để các doanh nghiệp đền đáp và hoàn trả món nợ với cộng đồng của mình. Các hoạt động bảo vệ môi trường, từ thiện... nằm trong món nợ phải trả này.

Hơn nữa, tính toán một cách sằng phẳng, những hoạt động này cũng góp phần mang lại danh tiếng, củng cố thương hiệu cho các doanh nghiệp. Với các chứng nhận, với cơ hội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông lớn nhỏ, dù cố ý hay vô tình, các doanh nghiệp cũng đã PR cho tên tuổi "vì cộng đồng" của mình.

Và trong một thế giới nhân văn, bất kỳ bệnh viện, bác sỹ nào cũng nhận thức sâu sắc, đầy đủ sứ mệnh cứu người cùng trọng trách "lương y như từ mẫu" của mình.

Nhưng tất cả những con người đó, tổ chức đó đã sử dụng phần trách nhiệm, lương tâm của mình thế nào khi phát quà quá đát vào tay người nghèo, người khuyết tật, ốm yếu. Họ lạm dụng lòng tin của người khác ra sao khi chỉ chăm chăm tăng "doanh số" hàng quá đát lên cao nhất, nhanh nhất và "làm duyên" điệu nghệ nhất trước mắt người dân và báo chí?

Bằng việc làm của mình, liệu họ có khiến những người thiệt thòi cảm thấy bị xỉ nhục và mất lòng tin vào lương tâm và tình yêu thương đồng loại? Liệu những con người đó có bị đẩy sâu thêm vào bi kịch của mình?

Tất cả những điều đó được đánh đổi bằng vài "mớ" phế phẩm hoàn toàn vô giá trị, liệu có phải cái giá quá đắt?
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang

(tiếp)

Đổ phế thải vào... người sống?

Những món quà trên theo đúng quy định pháp luật, lẽ ra đã phải được mang đi thiêu hủy, và các doanh nghiệp hẳn cũng phải chi một khoản không nhỏ cho việc này. Nhưng chúng đã được các chủ nhân khôn ngoan tái sử dụng theo cách lợi cả đôi đường: vừa được tiếng lại vừa tiết kiệm tiền.

Khá kỳ lạ, nhưng câu chuyện này có thể khiến người ta liên tưởng tới vụ đổ phế thải lấp mộ người chết khiến dư luận phẫn uất gần đây. Có lẽ là vì việc tặng quà hết đát làm từ thiện cũng chẳng khác nào đổ phế thải vào... người sống. Chỉ có điều, cái việc đổ phế thải xây dựng thì bị cấm rành rành, nên người ta luôn phải thực hiện chuyện này một cách vụng trộm, chui lủi và nếu bị bắt thì sẽ bị phạt. Còn cái việc đổ phế thải vào người sống lại được thực hiện một cách tinh vi, dưới ánh sáng ban ngày và trước con mắt của vô số người.

Tất nhiên, nếu không bị phát hiện ra thì hẳn còn được xưng tụng và biết ơn dài dài. Còn nếu bị phát hiện thì cũng chẳng biết... phạt ai và phạt thế nào.

Có một công thức "đổ lỗi vòng quanh" rất hiệu nghiệm trong những trường hợp thế này. Ví dụ, trong vụ 3.000 gói bột dinh dưỡng hết hạn, khi sự vụ vỡ lở thì: "Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam sau khi kiểm tra lại thì cam đoan rằng đã nhận hàng, khi mà hạn đã hết. Trách nhiệm của Hội chỉ là đã không kiểm tra kỹ nên để lọt. Doanh nghiệp tặng 3.000 hộp dinh dưỡng kia thì cho biết đã chuyển hàng cho Hội trước khi hết hạn. Bằng chứng là có phiếu xuất kho". (Giadinhnet). Ai cũng có chứng cứ rõ rành, hùng hồn, chỉ có các em khuyết tật và phụ huynh các em là vẫn băn khoăn sao hạn dùng mới lại "bay trúng" vào hạn dùng cũ và sao người ta lại nỡ dành cho những số phận tội nghiệp của vứt đi.

Và những "vụ án" tưởng chẳng có gì phức tạp như thế dần rơi vào mơ hồ, cũng không thấy ai công khai nhận trách nhiệm hay lên tiếng xin lỗi những người "chẳng may" được quà.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/Tu-thien-bang-hang-qua-date-3.jpg
Loại bột dinh dưỡng quá đát mà các em nhỏ khuyết tật nhận được

Vậy là một câu hỏi lại bỏ ngỏ: sẽ ra sao nếu những món quà này được đưa vào sử dụng rộng rãi? Đừng quên, chúng không phải là những mặt hàng thông thường. Nếu là chai dầu gội đầu hết đát có lẽ nặng cũng đến mức gây rụng tóc, hay lọ mỹ phẩm thì cũng đến gây dị ứng. Nhưng đây là bột dinh dưỡng, thuốc và sữa... Đó đều là những sản phẩm dành những đối tượng yếu đuối, cần nhiều sự bảo vệ che chở hơn cả: trẻ em, người ốm, người già.

Và sự cố tình vi phạm của các "tác giả" là rất rõ, nó thể hiện ở những hạn dùng được dán đè hạn mới hoặc bị "thủ tiêu", hay âm thầm nằm dưới nhãn "hàng tài trợ không bán".

Bình thường, những sản phẩm này đều là một nguồn thực phẩm/ thuốc rất tốt cho cơ thể con người, hoặc cứu người, nhưng một khi quá hạn, chúng không chỉ giảm hoặc mất tác dụng mà còn có thể gây độc. Ai có thể đảm bảo những mặt hàng quá đát này nếu được đưa vào sử dụng không gây ra hậu quả khôn lường, lâu dài thậm chí là cái chết thương tâm.

Theo pháp luật, các doanh nghiệp kinh doanh hàng quá đát hoặc kém chất lượng sẽ bị xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội nghiêm trọng. Hẳn chúng ta còn nhớ trong vụ sữa nhiễm Melamine của Trung Quốc (khiến ít nhất 6 em nhỏ tử vong và gần 300.000 em khác bị ảnh hưởng), đã có 21 bị cáo bị kết án, trong đó có 2 kẻ phải nhận án tử hình.

Nhưng sẽ ra sao khi những mặt hàng quá đát này lại được gắn lên mình cái mác đẹp đẽ - TỪ THIỆN? Còn cần "giọt nước tràn ly" nào nữa thì những "phi vụ" từ thiện như thế mới bị phanh phui và chịu sự trừng phạt thích đáng? Một nạn nhân? Hai nạn nhân?... Bao nhiêu là đủ để thức tỉnh?...

Bạn nghĩ sao về những "lòng từ thiện... quá đát" này, hãy chia sẽ với Tuần Việt Nam tại phần Thảo Luận phía dưới hoặc gửi về địa chỉ: tuanvietnam@vietnamnet.vn.
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 44 trang (432 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [27] [28] [29] [30] [31] [32] [33] ... ›Trang sau »Trang cuối