Nhà thơ Pushkin từng nhiều lần tham gia các cuộc đấu súng và trong lần cuối cùng, ông bỏ mạng trước người bị đồn là nhân tình của vợ.

Alexander Pushkin sinh năm 1799 tại Moskva trong gia đình có dòng dõi quý tộc. Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, được tôn vinh là đại thi hào hay mặt trời thi ca Nga.

Trong suốt cuộc đời, ông đã tham gia vào nhiều cuộc đọ súng tay đôi. Dù nằm ngoài vòng pháp luật, những cuộc đấu này rất phổ biến trong thời đại ông sống.

Nhà triết học Mikhail Seleznyov từng viết trong cuốn tiểu sử về Pushkin rằng đại thi hào Nga đã trải qua 26 cuộc đấu súng. Tuy nhiên, các nhà sử học chỉ có thể xác thực 5 cuộc đấu tay đôi như vậy. Trong hầu hết trường hợp, Pushkin và đối thủ làm hoà hoặc bắn trượt và sau đó huỷ cuộc đọ sức. Tuy nhiên, cuộc đấu súng năm 1836 đã kết thúc bằng bi kịch.

Nguồn gốc cuộc đấu tay đôi cuối cùng của Pushkin bắt nguồn từ những tin đồn rằng vợ ông, Natalia Goncharova, đã ngoại tình. Tháng 11/1836, một bài viết nặc danh được lan truyền, nói rằng Pushkin “bị cắm sừng”. Pushkin tin sĩ quan người Pháp Georges d’Anthès là người vợ ông đã lén lút hẹn hò.

Pushkin gặp Natalia vào năm 1828 khi bà 16 tuổi. Bà là một trong những người đẹp có tiếng tăm ở Nga. Sau nhiều do dự, Natalia đã chấp nhận lời cầu hôn của Pushkin vào tháng 4/1830 và hai người kết hôn năm 1831.

Georges d’Anthès, sinh năm 1812, vốn là sĩ quan kỵ binh dưới thời Vua Pháp Charles X. Ông xuất ngũ khi quốc vương bị lật đổ. Sau khi chính phủ Pháp cho phép d’Anthès phục vụ trong quân đội nước ngoài mà không bị mất quốc tịch, ông đến Nga, gia nhập lực lượng cận vệ kỵ binh bảo vệ Hoàng hậu. Việc d’Anthès có mối quan hệ họ hàng với thành viên hoàng tộc Nga và vẻ điển trai đã giúp sĩ quan tiếp cận giới thượng lưu St. Petersburg, nơi khi đó là thủ đô Đế quốc Nga.

https://www.thivien.net/attachment/jnnA2E5s3hbJ0ffTZK6RTA.1688711603.jpg
Georges d’Anthès, người bị đồn là nhân tình của vợ Pushkin

Để bảo vệ danh dự trước những tin đồn, Pushkin đã thách thức d’Anthès đấu súng sinh tử cùng ông. Tuy nhiên, d’Anthès đã sớm cầu hôn Ekaterina Goncharova, chị của vợ Pushkin. Cả hai trở thành họ hàng nên nhà thơ phải huỷ bỏ lời thách đấu.

Nhưng tin đồn lan truyền trở lại sau đám cưới. Sĩ quan người Pháp được cho là cưới Ekaterina để lấp liếm mối quan hệ với Natalia. Lần này, Pushkin nghĩ rằng chúng đến từ Nam tước Jacob van Heeckeren, đại sứ Hà Lan tại Nga, cha nuôi của d’Anthès.

Ông đã viết cho Heeckeren một bức thư với nhiều lời lẽ chỉ trích. Bức thư này khiến đại sứ và con trai nuôi ông tức giận. Heeckeren tuyên bố rằng lời thách đấu ban đầu vẫn còn hiệu lực.

Cuộc đấu súng diễn ra tại Chernaya Rechka, ngoại ô St. Petersburg và có những điều khoản rất khắc nghiệt. Ở các nước châu Âu khác, những người tham gia đấu súng tay đôi thường bắn ở khoảng cách 25-30 bước chân, nhưng trong trường hợp này, khoảng cách chỉ là 10 bước. Người bắn trước sẽ phải đứng im khi đến lượt đối thủ đáp trả.

D’Anthès nổ súng trước và khiến Pushkin bị thương nặng ở bụng. Pushkin ngã xuống đất nhưng vẫn kịp bắn về phía đối thủ, sượt qua tay phải của d’Anthès. Nhà thơ qua đời hai ngày sau cuộc đấu.

https://www.thivien.net/attachment/d4YbcEpKy5GyHQc2RIeGCQ.1688710016.jpg
Bức vẽ mô tả lại cuộc đấu súng cuối cùng của đại thi hào Nga Alexander Pushkin

Đấu súng tay đôi bị cấm ở Nga nên chúng luôn diễn ra trong bí mật. Hình phạt cho việc tham gia rất nghiêm khắc, thậm chí là cái chết. Khi hấp hối, Pushkin đã cố gắng xin Sa hoàng Nicholas I tha thứ cho người hỗ trợ ông trong cuộc đấu, Konstantin Danzas, thông qua bác sĩ của Sa hoàng. Danzas bị giam hai tháng.

Sa hoàng đã cố gắng chăm sóc gia đình Pushkin sau khi ông qua đời. Nhà vua trả hết nợ cho Pushkin, ra lệnh chi cho gia đình khoản trợ cấp một lần 10.000 ruble, cấp tiền hỗ trợ cho goá phụ Natalia cùng các con gái bà, đồng thời nhận con trai nhà thơ làm hầu cận.

Sa hoàng Nicholas I tước quân hàm của d’Anthès và trục xuất ông khỏi nước Nga. D’Anthès ra đi cùng vợ và 4 người con. Sĩ quan được cho là nói rằng việc phải rời khỏi Nga đã giúp ông có một “sự nghiệp chính trị rực rỡ” khi về Pháp.

Một số người cho rằng Natalia phải chịu trách nhiệm về cái chết của chồng, vì bà không thể hoặc không muốn chấm dứt những tin đồn về mối quan hệ với d’Anthès. Nhà thơ Anna Akhmatova gọi bà là “đồng loã của Heeckeren và con nuôi trong việc thúc đẩy cuộc đấu tay đôi”.

https://www.thivien.net/attachment/Itx-_rHWGOrMg03t7LDy_Q.1688710083.jpg
Chân dung Natalia Goncharova, vợ đại thi hào Nga Pushkin

Sau Thế chiến II, hai bức thư của D’Anthès từ năm 1836 được công bố ở Paris. Trong đó, ông mô tả niềm say đắm với một người con gái là “tuyệt tác đỉnh cao ở St. Petersburg”, viết rằng cô cũng cảm thấy như vậy về ông và chồng cô “ghen tuông dữ dội”. Tuy nhiên, những lá thư cũng nói rằng cô chưa sẵn sàng “phá vỡ cam kết” với chồng mình.

Những bức thư này đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Một số nhà nghiên cứu tin d’Anthès không viết về Natalia, trong khi những người khác cảm thấy ông chỉ đang cố gắng dập tắt tin đồn về mối quan hệ đồng tính luyến ái giữa ông với Nam tước Jacob van Heeckeren.

Vũ Hoàng (theo Russia Beyond)

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]