Trang trong tổng số 12 trang (112 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vanachi

Lục bát
Song thất lục bát
Thơ Đường luật
Thơ mới
...
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Vần trong tiếng Việt

Một điều nhiều người tưởng biết mà lại là không biết: tiếng Việt có mấy thanh? Đa phần mọi người đều nói bằng tiếng Việt có 6 thanh: ngang (không dấu), huyền (`), hỏi (?), nặng (.), ngã (~), sắc ('). Nhưng thực tế trong tiếng Việt có 8 thanh, cụ thể từ thấp đến cao như sau:
- Trầm nhập thanh (.)
- Trầm khứ thanh (.)
- Trầm thượng thanh (?)
- Trầm bình thanh (`)
- Phù bình thanh (không dấu)
- Phù khứ thanh (')
- Phù thượng thanh (~)
- Phù nhập thanh (')

Riêng 2 thanh Trầm nhập thanh và Phù nhập thanh chỉ xuất hiện ở các chữ có phụ âm sau là c, ch, t, p. Ví dụ một vài trường hợp các âm sắp xếp từ thấp đến cao:
- nhạc, nhạng, nhảng, nhàng, nhang, nháng, nhãng, nhác
- thịch, thịnh, thỉnh, thình, thinh, thính, thĩnh, thích
- ngọt, ngọn, ngỏn, ngòn, ngon, ngón, ngõn, ngót
- sập, sậm, sẩm, sầm, sâm, sấm, sẫm, sấp

Điều này giải thích sự tồn tại của các từ láy: nhang nhác, thinh thích, ngon ngót, sâm sấp,...

8 vần này được chia làm 2 thứ (2 nhóm thanh hoặc gọi tắt "2 thanh"): bằng và trắc. Thanh bằng gồm có Trầm bình thanh và Phù bình thanh, thanh trắc gồm các thanh còn lại.

Thông thường trong thơ thì phải cùng thứ thì mới có thể coi là vần được với nhau, có rất hãn hữu trường hợp vần khác thứ và cũng được coi là ngoại lệ. Ví dụ "nhạc" vần với "nhác", "nháng",... nhưng không được coi là vần với "nhang", "nhàng" khi gieo vần trong bài thơ.

Các kiểu gieo vần thông dụng:
- Vần tiếp (vần liền): chữ cuối của 2 câu liên tiếp vần với nhau. VD:
Ve vẻ vè ve
Cái vè nói ngược
Non cao đầy nước
Đáy biển đầy cây
Dưới đất lắm mây
Trên trời lắm cỏ
Người thì có mỏ
Chim thì có mồm...

- Vần chéo: chữ cuối 2 câu cách nhau có vần với nhau. VD:
Rượu quỳnh tương chàng dâng ta uống cạn,
Đàn ngọc trao, ta dạo khúc nghê thường.
Chàng nói khẽ: anh yêu em vô hạn,
Phút tương phùng anh dâng trọn niềm thương.

- Vần ôm: chữ cuối 2 câu giữa trong khổ 4 câu vần với nhau. VD:
Hoàng hôn ơi! Sao mắt bờ quầng thâm,
Xưa biển hứa ngàn năm yêu cát trắng.
Phiêu du mãi để con thuyền khô đắng,
Sóng có bao giờ yên lặng đâu, bờ yêu!

- Vần 3 chữ giống thơ Đường luật: các chữ cuối các câu 1, 2 và 4 của khổ thơ vần với nhau. VD:
Trong buổi chiều hôm bóng nhá nhem,
Anh ra trước cổng đứng chờ em.
Nhận từng vóc dáng từ xa tới,
Lọc lấy một hình anh thuộc quen.

Ngoài ra giữa 2 câu thơ còn có hai kiểu gieo vần thông dụng:
- Gieo vần chân: vần của 2 câu nằm ở cuối câu. VD:
Nắng gắt, môi khô, miệng khát khao,
Dừng chân hứng mát bóng in đào.

- Gieo vần lưng: chữ cuối câu trước vần với chữ ở giữa câu sau (thường là chữ thứ 3 tính từ cuối câu). Kiểu gieo vần này chủ yếu gặp ở thơ Lục bát và Song thất lục bát, ngoài ra có thể gặp trong thơ tám chữ, bốn chữ và thơ tự do. VD:
Tằm em ăn rỗi hôm nay,
Hái dâu, em bận suốt ngày hôm qua.
Mong sao tằm tốt, tơ già,
May đôi áo nái làm quà cho anh.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Bài viết này trước copy từ trên mạng, lưu trong máy đã lâu nhưng không nhớ nguồn ở đâu.

Bài biên khảo của NHẤT LANG để giúp hiểu rõ thêm về Vần, và Thông vận
- Trích từ 'Tập làm thơ – Quy tắc căn bản” -

NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN

1) TIẾNG BẰNG:

Tiếng BẰNG là những tiếng KHÔNG DẤU, và những tiếng có DẤU HUYỀN, thí dụ như hai chữ "THƠ" và "TÌNH", cả hai chữ này đều là tiếng BẰNG ! Tiếng BẰNG là những tiếng có giọng ÊM dịu, có thể đọc kéo dài ra được.
*Phân loại : Tiếng BẰNG có HAI LOẠI: THƯỢNG BÌNH THANH, và HẠ BÌNH THANH.
Nói cách khác, Thượng Bình Thanh là tiếng BỔNG, Hạ Bình Thanh là những tiếng CHÌM hay TRẦM.
Nhất Lang dùng hai chữ thí dụ trên để nói tiếp:
-"THƠ" là tiếng KHÔNG CÓ DẤU, ta gọi là tiếng BỔNG!
-TÌNH là tiếng CÓ DẤU HUYỀN, ta gọi là tiếng CHÌM hay TRẦM!
Tiếng Bổng và tiếng Trầm chan hòa với nhau tạo ra âm điệu du dương, làm bài thơ hay hơn. Nếu ta chỉ dùng 1 loại tiếng trong một câu thơ thì âm điệu sẽ rất ngang và trúc trắc.

2) TIẾNG TRẮC :

Bên cạnh những tiếng BẰNG, chúng ta còn cần phải làm quen với những tiếng TRẮC. Tiếng TRẮC là những tiếng có giọng đọc ngắn, không kéo dài ra như tiếng BẶNG . Những tiếng có chữ C, CH, P, T đứng ở cuối tiếng và những tiếng có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều là những tiếng TRẮC.
Cũng như tiếng BẰNG, TRẮC có tiếng TRẦM và BỔNG - tiếng TRẦM của tiếng TRẮC là những tiếng có dấu HỎI và NẶNG, tiếng BỔNG của tiếng TRẮC là những tiếng có dấu SẮC và NGÃ.
Hai chữ "Lãng" và "Mạn" đều là tiếng TRẮC, "Lãng" là tiếng BỔNG, "Mạn" là tiếng Trầm hay Chìm.

3) KẾT HỢP BẰNG TRẮC :

Mỗi câu thơ đều nên có tiếng BẰNG và tiếng TRẮC, và vì hai loại tiếng khác nhau, nên ta phải xếp sao cho tiếng nọ chế tiếng kia, thì khi đọc sẽ tìm thấy một âm điệu du dương. Nói tóm lại, mỗi câu thơ nên được xếp sao cho mỗi loại tiếng chan hòa với nhau, có nghĩa là cố giữ sao cho câu thơ 8 chữ phải có ít nhất 3 tiếng BẰNG, 5 tiếng TRẮC hoặc ngược lại... nếu được 4 tiếng này, 4 tiếng kia thì càng tốt; câu thơ 8 chữ mà chỉ có 1 tiếng BẰNG và 7 tiếng TRẮC, thì câu thơ ấy thiệt là chướng tai ghê lắm.
Cho dù câu thơ có mấy chữ đi nữa, BẰNG và TRẮC nên được cân đối với nhau, tuy nhiên không đòi hỏi phải bằng số !
*Điều quan trọng :
Văn thơ khác hơn âm nhạc ở chỗ chữ BẰNG không thể nào hợp VẬN cùng chữ TRẮC. Nghĩa là chữ TÌNH có thể vần cùng chữ MÌNH, nhưng không thể vần cùng chữ TÍNH.
Luật định : BẰNG vần với BẰNG, TRẮC vần với TRẮC.

4) KẾT HỢP TRẦM BỔNG :

Tiếng Bổng và Trầm được xếp ra sao thì là do biệt tài của mỗi người, ta không có luật định rõ...
Tuy nhiên, TRẦM và BỔNG được xem là nhất định ở chữ thứ 6 và thứ 8 trong câu BÁT của thơ Lục Bát. Nếu tiếng BỔNG được dùng ở vị trí chữ thứ 6 thì tiếng TRẦM nhất định phải được dùng ở vị trí chữ thứ 8. Và ngược lại, nếu chữ thứ 6 đã là tiếng TRẦM, thì chữ thứ 8 nhất định phải là tiếng BỔNG. Nếu 1 loại tiếng được dùng ở cả hai vị trí nói trên, thì câu thơ ấy sẽ bị mất đi âm điệu của thơ.
Các bạn đọc thử hai câu thơ này:
Đêm nay trăng tỏ sao mờ,
Đò ngang vĩ tuyến còn CHỜ em VỀ.
Các bạn đọc lại hai câu này:
Đêm nay trăng tỏ sao mờ,
Đò ngang vĩ tuyến còn CHỜ em TÔI.
Hai câu trên đọc nghe chướng tai lắm, vì cả hai tiếng TRẦM đều được dùng ở vị trí thứ 6 và 8 trong câu Bát (câu có 8 chữ).
Hai câu dưới đọc nghe êm tai, vì hai loại tiếng khác nhau (Trầm và Bổng) đã được dùng vào vị trí chữ thứ 6 và 8 trong câu Bát.

5) VẦN :

VẦN - Nghĩa là những tiếng có cùng một ÂM HƯỞNG; hai tiếng có cùng giọng phát âm thì VẦN với nhau được... hai tiếng không VẦN với nhau thành ra LẠC VẬN, trái luật thơ !
Tuy hồn thơ, lời và ý đều quan trọng, nhưng nếu bài thơ không có VẦN thì không gọi là thơ. Cho dù là thơ MỚI (không chú trọng đến luật) cũng cần phải có VẦN thì bài thơ mới hạy
*Tiếng BẰNG vần với tiếng BẰNG, tiếng TRẮC vần với tiếng TRẮC... không có điều ngoại lệ!

a-Vần chính của vần BẰNG :

A vần với A hoặc À, E vần với E hoặc È, AN vần với AN hoặc ÀN, INH vần với INH hoặc ÌNH.
Một thí dụ cho vần chính của vần BẰNG:
Pháo nổ dồn, pháo nổ DỒN,
Pháo đang xâu xé tâm HỒN lẻ loi. ...
Trong hai câu LỤC BÁT trên Nhất Lang đã dùng vần chính của âm ÔN ...
Mắt em hãy nghiền nhắm,
Anh tặng một nụ HÔN,
Cho em ấm cả HỒN,
Mộng liêu trai chìm đắm.
Bốn câu trên được viết theo thể loại thơ MỚI (5 chữ), hai chữ cuối của câu 2 và 3 phải vần nhau, và Nhất Lang cũng đã dùng vần chính của âm ÔN. NHẮM và ĐẮM chỉ là trùng hợp, hai chữ này không cần phải VẦN nhau.

b-Vần chính của vần TRẮC

-Á với Á, Ả, Ã, hoặc Ạ vần với nhau.
-É với É, Ẻ, Ẽ, hoặc Ẹ vần với nhau.
Một thí dụ cho vần chính của vần TRẮC :
Cứ mỗi độ chiều về bên SUỐI,
Anh trộm nhìn đắm ĐUỐI dáng hoa.
Vần chính của vần TRẮC đã được dùng trong hai câu SONG THẤT trên.

c-Vần thông của vần BẰNG :

Vần thông là những tiếng không có cùng một ÂM như các vần CHÍNH, nhưng có cùng một giọng PHÁT ÂM, có thể ăn vận với nhau được.
Nếu không am hiểu vần THÔNG chúng ta rất dễ bị LẠC VẬN khi làm thơ. Vì thế khi muốm dùng vần thông, chúng ta cần phải hiểu rõ luật vần thông.
Theo kinh nghiệm và cách nhìn của Nhất Lang thì người miền Nam thường hay bị lầm lẫn về vần THÔNG hơn ( Nhất Lang chỉ nói là thường - riêng Nhất Lang cũng là người miền Nam.
VẦN THÔNG là những tiếng có sự vận động của môi và lưỡi rất giống nhau khi ta phát âm.
Nhất Lang cố gắng đem vào đây hầu hết những VẦN THÔNG mà chúng ta thường gặp ... Các bạn và các em cố gắng chú ý : CẦN NHẤT LÀ NÊN THUỘC LÒNG những vần Thông này, nếu không thì nên dùng chỉ vần chính mà thôi !

TÓM TẮT các VẦN THÔNG của vần BẰNG

-A và Ơ thông với nhau. Ơ và Ư thông với nhau
(Nhưng A và Ư KHÔNG thông với nhau được !)
-E, Ê và I thông với nhau
-O, Ô và U thông với nhau
-AI thông với AY. AI thông với tất cả các ÂM sau đây: OI, ÔI, ƠI, ƯƠI, UI, Nhưng, AY, tuy thông với AI nhưng không thông với các ÂM trên ! Tất cả những ÂM trên THÔNG với nhau.
-AO thông với AU. AU thông với ÂU, Nhưng AO không thông với ÂU. AO thông với tất cả các âm sau: EO, ÊU, IÊU, IU, ƯU Nhưng AU và ÂU không thể thông.
-AM thông với ƠM
-ĂM thông với ÂM
-ÊM thông với IM và EM
-AN thông với ƠN
-ĂN thông với ÂN và UÂN
-EN, IN, IÊN, và UYÊN thông nhau
-ON, ÔN và UÔN hoặc UN thông nhau
-ANG và ƯƠNG thông nhau. ƯƠNG và UÔNG thông nhau. Nhưng ANG không thông với UÔNG.
-ĂNG, ÂNG, và ƯNG thông nhau
-ONG, ÔNG, và UNG thông nhau
-ANH, ÊNH và INH thông nhau

*LƯU Ý :

***ĂN và ĂNG, ÂN và ÂNG, hay UN và UNG, ON và ONG, ÔN và ÔNG vv... không thông nhau.
Những chữ có "G" theo sau nhất định chỉ thông với những chữ có G theo sau ! Đây là điểm mà Nhất Lang nhìn thấy người có giọng phát âm của miền Nam hay bị lầm vì sơ ý hay theo thói quen. (Nhất Lang lắm khi cũng không ngoại lệ)
***NHẮC LẠI : Khi Nhất Lang bảo là THÔNG thì có nghĩa là những ÂM ấy VẦN với nhau được !

d-Vần thông của vần TRẮC

Vần thông của vần TRẮC cũng dựa theo nguyên tắc như những vần thông của vần BẰNG.
Vần thông có nguyên âm đứng cuối :

-É, Í, Ẻ, Ỉ, Ẽ, Ĩ, Ẹ, Ị thông với nhau.
Cũng như vần BẰNG tất cả những âm I có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều có thể thông với những âm Y có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG, nhưng Y không thông được với E.
-Ổ, Ũ, Ó, hay Ộ, Ú, Ọ thông nhau
-Ọ và ỦA thông nhau (tất cả các âm O và UA có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều thông)
-ĨA và UỆ thông nhau
-ÁO, IỄU, ẢO, YẾU, ÉO, ỈU, ỮU và tất cả các đồng âm có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều vần được.
-ÓI, ẢI, Ội, ỠI, ƯỢI, ÚI và các đồng âm có các dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều vần nhau được.
-ẤC và ỰC thông nhau
-ẠM, ỢM, ÁM, ỞM thông nhau
-ẶN và ẨN hay UẨN thông nhau
-ÓNG và ÚNG
-ẬT và ẮT
-ẬT và ỨT
-ÚT và UỐT vv...

Tóm lại : vần thông của vần TRẮC không khác chi vần thông của vần BẰNG về ÂM, tuy nhiên ta cần hiểu rõ khác biệt giữa TRẮC và BẰNG.

6) GIEO VẦN

Sau đây là các điều đáng nhớ trong sự GIEO VẦN:

* A, Ă, Â rất thường được GHÉP với một phụ âm khác như C, M, N, P, T để tạo thành âm GHÉP như: AC, ĂC, ÂC... AM, ĂM, ÂM... AN, ĂN, ÂN... AP, ĂP, ÂP... AT, ẮT, ẤT vv... Những vần GHÉP nói trên CHỈ thông được với nhau khi có cùng một phụ âm đứng trước!
Thí dụ: BÁT thông được với BẮT hay BẤT, mà KHÔNG thông được với CẮT hay CẤT hoặc MẮT hay MẤT... tuy nhiên BÁT thông được CÁT hay MÁT vì chúng đều có âm GHÉP "AT" theo sau.
*TAM thông với TĂM hay TÂM, mà KHÔNG thông với CĂM hay CÂM, cũng không thông được với TRĂM hay TRÂM... tuy nhiên TAM thông được với CAM, TRAM, vì chúng có cùng âm GHÉP "AM" theo sau.
*TAN thông với TĂN hay TÂN, mà không thông với VĂN hay VÂN vv...

a-Khi có vần GHÉP bằng 2 hoặc 3 chữ nguyên âm với một phụ âm đứng cuối: IÊN, UYÊN, UÂN, UÔN, ta nên lấy 2 chữ cuối cùng làm VẬN CĂN, Có nghĩa là dựa theo hai chữ cuối cùng mà gieo vần...

Thí dụ:
-EN, IN, vần với YÊN hay UYÊN
-ÂN vần với UÂN
-ƠN vần với OAN
-ON vần với UÔN

b-Vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm với 2 phụ âm
Thí dụ như chữ ƯƠNG... thì ta nên lấy 3 chữ cuối mà làm VẬN CĂN để GIEO VẦN.
Cho nên : ƯƠNG vần với ANG,
Cũng nên nhớ : ƯƠNG vần với UÔNG vì Ơ vần với Ô, nhưng UÔNG không vần với ANG vì Ô không vần với A.

c-Vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm :

Khi có loại âm này thì ta nên theo âm điệu mà lấy 1 hay 2 chữ ấy mà làm VẬN CĂN.
Thí dụ:
-OA, OE, UÊ, UY... thì vận căn là A, E, Ê, Y; nên OA vần với A, OE vần với E, UÊ vần với Ê, UY vần với I hay Y.
-UÂY vần với ÂY
-IA, UYA, UA, ƯA... vận căn là I, Y, U, Ư, mà chữ A đứng cuối không ảnh hưởng chi cả.
-I vần với IA
-A vần với IA trong chỉ một chữ GIA, không vần với IA bắt đầu bằng phụ âm khác, như TIA, KIA...
-Ư vần với ƯA
-Ô vần với UA vv...

d-Lưu ý :
-Hai tiếng đồng âm và đồng nghĩa thì không vần được với nhau !
-Hai tiếng đồng âm mà khác nghĩa thì vần được !

Các bạn và các em đọc lại tất cả các bài trên đây để làm quen và có gì thắc mắc, cứ hỏi... Nhất Lang sẽ cố gắng trả lời theo khả năng của mình.
Sau khi mọi người thông qua từ BẰNG & TRẮC, BỔNG & TRẦM, VẦN CHÍNH & VẦN THÔNG thì mình sẽ bắt đầu nói đến THƠ LỤC BÁT !
Những bước trên là những điều căn bản mà các anh chị, các bạn, và các em cần phải hiểu khi bắt đầu tập làm thơ.
Nhất Lang mong rằng những điều ghi trên giúp ích được cho các anh chị, các bạn, và em muốn làm quen cùng nguyên tắc làm thơ. Bài kế tiếp Nhất Lang sẽ bắt đầu nói đến những loại thơ.
Chúc tất cả vui vẻ và thành công!
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Bài viết này của bác HAN SI NGUYEN, nhưng không nhớ copy từ trang nào!

NHỮNG VẦN NÀY “CƯỠNG” HAY “THÔNG”

1-Nhắc lại đôi điều về cách hoà vận

Có 4 cách hoà vận :

a-Chính vận : là những vần ăn khớp chặt chẽ với nhau (ví như anh em ruột vậy)
Thí dụ :
A với A
I với I
AI với AI
ONG với ONG v.v....
gọi là chính vận ( vần nào ăn khớp chặt chẽ với vần nấy )

b-Thông vận : là những vần cùng nhóm, hơi khác nhau một chút nhưng có thể tương thông với nhau. Nói nôm na là “hơi khác nhau, nhưng nghe ... lọt tai” (ví như anh em chú bác ruột vậy).
Thí dụ :
A với oa
I với e, ê, ia, uy
AI với ay, ây
EM với êm, im, iêm
ANH với inh, ênh, uynh
ANG với oang, ương
ONG với ông, ung v.v...
gọi là thông vận ( vần hơi khác loại nhưng ăn thông với nhau được )

c-Cưỡng vận : là vần ép, vần cưỡng bách, bản thân chúng không liên quan với nhau mấy ( bà con quá xa, xa 5,7 đời) thực chất thì không thông nhau được, nhưng miễn cưỡng dùng ép cũng ... tạm được. Tất nhiên cưỡng vận chỉ được dùng khi ... bí vận mà thôi. Miễn cưỡng thì cũng được, nhưng nếu dùng nhiều quá thì sẽ làm giảm hoặc mất giá trị bài thơ
Thí dụ :
AN với ang
ON với om
ƠN với ơm
ÔN với ôm
UÔN với ƯƠNG
IN với inh, im, êm, iêm ...
v.v.....
gọi là cưỡng vận ( vần ép, vần cưỡng bách )

d-Lạc vận :
Ơ với ơi
A với ai, ia
Ô với ôi, ôn, ông
ƠI với ơn
AI với an, ang v.v....
gọi là lạc vận ( vần ăn ... trét; không hoà vận )

Trong 4 cách hoà vận nói trên
-Chính vận thường chặt chẽ, nhưng cũng gò bó, kém phần linh động.
-Thông vận là cách hòa vận thoải mái nhất, làm cho bài thơ trở nên đặc sắc, biến ảo vô cùng
-Cưỡng vận là vần ép, miễn cưỡng cũng có thể dùng được, nhưng nếu sử dụng cưỡng vận nhiều quá, sẽ làm giảm giá trị câu thơ

Tóm lại :
Cả ba cách hoà vận nói trên đều dùng được
Chỉ riêng Lạc vận là phải tuyệt đối tránh, gieo vần lạc vận kể như bài thơ hỏng

2-Cưỡng hay thông ?

Một vấn đề thường hay gây ra tranh cãi là bản thân 2 vần nào đó là “Cưỡng vận” hay “Thông vận” của nhau ?. Một tiêu chuẩn là xét theo truyện Kiều, những vần nào Nguyễn Du có sử dụng, được coi như thông vận.
Một số thí dụ như sau :

***Ong, ông, ung là thông vận
Thí dụ :
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán LÒNG
Phòng văn hơi giá như ĐỒNG
Trúc se ngọn thỏ, tơ CHÙNG phím loan
........................................Nguyễn Du-Kiều [251-254]

***Ang, oang, ương là thông vận
Thí dụ :
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một TRƯƠNG
Khúc nhà tay lựa nên XOANG
Một thiên “Bạc mệnh” lại CÀNG não nhân
........................................Nguyễn Du-Kiều [31-34]

***Nhưng ong, ông và ương là cưỡng vận. (Trong toàn bộ truyện Kiều, không có câu nào ông đi đôi với ương cả)
Cưỡng vận tuy miễn cưỡng cũng dùng được, nhưng nếu có thể thì nên tránh .

3-Nguyên tắc chung của các quan điểm liên quan đến Thông vận và Cưỡng vận là :
-Vần nào Nguyễn Du có sử dụng được kể như thông vận
-Vần nào Nguyễn Du không sử dụng là cưỡng vận

4-Thật ra, quan niệm cưỡng hay thông cũng là do con người định đoạt. Một vần nào đó bản chất là cưỡng, nhưng nếu được dùng nhiều lần quen đi trong những bài thơ hay thì dần dần cưỡng ấy sẽ được coi như thông mà thôi :

a-Trong truyện Kiều :

Rất ít khi thấy xuất hiện Cưỡng vận. Cả bộ truyện, chỉ có thể nhặt ra được 4 lần Nguyễn Du sử dụng cưỡng vận mà thôi :

Lời con dặn lại một hai
Dẫu mòn bia đá, dám phai tấc VÀNG
Lạy thôi nàng lại rén CHIỀNG :
-“Nhờ cha trả được nghĩa CHÀNG cho xuôi” [771-774]

Tin nhà ngày một vắng TIN
Mặn tình cát luỹ, nhạt TÌNH tào khang [1480]

Bao nhiêu đoạn khổ tình thương
Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở THAN
Dặn tôi đứng lại một BÊN
Chán tai rồi mới bước lên trên lầu [2002]

Lệnh quan ai dám cãi lời
Ép tình mới gán cho người thổ quan
Ông tơ thật nhẽ đa ĐOAN
Xe tơ sao khéo vơ QUÀNG vơ xiên [2600]

b-Trong phong trào thơ mới 1932 :

Kiểu hoà vận này lại rất thường thấy

Thí dụ :
Viết vội mấy dòng để ý TAN
Đang khi hồn ở chốn mơ MÀNG
Chỉ mong ân ái vài giây phút
Giữa lúc say say tưởng cạnh NÀNG
.................................Say- Đỗ Huy Nhiệm......

Nàng về thôn nảo thôn nao ấy
Sau núi nghiêng nghiêng đá chập CHÙNG
Những buổi chiều vàng sau nắng nhạt
Theo chiều lại đến với yêu THƯƠNG
.................................Say- Đỗ Huy Nhiệm....

Đừng mong ước cả thiên ĐƯỜNG
Hãy xin lấy nửa mảnh VƯỜN trắng hoa
-----------------------Giản dị-Hồ Dzếnh........

Khăn nhung quần lĩnh rộn RÀNG
Áo cài khuy bấm em LÀM khổ tôi
............................Chân Quê-Nguyễn Bính....

Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái ĐEN ?
Nói ra sợ mất lòng EM
Van em em hãy giữ NGUYÊN quê mùa
............................Chân Quê-Nguyễn Bính....

Lòng tôi như chiếc thuyền NAN
Tình cô như khách sang NGANG một chiều
..............................Sang ngang-Nguyễn Đình Thư

Ta nhớ chiều khi dưới ánh TRĂNG
Cúi nâng tà áo nhẹ tay CẦM
Mơ màng ngỡ nắm tơ trăng biếc
Áo lụa ngời trăng đẹp mỹ NHÂN
.....................Áo lụa-Bàng Bá Lân.......

Lớn lên em đã biết làm DUYÊN
Mỗi lúc gặp tôi che nón NGHIÊNG
Nghe nói ba em chưa chịu nhận
Cau trầu của khách láng giềng BÊN
.................Gái Quê- Hàn Mặc Tử .......

Hôm nay sáng tỏ cung HẰNG
Khiến lòng em nhớ hôm RẰM bên anh
...........................Ghen Trăng- Mai Đình ......

Một mùa thu trước mỗi hoàng HÔN
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy BUỒN
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu ĐƯƠNG
..................Hai sắc hoa Ti-gôn – TTKH .......

Tóm lại :

Qua những thí dụ ấy, ta thấy rằng nếu biết dùng cưỡng vận một cách hạn chế, có chừng mực thì bài thơ vẫn hay như thường. Còn nếu lạm dụng, hoặc dùng không khéo thì ... khó nghe lắm.
Và cuối cùng thì câu hỏi “Vần này Cưỡng hay Thông” vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu đáp vậy.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Thơ Haiku
Nguồn: http://vuonthien.tripod.com/thohaiku.html
o 0 o


Thơ Haiku là gì ?
Haiku âm theo lối chữ Kanji ( gốc chữ Nho) là bài cú , có nghĩa là câu nói để trình bày . Chữ "hai" nghĩa là "bài" , trong tiếng Hán Việt có nghĩa "phường tuồng" , chữ "ku" là "cú" hay "câu". Haiku là loại thơ độc đáo , rất thịnh hành của Nhật Bản và là loại thơ ngắn nhất trên thế giới.

Hình thức thơ Haiku
Một bài thơ theo thể thơ Haiku có ba giòng, giòng đầu và giòng cuối mỗi giòng có năm âm, ôm lấy giòng giữa có bảy âm, có dạng 5-7-5, tổng cộng 17 âm. Tiếng Nhật Bản đa âm, nên mỗi giòng có thể có một, hai, ba chữ hay nhiều hơn. Haiku có biến thể là 5-7-6 hay 5-8-5, lên 18 âm trọn bài. Tiếng Việt đơn âm , nên mỗi chữ là một âm . Không cần vần điệu , nhưng thơ Haiku là sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh, tượng hình có chọn lọc. Thoạt nhìn chỉ là một bài thơ ngắn gọn, nhưng người thơ đã dẫn dắt chúng ta đi qua một khu vườn chữ nghĩa nhỏ hẹp để thênh thang bước vào một cõi tư duy vô cùng bát ngát, một chân trời sáng tạo rộng mở mà người đọc cần có một sự tưởng tượng dồi dào phong phú .

Ngày nay thơ Haiku thoáng hơn nhiều, không gò bó số chữ trong mỗi câu (tổng cộng trên dưới 17 âm hay chữ), không nhất thiết phải chấm, phết hoặc chấm phết tuỳ tiện (không cần phải ở cuối câu), không cần đặt tựa, không bắt buộc phải có từ của mùa . Chỉ giữ lại hình thức 3 câu , và được đưa vào những từ ngữ chải chuốt, những ẩn dụ của cái hữu hạn và vô hạn ...

Nội dung thơ Haiku
Về nội dung có luật cơ bản sau : không mô tả cảm xúc, chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm nên thơ Haiku thường chỉ diển tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc.
          Ôi những hạt sương ( sự kiện hiện tại)
          Trân châu từng hạt (ý nghĩ thứ 1)
          Hiện hình cố hương (ý nghĩ thứ 2)

Một bài Haiku Nhật luôn tuân thủ hai nguyên lý tối thiểu, đó là Mùa và Tính Tương Quan Hai Hình Ảnh.Trong thơ bắt buộc phải có “Kigo” (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa ( không dùng từ xuân, hạ, thu, đông nhưng dùng các từ như hoa anh đào, cành khô, lá vàng ,tuyết trắng ... để chỉ các mùa), và diễn tả một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường).

          Tiếng ve kêu râm ran ( tiếng ve kêu chỉ mùa hạ)
          Như tan vào trong than trong đá
          Ôi, sao tĩnh lặng quá!

          lặng yên qua mấy từng không (hình ảnh vũ trụ)
          lời ve (hình ảnh nhỏ)
          gõ thấu vào lòng đá xanh.

Ðọc thơ Haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả. Tác giả dường như chỉ chia sẻ với người đọc một sự kiện đã quan sát được.

          Cỏ hoang trong đồng ruộng
          Dẫy xong bỏ tại chỗ
          Phân bón!

Nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, một tình cảm nhè nhẹ, bàng bạc trong cả bài thơ, nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi, phù du, trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên.

          Thế giới này như giọt sương kia
          Có lẽ là một giọt sương
          Tuy nhiên, tuy nhiên...

Thơ có xu hướng gợi ý hay ám chỉ bóng gió nhẹ nhàng. Thông thường trong thơ đưa ra hai hình ảnh : một hình ảnh trừu tượng sống động và linh hoạt, một hình ảnh cụ thể ghi dấu thời gian và nơi chốn.

          Trăng soi (hình ảnh trừu tượng)
          Một bầy ốc nhỏ (hình ảnh cụ thể)
          Khóc than đáy nồi (nơi chốn cụ thể)

Nhà thơ không giải thích hay luận về sự liên kết giữa hai hình ảnh nầy, chỉ diễn tả sự vật theo bản chất tự nhiên của nó. Người làm thơ phải tự đặt mình như một đứa trẻ lúc nào cũng có cảm giác bỡ ngỡ , lạ lùng khi tiếp xúc lần đầu tiên với ngoại giới . Một bài thơ Haiku hay là làm sống lại những gì đã chôn sâu trong ký ức và đưa ra những cảm giác sâu sắc, tế nhị, để tự nó khơi lại trí tưởng tượng và mơ ước của người đọc để người đọc tự suy diễn , cảm nhận .

          Chim vân tước bay
          Thở ra sương gió
          Dẫm lướt từng mây

Thơ như một bài kệ, sàn lọc từng chữ, không dư mà cũng không thiếu, cốt sao nói đến chính cái đang là - "đương hạ tức thị". Nắm bắt thực tại ngay trong giây phút nẩy mầm, cái đang xảy ra lắm khi chuyên chở cả một vũ trụ thu gọn vào trong thời điểm đó, tiểu thế giới và đại thế giới hòa nhập vào nhau. Một diễn tiến trước mắt khiến ta liên tưởng đến một hiện tượng hay biến cố nào đó trong một kinh nghiệm sống của riêng mình . Kỷ xảo của thơ Haiku là giản lược tối đa chữ nghĩa trong thơ để vận dụng trí tưởng tượng nơi người đọc . Không có người làm thơ và kẻ đọc thơ, cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hòa của đất trời.

Thiền tính trong thơ Haiku
Thơ Thiền Nhật ban đầu cũng chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa, nhưng đến thế kỷ thứ 17 thì thể thơ Haiku ra đời và phát triển mạnh vào thế kỷ thứ 19 . Người sáng lập loại thơ này là Thiền sư Matsuo Basho. Năm 1680, Matsuo Basho viết bài thơ Con ếch theo lối Haikai - một thể thơ mới (theo thời điểm bấy giờ) mở đường cho thể thơ Haiku. Các bài Haikai của Basho ngắn, gọn, súc tích từ chữ đến ý, cho thấy cái nhìn và thi tứ của nhà thơ. Những người ngưỡng mộ ông tập làm lối thơ này, và thể Haikai trở nên nghiêm trang, chín chắn hơn để dần trở thành thể Haiku, nói lên cái quan niệm và ghi lại sự rung động của nhà thơ.

Sau Basho, có ba nhà thơ lớn của Haiku lần lượt xuất hiện, hợp cùng Basho thành tứ trụ của Haiku Nhật Bản: Basho , Buson , Issa , Shiki .
          Trong bài thơ sau đây của Basho :

          Fu ru i ke ya               Trong ao xưa
          Ka e ru to bi ko mu     Con ếch nhảy vào
          Mi zu no o to             Tiếng nước khua

Chỉ vài chữ: một ao nước, một con ếch nhảy , một tiếng nước khua động cũng diễn tả đầy đủ cảnh vật , không dông dài , nhưng luôn luôn đủ ý .Như vậy Haiku là một loại thơ thiền , một cách tập nhìn sự vật đơn giản , thuần khiết . Ðây là một quan hệ biện chứng giữa tĩnh và động như một công án, một tiếng chuông chiêu mộ thức tỉnh ngộ tính con người.

Thi nhân ghi lại những bức xúc của mình đối với sự biến chuyển trong khoảnh khắc của thiên nhiên đang xảy ra trước mặt. Vạn vật thì thường trôi nổi lững lờ đối với kẻ vô tình mà thật ra đang nói muôn triệu điều trong từng mỗi khắc giây. Người không thấy, người không nghe vì người không chịu nhìn, chịu nghe hay người không biết đấy thôi.

Haiku là một nghệ thuật tổng hợp tinh tế tuyệt vời giữa Phật giáo và Lão Giáo trong thế giới Thiền thi, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa ẩn dụ và phân tích, giữa thiên nhiên vũ trụ và nội tâm con người . Vạn vật và vũ trụ đều có nguồn gốc từ Đạo, theo sự sinh hóa vô thường và kiếp người cũng chỉ là phù sinh hư ảo . Điều nói ra được thì hữu hạn, mà ý lại vô hạn . Ðiều mà thơ muốn mọi người lãnh hội chẳng phải là điều có thể nói được mà là những điều mà thơ chưa nói ra . Cái tiểu vương quốc của những con chữ gò bó chải chuốt bỗng vươn mình ảo hóa trở thành một vũ trụ siêu hình .Trong thơ Haiku có sự dung hợp giữa Thiền và Thơ, vì thơ biểu lộ tình cảm và thơ có thể tải đạo . Thơ Haiku đi từ một sự vật cụ thể thật nhỏ nhoi tầm thường để dẫn dắt người đọc đi vào cõi mênh mông bát ngát không hình tượng , như một thiền sư đã nói : "Gom góp tất cả lời nói để hoàn thành một câu, vò cả đại thiên thế giới thành một hạt bụi" . Nhà thơ William Blake cũng có nói : “Cả vũ trụ trong một hạt cát (a world in a grain of sand)”.
          "Từ trong hạt bụi ngu ngơ ấy
          Mưa nắng vô thường sây sát nhau ."
Ðể cuối cùng người thơ đốn ngộ được :
          "Từ trong hạt cát hằng sa đó
          Vũ trụ Chân Như sáng nhiệm mầu ."

Mùa trong thơ Haiku
Phần lớn thơ Haiku của các thi sĩ Nhật Bản nói về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông , tuy không nêu ra hẳn tên mùa trong năm. Họ thường dùng những chữ liên quan đến mùa xuân, như “tan tuyết,” lúc “hoa mận nở, hoa đào nở,” hoặc đến lúc “ngỗng trời quay về.” Về mùa thu, họ hay tả “đêm thanh, trời vằng vặc đầy sao,” lúc “bóng nai thoáng qua rừng,” hay là “chuồn chuồn bay chập chờn,” khi người ta “gặt lúa.” Mùa hè có “muỗi,” có tiếng “ve ra rả,” hoặc tiếng “quạt,” hay tiếng “suối róc rách.” Mùa đông không tránh được cảnh “tuyết rơi” trong hay ven “rừng thông,” “gấu,” hay là tiếng củi hoặc than nổ tí tách trong “lò sưởi.” Và hình như các tác giả Haiku người Nhật không bao giờ nói đến lũ lụt, động đất, bệnh tật ... những cái không tốt của thiên nhiên.

Miura Chora diễn tả mùa hạ đang reo trên muôn ngàn nhánh cây, với lá xanh thắm sáng rực trong nắng vàng :
          Vàng phai
          cùng với ngàn xanh
          nghe ngày tháng cũ theo quanh nẻo về.

Một bài Haiku khác của Yosa Buson ghi lại sự liên tưởng của ông giữa lá non và thác đổ. Hãy tưởng tượng đến vào một buổi trưa nào đó lúc mới đầu hè, xuân đã qua nhưng lá vẫn còn đang trong thời kỳ nẩy nở, trời chưa nóng lắm. Nhìn nụ xanh Buson mường tượng đến nguồn nước đã nuôi nấng cỏ cây, tắm mát con người trong tháng hạ. Ngay lúc đó, sự liên tưởng đến nước khiến ông nghe văng vẳng tiếng thác đổ gần đâu đó. Nước thác vẫn rơi đều nơi chốn ấy tự ngàn xưa nhưng hình như đối với Buson cho đến giây phút này ông mới vừa nghe hoặc nghe tiếng thác rõ hơn. Đây chỉ là một trong nhiều cách diễn dịch:
          ụ non lá nhú lên mầm
          thác reo
          nghe thoảng xa gần đâu đây.
Mùa hạ thì có tiếng ve kêu như được đá hấp thụ và người đọc cảm thấy không gian xung quanh thật tĩnh lặng:
          Tiếng ve kêu râm ran
          Như tan vào trong than trong đá
          Ôi, sao tĩnh lặng quá!
Mùa thu khi ăn được một quả hồng thì cảm thấy như nghe được tiếng đại hồng chung của chùa Horiu:
          Ta ăn một quả hồng
          Vọng đâu tiếng chuông đồng Hô-riu
          Lòng phấn chấn phiêu diêu!!!

Hình ảnh mẹ trong thơ Haiku
Ngoài những đề tài về thiên nhiên, Haiku còn có đề tài về mẹ. Hình ảnh nầy thường thấy ở trong thơ Issa và Basho. Mẹ là thơ. Mẹ và thơ mãi khắn khít nhau như hình với bóng. Hình ảnh mẹ càng cần cù, mộc mạc bao nhiêu lại càng nên thơ bấy nhiêu. Trong ngôn ngữ thi ca của thế giới, dân tộc nào cũng có những vần thơ chứa chan tình mẹ. Mẹ hiển hiện trên đường về, trên từng ngõ hồn sâu kín. Mẹ là chất liệu kết tinh của tất cả những thiên anh hùng ca, những đại sử thi, những trường thiên tình sử và cả trong những vần thơ Haiku đơn sơ, thâm thúy Hình ảnh mẹ trong thơ Haiku lại càng bát ngát, phiêu diêu hơn bao giờ hết:

Đến đây nào, với tôi
cùng chơi đùa chim sẻ
không còn mẹ trên đời.
Issa

Mẹ yêu ơi !
mỗi khi nhìn thấy biển
khi thấy biển khơi.
Issa

Tóc mẹ còn đây
tan trong lệ nóng
sương mùa thu bay.
Issa

Hoa trong thơ Haiku
Qua bài "Cánh hoa anh đào muôn thuở" Busho đề cập đến vấn đề vô thường:
          Nhiều chuyện
          làm nhớ lại
          Hoa anh đào
Hoa anh đào đối với người Nhật có ý nghĩa đặc biệt, nhìn hoa anh đào khiến người ta chợt nhớ bao mùa hoa anh đào trong quá khứ. Còn nói theo ngôn ngữ nhà Phật, hoa anh đào là biểu tượng của sự vô thường trong cuộc đời.

Một bài thơ Haiku khác nói lên hình ảnh của một loài hoa mong manh, mang kiếp sống phù du, giữa màn đêm sương khói huyền ảo, âm thầm lặng lẽ hé nở những cánh mỏng lụa là, như đem sức sống cuộn trào vào từng hơi thở của người thưởng ngoạn, phải chăng đó là một niềm hy vọng bí ẩn, khó hiểu của một loài hoa kiều diễm mang tên Nữ Hoàng Đêm . Người thơ hình như đã nhập thân vào loài hoa khêu gợi đó, để từ đó chiêm nghiệm được quá trình nở hoa " sinh sinh hoá hóa" từ bên trong : khởi đầu một cành cây trơ … đến một cái gì nhu nhú dưới phiến lá …. rồi xuất hiện một nụ trắng ngà … từ đó nụ tung cánh bung xòe ra… và cuối cùng là hoa mãn khai toàn vẹn với những cánh xinh xắn nõn nà tỏa hương thơm ngan ngát …
          Nữ Hoàng Đêm mảnh khảnh
          Trong âm thầm hé nụ phô hoa
          Niềm tin yêu huyền bí
Với màu sắc trắng nhợt nhạt biểu tượng cho sự ngây thơ khờ dại, loài hoa đêm lộng lẫy khát khao nầy đang chờ đợi khai hoa nở nhụy…. đâu biết rằng kiếp sống tạm bợ ngắn ngủi đó sẽ đến hồi chấm dứt khi bình minh chợt sáng, chẳng khác gì bóng câu qua cửa sổ, giọt sương hư ảo trên cành … Những thi ảnh trữ tình, những biểu tượng thâm thúy, những tín hiệu bàng hoàng đã thu hút và dẫn dắt tâm tư người đọc vào một thế giới cao siêu để tự suy niệm về kiếp nhân sinh của con người quanh quẩn trong cuộc sống phù trầm đầy oan khiên nghiệp chướng nầy .
          Cánh hoa mềm êm ái
          Thơm ngát, cầm mình giữa bụi gai
          Trước bình minh chịu chết
Nắng đã lên , những giọt sương mai lãng đãng, đang vắt vẻo trên nhành cây đọt lá . Những cánh hoa tàn úa đang rơi rụng. Một loài hoa đã chết và một ngày mới bắt đầu . Những hình ảnh của loài hoa mờ ảo đó , không sôi động mà vẫn lặng lẽ ẩn mật trong tâm cảm và tư duy của người thưởng ngoạn , để rồi đem lại những cảm giác lạ lẫm đột nhiên bỡ ngỡ, bàng hoàng, sững sốt giữa níu kéo và hoài nghi …
" Ta ngỡ mất mà chưa đành đánh mất
Bởi mùi hương ngự trị cánh hoa tàn ….."
Một bài thơ Haiku, một bông hoa quỳnh nở rồi tàn, một kiếp phù sinh, một giấc mộng hoàng lương…
" Phù bào khoảnh khắc vòng sinh diệt
Sớm nở đêm tàn tựa kiếp hoa…"
Cái sân khấu tuồng đời đầy hỷ nộ ái ố, tham sân si đã hạ màn theo những cánh hoa tàn ,để lại ngơ ngẩn , bần thần và luyến tiếc …
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

ánh sáng bạc

xí hàng cho hỏi, vậy bạn có thể cho mình buết một chút gì về thơ mới không?
'kẻ sống nhiều nhất là kẻ suy tư nhiều nhất, cảm được các tình thanh cao nhất, hành động đẹp đẽ nhất
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Mình có ý định sẽ post tất cả các thể thơ, chỉ là đang làm dở dang thì bận nên chưa làm tiếp thôi. Mình sẽ sớm post bài về luật thơ mới.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phuong

Chủ đề này cũng hay lắm, tớ cũng thích tìm hiểu về vấn đề này, nhưng lâu quá rồi không chú ý tới nó nữa. diepluyenhoa khá rành về thể thơ cũng như về vần và âm điệu. Anh em tham khảo cái này cũng tốt. Bạn có hay làm thơ Đường? Chắc là có vì có vẻ thích thơ chữ Hán và chữ Nôm. Có bài nào đưa lên anh em xem.
Nhưng dòng thơ này mà bàn thì tốn thời gian đấy.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Sonnet, sonne, sonetto, sonet

có nghĩa là “Bài ca nhỏ”– đều là cách gọi của thể thơ
sonnet
– theo đó bài thơ có 14 dòng, có cấu trúc 2 khổ thơ 4 câu dựa trên 2 vần và 2 khổ thơ 3 câu dựa trên 3 vần.

Ví dụ thơ sonnet kiểu Pháp: abba abba ccd eed hoặc abba abba ccd ede

Kiểu Ý: abab abab cdc dcd hoặc abab abab cde cde

Kiểu Anh: 14 câu chia ra 3 khổ 4 câu thơ, khổ cuối 2 câu và cách gieo vần như sau: abab cdcd efef gg

Thường thể thơ này chặt chẽ không chỉ về cấu trúc và cách gieo vần, mà cả về tứ thơ nữa. Nó còn đòi hỏi hai câu cuối (3 câu thơ cuối) phải có một tứ thơ lạ, gợi mở hoặc gây bất ngờ.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

A2Z

Phuong đã viết:
Chủ đề này cũng hay lắm, tớ cũng thích tìm hiểu về vấn đề này, nhưng lâu quá rồi không chú ý tới nó nữa. diepluyenhoa khá rành về thể thơ cũng như về vần và âm điệu. Anh em tham khảo cái này cũng tốt. Bạn có hay làm thơ Đường? Chắc là có vì có vẻ thích thơ chữ Hán và chữ Nôm. Có bài nào đưa lên anh em xem.
Nhưng dòng thơ này mà bàn thì tốn thời gian đấy.
Mạn phép nói lại cho rõ:
Phân biệt thơ Đường và thơ Đường luật
- thơ Đường hay Đường thi: là những bài thơ của các thi sĩ Trung Hoa làm dưới thời nhà Đường (Nhà Đường năm 618 – năm 907), số lượng các bài Đường thi có ghi chép và lưu truyền đến nay là rất lớn, lên đến hàng ngàn (chỉ nội ở Thi viện đã có đến 1285 bài !!), và có một tác phẩm nổi tiếng "ĐƯỜNG THI NHẤT THIÊN THỦ" chọn lọc giới thiệu đến 1000 bài Đường thi được coi là hay nhất của các thi nhân đời Đường. Trong số đó có một số được làm theo thể thơ Đường luật, số còn lại làm theo thể thơ khác, phần lớn là thơ Cổ phong (Cổ Phong hoặc cổ thể là thơ có trước đời nhà Đường, không theo niêm luật nhất định). Vậy nên Đường thi hay thơ Đường "PHẢI LÀ NHỮNG BÀI THƠ ĐƯỢC SÁNG TÁC VÀO THỜI NHÀ ĐƯỜNG NHƯNG LẠI KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI LÀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT".

- thơ Đường luật : hoặc cận thể (để phân biệt với Cổ phong) là thể thơ đặt ra tự đời nhà Đường phải theo các qui tắc nhất định, rất khắt khe, gò bó.
Về hình thức câu, chữ thì thơ Đường luật có:
1/ Theo số chữ trong câu:
 - Ngũ ngôn, mỗi câu năm chữ;
 - Thất ngôn, mỗi câu bẩy chữ;
2/ Theo số câu trong bài:
 -Tứ tuyệt hay Tuyệt cú: mỗi bài bốn câu;
 -Bát cú: mỗi bài tám câu;
Do vậy ta có 4 thể là: Ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú.

Thơ Đường luật có những luật lệ rất khắt khe về:
1.) vận (cách gieo vần)
2.) đối (đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.Gồm cả đối ý và đối chữ)
3.) luật (cách sắp đặt tiếng bằng tiếng trắc trong các câu của một bài thơ.)
4.) niêm (Niêm là từ Hán việt có nghĩa là dính; là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ Đường Luật. Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc)
5.) cách bố cục (cấu trúc bài thơ phải là theo trật tự nhất định: ĐỀ (nhập bài,mở đầu,giới thiệu..), THỰC (giải thích) , LUẬN (bình luận,bàn bạc), KẾT (Tóm tắt lại bài).

Đến đây xin mở ngoặc để nói về tên gọi các thể của thơ Đường luật.
Gọi là Thất ngôn hoặc ngũ ngôn bát cú (BÁT CÚ là từ hán Việt, BÁT là 8, CÚ là CÂU, nên 8 câu gọi là BÁT CÚ), vậy sao không gọi là "THẤT NGÔN TỨ CÚ" hay "NGŨ NGÔN TỨ CÚ" mà lại gọi là ...TỨ TUYỆT hay ...TUYỆT CÚ ?? Xin thưa, có lý do của nó cả. Tiếc thay, hiện rất nhiều người nhầm lẫn khi cứ gặp bài thơ 5 CHỮ hay 7 CHỮ, thậm chí số chữ là bất kỳ nhưng hễ cứ có 4 câu là gọi ngay "THƠ TỨ TUYỆT" !!

(còn tiếp)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 12 trang (112 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối