Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHUYỆN TIẾP QUẢN
NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM CỘNG HOÀ


Những ngày tháng 4-1975, trong các cánh rừng của căn cứ R ở Tây Ninh, một đoàn tiếp quản đặc biệt đã chuẩn bị sẵn sàng.

Ông Lữ Minh Châu, tức Ba Châu, nhân vật quan trọng trong hệ thống chuyển tiền của quân giải phóng được cài cắm ở Sài Gòn, kể lại: “Ngay trong nội thành, tôi nhận được chỉ thị yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tiếp quản ngân hàng vì Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong tháng 5“.

Ông Ba Châu, về sau là tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết mình được giao nhiệm vụ trưởng Ban tiếp quản ngân hàng khi Sài Gòn được giải phóng.

“Giờ thứ 25” của Sài Gòn

7 giờ 53 phút sáng 30-4 ở số 17 Bến Chương Dương, Ngân hàng Quốc gia lẽ ra đã bắt đầu vào giờ làm việc buổi sáng thường nhật nhưng hôm ấy vắng hẳn. Cảnh sát dã chiến bảo vệ trước cổng đã lặng lẽ rút đi từ lúc nào.

Ngoài những người đang cố gắng tìm đường di tản vào phút cuối, một số nhân viên làm chuyên môn theo nếp quen vẫn đến trụ sở, nhưng hết đứng lại ngồi bên ngoài cánh cổng thép, nháo nhác nghe tin đoàn quân giải phóng đã vào đến Sài Gòn. Họ chẳng biết làm gì và thật sự cũng chẳng có gì để làm trong “giờ thứ 25” ấy của Sài Gòn.

Khi nghe tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố chính thức đầu hàng, một số viên chức tại Ngân hàng Quốc gia bỏ về với vợ con để chuẩn bị cho mọi tình huống có thể đến như đồn đoán.

Đến chiều 30-4-1975, Ngân hàng Quốc gia và nhiều ngân hàng thương mại khác đã được quân giải phóng cử chiến sĩ vũ trang chốt giữ. Nhưng hầu hết họ chỉ bảo vệ vòng ngoài, không tiếp cận hệ thống kho hầm, sổ sách bên trong.

Ông Nguyễn Thành Nguyên, tức Hai Nguyên, uỷ viên Ban tiếp quản ngân hàng từ căn cứ R vào Sài Gòn, kể: “Chúng tôi nghỉ đêm 30-4 ở Trường Cao Thắng. Các chỉ huy họp tổng kết chuyến đi đặc biệt này và lên kế hoạch cụ thể để hôm sau chia ra nhiều đoàn đi tiếp quản các ngân hàng. Rất mệt, nhưng không mấy người chợp mắt được. Cảm giác thật nôn nao”.

Sáng 1-5, nhóm tiếp quản này tìm đến Ngân hàng Quốc gia. Trên đường đi, họ gặp nhóm của ông Lữ Minh Châu.

Đến số 17 Bến Chương Dương, họ làm thủ tục tiếp nhận toà nhà Ngân hàng Quốc gia với lực lượng quân giải phóng đã chốt giữ từ ngày trước. Một người leo lên tầng trên, treo lá cờ giải phóng và tổ chức lễ tiếp quản.


Toà nhà trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM được xây dựng nằm 1929-1930, từng là trụ sở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hoà từ năm 1957 đến 30-4-1975 - Ảnh: T.T.D
Trước số viên chức cũ của ngân hàng đang chờ đợi thủ tục chuyển giao, ông Lữ Minh Châu đọc lệnh tiếp quản và công bố quyền điều hành mới.

Một viên chức quản lý cũ có mặt báo cáo lại kết quả hoạt động của ngân hàng.

Những người trong đoàn tiếp quản thở phào nhẹ nhõm, không có sự phá huỷ tài liệu hay tẩu tán tài sản và tiền vàng trong ngân hàng đầu não Sài Gòn.

Họ khoá sổ kho quỹ, niêm phong, tiếp nhận hồ sơ nhân sự, sổ sách tài liệu và cắt người bảo vệ các vị trí quan trọng như kho quỹ, tầng hầm trữ vàng...

Ông Trần Quang Bút, tức Năm Hải, cán bộ từ R ra, sau là trưởng phòng kế hoạch Vietcombank, kể lại trong Kỷ yếu 30 năm Vietcombank TP.HCM: “Ban tiếp quản ngân hàng triệu tập tất cả các tổng giám đốc, giám đốc các ngân hàng Sài Gòn tại hội trường số 17 Bến Chương Dương, nghe công bố danh sách Ban tiếp quản và nhận lệnh bàn giao toàn bộ hồ sơ, sổ sách, tài liệu và ngân quỹ cho Ban tiếp quản ngân hàng.

Anh Ba Châu kêu gọi tất cả công chức, nhân viên các ngân hàng trở lại nhiệm sở làm việc. Còn số anh em tiếp quản phân công nhau đi chiếm lĩnh các ngân hàng.

Sài Gòn lúc này rất yên tĩnh, tài sản của nhân dân thì không hề hấn gì. Đến ngày thứ ba, các tiệm, quán, nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại, chợ búa cũng bắt đầu họp.

Để đảm bảo nhu cầu chi tiêu của các đại sứ quán, các ngoại giao đoàn, cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài, một bộ phận của Việt Nam Thương Tín được lệnh bắt đầu hoạt động trở lại dưới sự điều hành của tôi”.


Một lớp học tập của ngành ngân hàng được mở sau ngày 30-4-1975 - Ảnh tư liệu
Kho tiền - vàng

Đoàn tiếp quản cảm thấy nhẹ nhõm và rất vui khi hầu hết sổ sách, chứng từ, tài liệu báo cáo hoạt động và tài sản ở các ngân hàng đều còn tương đối đầy đủ.

Thực tế không như một số tin đồn đã xảy ra như tiêu huỷ, tẩu tán để quân giải phóng không thể tiếp quản được “mạch máu” nền kinh tế miền Nam.

Sau những ngày đầu tiếp quản cơ sở vật chất và nhân sự, nhiệm vụ kiểm kê kho quỹ các ngân hàng bắt đầu được thực hiện một cách chặt chẽ giữa các viên chức ngân hàng cũ, ban tiếp quản mới và đại diện công an...

Đến thời điểm 30-4-1975, tổng số vàng dự trữ quốc gia của Việt Nam Cộng hoà còn lại gần 22 tấn. Trong đó có 16 tấn vàng thoi trữ ở tầng hầm Ngân hàng Quốc gia và 5,7 tấn vàng gửi tại ngân hàng Thuỵ Sĩ.

Ngoài ra, một số vàng khá lớn và đá quý do các tư nhân ký gửi vẫn còn ở ngân hàng. Theo cuốn Lịch sử ngân hàng Việt Nam, toàn bộ số tiền mặt của Việt Nam Cộng hoà thu được hơn 150 tỉ đồng.

Trong đó, tiền các loại thu được trong kho Ngân hàng Quốc gia 125 tỉ đồng, gồm cả những tờ mệnh giá 1.000 đồng in hình các con thú mới chuẩn bị phát hành vẫn đang niêm phong dưới tầng hầm Ngân hàng Quốc gia. Tiền quỹ lưu dụng 7,8 tỉ đồng và tiền quỹ của các ngân hàng tư nhân trên 19 tỉ đồng.

Đặc biệt, tổng dự trữ ngoại hối của chính phủ Sài Gòn cũ là 252,2 triệu USD, số dư có 138.798.820 USD do Ngân hàng Quốc gia và 26 ngân hàng thương mại gửi ở nước ngoài mà chủ yếu là Mỹ và Thuỵ Sĩ.

Theo ông Lữ Minh Châu, tổng dự trữ ngoại hối của Sài Gòn như vậy là tương đối lớn tính theo thời giá lúc bấy giờ. Nó rất cần thiết để khôi phục nền kinh tế Việt Nam sau chiến tranh.

Tuy nhiên sau 1975, chính sách cấm vận của Mỹ đã phong toả hơn 97 triệu USD.

Số ngoại hối còn lại cũng chưa thể rút ngay được, trong khi lượng ngoại tệ bằng tiền mặt tiếp quản được cả hệ thống ngân hàng Sài Gòn chỉ hơn 201.000 USD.

Nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ tiếp quản là phải tìm cách thu hồi số ngoại tệ đang gửi ở nước ngoài của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hoà, khẳng định quyền thừa kế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam...

-----------------------------
Ông Võ Phùng Thảo, sau là giám đốc chi nhánh Vietcombank TP.HCM, tường thuật lại cuộc gặp mặt đầu tháng 5-1975 giữa Ban tiếp quản ngân hàng và các nhân viên trong ngành ngân hàng Sài Gòn như sau:

“Hôm đó, đông đảo nhân viên các ngân hàng Sài Gòn có mặt. Họ được thông báo tới nghe đại diện Ban tiếp quản nói chuyện. Tới nơi, họ mới ngã ngửa ra rằng ông trưởng Ban tiếp quản ngân hàng Lữ Minh Châu chính là người quen biết, đã từng ngang dọc trong hệ thống ngân hàng miền Nam trước đây. Lúc ấy, tất cả các ngân hàng đều đặt dưới sự chỉ đạo của anh Châu. Việt Nam Thương Tín lúc đó có trụ sở chính ở số 79 Hàm Nghi, gồm hai bộ phận đối nội và đối ngoại. Bộ phận đối nội được giao về cho Ngân hàng Quốc gia do anh Ba Châu lãnh đạo. Bộ phận đối ngoại giao cho nhóm anh em Vietcombank quản lý, anh Năm Hải phụ trách”.

TUỔI TRẺ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

150 NGÀY CUỐI
CỦA ĐỒNG BẠC TRẦN HƯNG ĐẠO


Tờ bạc giá trị nhất của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hoà, in hình Trần Hưng Đạo

Nhiều người chưa biết mua bán như thế nào vì giá trị của nó khác với đồng tiền miền Bắc.

Sau tháng 4-1975, những người lính tập kết trở lại miền Nam bỡ ngỡ cầm tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hoà cũ vẫn còn được phép lưu hành.

“Tôi nhớ hồi ấy có anh em Hà Nội vào hỏi: Giải phóng rồi, sao trung ương không “giải phóng” luôn đồng tiền chế độ cũ? Tôi cười, trả lời đồng bạc xanh đỏ thì có tội tình gì mà giải phóng? Miễn sao người dân quen sử dụng, họp được chợ búa, làm ăn tiện lợi là tốt rồi” - thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, cựu trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ở trại Davis, nói.

Những ngày cuối của đồng bạc Sài Gòn

Thật sự, nhiều người không thể biết được vì sao tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hoà vẫn “sống” tiếp 150 ngày sau 30-4-1975?

Theo thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, ngay cuối tháng 3-1975 miền Bắc đã có những kế hoạch quản lý miền Nam thời hậu chiến. Rất nhiều ý kiến được đặt ra, trong đó có cả ý kiến nên đổi ngay tiền của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hoà sang tờ bạc giải phóng của cách mạng miền Nam hay tiền miền Bắc.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng là cần phải có một thời gian để tránh xáo trộn trong đời sống người dân và tiếp tục vận hành nền kinh tế của chính quyền Sài Gòn để lại.

Đặc biệt, nếu có đổi tiền ngay thì việc in ấn, phát hành tiền mới cũng không thể chuẩn bị kịp với thời gian quá gấp rút, trong khi nhu cầu sử dụng tiền của người dân miền Nam rất lớn. Do đó, đồng tiền chế độ cũ tiếp tục được lưu hành.

Theo ông Huỳnh Bửu Sơn - viên chức Ngân hàng Quốc gia cũ, lượng tiền dự trữ còn rất nhiều vì chính quyền Sài Gòn đang chuẩn bị phát hành thêm đợt tiền mới gồm các tờ 500 đồng và 1.000 đồng.

Chúng được đựng trong các thùng gỗ thông cất dưới tầng hầm ở toà nhà số 17 Bến Chương Dương. Mỗi thùng gồm 50 triệu đồng, có niêm phong cẩn thận.

Ngoài ra, Ngân hàng Quốc gia cũ còn có một hầm dự trữ tiền khác ở đường Phan Đình Phùng (đường Nguyễn Đình Chiểu hiện nay) cất các loại tiền mệnh giá nhỏ hơn.

Trước đây, nguồn tiền này được in tại các công ty Mỹ như ABC (American Banknote Company), SBC (Security Banknote Company). Về sau, chúng được in tại công ty Anh Thomas Delarue.

Những tờ tiền Sài Gòn này được đánh giá rất đẹp, có kỹ thuật chống giả cao với cách in hình lộng, băng huỳnh quang, chấm huỳnh quang, in chồng hai mặt... Năm 1974, giai đoạn 1 của dự án xây dựng nhà máy in bạc tại Sài Gòn đã tạm hoàn tất.

Các máy móc, thiết bị in nhập từ Công ty Thomas Delarue đang được lắp đặt thì diễn ra bước ngoặt lịch sử tháng 4-1975. Dự án quốc gia chủ động in tiền riêng của Việt Nam cộng hoà bị ngưng hoàn toàn.

Sau ngày giải phóng, toàn bộ số tiền trong các kho quỹ của hệ thống ngân hàng Việt Nam cộng hoà được kiểm kê và tiếp tục cho lưu hành sử dụng.

Theo tài liệu Ngân hàng Nhà nước, trong toàn bộ 150 tỉ đồng thu được từ các kho quỹ ngân hàng miền Nam, Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam quyết định dành phần lớn đảm bảo nhu cầu chi tiêu của quân đội. 20 tỉ đồng mua lúa gạo ở ĐBSCL, 15 tỉ đồng chi viện cho khu 5 và Trị Thiên. Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh, thành khác thì tự túc.

Một vấn đề khó khăn đối với quân đội và người miền Bắc vào Nam sau tháng 4-1975 là không có tiền Sài Gòn sử dụng trong khi nhu cầu này rất lớn. Tình trạng thiếu tiền mặt ngày càng trầm trọng.

Ngoài nhu cầu tăng đột biến, còn có lý do một số đơn vị quân đội, cơ quan nhà nước, xí nghiệp giữ chặt tiền mặt để đảm bảo chi tiêu riêng mặc dù Chính phủ cách mạng lâm thời có ban hành quy chế “quản lý tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt”.

Ông Nguyễn Duy Lộ, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank, kể: “Thời điểm ấy chúng tôi được giao nhiệm vụ đổi tiền miền Bắc ra tiền Sài Gòn để người miền ngoài vào có tiền thanh toán. Để khắc phục tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng, các hạn mức đổi tiền được quy định rất nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ ngân hàng thông cảm anh em quân đội sau bao nhiêu năm xa cách, giờ trở về quê hương lại thiếu tiền tiêu nên cũng du di hạn mức. Họ xếp hàng đổi tiền theo hạn mức xong rồi lại xếp hàng lần nữa”.

Thực tế quy định “hạn mức” lúc ấy rất chặt chẽ: mỗi cán bộ vào Nam công tác chỉ được đổi 5 đồng/ngày nếu có mức lương từ 115 đồng trở lên, và 2 đồng/ngày nếu có mức lương dưới 83 đồng.

Theo ông Lộ, hồi ấy đồng tiền Sài Gòn cũ vẫn có sức mua trên thị trường thực tế mạnh hơn tiền miền Bắc. Ban đầu, những người lính miền ngoài vào còn bỡ ngỡ, sau mới quen dần với việc chi tiêu tờ bạc này.

Đổi tiền

Sau gần 5 tháng cuối cùng được phép lưu hành kể từ ngày 30-4-1975, tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hoà chính thức kết thúc “vòng đời” của mình. Nó đã tồn tại được 20 năm kể từ khi Chính phủ Pháp chuyển giao quyền độc lập cho Việt Nam và tờ bạc có chữ Ngân hàng Quốc gia đầu tiên được phát hành vào năm 1955.

Sau một thời gian âm thầm chuẩn bị, ngày 22-9-1975, gần 70.000 người đã được huy động bí mật từ lực lượng bộ đội, công an, cán bộ các ngành, sinh viên, viên chức ngân hàng... để phục vụ cho đợt đổi tiền đầu tiên.

Cuộc đổi tiền lịch sử đổi từ đồng bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hoà cũ sang tiền Ngân hàng Việt Nam mới, hay còn gọi là tiền giải phóng ở miền Nam. Tỉ giá được ấn định 500 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới. Và 1 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở miền Bắc bằng 0,66 đồng mới phát hành của miền Nam.

Ông Lộ kể chính mình lúc ấy là phó phụ trách Ngân hàng Ngoại thương ở Đà Nẵng cũng chỉ được biết thông tin đổi tiền trong một đêm trước ngày 22-9-1975. Tất cả mọi người liên quan đến công tác đổi tiền phải tập trung “cắm trại” 100% trong đêm này.

Sau khi nghe phổ biến kế hoạch, mọi người phải ở lại, không được liên lạc với gia đình để sáng hôm sau đến thẳng nơi đổi tiền.

Trước đó một ngày, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ban hành một quyết định hạn mức tiền được đổi trong đợt này: không quá 100.000 đồng tiền Sài Gòn cũ với nhu cầu sinh hoạt; từ 200.000 - 500.000 đồng và tối đa không quá 1.000.000 đồng đối với hộ và tổ chức kinh doanh.

Riêng số tiền còn lại mà người đổi đã kê khai được quy ra tiền mới nhưng phải gửi tại ngân hàng và chỉ được phép rút dần theo quy định.

Kế hoạch đổi tiền đợt đầu chỉ kéo dài trong 1-2 ngày, nhưng thực tế đến 3 ngày, rồi phải thêm một đợt nữa. Tổng số tiền Sài Gòn cũ được thu đổi là 486 tỉ đồng, trong đó tiền từ người dân chiếm 77%.

-------------------------------
Kể từ tháng 9-1975, Việt Nam hình thành hai khu vực tiền tệ: tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành ở miền Bắc và tiền Ngân hàng Quốc gia phát hành ở miền Nam.

Đến năm 1978, một đợt thu đổi sang loại tiền thống nhất lại được thực hiện. Người dân chỉ được sử dụng một loại tiền duy nhất trên cả nước. Và đồng bạc Ngân hàng Quốc gia của chính quyền Sài Gòn cũ nếu ai còn giữ lại đã trở thành kỷ niệm...
TUỔI TRẺ

https://static.tuoitre.vn/tto/i/s626/2017/05/01/ngan-hang-quoc-gia-viet-nam-1493608115.jpg

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ÔNG THIỆU CÓ CHUYỂN
16 TẤN VÀNG SANG MỸ KHÔNG?


16 tấn vàng - đó là khoản dự trữ nằm trong Ngân hàng quốc gia vào tháng 4-1975. Và báo chí thời đó đã đưa tin về kế hoạch tẩu tán số vàng ấy ra nước ngoài. Sự thật ra sao?
16 tấn vàng - đó là khoản tài sản dự trữ còn lại của chính quyền Sài Gòn vào tháng 4-1975, trị giá khoảng 120 triệu USD vào lúc đó, tức khoảng 320 triệu USD thời điểm hiện nay.

Có khá nhiều “dị bản” xung quanh câu chuyện 16 tấn vàng suốt hơn 30 năm qua kể từ khi báo chí Sài Gòn đầu tháng 4-1975 đưa tin: tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tìm cách tẩu tán 16 tấn vàng thuộc tài sản quốc gia ra nước ngoài. Đặc biệt, vào đầu năm 2006, Đài BBC đã “xới” lên câu chuyện này bằng một bản tin dẫn từ nguồn tài liệu của Bộ Ngoại giao Anh.

Sự thật ra sao? Tuổi Trẻ lật lại hồ sơ vụ việc này, 31 năm trước...

Từ một bản tin trên BBC
Ngày 29-12-2005, trong chương trình phát thanh Việt ngữ và trên trang web BBC, hãng thông tấn này đã loan một bản tin đáng chú ý về chuyện ra đi của ông Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 4-1975 sau khi từ chức tổng thống VN cộng hoà. Bản tin khá dài nói trên, theo BBC, được trích từ hồ sơ mới công bố của Cục Văn khố quốc gia Anh:

“Chính phủ Anh hôm thứ năm đưa ra các văn bản cho biết về chuyến bay rời khỏi Sài Gòn của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cách đây hơn 30 năm.

Theo phóng viên BBC Rick Fountain từ Cục Văn khố quốc gia Anh, ông Thiệu được máy bay trực thăng chở tới một tàu chiến của Mỹ, và sau đó ông tới Đài Loan cùng với vợ và phụ tá của mình.

Cuối cùng ông Thiệu bắt đầu cuộc sống mới không phải ở Mỹ như nhiều người tưởng, mà ở London.

Các tường thuật của báo chí nói ông Thiệu đã bỏ trốn với một số lượng vàng lớn lấy đi từ ngân khố quốc gia của chính quyền Nam VN”.

Mặc dù trong bản tin này BBC có phỏng vấn một nhân chứng là tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (Mỹ), phụ tá đặc biệt của tổng thống Thiệu vào năm 1975, nhưng vẫn không ngăn được làn sóng tranh luận ngay trên trang web BBC và các diễn đàn khác trên mạng. Bởi TS Hưng đã bay sang Mỹ công cán từ giữa tháng 4-1975 và kẹt luôn ở đó, nên ông không phải là nhân chứng trong câu chuyện 16 tấn vàng tại Sài Gòn vào cuối tháng 4-1975 được.

Do vậy, chi tiết về 16 tấn vàng tài sản quốc gia tháng 4-1975 đã dẫn tới cuộc bàn thảo trên mạng xung quanh câu hỏi: có hay không kế hoạch tẩu tán số lượng vàng khá lớn nói trên? Chẳng hạn, một bạn trẻ tên Hưng đã đặt câu hỏi trên trang web BBC: “Từ trước tới nay người ta đều nói ông Thiệu mang theo 18 tấn vàng (chính xác là khoảng 16 tấn) ra nước ngoài. Giờ đây lại có thông tin ông ta không mang theo vàng ra nước ngoài. Vậy số vàng ấy có tồn tại hay không và nếu có thì đã nằm trong tay ai?”.

Trong khi đó, một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Mai nhớ lại bản tin 31 năm trước của BBC rằng: “Hồi ông Thiệu đi Đài Loan, BBC tường thuật là có nghe tiếng kim loại lẻng xẻng trong vali, ám chỉ ông Thiệu đã mang 16 tấn vàng trong ngân hàng quốc gia đi...”.

Bản tin cuối năm 2005 của BBC do vậy đã gây sự chú ý của nhiều người. Thứ nhất, nó liên quan đến khoản tài sản lớn của quốc gia. Thứ hai, nó khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sự chính xác của những “hồ sơ Anh” vừa được giải mật. Vậy chuyện gì đã xảy ra 31 năm trước?

“Lời bác bỏ” gây nghi vấn
Tìm đọc lại những nhật báo Sài Gòn tháng 4-1975, thấy trên mặt báo tràn ngập tin tức chiến sự và di tản. Đột nhiên, nhiều báo ra giữa tháng tư đã đồng loạt đăng một bản tin đáng chú ý về 16 tấn vàng. Như tờ Chính Luận ngày 16-4 đã đăng như sau:

“Phát ngôn viên chính phủ: Hoàn toàn bác bỏ tin 16 tấn vàng.

Sáng nay, được hỏi về vụ có 16 tấn vàng của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tổng thống Kampuchia Lon Nol chở từ Việt Nam ra ngoại quốc do Hãng AP (Mỹ) loan tin (chi tiết hoá tin của đài BBC loan tải trước đây), phát ngôn viên chính phủ tuyên bố: “Hoàn toàn là tin thất thiệt, đầy ác ý, cố ý bôi lọ”. Phát ngôn viên nhấn mạnh: “Tình trạng loan tin thất thiệt và cố ý bôi lọ của các hãng thông tấn và báo chí ngoại quốc loan đi không phải mới xảy ra mà đã kéo dài từ lâu”.

Lời bác bỏ nói trên dường như xác nhận một điều là vào lúc đó, nhiều hãng tin nước ngoài và các tờ báo lớn có phóng viên thường trú tại Sài Gòn đã cùng đưa tin “tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chuẩn bị mang 16 tấn vàng ra khỏi VN”. Không chỉ BBC, AP mà nhiều tờ báo lớn khác ở Mỹ như Los Angeles Times lúc đó đã đăng tin như sau: “Công ty vận chuyển đường không Balair của Thuỵ Sĩ vào hôm thứ hai đã xác nhận rằng: họ đã từ chối chở 16 tấn vàng, dường như thuộc quyền sở hữu của tổng thống Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu, từ Sài Gòn sang Thuỵ Sĩ”.

Những thông tin có dẫn nguồn rõ ràng như thế đã tạo ra nhiều nghi vấn, dù nó đã bị chính quyền Sài Gòn lúc đó bác bỏ. Có lẽ giới báo chí quốc tế ngày ấy đã biết sơ qua về một kế hoạch bí mật từ dinh Độc Lập, và kế hoạch bí mật đó dường như đã bị “xì” ra ngoài “Radio Catinat” - tức các quán cà phê Givral, Brodard... (trên đường Đồng Khởi ngày nay), nơi tụ tập thường xuyên của các nhà báo, dân biểu, chính khách Sài Gòn lúc bấy giờ.

Trong khi dư luận còn bán tín bán nghi thì báo Độc Lập ngày 28-4 đã đăng một bản tin về chuyến ra đi bí mật của ông Nguyễn Văn Thiệu với chi tiết như sau: “Theo tin UPI, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã đến Đài Bắc bằng phi cơ quân sự Mỹ vào lúc 4 giờ sáng thứ bảy 26-4 với 16 viên chức Việt Nam cộng hoà cùng thân nhân tháp tùng. Tin Reuters ghi nhận liền sau khi đoàn người xuống phi cơ và được đưa vào phòng khách danh dự, một số hàng hơn 10 tấn cũng đã được cất xuống theo”.

... Có quá ít tài liệu trong nước đề cập một cách chính xác và đầy đủ về chuyện này sau năm 1975. Trong một cuốn sách khá nổi tiếng đã được tái bản khá nhiều lần trong hơn 20 năm qua, người ta đọc được một đoạn “có vẻ chắc chắn” như sau: “Thiệu và Khiêm đáp máy bay rời Sài Gòn sang Đài Loan, nơi anh ruột của Thiệu đang còn làm đại sứ (tức ông Nguyễn Văn Kiểu - NV). Thiệu mang theo năm vali chứa đầy đôla. Trước đó, Thiệu đã mướn một chiếc máy bay chở hành khách cỡ lớn của Mỹ, đưa khỏi VN 17 tấn vàng bạc, châu báu, tài sản quí mà gia đình y đã vơ vét được sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống”.

Còn trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia trên mạng Internet, một “sử gia” nào đó đã cung cấp những thông tin “giật gân” hơn nữa: “Martin (đại sứ Mỹ tại Sài Gòn - NV) giúp gia đình Thiệu ra đi, nhưng chỉ cho mang theo đồ vật cá nhân nhỏ. Thế là tay cựu tổng thống và bà vợ phải tính đến cách khác. Mai Anh (vợ Thiệu) đã xoay xở lấy được 16 tấn vàng ra khỏi ngân hàng quốc gia bằng cách ép doạ thuộc cấp. Bà ta cho chuyển phần lớn số vàng thỏi ấy lên một chiếc máy bay thuê của Hãng hàng không Thuỵ Sĩ. Nhưng các phi công, sau khi khám phá ra đó là vàng, đã hỏi sứ quán Thuỵ Sĩ và cuối cùng từ chối không chở nữa. Lý Long Thân (chồng em nuôi vợ Thiệu) nhảy vào cứu nguy. Thân ra lệnh chở vàng bằng tàu Trương Tinh đi Pháp, để sau này Thiệu nhận lại ở đó”.

Có khá nhiều “dị bản” như thế xung quanh chuyện ra đi và tẩu tán vàng của ông Nguyễn Văn Thiệu năm 1975. Trong đó, “dị bản” của BBC là mới nhất và bị phê phán nhiều nhất.

----------------------------
Tin đồn về việc “ông Thiệu cuỗm 16 tấn vàng tài sản quốc gia” ngày càng lan rộng vào thời điểm ấy. Trong khi đó, báo chí Sài Gòn, vì nhiều lý do khác nhau, đã không có thông tin gì rõ ràng, và dân chúng hoàn toàn không biết thực hư câu chuyện đó như thế nào cho đến ngày 30-4-1975.

TUỔI TRẺ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHUYẾN RA ĐI BÍ MẬT


Kỳ trước, chúng tôi đã thuật lại tin tức trên báo chí Sài Gòn và những “dị bản” về chuyện 16 tấn vàng tài sản quốc gia. Những thông tin đó vào cuối tháng 4-1975 đã gắn chặt với chuyến ra đi bí mật của ông Thiệu. 16 tấn vàng đã lên máy bay cùng ông Thiệu? Vào lúc đó không ai được biết.

Ông Thiệu đã từ chức ra sao?
Vào đầu tháng tư, sau khi quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng và hành quân thần tốc về phía Nam, chiếc ghế tổng thống của ông Thiệu đã bắt đầu lung lay.

Lúc đó, người Mỹ, kể cả những người Pháp ở sứ quán Sài Gòn, đang toan tính về một giải pháp thương lượng với Hà Nội. Ông Thiệu trở thành vật cản lớn cho những toan tính đó. Theo hồi ký của nhân viên CIA tại Sài Gòn Frank Snepp, ngày 13-4 trùm CIA tại Sài Gòn Thomas Polgar đã gửi về Washington một bản tường trình có chủ ý: “Nhiều sĩ quan cao cấp và nhân vật chính trị muốn tổng thống Thiệu từ chức để tránh một thất bại quân sự hoàn toàn”. Bản tường trình đó có nhắc đến hai từ “đảo chính”.

Và tấm bia mộ chính trị của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã được tạc vào chiều 17-4 khi đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Graham Martin quyết định đề nghị với Nhà Trắng một phương án: Thiệu phải ra đi! Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (người sau này đã phỏng vấn Martin nhiều lần tại Mỹ), đại sứ Martin đã gửi mật điện cho ngoại trưởng Kissinger như sau: “Tôi sẽ cho ông Thiệu rõ tôi đã đi đến một kết luận vô tư là nếu ông ta không chịu xuống thì các tướng lĩnh dưới quyền ông ta sẽ bắt buộc ông ta làm điều này. Có một cách rút lui êm đẹp nhất là tự ý ông từ chức…”.

Ba ngày sau, đại sứ Martin đến gặp ông Thiệu để nói thẳng điều đó, trong cuộc trò chuyện căng thẳng kéo dài hơn một giờ rưỡi.

... Tối đó (tức ngày 20-4), tổng thống Thiệu quyết định từ chức. Và trưa ngày hôm sau, ông ta triệu tập phó tổng thống Trần Văn Hương và tướng Trần Thiện Khiêm đến dinh Độc Lập, báo cho hai người đó biết ông ta sẽ tuyên bố từ chức tối nay. Thiệu chỉ có một yêu cầu: việc chuyển giao quyền lực được thực hiện theo đúng hiến pháp để tránh lộn xộn...

Tại sao Frank Snepp biết chính xác nội dung cuộc gặp đó và thuật lại như trên trong cuốn Decent Interval (đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề Cuộc tháo chạy tán loạn)? Câu trả lời thật đáng kinh ngạc: máy nghe lén của CIA đặt bí mật trong phòng làm việc của tổng thống Thiệu tại dinh Độc Lập đã truyền đi từng lời nói về trụ sở CIA tại Sài Gòn.

Tối 21-4, sau khi tuyến phòng thủ quan trọng nhất của quân đội Sài Gòn là Xuân Lộc đã bị quân giải phóng chọc thủng, ông Nguyễn Văn Thiệu lên tivi tuyên bố từ chức tổng thống. Trong cuộc diễn thuyết kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, ông ta vừa khóc lóc bảo vệ mình trước lịch sử, vừa lên án gay gắt sự phản bội của chính quyền Mỹ:

... Nếu tôi không nói rằng các ông đã bị cộng sản đánh bại ở VN thì tôi cũng xin thưa rằng các ông cũng không thắng được họ. Nhưng các ông đã tìm được một lối tháo lui trong danh dự. Và bây giờ khi quân đội chúng tôi thiếu súng ống, đạn dược, trực thăng, phi cơ và B52, các ông lại bắt chúng tôi làm một việc như lấp cạn bể Đông, tỉ như các ông cho tôi ba đồng bạc mà bắt chúng tôi lấy vé máy bay hạng nhất, thuê phòng ngủ 30 đồng một ngày, ăn bốn năm miếng bít-tết và uống bảy tám ly rượu vang một ngày. Thật là phi lý !... (trích nguyên văn)

Và trong cuộc diễn thuyết cuối cùng trên tivi đó, ông Thiệu cũng đã chửi thẳng Hoa Kỳ là “một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo”.

Ông Thiệu đã ra đi như thế nào?
Sau khi từ chức tổng thống, ông Thiệu dọn về ở nhà quốc khách trong khu Hải quân (nay là đường Tôn Đức Thắng). Tài sản riêng của gia đình ông đã được chuyển đi trước đó. Dù không còn quyền hành gì, nhưng sự có mặt của ông Thiệu tại Sài Gòn trong những ngày căng thẳng nhốn nháo đó không phải là một điều hay ho đối với nhiều người.

Theo lời kể của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng trong cuốn The Palace File (Hồ sơ mật dinh Độc Lập), tân tổng thống Trần Văn Hương đã gọi điện thoại khuyên ông Thiệu nên sớm rời khỏi VN. Ông Hương cũng đề nghị đại sứ Mỹ Martin dàn xếp giùm cho chuyến ra đi của ông Thiệu.

Cùng lúc ấy, ông Nguyễn Văn Kiểu, em ông Thiệu, cũng bay về nước khuyên ông Thiệu sớm ra đi và địa chỉ đến an toàn nhất là Đài Loan (vì ông Kiểu đang làm đại sứ VN cộng hoà tại Đài Loan). Cũng theo tiến sĩ Hưng, để sự ra đi của ông Thiệu được hợp pháp, tổng thống Hương đã ký quyết định cử ông Thiệu làm đặc sứ của VN cộng hoà đi Đài Bắc để phúng điếu Tưởng Giới Thạch (ông Tưởng Giới Thạch mất ngày 5-4).

Ngày 25-4, ông Thiệu ra đi lặng lẽ không cờ không trống. Và cũng không có một quan chức người Việt nào tiễn đưa ông cựu tổng thống hết thời. Trớ trêu thay, những người đưa ông ra sân bay lại là các nhân viên CIA Mỹ tại Sài Gòn, trong đó có Frank Snepp. Frank Snepp chính là người lái xe đưa ông Thiệu ra phi trường Tân Sơn Nhất.

Đó là một chuyến ra đi bí mật trong đêm. Nhưng ông Thiệu có mang theo 16 tấn vàng không? Theo lời Frank Snepp thuật lại trong cuốn Decent Interval, vào chiều 25-4, nhóm CIA tại Sài Gòn bất ngờ nhận được lệnh đưa cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm ra nước ngoài trên một chuyến bay đặc biệt của quân đội Mỹ.

...Khoảng 20g30, bốn người chúng tôi (tức bốn tay nhân viên CIA tại Sài Gòn: Charles Timmes, Thomas Polgar, Joy Kingsley và Frank Snepp - NV) đi ba xe đến bộ tổng tham mưu Nam Việt Nam. Nhà Khiêm nằm trong khu vực này. Chúng tôi không thể không tính đến việc tái diễn cuộc ám sát như đã xảy ra đối với anh em Diệm - Nhu trước đó. Chúng tôi vạch kế hoạch: nếu có những sĩ quan trẻ nào đó trong quân đội Sài Gòn ngăn chúng tôi lại trên đường đi và có ý định bắt, tức thì chúng tôi sẽ nổ súng…

Hơn 21 giờ, đoàn xe CIA dừng trước nhà ông Khiêm, đợi ở đó. Một lát sau, chiếc Mercedes đưa đến “một người tầm thước, tóc bạc và chải lật ra sau, mặt bôi kem, quần áo chỉnh tề”. Đó là ông Nguyễn Văn Thiệu, mà theo Frank Snepp, trông giống một người mặc quần áo quảng cáo trên một tạp chí châu Á hơn là một nguyên thủ quốc gia.

...Ít phút sau, có mấy người lực lưỡng, mỗi người xách một vali nặng đi đến chỗ xe chúng tôi và xếp vali vào.

Tiếp đó Thiệu, Khiêm, Polgar, Timmes cùng một vài nhân vật người Việt (phụ tá và cận vệ) bước nhanh ra khỏi cửa nhà Khiêm rồi chui vào xe. Thiệu ngồi xe tôi, ở ghế đằng sau, giữa Timmes và một người Việt. Timmes khuyên ông Thiệu: tổng thống ngồi thấp xuống để được yên ổn!

Đoàn xe lao nhanh về phía sân bay Tân Sơn Nhất. Trên đường băng, một chiếc máy bay bốn động cơ C118 của không quân Mỹ đang đậu ở đấy. Đại sứ Mỹ Martin và các tay súng thuỷ quân lục chiến Mỹ mặc thường phục đã có mặt ở đó từ lâu. Ông Thiệu và ông Khiêm rời xe, lặng lẽ lên máy bay. Những nhân viên tuỳ tùng theo sau, tay xách vali…

Như vậy, theo Frank Snepp, chuyến bay đặc biệt đêm 25-4 chở ông Thiệu qua Đài Loan không mang theo 16 tấn vàng. Bởi không thể nào nhét số lượng vàng thỏi khổng lồ ấy vào mấy chiếc vali xách tay được. Còn trước đó một ngày, bà Mai Anh, vợ ông Thiệu, cũng đã bay sang Bangkok (Thái Lan) trên một chuyến bay thương mại bình thường.

TUỔI TRẺ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KHÔNG CÓ ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM


Trong những ngày tháng 4-1975, trước bước tiến thần tốc của quân giải phóng, chính quyền Sài Gòn ra sức tìm kiếm những nguồn tài chính mới để mua thêm đạn dược, vũ khí. Nhưng tiền ở đâu ra? Viện trợ của Mỹ, những mỏ dầu hay vàng dự trữ?

“Nắm lấy bất cứ cái phao nào...”
Ngày 25-3-1975, ông vua Faisal của Saudi Arabia bị cháu mình ám sát chết.

Nhiều tờ báo ở Sài Gòn lúc ấy đã đưa chi tiết chuyện này ở mục thời sự quốc tế, như một “breaking news” (tin nóng) ở xứ người. Chỉ vậy thôi.

Trong khi đó, lật lại những chồng báo cũ tháng ba, tháng tư năm ấy, người ta thấy mục quảng cáo rao vặt “bán nhà ở Sài Gòn” tăng vọt, đồng thời xuất hiện một mục mới chiếm nhiều diện tích trên các nhật báo: “Tìm người thân mất tích” trong các đợt di tản từ miền Trung vào Sài Gòn.

Nhưng cái chết của vua Faisal lại làm choáng váng tổng thống VN cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu và các cộng sự ở dinh Độc Lập!

Vì sao vậy? Vì nó liên quan đến những cam kết bí mật về tài chính của ông vua xứ dầu lửa này với chính quyền Sài Gòn. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, tổng trưởng kế hoạch VN cộng hoà lúc ấy, đã nói về sự cam kết đó rằng: “Khi sắp chết đuối, ta nắm lấy bất cứ cái phao nào nổi!”.

Có nghĩa là chính quyền Sài Gòn lúc đó đang “sắp chết đuối” về mặt tài chính. Các tài liệu lưu trữ cho biết rằng cái túi viện trợ khổng lồ của Mỹ ngày càng xẹp đi nhanh chóng và sắp sửa trống rỗng. Để làm đầy lại cái túi đó, ông Thiệu trông chờ vào những cái phao.

Và một cái phao có thể nổi như dầu là vua Faisal. Cuốn Hồ sơ mật dinh Độc Lập của Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L.Schecter viết: Đầu năm 1975 vua Faisal đã bí mật đồng ý trên nguyên tắc cho chính quyền Sài Gòn vay dài hạn mấy trăm triệu USD với lãi suất thấp.

Số tiền này được dùng để vực dậy nền kinh tế và mua thêm nhiên liệu, đạn dược cho quân đội Sài Gòn. Một cách thức khác cũng được thoả thuận với Faisal: Saudi Arabia sẽ đứng ra bảo đảm cho VN cộng hoà vay viện trợ quân sự của Mỹ để mua thêm súng đạn từ Mỹ (cho tương thích với vũ khí Mỹ đã đổ vào miền Nam trước đó).

Đùng một cái, vua Faisal bị ám sát chết. Kế hoạch đó đã bị phá sản ngay khi bắt đầu thực thi.

Nhưng thật ra cái phao lớn nhất mà ông Thiệu cố vói tới lúc đó chính là Quốc hội Mỹ. Trong những ngày hấp hối của chế độ VN cộng hoà tháng 4-1975, ông Thiệu đã tiếp đón tham mưu trưởng lục quân Mỹ Frederick C. Weyand tại Sài Gòn. Vị tướng Mỹ cùng êkip sang VN để tìm biện pháp khẩn cấp cứu lấy chính quyền VN cộng hoà.

Theo nhân viên chiến lược CIA Frank Snepp trong cuốn Decent interval (Cuộc tháo chạy tán loạn), trong cuộc gặp với tướng Weyand, ông Thiệu đã đề nghị Mỹ tăng viện trợ quân sự khẩn cấp để chặn bước tiến của quân giải phóng. Ngoài ra, ông Thiệu còn có thêm một yêu cầu đáng sợ: cho máy bay B-52 của quân đội Mỹ ném bom rải thảm để bảo vệ Sài Gòn.

Sau đó, tướng Weyand bay về California tường trình với tổng thống Gerald Ford và ngoại trưởng Henry Kissinger: phải viện trợ quân sự khẩn cấp cho chính quyền Sài Gòn 722 triệu USD.

... Ngày 10-4 giờ Washington, tổng thống Ford đọc bài diễn văn quan trọng trước quốc hội về tình hình VN và Campuchia. Ông ta yêu cầu quốc hội chấp thuận ngân khoản 722 triệu USD để viện trợ khẩn cấp cho VN cộng hoà và còn ấn định hạn chót để quốc hội đưa ra quyết định là 19-4-1975. “Đúng như dự đoán của đại sứ VNCH Trần Kim Phượng trong bức điện đánh về cho ông Thiệu: thỉnh cầu một ngân khoản lớn như thế chắc chắn sẽ “gây ra kinh hoàng và la ó tại Quốc hội Mỹ” - tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nhớ lại như thế trong Hồ sơ mật dinh Độc Lập.

Còn thượng nghị sĩ Mỹ Jackson đã tuyên bố thẳng thừng về yêu cầu của tổng thống Ford trên tờ New York Times ngày 12-4: “Yêu cầu đó chết rồi! Không một ai trong phe mà tôi biết lại ủng hộ nó”.

Thế chấp cả mỏ dầu và vàng dự trữ
Thế là xong, cái phao của chú Sam đã tự xì trước khi ông Thiệu với tới nó.

Nhưng còn nước còn tát. Ngay sau khi được tin vua Faisal bị ám sát chết, tổng thống Thiệu đã chỉ thị cho ngoại trưởng Vương Văn Bắc bay sang Saudi Arabia. Trong cuốn sách Khi đồng minh tháo chạy xuất bản ở Mỹ năm 2005, TS Nguyễn Tiến Hưng cho biết mục đích chuyến đi của ngoại trưởng Bắc là xin quốc vương Haled (vừa kế vị vua Faisal) tiếp tục đồng ý cho VN cộng hoà vay tiền như phụ vương của ông ta đã hứa trước khi bị hạ sát.

Trong bức điện gửi về cho ông Thiệu ngày 14-4, ông Bắc thông báo là đã “nhận được những bảo đảm vững chắc từ phía quốc vương mới và thủ tướng Saudi Arabia”. “Tôi hi vọng là quyết định về khoản tiền và phương thức của viện trợ sẽ được Chính phủ Saudi Arabia cứu xét sớm” - ngoại trưởng Bắc lạc quan như vậy.

Cũng theo TS Nguyễn Tiến Hưng, ông Thiệu biết rõ rằng việc thương thuyết vay tiền của Saudi Arabia phải mất ít nhất ba bốn tháng, trong khi “số mạng” của VN cộng hoà lúc đó đang được tính từng ngày một. Do đó, tổng thống Thiệu bèn tính tới một nước cờ khác: bắt tay vào kế hoạch vay nợ của Mỹ, với số vay khổng lồ - 3 tỉ USD. Cần nói rõ đây là vay, chứ không phải xin viện trợ Mỹ như trước đó.

TS Nguyễn Tiến Hưng nhớ lại:
“... Ngày 14-4-1975, ông Thiệu bảo tôi thảo gấp một lá thư cho tổng thống Ford đề nghị vay 3 tỉ USD trong ba năm, chia ra mỗi năm 1 tỉ USD. Theo kế hoạch, nếu tại Washington tôi dò xét thấy có triển vọng về khoản vay đó thì đánh điện về ngay để ông Thiệu ký thư và trao cho đại sứ Mỹ Martin”.

Ngày hôm sau, 15-4-1975, tổng trưởng kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng bay sang Mỹ để cùng ngoại trưởng Vương Văn Bắc xúc tiến “lobby” (vận động hành lang) vụ vay 3 tỉ USD nói trên. Ông Hưng đã mang theo lá thư của ông Thiệu gửi tổng thống Ford, trong đó có đoạn: “Tôi trân trọng thỉnh cầu ngài kêu gọi quốc hội cho VN cộng hoà vay dài hạn 3 tỉ USD, chia làm ba năm, lãi suất do quốc hội ấn định, và xin triển hạn 10 năm trước khi trả vốn và lời. Tài nguyên dầu hoả và canh nông của VN cộng hoà sẽ dùng làm tiền thế chân cho món nợ này”.

Tài nguyên canh nông nói trên chính là tiềm năng xuất khẩu gạo của miền Nam. Còn tài nguyên dầu hoả? Đó là mỏ dầu có trữ lượng lớn vừa phát hiện ở thềm lục địa VN.

Tuy nhiên, ngoài tiềm năng dầu lửa và xuất khẩu gạo, trong cuốn Khi đồng minh tháo chạy, TS Nguyễn Tiến Hưng đã khẳng định thêm hai khoản thế chân khác được đưa ra khi mặc cả với người Mỹ.

Đó là số tiền mấy trăm triệu USD mà quốc vương Haled hứa cho vay. Còn khoản thế chân cuối cùng chính là 16 tấn vàng dự trữ đang nằm trong hầm của Ngân hàng Quốc gia ở bến Chương Dương.

---------------------------------
... Ở đây xin mở ngoặc nói thêm một chút về những giếng dầu đầu tiên. Việc thăm dò và khai thác dầu khí ở miền Nam bắt đầu từ năm 1973. Rất nhiều hãng dầu quốc tế nhảy vào. Chỉ qua hai vòng đấu thầu năm đó, chính phủ VN cộng hoà đã thu được 17 triệu USD và đến năm 1974, số tiền thu được lên đến 30 triệu USD. Việc phát hiện mỏ dầu ở vùng biển VN đã làm nức lòng bao người VN (nhưng ngay sau đó, vào tháng 1-1974, Trung Quốc đã đưa hải quân tấn công quân đội Sài Gòn và xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa cho tới nay). Ngày 17-8-1974, Hãng Pecten khoan trúng dầu ở lô 08-LTD, đặt tên là Hồng-X, rồi giếng thứ hai là Dừa 1-X. Tới tháng 10-1974, Hãng Mobil khoan mỏ Bạch Hổ 1. Hãng Marathon và Union Texas quyết định khoan dầu vào cuối năm 1974, còn Hãng Esso và Sunningdale dự định bắt tay vào tháng 4-1975..

TUỔI TRẺ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KẾ HOẠCH BÍ MẬT TỪ DINH TỔNG THỐNG


Kế hoạch chuyển 16 tấn vàng ra nước ngoài được bí mật bàn thảo và quyết định từ đầu tháng 4-1975 tại dinh Độc Lập.

Mục đích của nó là để khối tài sản khổng lồ đó không lọt vào tay Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam? Không hẳn như thế.

Thuỵ Sĩ hay New York?
Dinh Độc Lập, ngày 1-4-1975. Một không khí nặng nề và căng thẳng bao trùm cuộc họp của các nhân vật chóp bu chính quyền Sài Gòn trước tin tức nghiêm trọng về việc quân giải phóng đã tiến vào giải phóng Đà Nẵng.

Tự thuật trong cuốn Hồ sơ mật Dinh Độc Lập (The Palace File), tổng trưởng kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng cho biết trong cuộc họp đó tướng Cao Văn Viên đã đề nghị dùng hoả lực mạnh, vũ khí hạng nặng để ngăn bước tiến của “Việt Cộng”.

Nhưng trong tình hình tài chính cạn kiệt lúc đó, ông Hưng đã đề nghị “dùng số dự trữ của Ngân hàng quốc gia, bằng vàng hay ngoại tệ, để mua thêm đạn dược” cho quân đội Sài Gòn. Không ai thảo luận tiếp.

Sang hôm sau, 2-4, nội các nhóm họp. Ông Nguyễn Tiến Hưng lại nêu tiếp việc di chuyển và sử dụng số vàng dự trữ vào “nỗ lực phòng thủ cuối cùng”.

Ông ta cũng trình bày với nội các về thông lệ của các quốc gia trên thế giới thường ký thác dự trữ vàng tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế ở Thuỵ Sĩ hoặc Ngân hàng Dự trữ liên bang tại New York. Nội các đã đi đến quyết định chuyển vàng một cách bí mật ra nước ngoài. Nơi đến là Thuỵ Sĩ - Ngân hàng Bank of International Settlement.

Thống đốc Ngân hàng quốc gia lúc đó là ông Lê Quang Uyển đã được lệnh thi hành nhiệm vụ bí mật này và không cho người Mỹ biết. Ông Uyển lập tức liên lạc với các hãng hàng không TWA, Pan Am và Hãng bảo hiểm Lloyd’s ở London (Anh).

Nhưng thật không ngờ, kế hoạch tuyệt mật đó ngay lập tức đã lọt ra “radio catinat” và đến tai các phóng viên nước ngoài thường trú tại Sài Gòn. Và từ ngày 5-4, một số tờ báo nước ngoài đã bắt đầu đăng tải những bản tin sốt dẻo đó, với sự ám chỉ về một âm mưu chiếm đoạt của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Ai đã “xì” tin đó ra ngoài? Không ai biết, nhưng có một điều chắc chắn là phòng làm việc của ông Thiệu ở dinh Độc Lập đã bị cài rất nhiều “rệp” nghe lén. Nhưng CIA có can dự vào vụ nghe lén và làm lộ kế hoạch bí mật này?

Trong cuốn Decent Interval (Cuộc tháo chạy tán loạn), nhân viên CIA tại Sài Gòn Frank Snepp đã tiết lộ: “Trước khi 16 tấn vàng được chuyển đi Thuỵ Sĩ, có một người đã báo tin cho sứ quán Mỹ biết. Một cộng tác viên của đại sứ Martin cho là không thể tin được ông Thiệu nên đã tố cáo với giới báo chí”.

Nhưng cũng có tài liệu cho rằng chính những người chống đối lại việc đưa 16 tấn vàng tài sản quốc gia ra nước ngoài đã bắn tin cho giới báo chí. Như vậy, tin tức về việc chuyển vàng đi Thuỵ Sĩ mà báo chí loan tin lúc đó là sự thật, mặc dù chính quyền Sài Gòn đã liên tục bác bỏ.

Kế hoạch chuyển vàng đi Thuỵ Sĩ vì thế đã bị vỡ. Các hãng hàng không và bảo hiểm quốc tế từ chối phi vụ này vì sợ báo chí công kích.

Cuối cùng, dù không muốn, dinh Độc Lập vẫn buộc phải nhờ cậy đến người Mỹ. Theo Frank Snepp, đại sứ Mỹ Martin đã đề nghị ông Thiệu chuyển số vàng đó sang Mỹ. Ông Thiệu đồng ý.

Ngày 16-4, đại sứ Martin đã điện về Washington xin một chuyến bay quân sự đặc biệt được bảo hiểm để chở số vàng đó đi New York. Nhưng không quân Mỹ và Ngân hàng dự trữ liên bang New York đã không dễ dàng tìm được hợp đồng bảo hiểm cho một khối tài sản lớn như thế từ một nước đang có chiến tranh. Cuối cùng thì Bộ Ngoại giao Mỹ cũng dàn xếp xong vấn đề bảo hiểm.

Cái gì của Việt Nam phải để lại Việt Nam!
Ngày 25-4-1975, một chiếc máy bay quân sự từ căn cứ Clark (Philippines) đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất và sẵn sàng bốc 16 tấn vàng ra khỏi VN “trước 7 giờ sáng 27-4”.

Nhưng tình thế đã đổi thay: lúc chiếc máy bay đó đáp xuống Tân Sơn Nhất, ông Thiệu đã từ chức tổng thống và ông Trần Văn Hương lên nắm quyền. Những người có thẩm quyền lúc đó đã không chịu làm theo ý ông Thiệu nữa! Các tài liệu lưu trữ nhắc nhiều đến cái tên Nguyễn Văn Hảo - phó thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ.

Ông Nguyễn Văn Hảo lúc đó là người giữ liên lạc giữa chính quyền Sài Gòn và sứ quán Mỹ, hoàn toàn không muốn chuyển 16 tấn vàng ra khỏi VN.

Trong Hồ sơ mật dinh Độc Lập, TS Nguyễn Tiến Hưng mô tả như sau: Hảo vào gặp tổng thống Trần Văn Hương và doạ rằng: “Nếu tổng thống cho phép chuyển số vàng ấy ra ngoại quốc thì trong trường hợp tướng Minh (tức ông Dương Văn Minh) lên thay, tổng thống sẽ bị lên án là phản quốc!”.

Ông Hương hoảng sợ và đồng ý phải giữ vàng lại. Ngay sau đó, Hảo điện cho cố vấn kinh tế đại sứ quán Mỹ Denny Ellerman, nói rằng: tổng thống Trần Văn Hương đã quyết định không chuyển vàng ra khỏi VN!...

Đại sứ Martin bất ngờ trước tin này. Theo hồi ký của Frank Snepp, đại sứ Martin đã yêu cầu máy bay tiếp tục nằm chờ ở Tân Sơn Nhất, đồng thời cố thuyết phục ông Hương huỷ bỏ lệnh ấy. Không có kết quả.

Thậm chí trong một cuộc họp, ông Hương còn nói: “Cái gì của VN phải để lại VN!”. Martin xoay qua tác động ông Nguyễn Văn Hảo nhưng cũng không thành công. “Hảo đã không muốn chuyển vàng đi, có thế thôi. Ông ta đã tưởng tượng là có thể sống chung được với những người cộng sản”, Martin sau này kể lại.

Quả thật lúc ấy đại sứ Mỹ Martin rất điên khi không lấy được 16 tấn vàng chở qua Mỹ. Đến mức, trong cuộc trả lời phỏng vấn TS Nguyễn Tiến Hưng ngày 27-3-1985, Martin thú nhận một điều điên rồ: “Vào lúc chót, tôi (tức Martin - NV) có nghĩ đến việc liên lạc với người bạn cũ ở Thái Lan là tư lệnh không quân Dhawee Chulasapaya. Sau đó, kêu gọi thêm một số thuỷ quân lục chiến Thái Lan bay qua Sài Gòn để giải phóng số vàng, mang nó đi. Nhưng chỉ nghĩ thế thôi… Vàng vẫn còn lại ở đó”.

Vàng còn ở đó là ở đâu, khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn? Theo TS Nguyễn Tiến Hưng, 16 tấn vàng đã được đóng thùng sẵn ở ngân hàng. Còn theo Frank Snepp, “16 tấn vàng nằm trong khoang một chiếc máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất lúc quân của tướng Dũng (tức đại tướng Văn Tiến Dũng - NV) tràn vào Sài Gòn”.

Cả hai đều không chính xác. Vàng không đóng thùng gì cả và cũng không nằm ở sân bay Tân Sơn Nhất. Vậy nó ở đâu? Những nhân chứng của ngày 30-4 sẽ trả lời câu hỏi này trong số báo tới.

-------------------------
Ngày 27-1-1976, cựu đại sứ Martin đã giải trình về chuyện 16 tấn vàng trước Quốc hội Mỹ như sau:

"...Những sắp xếp tạm thời đã được thực hiện để chuyển số vàng dự trữ của VN cộng hoà sang Ngân hàng Bank of International Settlement (BIS) ở Basel bên Thuỵ Sĩ nhằm có thể làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn dược tại châu Âu. Khi tin này lộ ra thì không có cách nào chở vàng đi bằng đường hàng không thương mại được nữa.

Bởi vậy đã có những sắp xếp tiếp theo để chuyển nó sang tài khoản (của VN cộng hoà - NV) tại Ngân hàng Dự trữ liên bang New York (Federal Reserve Bank of New York).

Chẳng may, đang khi có sự chậm trễ về phía Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm nguồn bảo hiểm (cho việc chuyên chở số vàng) thì tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra đi. Ông phó thủ tướng (Nguyễn Văn Hảo) và tổng trưởng tài chính đã không xin được phép của tân tổng thống (Trần Văn Hương) để chuyển số vàng này đi...”.


(Nguồn: Khi đồng minh tháo chạy, Nguyễn Tiến Hưng)

TUỔI TRẺ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VÀNG ĐỔI CHỦ


Kế hoạch chuyển 16 tấn vàng ra khỏi VN đã không thành. Chiếc máy bay của không quân Mỹ cất cánh từ Tân Sơn Nhất quay lại căn cứ Clark (Philippines) ngày 27-4 hoàn toàn trống rỗng. Đó cũng là lúc quân giải phóng tiến sát Sài Gòn.

“Tôi đến đây vì 16 tấn vàng...”
Khoảng 8g ngày 30-4, những chiếc xe tăng T54 đầu tiên thuộc lữ đoàn 203 của quân giải phóng lao nhanh về hướng cầu Sài Gòn.

Cùng lúc đó, tổng thống Dương Văn Minh (lên nắm quyền thay ông Trần Văn Hương ngày 28-4), phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, thủ tướng Vũ Văn Mẫu, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, tổng trưởng thông tin Lý Quí Chung cùng những người thuộc “nhóm ông Minh” và lực lượng thứ ba đang có mặt đông đủ tại phủ thủ tướng (số 7 Lê Duẩn hiện nay). Công việc quan trọng nhất của ông Minh và cộng sự lúc này là soạn thảo và thu âm lời tuyên bố về việc ngưng bắn, chờ bàn giao chính quyền cho chính phủ cách mạng.

Trong khi thủ tướng Vũ Văn Mẫu đang thảo lời tuyên bố nói trên thì có một nhân vật xuất hiện. Đó là tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Hảo. Ông Hảo là phó thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ của chính phủ Nguyễn Bá Cẩn, nên khi ông Minh lên làm tổng thống, ông Hảo sẽ không còn quyền hành chức trách nữa. Vậy ông đến đây để làm gì? Dân biểu Nguyễn Văn Binh (có mặt tại phủ thủ tướng và dinh Độc Lập ngày 30-4-1975) kể lại với Tuổi Trẻ vào tháng 4-1995:

“...Lúc đó tôi đang trò chuyện với tổng thống Dương Văn Minh. Cuộc trò chuyện phải tạm dừng vì có người cần gặp tôi ngoài cổng. Đó là tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo. Ông Hảo lúc đó đang phân bua gì đó với tốp lính gác. Thấy tôi bước ra, ông Hảo liền nói:
- Anh Binh, tôi cần gặp đại tướng có chuyện quan trọng, liên quan đến khoản tài sản lớn của quốc gia.
- Tài sản gì?
- Vàng! Tôi đến đây vì chuyện đó...
Tôi đưa ông Hảo vào gặp tổng thống Dương Văn Minh và tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Diệp. Sau đó, ông Hảo và ông Diệp trao đổi khá lâu về chuyện 16 tấn vàng mà ông Hảo biết rất rõ”.

9g30, đoàn xe đưa ông Dương Văn Minh và cộng sự từ phủ thủ tướng về dinh Độc Lập. Ông Nguyễn Văn Hảo cũng đi theo.

Gần hai tiếng đồng hồ sau, xe tăng quân giải phóng tiến vào sân dinh. Ông Minh, ông Huyền, ông Mẫu, ông Binh và hơn 10 người khác (kể cả ông Nguyễn Văn Hảo) bị tạm giữ cho đến chiều 2-5-1975, sau khi đại diện Uỷ ban quân quản tuyên bố: “Kể từ giờ phút này, các anh là khách của chúng tôi, các anh sẽ được tự do về nhà sống trong hoà bình”.

Nhưng trước khi được trả tự do vào tối 2-5, ông Nguyễn Văn Hảo cứ đi đi lại lại trong phòng, với “tâm sự” về 16 tấn vàng chưa được ai lưu ý. Khi biết ông Minh, ông Huyền, ông Mẫu được mời lên gặp gỡ riêng với tướng Trần Văn Trà, ông Hảo cũng đã đề nghị được làm việc về một chuyện quan trọng. Cuối cùng, ông Hảo đã được mời lên lầu gặp lãnh đạo Uỷ ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Câu chuyện liên quan đến 16 tấn vàng đã được ông Hảo trình bày chi tiết và đề nghị Uỷ ban quân quản tiến hành tiếp quản và kiểm kê ngay.

Từ trái sang: ông Nguyễn Văn Binh, ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông Dương Văn Minh, ông Nguyễn Văn Hảo (đứng phía sau ông Minh) và ông Vũ Văn Mẫu đang nói chuyện với đại diện quân giải phóng trưa 30-4-1975. (Ảnh do gia đình nhà báo Boris Gallash tặng đại tá chính uỷ Bùi Văn Tùng)
Tiếp quản kho vàng 16 tấn vàng lúc đó nằm ở đâu?

Vẫn nằm ở trụ sở Ngân hàng Quốc gia. Cả hai chi tiết mà Frank Snepp và tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nêu ra trong Cuộc tháo chạy tán loạn và Hồ sơ mật dinh Độc Lập đều thiếu chính xác. Không có chuyện 16 tấn vàng đã được đóng thùng sẵn (chờ chở đi) và lại càng không có chuyện “số vàng ấy nằm ở sân bay khi quân của tướng Dũng tràn vào Tân Sơn Nhất”.

Nó vẫn nằm nguyên vẹn dưới tầng hầm ở số 17 Bến Chương Dương.

Vào chiều 30-4, sau khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và Sài Gòn được giải phóng hoàn toàn, trụ sở Ngân hàng Quốc gia vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các nhân viên ngân hàng và các cảnh sát viên, dưới sự chỉ huy của một thiếu tá. Họ đã không rời vị trí vì nhiệm vụ của họ là bảo vệ an toàn kho tiền và vàng dự trữ, không để nó bị xâm nhập, cướp phá giống như nhiều toà nhà và trụ sở lân cận. Họ giữ vị trí cho đến khi những người lính giải phóng xuất hiện.

Người kể chi tiết đó là ông Hoàng Minh Duyệt, chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia. Là chuẩn uý thuộc lực lượng công an vũ trang, ông Duyệt được điều động vào Tây Ninh, công tác tại đơn vị C282 Q.

“Chúng tôi được giao nhiệm vụ vào tiếp quản các ngân hàng ở Sài Gòn - Gia Định. Chiều tối 30-4, đơn vị chúng tôi vào tới nội thành và tạm trú tại Trường Cao Thắng. Lúc đó trong Trường Cao Thắng có rất đông đồng bào miền Trung di tản cũng tạm trú ở đó. Thoạt đầu bà con rất sợ chúng tôi (chắc do tin đồn Việt cộng sẽ “tắm máu”), nhiều thiếu niên bỏ trốn khi chúng tôi vào. Nhưng rồi tối đó, chúng tôi cùng đồng bào trò chuyện ca hát suốt đêm...

Sáng 1-5, theo phân công, đơn vị chúng tôi đến trụ sở Ngân hàng Quốc gia số 17 Bến Chương Dương. Trước cửa trụ sở lúc đó ngổn ngang súng ống, quần áo, đồ đạc nhà binh. Chúng tôi tiến vào bên trong ngân hàng. Các nhân viên bảo vệ ngân hàng vẫn còn đó, kể cả viên thiếu tá cảnh sát.

Chúng tôi cho họ về nhà và triển khai đội hình bảo vệ toà nhà. Lúc ấy, thú thật là chúng tôi không hề biết trong đó có 16 tấn vàng, chỉ biết đây là mục tiêu cần bảo vệ nghiêm ngặt trong những ngày đầu giải phóng. Tôi cũng không biết ông Nguyễn Văn Hảo là ai, nhưng chúng tôi được lệnh của cấp trên là phải cử hai chiến sĩ đi bảo vệ ông Hảo. Vào thời gian ấy, tôi thấy ông Hảo thỉnh thoảng có đến ngân hàng làm việc gì đó.

Tôi chỉ biết được tầng hầm chứa vàng ở đây khi tham gia nhóm kiểm kê. Nhóm kiểm kê lúc đó có tôi, anh Lân và anh em trong đơn vị; về phía Ban kinh tài có anh Huỳnh Kỳ Thanh, cô Tiếp... Về phía Ngân hàng Quốc gia có hai anh viên chức cũ ở đây là anh Huỳnh Bửu Sơn và anh Lê Minh Kiêm.

Tầng hầm chứa vàng sáng choang, khá rộng, rộng đến mức có thể... đá bóng được. Tiền và vàng được cất giữ trong những tủ sắt đặt trong các hầm. Mỗi cửa hầm đều có ổ khoá riêng, sau lớp cửa đó là cửa hầm tự động với khoá bằng mã số. Lần đầu tiên tôi thấy vàng nhiều như thế, thấy được những thỏi vàng như thế.

Tôi thò tay định cầm thử một thỏi lên, anh Huỳnh Bửu Sơn thấy vậy phì cười: “Không lấy thế thì khó mà nhấc được”. Quả thật, một thỏi vàng coi nhỏ vậy mà nặng khoảng 13kg. Tôi lại thấy nhiều loại đồng tiền vàng rất đẹp, rất lạ và nghe nói rất quí, cả những cúc áo bằng vàng thật độc đáo.

Chúng tôi nhìn rất thích nhưng chẳng ai “xơ múi” dù chỉ một đồng tiền vàng. Mà thật ra không ai trong chúng tôi có ý nghĩ gì bậy bạ, bởi mọi người đều rất vô tư và trong sáng. Cả những anh em viên chức cũ của ngân hàng cũng vậy, như anh Huỳnh Bửu Sơn chẳng hạn. Tôi và Sơn lúc ấy còn rất trẻ và cùng lứa tuổi với nhau.

Chỉ cách đó vài hôm, chúng tôi là hai người thuộc hai chế độ khác nhau, còn bây giờ chúng tôi hay ngồi đánh cờ và tâm sự với nhau trong hoà bình... Sơn nói: “Mình sẽ không ra đi, mình ở lại VN và góp chút sức mình cho xứ sở...”.

Chúng tôi lúc ấy ngồi trên một đống vàng, nhưng những khao khát xen lẫn suy tư về ngày mai còn nặng hơn số vàng 16 tấn kia”.
---------------------------
Ông Hoàng Minh Duyệt đã nhắc đến ông Huỳnh Bửu Sơn, người quản lý kho vàng nhiều năm với tư cách là lãnh đạo Nha phát hành Ngân hàng Quốc gia. Trong số báo tới, chúng ta sẽ nghe câu chuyện và tâm sự của ông Huỳnh Bửu Sơn trong những ngày đó, cũng như chi tiết về cuộc kiểm kê kho vàng lần cuối cùng trước khi giao cho chính quyền cách mạng.

TUỔI TRẺ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGƯỜI GIỮ CHÌA KHOÁ KHO VÀNG


Người giữ chìa khoá kho vàng lúc đó là ông Huỳnh Bửu Sơn - làm việc trong ban lãnh đạo Nha Phát hành Ngân hàng Quốc gia. Dưới đây là hồi ức của ông về cuộc kiểm kê kho vàng lần cuối cùng trước khi bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Khi lịch sử sang trang Sài Gòn ngày 30-4-1975. Đó là những giờ phút mà sau này tôi mới thấy hết ý nghĩa trọng đại của nó đối với lịch sử dân tộc, nhưng vào lúc đó tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng.

Những ngày đầu tháng 5-1975, tôi vào trình diện tại Ngân hàng Quốc gia ở 17 Bến Chương Dương cùng các đồng nghiệp khác, chỉ thiếu vắng một vài người.

Chúng tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày mọi người đều phải có mặt tại cơ quan.

Phải nói đó là những ngày rất thảnh thơi đối với tất cả anh em chúng tôi, hầu hết ở độ tuổi trên dưới ba mươi.

Chúng tôi vui vẻ, yên tâm. Thái độ của các anh cán bộ trong Ban Quân quản rất lịch sự, đúng mực nhưng khá xa cách.

Vào thời điểm đó, nhiều người trong chúng tôi chưa nghĩ đến tương lai như thế nào. Mong muốn của tôi cũng như những người khác vào lúc đó là an ninh trật tự sẽ được vãn hồi, mỗi người sẽ có một vị trí làm việc trong chế độ mới và tiếp tục đóng góp theo khả năng của mình cho xứ sở.

Cuối tháng 5-1975, chúng tôi được lệnh trình diện tập trung đi học tập cải tạo tại Trường nữ trung học Gia Long (bây giờ là Trường Nguyễn Thị Minh Khai).

Nhóm viên chức Ngân hàng Quốc gia được xếp vào mấy tổ, tôi thuộc tổ 32. Trong ba ngày tập trung tại Trường Gia Long, chúng tôi được phục vụ ăn uống khá chu đáo.

Chiều ngày thứ ba, sau khi dùng cơm chiều xong, vào khoảng 6 giờ, loa phóng thanh đọc danh sách những người phải thu dọn đồ đạc và tập trung tại sân cờ nghe lệnh. Tên tôi có trong danh sách đó.

Lúc đó tôi cảm thấy rất lo lắng, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, nhất là khi thấy danh sách người được gọi tên chiếm không đến 10% sĩ số.

Nhưng khi đến tập trung tại sân cờ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe ban chỉ huy trại thông báo là do số người trình diện quá đông nên một số được cho về nhà vào tối đó, hôm sau đến để nhận giấy tờ tuỳ thân và trình diện cơ quan đang công tác, chờ lệnh tập trung mới. Bảy giờ sáng hôm sau, tôi quay trở lại Trường Gia Long, thấy ngôi trường vắng lặng như tờ.

Như vậy là trong đêm trước mọi người đã di chuyển. Một lần nữa số mệnh đã cho tôi ở lại. Tôi đến trình diện tại Ngân hàng Quốc gia và được phân công tác tại Vụ Phát hành và kho quĩ.

Những ngày tiếp theo, Ban Quân quản tổ chức học tập tại chỗ ba ngày cho các viên chức ở lại và cấp giấy chứng nhận học tập cải tạo. Lúc đó, giấy chứng nhận này chính là một lá bùa hộ mệnh.

Sau này, vào cuối tháng tám, khi có lệnh gọi tập trung lần thứ hai cho những người được trả về đợt trước, tôi có đến gặp và hỏi ý kiến anh Ba Sáng, cán bộ Ban Quân quản. Sau khi tham khảo ý kiến Ban Quân quản, anh thông báo cho tôi biết trường hợp của tôi đã được Ban Quân quản xem xét, tôi được bố trí tham gia chiến dịch đổi tiền Sài Gòn cũ và cải tạo tư sản nên không phải đi trình diện học tập tập trung.

Lần kiểm kê cuối cùng

Vào đầu tháng 6-1975, tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia tiến hành kiểm kê kho tiền và vàng của chế độ cũ, các kho tiền và vàng của Ngân hàng Quốc gia thuộc quyền quản lý của Nha Phát hành, nơi tôi làm việc trong ban lãnh đạo từ năm 1970 với tư cách là kiểm soát viên. Anh giám đốc Nha Phát hành đã đi cải tạo tập trung, do đó trong số người còn ở lại chỉ có tôi là người giữ chìa khoá và anh Lê Minh Kiêm - chánh sự vụ - là người giữ mã số của các hầm bạc.

Việc kiểm kê kho tiền và vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên cảm thấy không có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần kiểm kê cuối cùng đối với tôi, kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho chính quyền mới. Tôi không lo âu gì cả vì biết chắc rằng số tiền và vàng nằm trong kho sẽ khớp đúng với sổ sách.

Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân hàng Quốc gia vẫn được chúng tôi quản lý một cách tuyệt đối an toàn.

Cần nói thêm là các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khoá và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn.

Đại diện Ban Quân quản là một cán bộ đứng tuổi, khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong suốt quá trình kiểm kê là một anh bộ đội còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện.

Anh hay nắm tay tôi khi trò chuyện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt - chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia.

Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân hàng Quốc gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất.

Có ba loại vàng thoi: vàng thoi mua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED); vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi - Công ty Montagu; và vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do quan thuế tịch thu từ những người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.

Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998).

Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khoá và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng.

Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi.

Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau...

Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó.

Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho.

Chúng tôi thực hiện công tác kiểm kê trong hai ngày liền. Thật ra công việc cũng khá đơn giản. Số giấy bạc dự trữ giữ trong các thùng bằng gỗ thông được niền bằng đai sắt và niêm chì, mỗi thùng ghi rõ mệnh giá, loại giấy bạc, số lượng.

Do đó chỉ cần kiểm kê số lượng thùng bạc, các chi tiết tương ứng và đối chiếu với sổ sách được điện toán hoá là biết khớp đúng ngay.

Lúc đó, loại giấy bạc mệnh giá cao nhất chỉ có 1.000 đồng, thuộc xêri mới phát hành, có in hình các con thú hoang dã trong rừng rậm Việt Nam.

Ngoài ra vẫn còn tồn kho và tiếp tục phát hành loại giấy bạc nổi tiếng có in hình danh tướng Trần Hưng Đạo, mệnh giá 500 đồng. Tổng giá trị giấy bạc dự trữ trong kho lúc đó (nếu tôi nhớ không lầm) khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi lượng tiền lưu hành tại miền Nam vào thời điểm giải phóng.

Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi đã kiểm kê xong số lượng giấy bạc dự trữ. Việc kiểm kê số vàng chiếm nhiều thời gian hơn vì phải kiểm kê từng thoi vàng một để xem trọng lượng, tuổi vàng và số hiệu có khớp đúng với sổ sách hay không.

Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia.

Bảng kê thoi vàng đựng trong các tủ sắt

Hầm số 3
Tủ số 40: 82 thoi
Tủ số 41: 80 thoi
Tủ số 42: 80 thoi
Tủ số 43: 80 thoi
Tủ số 44: 80 thoi
Tủ số 45: 80 thoi
Tủ số 46: 80 thoi
Tủ số 47: 73 thoi
633 thoi

Hầm số 6
Tủ số 202: 35 thoi
Tủ số 203: 80 thoi
Tủ số 204: 80 thoi
Tủ số 205: 80 thoi
Tủ số 206: 79 thoi
Tủ số 207: 89 thoi
Tủ số 215: 88 thoi
Tủ số 216: 70 thoi
601 thoi

Tổng cộng: 1.234 thoi vàng
(Nguồn: Nha Phát hành, tháng 4-1975)

----------------------------------------------------------------------------------------------
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn - hiện là giám đốc đối ngoại Pepsi Co.VN - Ảnh: T.T.D.

Bài viết của tác giả Huỳnh Bửu Sơn trên tờ Tuổi Trẻ trích đoạn như sau:

“…Những ngày đầu Tháng Năm, 1975, tôi vào trình diện tại Ngân Hàng Quốc Gia ở 17 Bến Chương Dương, thủ đô Sài Gòn cùng các đồng nghiệp khác, chỉ thiếu vắng một vài người. Chúng tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày mọi người đều phải có mặt tại cơ quan.

Lần kiểm kê cuối cùng… Việc kiểm kê kho tiền và vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên cảm thấy không có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần kiểm kê cuối cùng đối với tôi, kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho chính quyền mới. Tôi không lo âu gì cả vì biết chắc rằng số tiền và vàng nằm trong kho sẽ khớp đúng với sổ sách.

Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân Hàng Quốc Gia vẫn được chúng tôi quản lý một cách tuyệt đối an toàn. Cần nói thêm là các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khoá và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn.

Đại diện Ban Quân Quản là một cán bộ đứng tuổi, khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong suốt quá trình kiểm kê là một anh bộ đội còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện. Anh hay nắm tay tôi khi trò chuyện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt – chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân Hàng Quốc Gia.

Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân Hàng Quốc Gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất. Có ba loại vàng thoi: vàng thoi mua của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED); vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi – Công ty Montagu; và vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do quan thuế tịch thu từ những người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.

Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khoá và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi.

Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau… Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán (computer) của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho. Kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền và vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách điện toán từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân Hàng Quốc Gia…”

Tác giả Huỳnh Bửu Sơn cũng liệt kê từng tủ và từng hầm kho tàng. Và cuối bài viết, ông ghi: “Tổng cộng: 1.234 thoi vàng.”

TUỔI TRẺ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÍ MẬT 16 TẤN VÀNG
TRONG NGÀY 30.4.1975


16 tấn vàng dự trữ của chế độ cũ cũng được bảo quản nguyên vẹn. Việc tiếp quản các ngân hàng với tiền, vàng còn nguyên vẹn là một chuyện ngoạn mục.

Đầu tháng 3/1975, ông Lữ Minh Châu, khi đó là Phó Ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục, trong vỏ bọc là cán bộ một ngân hàng chính quyền Sài Gòn, được gọi ra căn cứ, ông Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục giao nhiệm vụ: nắm chắc hệ thống ngân hàng của miền Nam, đặc biệt là ngân hàng quốc gia, bộ máy phát hành tiền, kho tiền và kim khí quý… để đón quân giải phóng vào chốt giữ.

Trở vào Sài Gòn, Ban Tài chính đặc biệt ráo riết thực hiện nhiệm vụ được giao, chiến thắng càng đến gần, mọi công việc càng gấp gáp, chiều 30/4/1975, tại ngã tư Bảy Hiền, ông Lữ Minh Châu đón đoàn cán bộ tài chính của Uỷ ban quân quản, phần lớn gồm các đồng chí thuộc Ban Kinh tài của Trung ương Cục do đồng chí Hai Xô làm trưởng ban vào tiếp nhận hệ thống Ngân hàng quốc gia của chính quyền Việt Nam cộng hoà và một số đơn vị quân giải phóng vào làm nhiệm vụ bảo vệ.

Do đã chủ động chuẩn bị trước, nên mọi việc được khá suôn sẻ.Toàn bộ tiền và vàng dự trữ trong ngân hàng được tiếp quản nguyên vẹn cùng với đầy đủ hồ sơ sổ sách. Theo thống kê, thời điểm đó có 615 tỷ đồng tiền mặt lưu thông, 440 tỉ còn lại nằm trong tài khoản tiền gửi.

Trong kho dự trữ còn có 125 tỉ tiền in theo kiểu mới chưa phát hành, số này được lệnh phải thiêu huỷ, vì đó là giấy bạc mà chính quyền Sài Gòn chuẩn bị để đổi tiền nhưng chưa kịp thực hiện.

Cùng với đó 16 tấn vàng dự trữ của chế độ cũ cũng được bảo quản nguyên vẹn. Việc tiếp quản các ngân hàng với tiền, vàng còn nguyên vẹn là một chuyện ngoạn mục.

Đêm 30/4, Ban Quân quản các ngân hàng ra lời kêu gọi tất cả các quan chức, nhân viên các ngân hàng đúng 8h ngày 1/5 có mặt tại 17 Bến Chương Dương, trụ sở Ngân hàng quốc gia của chính quyền cũ. Tại đây, thay mặt Uỷ ban quân quản, ông Lữ Minh Châu công bố lệnh tiếp quản và lệnh cho các ngân hàng ngưng hoạt động.

Đồng thời công bố chính sách của cách mạng sẽ tiếp quản toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ đối nội, đối ngoại của các ngân hàng của chế độ cũ. Trong đó bao gồm cả việc xác nhận nợ, tiếp quản các kho thế chấp, trả lại tiền gửi cho nhân dân và các tổ chức trong ngoài nước. Lúc đó Thống đốc Ngân hàng quốc gia Lê Quang Uyển và một số phó thống đốc, các giám đốc ngân hàng thương mại khu vực Sài Gòn – Gia Định cũng có mặt. Những người có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, bảo vệ tài sản được giữ lại làm việc, anh chị em khác về nhà chờ, khi cần sẽ gọi.

Sau khi tiếp quản, tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương được bàn giao toàn bộ cho Ngân hàng Trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thời, do ông Trần Dương làm Thống đốc. Ông Lữ Minh Châu được chính thức bổ nhiệm trưởng ban tiếp quản hệ thống ngân hàng thương mại khu vực Sài Gòn – Gia Định và Trưởng ban thành lập ngân hàng thành phố Sài Gòn (Sau này là ngân hàng Công thương thành phố).

Dưới sự chỉ huy của Lữ Minh Châu, việc kêu gọi nhân viên ngân hàng chế độ cũ quay lại làm việc cũng như việc kiểm kê đối chiếu sổ sách được tiến hành nhanh chóng. Nhờ đó mà đến ngày 9/5/1975, các ngân hàng đã hoạt động trở lại. Cùng với đó, ông đã tham gia thành lập ngân hàng mới của Chính phủ Cách mạng lâm thời để thực hiện quyền phát hành, quản lý chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng miền Nam vừa giải phóng, tiến tới ngân hàng thống nhất đất nước.

Ngày 6/6/1975, năm tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ Lâm thời cách mạng Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định 04/ PCT – 75 về thành lập Ngân Hàng quốc gia. Việc giữ nguyên tên gọi cũ đã giữ được “chân đứng” cho chúng ta tại các tổ chức tài chính quốc tế, vì “Ngân hàng quốc gia Việt Nam” của chính quyền Sài Gòn là thành viên sáng lập Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và là thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như của Ngân hàng thế giới (WB), giúp ta kế thừa được quan hệ tín dụng quốc tế của ngân hàng cũ. Lúc này tiền gửi của chế độ Việt Nam Cộng hoà ở nước ngoài vẫn còn hơn 100 triệu USD. Lịch sử đã chứng minh tính linh hoạt và đúng đắn của sự kiện này.

-----------------------------
Ông Văn Văn Sáu - trước 30/4/1975, là Giám đốc Nha Tín dụng cho biết:

Ngày 1/5/1975, chúng tôi được triệu tập họp hội nghị quán triệt “Chính sách 10 điểm” của Chính phủ cách mạng lâm thời. Tôi ngạc nhiên thấy có đồng nghiệp cũ, nhưng giờ lại là cán bộ Ban Quân quản ngân hàng trong vị trí hướng dẫn chúng tôi học tập chính trị. Sau này mới biết đó là những cán bộ cách mạng hoạt động bí mật nội đô. Rồi theo chủ trương, Ngân hàng Sài Gòn – Gia Định cũng hoạt động trở lại.

Dạo ấy, tôi không cắt nghĩa được vì sao lại thấy mình cứ ngày một vui hơn mỗi khi đến công sở làm việc. Mãi sau này tôi mới biết chính bởi mình bị cuốn hút vào cái hào khí đất nước được giải phóng, Tổ quốc thống nhất. Thì ra đó là tình cảm dân tộc vốn vẫn chảy trong máu người dân Việt như tôi.

Trong chuyên môn, cán bộ cũ và mới đều dễ tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ đó công việc của tôi ngày một tiến bộ lên. Khi đất nước bước vào đổi mới, tôi và nhiều chuyên gia ngân hàng cũ đã được mời tham gia soạn thảo đề án đổi mới ngân hàng. Riêng tôi được phân công vào Ban soạn thảo Đề án Thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Năm 1991 tôi trở thành Uỷ viên HĐQT Agribank, kiêm Giám đốc Sở II Agribank tại TP Hồ Chí Minh. Ít lâu sau đó, vẫn trong cương vị Uỷ viên HĐQT Agribank, tôi được giao nhiệm vụ Phó giám đốc Ngân hàng Liên doanh VinaSiam, cho đến năm 2001 thì được nghỉ hưu.

VIETNAMNET
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

16 TẤN VÀNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HOÀ-[1]


16 tấn vàng là ngân khoản dự trữ của chính phủ Việt Nam Cộng hoà cất trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam vào thời điểm tháng 4 năm 1975, khoảnh khắc cuối cùng của sự tồn tại của nhà nước Việt Nam Cộng hoà. Số vàng này gồm 1.234 thỏi, nặng khoảng 16 tấn, trị giá 71,658 triệu đô-la Mỹ theo giá vàng vào thời điểm đó.

16 tấn vàng này gắn liền với câu chuyện về tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong giai đoạn cuối cùng của chế độ, người ta đồn rằng Nguyễn Văn Thiệu đã đem theo 16 tấn vàng này khi chạy ra nước ngoài vào năm 1975. Thực ra, việc Nguyễn Văn Thiệu có kế hoạch chuyển 16 tấn vàng này ra nước ngoài (với sự giúp sức của Mỹ) là có thật, nhưng kế hoạch này đã bất thành do ông Thiệu phải từ chức trước khi kế hoạch được thực hiện

Bối cảnh
Vào tháng 3 và tháng 4 năm 1975, các tuyến phòng thủ của Quân lực Việt Nam Cộng hoà liên tục sụp đổ trước cuộc tổng tấn công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ từ chối đề nghị của Chính phủ Mỹ về việc viện trợ quân sự khẩn cấp cho Việt Nam Cộng hoà. Chính quyền này đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.

NHỮNG DỰ ĐỊNH
CỦA CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HOÀ


Kế hoạch dùng 16 tấn vàng để mua vũ khí

Để cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn hay ít ra cũng làm chậm nó, từ đầu tháng 4, khi hy vọng được Mỹ viện trợ khẩn cấp đã gần như không còn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã lập một kế hoạch khác để vay tiền cho Việt Nam Cộng hoà. Ông cử ngoại trưởng Vương Văn Bắc bay sang Ả Rập Xê Út, đề nghị quốc vương Haled tiếp tục đồng ý cho Việt Nam Cộng hoà vay tiền như phụ vương của ông ta (vua Faisal) đã hứa trước khi bị hạ sát. Nhưng để đạt được giải pháp tài chính nhanh hơn nữa, Nguyễn Văn Thiệu cử tổng trưởng kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng ngày 15 tháng 4 bay sang Mỹ để cùng ngoại trưởng Vương Văn Bắc xúc tiến vận động hành lang để vay 3 tỉ USD từ chính phủ Mỹ, với 4 khoản thế chấp là tài nguyên dầu hoả và nông nghiệp của Việt Nam Cộng hoà, số tiền mấy trăm triệu USD mà quốc vương Haled hứa cho vay, và 16 tấn vàng dự trữ đang nằm trong hầm của Ngân hàng Quốc gia ở bến Chương Dương. Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, thư ông Thiệu gửi Tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ có đoạn:

“Tôi trân trọng thỉnh cầu Ngài kêu gọi Quốc hội cho Việt Nam Cộng hoà vay dài hạn 3 tỷ đô la, chia làm ba năm, lãi suất do Quốc hội ấn định, và xin triển hạn 10 năm trước khi trả vốn và lời. Tài nguyên dầu hoả và canh nông của Việt Nam Cộng hoà sẽ dùng làm tiền thế chân cho món nợ này. Món nợ giúp chúng tôi chống xâm lăng và cho chúng tôi cơ hội để tồn tại như một quốc gia tự do.

Cũng từ đầu tháng 4, Nguyễn Tiến Hưng đã đề nghị giải pháp dùng vàng dự trữ để mua vũ khí cho Quân lực Việt Nam Cộng hoà như là “nỗ lực phòng thủ cuối cùng” và đề xuất các phương pháp chuyển tiền ra nước ngoài. Số vàng dự trữ lúc đó còn 16 tấn, trị giá khoảng 220 triệu USD (theo giá vàng lúc đó) được giao cho Thống Đốc Ngân hàng Quốc gia Lê Quang Uyển phụ trách chuyển ra ngoại quốc để thế chấp. Ông Uyển lập tức liên lạc với các hãng hàng không TWA, Pan Am và Hãng bảo hiểm Lloyd’s ở Luân Đôn. Nhưng thông tin bị lộ ra ngoài. Ngày 5 tháng 4, một số tờ báo nước ngoài đã bắt đầu đăng tải những bản tin sốt dẻo đó, với sự ám chỉ về một âm mưu chiếm đoạt của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Các tờ báo lớn có phóng viên thường trú tại Sài Gòn đưa tin “tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chuẩn bị mang 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam”. Không chỉ BBC, AP, mà nhiều tờ báo khác như Los Angeles Times lúc đó cũng đăng tin. Báo chí Việt Nam Cộng hoà cũng đưa tin về sự kiện này. Tờ Chính Luận ngày 16 tháng 4 đăng tuyên bố của phát ngôn viên chính phủ: “Hoàn toàn là tin thất thiệt, đầy ác ý, cố ý bôi lọ”. Và: “Tình trạng loan tin thất thiệt và cố ý bôi lọ của các hãng thông tấn và báo chí ngoại quốc loan đi không phải mới xảy ra mà đã kéo dài từ lâu”.

Kế hoạch chuyển vàng đi Thuỵ Sĩ vì thế đã bị vỡ. Các hãng hàng không và bảo hiểm quốc tế từ chối phi vụ này vì sợ bị dư luận chỉ trích.

Đại sứ Mỹ Graham Martin can thiệp để giúp chuyển vàng đi. Để hy vọng làm tan đi mối nghi ngờ xung quanh vụ việc, Martin thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu gửi vàng vào Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại New York (Federal Reserve Bank of New York), nơi nhiều nước khác cũng gửi tài sản. Nguyễn Văn Thiệu đồng ý.

Ngày 16 tháng 4, đại sứ Martin đã điện về Washington xin một chuyến bay quân sự đặc biệt được bảo hiểm để chở số vàng đó đi New York. Nhưng không quân Mỹ và Ngân hàng dự trữ liên bang New York đã không dễ dàng tìm được hợp đồng bảo hiểm cho một khối tài sản lớn như thế từ một nước đang có chiến tranh. Cuối cùng thì vấn đề bảo hiểm cũng được dàn xếp xong. Sáng ngày 25 tháng 4, một chiếc máy bay quân sự từ căn cứ Clark (Philippines) đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhứt tại Sài Gòn, sẵn sàng bốc 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam “trước 7 giờ sáng ngày 27 tháng 4”.

Kế hoạch chuyển vàng bất thành
Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Xuân Lộc - tuyến phòng thủ cuối cùng cho Sài Gòn, người đưa ra quyết định chuyển vàng ra nước ngoài là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải từ chức do sức ép lớn từ các tướng dưới quyền như Trần Văn Đôn, Cao Văn Viên, thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, bộ trưởng kinh tế Nguyễn Văn Hào. Dù ông Thiệu đã từ chức không còn quyền hành gì, nhưng nhiều người vẫn không muốn sự có mặt của ông tại Sài Gòn trong những ngày căng thẳng đó. Tân tổng thống Trần Văn Hương khuyên ông nên sớm rời khỏi Việt Nam.

Đêm 25 tháng 4, với sự hộ vệ của các nhân viên CIA Mỹ, cùng với cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Văn Thiệu ra đi với tư cách là đặc sứ của Việt Nam Cộng hoà đến Đài Bắc để phúng điếu Tưởng Giới Thạch (qua đời ngày 5 tháng 4). Ông không còn quyền lực gì đối với 16 tấn vàng khi đó vẫn nằm nguyên trong hầm chứa của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Còn dư luận thì vẫn bán tín bán nghi về tin đồn tổng thống mang vàng đi, dù đã có tuyên bố cải chính của chính phủ Việt Nam Cộng hoà ngày 16 tháng 4.

Khi Nguyễn Văn Thiệu hết quyền Tổng thống, những người có thẩm quyền lúc đó đã không chịu làm theo ý ông Thiệu nữa. Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Hảo, cựu phó thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ thời chính phủ Nguyễn Bá Cẩn, lúc đó là người giữ liên lạc giữa chính quyền Sài Gòn và sứ quán Mỹ, hoàn toàn không muốn chuyển 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam.

Trong Hồ sơ mật dinh Độc Lập, tác giả Nguyễn Tiến Hưng viết: Nguyễn Văn Hảo vào gặp tổng thống Trần Văn Hương và doạ rằng: “Nếu tổng thống cho phép chuyển số vàng ấy ra ngoại quốc thì trong trường hợp tướng Minh (tức ông Dương Văn Minh) lên thay, tổng thống sẽ bị lên án là phản quốc!”. Ông Hương đồng ý giữ vàng lại. Sáng ngày 24 tháng 4 (một ngày trước khi ông Thiệu rời Việt Nam), ông Hảo điện cho cố vấn kinh tế đại sứ quán Mỹ Denny Ellerman, nói rằng: tổng thống Trần Văn Hương đã quyết định hoãn vô thời hạn việc chuyển vàng ra khỏi Việt Nam, cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.

Đại sứ Martin bất ngờ trước tin này, nhưng ông không cố gắng thuyết phục tổng thống Hương huỷ bỏ lệnh ấy mà quyết định tạm để vàng ở lại vì nó có thể nâng cao vị thế của chính phủ Việt Nam Cộng hoà khi thương lượng với quân Giải phóng. Ông lệnh cho chiếc máy bay tiếp tục đợi cho đến nửa đêm ngày 27 tháng 4. Trả lời phỏng vấn TS Nguyễn Tiến Hưng ngày 27 tháng 3 năm 1985, Martin kể:

“Vào lúc chót, tôi có nghĩ đến việc liên lạc với người bạn cũ ở Thái Lan là tư lệnh không quân Dhawee Chulasapaya. Sau đó, kêu gọi thêm một số thuỷ quân lục chiến Thái Lan bay qua Sài Gòn để giải phóng số vàng, mang nó đi. Nhưng chỉ nghĩ thế thôi chứ chưa kịp làm gì… Vàng vẫn còn lại ở đó”.

Ngày 27 tháng 1 năm 1976, cựu đại sứ Martin đã giải trình trước Quốc hội Mỹ về chuyện 16 tấn vàng:

"...Những sắp xếp tạm thời đã được thực hiện để chuyển số vàng dự trữ của Việt Nam cộng hoà sang Ngân hàng Bank of International Settlement (BIS) ở Basel bên Thuỵ Sĩ nhằm có thể làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn dược tại châu Âu. Khi tin này lộ ra thì không có cách nào chở vàng đi bằng đường hàng không thương mại được nữa.
“Bởi vậy đã có những sắp xếp tiếp theo để chuyển nó sang tài khoản (của Việt Nam cộng hoà - NV) tại Ngân hàng Dự trữ liên bang ở New York.
“Chẳng may, đang khi có sự chậm trễ về phía Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm nguồn bảo hiểm (cho việc chuyên chở số vàng) thì tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra đi. Ông phó thủ tướng (Nguyễn Văn Hảo) và tổng trưởng tài chính đã không xin được phép của tân tổng thống (Trần Văn Hương) để chuyển số vàng này đi...”.

Tiếp quản sau sự kiện 30 tháng 4
Theo phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ, ngày 2 tháng 5, cựu Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Hảo gặp lãnh đạo Uỷ ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, ông trình bày chi tiết về câu chuyện liên quan đến 16 tấn vàng và đề nghị Uỷ ban quân quản tiến hành tiếp quản và kiểm kê ngay.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, ông Hoàng Minh Duyệt, chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, nói về những nhân viên bảo vệ ngân hàng của chế độ cũ “đã không rời vị trí vì nhiệm vụ của họ là bảo vệ an toàn kho tiền và vàng dự trữ, không để nó bị xâm nhập, cướp phá giống như nhiều toà nhà và trụ sở lân cận. Họ giữ vị trí cho đến khi những người lính giải phóng xuất hiện”.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, các ông Huỳnh Bửu Sơn, Lê Minh Kiêm là các nhân chứng trực tiếp bàn giao vàng cho chính quyền mới. Đầu tháng 6 năm 1975, Huỳnh Bửu Sơn - người giữ chìa khoá kho vàng và Lê Minh Kiêm - người giữ mã số của các hầm bạc được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia cùng đơn vị tiếp quản tiến hành kiểm kê các kho tiền và vàng của chế độ cũ. Số tiền và vàng nằm trong kho khớp đúng với sổ sách từng chi tiết nhỏ.

Ông Huỳnh Bửu Sơn kể về cuộc kiểm kê kho vàng lần cuối cùng khi bàn giao cho chính quyền mới: Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14 kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khoá và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi.

Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ XVIII, XIX bởi nhiều quốc gia khác nhau... Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36] ... ›Trang sau »Trang cuối