Trái mù u trên núi,
Chạy xuống cửa Phan Rang.
Ông đi về ngoài nớ,
Trong lòng tôi chẳng an.
Bao giờ ông trở vô,
Gặp tôi ở giữa đàng.
Nắm tay nói chuyện chơi,
Uống rượu cười nghênh ngang!


Bài thơ này được Phan Khôi chép trong Chương Dân thi thoại, với lời giới thiệu: “Tôi có ông dượng trên là Nguyễn Lâm, ấm sinh, con quan phụ đạo Nguyễn Thành Ý, đi đàng trong về, đọc cho tôi nghe một bài thơ Tống biệt của người bạn ở Bình Thuận: [...] Ông dượng tôi đọc bài ấy cốt để làm trò cười, ý ông cho là thơ gì mà nói như nói chuyện vậy. Bấy giờ tôi còn bé, thấy ông cười cũng cười. Sau tôi mới tỉnh ngộ ra, biết là hay, thì ông Lâm đã chết! Bài ấy mới nghe dường như quê, nhưng tôi đã từng đọc cho mấy tay rành thơ nghe, ai cũng chịu. Hai câu đầu là thể hứng, mà cái ý hứng rất kỳ! Câu thứ sáu trông lại gặp nhau mà ba chữ ‘ở giữa đàng’ thì lại có cái biệt thú. Toàn bài nhất khí quán hạ, thật cũng có cái cảnh tượng ‘trái mù u trên núi chảy xuống cửa Phan Rang’!”

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]