“Trấn An Hiển Liệt” - Nguyễn tướng quân
Hoàng Bẩy phong lưu, “Vệ Quốc Thần”(1)
Đồi Cấm, đền thờ lưu vạn thuở
Bảo Hà, lễ hội hút muôn dân(2)
Ăn chơi phóng khoáng, dầy mưu lược(3)
Chiến đấu ngoan cường, vẹn nghĩa nhân(4)
Vâng Đức Vua Cha, mà hạ thế(5)
Xá chi lăn lóc chốn phong trần

(1)- Ông Hoàng Bẩy là vị tướng họ Nguyễn. Vào cuối đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740- 1786), giặc phương Bắc tràn sang nước ta cướp phá, giết hại dân lành. Ông tuân lệnh triều đình, đem quân tiến dọc theo sông Hồng lên vùng biên ải dẹp loạn. Ông đã giải phóng được Châu Văn Bàn và củng cố, xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn bảo vên vùng biên cương. Về sau, tướng giặc là Tả Tủ Vàng Pẹt đem quân trở lại xâm lược. Do lực lượng địch quá mạnh, ông bị địch bắt và giết, quẳng xác xuống sông Hồng. Xác ông trôi theo sông, đến Bảo Hà thì dừng lại. Dân chúng vớt xác ông lên, chôn cất và dựng đền thờ để lưu công đức.Sau này, triều Nguyễn tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt”, và cấp sắc phong đền thờ ông là “Thần Vệ Quốc”
(2)- Đền thờ ông Hoàng Bẩy ở chân đồi Cấm, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lao Cai.Lễ hội chính vào ngày 17-7 âm. Hàng năm có hàng vạn người từ khắp nơi về đền Bảo Hà dự lễ và cầu bình an, phúc lộc.
(3)- Để thu phục tầng lớp thổ ty, tù trưởng người dân tộc thiểu số miền núi, tao ra khối đoàn kết thống nhất bảo vệ biên cương, ông đã hoà nhập nếp sống của họ; do đó ông đã sống ăn chơi, tổ tôm, xóc đĩa, đèn bàn,... và thường xuyên có hàng chục thiếu nữ sơn cước bên cạnh’
(4)- Ông Hoàng Bẩy đã hy sinh ngoan cường vì cuộc chiến bảo vệ biên cương đất nước. Mặc dù nức tiếng ăn chơi phong lưu, nhưng ông vẫn thường xuyên khuyên nhủ người dân sống lương thiện, có nhân, có đức để lưu phúc cho con cháu.
(5)- Theo truyền thuyết: Ông Hoàng Bẩy là con Đức Vua Cha. Theo lệnh vua, ông giáng trần, trở thành con thứ 7 trong một gia đình họ Nguyễn và thành tướng của triều Lê.