Trang trong tổng số 44 trang (432 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [25] [26] [27] [28] [29] [30] [31] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bếp lửa cho thuê



TTCT - Gia đình nào cũng có bếp lửa trong nhà. Bếp lửa tượng trưng cho sự quây quần, ấm cúng. Ánh lửa càng bập bùng, gia đình càng đông vui.

Thế mà có gia đình cho thuê bếp lửa. Cho thuê rất rẻ để ai cũng có thể đến thuê, không một chút đắn đo, suy tính.

Từ sáng sớm, bốn bếp lò được nhóm sẵn. Bốn bếp lửa hồng chờ đợi khách ở phương xa đến nhờ bếp lửa để nuôi bệnh, nuôi mình. Những người đến thuê là thân nhân của người bệnh cần được chữa trị lâu dài, chữa trị đến mòn mỏi.

“Bếp lửa cho thuê” được truyền miệng trong bệnh viện nên khi đến khách không hề có một chút ngại ngần vì dường như bếp lửa được dành riêng cho mình. Một túi xách gồm chút thịt, chút cá, chút rau, chút gạo được rửa, cắt, thái, vo, cứ làm như ở nhà của mình. Một cái bàn nhỏ trên đó là gia vị, nước mắm, nước tương, cứ xài cho đủ. Nồi niêu, xoong chảo cứ lấy mà dùng.

Người nào cũng nhanh nhẹn, tay chân thoăn thoắt vì người nhà lúc nào cũng phải kề cận người bệnh.

Thức ăn nấu xong được đưa vào gàmên, ca nhựa. Nồi niêu được trả lại chỗ cũ. Chỉ cần trả năm ngàn, ba ngàn, hai ngàn mà có đi đâu xa.

Lửa tiếp tục cháy, nước tiếp tục chảy.

Bếp lửa đã giúp nhiều người ở xa lên thành phố không đủ điều kiện, không đủ phương tiện tiếp sức cho người thân của mình. Gia đình cho thuê bếp muốn san sẻ một chút tình, một chút lửa cho những người xa lạ không may mắn.

Họ cũng muốn xoa dịu phần nào nỗi lo vô bờ bến của khách. Một sự cộng hưởng của người cho thuê và người thuê mướn vì mục đích duy nhất: hạn chế những phí tổn trong thời gian trụ lại bệnh viện để nuôi người thân.

Ngày hai bữa gặp nhau, một tuần, hai tuần, có khi cả tháng, trở thành thân quen. Không quay trở lại, đủ hiểu. Nếu quay trở lại, tiếp tục chia sẻ.

Lửa vẫn âm ỉ cháy trong những trái tim nhân hậu.

BẢO THANH  (TPHCM)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Muốn hiến thận cho người nghèo

* Bài và ảnh: THÙY DƯƠNG



TT - Hiến thận cho bệnh nhân nghèo là mong mỏi của Huỳnh Thanh Đức (20 tuổi, sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải cơ sở 2). Nhưng để thực hiện ý nguyện này không đơn giản chút nào.

Một buổi chiều giữa tháng 7, khi nhận được điện thoại của Đức gọi đến tòa soạn, chúng tôi đã tìm gặp để nghe Đức kể câu chuyện muốn hiến thận cho người nghèo.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=443693
Huỳnh Thanh Đức mong mỏi được hiến thận cho người nghèo.




Trả nợ ân tình

Đức đang ở tại chùa Quảng Đức (Q.9, TP.HCM). Đức kể từ ngày xa gia đình ở thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) vào thành phố học đại học, lúc rảnh Đức thường ghé vào ngôi chùa này phụ việc với các sư thầy trong chùa. Thấy Đức chăm chỉ, tính tình chân thật... sư thầy đã cho phép Đức chuyển đến chùa ở. Ngoài giờ học Đức giúp các sư đi chợ, lau nhà, nấu ăn...

Ý nghĩ tặng một phần cơ thể cho bệnh nhân nghèo đã xuất hiện trong ngày mà cả gia đình Đức tưởng như mất hết hi vọng về quá trình điều trị bệnh ung thư của mẹ Đức. Ngày đó, Đức cảm nhận được sự đau khổ tột độ nếu phải mất đi người thân yêu nhất của mình.

Những ngày mẹ Đức mắc bệnh cũng là những ngày Đức hiểu được sự giúp đỡ của bà con lối xóm quan trọng đến nhường nào. Bố Đức làm phụ hồ, mẹ bán quán nước nên từ khi mẹ đổ bệnh cuộc sống rất khó khăn. Chính sự giúp đỡ, động viên của những người hàng xóm tốt bụng đã giúp mẹ Đức có niềm tin chiến đấu với bệnh tật.

Từ ngày đó, Đức thấy mình đã mắc nợ ân tình với cuộc đời này.

Hơn một năm trước, đọc báo thấy thầy Thích Đạo Tín ở Phú Thọ, chú Vũ Quốc Tuấn ở Hà Nội đã cho bệnh nhân nghèo bị suy thận mãn một quả thận, ý nguyện hiến thận để giúp bệnh nhân nghèo càng trở nên mãnh liệt trong Đức.

Không dễ?

Tôi cùng đi với Đức đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tiếp chúng tôi, GS.TS Trần Ngọc Sinh - trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết hiện đang quản lý hàng ngàn người suy thận, phải lọc thận, chạy thận và có nhu cầu ghép thận.

Tuy nhiên, sau khi nghe Đức trình bày nguyện vọng, bác sĩ Thái Minh Sâm - phó khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy - nói: “Ý nguyện cho thận giúp người nghèo được chữa bệnh của em là đúng nhưng về y khoa đó không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề là người cho và người được ghép thận phải giống nhau về mặt miễn dịch chứ không phải người được ghép thận giàu hay nghèo”.

Theo bác sĩ Sâm, bệnh nhân nghèo khó có thể ghép được thận vì sau khi ghép họ phải tốn rất nhiều tiền cho chuyện điều trị tiếp theo.

Trước mắt, theo GS.TS Trần Ngọc Sinh, Đức cứ ghi danh rồi chờ trung tâm điều phối ghép tạng ra đời dự kiến vào cuối năm nay. Khi có trung tâm này, những ai đã ghi danh sẽ được xét nghiệm máu, sau đó sẽ có hội đồng xét duyệt về các khía cạnh y khoa và xã hội ở người nhận thận như người trẻ hay người già được nhận trước, người đăng ký trước thì sao...

Theo GS.TS Trần Ngọc Sinh, hiện VN đã có Luật hiến ghép tạng nhưng những văn bản hướng dẫn luật chưa có nên phải đợi.

Ông dẫn ra một vài vướng mắc như Luật hiến ghép tạng quy định người cho tạng không phải trả tiền phẫu thuật, xét nghiệm nhưng chưa quy định lấy tiền phẫu thuật, xét nghiệm ở đâu. Rồi Luật hiến ghép tạng quy định công dân trên 18 tuổi có quyền tự hiến tạng, không cần sự cho phép của gia đình, nhưng các bác sĩ lo có thể xảy ra nhiều rắc rối nên bệnh viện đòi phải có sự đồng ý của tất cả thành viên trong gia đình người hiến mới tiến hành lấy thận.

Mỗi nơi tư vấn mỗi kiểu

Sau lần gặp các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, người viết liên hệ với bác sĩ Tạ Phương Dung - trưởng khoa thận niệu Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM - để trình bày nguyện vọng của Đức.

Khác với tư vấn của các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Dung cho rằng Đức phải tự đi đến những cơ sở chạy thận nhân tạo để chọn người có nhu cầu ghép thận. Cả hai người cho và nhận phải tự lo toàn bộ các chi phí ghép, thử máu trước khi ghép. Bệnh viện chỉ lo khám sức khỏe cho hai bên xem có phù hợp hay không, đồng thời tư vấn về thuận lợi, khó khăn, nguy hiểm sau khi ghép và cho thận...

Nếu những người này tự nguyện cho và nhận thận thì sẽ ký vào bản cam kết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau đó bệnh viện sẽ tiến hành ghép thận.

Hụt hẫng và buồn vì chưa thực hiện được ý nguyện nhưng Đức bảo vẫn còn hi vọng khi trung tâm điều phối ghép tạng ra đời. Đến lúc đó, bất cứ người bệnh nào có nhu cầu ghép thận Đức sẽ sẵn sàng cho, dù Đức tâm nguyện quả thận của mình phải được cấy ghép cho người nghèo.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dạy nghề và văn hóa miễn phí

Trung tâm Bảo trợ Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã mở các lớp đào tạo dạy nghề, và lớp dạy bổ túc văn hóa miễn phí cho người khuyết tật từ 13 tuổi trở lên.

Học viên có thể chọn học nghề tin học, thiết kế quảng cáo, điện, điện tử, sửa xe gắn máy, cắt tóc, uốn tóc nam nữ, làm móng, trang điểm, sửa chữa điện thoại di động, kế toán…v.v. Liên hệ số 215 đường Võ Thị Sáu P.7 Q.3 TPHCM, ĐT: (08) 3932 0581.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Người giúp việc đặc biệt của Gs Trần Văn Khê

* PHAN TÚ (beenet.vn)



Chăm sóc thầy (cách xưng hô của chị với GS Trần Văn Khê), chị luôn ở tâm thế chăm sóc một người bệnh, một người cha lại vừa như một đứa trẻ…

Đã năm năm nay, chị luôn ở bên thầy, tận tụy chăm cho thầy từng bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang…

http://bee.net.vn/dataimages/201009/original/images472439_h2.jpg
Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, NSƯT Kim Cương, chị Na và GS Khê trong một chuyến về quê giáo sư




Coi thầy như cha, như ông…

Vũng Tàu tháng 7/2010. Nhiều người đến nghe buổi nói chuyện của GS Trần Văn Khê tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực thế giới bị ấn tượng bởi hình ảnh đặc biệt. Người phụ nữ chừng 40 tuổi, thấp, nhỏ, nét mặt đôn hậu, nụ cười dịu dàng luôn túc trực bên thầy đẩy xe, canh giờ để thầy uống thuốc, giúp thầy ăn uống, sinh hoạt…

Trong lúc thầy nói chuyện hay giao lưu, chị cầm máy ảnh ghi lại những hình ảnh của thầy, tác phong nhanh nhẹn và khá chuyên nghiệp.

Ở cạnh GS từ những ngày đầu tiên thầy về Việt Nam (tháng 12/2004), chị Nguyễn Thị Na đã đồng hành cùng thầy trong nhiều buổi nói chuyện, các hội nghị, hội thảo xa gần…Giới thiệu chị với mọi người, thầy Khê nói : “Đó là một người cháu trong gia đình”.

Những ngày thầy không đi công tác các tỉnh, thành, chị Na tận tụy chăm sóc thầy tại nhà. Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 5h30 sáng và kết thúc vào khoảng 7h tối với những công việc: lau dọn, giặt giũ, đi chợ, nấu nướng, sắc thuốc, giúp thầy ăn, uống thuốc…

Chị Na cho biết, kỳ công nhất là lo chuyện thuốc men và ăn uống cho thầy. GS mắc nhiều bệnh, mỗi ngày phải uống nhiều lần thuốc. Chế độ ăn của GS cũng có nhiều kiêng cữ. Để thầy ăn ngon miệng và vui vẻ, từ năm năm nay, hầu như chị cũng ăn kiêng như thầy.  

“Na luôn coi nhà tôi là nhà mình, coi tôi như người thân. Do vậy, tất cả mọi việc, Na đều làm hết lòng, không ngại khó, ngại khổ - thầy Khê nói.

Luôn nhận được lời cảm ơn mỗi ngày

Trước khi đến với GS Khê, chị Na giúp việc cho một chuyên gia người Anh đã 1 năm. Tháng 12/2004, thầy Khê về nước hẳn, người vợ của ông chuyên gia kia - vốn là bạn thân thiết của thầy Khê - đã “nhường” chị Na cho thầy.

Hiện, mỗi ngày thầy uống 12 lần thuốc. Theo đó, ngoài việc sắc thuốc, mỗi ngày chị canh giờ cho thầy uống, theo thứ tự thuốc tây, bắc, nam theo những giờ nhất định. Các món ăn luôn thay đổi hàng ngày với nguyên tắc chung là nhiều rau, củ.

Chị Na cho biết: “Nấu cho người già, các món đều phải ninh nhừ. Món canh thì rau, củ thật phải cắt thật nhỏ để vừa dễ ăn vừa ngọt mát”.
Bị tiểu đường nặng, thầy Khê phải kiêng cữ các món ngọt song đó lại là những món thầy thích. Thầy kể, một lần, khi thầy đang ăn bánh ngọt, chị Na đã cản. Thấy thầy thể hiện ánh mắt không bằng lòng, chị khóc. “Tôi vô cùng cảm động, Na lo cho sức khỏe của tôi mà tôi đã không hiểu hết”, thầy Khê nhớ lại.

Những năm qua, chị Na đã mày mò nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh tiểu đường tìm hiểu được qua sách báo. Qua nhiều lần thử nghiệm, bài thuốc từ nước hạt quả chôm chôm đã mang lại những chuyển biến tích cực cho căn bệnh này của thầy Khê.

Quần áo của thầy, chị luôn giặt tay. Với đồ lụa hay thổ cẩm, chị giặt riêng bằng dầu gội đầu.

“Coi tôi như một người thân, Na còn nhắc nhở tôi những sinh hoạt cá nhân thường ngày…Chăm sóc tôi, Na luôn ở tâm thế chăm sóc một người bệnh, một người cha lại vừa như một đứa trẻ”, theo thầy Khê.

Tính đến nay, trong số những gia đình chị đã từng đến, quãng thời gian chăm sóc thầy Khê là lâu nhất. Chị kể, niềm vui lớn của chị là luôn được thầy coi như con cháu trong nhà, không bao giờ coi chị là người giúp việc. Mỗi việc chị làm hàng ngày, dù nhỏ nhất như rót giùm thầy ly nước, chị đều nhận được lời cảm ơn từ thầy với ánh mắt trìu mến, thương yêu.  

Năm năm giúp thầy, hai điều tâm đắc nhất chị học được từ thầy là không bao giờ làm mất lòng ai và không buồn, giận ai quá năm phút.
“Những hôm tôi nấu cơm không ngon, thầy chỉ ăn ít hơn chứ không chê, thậm chí vẫn vui vẻ. Những dịp đi ăn tiệc, mọi người thương thầy, gắp cho thầy bao nhiêu món ngon, thầy rất vui và cố ăn hết, dù biết đó là những món kiêng cữ…

Từ những ứng xử thường nhật như thế, tôi đã lớn lên từng ngày”, chị tâm sự.  

“Chuyện riêng thì buồn lắm!”

Đi giúp việc từ năm 18 tuổi, đến nay, chị Na đã gắn bó với nghề này 23 năm, cũng là chừng ấy năm chị xa gia đình (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), hết Lạng Sơn, Hà Nội lại Sài Gòn.

Hiện, bố mẹ chị đã trên 70 tuổi, đang sống cùng hai anh trai và em gái ở quê. năm năm vào Sài Gòn giúp thầy Khê, chị Na chưa một lần về nhà. Cách đây 2 năm, được thầy tặng cặp vé tàu về quê, chị Na đã định về nhưng phút cuối cùng, chị lại trả vé.  

"Ở với thầy thì lo cho bố mẹ. Về nhà lại lo thầy. Nhưng bố mẹ ở quê còn có anh em, còn thầy ở đây dẫu có con cháu, nhưng đều ở xa…”, chị Na giải thích.
Thời gian ở với thầy Khê, chị nhận được nhiều lời mời với mức lương hậu hĩnh hơn, có người mời chị ra nước ngoài cùng gia đình họ, chị đều từ chối vì “quá thương quý thầy”.  

Sinh ra trong một gia đình nghèo, sớm bươn chải, ngược xuôi, đến nay, đã 41 tuổi, chị Na vẫn một mình. “Chuyện riêng thì buồn lắm. Cũng có nhiều người thương nhưng có duyên mà không có nợ…”, mắt chị ngấn nước.

“Một mai, khi không còn sức, tôi muốn về quê, làm một cái nhà nho nhỏ, trồng rau, nuôi gà, phụng dưỡng bố mẹ già…”, chị nói về những dự định của mình.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bộ bikini biểu tượng sức khỏe phụ nữ



TTO - Trong khi Lady Gaga  bị phản đối kịch liệt khi dùng thịt sống động vật thiết kế thành bộ bikini thì Hoa hậu người Úc dùng vẻ đẹp cơ thể mình cho một mục đích khác: cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=446852



Jesinta Campell, vừa đoạt ngôi á hậu Miss Universe 2010 tại Las Vegas hồi tháng trước, đã giữ lời hứa của mình: cô sẽ dùng sự nổi tiếng cho các việc làm từ thiện.

Cô có mặt trong buổi trình diễn thời trang cảnh báo về bệnh ung thư ở nữ giới của tổ chức Cancer Council, và bước lên sàn catwalk trong một bộ đồ đặc biệt. Nó không chỉ trung thực với những đường cong trên cơ thể mà còn nhấn mạnh những bộ phận nhạy cảm - với bệnh ung thư: vú, tử cung, vòi trứng, đường tiết niệu, âm đạo và âm hộ.

Tại Úc, khoảng 7 phụ nữ thì một bị ung thư, nên không ngạc nhiên khi gia đình của Campell cũng gặp chuyện buồn phiền. Bà nội cô đã phải qua giải phẫu vào trước đêm chung kết Miss Universe Úc.

“Chiến dịch này rất gần gũi với tôi”, cô nói. Bà nội cô giờ đã khỏe mạnh nhưng cô nhận ra những sự kiện như ngày hội Girls Nights In là rất cần thiết để tuyên truyền với công chúng.

“Chúng ta đều như nhau ở bên trong cơ thể này. Chúng ta cần phải đi khám định kỳ, không có chi phải xấu hổ cả”.

Dự tính sẽ có khoảng 200.000 cô gái trẻ đến tham gia Girls Nights In, với không chỉ sự hấp dẫn của Campell mà còn các nữ ca sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng khác của Úc. Số tiền mà lẽ ra tiêu phí trong các tiệc tùng sẽ được dành cho việc từ thiện.

TIẾP TRƯƠNG (Theo Sydney Morning Herald)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tái chế thuốc quá đát bán cho người bệnh



TT - Sáng 9-9, thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra các hồ sơ liên quan đến nguyên liệu xuất nhập, quy trình tái chế và biện pháp thu hồi hai loại thuốc Bisinthvon 8mg (thuốc long đờm) và Salbutamol 2mg (điều trị hen suyễn) tại Công ty cổ phần Dược Đồng Nai (Donapharm).

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Dũng - quyền chánh thanh tra Sở Y tế Đồng Nai - cho biết tháng 6-2010 qua kiểm tra, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã kết luận ban giám đốc Công ty Donapharm đồng ý cho nhân viên tổ chức tái chế thuốc Bisinthvon và Salbutamol hết hạn (hoặc gần hết hạn).

Theo cơ quan điều tra, tháng 10-2007 Donapharm đã sản xuất gần 500.000 viên nén bao phim Bisinthvon 8mg có hạn sử dụng đến tháng 10-2009. Sau khi bán không hết hàng, còn gần 180.000 viên thì công ty đã cho tái chế thành hai lô, ép vỉ toàn bộ, nâng hạn sử dụng đến tháng 9-2011 và tháng 2-2012.

Hiện số thuốc Bisinthvon 8mg tái chế đã bán ra thị trường 145.147 viên. Riêng Salbutamol 2mg lọ 100 viên, hạn sử dụng hai năm được Donapharm sản xuất một lô hơn 2 triệu viên vào tháng 6-2008, có hạn sử dụng đến 6-2010.

Sau khi bán hơn 1 triệu viên Salbutamol, còn tồn kho trên 1 triệu viên, Donarpham cho nhân viên thay nhãn mới 100.000 viên cận đát và xuất bán ra thị trường 21.400 viên. Công an xác định đã có 5.500 viên Salbutamol tái chế được người bệnh sử dụng. Tổng cộng có trên 150.000 viên thuốc Bisinthvon và Salbutamol được bán và người bệnh đã mua sử dụng.

Theo bác sĩ Dũng, việc tái chế thuốc của Donapharm đã vi phạm quy chế quản lý chất lượng thuốc của Bộ Y tế. Tuy nhiên, công an kết luận đây là sai phạm lần đầu, ban giám đốc cũng nhận thức được sai trái nên đề nghị thu hồi thuốc tái chế và chuyển Sở Y tế Đồng Nai xử lý theo thẩm quyền. Ông Dũng nói theo quy định hiện nay, trường hợp sai phạm như Donapharm chỉ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Theo tài liệu, trước khi Công an Đồng Nai làm rõ vụ tái chế thuốc ở Donapharm thì trước đó Bộ Y tế đã có hai đoàn vào thanh tra, kiểm tra công ty này. Cụ thể, ngày 18-5-2010 đoàn kiểm tra GMP của Cục Quản lý dược Bộ Y tế có đến kiểm tra, phát hiện Donapharm tái chế thuốc không xin phép là sai nhưng theo dược sĩ Nguyễn Văn Phước - giám đốc Donapharm, “trưởng đoàn kiểm tra nhắc nhở khắc phục, không ghi vào biên bản”.

Tiếp đó, ngày 27-5 thanh tra Bộ Y tế tiếp tục vào Donapharm. Khi kiểm tra công tác bảo đảm chất lượng thuốc, trưởng đoàn thanh tra do ông Dương Xuân An - phó chánh thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn - đã kết luận “tại thời điểm thanh tra, kiểm tra không phát hiện thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng, thuốc không được phép lưu hành...”.

Khi Công an Đồng Nai chuyển hồ sơ vụ việc sang Sở Y tế, ngày 16-7-2010 Cục Quản lý dược vẫn cấp giấy chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất thuốc”, ngày 9-8-2010 cấp tiếp giấy chứng nhận “Thực hành tốt bảo quản thuốc” cho Donapharm.

HÀ MI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những ly sữa yêu thương



TT - Bình Định chiều cuối tháng 8, tiết trời đang chuyển sang thu. Trời chợt mưa, chợt nắng. Con đường đến Vân Canh - một huyện miền núi tỉnh Bình Định - gập ghềnh. Đây là điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình mang đến 8 triệu ly sữa, tương đương ba tháng uống sữa mỗi ngày, cho gần 90.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước của Quỹ sữa vươn cao VN.

Trong chuyến đi này, hơn 20.000 ly sữa sẽ được trao tận tay các em học sinh tiểu học, học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở huyện miền núi Vân Canh và trẻ em mồ côi, khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định.

Đón đoàn là gần 200 trẻ em đã chờ sẵn trên mảnh sân của trường mẫu giáo xã. Những đứa trẻ da đen nhẻm, tóc vàng hoe bởi nắng, gió của vùng đất khô cằn này. Nhưng ấn tượng nhất với những người trong đoàn có lẽ là vóc dáng gầy gò, nhỏ bé của các em cùng ánh mắt đầy e ngại. Một giáo viên ở đây cho biết trẻ vùng quê này hầu hết bị còi xương hoặc chậm phát triển so với tuổi vì điều kiện dinh dưỡng, chăm sóc còn hạn chế. Vì vậy khi nghe được uống sữa miễn phí, từ giáo viên phụ huynh, các em ai cũng háo hức, vui lắm.

Với sự hóm hỉnh vốn có, diễn viên Quyền Linh xóa tan khoảng cách bằng việc tổ chức những trò chơi vui nhộn. Em Đinh Thị Thanh Hằng, Trường tiểu học Vân Canh, thật thà cho biết “em chỉ được uống sữa khi bị ốm thôi”. Hằng bé người đến nỗi Quyền Linh đã giật nẩy lên khi em trả lời học lớp 5, vì chiều cao của Hằng chỉ bằng đứa con 4 tuổi của anh. Câu trả lời của những đứa trẻ ở đây về nghề nghiệp của bố mẹ là “làm mướn”. Khí hậu khắc nghiệt, đất đai bạc màu và thiếu nước tưới, người dân sinh sống chủ yếu bằng việc trồng lúa nước một vụ và cây hoa màu trong rẫy.

Những ly sữa được các em vui sướng đón nhận làm ấm lòng người trao. Bà Nguyễn Thị Như Hằng - giám đốc điều hành Công ty Vinamilk, đơn vị bảo trợ chính cho quỹ sữa - chia sẻ: “Những ánh mắt rạng ngời niềm vui của các em khi được nhận sữa mà chúng tôi đã chứng kiến trong cuộc hành trình của mình qua các chuyến đi Côn Đảo, Bình Thuận, Tuyên Quang... càng củng cố hơn quyết tâm mục tiêu để trẻ được uống sữa mỗi ngày”.

Trên con đường đất nhỏ, chị em Hằng tung tăng với hai hộp sữa được nhận. Trong ba tháng tới, chị em Hằng là hai trong 700 trẻ em vùng rẻo cao này sẽ được uống sữa đều đặn mỗi ngày. Đó là niềm vui sướng của hai chị em và của cả những ông bố, bà mẹ nhọc nhằn có con cái được hưởng chương trình này.

Tám triệu ly sữa, đó là điều những người tổ chức đang hướng đến, nhưng đó chưa là điểm kết thúc. Điểm kết thúc ai cũng mong muốn là tất cả trẻ em nghèo đều được uống sữa mỗi ngày.

NHƯ BÌNH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Có nên tái chế nguyên liệu thuốc Tamiflu?



TT - Xoay quanh vấn đề nên hay không nên tái chế, thu hồi nguyên liệu từ lô Oseltamivir đã hết hạn, các chuyên gia vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

* PGS.TS Lê Văn Truyền (nguyên thứ trưởng Bộ Y tế):

Phải đảm bảo chất lượng như nguyên gốc mới làm


Về nguyên tắc, thuốc hết hạn là bỏ, không nên lấy thuốc hết hạn tách chiết và giữ lại hoạt chất, sử dụng sản xuất mẻ thuốc khác. Tuy nhiên, dự án dự trữ 562 tỉ đồng thuốc Oseltamivir là một dự án đặc biệt, đề xuất tái chế Oseltamivir đang được một số nhà khoa học bàn đến cũng có thể xem xét.

Nhưng thách thức là chúng ta chỉ nên tái chế, thu hồi nguyên liệu khi chứng minh được độ tinh khiết của hoạt chất sau tách chiết, tỉ lệ nguyên liệu thu hồi, hàm lượng tạp chất... để quyết định có nên tái chế lô thuốc này. Tùy thuộc trình độ khoa học công nghệ, nhưng tỉ lệ nguyên liệu thu hồi sau tách chiết không bao giờ đạt tương đương nguyên liệu đầu vào.

* PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ Hà Nội):

Có thể thu hồi 60-70% nguyên liệu


Với các thuốc khác, thu hồi nguyên liệu sau khi hết hạn là không được phép, nhưng lô 9,7 triệu viên như Oseltamivir dự trữ rất nên nghiên cứu, xem xét thu hồi nguyên liệu. Tôi cho rằng trong điều kiện bảo quản ổn định, hoạt chất chính của thuốc còn sạch 97-98% so với 99% ở thời điểm dập viên. Nếu thu hồi và làm sạch tạp chất hoàn toàn có thể sử dụng.

Hủy lô thuốc này chúng ta sẽ mất 280 tỉ đồng tiền thuốc, trong khi nếu thu hồi nguyên liệu, 1 tấn nguyên liệu như tỉ lệ chúng tôi thu hồi trên quy mô thí điểm 5.000 viên Tamiflu hết hạn thì có thể thu hồi được 80% nguyên liệu.

Nếu triển khai trên quy mô công nghiệp, lượng nguyên liệu thu hồi được có thể giảm đi, nhưng có thể ở mức 60-70% cũng thu hồi được lượng nguyên liệu tương đương 200 tỉ đồng.

Từ năm 2006-2008, Viện Khoa học VN đã cấp cho Viện Hóa học, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, ĐH Dược Hà Nội 100 triệu đồng triển khai nghiên cứu thu hồi nguyên liệu Oseltamivir phosphate từ Tamiflu, chúng tôi đã thu hồi được 80% hoạt chất so với nguyên liệu khi dập viên.

Nếu triển khai tái chế lô Oseltamivir 75mg gồm 9,7 triệu viên đang dự trữ, tôi cho rằng chi phí mua thiết bị, hóa chất (sau này nếu có thu hồi sẽ không phải mua nữa), nhân công chỉ tốn 5-10%/trị giá lô thuốc, tức tối đa khoảng 15-20 tỉ đồng.

* Một chuyên gia về chất lượng thuốc của Bộ Y tế:

Không nên tái chế


Lô Oseltamivir 9,7 triệu viên của VN đã hết hạn lần 1 từ tháng 2-2008, được gia hạn một năm và cũng hết hạn từ tháng 2-2009.

Tổ chức Y tế thế giới có khuyến cáo trong trường hợp có dịch, nếu nguy cơ của việc gia hạn Oseltamivir đã hết hạn thấp hơn nguy cơ của việc người dân không có thuốc điều trị thì có thể gia hạn. Nhưng VN hiện nay không có dịch, kể cả gia hạn thêm hai năm thì chỉ 4-5 tháng nữa lô thuốc này cũng hết hạn lần 3.

Công ty Hetero, nhà cung cấp nguyên liệu Oseltamivir cho VN, đã công bố chỉ thu hồi được 30% nguyên liệu sau khi tái chế. Ở VN, dù làm tốt cách mấy cũng chỉ thu hồi được 60-70% nguyên liệu nhưng sẽ khó kiểm soát tạp chất, chất lượng điều trị.

LAN  ANH ghi
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trung thu và những trái tim hồng



Từ những ngày đầu tháng 9, các tổ chức và đội nhóm tình nguyện đã rục rịch làm trung thu cho trẻ em nghèo...

Các bạn mở gian hàng quyên góp áo cũ, đồ chơi cũ, bánh trung thu... Vài nhóm bạn trẻ miệt mài hàng giờ tự tay chẻ tre, cắt dán giấy màu để làm những chiếc lồng đèn thủ công... Tất cả họ đang chuẩn bị một mùa trung thu sớm cho các em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi ở mọi miền đất nước...

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=448732




Nối yêu thương

Cơn mưa lớn bất ngờ ập xuống ngay sáng sớm chủ nhật 12-9 khiến ban tổ chức ngày hội “Kết đèn lồng - nối yêu thương” của CLB tình nguyện Những ước mơ xanh thót tim. Nhưng mưa vừa dứt, những bước chân đã nườm nượp kéo đến, ngồi chật kín sân trụ sở Hội Liên hiệp thanh niên TP. Chẳng ai bảo ai, người hì hục bẻ từng thanh tre, người tỉ mẩn đục, cắt vỏ lon nước ngọt, hộp sữa...

Chẳng mấy chốc những chiếc đèn ông sao, tàu thủy... từ vỏ lon ra đời. Khá nhiều gia đình nhỏ cũng hòa cùng các bạn trẻ tham gia ngày hội. Những chiếc lồng đèn ngộ nghĩnh này sẽ được trao tận tay các em bé mồ côi tại một ngôi chùa ở thị xã Bà Rịa-Vũng Tàu và trẻ em nghèo quận 8 (TP.HCM).

Năm nay, nhiều đội nhóm trẻ bắt tay lên kế hoạch cho đêm trung thu hoành tráng hơn mọi năm. Sáng 18-9, gần 400 sinh viên khoa công nghệ thông tin và khoa địa chất (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) tổ chức gian hàng trò chơi, trao quà và học bổng cho các bạn nhỏ tại Trường THCS Quy Đức (H.Bình Chánh, TP.HCM).

“Các bé sẽ thỏa sức sáng tạo trong phần thi trang phục bằng sản phẩm tái chế như bong bóng, giấy cũ, ruybăng, màu nước...” - Trường Phước (phó ban thường trực tổ chức) nói.

Khác hơn một chút, sinh viên một số trường CĐ-ĐH ở TP.HCM quyết định quay lại mặt trận Mùa hè xanh tổ chức trung thu cho các em nhỏ địa phương. “Tôi không thể quên ánh mắt buồn rười rượi của hàng chục đứa học trò nhỏ ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Khi ôm siết các em, tôi và các bạn đã tự hứa sẽ quay lại đây”, Thùy Vân (sinh viên năm 3 khoa ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) bộc bạch.

Lời hứa đó các bạn vẫn giữ. Trong hai ngày 18 và 19-9, hơn 700 sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM mang theo 6.000 bánh trung thu, 2.300 chiếc đèn lồng và hàng trăm phần quà khác tỏa về 14 mặt trận từng đóng quân ở huyện biên giới Bù Gia Mập. Cùng thời điểm này rất đông sinh viên Trường ĐH Sư phạm đã vác balô đầy quà trung thu lên đường quay lại từng mặt trận cũ...

Quà mùa trăng
Hơn một tuần nay tại Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) xuất hiện một chiếc thùng được trang trí hình vẽ xinh xắn mang tên “Đồ chơi cũ cho niềm vui mới”. Đây là chương trình từ thiện do ngân hàng tổ chức, nhằm kêu gọi toàn bộ nhân viên và khách hàng tặng lại những món đồ chơi cũ làm quà trung thu cho 600 em nhỏ khó khăn tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Bình Dương.

“Thay vì mua những món đồ chơi mới, chúng tôi khuyến khích các bé chia sẻ đồ chơi của mình cho các bạn khó khăn hơn. Chúng tôi muốn các bé hiểu bài học yêu thương qua từng hành động nhỏ. Thú vị nhất là hơn 700 món đồ chơi chúng tôi nhận được tính đến hôm nay đều nguyên vẹn, sử dụng tốt và còn rất mới”, chị Kiều Trang (chuyên viên phòng truyền thông) cho biết.

Đến Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM vào những ngày này sẽ dễ dàng bắt gặp một nhóm sinh viên túm tụm tập hát bằng ngôn ngữ ký hiệu. “Chúng tôi sẽ tổ chức một đêm trung thu thật đặc biệt dành riêng cho các em nhỏ ở Trung tâm khiếm thính Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cả đội sẽ hát và diễn kịch bằng ngôn ngữ của các em, để các em có thể cảm nhận một đêm trăng rằm trọn vẹn theo cách của mình”, Quang Tuyến (CLB công tác xã hội Trường ĐH Kiến trúc) nói.

Những ngày trước các bạn đã mua tre từ Q.Gò Vấp về chẻ, dán giấy màu và vẽ nhiều hình ảnh xinh xắn lên 100 chiếc lồng đèn...

“Đến hẹn lại lên, năm nào cũng tổ chức trung thu các bạn có cảm thấy nhàm chán không?”. Ngọc Tuyền (CLB công tác xã hội Trường ĐH Kiến trúc) ngập ngừng vài giây khi nghe chúng tôi hỏi. Bạn đáp: “Đôi lần. Khi nhóm không khảo sát kỹ đối tượng nên chọn những mái ấm phải tiếp cùng lúc nhiều nhóm tình nguyện. Những lúc như vậy mọi người bảo nhau phải tìm những nơi xa hơn, sâu hơn...”.

Quang Tuyến kể trước đêm chia tay mặt trận Kon Tum, chiến sĩ Mùa hè xanh đã dạy các em nhỏ địa phương cách rước đèn đêm trăng. Một em nắm tay Tuyến hỏi: “Lồng đèn là gì hả anh?”. Thế là đêm đó hàng chục chiếc lồng đèn ông sao nối đuôi nhau thắp sáng những con đường phố núi lạnh lẽo, âm u. Nến cháy hết lại được thắp lên. Cuộc diễu hành náo nhiệt hiếm hoi đó chỉ kết thúc khi số đèn cầy trên tay các chiến sĩ hết nhẵn.

Sau mỗi mùa trung thu, số lượng bạn trẻ tham gia tình nguyện lại tăng lên. Những bạn trẻ từng một lần đến với trẻ em bất hạnh vào mùa trăng càng sôi nổi xông vào các hoạt động tình nguyện. Do lẽ gom góp yêu thương có bao giờ là đủ, bao nhiêu là vừa, là đong đầy hết những phận trẻ kém may! Thêm một cái tết thiếu nhi đang đến rất gần. Năm nay trên những ngả đường hẻo lánh, xa xôi ánh đèn đô thị sẽ có thêm nhiều chiếc lồng đèn lung linh tỏa sáng...

Q.LINH - H.THANH - P.TUẦN (Báo Tuổi Trẻ)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thấy trăng thật sáng



Cơ quan thông báo quà trung thu cho mỗi nhân viên là một hộp bánh trị giá 137.000 đồng. Không ít người bàn ra tán vào giá này thì bánh không phải loại xịn. Còn chị em lại lo ăn bánh phải để mắt hơn đến việc tập thể dục bởi bánh trung thu có quá nhiều năng lượng. đang bàn tán sôi nổi thì có người đề nghị: “Ai không ăn bánh vì sợ béo thì cho em, em mang lên cho các cháu ở trại trẻ. Trẻ con ở đấy có mấy khi được ăn bánh đâu mà sợ béo”.

Không khí chùng xuống. Mọi người bắt đầu ờ, à... Rồi hỏi nhau cái trại ấy ở đâu, bao giờ đi? Trẻ con đông không? Không có bánh kẹo thì có thể gửi gì được? Quần áo cũ có lấy không? Giày con tớ đi rồi nhưng còn tốt lắm, họ có nhận không nhỉ. Rồi có người lại nhớ ra: quê tớ cũng có cái trại trẻ mồ côi, sao không nghĩ ra mà gửi cho tụi trẻ từ lâu nay nhỉ. Mà chả cứ trẻ con ở trại trẻ, trẻ con họ hàng nhà mình ở quê mấy khi ăn cái bánh trung thu đến mấy chục, đừng nói mấy trăm ngàn.

Thế là cùng nhau lên mạng tìm kiếm xem ngoài trại trẻ mồ côi ra thì còn ở đâu có bày những cuộc vui Trung thu tương tự. Hóa ra ở trên mạng có quá nhiều thông tin về những cuộc đi thăm, sẻ chia nho nhỏ kiểu như vậy. Không kể đến những chuyến đi đậm tính quảng bá của các người mẫu đại diện cho thương hiệu này, nhãn hàng kia...

Nhiều hơn cả là những đêm hội Trung thu mà ở đó trăng thật sáng, đèn kéo quân thật giống hình người, bưởi thật thơm và hồng thật đỏ mọng đã diễn ra từ hàng chục năm nay ở chùa Bồ Đề, ở trại Ba Vì, Thụy Phương, SOS... và hàng chục, hàng trăm những ngôi chùa, những trại trẻ, nhà tình thương khắp trong Nam ngoài Bắc.

Hóa ra không phải chỉ là bánh nướng bánh dẻo, là bưởi, là đèn ông sao, mũ công chúa hay mặt nạ Tôn Ngộ Không... Rất nhiều trên các tờ báo, các tờ rơi ngoài đường, trên các apphich giăng khắp phố là những thông tin về các đêm hội “Trung thu yêu thương” dành cho các em. Nơi mà ở đó các ca sĩ ngôi sao không mặc váy dạ hội, chỉ sơmi giản dị, hát không thù lao cho các cháu. Nơi mà những em bé sinh ra không có được cái may mắn có cha mẹ đầy đủ, lại được thưởng thức một bữa cỗ trông trăng có cả cha, mẹ, cô dì chú bác cùng rất nhiều anh chị em quen biết lần đầu. Nơi mà những người lớn đầy lo toan với cơm áo gạo tiền thường nhật, có một đêm lắng lòng mình lại để thấy trăng thật sáng và tuổi thơ đã qua đi mới quý giá nhường nào.

Trung thu, bởi thế, đừng vội nản lòng khi biết có hơn 80% lượng bánh được làm ra là để dành cho các doanh nghiệp biếu tặng. Đừng vội phiền muộn khi có những người nhận những hộp bánh trung thu tiền triệu mà không một lần mở ra để biết nó ngon dở thế nào. Cũng đừng vội săm soi xem các ngôi sao đi làm từ thiện thật lòng hay đánh bóng thương hiệu...

Hãy quên tất cả những điều đó trong đêm rằm để thấy trăng thật sáng, và thấy “Trung thu yêu thương”.

THU HÀ (Báo Tuổi Trẻ)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 44 trang (432 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [25] [26] [27] [28] [29] [30] [31] ... ›Trang sau »Trang cuối