Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [44] [45] [46] [47] [48] [49] [50] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

UỐNG NHƯ HỦ CHÌM
Các cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của nhóm Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào, “Từ điển thành ngữ Việt Nam” (Viện ngôn ngữ học-Nguyễn Như Ý chủ biên) “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân) “Thành ngữ Việt Nam lược giải” (Nguyễn Trần Trụ), “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (chọn lọc dùng cho học sinh-Nguyễn Bích Hằng) v.v...đều không thấy ghi nhận thành ngữ “Uống như hũ chìm”. Bản thân tôi cũng lần đâu tiên được nghe. Có thể đây là câu thành ngữ không thuộc diện thông dụng ? Tuy nhiên, theo tôi, “Uống như hũ chìm” là một câu thành ngữ hay và được hiểu như sau:

Về nghĩa đen:
hũ là đồ đựng bằng sành hoặc bằng gốm, có hình dáng gần giống cái chum: đáy hóp lại, thân phình ra và cổ thắt lại. Hũ khác cái chum ở chỗ nhỏ hơn, đáy hóp hơn và cổ cũng bé, thắt lại nhiều hơn so với chum. Nếu so với chĩnh, hũ lại lớn hơn, miệng rộng hơn. Khi thả xuống nước, cái hũ tròng trành, “uống”  no nước rồi chìm nghỉm. Không nói bạn đọc cũng tưởng tượng ra lúc này bên trong hũ “căng” đầy nước, bên ngoài ngập trong nước. Thế là cả trong, cả ngoài đều chìm ngập trong nước.

Về nghĩa bóng:
hình dáng cái hũ phình dần phần thân lên đến cổ trông giống như cái bụng uống nước no căng. Tiếng nước tràn vào lòng hũ và đẩy không khí thoát ra ngoài “òng ọc” nghe chẳng khác nào tiếng “nốc” ừng ực của người uống... Bây giờ, anh thử tưởng tượng một ai đó nhảy xuống cái bể rượu, uống căng một bụng rượu rồi chìm ngập trong cả cái bể rượu ấy.

Chúng ta thường có cách nói để ám chỉ việc uống nhiều bia rượu như: uống như trâu, uống như rồng, ngập trong bia rượu, được một hôm tắm bia v.v...Tuy nhiên, chẳng có kiểu so sánh, ví von nào sinh động, đắt hơn hình ảnh “Uống như hũ chìm”: trong bụng đầy rượu, bên ngoài ngập rượu, chỉ toàn rượu là rượu...
Thành ngữ, tục ngữ thường có nhiều nghĩa đen  và nghĩa bóng. Hũ chìm còn có thể được hiểu là hũ rượu chôn xuống đất, đầy rượu bên trong (chìm theo nghĩa của chìm của nổi).

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BẮT CHẤY CHO MẸ CHỒNG
THẤY BỒ NÔNG DƯỚI BIỂN


Tục ngữ Việt Nam có câu:“Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông nông dưới bể”. Các Nhà biên soạn từ điển, nghiên cứu văn hoá dân gian giải thích:

-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TPHCM-2012) ghi chú: “Chưa rõ nghĩa”.

-“Tục ngữ ViệtNam” (Nhóm Chu Xuân Diên-Lương Văn Đang-Phương Tri-NXBKhoa học xã hội-1975) đưa ra hai dị bản: “Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới biển (hoặc như bồ nông mò biển).” Vì sách chỉ làm nhiệm vụ sưu tầm, tập hợp nên nhóm tác giả không giải thích. Tuy nhiên, căn cứ việc sách đưa ra dị bản thứ hai: “Bắt chấy cho mẹ chồng như bồ nông mò biển” đủ thấy các tác giả cũng chưa biết nên hiểu thế nào cho đúng.

-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn hoá-2000): “Ng.đen: Hiện tượng nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển. Ng.bóng: Quan hệ mẹ chồng nàng dâu ít khi thành thật thương yêu  nhau.”

-“Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” (Nguyễn Cừ-NXB Văn học-2012): “Mẹ chồng nàng dâu có bao giờ yêu nhau, nói chuyện nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng khác nào nói chuyện ngược đời là nhìn thấy chim bồ nông xuống biển mò ăn”.

-“Từ điển tiếng Việt” (Ban biên soạn chuyên từ điển: New Era-NXB Từ điển bách khoa-2013): “Quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng, theo cách nhìn xưa nay, thường là ít gần gũi, ít có tình cảm với nhau nên không có sự chăm sóc, tâm tình và có phần đố kỵ, ví như việc nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng là hiếm hoi như trông thấy bồ nông dưới biển.”

Như vậy, ít nhất có 3 sách thống nhất trong cách giải thích và không có gì phải bàn thêm. Tuy nhiên, chúng tôi lại nghĩ khác:

-Bồ nông là loài chim biển. Môi trường kiếm ăn của chúng là các cửa sông, cửa biển, vùng ven biển, biển đảo, các hồ lớn. Bồ nông không những biết mò biển mà còn lặn biển rất giỏi. Bởi vậy, “bồ nông dưới biển” hay “bồ nông mò biển” không phải là chuyện “hiếm” hay “ngược đời”.

-Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu được xem là “cuộc xung đột” dai dẳng “truyền kiếp”. Nhiều câu tục ngữ “tổng kết” mối quan hệ này như một “chân lý khách quan”: Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng; Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu, nàng dâu đâu có nói tốt cho mẹ chồng; Mẹ chồng nàng dâu, chủ nhà người ở ưa nhau bao giờ. Tuy nhiên, vì sống chung một nhà, thường mẹ chồng-nàng dâu phải tạm thời “hoà hoãn” với nhau, “bằng mặt mà không bằng lòng” (dĩ nhiên trong thực tế vẫn có những mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu rất tốt đẹp).

-Cách đây khoảng 20-30 năm trở về trước (tuỳ từng điều kiện sống) chấy rận ký sinh trên người rất nhiều. Rận sống trong quần áo, chăn màn. Chấy sống ký sinh trên đầu, tóc. Chấy mẹ, chấy con, chấy to, chấy nhỏ... Con to, đen, gọi là chấy đực, con nhỏ gọi là chấy mén (chấy mén là loại mới nở, đang “tuổi ăn, tuổi lớn” nên chích hút máu rất hăng, ngứa ngáy vô cùng). Lại có cả trứng chấy màu trắng ngà, hình bầu dục, bé tí như hạt cát ở gần chân tóc. Thế nên có thành ngữ: Từ trứng chí mén (Từ dạng trứng đến con mới nở, ý nói tất thẩy từ nhỏ đến lớn). Cứ có thời gian rảnh rỗi người ta lại bắt rận, bắt chấy cho nhau. Đây không chỉ là công việc mà còn là cách thể hiện tình cảm với nhau. Thế nên, trong bài “Nhớ” (1948), Nhà thơ Hồng Nguyên mới viết: “Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa...”. Người chồng trong “Sự tích hòn Vọng Phu” cũng do một hôm bắt chấy cho vợ nên mới phát hiện ra cái sẹo trên đầu của chính cô em gái mình thuở nhỏ.

Con chấy (đặc biệt là chấy mén) rất nhỏ. Chúng có màu đen, lại lủi rất nhanh trong rừng chân tóc. Bởi vậy, khi bắt chấy, dẫu mồm thủ thỉ đủ thứ chuyện trên đời với nhau, nhưng mặt, mắt, đôi tay vẫn luôn phải cắm cúi, tỉ mẩn, rẽ từng “chân tơ kẽ tóc” thật chăm chú mới bắt được chấy. Ấy vậy mà cô con dâu nào đó, “Bắt chấy cho mẹ chồng” mà mắt lại “thấy bồ nông” tận ở “dưới bể” thì còn bắt cái nỗi gì?!

Như vậy, chúng ta có thể hình dung câu chuyện thế này: Người bắt chấy thường ngồi ở phía sau. Người được bắt không thể nhìn thấy mặt người bắt chấy. Thế là nàng dâu mới có cơ hội lừa mẹ chồng (hay lơ đễnh?): tay thì rẽ tóc, nhưng mắt lại ngóng nhìn tận đẩu tận đâu; nhìn thấy cả những thứ chẳng liên quan gì đến công việc của mình. Có thể nàng dâu không chủ ý như vậy, nhưng vì việc bắt chấy không xuất phát từ tình cảm thân mật, gần gũi nên cái kiểu “tâm bất tại” nó cứ tự nhiên diễn ra.

Trở lại cách giải nghĩa của nhóm Vũ Dung: “Ng.đen: Hiện tượng nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển. Ng.bóng: Quan hệ mẹ chồng nàng dâu ít khi thành thật thương yêu  nhau.” Cách giải thích nghĩa bóng đúng. Tuy nhiên, cách hiểu nghĩa đen không những sai với thực tế mà còn mâu thuẫn, thiếu lo-gic với nghĩa bóng. Bởi nếu “nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển” thì nghĩa bóng phải là: nàng dâu ít khi quan tâm đến mẹ chồng, chứ không phải: “mẹ chồng nàng dâu ít khi thành thật thương yêu  nhau.” Vì “ít khi” không có nghĩa là không “thành thật”.

Như vậy, hình thức đúng của câu tục ngữ là: “Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể” (hoặc biển). Còn có một số có dị  bản mang tính địa phương chưa được các nhà biên soạn từ điển ghi nhận như: “Bắt chí (chấy) cho mụ gia (mẹ chồng) chộ (thấy) đa đa trên động”, hoặc “Bắt chí cho mụ gia, chộ ba ba ngoài bể” (Hà Tĩnh);rồi “Con dâu bắt chí mẹ chồng/Ngó ra ngoài đồng thấy ổ le le” (Bình Định). Con ba ba dưới bể, hay đa đa trên động, le le ngoài đồng có hiếm thấy không? Dĩ nhiên là không.! Ngược lại rất sẵn, vì đó là môi trường sinh sống của chúng. Bởi vậy, khi xuất hiện trong câu tục ngữ chúng chỉ đóng vai trò là hình ảnh, sự vật bất kỳ ở một nơi rất xa nào đó, không liên quan chuyện bắt chấy của cô con dâu mà thôi.

Qua một số dị bản (mà bạn đọc cung cấp) càng có thêm cơ sở để khẳng định cách hiểu “Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể” mà chúng tôi đã trình bày. Vì không hiểu tại sao bắt chấy cho mẹ chồng lại nhìn thấy con bồ nông dưới bể nên người ta mới cho rằng bồ nông hiếm khi xuất hiện ngoài biển, rồi sáng tác thêm một dị bản cho có vẻ hợp lý hơn: “Bắt chấy cho mẹ chồng như bồ nông mò biển”!

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MỌC ĐUÔI TÔM
hay VỌC NIÊU TÔM?


Câu tục ngữ “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” không xa lạ với người Việt. Trong khi hầu hết mọi người đều hiểu đúng, dùng đúng theo nghĩa bóng, thì nghĩa đen của nó lại làm tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu.Cái đuôi tôm của con gà liên quan gì đến ông chủ, mà khiến nó phải đợi “vắng chủ nhà” mới “mọc” ra? Sự vô lý ngự trị câu tục ngữ khiến người ta nghi ngờ tính chính xác của văn bản.

Một số nhà nghiên cứu đã ngả theo hướng thay đổi hình thức câu tục ngữ thành: Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, sục niêu tôm hoặc vọc niêu cơm, mọc râu tôm, vọc mang tôm...để nghe cho có lý:

- “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, nhóm Vũ Dung giải thích: “Vắng chủ nhà gà sục niêu tôm. x. Vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm (vọc: thò tay, chân vào vào quấy, bới) không người cai quản, dễ làm bậy, tha hồ tự do thoải  mái; Không người cầm chịch, quản lý, mọi việc đều lộn xộn lung tung”.

-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” GS Nguyễn Lân viết: “Chúa vắng nhà gà vọc niêu tôm (hoặc gà mọc đuôi tôm) Chê những kẻ làm liều khi không có người cai quản”.

-“Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương sau khi đưa ra bản: “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”, hướng dẫn xem “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm” và chú thích: “Chắc là vọc niêu chứ chẳng phải mọc đuôi, nhưng đã bị chép lầm”.

-“Thành ngữ tục ngữ lược giải”  của Nguyễn Trần Trụ: “Vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm: Chủ nhà đi vắng thì việc trông coi cửa nhà sơ sót khiến cho gà vào tận trong nhà vọ niêu tôm mà ăn. Ý nói chủ nhà đi vắng thì đầy tớ, người trong nhà làm càn, phá phách”.

-“Tục-ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Vắng chúa nhà gà mọc đuôi tôm: Vắng chúa nhà đến con gà không được yên ổn, bọn đầy tớ nghịch-ngợm đem đuôi tôm chắp vào đuôi con gà. Ý nói chủ đi vắng thì đầy tớ làm tướng. Cũng có người bảo câu này nói sai. Chính ra là: “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”, nghĩa là chủ nhà đi vắng thì việc trông coi nhà cửa sơ sót, khiến cho gà vào tận trong nhà vọc niêu tôm mà ăn”.

-Trong “Tục ngữ Việt Nam” nhóm Chu Xuân Diên ghi nhận cả hai dị  bản: “Vắng chúa nhà, gà vọc niêu tôm (hoặc mọc đuôi tôm)”. Vì sách chỉ sưu tầm, tập hợp nên nhóm biên soạn không giải thích ý nghĩa câu tục ngữ.

-”Tục ngữ Mường Thanh Hoá”-Cao Sơn Hải đưa ra dị bản: “Vắng chủ nhà gà vọc mang tôm” (mang tôm là phần đầu hồi, giáp với nóc của chái nhà)

Nhìn chung, khi chưa tìm được lời giải cho “mọc đuôi tôm” thì “vọc niêu tôm” hoặc “vọc niêu cơm”, “vọc mang tôm”, có thể tạm chấp nhận được. Và thực tế, các nhà ngữ học gần như đã thống nhất với dị bản và cách giải thích này.

Tuy nhiên, suy cho kỹ, các kiểu “vọc”, “sục” nói trên đều không ổn.

Niêu tôm không phải là thứ mồi gà ưa thích, mở nắp xoong cũng không phải là lối kiếm ăn của loài gia cầm. Nếu có, chỉ là tình cờ chúng nhảy lên rồi làm đổ, lật úp nồi niêu xuống đất mà thôi.

Với dị bản “niêu cơm” cũng vậy. Con gà đã làm bật được nắp niêu cơm ra, nó đâu dừng ở “vọc”, mà mổ ăn cho bằng hết, hoặc canh tung toé. Trong khi chữ “vọc” lại hoàn toàn không miêu tả động tác mổ, bới của con gà. Người ta chỉ nói “chuột vọc”, (chuột dùng chân hoặc răng nhấm thử), có khi không ăn mà chỉ làm mất dấu đĩa thức ăn. “Việt Nam tự điển”: “Vọc: vầy, mó. Vọc tay vào, vọc bùn; đồ ma vọc. (Văn liệu :Hoài hồng ngâm cho chuột vọc, Hoài hạt ngọc cho ngâu vầy)”. Như vậy, “vọc” là động tác nhẹ nhàng, không mang nghĩa phá phách.

Chữ “sục” lại chỉ mõm con chó ăn vụng, vục đầu, sục mõm vào nồi chứ không phải gà.

Với dị bản “Vọc mang tôm” cũng vậy, chữ “vọc” không chỉ động tác con gà canh, bới chỗ đầu chái nhà. Hơn nữa, với một chỗ khuất lấp như vậy, kể cả ông chủ ở nhà, thì con gà nó vẫn canh bới được như thường.

Vậy bây giờ phải hiểu như thế nào? Chúng tôi cho rằng, hình thức đúng của câu tục ngữ vẫn là “Vắng chủ nhà; gà mọc đuôi tôm”.

Xưa kia, nông dân thường nuôi gà ổ. Sau khi nở, gà con theo mẹ kiếm ăn. Khoảng thời gian này, mẹ gà chăm sóc đàn con rất cẩn thận. Vì đàn con, gà mẹ sẵn sàng liều mình chống lại những mối đe doạ, như chó, mèo, diều hâu, quạ...Mẹ gà dạy đàn con biết cách tìm mồi, nhận biết những mối nguy hiểm; vừa bới đất, vừa nghe ngóng, nếu thấy nguy hiểm, lập tức phát tín hiệu cố..ố...qu..ác...qu...ác báo động, rồi tục...tục “thu quân”. Gà con dù đang mải mê ở đâu, nghe tiếng cảnh báo cũng chạy vội, chui hết vào đôi cánh gà mẹ. Có chú gà nào đùa nghịch chọi nhau, liền bị gà mẹ mổ nhẹ cho vài cái “nhắc nhở” thế là “giải tán” ngay. Lỡ chú nào lạc mẹ, thì nháo nhác, tiếng kêu dài chiếp....chiếp rất thảm thiết, chừng nào tìm được mẹ mới thôi (thành ngữ Nháo nhác như gà lạc mẹ). Cứ thế, cả gia đình gà quây quần ấm áp bên nhau thật bình yên, trật tự.

Khoảng hơn một tháng sau nở, lông cánh gà con phát triển đã phủ gần kín hai bên hông. Cái đuôi nhú lên tí xíu hôm nào, nay cũng đã dài, chìa ra, khum khum hệt cái đuôi (con) tôm. Khi gà con mọc đuôi tôm cũng là lúc (theo bản năng), gà mẹ xua đuổi, bắt đàn con phải tự lập, để gà mẹ chuẩn bị bước vào lứa sinh đẻ mới. Trước kia, gà mẹ săn sóc, bảo vệ, yêu thương đàn con bao nhiêu, thì bây giờ, nó dửng dưng, vô tình bấy nhiêu. Nếu con nào (do thói quen) vẫn chạy theo, sẽ bị  mẹ gà đánh đuổi, mổ thật lực, kêu choe choé.

Thế là, anh em nhà gà con bắt đầu cuộc sống tự lập: đi kiếm ăn mà không có gà mẹ theo kèm.

Sau vài ngày đầu nháo nhác, đàn gà con bắt đầu mạnh dạn hơn. Chúng vẫn giữ thói quen đi ăn theo bầy và rất hiếu động. Cả bầy chui luồn mọi xó xỉnh, hết ngoài vườn đến trong nhà; từ gầm giường, xó tủ đến bồ thóc, thúng gạo đều bị chúng bới móc, vừa chạy nhảy vừa kêu chiêm chiếp, ăn một phá phách mười, làm cho mọi thứ đảo lộn tứ tung lên. Ăn, chơi chán thì chúng quay ra đánh chọi nhau chí choé mà chẳng có mẹ gà nào can thiệp. (Câu “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” chính là nói gà con thời kỳ này).

Như vậy, lũ trẻ con khi vắng chủ nhà, (chủ gia đình-bố mẹ ) và gà mọc đuôi tôm, gà mới tách mẹ đều có điểm giống nhau: nghịch ngợm, phá phách, tha hồ trêu chọc, đánh đấm nhau mà không bị ai trách mắng, quở phạt. Đây cũng là nhận thức tâm lý bọn trẻ và lũ gà con mới lớn theo kinh nghiệm của dân gian.

Từ trước tới nay, câu “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”, bị hiểu lầm có mối quan hệ nhân quả theo kiểu: “Vắng chủ nhà, (thì, nên) gà bới bếp”. Tuy nhiên, câu tục ngữ đang xét lại có mối quan hệ so sánh:  bọn trẻ vắng chủ nhà cũng giống như lũ gà con mọc đuôi tôm. Đây là kết cấu theo kiểu: “Cơm chín tới, cải vòng (ngồng-ngòng)  non, gái một con, gà nhảy ổ đẻ”, hay “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Ấy chính là những giai đoạn đặc biệt của các sự vật, hiện tượng được tục ngữ đặt cạnh nhau để dùng cái này liên tưởng, so sánh với cái kia.

         Như vậy “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”  được diễn giải: Tình trạng vắng chủ nhà (thì cũng giống như) gà (giai đoạn) mọc đuôi tôm, và hiểu là: Trẻ con phá phách nghịch ngợm nhất là lúc vắng chủ nhà, bố mẹ; gà con hiếu động, quấy phá nhất là lúc mọc đuôi tôm, tách mẹ.

         Về sau, câu tục ngữ được hiểu theo nghĩa rộng hơn, nhằm ám chỉ tất cả những hành động, việc làm quá tự do phóng túng, khi không có sự hiện diện, cai quản của người đứng đầu./.

                                                                HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BA QUE XỎ LÁ


Nhiều người nói rằng Ba que xỏ lá không phải là một thành ngữ mà là tiếng lóng có nguồn gốc từ Nam bộ. Vậy nó có nghĩa là gì?

“Chơi xỏ”, “thằng xỏ lá”, là những từ để ám chỉ hành động lừa gạt, bọn người đểu cáng bịp bợm. Đây cũng là những tiếng lóng có nguồn gốc từ Nam bộ, và thông dụng của người Sài Gòn trong khoảng những năm 60 của thế kỉ trước. Xuất phát của “xỏ lá”, nguyên gốc là “ba que xỏ lá”, trong đó “ba que” là một trò chơi cờ bạc có từ lâu đời, còn “xỏ lá” là hành động trong trò chơi. Đã là cờ bạc thì luôn có những mánh khoé kiếm lời cho “nhà cái”, người chơi thua nhiều hơn thắng. Bởi thế nên “ba que xỏ lá” dần lưu truyền thành một thành ngữ, với ý như đã nói ở đầu.

Đi từng lớp lang nguồn gốc. Từ thời Minh Mạng (1820-1840), trò “ba que” xuất hiện trong bài “Phú tổ tôm” của Trần Văn Nghĩa: Lạt nước ốc trò chơi vô vị: tam cúc, đố mười, đấu lình, bẩy kiệu, thấy đâu là vẻ thanh tao. Ngang càng cua lối ở bất bình: xa quay, chẵn lẻ, dồi mỏ, ba que, hết thẩy những tuồng thô suất. Về sau thời Pháp, trò chơi này được mô tả như sau: Trò chơi gồm một cái que và 3 cái lá. Mỗi lá đính một chiếc vòng nhỏ ở cuống, người chơi cầm que xiên vào 3 vòng này, sao cho phải vào được một lúc cả ba lá và nhấc được chúng lên thì được lĩnh thưởng. Mỗi người chỉ được xỏ một lần. Ai xỏ trật, không đủ cả 3 lá thì thua tiền cược. Cách chơi khác, người cầm “cái” dùng ba que nhỏ, một que có xỏ lá, sau đó giấu trong lòng bàn tay. Người chơi sẽ đoán que nào có xỏ lá, đoán đúng thì trúng thưởng, đoán sai thì mất tiền cược. Dù là cách chơi nào, bọn chủ trò, cầm “cái” vẫn có nhiều mưu mẹo, để làm sao người chơi thua nhiều hơn thắng.

Trong các cuốn từ điển chữ Quốc ngữ ở cuối thế kỉ 19, của nhà ngôn ngữ học Huỳnh Tịnh Của (Đại Nam quốc âm tự vị, 1895) và của linh mục người Pháp - Génibrel (Đại Việt Quốc âm Hán tự, 1898). “Xỏ lá” được định nghĩa là cuộc chơi gian lận, gạt gẫm. Còn “thằng xỏ lá” là một người đầy mưu mẹo, chuyên lừa dối. “Xỏ lá ba que” còn tiếp tục xuất hiện trong cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (in năm 1915). Trong cuốn này, “xỏ lá ba que” được dùng để chỉ tính cách của bọn tiểu nhân. Từ đó, dù trò cờ bạc gần như đã thất truyền, nhưng “xỏ lá ba que” dần được dùng như một thành ngữ mà về sau, trong quần chúng nhân dân đọc cho thuận miệng thành là, “ba que xỏ lá”. Và khi lưu truyền trong dần chúng nhân dân, “ba que xỏ lá” tiếp tục có những biến thể, như là để cảnh báo đừng có xen vào chuyện của ai đó trong câu: “đừng có xỏ lá ba que nhe mậy”. Hay tách ra gắn với từ mới, như là thành “xỏ xiên”, “xiên xỏ”, ám chỉ câu nói có ý châm chọc.

Theo Sài Gòn của tôi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

DƯƠNG DƯƠNG TỰ ĐẮC


Thành ngữ trong tiếng Việt rất phong phú. Đó là những tổ hợp từ ngắn gọn nhưng nội dung sâu sắc, cô đọng, nhiều ý nghĩa. Có những thành ngữ thuần Việt nhưng cũng có nhiều thành ngữ Hán Việt..

Đôi khi chúng ta được nghe những lời nói có sử dụng thành ngữ, chẳng hạn như thế này: “Con ơi, con đừng có chơi với mấy đứa bạn mới quen ở phố ta nữa nhé. Mẹ thấy chúng nó còn ít tuổi mà ăn mặc, đầu tóc lung tung quá. Thái độ thì dương dương tự đắc, vênh váo, chẳng coi ai ra gì. Dù có con ông nọ bà kia thì cũng phải biết khiêm tốn chứ...”. Bà mẹ nọ gọi cậu con trai ra và nhắc nhở như vậy. Hẳn là chúng ta ai cũng hiểu, thành ngữ “dương dương tự đắc” dùng để chỉ ai đó có thái độ kiêu ngạo, tự coi mình hơn người và lên mặt vênh vang với thiên hạ. Hành vi như thế rõ ràng là một biểu hiện thiếu khiêm tốn, không biết tôn trọng người khác, mà đối với chúng ta, nhất là lớp trẻ (cần trau dồi mọi phẩm chất về tri thức, đạo đức) nên tránh.

Đây là một thành ngữ Hán Việt. Chiết tự từng thành tố, “dương” ở đây nghĩa là nước tràn đầy (ngoài ra, dương còn có nhiều nghĩa khác, chẳng hạn: trái với âm (ví dụ: triết lý âm dương), mặt trời, ban ngày (vầng dương soi tỏ), giống đực (âm thịnh dương suy), biển (đại dương bao la), ngoại quốc (xuất dương), chỉ loài dê và chỉ một loại cây... Còn “tự” trong thành ngữ nói trên nghĩa là tự mình, “đắc” là đắc ý. Tựu trung, nghĩa “cả gói” của thành ngữ này là “tự đắc ý về sự viên mãn của mình”. Như vậy, xem ra, nghĩa đen và nghĩa bóng của tổ hợp cũng khá gần nhau.

Về xuất xứ, theo Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc (NXB Khoa học xã hội, 1993) thì vào thời Chiến Quốc, Án Tử (tức Án Anh) là thừa tướng nước Tề, có một người đánh xe riêng nhưng anh chàng này ỷ thế quan, “núp bóng quan” nên tỏ ra kiêu ngạo, ra vẻ ta đây không phải lối. Một lần, anh phu xe ấy chở Án Tử qua nhà, cố tình để vợ trông thấy cái “oai” của mình. Vợ phu xe thấy chồng tỏ vẻ ta đây, vênh váo, dương dương tự đắc thì rất bất bình. Đợi khi chồng về nhà, chị ta nhất quyết đòi ly hôn. Chị vợ nói với chồng “Án Tử là thừa tướng một nước, ngồi xe khiêm tốn là thế, còn anh chỉ là phu xe của ông ấy thôi mà vênh vênh váo váo làm vậy”. Người phu xe nghe vợ nói thì tỉnh ngộ ngay, rất ân hận, liền thay đổi thái độ, không có biểu hiện thế nữa. Đây quả là một bài học cho con người về cách đối nhân xử thế ở đời.

Trong cuộc sống bây giờ, lạ thay không ít người vẫn không ý thức được về mình, nên vẫn hay có những hành vi, cử chỉ thiếu khiêm tốn, thậm chí “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Đó là thái độ không biết mình biết người. Thật đáng buồn là từ hành vi đó, họ không những đã tự “làm xấu mình” trước mắt bạn bè, anh em, đồng nghiệp, mà còn làm mất những cơ hội trau dồi năng lực để tốt hơn, giỏi giang hơn. Vậy có thơ rằng:

Thôi đừng đắc ý dương dương
“Nước đầy tràn” cả ra đường khó đi
Vênh vang nào có hay gì
Tấm gương Án Tử nhắc ghi bao đời...

Phạm Văn Tình
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRỌNG NGHĨA, KHINH TÀI
Có một bạn trẻ, sinh viên đàng hoàng, hỏi tôi chú ơi sao lại “trọng nghĩa khinh tài”, trọng nghĩa thì được chứ khinh tài là làm sao, tài, tài năng cũng rất đáng trọng chứ, v.v.. Bạn ấy hỏi một lèo khiến tôi hiểu rằng cái thành ngữ tưởng như khá rõ nghĩa này hoá ra vẫn có người hiểu sai hiểu lệch.

Điều đầu tiên cần nhắc ngay, câu thành ngữ nói trên thuần dùng từ Hán Việt. Vậy ta nên vỡ vạc chút ít từng từ để nắm được cái cốt lõi (có liên quan đến nội dung thành ngữ) của mỗi từ.

“Trọng” có nhiều nghĩa, trong đó 2 nghĩa chính là nặng, coi là nặng; tôn kính, tôn quý. Về nghĩa thứ nhất, ta thường nói trọng lượng, tức là vật gì đó nặng bao nhiêu. Trọng bệnh là bệnh nặng (trái nghĩa với bệnh nhẹ, dễ chữa), trọng thương là bị thương nặng, trọng trách là trách nhiệm nặng nề, trọng phạm là kẻ phạm tội nặng… Trọng cũng có nghĩa là tôn trọng, tôn kính, nể vì, chẳng hạn “Cha mẹ tôi rất trọng bác ấy bởi bác luôn quên mình, chỉ nghĩ đến mọi người”. Trong thành ngữ nói trên, trọng nghiêng về nghĩa “nặng”.

Đối ngược với trọng là “khinh”. Khinh nghĩa là nhẹ, xem nhẹ, coi nhẹ. Khinh khí tức là khí nhẹ (chẳng hạn khí hydro), khinh kỵ là lực lượng kỵ binh (lính cưỡi ngựa) tác chiến nhanh nhẹn, khinh thân là xem cái thân của mình là nhẹ, không đáng kể… Xưa truyện tiếu lâm kể về anh chàng hay nói chữ một cách máy móc. Bị đánh mấy roi vào một bên mông, anh ta vừa xoa chỗ đau vừa than thở “nhất bên trọng, nhất bên khinh” (một bên nặng, một bên nhẹ; một bên có, một bên không), quan nghe vậy bèn sai lính nọc ra đánh thêm vào bên mông kia vài roi nữa cho cân, khỏi thắc mắc trọng khinh, nặng nhẹ. Ngoài ra, mở rộng từ nghĩa “xem nhẹ” nói trên, khinh còn có nghĩa là sự bày tỏ thái độ không hài lòng với ai hoặc điều gì đó, chẳng hạn khinh thường, khinh bỉ, khinh miệt, khinh mạn. Trong câu thành ngữ mà chúng ta đang nhắc tới, nghĩa chính của khinh là nhẹ, xem nhẹ.

“Nghĩa” là từ Hán Việt có nội dung rất rộng. Nghĩa của từ này là: Một việc phải làm, việc đúng, việc nên làm bởi hợp đạo lý; một chủ trương đúng; sự hào hiệp. Chúng ta thường nói việc nghĩa, sống có nghĩa. Đối với người theo học thuyết Nho giáo ngày xưa, con người phải có nhân có nghĩa. Làm điều lớn hoặc điều nhỏ đều cần nghĩa. Nguyễn Trãi viết “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp không phải bởi cô ấy đẹp mà là “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải người có dũng-sức mạnh). Cứu nước cứu dân là việc lớn phải làm, nên người ta dựng cờ đại nghĩa. Những chàng trai ăn cơm nhà tự nguyện săn bắt cướp được coi là những người nghĩa hiệp (hiệp sĩ làm việc nghĩa)…

Từ cuối cùng là “tài”. Đây là từ trong câu thành ngữ mà một số người hiểu sai nghĩa của nó. Nghĩa Hán Việt của “tài” là: Tài năng, năng lực vượt trội của ai đó so với người khác; của cải, vật chất; sự trồng trọt… Nguyễn Du viết “Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Cụ Hồ dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, tài trong những câu ấy có nghĩa là tài năng, khả năng tốt để làm việc. Nhưng chúng ta thường nghiêng về nghĩa tài năng của từ “tài” mà quên đi nghĩa chỉ vật chất, của cải. Ta vẫn thường đọc: tài nguyên (nguyên là nguồn) tức nguồn của cải, tài trợ (trợ là giúp) tức giúp của cải cho ai đó, gia tài là của cải của gia đình, tài phiệt (phiệt là nổi tiếng) để chỉ ông trùm về của cải, về sự giàu có vật chất. Trong câu thành ngữ “trọng nghĩa khinh tài” thì tài nhấn vào nghĩa vật chất của cải.

Như vậy, bạn sinh viên mà tôi nhắc ở đầu bài đã hiểu nhầm “tài” là tài năng, người có tài, mà đúng ra phải hiểu đó là của cải, vật chất. “Trọng nghĩa khinh tài” tức là luôn coi nặng (coi trọng) làm việc nghĩa (nặng chứ không phải nặng nề), làm những việc lớn lao, quan trọng, cần thiết, đương nhiên phải làm; đồng thời coi tài lợi vật chất là nhẹ, phù du, không đáng quan tâm. Đem cái nghĩa (cao quý) đối lập với cái tài (tầm thường), coi nặng nghĩa, xem nhẹ của cải, câu thành ngữ này nhằm xây dựng một mẫu người biết vượt lên trên vật chất tầm thường để hướng tới sự cao đẹp.

Gần nội dung với câu trên còn có câu “khinh tài hào nghĩa” tức là xem nhẹ, coi thường của cải, chỉ ham làm việc nghĩa, làm những điều tốt đẹp.

Xuân Quỳnh
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MÈO ĐẾN THÌ KHÓ
CHÓ ĐẾN THÌ GIÀU


Xưa kia, ngày đầu năm thường có những chú chó vô chủ, vì hoảng loạn “chạy pháo” Tết rồi quên đường về. Đói khát, chúng lần mò vào làng tìm thức ăn. Chỉ cần mon men đến đầu ngõ nhà ai, những chú chó lạc này sẽ được chủ nhà dụ vào, cho ăn uống tử tế, và nếu “ưng bụng” ở lại, nó sẽ được chủ nhà sẵn lòng “cưu mang”. Ngược lại, hễ thấy bóng con mèo lạ đến nhà, thì lập tức sẽ bị chủ nhà hò hét đánh đuổi. Ấy là quan niệm dân gian, bất kể ngày Tết hay ngày thường “Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu”.

Các sách từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam đều không thấy giải thích nghĩa đen, mà chỉ diễn giải nội dung: “Mèo nhà khác đến nhà mình thì khó làm ăn, trái lại chó nhà khác đến thì nhà mình sẽ làm ăn thịnh vượng [theo mê tín]” (“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nhóm Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào); “Mèo tự tìm tới nhà ai thì nhà ấy rồi sẽ trở nên khốn khó; chó tự tìm tới nhà ai thì nhà ấy rồi sẽ trở nên giàu sang” (“Từ điển tục ngữ Việt”-Nguyễn Đức Dương); “Mèo nhà khác đến nhà mình thì khó làm ăn, ngược lại, chó nhà khác đến nhà mình thì sẽ làm ăn thịnh vượng” (“Thành ngữ tục ngữ Việt Nam”-Bùi Hạnh Cẩn-Bích Hằng-Việt Anh); hoặc như từ điển của GS Nguyễn Lân chỉ “giải thích” ngắn gọn “Lời nói dị đoan không có căn cứ”!

         Tuy nhiên, đã có không ít bài viết giải thích câu tục ngữ này. Đáng chú ý là bài “Lý giải “Mèo đến thì khó, chó đến thì sang” (kienthuc.net), dẫn ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu:

-GS.TS Ngô Đức Thịnh, cho rằng, tục ngữ bắt nguồn từ “những câu chuyện về con chó liên quan đến cả một triều đại của Lý Công Uẩn”. Như năm Lý Công Uẩn sinh ra (Giáp Tuất-974), ở quê ông có con chó đẻ con sắc trắng, đốm lông hình chữ “Vương” trên lưng. Năm Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long lại có con chó mẹ từ núi Ba Tiêu, châu Bắc Giang, bơi qua sông Cái, rồi lên ở trên núi Nùng, đẻ được một chó con, đến năm Nhâm Tuất, hai chó đều hoá, nơi này sau dựng “Chính điện đài”.

-Ths Vũ Đức Huynh, cho rằng, “dân gian dựa vào đặc tính của 2 con vật này mà sáng tạo ra tục ngữ”. Ví như, chó là con vật trung thành, có trí nhớ tốt,“khi chó đến nhà là nhà có kẻ canh nhà, giữ của, biểu hiện của thần giữ của nên sẽ giàu có”. Ngược lại với chó, mèo khi có ăn thì ở lại, không có ăn bỏ đi, “thể hiện sự mất của và người ta quan niệm mèo đến là mang điều xui, sự nghèo hèn...”. Mặt khác (vẫn theo Ths Vũ Đức Huynh) còn có sự ảnh hưởng của “trường khí”, tức “giống mèo rất khoái các khu vực có bức xạ hay trường khí xấu. Ngược lại, con chó lại khoái các khu vực vị trí có bức xạ, trường khí tốt”, v.v…

Điều thú vị là người Trung Quốc cũng có câu y hệt “Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu” (Miêu lai cùng, cẩu lai phú-貓來窮狗來). Theo đó, họ quan niệm, mèo vô chủ (lưu lãng miêu-流浪貓) tự nhiên đến nhà, là điềm gia chủ sắp đến vận bần cùng; ngược lại, chó vô chủ (lưu lãng cẩu-流浪狗) tự dưng đến nhà, là điềm gia chủ sẽ được giàu có. Và họ cho rằng, điều này không hẳn là mê tín. Nguyên do thời xưa, chỉ có nhà giàu, nền nhà mới lát gạch; còn nhà nghèo nền đất thô sơ, chuột bọ đào hang hốc trú ngụ rất nhiều. Đó chính là lý do khiến mèo để mắt tới nhà nghèo. Trong khi nhà giàu, bữa ăn thường có thịt, mà chó thì cực thính mũi, nên nó tìm đến nhà sung túc. Theo đó, chó hoang, chó vô chủ tự dưng tìm đến nhà ai, tựa như một sự tiên đoán về vận tài phú của gia chủ. Tục ngữ Hán có câu “Con không chê mẹ xấu, chó không chê nhà nghèo” (Nhi bấthiềm mẫu xú, cẩu bất hiềm gia bần-兒不嫌母醜, 狗不嫌家貧).

Vẫn theo cách giải thích của người Trung Quốc, chó là người bạn trung thành nhất của con người.Chó sủa “wàng”, giống âm của chữ “vượng” 旺, đồng nghĩa cát tường, tài phú sẽ đến. Trong khi con mèo kêu “miāo” (喵), giống như âm chữ “miè” 滅 (diệt);  “méi”沒 (một), đều mang nghĩa là “tiêu tan”, “mất mát”, “chết chóc”(*). Bởi vậy, mèo hoang đến nhà là điều tối kỵ. Theo đó, người Trung Quốc còn có câu “Chó đến thì tiền tài, mèo đến thì tang ma” (Cẩu lai tài, miêu lai hiếu-狗來財, 貓來孝)… Trong khi đó, dân gian Việt Nam cũng có một hướng giải thích tương tự: tiếng chó sủa “gâu gâu”, “giâu giâu”, gần giống như “giầu, giầu”; tiếng mèo kêu “ngheo ngheo” gần giống như “nghèo nghèo”, nên có chuyện kiêng kị. Ngoài ra, nếu như tiếng sủa của chó, hoặc sự hiện diện, đồng hành của con chó luôn đem đến cho người ta cảm giác yên tâm, vững tin, kể cả trong đêm tối; thì tiếng kêu, gào của con mèo trong đêm vắng vẻ, hoặc ở những ngôi nhà hoang, lại giống như tiếng ma hờn, quỷ khóc rợn người. Mèo có tập tính tựa như sống nửa hoang dã. Chúng xuất hiện đột ngột, bất thình lình nhảy vụt qua tựa như những bóng ma.

Cách giải thích dựa trên tập tính của các con vật, dù của dân gian Trung Quốc hay Việt Nam, theo chúng tôi là có cơ sở thực tế.

Trở lại với cách diễn giải và giải thích của các nhà biên soạn từ điển và nghiên cứu văn hoá dân gian Việt Nam.

Các nhà biên soạn từ điển diễn giải “chó nhà khác”, “mèo nhà khác” đến nhà mình; hay “mèo tự tìm đến nhà ai”, “chó tự tìm đến nhà ai”, theo chúng tôi là chưa rõ nghĩa. Bởi “mèo”, hay “chó” ở đây phải hiểu là những con mèo, con chó hoang, vô chủ (đúng như cách hiểu của người Trung Quốc là “lưu lãng miêu”; “lưu lãng cẩu”), chứ không phải là mèo, chó của “nhà khác”. Có nghĩa, những con mèo, con chó hoang này xuất hiện như một “thiên sứ” báo hiệu lành dữ cho gia chủ thì mới linh. Theo đó, cũng là chó mèo đến nhà, nhưng là chó mèo hàng xóm (biết rõ chó mèo có chủ), thì người ta có thể sẵn sàng đánh đuổi cả hai (để tránh chúng ỉa bậy, ăn vụng…), chứ không có chuyện đón đợi, mừng rỡ. Thế nên, dân gian có câu “Ai nuôi chó một nhà, ai nuôi gà một sân”, để tỏ ý hàng xóm láng giềng phải nên thông cảm cho nhau, nếu chó, gà nhà này lỡ sang nhà khác gây chuyện phiền toái là vậy.

Với cách giải thích của GS.TS Ngô Đức Thịnh, theo chúng tôi, nội dung câu tục ngữ đơn thuần xuất phát từ quan niệm dân gian, chứ không liên quan đến những yếu tố “cung đình” (cụ thể ý kiến “những câu chuyện về con chó liên quan đến cả một triều đại của Lý Công Uẩn” của ông). Bởi đó là điềm “sinh thánh đế”, liên quan đến yếu tố phong thuỷ (trong định đô ở Thăng Long), chứ không phải chuyện tài phú, bần hàn theo quan niệm dân gian. Trong khi đó, yếu tố lịch sử chỉ được GS.TS Ngô Đức Thịnh “lắp ghép” vào vế sau câu tục ngữ (“chó đến thì giàu”), còn vế đầu (“mèo đến thì khó”), đã không được ông lý giải (theo nguyên tắc, cũng phải xuất phát từ một sự tích, hay truyền thuyết lịch sử nào đó liên quan đến con mèo). Mặt khác, GS.TS Ngô Đức Thịnh giải thích ra sao, khi người Trung Quốc cũng có quan niệm tương tự?
Rất khó xác định người Trung Quốc đã vay mượn câu tục ngữ của người Việt Nam, hay ngược lại. Bởi quá trình giao lưu văn hoá, hoặc đặc điểm sinh hoạt, cư trú của các dân tộc gần nhau, có thể xuất hiện những sản phẩm văn hoá, vật chất giống nhau. Điều đó có thể do vay mượn, ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng cũng có thể là những sáng tạo độc lập. Chuyện giống nhau chỉ là ngẫu nhiên. Ví như, dân gian Trung Quốc, và Việt Nam cùng căn cứ tiếng sủa của chó, mèo để suy đoán, (dù theo hai cách khác nhau, nhưng cuối cùng đều dẫn đến ý nghĩa giống nhau).

Bởi thế, theo chúng tôi, câu tục ngữ “Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu”, chỉ có thể tồn tại, lưu truyền được ở Trung Quốc, khi nó xuất phát từ chính sự quan sát, chiêm nghiệm của dân gian Trung Quốc về tập tính của hai loài vật nuôi chó và mèo (giống như dân gian Việt Nam), chứ không thể đơn thuần xuất phát từ tích truyện “Cẩu Nhi” (chỉ có ở Việt Nam).

Nhiều câu tục ngữ mang màu sắc thần bí, khó giải thích, vốn xuất phát từ những quan sát rất cụ thể của dân gian. Tuy nhiên, vì trải qua nhiều đời lưu truyền, điều kiện kinh tế, phong tục tập quán đã thay đổi, những nguyên nhân cụ thể cứ lu mờ dần, rồi chìm vào màn sương huyền bí. Chuyện giải thích cho rành rẽ không hề đơn giản. Tuy nhiên, dù đoán già đoán non, đưa ra nhiều cách giải thích, cũng nên lựa chọn cách giải thích nào mang tính biện chứng, có lý nhất, chứ không nên gán ghép cho dân gian một cách dễ dãi, khiên cưỡng. Câu tục ngữ “Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu” là một ví dụ điển hình.

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NÊN HIỂU “TAM THẬP LỤC KẾ”
THẾ NÀO CHO ĐÚNG?


Ai yêu thích Truyện Kiều hẳn đều nhớ câu: “Ba mươi sáu chước chước gì là hơn” và không ít người muốn biết đầy đủ ba muơi sáu chước ấy là những chước gì?

Trong mục Sổ tay thơ của Tuần báo Văn nghệ  (Hội Nhà văn Việt Nam) số ra ngày 27-7-1994 với bài thơ “Tam thập lục kế” Lê Giảng cho biết: Một học giả thời cổ muốn cho dễ nhớ và nhớ lâu nên chọn cho mỗi kế một chữ và sắp xếp lại thành một bài thơ. Đây quả là một tài liệu mới mẻ, lý thú, đáng ghi vào “sổ tay” để thưởng thức và suy ngẫm.

Nhưng theo tôi, nhiều “mưu ma chước quỷ” trong “tam thập lục kế” này giải thích còn thiếu chính xác, tối nghĩa hoặc vô nghĩa. Xin được dẫn lại trao đổi cùng người viết:
1.
Dĩ dật đãi lao (Vờ lầm lẫm đợi khó nhọc).
Không có cơ sở nào để dịch “dĩ dật” thành “vờ lầm lẫn” được. Hơn nữa nếu dịch vậy thì kế này được hiểu thế nào trong thực tế ?  Chữ “Dĩ” ở đây là lấy, “dật” là sự nghỉ ngơi. Câu này phải hiểu là: dùng sự nghỉ ngơi, sung sức để đón đợi (chống lại) sự vất vả khó nhọc (từ xa tới) của đối phương.
2.
“Hồn thuỷ mạc ngư” (nhẹ nhàng bắt cá dưới nước)
Chữ “hồn” theo tôi không có nghĩa hoặc hàm ý nào là sự “nhẹ nhàng” “hồn” là đục (trái với trong). Hồn thuỷ: nước đục, dịch cả câu: Lợi dụng nước đục để bắt cá,mới đúng.
3.
“Man miên quá hải” (dối trời để qua biển).
Chữ “Man” (瞞) không thể dịch là man trá dối lừa được. Nó khiến cả câu trở nên vô nghĩa. Mưu lược quân sự tổng kết từ xương máu còn có cả chước “dối trời” ư ? Và cái chước “dối trời” này nó thế nào? “Man miên” nên hiểu là sự mịt mù bao phủ khắp trời. Man miên quá hải: lợi dụng trời mù sương để vượt biển. Ngày nay vẫn còn thấy bọn hải tặc thường lợi dụng trời mù sương đêm tối, không ai kiểm soát được để hành động gây tội ác.
4.
“Phản khách vi chủ” (phản bội khách làm chủ)
Chữ “phản” không thể dịch là “phản bội”, vì ai phản bội khách và ai là chủ. Chẳng nhẽ chủ phản bội khách để làm chủ hay sao? Ý quẩn và vô nghĩa. “Phản” ở đây nghĩa là trái ngược, tức là chuyển đổi vị trí. “Phản khách vi chủ” là đổi khách làm chủ, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, cũng có nghĩa là chuyển bại thành thắng (Một kiểu lật ngược tình thế trong chiến trường).
5.
“Thượng ốc trừu thê” (lên phòng phải tìm thang)[1]
Chữ “trừu” (抽) không có nghĩa là “tìm”. Nếu dịch “lên phòng phải tìm thang” thì đây không phải là mưu, cũng chẳng phải kế, chỉ là lẽ đương nhiên như: muốn qua sông phải bắc cầu mà thôi. Chữ “Trừu” phải dịch rút ra, lấy đi. Chữ “ốc” nên dịch là lầu hoặc nhà cao. Dịch là “phòng” không gợi nói được chiều cao của căn nhà (phải dùng thang cao mới lên được kia mà!) “Thượng ốc trừu thê” phải dịch:lên lầu rút thang (gần như kế: “Quá kiều trừu bản”: qua cầu rút ván). Kế này được áp dụng trong chiến thuật bảo tồn lực lượng khi rút lui hoặc tháo chạy. Rút thang hoặc rút ván phá cầu là cách xoá dấu vết, đồng thời ngăn trở bước truy kích của đối phương.
5.
“Thâu lương hoá trụ” (ăn trộm xà ngang đổi cột)
Chữ “thâu” (偷) ở đây không nên dịch là “ăn trộm” mà nên dịch là ngầm thu lấy. “Thâu lương hoán trụ”: lấy rường đổi làm cột. Kế này mục đích làm cho đối phương phải thay binh đổi tướng khiến lực lượng suy yếu do sử dụng người không đúng chỗ.

Ngoài ra còn một số trường hợp như: “Phao chuyên dẫn ngọc (ném gạch đưa ngọc ra)”. Lý đại đào cương (cây mận thay cây đào cứng)”. “Phủ để trừu tân” (để ngọc dưới đáy nồi ý nói giải quyết trên căn bản” “Thượng thụ khai hoa (trên cây nở hoa)” v.v…Cách giải thích của tác giả bài báo cũng chưa thật chuẩn xác và rõ ràng nếu không nói là tối nghĩa.

Về “Tam thập lục kế” theo tôi nghĩ con số bao mươi sáu chỉ có tính chất tượng trưng, ước lệ. Số 36 được coi là con số thiêng, số nhiều, có thể biến hoá khôn lường. Cho nên ta vẫn thường nghe : “Ba sáu điệu cười” “Ba mươi sáu điệu hát”, “Ba mươi sáu giống chim” “Tam thập lục động” (ba mươi sáu động) “Tam thập lục châu (ba mươi sáu châu quận: ý nói đất đai rộng lớn) ngay như “Ba sáu phố phường” của Hà Nội xưa chắc cũng không ai có thể thống kê thật đầy đủ và chính xác để vừa tròn con số ấy được. Hiển nhiên những mưu lược quân sự được đúc kết hàng ngàn năm không chỉ dừng lại ở con số ba mươi sáu.  Trong quá trình phát triển của chiến tranh ở một đất nước loạn lạc triền miên như Trung Hoa, những mưu sâu kế độc cũng ngày càng nhiều hơn để bổ sung vào cái kho “mưu ma chước quỷ” truyền thống trở thành “trăm phương ngàn kế”. Do đó, ngoài “Tam thập lục kế”gói gọn trong bài thơ độc đáo trên còn vô số kế hay nữa mà các danh tướng từng sử dụng rất lợi hại trong trận mạc.
1.“Hư trương thanh thế”: phô trương thế lực không có thật của mình.
2. “Sát kê sách hầu”: giết gà để doạ khỉ;
3. “Nhất tiễn song điêu”: một mũi tên bắn rơi hai con chim;
4. “Tiên phát chế nhân”: ra tay trước để áp đảo địch thủ;
5. “Khích tướng kế”: khiêu khích cho đối phương tức giận lên mà trúng kế của mình; 6. “Minh tri cố muội”: biết rõ nhưng vờ ngu muội;
7. “Quá kiều trừu bản”: qua cầu rút ván;
8. “Di thi giá hoạ”: đem xác chết gieo tai hoạ cho người v.v… và v.v…

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THẠCH BẤT CẢM ĐƯƠNG
CÂU HỎI VỀ MỘT PHIẾN ĐÁ “HÈN NHÁT”
Ở THANH HOÁ


Tiết Kinh Trập năm con Rồng (2012), tôi “Cùng nông dân ra đồng”, phòng trừ sâu bệnh hại lúa tại huyện Hậu Lộc - Thanh Hoá. Khi đang đứng bên hè Hội trường của một thôn nhỏ xã Liên Lộc, chợt thấy cái gì đó rất hấp dẫn ở phí luỹ tre (có lẽ vì thấp thoáng sau luỹ tre là ngôi nhà lá đơn sơ chăng ?). Bèn bước chân tới đó. Nhìn vào sân không thấy bóng người. Lá vàng rụng đầy trên lối ngõ rêu xanh và mặt nước ao tù. Chiếc cổng tre đơn sơ dù chỉ khép hờ cũng đủ khiến tôi không dám tự động vượt qua cái ngưỡng ấy. Vậy là đứng ngó quanh bờ rào. Nhìn trời nhìn đất… Bỗng nhiên tôi giật mình ! Ngay dưới chân là một dòng chữ Hán. Bốn chữ mới nhìn tưởng quen, nhưng lại hoá ra rất lạ:

“THẠCH BẤT CẢM ĐƯƠNG”!

Đá dài độ 90cm, rộng 40cm. Có vẻ như được chọn từ một phiến đá vốn có hình thù tự nhiên như vậy. Trông hình đá gồm gồm ở giữa, mỏng dần về xung quanh như cái mai mực vậy. Chất đá không phải đá xanh mà là kiểu đá có nhiều thớ, thường thấy ở các núi đá lẫn đất. Chữ trên đá là loại chữ chân nghiêm cẩn, đúng pháp, nét bút lông mảnh. Nét viết dứt khoát như được thể hiện trực tiếp lên đá cho thợ đục. Nét đục cũng khá sâu, đường đục đanh, rõ ràng, rành mạch.

“Thạch cảm đương” hay “Thái Sơn thạch cảm đương” là những chữ nhà phong thuỷ Tàu thường dùng để trấn trạch phòng ốc, trừ tà ma, quỷ quái. Hiện bên Tàu vẫn làm rất nhiều những tấm biển “Thạch cảm đương” với đủ mọi kích cỡ, hình thù, chất liệu. Có khi “Thạch cảm đương” chỉ nhỏ xíu bằng mấy ngón tay, bán cho du khách để lên bàn làm việc.



Ở bên ta (như Hà Nội) cũng có một số nơi dựng biển đá “Thạch cảm đương”ngay bên hè đường phố hoặc nơi có công trình kiến trúc cổ. (Tôi từng thấy một phiến đá có chữ “Thạch cảm đương” chôn ngay trên hè một con phố Hà Nội, hiện không nhớ tên phố là gì). Ngay dưới chân tháp Bút, Hà Nội hiện cũng còn phiến đá đề 5 chữ: Thái sơn thạch cảm đương. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng có bài viết Luận về “Thái Sơn thạch cảm đương” và có nhắc đến tấm đá ở đền Ngọc Sơn này.



Ba chữ “Thạch cảm đương” nghĩa là Đá dám đương đầu, đá có thể chống lại mọi thế lực hắc ám. Thật là kiêu hãnh ! Thế nhưng, khi thêm chữ “bất” vào sau chữ “Thạch”, bốn chữ “Thạch bất cảm đương” như tôi thấy ở Hậu Lộc lại có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại. Một sự “thú nhận” công khai, rõ ràng: Đá không dám đương đầu, đá không dám chống lại ai cả !




Tôi hỏi một số người dân địa phương, nhưng họ không biết gì về phiến đá này. Thậm chí không hề biết rằng nó đang có mặt ở đó. Bà con cũng cho biết, gần khu vực này không có núi đồi, cũng chẳng có chùa chiền, đền miếu hay công trình kiến trúc cổ nào. Khi ấy, tôi có hỏi thăm vào nhà một ông cụ cách đó chừng trăm mét. Ông cụ chừng độ 80 tuổi, là người được học chữ Hán. Cụ nói có khả năng ngày trước, khi xe ô tô chở vật liệu do máy xúc đào ở khu vực khác đến đây để làm đường và đã chở luôn tấm đá ấy về. Do đá có chữ, lại to dài so với loại đất đá tiêu chuẩn làm đường nên đã bị người ta loại ra. Ông cụ nói bốn chữ “Thạch bất cảm đương” nghĩa là “Đá chẳng dám đào”. Ý là tấm đá vốn chôn vào khu vực núi đá nào đó để người ta không dám khai thác. Với tôi, cách giải thích này thật khó thuyết phục.




Nhìn tổng quan, đứng về mặt văn bản học, thạch văn, tôi cho rằng tấm biển này khá cổ. Cổ tới mức nào thì chưa dám nói, nhưng tôi dám khẳng định, nó không phải sản phẩm nguỵ tạo của thời hiện đại !

Vậy, ai đã tạo ra tấm biển đá “hèn nhát” có một không hai này trên đất Thanh Hoá. Họ tạo ra để làm gì ?

HTC có nghĩ ra một cách giải thích nhưng chưa dám thưa thốt. Ttrước tiên, xin kính mời quý vị bạn đọc luận bàn. Nếu có thể cho Tuấn Công Thư Phòng vài lời giải thích hay nhận xét !

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“QUÂN TỬ Ố KỲ, VĂN CHI TRỨ”
“VĂN” LÀ GÌ? “TRỨ” LÀ GÌ?


Câu “Quân tử ố kỳ văn chi trứ” thấy có trong giai thoại về Nguyễn Công Trứ. Đại khái: Nguyễn Công Trứ và Hà Tôn Quyền là bạn đồng liêu, cũng là bạn văn chương. Hai người đều có mặt trong Hương Bình Thi Xã, thường vẫn giao du xướng hoạ. Tuy nhiên, họ vừa phục văn tài của nhau, vừa ngầm đua tài với nhau. Riêng Nguyễn Công Trứ không ư­a Hà Tôn Quyền ở chỗ miệng l­ưỡi khéo léo, nịnh hót lấy lòng nhà vua. Một hôm có viên quan đại thần mở tiệc mừng con trai đậu cử nhân. Rượu thịt ngà ngà, nhân trông thấy trước sân có cây vông trổ hoa, một viên quan bảo Nguyễn Công Trứ làm bài thơ vịnh cây vông cho vui. Cũng là cách chúc chủ nhân có con trai thi đỗ, tựa như cây trồng đến lúc trổ hoa vậy. Nguyễn công vốn hay châm chọc bèn đọc ngay bài thơ Nôm:

Biền nam khởi tử chẳng vun trồng
Cao lớn làm chi những thứ vông
Tuổi tác càng già già xốp xáp
Ruột gan chẳng có, có gai chông
Ra tài lương đống không nên mặt
Dựa chốn phiên ly chút đỡ lòng
Đã biết nòi nào thời giống ấy
Khen cho rứa cũng trổ ra bông!

Nghe xong bài thơ, viên quan đại thần sầm mặt, giận lắm. Bạn đồng liêu với Nguyễn Công Trứ là Hà Tôn Quyền mới ra tay “chữa cháy”. Nói “Có câu đối này thách ngài đối lại: “Quân tử ố kỳ văn chi...quan lớn”. Nguyên câu này là trong sách xưa là“Quân tử ố kỳ văn chi trứ”, được Hà Tông Quyền chữa lại và dùng với nghĩa: người quân tử ghét cái lối văn như của quan lớn (tức Trứ).

Nguyễn Công Trứ thấy Hà Tông Quyền muốn lấy lòng bề trên mà lại giễu cợt mình thì bực lắm, lập tức chẳng chịu lép vế đối ngay rằng: “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng...quý ngài”. Đây cũng vốn là câu “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền” có sẵn trong sách xưa, nghĩa là: Bậc thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng quyền. Nguyễn Công Trứ cũng theo cách của ông Quyền thay chữ Quyền bằng chữ “quý ngài” với dụng ý xỏ xiên: Bậc thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến ông Quyền”.

Về câu“Quân tử ố kỳ văn chi trứ”  tác giả “Giai thoại văn học Việt Nam” (NXB Văn học-2010), Kiều Thu Hoạch cho biết: “Nguyên đây là câu liền trong sách “Quân tử ố kỳ văn chi trứ” nghĩa là: Người quân tử ghét lối văn hoa mỹ, loè loẹt”. Hà Tôn Quyền vờ kiêng tên ông Trứ, thay bằng chữ “quan lớn” với dụng ý mỉa mai: “Người quân tử ghét cái văn của anh Trứ”.

Về giai thoại này,  Tạp chí Văn hoá Nghệ An (vanhoanghean.com) đưa ra dị bản “Quân tử ố kì văn chi Cụ lớn” và giải nghĩa: “Nguyên đây là một câu cổ văn trong sách Trung Dung “Quân tử ố kì văn chi trứ”, nghĩa là “Người quân tử ghét lối vănchươngloè loẹt bề ngoài”.

Như vậy, cứ theo như tác giả Kiều Thu Hoạch và  Tạp chí Văn hoá Nghệ An thì chữ “văn” ở đây là “văn chương”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chữ “văn” trong câu đã được Hà Tông Quyền sửa đi và vận dụng thành “Quân tử ố kỳ văn chi...quan lớn” để châm chọc Nguyễn Công Trứ, được hiểu là “văn chương” có thể đúng (Các vị ấy có quyền làm thế, và đang lấy sự đồng âm của chữ để “chơi nhau”). Còn chữ “văn” trong câu “Quân tử ố kỳ văn chi trứ” lấy ý trong sách Trung Dung lại có nghĩa là văn hoa, vẻ bề ngoài, không phải là văn chương. Xin trích nguyên văn chữ Hán: 詩 曰: “衣 錦 尚 絅”惡 其 文 之 著 也. 故 君 子 之 道 闇 然 而 日 章. 小 人 之 道 的 然 而 日 亡). Phiên âm: “Thi viết: “Ý cẩm thượng quýnh” ố kỳ văn chi trứ dã. Cố quân tử chi đạo, ám nhiên nhi nhật chương. Tiểu nhân chi đạo, đích nhiên nhi nhật vong”.  

HTC tạm dịch: Áo gấm chuộng mặc lồng (áo gấm mặc trong, bên ngoài phủ thêm một cái áo đơn). Bởi người sang trọng không thích kiểu phô bày cái gấm hoa rực rỡ, loè loẹt vậy. Cũng giống như cái đạo người quân tử, tuy lờ mờ mà ngày càng rõ rệt. Còn đạo kẻ tiểu nhân bề ngoài rõ vậy mà ngày càng mất dần đi. (Lưu ý: chữ “y” 衣 nghĩa là cái áo, đọc là “ý” nghĩa là mặc áo).

Trong sách Luận Ngữ, ông Tử Hạ cũng nói rằng: “Tiểu nhân chi quá dã, tất văn” (小 人 之 過也必文)Nghĩa là: Kẻ tiểu nhân hay dùng lối văn sức bề ngoài mà tô điểm những tội lỗi của mình. Nghĩa của chữ “văn” trong câu này được hiểu như chữ “văn”trong “Quân tử ố kỳ văn chi trứ”.

Trong cụm từ “văn chi trứ”, tuy cùng tự dạng là “văn” 文,nhưng “văn” ở đây không phải là văn chương như ông Kiều Thu Hoạch, và Tạp chí Văn hoá Nghệ An viết mà là văn hoa, vẻ ngoài. Hán Việt tự điển (Thiểu Chửu) cho biết “Văn: Văn hoa, chỉ cốt bề ngoài cho đẹp, không chuộng đến sự thực gọi là văn, như phồn văn 繁 文, phù văn浮文, v.v”.

Nghĩa gốc của chữ văn 文 nghĩa là “xăm mình”. Hình chữ cổ trong Giáp Cốt văn và Kim văn giống như một người trước ngực (hoặc sau lưng) có xăm những hoa văn. Sách Trang tử viết: Việt nhân đoạn phát văn thân (越人断髮文身), nghĩa là Người Việt cắt tóc, xăm mình. Chữ văn 文này khác với văn 聞 nghĩa là nghe mà bạn đọc Ng. Kim Bay hỏi. Văn聞 nghĩa là nghe có bộ nhĩ 耳nằm phía trong bộ môn門, hình trong Giáp cốt văn giống như một người đang quỳ, lấy tay che miệng, vểnh tai nghe ngóng tiếng động. Nghĩa gốc là nghe thấy. Về sau dùng mũi ngửi cũng gọi là “văn” 聞 .

Còn chữ “trứ” 著. Tuy cùng có tự dạng là trứ 著, nhưng trong câu “Quân tử ố kỳ văn chi trứ” thì trứ 著 không phải là soạn thuật, trứ tác (trước tác) như bạn Ng. Kim Bay đoán, mà có nghĩa là nổi bật, rõ ràng (cũng là trứ trong trứ danh 著名). Cụm từ “ố kỳ văn chi trứ” nghĩa là ghét cái vẻ bề ngoài phô trương ấy.

Trong câu “Quân tử ố kỳ văn chi trứ”, chữvăn文nghĩa là hoa văn, vẻ bề ngoài; chữ trứ 著nghĩa là nổi bật, rõ ràng.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [44] [45] [46] [47] [48] [49] [50] ... ›Trang sau »Trang cuối