Ta về thăm chiến trường xưa
em – hoa đào muộn Kỳ Lừa mùa xuân
gió đi để lạnh mưa dầm
người đi để buốt dấu chân trên đường

Đồng Đăng... Ải Khẩu... Bằng Tường...
chợ trời bán bán buôn buôn tít mù
ta đầy một bị ưu tư
giá như cũng bán được như bán hàng

Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan
giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo
A. Q. túm tóc Chí Phèo
để hai bác lính nhà nghèo cùng thua

Nỗi Tô Thị xót xa chưa
giá như đừng biết ngày xưa làm gì
giá như đã chả vô tri
để ta hỏi lối trở về thiên nhiên

Giá như ta chớ gặp em
để không mắc nợ cái duyên Kỳ Cùng
giá như em đã có chồng
để bòng bong khỏi rối lòng người dưng.


Kỷ niệm mười năm mặt trận biên giới
Tháng 2.1979 - tháng 2.1989

Nguyễn Duy kể lại hoàn cảnh ra đời bài thơ:
Năm 1979 biên giới Lạng Sơn có chiến tranh, tôi có mặt ở đó từ những ngày đầu tiên và một trong những người rút lui cuối cùng khỏi mặt trận Lạng Sơn. Rồi đến năm 1989, kỷ niệm 10 chiến thắng biên giới tôi được mới trở về dự lễ kỷ niệm ấy. Lúc đó tôi thấy trên đống gạch đổ nát ngày xưa đã mọc lên những quán xá, người Việt người Hoa ngồi uống rượu nhậu nhoẹt với nhau rất là vui, hàng nông thồ sản được gùi sang Trung Quốc, rồi bia Vạn Lực từ Trung Quốc lại được gùi qua bên này. Lúc đó tôi chạnh nghĩ giá 10 năm trước đừng có đánh nhau, mà cứ nhậu nhoẹt như thế này thì có khi cuộc đời hay hơn. Tôi cứ tiếc mãi. Hồi đó tôi có làm một bài thơ là Lạng Sơn 1989, tặng một cô giáo ở trường Đông Kinh Phố, trong tổ giáo viên chốt trụ lại trường khi xảy ra chiến tranh và khi chúng tôi rút lui thì cũng họ rút về xuôi. Tôi hình dung cái cuộc đánh nhau năm 1979 là cuộc đánh nhau của hai anh A.Q và Chí Phèo, mà rồi cuối cùng chả anh nào thắng cả, anh nào cũng thua.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]