Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [42] [43] [44] [45] [46] [47] [48] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

“CHỈ XÁC” CÓ PHẢI LÀ
“VỎ BƯỞI PHƠI KHÔ” KHÔNG?


“Chỉ xác” là thảo dược khá thông dụng trong Đông y; vị đắng, tính hàn, vào hai kinh tỳ, vị; tác dụng phá khí, tiêu tích, hoá đàm...
         -”Việt Nam tự điển” (Hội Khai Trí Tiến Đức-1931) giải nghĩa: “chỉ-xác • Tên một vị thuốc. Tức là vỏ bưởi non phơi khô <> Nhiều tiền thì hoàng-cầm, hoàng-kỳ, ít tiền thì trần-bì, chỉ-xác”.

         -”Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ hiệu đính-Sài Gòn-1970):“chỉ xác • dt. (tb): Vỏ bưởi phơi khô, khí lạnh, vị đắng và chua, không độc nhưng đàn-bà có thai không được dùng”.      
 
         -”Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên-1967): “chỉ xác • d. Tên một vị thuốc làm bằng vỏ bưởi non phơi khô”.

         -”Từ điển tiếng Việt” (Chuyên từ điển New Era-2013): “chỉ xác: vỏ trái bưởi dùng làm thuốc trong Đông y”.

-”Từ điển từ và ngữ Hán Việt” (1989) và “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”(2006)  của GS Nguyễn Lân đều giảng giống nhau: “chỉ xác (Hán. chỉ: cây bưởi; xác: vỏ) Vị thuốc làm bằng vỏ bưởi phơi khô: Nhiều tiền hoàng cầm hoàng kỳ, ít tiền trần bì chỉ xác (tục ngữ)”.

Các nhà biên soạn từ điển đều khẳng định rõ ràng như vậy. Nhưng rất tiếc đây lại là sự ngộ nhận, dẫn đến sai lầm theo kiểu “Dĩ hư truyền hư”.

Du 柚, hay du tử 柚子 mới là bưởi, còn “chỉ” là cây quýt hôi, hay chanh gai.“Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu giảng rõ ràng như sau: “枳 [chỉ] ① Cây chỉ(cây chanh gai) dùng làm thuốc được, như chỉ thực 枳實 thứ quả hái còn non, chỉ xác 枳殼 thứ quả hái đã già”; “Hán Việt tự điển” (Trần Văn Chánh): “枳 [chỉ] [Pinyin: zhǐ] (thực) Cây câu quất, cây quýt hôi, cây chanh gai. Cũng viết: 枸橘[goujú]”.

Sách “Danh từ thuật ngữ y học cổ truyền” (NXB Y học-2015), phần”dược” chép về “chỉ xác” như sau: “Chỉ xác (枳殼) Tên khác: Chanh xác-Trấp-Chấp-Quả trấp già. Bộ phận dùng: Quả của các loại cây Trấp (Citrus hystrix D.C), họ Cam (Rutaceae), hái lúc đã khá to nhưng còn xanh, phơi sấy khô. Tên khoa học:Fructus Citri”.


Quả cây “chỉ”,枳 thu háichế biến lúc già gọi là “chỉ xác” 枳殼
Sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (Đỗ Tất Lợi) mục “chỉ thực” viết như sau: “Chỉ thực 枳實: còn gọi chỉ xác, xuyên chỉ thực, xuyên chỉ xác. Tên  khoa học Citrus sp. Thuộc họ Cam Rutaceae. Chỉ thực (Fructus Aurantii immaturi) và Chỉ xác (Fuctus Citri aurantii), đều là quả phơi khô của chừng hơn 10 cây chi Citrus và Poncirus và Poncirus thuộc họ Cam Rutaceae nhưng thu hái ở thời kỳ khác nhau. Chỉ thực là quả hái vào lúc còn non nhỏ, có khi bị gió mạnh  tự rụng dưới gốc cây (theo chữ Trung Quốc, chỉ là tên cây, thực là quả). Chỉ xác là quả hái vào lúc gần chín, thường bổ đôi. Chỉ vẫn là tên cây, xác là vỏ và xơ, vì quả bổ đôi phơi khô ruột quả bị quắt lại”.

Điều thú vị là trong cuốn từ điển song ngữ Hán Việt cổ nhất hiện còn “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa”, cũng đã định nghĩa “chỉ thực” và “chỉ xác” rõ ràng không kém các sách từ điển chuyên ngành nam dược hiện đại: “Chỉ thực là quả chấp xanh bộc càn, Chỉ xác tháng bảy chín vàng”. (“bộc càn” = phơi khô. Xem “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa”-Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải-NXB Khoa học xã hội-1985).


Quả cây “chỉ” 枳 thu hái, chế biến lúc còn non gọi là “chỉ thực” 枳實
Chúng tôi cẩn thận tra tìm mục “Bưởi 柚” (du 柚) trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi, xem vỏ quả bưởi có còn được gọi, hay được dùng thay cho “chỉ xác” 枳殼 hay không. Kết quả, các bộ phận của bưởi được dùng làm thuốc như: lá, vỏ quả, vỏ hạt, dịch ép múi bưởi...không có bộ phận nào được gọi, hay liên quan gì đến “chỉ xác”.


“Chỉ thực” 枳實 thu hái chế biến từ quả cây “chỉ” 枳đang còn non
Vậy tại sao lại có sự nhầm lẫn giữa quả khô của cây “câu quất”, “quýt hôi”, “chanh gai”... với “vỏ bưởi khô” như vậy? Theo chúng tôi, trong trường hợp “què vị” (thiếu vị), các thầy thuốc Đông y thường tìm cách “thay vị” có công dụng tương đương, hoặc gần tương đương. Có lẽ ông lang vườn nào đó, vì què vị “chỉ xác”, nên đã liều thay bằng “vỏ quả bưởi khô”. Tuy nhiên, dẫu có như vậy, thì với người biên soạn từ điển, “chỉ xác” 枳殼 vẫn là “chỉ xác”, chứ không thể biến thành “vỏ quả bưởi khô”. Mặt khác, tuy có cùng họ Cam, nhưng dược tính của “chỉ xác” và “bưởi” khác nhau. Bởi vậy, sách “Đông y toàn tập” (Nguyễn Trung Hoà-NXB Thuận Hoá-2015) khi chép về “chỉ xác” đã phải lưu ý như sau: “Chỉ xác (Vỏ quả trấp) Citrus aurantium.L. Họ Cam quýt (Rutaceae). Bộ phận dùng: Quả trắp già. Dùng thứ quả gần chín, còn xanh vỏ, đã bổ đôi, cùi càng dày càng tốt, mùi thơm, ruột bé, trắng ngà, để lâu năm, cứng chắc không ẩm mốc là tốt. Không nhầm với quả Bưởi hay Cam hôi (hai thứ này thịt xốp cùi mỏng, không bào chế được)”.


Vỏ bưởi phơi khô -Ảnh: ST
Tên vị thuốc liên quan trực tiếp bệnh tật, sức khoẻ con người. Các nhà biên soạn từ điển cần tra cứu cẩn thận, phát hiện ra nhầm lẫn, sai sót của người đi trước, kế thừa cái đúng, loại bỏ cái sai. Nếu không cụ thể, chính xác như từ điển chuyên ngành, thì ít ra giảng nghĩa khái quát như “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex): “chỉ xác • 枳殼 d. vị thuốc đông y chế biến từ quả già sấy khô của một số cây họ cam quýt”.
Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VỀ BÀI “7 CÂU THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ
QUEN DÙNG NHƯNG TOÀN BỊ SAI”


Tuần qua, mạng xã hội chia sẻ, tranh cãi sôi nổi về bài “7 câu thành ngữ tục ngữ ai cũng quen dùng, nhưng toàn bị sai” (Kênh14.vn tham khảo từ sách “101 câu chuyện về chữ nghĩa”-Đỗ Đăng Lưu-NXB Giáo dục-2004, sau đây gọi tắt K14). Nhiều bạn đọc gửi thư, đề nghị chúng tôi đưa ra nhận xét.

Theo chúng tôi, hầu hết các phương án “sửa sai” không có gì mới, ngược lại đã được từ điển (Nhóm Vũ Dung, Nguyễn Như Ý...) ghi nhận từ những năm 1990-1993. Điều đáng nói, cách giải thích của từ điển và K14 chưa hoàn toàn thuyết phục, có câu “bò lành đánh bò què”.
1.
“Ướt như chuột lột”
K14:  “chỉ một người bị ướt lướt thướt, quần áo dính chặt vào người, giống hình ảnh một con chuột lội từ dưới nước lên.”

Dị bản này có được “Việt Nam tự điển” và “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nhóm Vũ Dung, “Từ điển thành ngữ Việt Nam” của nhóm Nguyễn Như Ý ghi nhận. Theo Nguyễn Như Ý, “lột” cũng có nghĩa là “lụt” vì hai âm U và Ô có thể hoán đổi, tương ứng với nhau (nhưng không thấy sách dẫn chứng cụ thể).

Đ gọi là “lội” thì đâu có bị ướt hết? Bởi vậy, theo chúng tôi, dị bản “chuột lụt” sát nghĩa hơn. Khi lụt trắng đồng, chuột từ hang hốc lóp ngóp bò lên các bờ bái, toàn thân ướt sũng, run lẩy bẩy. “Chuột lụt” còn là chuột bị người ta săn bắt bằng cách đổ đầy nước vào hang hốc, khi không chịu nổi nó mới lử khử chui ra, ướt nhèm, bết bát tưởng chừng sắp chết. Thành ngữ không chỉ mô tả ướt nói chung, ướt nhiều mà gợi tả bộ dạng (bị) ướt mà trông rất nhếch nhác, thảm hại. Ấy là cái ướt sũng của người bị mưa dập, gió vùi, ngoài ý muốn.

2.
“Dùi đục chấm mắm cáy”
K14: dùi đục “không có ý nghĩa”, mà phải là  “bầu dục”, vì “Bầu dục là món ngon, nhưng lại chấm mắm cáy-thứ nước chấm “xoàng”, chỉ sự kết hợp không hài hoà, bất cân xứng.”

Nhóm Vũ Dung cũng giải thích mắm cáy là món “xoàng”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách giải thích này chưa chính xác. Vì “xoàng” đơn giản như muối trắng mà hợp thì vẫn ngon chứ? Đúng ra là không biết thưởng thức: Bầu dục có mùi hơi nồng, khắm, đem chấm với mắm cáy cũng vừa kháy vừa nồng thì còn gì là ngon nữa? (có câu “Chủng chẳng như bầu dục mắm cáy” là vậy). Ấy là sự thiếu tinh tế, quê mùa, “chặt to, kho mặn” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng (cách ăn và mặc phản ánh sự trình độ văn minh, hiểu biết của con người)

  Cũng không nên vì món “bầu dục” mà vứt “dùi đục” đi.

“Dùi đục” ám chỉ sự thô kệch, cục cằn, bốp chát, quen dùng sức mạnh (“Ai đem dùi đục đi hỏi vợ”; “Bàn tay dùi đục”). Còn mắm cáy đồng nghĩa với món dân dã, rẻ tiền, kém sang trọng (“Ăn thịt bò lo ngay ngáy, ăn mắm cáy ngáy kho kho”). Bởi vậy,“Dùi đục mắm cáy”, hay “Dùi đục chấm mắm cáy” là cách nói chế giễu sự cục cằn, quê kệch, thô lỗ “toàn phần” mà thôi.

Thành ngữ đôi khi không có nghĩa đen trong thực tế mà chỉ là cách nói ngoa dụ (vd “Chẻ sợi tóc làm tư”, “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”). Bởi vậy, theo chúng tôi, không nên khẳng định “Bầu dục chấm mắm cáy” là bản duy nhất đúng và triệt tiêu, loại trừ dị bản “Dùi đục chấm mắm cáy.”
3.
“Cao chạy xa bay”
K14: “Xa chạy cao bay” mới đúng, vì “ai có thể chạy cao?”. Điều đó không sai.
Thành ngữ gốc Hán có câu “Cao phi viễn tẩu-高飛遠走-Bay cao, chạy xa. Nguyễn Du cũng viết “Liệu mà xa chạy cao bay, Ái ân ta có ngần này mà thôi” (Kiều). Hay cổ ngạn: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan đào-善惡到頭終有報,高飛遠走也難逃-Thiện ác cuối cùng cũng sẽ báo, bay cao chạy xa cũng khó thoát”.

Ngoài nghĩa: tìm đường thoát khỏi nơi nguy hiểm càng xa, càng tốt, thì thành ngữ còn được hiểu: kẻ (nào đó) đã đào thoát biệt tăm biệt tích rồi. Bởi vậy, không nên vì “xa chạy” mà bỏ dị bản “cao chạy”. Thành ngữ Việt còn có câu “Chạy đằng trời” (không chạy thoát được; chỉ chạy đằng trời mới thoát); “Tìm đằng trời” (không thể tìm được; chỉ có nước lên trời mới tìm được). Thế nên, “Cao chạy, xa bay” là cách nói nhấn mạnh,hài hước, ý chỉ (nó) đã trốn biệt tăm, không để lại chút vết tích nào. Thế nên, cái “phi logic” của “cao chạy” có thể chấp nhận được, thậm chí là hay trong lối nói ngoa dụ của dân gian.
4.
“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”
K14: nghĩa gốc là “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia”, ý chỉ  lợi dụng những thứ thuộc về người khác để làm lợi cho mình”.

Chúng tôi chưa thấy sách vở nào ghi nhận dị bản này. Nhưng nếu có cũng thiếu căn cứ để khẳng định nó là hình thức ban đầu của “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”, bởi cả nghĩa đen và nghĩa bóng, từ ngữ, âm đọc đều ít liên quan. Thành ngữ “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là dân gian cố tình tạo ra vô lý (đàn bà đâu có râu mà lắp vào) để chỉ sự nhầm lẫn, lắp ghép, lộn xộn, không chấp nhận được. Đồng nghĩa: “Ngô đầu, Sở vĩ- 吳頭楚尾-Đầu ngô đuôi sở; Đầu Ngô, mình Sở.
5.
“Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”
Kênh14: “vọc niêu tôm” mới đúng.

Các  dị bản Vọc niêu tôm, vọc niêu cơm, sục niêu tôm...đã được đưa ra từ lâu.Nhưng suy cho kỹ, các kiểu “vọc”, “sục” nói trên đều không ổn.

“Niêu tôm” không phải mồi gà ưa thích, mở nắp vung cũng không phải là lối kiếm ăn của gia cầm.

Nếu “niêu cơm” đã mở vung, đàn gà sẽ không dừng ở “vọc”, mà mổ ăn thực sự, canh tung toé cho bằng hết (“Vọc” là động tác nhẹ nhàng, không có nghĩa phá phách tùm lum) Trong khi chữ “vọc” hoàn toàn không miêu tả động tác mổ, bới của con gà. Người ta chỉ nói “chuột vọc”, (chuột dùng chân hoặc răng nhấm thử), còn “sục” chỉ hợp với mõm chó...

Chúng tôi cho rằng, hình thức đúng của câu tục ngữ vẫn là “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”.

Xưa kia, nông dân thường nuôi gà ổ. Sau khi nở, cả đàn gà con theo mẹ kiếm mồi. Mẹ gà chăm sóc đàn con rất cẩn thận, sẵn sàng liều mình chống lại các mối đe doạ, như chó, mèo, diều, quạ...Mẹ gà dạy con cách tìm mồi, nhận biết nguy hiểm; vừa bới đất, vừa nghe ngóng, nếu thấy nguy hiểm, lập tức nó phát tín hiệu cố..ố...qu..ác...qu...ác báo động, rồi tục...tục “thu quân”. Gà con dù đang mải mê ở đâu, nghe tiếng cảnh báo cũng chạy vội tới, chui hết vào đôi cánh gà mẹ. Có chú gà nào đùa nghịch chọi nhau, liền bị gà mẹ mổ cho vài cái là “giải tán” ngay. Chú nào lạc mẹ thì nháo nhác, kêu chiếp....chiếp rất thảm thiết, chừng nào tìm được mẹ mới thôi (Nháo nhác như gà lạc mẹ). Cả “gia đình gà” quây quần ấm áp bên nhau thật bình yên, trật tự.

Khoảng hơn một tháng sau nở, cái đuôi gà con nhú lên khum khum hệt cái đuôi (con) tôm. Khi gà con mọc đuôi tôm cũng là lúc (theo bản năng), gà mẹ xua đuổi, bắt đàn con phải tự lập, bước vào lứa sinh đẻ mới. Nếu con nào vẫn chạy theo, sẽ bị  mẹ gà đánh đuổi, mổ thật lực, kêu choe choé. Trước kia, gà mẹ săn sóc, bảo vệ, yêu thương đàn con bao nhiêu, thì bây giờ, nó dửng dưng, vô tình bấy nhiêu (dân gian gọi là “gà bỏ con”). Thế là, anh em nhà gà con bắt đầu cuộc sống tự lập: đi kiếm ăn mà không có gà mẹ theo kèm.


Sau vài ngày đầu nháo nhác, đàn gà con bắt đầu mạnh dạn hơn. Chúng vẫn giữ thói quen đi ăn theo bầy và rất hiếu động. Cả bầy chui luồn mọi xó xỉnh, hết ngoài vườn đến trong nhà; từ gầm giường, xó tủ đến bồ thóc, thúng gạo đều bị chúng bới móc, vừa chạy nhảy vừa kêu chiêm chiếp, ăn một phá phách mười, làm cho mọi thứ đảo lộn tứ tung lên. Ăn, chơi chán thì chúng quay ra đánh chọi nhau chí choé mà chẳng có mẹ gà nào “can thiệp”. (Câu “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” chính là nói gà con thời kỳ này).

Như vậy, lũ trẻ con khi vắng chủ nhà, vắng bố mẹ và gà mọc đuôi tôm, gà mới tách mẹ đều có điểm giống nhau: nghịch ngợm, phá phách, tha hồ trêu chọc, đánh đấm nhau mà không bị ai trách mắng, quở phạt. Đây cũng là nhận thức tâm lý bọn trẻ và lũ gà con mới lớn theo kinh nghiệm của dân gian.

Trước đây, câu “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”, bị hiểu lầm có mối quan hệ nhân quả theo kiểu: “Vắng chủ nhà, (thì) gà bới bếp”. Tuy nhiên, câu tục ngữ đang xét lại có mối quan hệ so sánh:  tình trạng vắng chủ nhà cũng giống như gà mọc đuôi tôm, (theo kiểu: “Cơm chín tới, cải ngồng  non...”) Ấy chính là những giai đoạn đặc biệt của các sự vật, hiện tượng được tục ngữ đặt cạnh nhau để dùng cái này liên tưởng, so sánh với cái kia.

         Như vậy “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”  được diễn giải: Tình trạng vắng chủ nhà (thì cũng giống như) gà (giai đoạn) mọc đuôi tôm, và hiểu: Trẻ con phá phách nghịch ngợm nhất là lúc bố mẹ vắng nhà ; gà con hiếu động, quấy phá nhất là lúc mọc đuôi tôm, tách mẹ.

         Về sau, câu tục ngữ được hiểu theo nghĩa rộng hơn, nhằm ám chỉ tất cả những hành động, việc làm quá tự do phóng túng khi không có sự hiện diện, cai quản của người lớn tuổi, hoặc người đứng đầu.
6.
“Ra ngô  ra khoai”
K14: câu đúng là “Ra môn ra khoai”, “vốn dùng để phân biệt những thứ gần giống nhau. Nhưng ngô với khoai thì hoàn toàn khác biệt, không thể nhầm lẫn”.

Đúng vậy, Từ điển của Nhóm Vũ Dung cũng đã ghi nhận, giải thích “Ra môn ra khoai”và đưa thêm các dị bản: “Ra ngô ra khoai”;“Ra ngô ra kê”, “Ra măng ra rươi”. Chúng tôi cho rằng, những dị bản của “Ra môn ra khoai”, “Ra ngô ra kê”không hẳn là dùng sai, mà có nghĩa: phải làm rõ ràng, với cả những thứ vốn khác nhau, nhưng ai đó đã cố tình lẫn lộn; cái nào ra cái đó, rõ ràng như ngô với khoai, rươi với măng.
7.
“Chân nam đá chân chiêu”
K14: phải là “chân đăm”, vì “đăm” là bên phải. Đúng vậy, “đăm” hay “chăm” trong tiếng Việt cổ (Mường ngày nay vẫn dùng) nghĩa là bên phải.

Như vậy, trong số 7 câu thành ngữ tục ngữ mà K14 sửa lại vì cho rằng dùng sai, thì duy nhất câu này xác đáng. Tuy nhiên, nó cũng đã được Nhóm Vũ Dung ghi nhận và giải thích từ những năm đầu chín mươi của thế kỷ trước.
                                                      
HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MAY ÁO HAY THAY ÁO?


Sách “Tục ngữ Việt Nam”(Chu Xuân Diên-Lương Văn Đang-Phương Tri-NXB Khoa học xã hội-1975) có ghi nhận câu tục ngữ: “Áo năng may năng mới, người năng tới năng thân”.

Liệu vế đầu “Áo năng may năng mới,...” của câu tục ngữ có vấn đề gì về văn bản không?

Tham khảo một số sách sưu tầm, biên soạn như:

“Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” (Vũ Ngọc Phan, 1977), “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân, 1989), “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung, in lần thứ tư, 2000), “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương, 2010), “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (chọn lọc dùng cho học sinh, Nguyễn Bích Hằng, 2014), “Bách khoa tri thức” (bachkhoatrithuc.vn) và nhiều tài liệu khác đều thấy chép: “Áo năng may năng mới...”. Trong số 6 tài liệu chúng tôi liệt kê, có 5 nguồn không giảng nghĩa đen của vế đầu “Áo năng may năng mới” mà chỉ giải thích vế hai: “Người năng tới năng thương” (dị bản “năng thân”, “năng thường”), đại ý: Thường xuyên đi lại, tiếp xúc thì sẽ trở nên thân thiết. Riêng “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương), cả hai vế được giải thích rõ ràng hơn cả: “Áo càng chăm may thêm thì lúc nào cũng có áo mới (để mặc); người chăm lui tới ắt sẽ được chủ càng quý mến thêm”.

Như vậy, ít nhất có 6 nguồn tài liệu chép vế đầu câu tục ngữ là: “Áo năng may năng mới...”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các nhà nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn đã nhầm (hay sửa?) chữ “năng THAY” của dân gian thành “năng MAY”.

Nếu “áo năng may” được hiểu như nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương: “Áo càng chăm may thêm thì lúc nào cũng có áo mới (để mặc)” thì điều đó hiển nhiên, đơn giản, rõ ràng quá, cần gì tục ngữ phải tổng kết thành tri thức, kinh nghiệm để lưu truyền?

Ngày xưa, cái ăn, cái mặc rất khó khăn. Bởi vậy, dân gian luôn đề cao quan điểm, kinh nghiệm: “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền”; “Áo rách khéo vá hơn lành vụng may”; “Của bền tại người”; “Làm người phải biết tiện tằn, đồ ăn thức mặc có ngần mà thôi”; “Trẻ may ra, già may vào”; “Áo rách thay vai, quần rách đổi ống”; “Khéo vá vai, tài vá nách”... Tóm lại, người ta tìm đủ cách để giữ gìn, tận dụng, kéo dài thời gian sử dụng của quần áo, trang phục nói riêng và vật dụng hằng ngày nói chung.

Thực tế cho thấy cũng một chiếc áo, với người không giữ gìn, ở bẩn, có khi mặc liều cả tuần không thay, không giặt. Nhiều lần như vậy, các vết ố trên áo “sên” vào, dù có giặt mấy cũng không ra, áo vừa nhanh cũ vừa nhanh rách. Ngược lại, với người cẩn thận, biết chăm sóc, giữ gìn, chiếc áo thường xuyên được thay ra giặt giũ, thay đổi, lúc nào trông cũng sạch đẹp, tinh tươm. Từ “mới” trong “năng mới” hàm ý dân gian muốn đề cao hiệu quả của việc chăm sóc, giữ gìn chiếc áo bền đẹp (như mới).

Nói về kinh nghiệm chăm sóc, giữ gìn vật dụng, tục ngữ Việt Nam còn có các câu đồng nghĩa: “Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen”; “Dao có mài mới sắc, người có học mới khôn”; “Dao sắc đến đâu, bỏ hoài cũng rỉ”; (mà chính từ điển của Nhóm Vũ Dung đã ghi nhận). Hay tục ngữ Tày: “Dao được mài mới sắc, trẻ được bú sữa mới lớn” (Tao đảy phân dẳng gồm, lủc đảy nồm dẳng mả). Người Trung Quốc cũng có câu gần nghĩa: “Y bất tẩy tắc cấu bất trừ, đao bất ma tắc phong bất nhuệ” (衣 不 洗 則 垢 不 除,刀 不 磨 則 鋒 不 銳), nghĩa đen: Áo không giặt không thể sạch vết bẩn, đao không mài không thể sắc bén.

Kết cấu, ngữ nghĩa của “Áo năng thay...”; “Dao năng liếc...”; “Dao có mài...”; “Áo không giặt...” là nói về việc chăm sóc, giữ gìn chính cái áo, con dao đang dùng ấy, không phải khuyên đi may áo mới, hay rèn con dao khác. Tương tự, “người năng tới...” cũng chỉ một mối quan hệ cụ thể nào đó cần được xây đắp tình cảm. Nếu hình thức vế đầu là “Áo năng may năng mới” và được hiểu: “Áo càng chăm may thêm thì lúc nào cũng có áo mới (để mặc)” thì hẳn vế sau: “Người năng tới năng thương” cũng phải hiểu theo nghĩa đăng đối: “Càng đến với nhiều người thì lúc nào cũng có bạn mới” (để chơi) chăng?

Vậy, theo chúng tôi, hình thức đúng của câu tục ngữ là: “Áo năng THAY năng mới, người năng tới năng thương” (hoặc thân): Cũng một chiếc áo nhưng nếu thường xuyên được THAY ra để giặt giũ, chăm sóc, thay đổi thì luôn bền đẹp (tựa áo mới); giống như quan hệ giữa người với người, năng lui tới thăm hỏi (quan tâm đến nhau) sẽ tạo nên tình cảm thân mật, gần gũi, tốt đẹp.

Chỉ khi trả lại cho câu tục ngữ Việt hình thức, nội dung vốn có, chúng ta mới cảm nhận hết được giá trị của tri thức, kinh nghiệm, ngụ ý sâu sắc của dân gian: Đồ dùng muốn bền, đẹp còn cần được thường xuyên chăm sóc, huống chi quan hệ giữa người với người!

XEM BÀI TRÊN BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG: http://nld.com.vn/…/may...-ao-20150905210804178.htm
                                                                                                                                           
HOÀNG TUẤN CÔNG
8/2015
Chú thích:
(*) Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích vế hai “người chăm lui tới ắt sẽ được chủ càng quý mến thêm”, theo chúng tôi chưa chính xác. Bởi trong câu tục ngữ, dân gian không có ý giới hạn quan hệ chủ, tớ, (hay chủ khách?) mà là quan hệ tình cảm giữa người với người nói chung (ví như anh em, bạn bè, đồng nghiệp, thầy trò...) Khái niệm chủ khách chỉ diễn ra trong khoảng thời gian đến chơi, “làm khách” của nhau mà thôi. Thế nên tục ngữ dân tộc Tày có câu: “Đường không người đi lại sẽ mọc cỏ gianh, anh chị em không đi lại thăm nhau tình cảm sẽ nhạt phai” (Tàng bố pây tẻo tín nhả gà, vỉ no ọng bố pây mà vần chút-Từ điển thành ngữ, tục ngữ dân tộc Tày-Triều Ân-Hoàng Quyết-NXB Văn hoá dân tộc-1996)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MÓNG NHÀ HAY MÓNG NGỰA?


“Đừng chờm mà có ngày chấn móng” là câu tục ngữ Việt Nam thuộc loại cổ xưa và khá khó hiểu. Không biết “chờm”, “chấn” ở đây là gì?“Móng” là móng nhà hay móng lừa, móng ngựa? Có lẽ, việc đầu tiên, đơn giản và tiện lợi nhất là chúng ta tìm đến từ điển:

-”Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”(Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào) giải thích: “Đừng chờm có ngày chấn móng (chờm: nhô ra và phủ trùm sang phạm vi của cái khác;chấn: chấn động, làm rung động mạnh, long lở;móng: nền móng nhà xây). Một kinh nghiệm làm nhà.”

-”Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích rõ ràng hơn:“Đừng chờm mà có ngày chấn móng: Đừng (xây tường vách) chờm (ra quá xa chân móng đỡ nó) mà có ngày sẽ bị chấn móng.”

“Chấn móng” được Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương chú thích: “(Tường vách) bị gãy gập lại ngay tại nơi tường, vách tiếp giáp với chân móng”.
-”Tục ngữ Việt Nam "(Chu Xuân Diên chủ biên) ghi nhận “Đừng chờm có ngày chấn móng”. Có lẽ Nhóm tác giả cũng cho đây là kinh nghiệm làm nhà nên xếp câu tục ngữ vào mục “Ăn ngủ, ăn chơi, ăn ở, nhà cửa” cùng với các câu như: Gạo da ngà, nhà gỗ lim; Nhà không móng, bóng không người; Nhà gỗ xoan, quan ông nghè,v.v...

Như vậy, ít nhất có ba cuốn sách thống nhất về nghĩa của các từ chờm, chấn, móng và cách hiểu câu tục ngữ. Thoạt nghe cũng có lý. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các nhà sưu tầm, biên soạn từ điển đã nhầm lẫn:

-Nếu “chờm”, nghĩa là “nhô ra và phủ trùm sang phạm vi của cái khác”(Nhóm Vũ Dung và Nguyễn Đức Dương) thì “chờm” (vần ch) phải thay bằng “trờm” (vần tr) mới đúng. “Việt Nam tự điển” (Hội Khai Trí Tiến Đức) giải nghĩa: “Trờm: Thừa ra, trùm lên cái khác. Tóc trờm quá tai, Vung trờm miệng nồi”. Đây là “chờm” kia mà?(1)

- Nếu “chấn móng” được hiểu “(Tường vách) bị gãy gập lại ngay tại nơi tường, vách tiếp giáp với chân móng” (Nguyễn Đức Dương), ấy là tường bị đổ chứ móng đâu có “chấn”? Móng nhà nằm sâu dưới mặt đất, nếu có bị “chấn” là do thân đất phía dưới bị lún, trong khi kiến trúc phía trên quá nặng, không phải do xây tường trờm ra ngoài. Tường xây chênh vênh, tự tường sẽ đổ, càng nhẹ cho móng.

Theo chúng tôi, nội dung tục ngữ nói đến con ngựa bất kham, không liên quan gì đến “kinh nghiệm làm nhà” hay “xây tường vách” nào cả. Con ngựa chưa thuần phục thường có kiểu chồm hai chân trước, dựng lên mỗi khi người ta định cưỡi hoặc thắng yên cương lên nó. “Đại Nam Quấc âm tự vị” (Huình Tịnh Paulus Của) giải thích từ “Chờm:  nhảy dựng, nhảy xơm mà chụp... Ngựa chờm- Ngựa dựng lên mà chụp”. “Việt Nam tự điển” (Hội Khai Trí Tiến Đức)giải nghĩa một số từ quan trọng trong câu tục ngữ, chúng tôi xin lược trích và tổng hợp: “Chờm: Cũng như chồm (...) Móng: Móng chân móng tay, móng lừa móng ngựa (...) Chấn: Xén, cắt bớt đi: Chấn móng ngựa”.

Như vậy, câu “Đừng chờm mà có ngày chấn móng”  là lời đe nẹt đối với con ngựa bất kham: Đừng có nhảy chồm lên mà có ngày bị gông cổ lại và “chấn” (cắt, xén) bớt móng đi (do nhảy chồm nhiều móng bị bè, bẹt ra). Hiểu theo nghĩa bóng: lời răn đe, cảnh cáo đối với kẻ ương bướng, ưa phá phách, sẽ có ngày tự mình làm hại mình.

Như vậy, từ chỗ nhầm “một li” do lỗi phát âm, từ “chờm” (động từ) thành trờm (tính từ) rồi lại hiểu sai nghĩa từ vựng của “chờm”, các Nhà biên soạn từ điển đã khiến cái móng ngựa phi nước đại cả ngàn dặm rồi biến thành cái...móng nhà.

HOÀNG TUẤN CÔNG
8/2015
Chú thích:
(1)-Có khi nói và viết “trờm” thành “chờm” như “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) ghi nhận, nhưng trong câu tục ngữ đang xét, “chờm” không có nghĩa “thừa ra, trùm lên cái khác”.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĂN CHÂN SAU
CHO NHAU CHÂN TRƯỚC


Tục ngữ Việt Nam có câu “Ăn chân sau, cho nhau chân trước”. Ít nhất có 3 cuốn từ điển thống nhất về cách hiểu:

-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) giải thích: “Một kinh nghiệm chọn chân giò: chân giò sau nhiều thịt hơn chân giò trước.”

-“Từ điển tiếng Việt” (Ban biên soạn chuyên từ điển: New Era): “Kinh nghiệm mua chân giò lợn, nên chọn mua chân giò sau thì sẽ được nhiều thịt.”

-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “(Để lại) ăn thì nên chọn cặp chân giò sau (vì lắm nạc hơn); đem cho nhau thì nên chọn cặp chân giò trước (vì đều là chân giò nhưng lại ít nạc hơn).”

Bài “Ăn chân sau, cho nhau chân trước” trên báo “Lao Động Cuối tuần” (15/02/2009) PGS.TS Phạm Văn Tình đưa ra hai cách hiểu:

-”Chân trước của lợn ít thịt và không ngon bằng chân sau. Nhưng chân trước nom có dáng, đẹp hơn. Vậy đem biếu chân trước vừa đẹp lòng người được biếu, giữ lại cái chân sau, xấu mã song thực chất lại có giá trị hơn. Đúng là “nhất cử lưỡng tiện”. Quả là một cách ứng xử từng trải, khôn ngoan (Của tốt phải dành cho mình dùng chứ!)”

-Cách hiểu thứ 2, “…nếu chỉ tính phần chân giò (từ khớp gối trở xuống) thì chân trước lại mập và có phần bì với thịt mỡ dày hơn. Chân sau chỉ có da bọc xương thôi. Cho hay biếu ai mà dùng chân sau thì rất khó coi ( ...) Chân trước chính là “chân giò” thứ thiệt.”

Và "...cũng còn một lý do nữa. Ấy là theo quan niệm dân gian, hai chân trước luôn luôn được chọn là vật tiêu biểu của con lợn. (...)

Với lợn, hai chân trước không chỉ là thành phần làm nên “tứ chi” mà còn là “vũ khí chủ lực” trong việc đào bới, chạy, chống lại đối phương... Khi bắt lợn, người ta lùa vào trỗng hoặc trói chặt hai chân trước, lợn hết đường chạy. (…) Chân trước còn là vật xem bói lấy “khước” mà các ông thầy hay làm.”

Cuối cùng PGS.TS Phạm Văn Tình “kết luận”: “Đây là hai cách giải thích mà tôi biết. Dĩ nhiên, có thể còn nhiều cách cắt nghĩa dân gian khác chưa được sáng tỏ. (...) Vậy tôi thử nêu một vấn đề “ngoài ẩm thực” để mọi người cùng trao đổi.”

Ngay sau đó (22/5/2009) Lao Động cuối tuần lại có bài “Xin cho tôi cái chân sau” của Nhà văn Trần Thị Thường, đại ý, đã “hỏi mấy nữ đồng nghiệp, sau đó hỏi cả mấy người làm nghề thịt lợn, tất cả đều nhất trí với nhau rằng bác Tình nói chưa chính xác.” Theo đó: “Ăn chân sau, cho nhau chân trước” là một kinh nghiệm dân gian truyền từ đời này sang đời khác từ bà mẹ đẻ đến bà mẹ chồng người nào cũng dạy con điều ấy, ở thời nào thì cũng “nhất cử lưỡng tiện”, đẹp mắt người được biếu lại giữ được cái ngon cho chính mình cũng là tâm lý thông thường.”

Có vẻ như đây lại là một “ca khó” . Tuy nhiên có khó tới mức không thể kết luận được, đành chịu cách “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Theo chúng tôi:

- Kẻ khen ngon, người lại chê dở, chứng tỏ về giá trị thực dụng, chân giò trước hay giò sau còn phụ thuộc vào sở thích, thói quen ăn uống, mục đích sử dụng, cách chặt (xẻ thịt) của mỗi người. Đem chuyện nhiều nạc, ít nạc; chân to, chân nhỏ, giò đẹp, giò xấu... ra so đo hơn thiệt, tranh cãi sẽ trở nên bất tận.(1)

-Với con vật hiến tế, phần đầu hoặc thân trước bao giờ cũng quan trọng hơn thân sau (“Nhất thủ, nhì vĩ” là vậy). Riêng con lợn, một trong những lý do người ta chỉ cúng chân giò trước vì dân gian quan niệm chân sau nằm phía dưới chỗ thải phân nên ô uế. PGS.TS Phạm Văn Tình gán cho cái chân giò trước một số “phẩm chất” khá hoang đường. Vì, con lợn “đào bới”, dũi đất bằng mõm và dùng cặp răng nanh để tự vệ, tấn công kẻ thù, chứ không dùng chân trước làm”vũ khí chủ lực” trong việc đào bới, chạy, chống lại đối phương...’? (“Chạy” thì chân trước, chân sau đều quan trọng như nhau). “Bắt lợn tóm giò, bắt bò túm mũi”, tóm giò trước hay giò sau còn tuỳ vào tư thế khi tiếp cận con vật; cặp giò nào bị trói thì con vật cũng “hết đường chạy”.

Cuối cùng, không hiểu các ông thầy “xem bói” bằng chân giò lợn là theo sách nào? PGS.TS Phạm Văn Tình nhầm chân giò lợn với chân giò gà chăng?(2) Mà xem bói là đoán sự lành dữ, tốt xấu, sao lại là xem để lấy “khước”?

Xin trở lại câu chuyện. Sự quý-tiện trong lễ nghĩa phụ thuộc rất nhiều vào phong tục, tín ngưỡng, quan niệm dân gian. Cái lý của người sống chính là cái lý của người chết. Lễ đối với thánh thần cũng là do người trần mắt thịt quy định ra mà thôi. Một khi phẩm vật dâng cúng khiến thánh thần hài lòng, hỏi sao người trần mắt thịt không quý chuộng? Nải chuối rất ngon nhưng có trái “lẹo nhau” (dính nhau), dân gian kiêng không cúng, cũng không dám đem biếu ai vì e rằng khiếm nhã. Thịt mông con lợn thơm ngon, nhiều nạc, nhưng nó đâu được lựa chọn dâng cúng thay cho thủ lợn? Thế nên, Nguyễn Biểu trong bài thơ “Cỗ đầu người” mới khen: “Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn”. Và rồi câu ca dân gian “Mẹ sinh con gái như tôi, Đầu gà, má lợn mẹ ngồi mẹ nhai”...Nếu đem đùi gà, đùi lợn ra mà ví von, thì còn gì là sang trọng nữa!

- Dân gian không nói ‘đem cho’ mà là “cho nhau”. Phải chăng dùng”nhau” để vần với “sau”? Dĩ nhiên không ai ngây thơ nghĩ như vậy. Nếu “nhau”không có vai trò gì trong câu, dân gian sẽ không dùng, và có cách nói khác, vẫn đảm bảo vần vè. “Cho nhau” ở đây là sự vun đắp tình cảm, đối đãi giữa hai bên, có đi có lại, gắn bó mật thiết, dài lâu. (Cho, giúp kẻ ăn mày hoặc người xa lạ không ai gọi là “cho nhau”). Dân gian lại có câu “Bánh ú đi, bánh dì lại”, “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Nếu câu tục ngữ đang xét dạy người ta tính toán theo kiểu khôn lỏi “đẹp mắt người được biếu lại giữ được cái ngon cho chính mình”,lần sau người biếu lại mình cũng dùng “tuyệt chiêu” “nhất cử lưỡng tiện” ấy, hỏi có khôn mãi được chăng? Ấy là chưa nói đến chuyện, có người lại không trọng hình thức “đẹp mắt”, mà thích giá trị thực dụng của cái chân sau (theo quan điểm của các nhà biên soạn từ điển) thì sao?

Nếu câu tục ngữ tổng kết: “(Để lại) ăn thì nên chọn cặp chân giò sau (vì lắm nạc hơn); đem cho nhau thì nên chọn cặp chân giò trước (vì đều là chân giò nhưng lại ít nạc hơn)”, như cách giải thích của từ điển, chắc hẳn, chẳng ai còn dám “muối mặt” đem cái chân giò trước đi biếu, một khi đôi bên đều biết tỏng: của ngon lành, thực chất, “nó” đã giữ lại ăn, phần xương xẩu, đẹp đẽ mẽ ngoài mới đem cho mình! Thật mang tiếng! Tục ngữ mà lại khuyên cách sống khôn lỏi, đem cái kém ra để đối đãi với nhau hay sao? Vả lại, thực tế có ai được cho, biếu cái chân giò trước mà tự ái vì phải nhận cái của không ai muốn mua, chẳng ai muốn xài đâu?

Như vậy, theo chúng tôi, chân giò trước vẫn là cái thân giò ngon lành, sang trọng, hợp với lễ. Cho nhau chân giò trước hay chân giò sau vốn xuất phát từ quan niệm quý-tiện trong lễ nghĩa. Bởi vậy, câu tục ngữ là kinh nghiệm trong ứng xử, sự tinh tế trong văn hoá biếu tặng, không đơn thuần nói về giá trị thực dụng, càng không phải sự so đo tính toán sao cho phần hơn thuộc về mình, hoặc vì “nhìn khó coi” nên phải miễn cưỡng đem cho chân trước. Về sau, quan niệm này trở nên mờ nhạt trong đời sống và chỉ còn dấu vết ở nghi lễ dâng cúng thánh thần.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“ĐOM” hay “ĐÓM”


Trong bài “Tục ngữ về ốm đau, chữa bệnh”(“Tạp Chí Nghiên cứu văn hoá”-Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) của Hoàng Kim Ngọc có ghi nhận câu tục ngữ “Đóm cháy ăn ra, tim la ăn vào”. (Hoàng Kim Ngọc nhấn mạnh-HTC).  “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) đưa ra hai dị bản và giải thích rõ ràng: “Đóm ăn ra; tim la ăn vào: Đóm là thứ hay cháy theo hướng từ trong ra: tim la là chứng hay ăn theo hướng từ ngoài vào. Như: Đóm cháy ăn ra, tim la ăn vào.”

Các cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nhóm Vũ Dung, GS Nguyễn Lân, Nguyễn Trần Trụ, Nguyễn Cừ…chúng tôi thường dẫn và tham khảo không thấy ghi nhận câu tục ngữ này.

Theo chúng tôi, không khó để nhận ra người sưu tầm (hoặc chính soạn giả từ điển) do không  hiểu, đã chép nhầm (hay sửa) từ “đom” (dom) thành “đóm”.Riêng Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã cố lý giải “đóm là thứ hay cháy theo hướng từ trong ra ngoài” cho hợp với từ chép nhầm, khiến vấn đề đã sai càng thêm sai. Khi đóm cháy, ngọn lửa lan dần từ ngoài vào phía trong (tay người cầm đóm) đâu có cháy ngược từ phía trong cháy ra ngoài? Sai sót này xuất phát từ chỗ soạn giả không hiểu quy luật cấu trúc của tục ngữ: bệnh phải so sánh với bệnh, không bao giờ dân gian đem bệnh so sánh với đóm cháy.

Đom (hay dom do biến âm Đ-D, như đa-da, đĩa-dĩa…) là cách gọi tắt bệnh lòi đom, lòi dom cũng là tên gọi khác của bệnh trĩ:

-“Đại Nam Quấc âm tự vị” (Huình-Tịnh Paulus Của): “Đom: Cái bản trường đờn bà. Lòi đom: tại rặn nhiều nhiều quá cái bản trường trằn xuống cùng bày ra.”

-“Việt nam tự điển” (Hội khai trí tiến đức): “Dom: Tức là tĩ, phần cuối ruột già ở hậu môn: Lòi dom.”

-“Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học-Hoàng Phê chủ biên): “Dom:phần cuối cùng của ruột già, ở sát hậu môn. Lòi dom.”

Sở dĩ “Dom ăn ra” vì bệnh này phát triển theo chiều hướng “ăn ra”, tức ngày càng lòi (lồi) ra ngoài hậu môn. Còn bệnh “tim la” (hay tiêm la hoặc xiêm la, bệnh lậu, giang mai) lại xâm nhập (chủ yếu qua đường tình dục, đường máu…) rồi âm thầm ăn sâu vào bên trong, giai đoạn đầu không nhìn thấy được. [Có thuyết cho rằng bệnh do lính thời Gia Long viễn chinh sang Xiêm La (Thái Lan) rồi lây bệnh mang về, vì vậy mới có tên là bệnh tiêm la. Tuy nhiên, trong thực tế, bệnh này có thể đã xuất hiện trước đó, nhưng chưa phổ biến và chưa được gọi tên]

Như vậy, nội dung câu tục ngữ dân gian tổng kết kinh nghiệm “khám lâm sàng” về hai chứng bệnh lòi đom và tim la, không liên quan gì đến đèn đóm, cháy ra hay cháy vào của ngọn lửa.

Câu “Đóm cháy ăn ra; tim la ăn vào” (thêm chữ “cháy”) xuất hiện trong bài viết của Hoàng Kim Ngọc cũng như được Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương dẫn thêm và cho rằng đồng nghĩa với “Đóm ăn ra; tim là ăn vào”, chẳng qua chỉ là một dị bản nguỵ tạo, mục đích cố chứng minh cho cái vô lý, khó hiểu của “Đóm ăn ra, tim la ăn vào” mà thôi.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NUÔI KHỈ GIỮ NHÀ


Về hình thức, “Nuôi khỉ giữ nhà” (Dị bản “Nuôi khỉ dòm nhà”) không có đặc trưng rõ rệt của một câu tục ngữ hay thành ngữ. Bởi vậy, có sách xếp là thành ngữ, sách lại xem là tục ngữ. Theo chúng tôi, đây là một thành ngữ. Về nội dung, nhiều”Từ điển tiếng Việt” cho rằng “Nuôi khỉ giữ nhà” đồng nghĩa với “Nuôi ong tay áo”:

1-”Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex): “Nuôi khỉ dòm nhà” như”Nuôi ong tay áo: ví việc nuôi dưỡng kẻ xấu, rắp tâm phản lại, làm hại mình mà không biết.”

2-”Từ điển tiếng Việt” (Ban biên soạn chuyên từ điển New Era): “Nuôi khỉ giữ nhà,Như Nuôi ong tay áo: Che chở, nuôi dưỡng kẻ xấu, phản chủ, rắp tâm hại mình mà không biết.”

3-”Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào): “Nuôi khỉ dòm nhà. (khỉ hay bắt chước, gây hại cho chủ). Xem: Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà [Dưỡng hổ di hoạ; Nuôi cò cò mổ mắt, nuôi cắt, cắt đánh đầu; Nuôi hùm để hoạ; Nuôi khỉ giữ nhà]. Nuôi dưỡng, giúp đỡ kẻ xấu, phản chủ, rắp tâm hại mình mà không biết.”

4-Riêng “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”  của GS Nguyễn Lân giải thích: Nuôi khỉ giữ nhà Tức là làm một việc trái khoáy (Vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi).

Xin bắt đầu từ cách giải thích của GS Nguyễn Lân. Quả “Nuôi khỉ giữ nhà” là việc làm rất trái khoáy, nhưng giải thích: “vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi” thì thà rằng không giải thích. Bởi nếu sửa thành “Nuôi thỏ giữ nhà” thì cách lý giải về sự “trái khoáy” của GS Nguyễn Lân vẫn là “vì người ta chỉ nuôi chó giữ nhà thôi” sao?

Vậy tại sao dân gian lại chọn con khỉ?

Khỉ là con vật láu lỉnh, tinh nghịch, có thói hay bắt chước rất tai hại, biết cầm nắm, sử dụng công cụ, thực hiện một số động tác như người. Rất khó quản lý hoặc răn dạy khỉ, nên kể cả nuôi trong nhà, người ta vẫn thường phải nhốt, hoặc xích nó lại. Nếu được thả tự do, không có người giám sát (tựa như giao việc trông coi nhà cửa cho nó), khỉ sẽ bắt chước người làm một số việc rất nguy hiểm. Ví như thường ngày khỉ thấy người nhóm lửa nấu nướng, nó cũng lén cầm mồi lửa “châm thử” vào mái tranh, mái kè...[thế nên tục ngữ Mường có câu: “Nuôi khỉ khỉ đốt nhà” (Ruôi khỉ, khỉ đột nhá)]. Thậm chí dân gian còn lưu truyền câu chuyện thương tâm: Nhà kia nuôi con khỉ, thường ngày nó thấy chủ làm cắt tiết làm thịt gà. Khi chủ đi vắng, nó lẻn ngay vào buồng, bắt chước trói đứa trẻ đem ra cắt tiết...Rồi chuyện khỉ sổng chuồng lấy quần áo của người để mặc, kê đít ngồi, hay ra vườn phá phách hoa quả, ăn một phá mười. Khỉ phá hại là vậy, nhưng nếu có kẻ trộm đột nhập, thì nó lại hoàn toàn không có ý thức hay bản năng giữ nhà. Thế nên, nếu nói “Nuôi thỏ giữ nhà” thì cái hại có chăng chỉ là chúng không xua đuổi kẻ trộm được như chó, chứ không phá phách, làm hỏng việc tai hại như khỉ.

Trở lại với cách giải thích của các Nhà biên soạn từ điển [xem lại các mục (1), (2), (3) ở đầu bài viết]. Theo chúng tôi, “Nuôi khỉ giữ (dòm) nhà” không đồng nghĩa với”Nuôi ong tay áo”. Sự khác biệt nằm ở chữ “giữ” (dòm). Nghĩa là không đơn thuần là”nuôi” (cưu mang) mà là nuôi để sử dụng vào mục đích cụ thể nào đó. Bởi vậy, trong khi câu “Nuôi ong tay áo...” nói việc mất cảnh giác, nuôi dưỡng, chứa chấp, cưu mang kẻ xấu rắp tâm làm hại mình mà không hề biết; thì câu “Nuôi khỉ giữ nhà” lại ví việc nhờ cậy không đúng đối tượng, giao trọng trách cho kẻ hoàn toàn không có khả năng thực hiện, ngược lại phá hỏng việc lớn.

Để hiểu rõ hơn, xin dẫn một số thành ngữ Hán đồng nghĩa với “Nuôi khỉ giữ (dòm) nhà” như: “狐狸看鷄-Hồ ly khán kê-Giao việc trông coi gà cho chồn cáo”; “以狼牧羊-Dĩ lang mục dương-Dùng sói để chăn dê”; “老鼠看倉-Lão thử khán thương-Nhờ chuột coi kho”. Cáo, sói, chuột xuất hiện trong ba thành ngữ này vì: cáo chuyên bắt gà; sói thích thịt dê; chuột ưa đục khoét kho lương thực, vậy mà lại nhờ chúng trông coi chính những thứ ấy. Đó là điển hình cho sự sai lầm khi nhờ cậy không đúng đối tượng.

Như vậy, nghĩa bóng thành ngữ “Nuôi khỉ giữ nhà” là: Trông chờ, nhờ cậy không đúng đối tượng; sai lầm trong dùng người, kết quả chỉ có hại.

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHẠY NHƯ CỜ LÔNG CÔNG


“Chạy như cờ lông công” là từ để chỉ những người chạy đi chạy lại liên tục, vội vã, hấp tấp. Tuy nhiên xuất xứ của câu thành ngữ này không phải ai cũng rõ.

Thời xưa, để truyền đạt thông tin, mệnh lệnh, người ta đã thiết lập một hệ thống vận chuyển công văn, giấy tờ với phương tiện chủ yếu sử dụng ngựa (ngoài ra còn dùng thuyền, chim bồ câu...). Do điều kiện hạn chế về sử liệu nên chúng ta khó có thể tường tận được việc tổ chức, hoạt động của công tác văn thư từ thời Đinh – Tiền Lê trở về trước.

Tuy nhiên không phải vì thế mà cho rằng giai đoạn đó không có việc truyền đạt thông tin, mệnh lệnh, bởi trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và giành độc lập, công tác thông tin cực kỳ quan trọng.

Như vào thời Hai Bà Trưng, trong đội ngũ tướng lĩnh có Nàng Nội được cử giữ chức Nội các Văn thư Trường quan, đây có lẽ là vị tướng đầu tiên đảm nhận việc chuyển đạt, xử lý các văn bản, hiệu lệnh qua hệ thống đưa tin gọi là trạm.

Đến đời Lý, hệ thống đưa chuyển tin tức, văn bản đã hình thành rõ nét và quy củ hơn với sự kiện vào năm Quý Mùi (1043) vua Lý Thái Tông chia các đường cái quan thành từng cung đoạn, đặt trạm để chạy công văn; nơi giao nhận giữa các cung đoạn gọi là nhà trạm (dịch trạm).

Kể từ đó, qua các triều Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, tổ chức trạm ngày càng phát triển. Theo thống kê chưa đầy đủ từ sách sử, đến cuối thế kỷ XVII đã có tới 54 cung trạm được thiết lập tại các tuyến giao thông huyết mạch của đất nước (gọi là đường thiên lý).

Ngay tại kinh đô Thăng Long cũng có một số trạm mà dấu vết của nó đến nay còn lưu giữ qua tên gọi địa danh, như phố Hà Trung, Ngõ Trạm (gần khu vực chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội ngày nay).

Mỗi thời kỳ, có sự sắp xếp tổ chức khác nhau, nhưng thông thường tại các đường cái quan, triều đình chia làm từng cung đoạn để đặt trạm chuyển công văn.

Nếu khoảng cách các trạm cách không xa nhau, có thể dùng người chạy đưa công văn, đó là những phu trạm khoẻ mạnh, chạy bộ giỏi; nếu xa hơn thì dùng ngựa, ở những đoạn đường ngăn cách bởi sông, hồ thì dùng thuyền.

Đến thời Nguyễn, nhu cầu thông tin liên lạc ngày càng lớn, triều đình đặt ra hai loại trạm là lực trạm (đường bộ) và thuỷ trạm (đường thuỷ), ở giai đoạn đầu của triều đại này, đã có 158 cung trạm.

Phu trạm là những người có nhiệm vụ chủ yếu là đưa công văn giấy tờ, hộ tống quan lại đi công cán và đi sứ nước ngoài, họ được gọi là phố binh hoặc lính trạm.

Trong quyển thứ XI thuộc mục Bưu dịch của bộ Hoàng Việt luật lệ (tức bộ Luật Gia Long) - là bộ luật đầu tiên và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn được biên soạn và ban hành dưới triều vua Gia Long. có một số điều quy định liên quan đến dịch trạm, đưa chuyển công văn, phu trạm…

Thí dụ quy định về người đưa chuyển công văn như sau: “Người chuyển quản việc đưa phát công văn gọi là phố binh, nơi tổng quản phố binh đưa phát công văn gọi là phố ty, đặt ra phố (trạm) đưa phát là để nhanh chóng hoàn thành công vụ.

Phàm công văn đến phố (trạm) không cần hỏi số công văn nhiều hay ít, phố ty phải lập tức đăng ký vào sổ và phái phố binh đưa chuyển, không được đợi công văn đến sau để phát chuyển luôn một thể”.

Khi thi hành nhiệm vụ, phu trạm cổ đeo hoả bài gỗ sơn trắng, viền đỏ, có khắc chữ sơn đen: “Mỗ huyện hoả bài”, buộc trên người một chiếc nhạc đồng, kèm theo một lá cờ nhỏ có giá trị ưu tiên nhường đường.

Ngực hoặc vai đeo các ống tre, ống gỗ có khắc số hiệu được niêm phong, trong có chứa công văn, giấy tờ quan trọng.

Vì làm nhiệm vụ đưa tin tức, cần kíp, nhanh chóng nên trong Hoàng Việt luật lệ có quy định, phu trạm “một ngày phải đi được 300 dặm, một khắc phải đi được 3 dặm. Nếu phố ty đã giao công văn để phát chuyển mà dọc đường chậm trễ hoặc dừng lại thì là tội của phố binh, tính khắc để trị tội.

Chậm 1 khắc phạt đánh 20 roi, đến 12 khắc trở lên chỉ phạt đến 50 roi. Nếu công văn đến, phố (trạm) đợi công văn sau để chuyển một thể, không lập tức giao cho phố binh thì tội chậm trễ là do phố ty, bị phạt đánh 20 roi”.

Phu trạm khi làm nhiệm vụ có quyền ưu tiên rất cao, mọi người phải tránh đường, nếu chẳng may có ai không tránh kịp bị ngựa trạm dẫm chết, phu trạm cũng không bị tội; khi đến bến sông dù đò đã rời bến cũng phải quay trở lại đón…

Năm Mậu Tý (1828) đời vua Minh Mạng đặt lệ rằng: “Phàm những việc công khẩn cấp thì dùng ngựa để phi đi và cấp đồng loạt các trạm từ Bắc tới Nam mỗi trạm có tới 3 ngựa công”.

Khi chuyển đệ văn thư bằng ngựa, lính trạm tuỳ theo mức độ tối khẩn hay thứ khẩn được phát thêm một trong hai lá cờ thêu nhỏ.
Một lá thêu chữ đen “Mã thương phi đệ” - phi ngựa nhanh như bay, trên nền đỏ mà chuyển văn thư; hoặc một lá cờ thêu chữ đen trên nền màu lam dòng chữ “Mã trì phi đệ” – ruổi ngựa mà chuyển văn thư.

Nếu là chuyển tin tức quân sự, lính trạm còn phải quấn thêm vào lá cờ một sợi dây khâu những lông cánh gà trống dài và đẹp hoặc lông chim công biểu thị cho tính khẩn cấp, chính vì thế dân gian mới có câu “chạy như cờ lông công” mỗi khi ám chỉ ai đó phải chạy đôn chạy đáo, gấp gáp, vội vã.

Trí Thức Trẻ
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư (Các sử thần triều Lê) – NXB Văn hoá thông tin, 2006.
2. Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam (Nguyễn Ngọc Nhuận chủ biên) – NXB Khoa học xã hội, 2006
3. Tạp chí Người sưu tập tem Hải Hưng số 3 (8/1995)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÀ CUỐNG CHẾT
ĐẾN ĐÍT CÒN CAY


Câu nói “Cà cuống chết đến đít còn cay” có lẽ đã quá nổi tiếng rồi, nhưng nhiều người thường dùng mà không hiểu hết hàm nghĩa sâu xa của nó.

Từ hàng trăm năm nay, trong đời sống dân gian vẫn lưu truyền câu nói: “Cà cuống chết đến đít còn cay”. Câu nói này thường được sử dụng để chỉ những kẻ cố chấp, bảo thủ, khăng khăng phủ nhận mọi thứ đúng đắn dù cái sai của mình đã rõ rành rành.

Về nguồn gốc, xuất xứ của câu thành ngữ này cũng giống nhiều câu nói khác, đó chính là sự kết hợp hài hoà giữa những hiện tượng có thật và lời ăn tiếng nói, cách chơi chữ mềm mại của cha ông ta.

Trên thực tế, cà cuống là 1 loài côn trùng sống dưới nước, còn có tên khác là Đà cuống hay Long sắt. Thường được mọi người sử dụng để ăn với bánh cuốn hoặc dùng cùng cơm. Chúng thường sống ở những nơi nửa nước, nửa cạn như ruộng lúa, đầm lầy, kênh rạch...

Đặc biết, những con cà cuống đực thường có chứa tinh dầu ở trong tuyến đặc biệt dưới bụng, phía đằng đuôi. Tinh dầu này có tên hoá học là veleriant amil, là loại chất không độc, có vị cay mùi thơm, được coi là gia vị quý hiếm đối với người Việt.

Nhưng điểm đặc biệt này chỉ có ở con đực, những con cái thì không may mắn như thế. Đó cũng là lý do mỗi khi đến mùa cà cuống, nhiều người bắt được đem ra ăn thì không hề thấy cay và trở nên hoài nghi câu thành ngữ xưa.

Lật lại vấn đề, câu nói trên vẫn hoàn toàn chính xác bởi nó dựa trên hiện tượng có thật, khi cà cuống chết, chất tinh dầu được chứa ở dưới bụng phía gần đuôi vẫn còn, và tất nhiên nó sẽ vẫn giữ nguyên bản chất là vị cay, thơm mát.

Vậy, cà cuống-chết-đít còn cay là điều có thật, nhưng nó lại có chút khô khan, không thuận miệng. Chính vì thế, dân gian thêm vào đó 1 từ “đến”, biến nó trở thành “Cà cuống-chết đến đít-còn cay”, khiến câu nói mềm mại hơn, uyển chuyển hơn và cũng sâu cay hơn.

Cay ở đây được hiểu như là cay cú, ăn thua trong hoàn cảnh thất bại đã ở ngay trước mắt. Ám chỉ những con người ngoan cố, bảo thủ, không chịu chấp nhận cái sai của bản thân để sửa chữa. Không thế mà trong dân gian vẫn lưu truyền:

“Chết đến đít, chết thật mà
Vẫn còn cay cú giống cà cuống kia”.

Trí Thức Trẻ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÀ LÀNG HẠC ĂN GÃY RĂNG


Tục ngữ Thanh Hoá có câu “Cà làng Hạc ăn gãy răng; khoai làng Lăng ăn tắc cổ”. Sách “Ca dao sưu tầm ở Thanh Hoá” (Nhóm Lam Sơn-NXB Văn Học-1963) có lẽ là cuốn sách đầu tiên thu thập câu tục ngữ này. Tuy nhiên không hiểu tại sao các tác giả lại xếp vào thể loại “ca dao”? Trong sách “Từ điển tục ngữ Việt” (NXB Thời Đại-2010) Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã đúng khi đưa câu “ca dao” này trở lại thể loại tục ngữ. Tác giả Nguyễn Đức Dương giải thích như sau: “Cà làng Hạc ăn gãy răng; khoai làng Lăng ăn tắc cổ. Cà làng Hạc (rắn tới độ) có thể làm gãy cả răng khi nhai; khoai làng Lăng (cứng tới độ) có thể làm tắc cả cổ khi nuốt.” Sách cũng chú thích rõ ràng: “HẠC dt Thọ Hạc (=ngôi làng nằm trên địa phận xã Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá hiện thời) [nói tắt] LĂNG dt. Tên dân gian hay dùng để gọi Linh Lộ, ngôi làng nằm trên địa phận xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hoá hiện nay.”

Vậy có đúng là “Cà làng Hạc (rắn tới độ) có thể làm gãy cả răng khi nhai; khoai làng Lăng (cứng tới độ) có thể làm tắc cả cổ khi nuốt” không? Theo chúng tôi, để hiểu đúng câu tục ngữ “Cà làng Hạc ăn gãy răng; khoai làng Lăng ăn tắc cổ” không thể chỉ dừng lại “nghĩa từ vựng” và “nghĩa hiển ngôn” của “gãy răng” và “tắc cổ” (1). Bởi đây chỉ là cách nói ngoa dụ của dân gian(2)

Thuỷ thổ đặc biệt với chất đất thịt pha cát của làng Hạc sản ra  thứ cà to chừng bằng quả trứng gà so, dày cùi, màu trắng, ăn rất giòn. Khi cắn, âm thanh quả cà vỡ ra, giòn tan, khiến người ta tưởng như hàm răng người ăn cà cũng “gãy” ra, vỡ theo đánh “đốp”. (Có giống cà quả nhỏ, mầu trắng, ăn giòn tan, kêu như “pháo” nên gọi là cà pháo). Làng Lăng (làng Linh Lộ gần Thái ấp Văn Trinh của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật) có giống khoai lang tên là Ô Xập, lá chia nhiều thuỳ hình chân vịt, gân lá hơi ngả màu tím. Giống khoai quý Ô Xập trồng trên những cánh đồng đất cát làng Lăng, chất đất màu mỡ, tơi xốp, giàu ka-li, thoát nước tốt khiến khoai ít bị sùng. Khoai Ô Xập đủ chất dinh dưỡng nên khi củ già thì căng tròn, luộc chín vỏ nứt nở, để lộ bột trắng xoá từ ngoài vào trong. Khi ăn khoai làng Lăng phải nhai chậm rãi, nuốt từ từ, nếu không dễ bị nghẹn, cảm tưởng như cổ bị “tắc” lại. Câu tục ngữ này ngợi ca hai sản vật cà và khoai đều ngon, quý, không phải chê “rắn” và “cứng tới độ” ăn “gãy răng khi nhai” và “tắc cả cổ khi nuốt” như cách giải thích theo nghĩa hiển ngôn của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương.

Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam rất nhiều câu mang tính địa phương vùng miền tổng kết, nhận xét về phong tục, tập quán, sản vật… của vùng miền ấy. Việc lựa chọn, tập hợp những câu tục ngữ tiêu biểu mang tính địa phương để đưa vào một công trình như “Từ điển tục ngữ Việt” và việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nếu soạn giả không am hiểu lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, thuỷ thổ, sản vật... của địa phương, vùng miền mà chỉ căn cứ vào nghĩa từ vựng, nghĩa hiển ngôn đơn thuần rất dễ rơi vào tình trạng võ đoán.

Hoàng Tuấn Công
31/7/2015

Chú thích
(1) Lời nói đầu của “Từ điển tục ngữ Việt” Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương nêu ra 3 yêu cầu quan trọng trong “Cách thức diễn giải dữ liệu” mỗi câu tục ngữ là: “làm rõ nghĩa từ vựng của các từ ngữ hợp thành từng câu”; “làm rõ nghĩa hiển ngôn của mỗi câu”  và “làm rõ nghĩa hàm ẩn của câu ấy (nếu câu ấy có cả nghĩa hàm ẩn)”. Có lẽ ông cho rằng câu tục ngữ “Cà làng Hạc ăn gãy răng; khoai làng Lăng ăn tắc cổ” không có nghĩa hàm ẩn.
(2) Thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân gian thường có lối nói thậm xưng, ngoa dụ. Có thể lấy thêm ví dụ câu ca vùng Quảng Xương- Thanh Hoá:
“Tháng tám đàn bà sinh câm,
Giần, sàng sứt cạp, chó thâm xương sườn.”
Tháng tám giáp hạt hết gạo, nông dân cắt lúa non về rang lên làm cốm, làm thính ăn đỡ đói. Các bà, các chị vừa làm vừa nếm. Vì cốm, thính đều khó ăn, ai cũng phải ngậm trong miệng nhai, bất ngờ có người hỏi chuyện cứ ú ớ chẳng khác nào bị câm. Làm cốm, thính phải dùng nia, giần, sàng để sàng sảy, có chút dính vào cũng phải tận thu, “vập” cho ra bằng hết. Tháng ba, ngày tám, chủ thiếu ăn, chó cũng đói giơ xương sườn. Ngửi thấy mùi thơm ngũ cốc, lũ chó quanh quẩn lăn vào la liếm, bị người đuổi ra không được, tiện tay dùng giần, sàng vập (đánh) vào chó (có tham khảo cách giải thích của Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ trong sách “Địa chí Văn hoá huyện Quảng Xương”)
http://tuancongthuphong.b...ca-lang-hac-gay-rang.html
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [42] [43] [44] [45] [46] [47] [48] ... ›Trang sau »Trang cuối