Dưới đây là các bài dịch của Phương Thảo. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 4 trang (32 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

“Hoàng hôn buông, làm nguội dần cái nóng...” (Aleksey Tolstoy): Bản dịch của Phương Thảo

Đêm dần buông ngỡ chừng không thấy được
Trên mặt hồ làn khói nhẹ vòng quanh
Hình bóng em yêu dịu dàng, thân thuộc
Trong ánh chiều vụt hiện trước mắt anh.

Vẫn nụ cười mà anh yêu biết mấy
Vẫn bồng bềnh buông xõa mái tóc em
Và đôi mắt vẫn buồn như buổi ấy
Lặng nhìn anh trong một buổi chiều êm.

Ảnh đại diện

Tại vì sao (Andrey Voznhesenski): Bản dịch của Phương Thảo

Tại vì sao có hai nhà thơ lớn
Những người cố xúy tình yêu muôn đời
Lại không lấp loé như hai khẩu súng?
Thơ kết bạn, thế mà người – than ôi!

Tại vì sao có hai dân tộc lớn
Lạnh lẽo trên bờ vực của chiến tranh
Dưới dưỡng khí mái lều không bền vững?
Người kết bạn, còn đất nước thì không…

Hai đất nước như hai bàn tay nặng
Hai bàn tay sinh ra để cho tình
Lại đi ôm lấy đầu trong khiếp đảm
Quỉ sứ làm gì ở chốn trần gian!

Ảnh đại diện

Xảy ra như vậy (Andrey Voznhesenski): Bản dịch của Phương Thảo

Thơ không phải viết – mà xảy ra như vậy
Giống như tình cảm hay buổi hoàng hôn.
Còn người cùng tham gia – là tâm hồn.
Không phải viết – mà xảy ra như vậy.

Ảnh đại diện

Anh yêu em (Pavel Antokolsky): Bản dịch của Phương Thảo

Anh yêu em, khi trong chuyến tàu xa
Trong ánh sáng phòng màu vàng của lửa
Giống như đuổi bắt, giống như nhảy múa
Xuyên qua anh, em bay trong đêm mờ.

Anh yêu em – đen đi vì ánh sáng
Chiếu vào trán, vào hai gò má cao
Không ở thủ đô – thì đâu đó, khi nào
Nhưng dù sao, cái điều này sẽ đến.

Anh yêu em trong gối chăn nóng bỏng
Trong cái khoảnh khắc tràn ngập thủy chung
Khi những bàn tay quấn chặt và buông
Trong yêu thương những vòng tay câm lặng.

Và anh không thể nào quên em đặng
Vì trên đời có nhà hát, có mưa
Có kỷ niệm, có âm nhạc, có thư…
Và vì tất cả những gì sẽ đến.

Ảnh đại diện

Đoạn kết (Pavel Antokolsky): Bản dịch của Phương Thảo

Tuổi già ơi, chớ buồn, đừng thương hại
Rằng tuổi trẻ ta đã chẳng nghe mi
Giờ mi đã không còn lại chút gì
Và không điều gì còn quay trở lại.

Đừng buồn chán, đừng thương xót đầy vơi
Và kết cục lạ thường đừng hy vọng
Nhưng hãy xem – điểm cuối, đừng tuyệt vọng
Nếu như trong bi kịch có ít hồi.

Đúng năm hồi. Chỉ năm hồi!
Kịch Shakespeare là vậy
Vì sự vĩnh hằng, vì đàn bà con gái
Thanh trường kiếm đâm xuyên qua người
Nhưng kẻ đã chết – kết thúc bằng thắng lợi.

Chỉ có thắng lợi này còn lại.
Chỉ có hy vọng này quay lại.
Bước đường xa đang sửa soạn tuổi già.
Sau tuổi già, tuổi trẻ còn đi mãi.

Ảnh đại diện

Lời chúc rượu (Pavel Antokolsky): Bản dịch của Phương Thảo

Chúng ta sống trên mặt đất màu xanh
Uống rượu hàng đêm, rồi trở về cát bụi
Hãy quan tâm đến những hành tinh
Đừng một thứ gì no nê quá đỗi
Ta rồi sẽ chết trong sương.

Nhưng ta sẽ đi lên trung thực và nhẹ nhàng
Ta nhìn thấy những giấc mơ phiền muộn
Để lại rồi từ chốn xa xăm
Thời tiết của mùa xuân
Sẽ hôn và làm cho hư hỏng
Làm cho lời ta rét cóng.

Sắt kêu cót két. Và nước tuôn ra
Sao lấp lánh. Kêu vù vù dây điện.
Thế là ta lại tưởng
Thế giới là người khổng lồ
Và ta nhẹ nhàng chấp nhận
Tai họa bất kỳ.

Thời gian muôn năm! Con đường muôn năm!
Hãy mạo hiểm. Chớ rụt rè. Chớ tính điều hơn thiệt.
Còn nếu như sẽ chết
Thì hãy coi chừng, chớ hồi sinh!
Còn bài hát của mình?
Còn bài hát một người nào sẽ hát!

Ảnh đại diện

Kho đựng đồ (Pavel Antokolsky): Bản dịch của Phương Thảo

Tưởng nhớ Zoya

Không áo măng-tô, không đùa, không tiền bạc
Chỉ còn lại một cõi lòng câm và điếc.

Khoảng đất trống của anh hay khu vườn
Linh hồn ở lại và nhìn phía sau lưng.

Ở đấy kho chứa những đồ đã bỏ
Mùi hương mùa xuân xuyên vào khe hở.

Anh ở trong kho cùng với linh hồn
Trong lỗ thủng – nhưng anh là của em.

Và em là chiếc bóng của anh ngày trước
Không phải chuyện nghĩ ra trong ngày trời vẩn đục.

Có lẽ là cần ba cuộc đời đem giết
Anh là vậy, như từng yêu em ngày trước.

Ảnh đại diện

Suy nghĩ, suy nghĩ (Agnia Barto): Bản dịch của Phương Thảo

Cậu Vova gàn dở
Cứ ngồi đó đăm đăm
Rồi nhắc bản thân mình:
“Suy nghĩ, Vova, suy nghĩ”.

Khi trèo lên gác nhỏ
Cứ như người gàn dở
Hay khi chạy ra vườn
Cứ nhắc bản thân mình:
“Suy nghĩ, cần suy nghĩ”.

Cậu cho rằng suy nghĩ
Lý trí sẽ khôn lên.

Bé Masa năm tuổi
Hỏi lời khuyên Vova
Nói: bao ngày trôi qua
Thì đầu khôn hơn vậy?

Ảnh đại diện

Tôi rất hay đỏ mặt (Agnia Barto): Bản dịch của Phương Thảo

Tôi rất hay đỏ mặt
Mà không có nguyên nhân
Bà hàng xóm có lần
Hỏi tôi con dao nhíp
Thế mà tôi phân vân
Đứng nhìn và đỏ mặt.

Không phải tôi làm đổ
Lọ mực lên khăn bàn
Nhưng tôi cảm thấy rằng
Không hiểu sao mặt đỏ.

Ngay cả trong giấc ngủ
Ngay cả trong giấc mơ
Có ai hỏi câu gì
Tôi trả lời, mặt đỏ.

Lena Nekrasova
Bảo tôi ngày hôm qua:
-Đỏ mặt là không đẹp
Với lại không thức thời.

Tôi chẳng tranh luận gì
Chỉ đứng và đỏ mặt

Ảnh đại diện

Lady Godiva (Osip Mandelstam): Bản dịch của Phương Thảo

Tôi với vẻ dại dột, ngây thơ thuở gắn mình vào thế giới hoàng gia, quí tộc
Sợ những món hải vị sơn bào và chỉ dám liếc mắt nhìn ngó đội vệ binh
Và tôi cũng không có trách nhiệm với họ dù chỉ một chút hồn mình
Bởi thế tôi không tự hành hạ mình vì dáng hình kẻ khác.

Với vẻ quan trọng ngô nghê tôi chau mày trong chiếc mũ như mũ nhà thờ
Tôi không đứng một mình dưới cột đá hành lang của nhà băng Ai-cập
Và trên sông Nê-va màu vàng chanh, sau tiếng xạc xào của tờ một trăm đồng rúp
Cô gái Digan trước mặt tôi đã không còn nhảy múa nữa bao giờ.

Cảm nhận thấy những trận tử hình, từ tiếng thét gào của thời loạn lạc
Tôi chạy về phía biển Đen, để tìm đến những nàng tiên
Và thế rồi vì những người đẹp thuở ấy, những cô gái châu Âu dịu dàng
Tôi đã chịu đựng biết bao nhiêu là ngượng ngùng cùng đớn đau khó nhọc.

Không hiểu tại vì sao đến tận bây giờ thành phố này vẫn còn thoả mãn
Với những ý nghĩ và tình cảm của tôi theo lề lối cổ xưa?
Thành phố vì những cơn nóng lạnh trở nên càn rỡ hơn hết bao giờ
Với vẻ tự ái đáng rủa nguyền, với vẻ trẻ trung và trống rỗng.

Có phải tại vì tôi đã từng ngắm nhìn trong bức tranh từ thời tôi còn nhỏ
Quí bà Godiva buông tuồng ngồi trên lưng ngựa màu hung(*)
Và tôi thầm vụng, lén lút tự nhắc nhở trong lòng:
"Lady Godiva, vĩnh biệt! Tôi không còn nhớ Lady Godiva nữa..."


Lady Godiva ngồi trên con ngựa màu trắng nhưng trên lưng con ngựa trắng là một tấm thảm trải có màu hung. Có lẽ ý đồ của người hoạ sĩ vẽ tranh là muốn làm nổi bật bàn chân dài trắng muốt của quí bà. Dù sao thì bài thơ này cũng chỉ biết dựa vào bức tranh kia, và tất cả người xem tranh hay người đọc (cả người dịch bài thơ này cũng vậy). Nếu bạn đọc muốn xem bức tranh này thì có thể xem ở từ điển Wikipedia tiếng Việt, mục từ: Lady Godiva: http://vi.wikipedia.org/wiki/Lady_Godiva

Trang trong tổng số 4 trang (32 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối