1. Phiếm đàm về cái tên Xuân Diệu

Nhiều khi tôi cứ nghĩ lẩn thẩn: Xuân Diệu chỉ có thể là... Xuân Diệu.

Cái tên của một con người căn bản là võ đoán. Cha mẹ đặt cho thì cứ đặt vậy chứ nó có chế định gì đến tính cách hay số phận của người ấy đâu. ấy thế rồi dần dần nó thành cái mũ đội lên một đời người, đúng như cách hình dung của Gamzatôp. Người biết sống phải làm vinh danh cho cái tên của mình. Sống sao cho xứng danh. Cứ thế, ngày lại ngày, cái tên lại có một sức chi phối vô hình nào đó với đời sống của người mang tên ấy.

Cũng na ná như thế (na ná thôi!) là bút danh của nhà văn. Nó là yếu tố hoàn toàn nằm ngoài thế giới nghệ thuật của anh ta. Nhưng rồi cùng với thời gian hay cùng với một nguyên nhân quỉ quái nào đó, nó lại trở thành một phần hợp nên cái chỉnh thể nghệ thuật ấy. Không phải chỉ như một cái tem, cái nhãn, cái biển dán lên một kiện hàng, một căn nhà, một khu vườn... người ta có thể bóc đi hay thay thế tuỳ thích. Trái lại, nó thực sự thành một cái gì như là máu thịt, như là hồn vía của một cõi tinh thần mà người ấy để lại. Nó gắn bó đến nỗi: nếu chỉ cần thay đổi cái tên kia đi, thì chúng ta thấy mất mát nhiều lắm, nếu không nói là cái thế giới nghệ thuật kia cơ chừng biến dạng. Thử hình dung tác giả của những bài thơ Mời trầu, Bánh trôi nước, Chơi đu, Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, Thiếu nữ ngủ ngày... lại không có cái tên là Hồ Xuân Hương thì sẽ ra sao nhỉ? Rồi tác giả của cái chùm Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm lại không có tên là Nguyễn Khuyến, tác giả của những Chí Phèo, Sống mòn, Lão Hạc... lại không có tên là Nam Cao, tác giả của Gió lạnh đầu mùa, Dưới bóng hoàng lan, Hai đứa trẻ, Cô hàng xén, Đêm ba mươi, Nắng trong vườn... lại không có tên là Thạch Lam v.v... thì như là không thể hình dung nổi. Nó phải thế, không thể khác thế.

Có qui luật nào đây? Ban đầu cái tên tác giả chỉ như một danh xưng để tránh lẫn lộn. Để xác định chủ quyền của kẻ sáng tạo. Thế rồi nó thành một sinh thể nghệ thuật. Cái tên hùn sức sống vào thế giới nghệ thuật ấy. Đến một ngày kia thì chính thế giới nghệ thuật đó lại đem sức sống cho cái tên. Nói đúng hơn, chúng truyền sức sống cho nhau. Bạn sẽ bảo: do kí ức của người đọc cả thôi. Đúng thế, chính là bởi kí ức vốn ưa những “nhập nhằng” của người đọc mà hình thành một qui luật tiếp nhận oái oăm thế. Qui luật gì vậy? Còn có thể là gì ngoài sự chuyển hoá và đồng hoá giữa Tên và Người, giữa Văn và Người. Nó là dấu hiệu ấu trĩ của trình độ đọc văn chăng? Không. Đó là mối liên hệ tương sinh đẹp đẽ thuộc về cơ chế đồng sáng tạo của người tiếp nhận.

Và câu hỏi của chúng ta: nếu tác giả của những Thơ thơGửi hương cho gió, Phấn thông vàng, Trường ca... lại không phải mang cái tên Xuân Diệu thì sẽ ra sao? Chắc sẽ khó mà hình dung được. Nó sẽ là một sự trái khoáy, thậm chí quái gở vậy.

Tôi cho rằng riêng trường hợp Xuân Diệu, thi sĩ của Tình yêu, thì xem ra cái tên còn như là tiền định nữa. Biết đâu đấy?

Khác với tên người vốn do cha mẹ đặt cho, bút danh nghệ sĩ thường là tự đặt. Dấn thân vào nghiệp bút nghiên, nhiều người vẫn loay hoay tìm cho mình những bút danh ưa thích để gửi gắm những ẩn ý, có lúc như một kí thác thiêng liêng, một tín niệm bí hiểm, có khi lại chỉ là một trò tinh nghịch ngộ nghĩnh. Xuân Diệu không thế. Bút danh Xuân Diệu vốn là tên cúng cơm (đầy đủ là Ngô Xuân Diệu). Đặt cho con trai mình cái tên khai sinh ấy, người cha vốn là ông đồ Nghệ đâu có định tiên liệu xa xôi gì về tương lai của nó. Cho nên, xem chừng cái tên Xuân Diệu thuộc về sự lựa chọn của một duyên nghiệp hơn là của một người cha. Trong đó như chứa sẵn cả cái bản mệnh, cái căn số của một kẻ rồi đây sẽ thành thi sĩ ái tình rồi vậy.

Thì cái lõi của Xuân là Tình. Mùa xuân đối với vạn vật chẳng phải là mùa tình sao? Mà không chỉ là sự qui nạp giản đơn giữa ngôn từ và thực tại như thế không thôi. Chữ xuân vẫn được dùng với rất nhiều nghĩa, mà chẳng biết thật chính xác nghĩa nào có trước nghĩa nào có sau. Ngoài những nghĩa thông dụng chỉ thời gian của trời đất (mùa xuân), thời gian của tuổi người (tuổi xuân), còn nhiều nghĩa liên quan đến “tình sự” của con người. Có khi là chỉ việc ân ái (chúng em việc xuân chưa trải, nhuỵ thắm còn phong - Truyền kì mạn lục), chỉ cái nõn nường của con người (Chơi xuân có biết xuân chăng tá / Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không - Đu, Mười hai bà mụ ghét chi nhau / Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu - Quan thị), có khi lại chỉ lạc thú tình ái (Mặc người mây Sở mưa Tần / Những mình nào biết có xuân là gì - Kiều; Đá kia còn biết xuân già giặn / Chả trách người ta lúc trẻ trung - Vịnh ông Chồng bà chồng). Trong Hán ngữ đại từ điển, thì nghĩa thứ sáu của chữ Xuân là chỉ tình dục nam nữ [2]. Chả biết, ngẫu nhiên được suy thành tiền định hay tiền định thường mang bộ mặt ngẫu nhiên, mà Xuân lại chính là Tình như thế? Ai dám chắc rằng chỉ hoàn toàn là ngẫu nhiên?

Phải chăng thần tình ái đã nhập vào chữ Xuân trong cái tên cha sinh mẹ đẻ của thi sĩ để làm một cuộc đày ải vừa huyền nhiệm vừa bí hiểm đối với hồn thơ này? Phải chăng chữ Xuân kia là một thứ bùa phép vô hình?

*

Nếu chỉ dừng ở đó không thôi, e rằng chỉ thuần là chuyện phiếm.

Cái tên ấy, oái oăm thay, lại cặp với một khía cạnh sâu xa kín khuất khác: con người tự nhiên của Xuân Diệu.

Lí giải một nghệ sĩ, chúng ta thường chỉ chú trọng đến con người xã hội mà ít lưu tâm đến con người tự nhiên. Đành rằng xã hội là bình diện quan trọng. Nhưng con người tự nhiên không phải là không can thiệp rất sâu vào sáng tác của một nghệ sĩ. Mà lắm khi, chính con người tự nhiên bẩm sinh kia mới là nền tảng gốc rễ. Người ta đã nói rất nhiều đến bệnh đồng tính của những nghệ sĩ nổi tiếng. Và thấy ra “căn bệnh” đã chi phối một cách ngấm ngầm cảm xúc và cảm hứng sáng tạo của họ.

Những người gần Xuân Diệu cũng đã nói nhiều về cái “Tình Trai” [3] của ông. Nghĩa là do một cơ cấu tâm thể bẩm sinh thế nào đó mà ở Xuân Diệu không chỉ có khao khát ái tình đối với người khác giới, mà còn có cả khát khao với người cùng giới. Ngoài “tình gái”, còn có cả “tình trai”. Cả hai đều mãnh liệt. Càng về sau, “tình trai” có phần mạnh hơn. Mà trong thực tế, cả hai niềm khát khao này chả mấy khi được đáp ứng. Càng mãnh liệt lại càng vô vọng, càng vô vọng lại càng mãnh liệt. Nên nó thực sự là một bi kịch trong lòng Xuân Diệu. Nghĩa là nó luôn tồn tại trong ông như một cơn khát dai dẳng không chịu lìa bỏ, không chịu buông tha. Lúc nào cũng chì chiết bức xúc. Lúc nào cũng dày vò hành hạ. Về con người đời thường, đó là một thiệt thòi, một đau khổ [4]. Nhưng về con người nghệ sĩ, thật oái oăm, nó lại có vai trò của một tố chất bẩm sinh. Thậm chí, nó là một phương diện - phương diện ngang trái - làm nên tài năng khác thường của Xuân Diệu. Cái nhìn phân tâm học của Phreud cũng đã giúp con người soi sáng hiện tượng này. Những nhu cầu, đòi hỏi mãnh liệt bị dồn nén thành những bức xúc, những ẩn ức bao giờ cũng tìm cách giải toả ở một lĩnh vực nào đó một cách vô thức. Trường hợp một nghệ sĩ, thì nó giải toả trong thế giới huyễn tưởng của cõi sáng tạo. Cách giải toả là thăng hoa trong hưng phấn nghệ thuật. Do nhu cầu giải toả là một cơn khát không bao giờ nguôi ngoai, nên, đương nhiên, nó thành một nguồn trữ lượng không bao giờ vơi cạn dành cho nghệ sĩ. Chính cơn khát ấy đã xui khiến Xuân Diệu của chúng ta tìm đến thơ tình như một giải toả, một thăng hoa vô bờ bến.

Cố nhiên, sẽ thật ngớ ngẩn khi bảo rằng: cứ mang bi kịch này tất trở thành nghệ sĩ.

Thành hay không còn phụ thuộc vào con người xã hội trong anh ta nữa. ở trường hợp Xuân Diệu, thì cái khía cạnh giời đày ấy đã thực sự là một động lực quan trọng. Con người tự nhiên và con người xã hội trong ông đã chuyển hoá và giáo hoá nhau như thế nào đó, để cuối cùng chúng chỉ hiện ra trong cùng một tiếng nói chung, tiếng nói của một hồn thơ dồi dào bao khát khao luyến ái. Phải, dù nguyên uỷ là tình nào - “tình gái” hay “tình trai”- đi nữa, thì khi đã thăng hoa vào nghệ thuật, hoá thân vào những thi phẩm làm say lòng người, nó chỉ có một diện mạo duy nhất đó là niềm luyến ái sôi nổi, mãnh liệt khôn thoả khôn nguôi. Bấy giờ, làm sao phân biệt được. Mà phân biệt để làm gì?

*

Đã nghĩ về chuyện này, không thể không đối diện với những thói thường. Nhiều người cứ sợ đọc văn chớ nên gặp người, chớ nên biết kĩ về người, bởi như thế sẽ có hại cho cả đôi bên. Nhưng trường hợp có hại chỉ xảy ra với ai mà con người thực không đủ sức bảo hành cho phát ngôn của họ thôi, chỉ những ai mà tư cách không đủ sức làm trữ kim cho sáng tác thôi. Còn thì có phương hại gì đâu. Biết thêm về cuộc đời của Xuân Diệu, kể cả những chuyện kín chuyện hở của ông nữa... có ảnh hưởng gì đến tình yêu ta dành cho thơ ông đâu. Thậm chí biết rõ hơn, chúng ta càng thấy thương, thấy quí ông hơn. Sợ thế, là có phần ngây thơ, coi thường người đọc, và cũng chưa thấu triệt khả năng sàng lọc mang tính thanh lọc riêng của tiếp nhận nghệ thuật. Vả lại, không chịu biết tới những điều này thì cũng khó mà lí giải được thấu đáo bao nét độc đáo của thơ Xuân Diệu. Nhà văn Tô Hoài đã có nhận xét rất tri âm về bạn mình: “Xuân Diệu có một tình yêu riêng không bao giờ biết tuổi, từ xa xưa đến giờ vẫn tơ vương, vẫn thanh xuân, vẫn thiết tha.”. Và đã có những lời khuyến cáo thật đáng ghi nhớ đối với người đọc: “Ai yêu thơ Xuân Diệu, hiểu được thơ tình não nùng của Xuân Diệu, không phân biệt trai gái, phải thấu nỗi niềm và duyên nợ của nhà thơ, suốt đời nhớ thương và chờ đợi. Không bao giờ sầu não thất vọng, không bao giờ già, mãi mãi ban đầu.” [5]

Nói vậy, cũng cần dè chừng một khuynh hướng không thật vô tư khi đề cập đến hiện tượng đồng tính ở Xuân Diệu. Gần đây một vài bài báo không giấu được sự thích thú khi khui ra những “bí mật đời tư” kiểu ấy của Xuân Diệu. Lối đưa tin thóc mách cứ như đang “bật mí” chuyện gì động trời lắm. Thực ra, họ đang lấy những chuyện đáng được thông cảm của một con người ra để rao bán. Họ biến những chuyện sâu kín và cả những đau khổ nữa của một thi sĩ đáng kính ra “kiếm chuyện làm quà” để tặng cho thói tò mò của đám độc giả ưu tọc mạch. Họ không giấu được cái giọng khoái chí khi “ngớ người” ra rằng rất nhiều thơ tình Xuân Diệu có gốc từ... tình trai. Làm như là tình trai thì những thi phẩm ái tình ấy chả còn mùi mẽ nghĩa lí gì vậy. Chúng ta cám ơn những bạn hữu của Xuân Diệu đã cho người đọc biết những điều kín khuất, đặng lí giải sâu sắc hơn về văn nghiệp của thi sĩ. Nhưng chúng ta không khỏi đau buồn và xấu hổ khi thấy đây đó những nụ cười khoái trá kiểu như vậy của những kẻ “buôn chuyện”.

Thực ra, đọc Thơ thơGửi hương cho gió làm sao có thể bảo được bài này là tình trai, bài kia là tình gái! Làm sao có thể căn cứ vào tên người được Xuân Diệu đề tặng toàn là đàn ông để khẳng định hàm hồ rằng các thi phẩm ấy là kết quả của những tình yêu đồng tính! Vả lại, cứ cho đó là tình trai đi, thì khát khao luyến ái ấy không phải khát khao của con người hay sao? Khát khao luyến ái dành cho đối tượng nào chẳng là luyến ái. Có gì không chính đáng và lành mạnh đâu! Cái nhìn phi nhân bản, phi nhân văn dễ coi đó là lạc loài, quái gở. Đừng kì thị thế. Người đồng tính cũng là con người. Tình cảm trong lành của họ cũng là tình cảm của người. Đừng vì sự may mắn của mình mà vô tâm với những đồng loại rủi ro. Huống chi, dù xuất phát từ mối luyến ái nào đi nữa, khi nó đã kết tinh thành những tiếng thơ làm say mê người đọc bao thế hệ, thì nó vẫn cứ là những tiếng lòng chân chính đáng được chia sẻ trân trọng.


2. Chữ Tình của Xuân Diệu

Trong đời có khối người mang chữ Xuân trong tên mình. Nhưng mấy ai có cái đời bị cột chặt vào chữ Tình như Xuân Diệu đâu?

Sinh ra là để dành cho thơ Tình, từ lâu, Xuân Diệu đã được người ta phong tặng những danh hiệu xứng đáng: nào hoàng tử của tình yêu, nào ông vua thơ tình, nào đệ nhất tình nhân...! Những danh hiệu được tấn phong kia không chỉ do cao hứng. Trái lại, hoàn toàn có căn cứ ở số lượng và chất lượng, ở tính chất và tinh chất, ở nồng độ và cường độ của tiếng thơ Xuân Diệu viết về tình yêu.
Tôi không định nói lại ở đây những điều đã quá quen ấy.

Và nếu chỉ nói thế không thôi cũng coi như chưa nói gì nhiều về Xuân Diệu vậy.

Tôi muốn đề cập Xuân Diệu ở một bình diện khác: riêng một chữ Tình thôi.

Ban đầu, chữ tình kia là một đặc sản oan trái của con người Xuân Diệu. Về sau, khi đã lâm vào cõi sáng tạo, thì chính chữ tình ấy đã làm nên diện mạo và tầm vóc Xuân Diệu. Nói khác đi chữ tình này đã sáng tạo nên Xuân Diệu. Nó vừa năn nỉ khiêu gợi vừa ngoảnh mặt phụ bạc. Nó biến Xuân Diệu thành vị hoàng tử của vương quốc ái tình, cũng khiến ông luôn bị vây khốn và lưu đày trong vòng ái ân. Nó biến ông thành tình nhân mà cũng thành nạn nhân của tình ái. Nó buộc ông thành thi nhân đồng thời thành triết nhân của tình yêu. Cho nên, nói Xuân Diệu là tù nhân của một chữ Tình có lẽ đầy đủ hơn - tù nhân tự nguyện mà cũng là định mệnh. Như là nghiệp dĩ vậy. Thi sĩ đã đăng quang và đã bị cầm tù trong cùng một chữ tình. Ra ngoài chữ tình, Xuân Diệu không còn thực là Xuân Diệu nữa. Xuân Diệu đánh mất mình. Chỉ có điều cần phải hiểu đầy đủ về chữ tình kia như thế nào thôi. Nhìn nhận về một chữ tình đầy quyền năng đó của thi sĩ chính là điều cốt yếu của bài viết này.

*

Hãy bắt đầu từ Cảm niệm triết học của Xuân Diệu.

Trong sáng tạo nghệ thuật, vẫn có một vấn đề được gọi là Cảm niệm triết học. Đó là quan niệm triết học đã hoá thân vào cảm quan nghệ thuật của người nghệ sĩ. Nó không tồn tại dưới dạng một ý thức triết học hàn lâm, mà là thứ triết học nghiệm sinh, được nảy nở và tồn sinh từ trải nghiệm trong trường đời của kẻ sáng tạo. Nó tồn tại trong nghệ thuật và bằng nghệ thuật. Nó là sự thống nhất cả quan niệm nhân sinh lẫn quan niệm mĩ học của nghệ sĩ. Nếu khía cạnh nhân sinh chủ yếu là quan niệm riêng về hạnh phúc, thì khía cạnh thẩm mĩ lại chủ yếu là quan niệm riêng về cái đẹp. Chúng chuyển hoá sang nhau. Ngòi bút nghệ sĩ chuyển động một phần rất lớn là bởi lực tác động của cảm niệm này. Vì thế, nó là nền móng, là xương cốt của một thế giới nghệ thuật. Nó là phần triết nhân ngay trong con người thi nhân. Bước vào một thế giới nghệ thuật mà chưa khám phá điều đó thì không thể hình dung được thực sự diện mạo độc đáo của nó.

Nhưng cảm niệm triết học của Xuân Diệu không phải là một sản phẩm rơi xuống từ trời. Trái lại, nó được nảy nở và tưới tắm trong thời đại của mình: thời đại Thơ Mới.

Cuộc cách tân hùng hậu trong nghệ thuật của Thơ Mới bắt nguồn từ một cuộc đổi thay vĩ đại trong quan niệm nhân sinh và thẩm mĩ. “Đầu têu” là ý thức cá nhân. Điều này không có gì mới nữa. Tôi sẽ không lí giải sự ra đời của ý thức này. Đó là việc đã được luận giải ở nhiều công trình khác. Có điều là, nói đến ý thức này, nhiều khi chúng ta cứ yên chí với sự chung chung. Đúng là thời đại Thơ Mới là thời đại của cái Tôi. Nhưng điều cốt yếu của cái Ta và cái Tôi là gì? Tiếng nói thường trực của chúng là gì? Những câu hỏi ấy không phải lúc nào cũng có những lời đáp cho thật rành mạch. Thực tế, trong mỗi con người, về căn bản, nếu ý thức cộng đồng là tiếng nói của Bổn phận, thì ý thức cá nhân về căn bản là tiếng nói của Khát vọng. Chúng song hành theo tương quan vừa chuyển hoá, vừa tương tranh nhau. Nếu Bổn phận lấy hi sinh bản thân làm hạnh phúc, thì Khát vọng lấy việc được là mình làm hạnh phúc. Trước đó, trong đời sống tư tưởng của con người Việt Nam, ý thức cá nhân luôn bị che khuất, bị chèn ép đến cớm nắng, còi cọc. Nó èo uột đến tưởng chừng không có. Lúc này, nó trỗi dậy. Nó đòi sống. Đòi được sống và được đi đến tận cùng những quan niệm riêng, những sở trường, những khao khát riêng của mình. Chưa bao giờ như lúc này, người ta mới thấy quí cái nhân thân, nhân dạng, nhân vị và nhất là nhân cách của mình đến thế. Người ta mới thấy tiếc mình, xót mình đến thế. Người ta mới thiết tha với việc được là mình. Mới thấy khuất mình trong bóng tối ngàn năm là vô lí, hoà tan đến mức tan biến vào đám đông không tên là bi kịch, trở thành những phiên bản phi căn cước là đau khổ. Hơn bao giờ hết, khoa học và triết học mới tiếp thu được đã giúp cho người ta nhận thức sâu sắc về cá nhân trước nhân thế, thời thế, và thân thế của mình. Con người thấu rõ hơn bao giờ hết cái hữu hạn, cái mong manh, cái phù du đến tàn nhẫn của nhân sinh. Càng đối diện với sự vô nghĩa của kiếp người, người ta càng muốn gia tăng ý nghĩa cho đời người. Phải làm tròn bổn phận. Nhưng cũng phải thực hiện khát vọng. Không thể đánh mất mình. Phải được là mình. Phải dám là mình. Toàn xã hội cơ hồ bừng tỉnh. Y như cá nhân bây giờ mới được xã hội lần đầu tiên phát hiện. Có thể nói, đó là cuộc trỗi dậy lần thứ nhất của ý thức cá nhân ở xứ ta (sự trỗi dậy thứ hai chính là sau cuộc chiến chống Mỹ - tất nhiên, theo một kiểu khác, một tính chất khác). Theo đó, một quan niệm hạnh phúc mới cũng chính thức nảy sinh: được là mình, được hết mình đó là hạnh phúc. Thơ Mới chính là tiếng nói trữ tình của sự bừng tỉnh đó. Tuy nhiên, không chỉ có niềm hân hoan một bề. Song hành với niềm hoan hỉ, cũng còn bao băn khoăn dằn vặt nữa. Âu đó cũng là qui luật.

Dường như, mỗi một cuộc bùng nổ thực sự về văn hoá đều đánh dấu một sự trưởng thành nào đó trong ý thức cá nhân. Màu sắc cá nhân mỗi thời một khác. Có thể nói sự đồng khởi về ý thức cá nhân bấy giờ cũng là sự bùng nổ của ý thức Trẻ. Nếu coi Thơ Mới là một cuộc cách mạng, thì đó là cuộc Cách mạng Trẻ. Tôi không muốn dùng chữ Tuổi trẻ, vì chữ này không bao hết, do đó có thể gây hiểu lầm.

Người ta thường nhìn sự bùng nổ của Thơ mới chỉ như cuộc giao tranh Mới - Cũ. Động lực làm nên cách mạng là xung đột Mới - Cũ. Điều này là đúng. Tương tranh liên tục giữa Cũ và Mới luôn là một động lực muôn thuở của tiến hoá và tiến bộ. Và bản thân chữ “Thơ Mới” cũng đã chứa đựng ý niệm đó.

Nhưng, tôi muốn nhìn thêm ở khía cạnh khác: xung đột Già - Trẻ.

Đừng vội cho rằng tôi định gây chia rẽ thế hệ. Điều tôi định nói không hẳn là xung đột giữa thế hệ trẻ - thế hệ già, cũng không hẳn tuổi trẻ - tuổi già. Mà xung đột giữa thế giới Trẻ - thế giới Già. Cội nguồn của nó là ý thức trẻ - ý thức già, trìu tượng hơn một chút là: chất trẻ - chất già. Suốt hàng mấy nghìn năm, thời gian vẫn trôi, các thiên niên kỉ vẫn nối đuôi nhau lừng lững trôi qua, mà xã hội hầu như không thay đổi. Tình trạng được Tố Hữu gọi là “không đổi nhưng mà trôi cứ trôi” [6] khiến cho xã hội trở thành già nua, cằn cỗi. Một thế giới già nua trường cửu. Thống ngự toàn xã hội là một hệ ý thức văn hoá thẩm mĩ đã trở nên già cỗi, thủ cựu. Chính nó bóp nghẹt sự phát triển. Chất trẻ, dòng máu trẻ, luồng sinh khí trẻ cứ sớm bị lão hoá, ngưng trệ, tê liệt. Tình trạng phong bế mãn tính. Cuộc tiếp xúc với Phương Tây hồi cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX tạo ra một thời buổi gió Âu mưa Mĩ điên đảo. Nhưng nào ngờ, đó lại là cơ hội ngoài ý muốn của kẻ ngoại xâm. Cái dòng máu và luồng sinh khí trẻ đã tụ thành cái mầm, vốn náu đâu đó, liền hấp thu ngay những dưỡng chất cho mình từ chính những cơn mưa gió điên đảo ấy để tạo nên một sức trẻ cường tráng mà xé toang cái lớp vỏ già nua. Thế là, sức trẻ trong cơ thể dân tộc đã bùng lên xé bỏ lớp vỏ già. Thế giới trẻ giao tranh với thế giới già. Một cuộc cải lão hoàn đồng, một cuộc lột xác. Nhìn bề ngoài cũng có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà, về mặt chủ thể sáng tạo, văn hoá hiện đại được làm nên bởi những người trẻ, phong trào Thơ mới được làm bởi những người trẻ. Nhà thơ Hoàng Hưng xác nhận: “lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, thế hệ trẻ đồng thanh cất cao giọng khẳng định mình trước sự lỗi thời của già nua, thủ cựu. Sức sống tươi mới dài lâu của Thơ Mới là ở đó” [7]. Công chúng của thơ Mới cũng là công chúng trẻ. “Ngày nay người thanh niên Việt Nam đang đi tìm thi nhân của mình như con đi tìm mẹ” - Lưu Trọng Lư hoàn toàn đoan chắc như vậy. Không chỉ chuyện lực lượng. Nhìn sâu hơn vào các bình diện thuộc về bản thể của Thơ Mới, cũng đều thấy rất rõ nó thuộc về Trẻ. Sự khác biệt mười mươi giữa “các cụ ta” và “chúng ta” về thị hiếu thẩm mĩ, về luyến ái quan, về điệu sống... được vạch ra một cách táo tợn trong bài diễn thuyết của Lưu Trọng Lư tại Hội khuyến học Qui nhơn tháng 6-1934, về thực chất, là sự khác biệt giữa ý thức già và ý thức trẻ [8]. Không phải ngẫu nhiên mà phát súng đầu tiên bắn vào thành trì của thơ Cũ, cú mổ chí mạng thứ nhất làm thủng cái vỏ đá vôi của thơ cũ lại chính là bài thơ của Phan Khôi. Bài thơ có tên là Tình Già nhưng kì thực lại nói đến một thứ Tình Trẻ. Nó như một “xúc phạm” đối với điệu cảm xúc già nua. Nó là sự châm ngòi khai chiến của nguồn sống trẻ đầy xung lực với cái thế giới già cỗi lỗi thời.

Cái Tôi cá nhân cá thể của Thơ Mới là tiếng lòng trẻ, nguồn sống trẻ, điệu sống trẻ.

Nhìn tổng thể, Trẻ là động lực cách tân, là mục tiêu cách tân. Về mặt tự nhiên, Trẻ là đại diện cho tiến hoá. Về mặt xã hội, Trẻ là đại diện cho tiến bộ, tức là lực lượng và tinh thần của cải cách và phát triển. Về mặt triết học, trẻ là cái tất sẽ nảy sinh khi cái già đã hoàn mãn - nghĩa là kết thúc chu trình tồn tại của nó. Về mặt thẩm mĩ, lúc này, trẻ là chuẩn mực của cái đẹp. Trẻ là cốt tuỷ của đẹp. Cái đẹp được phát hiện và cảm nhận bởi cái nhìn trẻ. Trẻ là chủ thể (thế hệ thi sĩ trẻ), trẻ là công chúng (lớp trẻ đi tìm thi nhân của mình), trẻ là nội dung (cảm xúc trẻ), trẻ là đối tượng bao trùm (phát hiện vẻ đẹp trẻ, khám phá tinh thần trẻ), trẻ là hình thức (tìm hình thức mới mẻ, làm trẻ những thể loại già nua, làm trẻ ngôn ngữ...) [9]. Trẻ là một phạm trù thẩm mĩ mới. Trẻ là một nội dung văn hoá mới. Trẻ hoá chính là hiện đại hoá.

Thực ra, già - trẻ vốn là xung đột thường hằng trong đời sống một cộng đồng. Nhưng do thời điểm lịch sử, nó lại trở thành một xung đột vĩ đại, có tính thời đại. Về đại cục, nó là xung đột giữa hai thời đại, hai lớp người: thời đại cũ của lớp cựu học và thời đại mới của lớp tân học. Có thể thấy trong mối xung đột thời ấy, có sự dồn nén rất nhiều mâu thuẫn muôn thuở: Cũ - Mới, Lạc hậu - Tân tiến, Cổ hủ - Hiện đại, tuổi Già - tuổi Trẻ... Nói đại cục là vì, nhìn cục bộ có thể thấy ngay trong lớp cựu học không phải không có những mầm trẻ, trong khi giữa lứa tân học lại không hiếm những đầu óc già cỗi thủ cựu. ở đây, tuổi tác cũng không phải là phân biệt tuyệt đối. Bằng chứng là tác giả Phan Khôi, người khai hoả cho cuộc cách mạng trẻ này khi viết Tình già đâu còn là người trẻ tuổi nữa - sinh năm 1887, lúc này ông đã ngoại tứ tuần, thậm chí săm sắp ngũ tuần rồi - cái chính là chất trẻ, hồn trẻ trong họ Phan. Cho nên, cuộc cách mạng này là cuộc trỗi dậy, đồng khởi của nguồn sống trẻ trong lòng dân tộc này, nhằm làm trẻ hoá gương mặt già nua của đất nước nghìn năm.

Phát hiện đáng giá nhất về cá nhân lúc này, hoá ra, là phát hiện về nguồn sống trẻ. Như thế, được làm cá nhân, trước tiên và quan trọng nhất, là được sống trọn vẹn cái chất trẻ của mình. Nguồn sống trẻ đã làm dấy lên trào lưu trẻ. Họ muốn trẻ cho mình và muốn trẻ cho cả giống nòi. Trong xã hội bấy giờ có phong trào “vui vẻ trẻ trung” bị thực dân lợi dụng, bị bẻ lái làm lệch mục tiêu. Nhưng, nhìn toàn cục, trẻ vẫn là tinh thần phục hưng chân chính của thời đại đó.

Quan niệm của Xuân Diệu cũng thuộc về “mẫu số chung “ấy.

Khẳng định thời đại Thơ Mới nói chung và Xuân Diệu nói riêng đã phát hiện ra nguồn trẻ, tuổi trẻ có vẻ như một điều vô lí. Cả loài người và từng con người từ thượng cổ đến giờ, trừ ít người chết yểu, có ai không từng sống quãng tuổi trẻ của đời mình? Rồi cũng đâu có ít những tư tưởng ca ngợi tuổi trẻ, khuyến cáo việc hưởng thụ tuổi trẻ? Nhưng điều ngỡ như vô lí ấy lại là thực tế. Người ta vẫn nói: loài người đã yêu và đã hôn nhau từ hàng ngàn năm nay, nhưng phải đến cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Rodin nhà điêu khắc Pháp thiên tài với hàng loạt bức tượng tình yêu vừa hơ hớ nõn nường vừa thần tiên thanh khiết, mới lần đầu tiên phát hiện ra cái hôn kì diệu đó sao? Cũng như thế Thơ Mới và Xuân Diệu đã phát hiện ra tuổi trẻ bằng một tinh thần nhân văn trước đó hoàn toàn chưa thấy, bằng cái nhìn hoàn toàn mới: cái nhìn cá nhân, cái nhìn trẻ.

Nhưng, đâu mới thực là “tử số riêng” của Xuân Diệu?

Trước hết, có thể thấy cảm niệm triết học của Xuân Diệu là cả một hệ thống khá toàn vẹn và sống động. Xuân Diệu có ham muốn được trình bày công khai thành những tuyên ngôn. Nghĩa là con người triết nhân trong Xuân Diệu cũng có ý muốn “lập thuyết”.

Phát hiện ra tuổi trẻ và dùng tuổi trẻ để đo đếm, định giá tất tật những phương diện thiết cốt của cõi nhân sinh, đó chính là điểm đầu tiên thuộc “tử số riêng” của Xuân Diệu. Tuổi trẻ của đời người ông gọi là Thanh niên: “Thanh niên ơi, người đang ở cùng ta”, gọi là xuân thì: “Ôi! Thanh niên! người mang hết xuân thì / Hình ngực nở, nụ cười tươi, màu tóc láng”. Đối với Xuân Diệu, mất thời trẻ, mất thanh niên là rơi vào cô đơn: “Cô đơn quá, bởi không còn ngươi nữa!”, là mất đi sự sống: “Sự sống đi như hương bỏ hoa chiều”. Thậm chí, mất thanh niên là mất tất cả: “Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”, “Không còn ngươi, thôi cái gì cũng mất /... Người đã mất, thôi cái gì cũng hết”. Xuân Diệu là người hiểu thấu hơn ai hết cái vô giá cũng như giới hạn của tuổi trẻ. Nói Xuân Diệu ca tụng tuổi trẻ, không sai, nhưng không trúng. Mà phải nói là ca tụng Trẻ, hiểu theo nghĩa ca tụng chất trẻ: ý thức trẻ, sức vóc trẻ, vẻ đẹp trẻ, điệu sống trẻ, nguồn sống trẻ [10]. Trẻ là tinh hoa của sự sống, tinh hoa của cuộc đời. Trẻ là hiện thân toàn năng và toàn quyền của sự sống. Trẻ mới làm nên và mới đạt tới hạnh phúc. Nói khác đi, hạnh phúc cá nhân chính là Trẻ. Trẻ là thời hoàng kim của cá thể. Trẻ là cái mệnh giá bao trùm của một kiếp tồn sinh. Trẻ là ngọn lửa nồng nàn nhất. Sống mãnh liệt huy hoàng là trẻ. Sống quẩn quanh le lói là già. Trẻ là đoá hoa kì diệu nhất mà tạo hoá ban cho mỗi người và cõi đời. Tóm lại, về phương diện nhân sinh, trẻ là hạnh phúc; về phương diện thẩm mĩ, trẻ là cái đẹp. Trẻ là hạnh phúc đã đầy, trẻ cũng là vẻ đẹp hoàn hảo.

Tôn vinh trẻ, tôn thờ trẻ, Xuân Diệu thực sự là thi sĩ của hồn trẻ, tuổi trẻ, là triết nhân của tinh thần trẻ, nguồn sống trẻ.

Người ta thường chỉ hiểu tuổi trẻ với cái nghĩa như một quãng đời trẻ trung nhất, sức vóc sung mãn nhất, tinh thần khoẻ khoắn nhất. Đời mỗi cá nhân vốn đã ngắn ngủi, tuổi trẻ lại càng ngắn ngủi hơn. Khát vọng đẹp đẽ nhất của đời người chỉ có thể đạt được khi còn trẻ mà thôi. Xuân Diệu đã hiểu như thế và đã trình bày thành quan niệm trong thi phẩm Vội vàng (xem thêm phần phân tích thi phẩm này ở mục Thẩm bình tác phẩm). Nhưng chính Xuân Diệu cũng đã vượt qua cách hiểu thường tình ấy. Không phải cứ vào độ thành niên thì người ta trẻ. Không phải cứ thể chất cường tráng là trẻ. Cũng không phải cứ tinh thần khoẻ mạnh là trẻ.

Do đào sâu hơn vào bí mật của sự sống, Xuân Diệu có khám phá riêng: hạt nhân của Trẻ là Tình, nhất là ái tình.

Điều này có lôgic của nó.

Cái gì khiến người ta trẻ? Ba yếu tố chính: tuổi tác, sức vóc và khát vọng. Nhưng yếu tố nào sắm vai quyết định? Tuổi tác chăng? cũng cần. Sức vóc chăng? cũng cần. Nhưng cần hơn cả vẫn là Khát vọng. Chính khát vọng làm nên nguồn sống trẻ, điệu sống trẻ. Mang khát khao là trẻ, ngừng khao khát là già. Lửa tâm còn rực cháy, khi ấy người ta trẻ. Và người ta bắt đầu già vào cái lúc tắt lửa lòng. Trẻ đồng nghĩa với Khát vọng là vậy.

Mà khát vọng mãnh liệt nhất, ngọn lửa lòng cháy bỏng nhất của con người khó có thể là gì khác hơn khát vọng tình yêu, ngọn lửa tình yêu. Bởi thế, Tình làm nên Trẻ. Tình yêu là năng lượng trẻ, là nguồn sống trẻ, nguồn sáng trẻ. Tình yêu là sức trẻ, là sắc trẻ. Xuân Diệu đã say sưa trình bày cảm nhận và quan niệm đó của mình: “Rộn tuổi trẻ dưới ánh đèn ngây ngất / Reo ái tình trong nhịp máu phân vân”, “Lòng xuân chín ửng trên đôi má / Thiếu nữ làm duyên đứng mỉm cười.”, “ái tình đem máu lên hoa diện / Thi sĩ đi đâu cũng mỉm cười”... Quãng đời trẻ của con người bắt đầu khi nào? Khi ái tình thức dậy. Sự dậy thì về thân xác đem đến cho cá thể một sức vóc tráng kiện, nhưng cũng dễ chỉ như một chú gà tồ lộc ngộc. Sự dậy thì về tâm hồn mới khiến người ta thành thanh niên. Mà dậy thì tâm hồn là gì nếu không phải là khi “lần đầu rung động nỗi thương yêu” - nghĩa là, những rung động tình ái? Ái tình đốt lên nguồn sống trẻ, khi ấy người ta trẻ. Còn lúc ái tình tắt lặng, ái tình ra đi, ấy là khi nguồn sống trẻ đã rời bỏ ta rồi.

Như thế, phát hiện quan trọng nhất về cá nhân lại chính là phát hiện về tình yêu. Tình yêu là phẩm chất, là tài sản quan trọng nhất của mỗi cá thể, cũng là bản sắc cá nhân. Nếu trong tình yêu anh không được là mình thì tức là chẳng ở đâu anh được là mình. Rút cục, về mặt nhân sinh, hạnh phúc là tình yêu, còn về mặt thẩm mĩ, cái đẹp cũng là tình yêu. Hạt nhân của cái “tử số riêng” trong quan niệm của Xuân Diệu cũng chính là điểm ấy.

Chưa hết. Nếu chỉ dừng ở đấy không thôi, e rằng vẫn chưa đủ nhận chân cái bản nguyên của tình yêu trong quan niệm Xuân Diệu.

Hãy đi vào bản nguyên ấy.

Tôi cho rằng chữ “tình yêu” đương dùng như hiện nay không giúp ta hiểu thật trúng về chữ “tình” của Xuân Diệu. Thứ nhất, chữ tình yêu vừa có xu hướng nới rộng vừa có phần hạn hẹp. Rộng, vì có thể theo cái nghĩa “Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu). Tức là nó nói đến tình yêu nói chung gồm cả tình đôi lứa, tình đồng bào, đồng loại... Hẹp, vì nó chỉ nói được mỗi tình yêu của người khác giới. Còn thứ tình đồng giới, đồng tính ta lại không gọi bằng chữ “tình yêu” này. Thứ hai, chữ tình yêu thường được ta hiểu đậm về tinh thần, nhạt về thể xác (nhất là cùng với nó luôn có một chữ để tách bạch là “tình dục”), và cũng hay có thiên hướng đạo đức hoá - yêu gắn với hành động chăm lo, lam làm, tranh đấu... tỉ như “chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời / chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người” (Nguyễn Đình Thi), “Càng yêu em anh càng hăng say, xây cho nhà cao, cao mãi...” (Phan Huỳnh Điểu). Trong khi đó, tình yêu theo quan niệm Xuân Diệu lại chủ yếu được tô đậm ở hưởng thụ ái ân:“Anh hút nhuỵ của mỗi giờ tình tự” (Giục giã), “Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực / hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài/ Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai / Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt / Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt / Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng / Trong say mê anh sẽ bảo em rằng / Gần chút nữa thế hãy còn xa lắm” (Xa cách)... Đó là một nội dung nhân bản vĩnh viễn của tình yêu.

Nỗ lực nắm bắt Xuân Diệu từng khiến giới nghiên cứu tìm đến chữ “giao cảm”. Phải nói rằng chữ “giao cảm” có một khả năng bao gồm rất rộng. Dung tích của nó chứa được khắp cả các nguồn tình cảm thể hiện ra thành các lĩnh vực hoạt động phong phú của Xuân Diệu. Muốn đầy đủ, phải bao quát Xuân Diệu bằng khái niệm “niềm khát khao giao cảm với đời”. Trong đó, tình yêu được nhìn nhận như là “mối giao cảm kì diệu nhất” [11]. Đây là cách xuất phát từ cái chung để nhận diện cái riêng, thấy cái chung chi phối cái riêng. Ái tình được nhìn nhận là phần bốc nhất trong nguồn rượu giao cảm.

Có thể bổ sung một điểm xuất phát khác: từ cái riêng để nhận diện cái chung. Tôi cho rằng tất cả những nguồn tình cảm khác của Xuân Diệu đều do ái tình rất đặc biệt của ông chi phối.

Tôi muốn trả tình yêu về với bản nguyên của nó: khát khao luyến ái. Phải, luyến ái là cái nghĩa thông thường nhất, nguyên sơ nhất, cốt lõi nhất mà cũng nhân bản nhất. Trường hợp Xuân Diệu, tình ái lại càng là luyến ái. Thứ nhất, chữ luyến ái vẫn giữ được nguyên vẹn tính sắc dục và khuynh hướng thụ hưởng ái ân muôn thuở của ái tình. Thứ hai, chữ luyến ái bao được cả tình gái cả tình trai trong khát khao của thi sĩ này. Và, thứ ba, cũng là điểm đặc biệt hơn cả, ở Xuân Diệu, mọi phương diện tình cảm khác đều có cơ được luyến ái hoá. Chẳng phải vậy sao! Tình bằng hữu thì: “Những bước song song xéo dặm trường / Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương / Họ đi tay yếu trong tay mạnh / Nghe hát ân tình giữa gió sương... Thây kệ thiên đường và địa ngục / Không hề mặc cả, họ yêu nhau.” (Tình trai). Với cuộc đời thì: “Tay ân ái như những làn thân thể / Đã ôm đời vào ngực để mơn ru”. Với quần chúng thì: “Trời ơi, quần chúng quá tình nhân!”. Với thiên nhiên thì: “Buổi chiều hôm ấy đáng muôn hôn / Hôn gió hôn mây với cả hồn / Hôn cái khúc đường, hôn cả bóng / Hàng cây xanh biếc dưới hoàng hôn”. Với sự sống thì: “Ta muốn ôm / Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn; / Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, / Ta muốn say cánh bướm với tình yêu, / Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều / Và non nước, và cây, và cỏ rạng, / Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, / Cho no nê thanh sắc của thời tươi; / - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”... Đó đâu còn là những cách biểu cảm mà ta thường thấy con người vẫn ứng xử trong tình bằng hữu, tình đồng bào, tình yêu thiên nhiên tạo vật. Đó là những cuộc tình tự ái ân. Đó là những cuộc luyến ái. Các luồng tình cảm khác nhau ấy dường như đều hiện lên theo cung cách, trong màu sắc của ái tình. Thật lạ. Nhưng không phải không hiểu được. Hiện tượng “biến tướng” trong cảm xúc ấy ở Xuân Diệu có thể lí giải được bằng một cơ chế tinh thần riêng. Như đã nói, do một cấu trúc tâm thể đặc biệt, ở Xuân Diệu có niềm khao khát nhân đôi. Nó dồi dào, sung mãn gấp bội so với người bình thường. Đồng thời, do khát khao ấy hầu như không được giải toả trên thực tế, nên nó luôn tồn tại như một cơn khát cồn cào đầy tính nhục cảm. Niềm khát khao lạ lùng đó đã chế ngự một cách khá “độc tài, độc đoán” đối với những cảm xúc khác. Nó cuốn phăng các dòng tình cảm khác theo mình, rồi nhuộm phần lớn các cung bậc cảm xúc thành màu luyến ái. Điều này chẳng phải là một nét độc đáo trong thế giới tình cảm của thi sĩ này sao?

Như vậy, Xuân Diệu đã nói lên sâu sắc nhất tinh thần của thời đại cái Tôi khi tôn vinh Trẻ, khi bày tỏ Khát vọng, đặc biệt là bày tỏ niềm khát khao Luyến ái không bờ bến, không mệt mỏi của mình.


3. Luyến ái - Sống - Thơ và Bất tử

Ngoài cái phần nảy nở nhờ dưỡng khí của thời đại, quan niệm của Xuân Diệu vẫn có những phần thuộc vào cái “gen” riêng, không lệ thuộc thời thế. Nó là phần phi thời gian. Và như đã nói, cảm niệm của Xuân Diệu, từ trong chiều sâu của nó, là một hệ thống ràng rịt mà nhất quán. Luyến ái, sống, thơ và bất tử ở thi sĩ này có một mối liên hệ như vậy. Nó nằm ngoài thời gian.

Nghiên cứu nghệ thuật, người ta thấy có thực tế oái oăm: một ám ảnh khiến nhiều nghệ sĩ đã trở thành tài năng lớn là ám ảnh về cái chết, ám ảnh hư vô. Cái chết sẽ chấm dứt mọi kiếp sống, hư vô sẽ làm vô nghĩa mọi đời người. Sáng tạo là cuộc chống trả với hư vô, là cuộc vật lộn với cái chết. Sáng tạo vừa là trải nghiệm hư vô, vừa để vượt thoát cái chết... Xuân Diệu cũng bị ám ảnh bởi cái chết từ rất sớm. Ngay hồi còn là cậu học sinh tiểu học, Xuân Diệu đã day dứt nhiều về cái chết. Cậu thiếu niên ấy luôn thấy cái chết ở phía trước, chờ đợi mình cuối con đường. Nó là cái kết cục phũ phàng không thể né tránh. Đối diện với cái chết, một ham muốn vừa thông thường vừa phi thường trỗi dậy mãnh liệt trong lòng: ham muốn bất tử. Người ta có thể bất tử bằng cách nào? Chỉ có một cách: vượt ra ngoài sự chế định của không gian và thời gian. Nhưng đó là điều bất khả. Người xưa đã cất công tìm thuốc trường sinh, đã bền bỉ tu tiên, đã cẩn trọng ướp xác... mong siêu vượt được thời gian. Nhưng chỉ là ảo tưởng. Trên đà tìm kiếm, Xuân Diệu có nghĩ đến Nguyễn Du. Và một câu Kiều đã đem đến cho chú thiếu niên tài hoa lời mách bảo: “Kiều rằng những đấng tài hoa / Thác là thể phách còn là tinh anh”. Thể phách không thể không tiêu tan. Còn chăng, hoạ chỉ có tinh anh. Vậy là, lối đi vào bất tử đã hé mở trước mắt chàng thi sĩ trẻ tuổi. Chữ “tinh anh” vốn có nghĩa là linh hồn theo quan niệm duy tâm. Xuân Diệu không muốn thế. Thi sĩ cấp cho nó một nghĩa duy vật: tinh anh là tinh hoa của sự sống người. Xuân Diệu cũng không muốn bất tử bằng danh vọng, không muốn lưu lại hậu thế chỉ như một cái tên gắn liền với một công danh giống như quan niệm của người đồng hương thuộc thế kỉ trước:“Làm trai sống ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Xuân Diệu muốn lưu lại tinh hoa của sự sống mình trong hậu thế. Có như thế mới thật là đang được sống với đời, như thế mới thật là bất tử. Xuân Diệu hoàn toàn tin rằng cái chết chỉ hư vô hoá được những gì thuần là thể phách, còn với tinh hoa này, cái chết bất lực. Chỉ có phần tinh hoa của sự sống người mới siêu vượt được thời gian.

Thế nào là sự sống người? Các triết nhân và thi nhân đưa ra những câu trả lời khác nhau. Ai cũng thừa nhận có một sự sống người trong từng cá thể, và lặng lẽ kiếm tìm. Xuân Diệu cũng có những kiếm tìm riêng khi đối diện với cây đàn, ngọn nến và mặt hồ. Đúng là một cây đàn treo trên vách không phải là cây đàn sống. Đàn chỉ sống khi những dây tơ rung lên phát ra những âm giai, tấu lên những bản đàn. Âm giai là sự sống của đàn. Ngọn nến đặt trên bàn không phải là ngọn nến sống. Nến chỉ sống khi nó đang cháy lên để toả sáng. Cháy sáng là sự sống của nến. Mặt hồ lặng sóng không phải mặt hồ sống, đó là mặt hồ ngủ, là “mặt nước thu lờ”. Hồ chỉ sống khi sóng bắt đầu xao xuyến. Sóng là sự sống của hồ.

Sự - sống - người trong mỗi một cá thể cũng thế. Nó là sóng, là lửa sáng, là những âm giai. Người đề cao lao động và đấu tranh cho rằng sự sống người ấy là đấu tranh và lao động [12]. Người đề cao trí tuệ bảo rằng sự sống người ấy là tư duy. Chả thế mà con người đã được định nghĩa là “cây sậy biết tư duy”. Chả thế mà có mệnh đề nổi tiếng: “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”. Còn người đề cao tình cảm thì nhất quyết sóng ấy, lửa ấy, âm giai ấy là cảm xúc. Không xem nhẹ lí trí, tư duy, nhưng Xuân Diệu đề cao tình cảm, cảm xúc. Với Xuân Diệu, cảm xúc là sự - sống - người. Cảm xúc nồng nàn, cao cả, sâu sắc chính là tinh hoa của sự sống người. Cảm xúc như thế chỉ đến với những cá thể nào biết sống mãnh liệt: “Sống toàn tim, toàn trí, sống toàn hồn / Sống toàn thân và thức nhọn giác quan / Và thức cả trong giấc nồng phải ngủ / Sống, tất cả sống, chẳng bao giờ đủ”. Đây đúng là một cương lĩnh của cái thời đại mà cá nhân đang lên tiếng đòi được sống là mình, sống hết mình. Chính nó là nguồn sống trẻ. Chính nó khởi lên cái “nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”.

Nhưng đâu là phần thiết cốt nhất trong cảm xúc của con người?

Câu trả lời của Xuân Diệu: đó chỉ có thể là niềm khát khao luyến ái! Cái âm giai mãnh liệt nhất, ngọn lửa chói sáng nhất, làn sóng sôi động nhất trong cảm xúc cá nhân còn có thể là gì hơn niềm khát khao luyến ái. Bởi thế khát khao luyến ái là phần tinh chất nhất của sự sống người vậy. Sống mãnh liệt chính là yêu mãnh liệt đó thôi! Có như thế ta mới thấy rằng “Bài thơ tuổi nhỏ” của thi sĩ lâu nay chưa được hiểu thật đúng cái nghĩa bề sau bề sâu bề xa [13] của nó. “Làm sao sống được mà không yêu / Không nhớ không thương một kẻ nào?”. Tình yêu không phải là điều kiện sống, mà tình yêu phải là bản chất sống. Làm sao có thể nói được rằng anh đang sống một khi lòng anh không có tình yêu. Yêu là sống, sống là yêu [14]. Thiết tưởng ý thơ kia cũng có giá trị tương đương với mệnh đề: “Tôi yêu vậy tôi tồn tại”. Mệnh đề này chưa được một lần phát biểu ra trực tiếp, nhưng với những ý thơ đó, nó đã thực sự là một tư tưởng triết học ẩn sâu con người nghệ sĩ Xuân Diệu. Chính nó là kim la bàn vừa hữu hình vừa vô hình chi phối cái hành trình tái tạo sự sống bằng thơ của Xuân Diệu. Mang trong mình một tư tưởng triết học có tầm vóc nhân văn như thế, chẳng phải Xuân Diệu rất xứng đáng là một triết nhân của tình yêu hay sao?

Và chúng ta cũng biết chân lí thú vị này: khi người ta là tình nhân thì cũng đồng thời là thi nhân. Khi niềm luyến ái tràn ngập trong lòng, người ta đang sống trạng thái yêu đương, cũng chính là đang sống trạng thái thơ. Mỗi trạng thái ấy là một khoảnh khắc sống. Mỗi trạng thái ấy chính là một mảnh tâm hồn. Xuân Diệu muốn lưu lại hậu thế bằng những mảnh tâm hồn như vậy (chứ không phải chỉ như một cái tên!). Nhưng trạng thái đó cũng dễ tiêu tan một khi cái khoảnh khắc mãnh liệt nhất trôi qua. Muốn giữ được nó, cần phải có cái gì ngưng tụ lại, kết tinh lại. Và cái ấy chính là thơ. Quan niệm thơ của Xuân Diệu cũng hình thành từ những suy nghiệm như thế. Thơ là những trạng thái sống mãnh liệt. Bản thân những trạng thái đó đã là thơ. Việc viết ra những bài thơ chỉ là công đoạn cuối cùng: ngưng kết thơ vào trong ngôn ngữ mà thôi. Mỗi bài thơ sẽ là một mảnh hồn Xuân Diệu lưu lại hậu thế: “Nhưng sách này, tôi để cả trái tim / Giở cho khéo kẻo lòng tôi động vỡ / Hồn người tình mỏng lắm xếp cho êm... Nếu trang giấy có động tình tuyết bạch / ấy là tôi dào dạt với âm thanh / Hồn thắc mắc vẫn đi về với sách / Dưới tay ai xem lại nỗi lòng mình” (Lời thơ vào tập gửi hương). Càng có nhiều thơ hay càng có thể sống mãi cùng hậu thế.

Vậy là sống, luyến ái, thơ và bất tử chẳng những ràng rịt với nhau, mà xem ra, là đồng chất, thậm chí, đồng nghĩa. Trong đó, khát khao luyến ái là cái tia lửa, cái âm giai, cái làn sóng của sự sống người truyền linh hồn cho tất cả. Ta hiểu vì sao Xuân Diệu sống mãnh liệt đến từng khoảnh khắc bằng trái tim “yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ / Phải nói yêu trăm bận đến ngàn lần”. Ta cũng hiểu vì sao chàng thi sĩ này “trong hơi thở chót dâng trời đất / vẫn cứ si tình đến ngất ngư”. Nghĩa là vẫn sống cho đến tận lúc... chết! Và, hiển nhiên là cả sau khi... đã chết.

Chu Văn Sơn

[1] Giới học thuật Việt Nam vẫn dùng chữ Lãng mạn với hai nghĩa: 1) nghĩa rộng, là chỉ toàn bộ thơ của Phong trào Thơ Mới, với nghĩa này, thơ Lãng mạn đồng nghĩa với Thơ Mới; 2) nghĩa hẹp, là chỉ một trường phái thơ, phân biệt với các trường phái khác như Cổ điển, Thi sơn, Tượng trưng, Siêu thực... Chữ Lãng mạn này dùng với nghĩa rộng.
[2] Xem thêm Đào Thái Tôn, Báo Văn Nghệ số Tết, 2- 1998
[3] Đọc thêm Hoàng Cát, Đặng Vương Hưng, và nhất là Tô Hoài trong Cát bụi chân ai, Nxb Tác phẩm mới, Hà nội, 1992.
[4] Hiện nay, trong xã hội chúng ta, vẫn chưa có một quan niệm và cảm thông thật đúng mức dành cho những con người thiệt thòi ấy. Phần đông vẫn còn mang nặng thành kiến.
[5] Tô Hoài, Cát bụi chân ai, Nxb Hội nhà văn, 1992, tr. 176-177
[6] Tố Hữu, Nhớ đồng, Từ ấy, Văn hoá cứu quốc xuất bản, 1946.
[7] Hoàng Hưng, “Về Thơ Mới”, sách Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, NXB Giáo dục, 1994, tr. 58.
[8] “Có một điều chắc chắn là những điều kiện bên ngoài đã biến thiên thì tâm hồn của con người cũng đổi thay. Những sự đau thương, buồn chán, vui mừng, yêu ghét của chúng ta không còn giống như những sự đau thương, buồn chán, vui mừng, yêu ghét của ông cha ta nữa, đó là một sự thật. Các cụ ta xưa sống trong cuộc đời giản dị êm đềm, sinh hoạt dễ dàng, tiếp xúc ít ỏi, nên tâm hồn các cụ cũng đơn sơ, nghèo nàn, phẳng lặng, khô khan như cuộc đời các cụ, gia dĩ văn hoá Tàu tràn sang, đưa đến cho ta những kỉ luật nghiêm khắc, hẹp hòi của Khổng giáo... Các cụ ta chỉ thích cái bóng trăng vàng rọi ở trên mặt nước; ta lại thích cái ánh mặt trời buổi sáng lấp lánh, vui vẻ ở đầu ngọn tre. Các cụ ta ưa màu đỏ choét; ta lại ưa những màu xanh nhạt... các cụ bâng khuâng vì một tiếng trùng đêm khuya; ta lại nao nao vì một tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi; còn ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ chỉ là hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình, muôn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoáng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình chân thật, cái tình mộng ảo, cái tình ngây thơ, cái tình già giặn, cái tình trong giây phút, cái tình thiên thu...”
[9] Nguyễn Xuân Sanh gọi đó là “Nỗi niềm cảm xúc, cung bậc tư duy nghệ thuật thanh xuân”. Ngay cả các thi sĩ đi ra từ lối cũ cũng được trẻ hoá rất nhiều: “Một số thi sĩ của vườn thơ Đường luật, của các mùa thơ cổ điển không phải không có chút phong vị hồi xuân nhân bước tao phùng với những tháng ngày Thơ mới”. Thể loại cũng được làm trẻ, ngôn ngữ cũng được làm trẻ. “Thơ mới tạo ra ngôn ngữ mới. Tiếng Việt trẻ lại với thơ... Tiếng Việt đến thơ Mới đã đổi thịt thay da một lần nữa... Thơ mới đã sáng tạo ra một số thể loại thơ và đã đổi mới, “trẻ hoá” nhiều thể thơ cũ” - Huy Cận, sáu mươi năm sau nhìn lại, đã nghiệm rất rõ như vậy.
[10] Bằng trực cảm, Hoài Thanh cũng đã cảm được rất trúng điều này, khi viết: Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.” (Thi nhân Việt Nam). Tiếc là, ông chưa khái quát, chưa hệ thống và định danh thành nguồn sống Trẻ thôi.
[11] Người đầu tiên đề xuất chữ giao cảm này là nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh. Trong bài “Xuân Diệu và niềm khát khao giao cảm với đời” (Báo Văn nghệ số 29/ 10.7.1985), ông viết: “Thơ Xuân Diệu nói giao cảm đầy đủ hơn là nói yêu”.
[12] Thép Mới có bài viếng Xuân Diệu in trên báo Nhân dân với nhan đề “Là thi sĩ nghĩa là... lao động”.
[13] Chữ dùng của Chế lan Viên.
[14] Sau này nhà văn Nga Valentin Raxputin cũng có tư tưởng gần như thế khi viết cuốn Yêu như là sống.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]