Trang trong tổng số 10 trang (99 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bếp lửa (Bằng Việt): Hỏi lại về từ "dặc" trong câu "Vẫn vững lòng, bà dặc cháu đinh ninh"

Mong BĐH xem lại câu "Vẫn vững lòng, bà dặc cháu đinh ninh", là "dặn" hay là "dặc" ạ?

Ảnh đại diện

Đỉnh núi (Trần Đăng Khoa): Đối chiếu bài thơ "Đỉnh núi" của Trần Đăng Khoa được trích dẫn trong bài bình của Nguyễn Hữu Quý đăng trên báo Văn Nghệ số 35 +36 (ra ngày 28/9 và 5/9/2009) với bản đăng trên Thi Viện

ĐỈNH NÚI

Ta ngự giữa đỉnh trời
Canh một vùng biên ải
Cho làn sương mong manh
Hóa trường thành vững chãi

Lán buộc vào hoàng hôn
Ráng vàng cùng đến ở
Bao nhiêu là núi non
Ríu rít ngoài cửa sổ

Những mùa đi thăm thẳm
Trong mung lung chiều tà
Có bao chàng trai trẻ
Cứ lặng thinh mà già

Áo lên màu mốc trắng
Tóc đầm đìa sương bay
Lời yêu không muốn ngỏ
E lẫn vào gió mây

Bỗng ngời ngời chóp núi
Em xòe ô thăm ta
Bàng hoàng xô toang cửa
Hóa ra vầng trăng xa…

1998
TRẦN ĐĂNG KHOA
(Bài thơ được trích dẫn kèm lời bình của Nguyễn Hữu Quý đăng trên báo Văn Nghệ số 35 + 36 ra ngày 29/8 và 5/9/2009).
So với bài được đăng trên Thi Viện đã có những thay đổi rất khác ở một số câu từ. Ví dụ ngay khổ đầu, ở câu thứ hai: Bản của Nguyễn Hữu Quý trích dẫn là Canh một vùng biên ải,  còn câu thứ hai cũng của bài thơ này đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 9-1995 và bạn Die Autumn đăng lại ở Thi Viện thì lại là   Cạnh một vùng biên ải. Khổ thứ ba của bài thơ có hai câu cuối  Biết bao chàng lính trẻ / Đã thành ông bố già  mà bạn Die Autumn đăng đến bản do Nguyễn Hữu Quý đăng đã có sự khác biệt rất xa: Có bao chàng lính trẻ / Cứ lặng thinh mà già.  Đến khổ thứ tư, bản bạn Die Autumn đăng có câu cuối là Sợ lẫn vào gió mây còn của Nguyễn Hữu Quý thì là E lẫn vào gió mây . Và khổ cuối cùng của bài thơ, câu thứ ba ở bản của bạn Die Autumn là Bàng hoàng xô tung cửa thì ở bản của Nguyễn Hữu Quý lại là Bàng hoàng xô toang cửa.
ĐN không dám khẳng định ai dẫn đúng "nguyên bản" bài Đỉnh núi của Trần Đăng Khoa, vì một bài đăng từ 1995 trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 5, một bài thì mới đăng "nóng hổi" ngày 5 tháng 9 vừa qua trên tờ Văn Nghệ. Có thể bản "gốc" giống như đã đăng trên Văn nghệ Quân đội còn bản mới (theo Nguyễn Hữu Quý là 1998) đã được nhà thơ Trần Đăng Khoa sửa lại chăng?
Riêng với ĐN thì ĐN thích bản mới đăng trên báo Văn Nghệ số 35 +36 hơn. Hy vọng sẽ có bạn bỏ công tìm thử vì sao có sự khác biệt ( dị bản?) này càng sớm càng tốt.

Ảnh đại diện

Đỉnh núi (Trần Đăng Khoa): Đọc “Đỉnh núi” của Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa làm bài thơ này từ năm 1998 mà tôi cứ ngỡ như thi sĩ nổi tiếng này vừa mới viết xong. Tôi hình dung ra anh đang đứng trên một đỉnh núi nào đó của vùng Cực Bắc Tổ quốc thân yêu, trong màu áo lính biên phòng vừa nheo nheo mắt tủm tỉm cười vừa đọc thơ:
Ta ngự giữa đỉnh trời / Canh một vùng biên ải / Cho làn sương mong manh / Hoá trường thành vững chãi.

Nhân vật trữ tình đã hiện ra ngay từ đầu, rất đàng hoàng, đĩnh đạc: anh lính biên phòng. Và, cũng cần phải khẳng định ngay rằng những người lính mang quân hàm màu lá cây ấy rất trẻ. Trẻ thì mới xưng danh một cách phong độ ngạo nghễ như thế ấy. Ta ngự giữa đỉnh trời. Không phải tôi mà ta; ta có thể là một nhưng cũng có thể là nhiều. Một chiến sĩ hay một đội ngũ, đều đúng cả. Chững chạc. Đàng hoàng. Cái chững chạc đàng hoàng của người biết rõ vị thế và phận sự của mình. Dường như có cả sự ngang tàng hóm hỉnh trong đó. Bởi nó là ngự (cao sang, tự hào) chứ không phải là đứng, đi, ngồi thông thường. Chất lính trẻ đã tràn vào thơ, ùa vào câu chữ một cách hồn nhiên và khéo léo. Chả trách bài thơ trẻ lâu thế, hơn thập kỷ rồi mà nó vẫn roi rói tuổi hai mươi.

Trên đỉnh trời vòi vọi cheo leo ấy, cảnh vật thật nên thơ, thiên nhiên gắn bó bạn bầu với con người, lãng đãng tíu tít bên nhau:
Lán buộc vào hoàng hôn/ Ráng vàng cùng đến ở/ Bao nhiêu là núi non/ Ríu rít ngoài cửa sổ

Cái thực vào cái ảo đã hoà trộn vào nhau, đất trời mênh mông không còn xa xôi nữa mà đó chính là một phần cuộc sống, nói đúng hơn là một phần tâm hồn của chiến sỹ ta. Chính cách thể hiện này gợi ra nhiều liên tưởng đẹp về đất nước, vùng biên, người lính với chiều sâu lung linh của nó.

Tuy nhiên, nếu theo cái đà này cuộc sống vô cùng gian khổ và thiệt thòi của người lính trấn giữ biên ải sẽ bị thi vị hoá. Trần Đăng Khoa biết dừng lại ở đó để rẽ qua một lối khác, tiếp cận đúng và gần hơn với “tình cảnh” của bao người lính biên phòng
Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già.

Hay! Nào có nói gì cụ thể đâu về gian khó thiệt thòi của người lính mà sao những điều đó cứ lặng lẽ thấm vào ta. Ai đã từng bám trụ nơi rừng xanh núi đỏ, góc bể chân trời đã từng biền biệt xa quê hương, xa gia đình mới thấu hết sự thăm thẳm dằng dặc của thời gian, cái mung lung xao xác của không gian. Trong cái thời gian, không gian ấy là những chàng lính trẻ của ta Cứ lặng thinh mà già. Già đến mức lúc nào chẳng hay, lặng lẽ già không mấy người biết rõ. Thủ pháp đối nhau được sử dụng ở đây (các chàng trai vui nhộn trẻ trung đối với sự lặng lẽ âm thầm già đi của người lính). Thử hỏi, trong hoàn cảnh đất nước hoà bình có sự hy sinh nào lớn hơn thế.

Nói đến tuổi trẻ không thể không nói đến tình yêu. Tình yêu đôi lứa trong hoàn cảnh này vẫn là cái gì đó còn xa xôi với người lính. Từ một đúp quay cận cảnh cái gian khổ vất vả của người lính hiện lên rõ hơn Áo lên màu mốc trắng/ Tóc đầm đìa sương bay nên chi Lời yêu không muốn ngỏ/ E lẫn vào gió mây. Nếu nói có nỗi buồn nhè nhẹ giấu vào trong đó cũng chẳng sao. Bởi, bằng tình yêu và trách đối với Tổ quốc họ đã vượt qua gian truân để bảo vệ lãnh thổ, họ chính là một phần của bức trường thành vững chãi của non sông Việt nam.

Khổ kết là sự kết hợp hiệu quả cao giữa lãng mạn và hiện thực, là cách gói – mở bài thơ một cách tài hoa bay bổng:
Bỗng ngời ngời chóp núi/ Em xoè ô thăm ta?/ Bàng hoàng xô toang cửa/ Hoá ra vầng trăng xa…

Không gian chẳng được rộng mở như ban ngày nhưng sự chật hẹp ấy chả ngăn được sự tưởng tượng đẹp đẽ thơ mộng của người lính (cô gái xoè ô tới thăm mình = ước mong tình yêu). Dẫu phải bàng hoàng trước thực tế không như mình nghĩ nhưng tâm hồn người lính vẫn trải rộng theo ánh trăng ngàn. Vầng trăng xa toả sáng núi non bờ cõi cũng là hiện hữu của khát vọng yêu thương trong lòng người lính biên cương.


Lời bình của Nguyễn Hữu Quý. Báo Văn nghệ số 35 + 36 (ra ngày 29/8 và 5/9/2009).
Ảnh đại diện

Bão (Tế Hanh): BÃO

BÃO

Cơn bão nghiêng đêm
Cây gãy cành bay lá
Ta nắm tay em
Cùng qua đường cho khỏi ngã

Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thẳm lại
Nhưng em đã xa xôi
Và cơn bão lòng ta thổi mãi.

  1957
  Tế Hanh


 

Lời bình của MINH QUANG

Chỉ hai câu thơ đầu vỏn vẹn 9 từ mà nhà thơ Tế Hanh đã mô tả được hết “bản chất” của cơn bão. Đây là cơn bão lớn. Cơn bão lớn – mạnh đến độ làm nghiêng cả đêm tối, lệch cả không gian. Sự tàn phá của cơn bão thật ghê gớm  cây gãy cành bay lá.  Sức gió chắc chắn là rất mạnh rồi, phải là gió xoáy và giật trên cấp 12. Lại nữa, phải là tâm bão thì mới đổ gãy cành cây, mới tả tơi của lá. Thiết tưởng mọi cảnh vật, sinh linh khó giữ nguyên hiện trạng và khó có thể “vượt qua “ được trận cuồng phong đó của thiên nhiên
Hai từ  “nghiêng đêm” , nhà thơ sử dụng thật tinh tường, “chân tướng” dữ dằn của cơn bão được phơi bày đến tận cùng. Đất trời như sắp bị đảo lộn – không gian như bị xén vụn bới sự quăng quật của gió giật, bởi âm thanh náo loạn của đổ gãy cây cối. Điều kỳ diệu là trong cơn bão đó, con người lại không bị ngã. Vì sao vậy? Vì con người đã biết “gắn kết” lại với nhau. Hơn thế, đó là sự gắn kết của tình yêu. Tình yêu truyền cho con người thêm sức mạnh  Ta nắm tay em / Cùng qua đường cho khỏi ngã .  Mới hay, đã là sức mạnh của tình yêu thì không có cơn bão nào, hay một trở lực hung hãn nào ngăn phá được!?
Đại từ nhân xưng  “ta”  trong bài thơ chính là chủ thể tình yêu, rất có tâm thế, tự tin, từng trải, giàu kinh nghiệm, rất chủ động  ta  nắm tay em   và cả hai   cùng qua đường , cùng đi về một hướng và hẳn nhiên là phải biết cách đi thì mới   cho khỏi ngã.
Câu thơ nói chuyện vượt qua đường của con người trong cơn bão thôi nhưng ngẫm thật thấm thía bởi hàm ý sâu xa. Nói chuyện đời thường, nói chuyện tình yêu mà toát lên được truyện đại sự.
Trở lại bài thơ. Bão lớn đến cỡ nào rồi cũng phải tan, phải tạnh.  Cơn bão tạnh lâu rồi / Hàng cây xanh thắm lại  cũng là chuyện bình thường của quy luật thiên nhiên. Sau một thời gian, sự tàn phá của bão đã được xóa đi, thay vào đó là sự trường tồn của cảnh vật. Cái sự  cây gãy cành bay lá đã không còn nữa mà là đây   hàng cây xanh thắm lại   như lúc đầu chưa có bão xảy ra. Nghịch lý thay! Cơn bão do thiên nhiên tạo ra đã tan rồi thì “cơn bão lòng của tình yêu” lại trỗi dậy. Câu thơ   Nhưng em đã xa xôi    tiếp theo đem đến cho người đọc một cảm thức mới – một tình huống mới xảy ra là   em đã xa xôi   – em không còn ở  bên ta  (bên anh)- nữa, em đã xa cách  ta  rồi. Từ       nhưng  đặt đầu câu nhằm nhấn mạnh thêm  tính nguyên nhân, tính lý do  của cái sự   em đã  xa xôi . Biết vậy mà người đọc vẫn thấy đột ngột (?!) giữa hai người. Chủ thể tình yêu là  ta  như thốt lên đau xót, từ đây em không còn thuộc về  ta  nữa. Ta không còn có em nữa. Còn lại  ta  đơn chiếc lẻ loi với cơn bão lòng thổi mãi mà không. Một mình  ta  dễ gì vượt qua  cơn bão lòng, cơn bão tình yêu.
Lạ chưa? Cơn bão lòng nghiệm ra còn ghê ghớm hơn cả cơn bão thiên nhiên. Cơn bão thiên nhiên còn có giới hạn thời gian còn  cơn bão lòng ta  cứ thổi mãi, thổi mãi em có biết không?
Bài thơ ra đời năm 1957, thế kỷ trước, nay đọc lại, tưởng như nhà thơ vừa viết xong chưa ráo mực . Tế Hanh – nhà thơ trụ cột một thời của dòng thơ đấu tranh thống nhất đất nước nhà với   Nhớ con sông quê hương,  Bão   cùng rất nhiều bài thơ hay khác của ông đã hóa thân vào tâm hồn dân tộc Việt.


Lời bình của Minh Quang
Đăng trên Báo Văn Nghệ số 35 + 36 (ra ngày 29/8 và 5/9/2009)
Ảnh đại diện

Thuở xanh hai (Lê Đạt): Tình trong từng câu chữ

Đọc bài này cảm động quá. Chả hiểu sao nước mắt cứ vòng quanh dù mình chả có em nào dắt tay đi chơi...
..." Em dắt tay tôi đi chơi
Giữa vườn sao nở sáng
Như tuổi em chưa mười tám
Như ngày nào dĩ vãng
Sống lại dần từng phút quê xưa
Có phải em nhận ra tôi
                     tôi nhận ra thơ nhỏ
Thuở xanh hai
            mình lại ra đời ".

Ảnh đại diện

Âm nhạc (Boris Pasternak): Thêm vài nét tiểu sử

Boris Pasternak trong thi ca Nga Xôviết

Boris Leonidovich Pasternak sinh ở Matxcơva. Cha ông là hoạ sĩ, còn mẹ là một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng. Từ nhỏ ông đã sống trong môi trường nghệ thuật. Ngôi nhà tuổi thơ của ông nhà nơi lui tới của các nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà văn, trong số đó có cả Lev Tolstoi.

Từ năm 13 tuổi cậu bé Pasternak đã say mê âm nhạc bởi chịu ảnh hưởng của nhà soạn nhạc vĩ đại A.N.Skriabin. Thế nhưng năm 1909 ông chia tay với ước vọng sáng tác của mình để nghiên cứu triết học và trở thành sinh viên ngành triết, khoa Lịch sử và Ngữ văn ĐHTH Matxcơva. Để tự hoàn thiện mình trong lĩnh vực triết học ông sang Đức, vào học trường ĐHTH Marburg. Dù có những thành công nhất định trong triết học, nhưng một lần nữa ông lại từ bỏ nó, như đã một lần chia tay với niềm say mê âm nhạc của mình.

Pasternak bắt đầu làm thơ. Năm 1914 tuyển tập đầu tay dưới nhan đề “Sinh đôi trong những đám mây” ra mắt bạn đọc. Thi ca trở thành số phận, thành mảnh đất phát triển tài năng của ông. Trong thi ca đã bao gồm cả những niềm say mê trước kia của ông như âm nhạc và triết học.

Trong một bài thơ tặng Pasternak, A. Akhmatova viết: “Ông được trời cho tuổi thơ vĩnh hằng”. “Tuổi thơ vĩnh hằng” chính là bản chất của nhân cách Pasternak trong thi ca. Ông nhìn cuộc sống bằng đôi mắt mở to, và cuộc sống luôn làm ông kinh ngạc, thán phục với những biểu hiện lôi cuốn tuyệt trần. Giai đoạn đầu trong sáng tác của mình Pasternak viết những dòng thơ cầu kỳ, dành cho một số bạn đọc hạn chế có khả năng đánh giá tài năng của ông. Bước ngoặt lớn đã đến vào giữa thập kỷ 20, khi nhà thơ bắt đầu viết về các đề tài xã hội. Thực chất của sự thay đổi đề tài này đã được Gorky hiểu rất chính xác, trong một bức thư gửi nhà thơ sau khi đọc trường ca “Năm 95” Gorky viết: “Một tác phẩm xuất sắc, nằm trong số những tác phẩm sẽ tồn tại dài lâu. Tôi không giấu ông điều này: Trước cuốn này tôi luôn cảm thấy hơi căng thẳng khi đọc thơ ông, bởi thơ ông quá dày đặc những hình tượng mà đôi khi tôi không hiểu được... Trong “Năm 95” ông viết kiệm lời hơn và dễ hiểu hơn. Ông trở nên kinh điển hơn với tác phẩm này, một tác phẩm tràn đầy cảm hứng mà tôi, như một bạn đọc, có thể tiếp nhận một cách nhanh chóng và dễ dàng”.

Sự phát triển tiếp theo của Pasternak trong thi ca đúng theo con đường mà Gorky đã nhận ra: trở nên “kiệm lời hơn, kinh điển hơn và dễ hiểu hơn”.

Sự nghiệp văn học của Pasternak vô cùng đa dạng. Ông sáng tác những tác phẩm văn xuôi lớn, đạt được sự hoàn thiện trong lĩnh vực dịch thuật, tuy nhiên, thi ca luôn là một phần rất quan trọng trong sáng tác của ông, thể hiện một tài năng lớn khi mô tả những sắc thái tình cảm sâu sắc và tinh tế nhất của con người qua những bức tranh thiên nhiên được viết với tình cảm thiết tha. Pasternak khâm phục mọi vẻ đẹp của cuộc sống và tự nhiên, ông tìm kiếm và cảm nhận vẻ đẹp đó ở khắp nơi.

Ở Việt Nam, Pasternak được biết như một tác giả Nga được giải thưởng Nobel về văn học qua tiểu thuyết “Bác sỹ Zivago” (Доктор Живаго). Nhưng Pasternak, như ở phần trên đã nói, trước hết là một nhà thơ tài năng.


Nguồn:http://nuocnga.net/default.aspx?tabid=327&ID=1357&CateID=217
Ảnh đại diện

Không đề (Boris Pasternak): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Thường ngày lặng lẽ, hay hờn dỗi,
Em giờ như ngọn lửa cháy bừng bừng
Để anh mang nhan sắc em hiếm thấy
Giam vào lâu đài thơ tối tăm.

Em xem này, bóng chập chờn biến đổi
Trong vầng lửa hắt trên chao đèn.
Nhà tồi tàn, đầu tường, rìa cửa sổ
Bóng chúng mình, và dáng anh bên em.

Em ngồi xếp bằng trên ghế đệm
Hai chân thu kiểu Thổ uy nghi
Bất kể dù ngoài sáng hay trong tối
Em thường lý luận kiểu trẻ thơ.

Em xâu chuỗi hạt khi mộng mơ
Từng vốc cườm em để lăn trên váy.
Vẻ mặt em sao buồn, sao quá buồn như vậy
Chuyện em kể cũng thẳng thắn, đơn sơ.

Khi tình yêu bắt đầu, em lúc nào cũng đúng.
Anh sẽ đặt thêm cho em một cái tên.
Nếu em muốn, vì em anh sẽ đổi
Cả thế giới này, mọi từ ngữ thân quen.

Chẳng lẽ vẻ ngoài em ảm đạm,
Xứng với tâm hồn tiềm ẩn bao tình cảm?
Và lớp quặng vàng rọi sáng trái tim?
Vậy vì sao, vì sao mắt em buồn?

Ảnh đại diện

Tâm hồn (Boris Pasternak): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Hồn ta ơi, chứa bao buồn khổ
Về mọi người đang sống quanh ta,
Ngươi đã thành nhà mồ câm lạnh
Bao kiếp đớn đau khắp mọi nhà.

Ướp thân xác họ bằng dầu thơm
Ngươi không quên viết tặng họ thơ,
Nức nở ai oán tiếng đàn lia,
Ngươi khóc than tiễn họ xuống mồ.

Trong thời ích kỷ này, hồn ta
Thay mặt lương tâm, thay nỗi sợ
Ngươi án ngữ như cái bình gốm đẹp
Chứa tro tàn từ thể xác đã thiêu.

Mọi khổ đau nhân thế gộp chung
Bẻ gập ngươi xuống quỳ thấp gối.
Hơi thở của ngươi mang mùi bụi,
Tử thi, nhà mồ với những hồn ma.

Hồn ta ơi, như nghĩa trang làm phúc
Chôn mọi điều ta từng trải đời này
Người xoay vần chẳng khác cái cối xay
Để trộn chung tất cả trong hỗn tạp.

Rồi thì ngươi nghiền cho vụn tất
Mọi chuyện khắc ghi trong ký ức ta,
Để suốt gần bốn chục năm qua,
Rữa nát dần trong nấm mồ ngoài bãi.

Ảnh đại diện

Tâm hồn (Boris Pasternak): Bản dịch của Lưu Hải Hà

Tâm hồn ta ơi, kẻ luôn sầu muộn
Về những người đang sống quanh ta,
Ngươi trở thành nhà mồ của họ -
Những kẻ sống mà luôn bị khảo tra

Ngươi cất công ướp xác thân của họ,
Lại có công viết tặng họ bài thơ,
Như cây đàn lia luôn luôn nức nở
Ngươi khóc than cho họ tới bao giờ...

Thời thế bây giờ vô cùng ích kỷ
Nhưng ngươi vẫn luôn tận tuỵ kiên gan
Vì lương tâm, và vì sợ hãi
Yên ủi những gì họ để lại - tro tàn

Những nỗi đau của họ cùng góp lại
Làm ngươi còng lưng trĩu nặng héo khô.
Và bây giờ ngươi bốc mùi tử khí,
Bụi nhà xác và những nhà mồ.

Tâm hồn ta ơi, ngươi là nghĩa địa,
Tất cả những gì còn thấy nơi đây,
Ngươi nghiền nát hết, như cối xay,
Và trộn tất cả lại thành hỗn hợp.

Thì cứ tiếp tục xay đi nhé
Tất cả những gì đã ở bên ta,
Hãy biến gần bốn mươi năm ta sống,
Thành thứ đất mùn của bãi tha ma

Ảnh đại diện

Mùa thu vàng (Boris Pasternak): Bản dịch của Lưu Hải Hà

Mùa thu. Cung điện cổ tích
Mở đón mọi khách mong chờ
Đường mòn nhỏ trong rừng vắng
Ngắm mãi mình trong nước hồ

Hệt như triển lãm tranh vậy:
Phòng nọ, phòng kia ngút ngàn
Tần bì, đu, dương rung lá
Đều lộng lẫy trong mạ vàng

Chiếc vòng vàng của cây đoan
Như vương miện cô dâu mới
Mặt bạch dương che khăn voan
Trong suốt – khăn voan ngày cưới.

Mặt đất vốn đầy rãnh, hố
Giờ chôn dưới thảm lá cây
Nhà nhỏ giữa phong vàng rực
Như tranh trong khung vàng dày

Và trong bình minh tháng chín
Nơi cây đứng thành hàng đôi
Hoàng hôn để lại dấu vết
Hổ phách trên vỏ rạng ngời.

Nơi đừng sa chân xuống suối
Mọi người đều biết hết rồi:
Sục sôi quá, bước không nổi
Dưới chân toàn lá mà thôi.

Và nơi cuối hàng cây ấy
Bờ dốc dội tiếng vang về
Bình minh rót hồ nhè nhẹ
Đông lại trên cây anh đào

Mùa thu. Một góc cổ kính
Danh mục của bao kho tàng
Sách vở, áo quần, vũ khí,
Cái lạnh đang lật từng trang.

Trang trong tổng số 10 trang (99 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: