Trang trong tổng số 14 trang (131 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Không đề (Tuệ Thiền): Nhân-quả của cảm xúc & suy nghĩ tích cực

NHÂN-QUẢ CỦA NĂNG LƯỢNG CẢM XÚC & SUY NGHĨ TÍCH CỰC (lạc quan-thiện ích-hiền hoà-cảm thông-hướng thượng tâm linh)
------------------
Đọc trong Người Nam Châm – Bí Mật Của Luật Hấp Dẫn (Jack Canfiel & D. D. Watkins; người dịch: Thu Huyền & Thanh Minh; tái bản lần 6; nxb Lao Động-Xã Hội, 2015).
---
* “Người nào gửi đi những suy nghĩ tích cực sẽ kích hoạt thế giới quanh anh ta trở nên tích cực, và anh ta cũng sẽ nhận lại những kết quả tích cực”. (Tiến sĩ Norman Vincent Peale). (Trang 64).

* BẠN LÀ NĂNG LƯỢNG.
(…) Những hạt nhỏ hơn nguyên tử đó là gì? Xin thưa, là NĂNG LƯỢNG.
Vạn vật đều là năng lượng.
Năng lượng không được tạo ra, cũng không thể phá huỷ.
Tự nó đã mang tính nhân quả.
Nó hiện diện như nhau ở mọi lúc, mọi nơi.
Năng lượng chuyển động vĩnh hằng và không bao giờ ngừng nghỉ.
Nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, luôn luôn như vậy.
SUY NGHĨ “SINH RA” NĂNG LƯỢNG. (Trang 28).

* BẠN LÀ MỘT THỎI NAM CHÂM
Bạn là một thỏi nam châm sống. Bạn hút – theo đúng nghĩa đen của từ này – người, vật, ý tưởng và các tình huống có tần số năng lượng rung động và cộng hưởng như của bạn về phía mình. Trường năng lượng của bạn thường xuyên thay đổi, nó phụ thuộc vào suy nghĩ và cảm xúc của bạn, và vũ trụ giống như một chiếc gương phản chiếu chính xác nguồn năng lượng bạn đã “tạo ra”. Suy nghĩ và cảm xúc của bạn mãnh liệt bao nhiêu thì lực hút sẽ mạnh bấy nhiêu. Quá trình này không đòi hỏi bất kì một sự nỗ lực thật sự nào, nam châm không phải “cố” hút vật – mà đơn giản, nó có đặc tính hút vật. Và bạn cũng vậy! Bạn vẫn luôn trong quá trình hút thứ gì đó vào cuộc sống của mình. (Trang 30-31).

* “Cuộc sống là một trò chơi boomerang (vật được ném, lại quay về chỗ người ném). Suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta không sớm thì muộn cũng sẽ trở lại với chúng ta, chính xác đến độ đáng ngạc nhiên”. (Hoạ sĩ Florence Shinn). (Trang 34).

* Vì Luật Hấp Dẫn tương tác với những năng lượng rung cảm của suy nghĩ và tình cảm của bạn, nên bạn cần tập trung sự chú ý của mình vào những thứ có thể đưa bạn tới trạng thái của rung cảm tích cực. Nhiều chuyên gia về Luật Hấp Dẫn đã nói rằng, không gì quan trọng hơn việc cảm thấy thoải mái. (…). (Trang 54).

* (…) Ý chí của chúng ta tự do, chúng ta có toàn quyền quyết định mình muốn tập trung năng lượng và sự chú tâm của mình vào đâu. Vũ trụ chỉ đơn giản phản chiếu (gửi ngược) điều đó lại cho chúng ta. Nếu chúng ta tập trung chú ý vào điều gì đó (tiêu cực hoặc tích cực) thì vũ trụ sẽ gửi lại cho chúng ta chính điều đó, nhưng nhiều hơn. (Trang 57).

* Chúng ta giống như những tế bào trong một cơ thể, mỗi người thực hiện một chức năng riêng, và tất cả cùng tập trung phục vụ mục đích tồn tại của một tổng thể. (Trang 70).
------------------
(Mời đọc thêm phần thảo luận dưới bài thơ Chủ Nhật Nhiệm Mầu – Tuệ Thiền Lê Bá Bôn, trong Thivien net).
------------------------------------

LỄ CHÙA TRONG TÂM
(Gửi em tôi)

Nghe nói em buồn vì không có điều kiện đi chùa lễ Phật. Đừng buồn em ạ, miễn tâm mình biết hướng về điều Phật dạy là vui rồi. Đạo Phật nói: Phật tại tâm.

Có thờ Phật cũng tốt, không thờ cũng được. Thời xưa, nhiều người không quy y, không thọ giới, không thờ Phật, không ăn chay, không đi làm từ thiện... , họ chỉ TU TÂM thôi, mà vẫn đắc đạo.

Đạo Phật nói: Tâm là gốc... TÂM mình chứa nhiều thứ THAM-SÂN-SI (bởi cái “tôi” bất thiện) thì mình mang nhiều NGHIỆP XẤU cho kiếp này và các kiếp sau của mình.

TÂM mình biết giảm bớt tham-sân-si, biết thêm HIỀN HOÀ, CHÂN THẬT, SÁNG SUỐT, AN VUI, không mê tín thì mình tạo NGHIỆP TỐT cho kiếp này và các kiếp sau. Tốt cho mình và ảnh hưởng tốt cho cha mẹ, cho các tâm linh thân quen và tất cả.

Nếu em không biết thiền, thì em LẶNG LẼ NIỆM PHẬT; niệm bằng tâm, không phát ra lời cũng được. Niệm Phật để sám hối tâm tham-sân-si. MỤC ĐÍCH CHÍNH của chánh pháp Phật dạy là giúp mình biết giải thoát tâm tham-sân-si, để bớt LUÂN HỒI trong các con đường khổ...

Mời em đọc thêm phần tham khảo dưới bài thơ Trì Danh “Quán Thế Âm Bồ Tát” (Tuệ Thiền) ở trang Thi Viện. Chúc em an vui.

Lê Bá Bôn (Bích La)
---
TÁI BÚT:
Trong lúc nằm nghỉ ngơi, để có thêm sức khoẻ, có thêm cảm xúc tích cực tạo nghiệp tốt, em có thể thực hành như sau:
Nằm ngửa, không gối đầu; xuôi hai tay hai chân thoải mái, hai bàn tay để ngửa. Hít vào hơi dài và từ từ phình bụng lên, vừa niệm thầm: Nam-mô Từ Bi Hỉ Xả. Rồi thở ra nhẹ nhàng thoải mái, không niệm.
Thực hành bao lâu tuỳ ý. Niệm câu đó giúp tâm mình thoải mái tự nhiên, và giảm bớt nghiệp xấu tham sân si của cái “tôi” vô minh. “Nam-mô Từ Bi Hỉ Xả” có nghĩa là: quy y (hướng về và sống với) pháp Tứ Vô Lượng Tâm. Cũng có thể niệm bình thường, không thở bụng, chọn tư thế nào cũng được.
--
(Trạng thái tâm từ, bi, hỉ, xả:
- Từ: tâm hiền hoà, nhân từ.
- Bi: tâm biết thương xót sự đau khổ, phiền não của mọi người, mọi tâm linh.
- Hỉ: tâm an vui với cuộc sống tâm linh (tâm trí) biết hướng thiện, hướng thượng.
- Xả: tâm biết buông bỏ dần mọi sự đeo bám mang tính chất tham sân si của cái “tôi” vô minh; tâm đại xả là tuệ giác viên mãn).
----------------------------

MỘT PHƯƠNG TIỆN MINH TÂM-KIẾN TÁNH

Khi mình đã có nhu cầu minh tâm-kiến tánh, vì tự lợi-lợi tha, thì thực hành thiền giác ngộ không khó.

Minh tâm là sự tri giác trong nội tâm mình nghe rõ-thấy rõ những lời nói thầm (tâm ngôn), những động đậy (tâm hành) bởi cái “tôi”.
Kiến tánh là nhận ra trạng thái tri giác (thấy-nghe-biết) như thực, không bị biến dạng bởi tâm ngôn-tâm hành.

Có một cách rất dễ thực hiện là, mình thầm niệm danh hiệu một thánh nhân thiện lành nào đó của tôn giáo, hoặc một ngôn từ thiện lành nào đó (chân ngôn). Vừa thầm niệm vừa lắng nghe. Một thời gian sau, khi mình ngừng niệm, mình sẽ nghe và thấy tâm ngôn tâm hành (vọng tưởng vọng niệm).

Bây giờ mình lắng nghe vọng tưởng (vọng niệm) với tâm thái “lắng nghe tại đây và bây giờ”, không hướng về đâu cả. Vì có sự chuyển hoá năng lượng nên vọng tưởng (vọng niệm) im bặt, chấm dứt, tâm vô ngôn vô niệm (Tánh Không) hiện hữu, Tri kiến như thực (tri giác thuần khiết, Tánh Giác) hiện hữu.

Tiếp tục sống và giữ gìn tâm thái “Sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa chú tâm vô niệm”, trong thời gian thực hành thiền định.
Chú tâm vô niệm là sự chú tâm mang ánh sáng vô niệm. Đó là sống trong trạng thái kiến tánh; và tiếp tục hành thâm.

(Tuệ Thiền)

Ảnh đại diện

Sống thiền (Tuệ Thiền): Thiền Ngôn Của Các Minh Sư (phần 3)

Chùm 7:

* Nếu giác ngộ đã làm cho toàn thể vũ trụ rung chuyển sáu cách khác nhau như kinh chép, thì vô minh khi chưa bị hàng phục ắt vẫn có đủ thần lực ấy, dầu rằng vì bản chất và hiệu lực, thần lực ấy diễn ngược lại hẳn với giác ngộ. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển thượng, luận III; D.T.Suzuki; dịch giả: Trúc Thiên). (Nếu nghi ngờ điều này và cần biết quan điểm của một số nhà khoa học đương đại, có thể đọc phần viết thêm về Thiền ở: Đường Về Minh Triết – phần bổ sung; Ngocbao.org, mục: văn thơ - sách).

* Nếu ngài thấy rằng ý thức của mình được chia sẻ bởi tất cả con người khác sống trên trái đất này, lúc đó toàn bộ cách sống của ngài sẽ đổi khác. (…) Muốn chuyển hoá thế giới, chuyển hoá sự khốn khổ, chiến tranh, nạn thất nghiệp, nạn đói, sự phân chia giai cấp và tất cả sự hỗn loạn khắp nơi thì chúng ta phải chuyển hoá chính bản thân mình. (Thiền sư Jiddu Krishnamurti) – (Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng; J.Krishnamurti; dịch giả: Phạm Công Thiện).

* Nhìn vào bên trong, chúng ta biết có cái tâm chân thật ở trong. Tâm này thấy sự rong ruổi của ý thức, thấy được vọng niệm khi dấy khi lặng. Nếu không có tâm ấy, chúng ta làm sao biết được khi có vọng khi không vọng, lúc có ý thức lúc không ý thức. Cái biết được vọng, quyết định cái đó không phải vọng. Vọng thì khi sinh khi diệt, cái thấy rõ sự sinh diệt của vọng quả là không phải sinh diệt. Vọng dấy lên do vin theo bóng dáng trần cảnh nên có tướng mạo, thuộc về nhân duyên. Cái biết vọng, chưa từng dấy lên, chưa từng theo trần cảnh, nên không liên hệ đến nhân duyên. (…) Nhận ra cái đó là thấy tâm chân thật ở trong. (Thiền sư Thích Thanh Từ) – (Thiền Tông VN Cuối Thế Kỉ 20; Thích Thanh Từ).

* Nếu được bạn lành vạch bày liền đốn ngộ cái “biết” không - lặng. Cái “biết” không có niệm, không hình tướng thì đâu có gì là ngã tướng nhân tướng. (Thiền sư Tông Mật)) – (Nguồn Thiền; Tông Mật; dịch giả: Thích Thanh Từ).

* Mục tiêu của việc tu thiền là nhận ra tự tánh (tức Phật tánh) và giải thoát khỏi mê lầm phiền não. Làm thế nào để nhận ra được? Có thể được, vì tự tánh là tự tri. (…) Bảo rằng quá trình giác ngộ là đốn nghĩa là có một cú nhảy vọt (…). Cú nhảy vọt về mặt luận lí là tiến trình lý luận thông thường khựng lại một cách đột ngột (…). Tiến trình này gián đoạn đột ngột, và đồng thời bất khả tư nghì; đó là kiến tánh. (…) Vì là vô tâm vô niệm nên cái thấy mới thực là thấy. (…) Lý vô ngã không đúc kết từ suy luận duy lý mà là một sự kiện thực tế. (…) Các lý luận gia cần nhớ rằng tôn giáo là sự kiện thực nghiệm (…). (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).

Chùm 8:

* Ngài Pháp Hải bạch rằng: “Hoà thượng để lại giáo pháp gì khiến cho những người mê đời sau được thấy Phật tánh?” Tổ bảo: “Các ông lắng nghe, những người mê đời sau nếu biết chúng sinh tức là Phật tánh, nếu chẳng biết chúng sinh muôn kiếp tìm Phật cũng khó gặp. Nay tôi dạy các ông: biết tự tâm chúng sinh, thấy tự tâm Phật tánh. Muốn cầu thấy Phật, chỉ biết chúng sinh; chỉ vì chúng sinh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng sinh. Tự tánh nếu ngộ chúng sinh là Phật, tự tánh nếu mê Phật là chúng sinh; tự tánh bình đẳng chúng sinh là Phật, tự tánh tà hiểm Phật là chúng sinh. (…)”. (Pháp Bảo Đàn Kinh; dịch giả: Thích Thanh Từ). (“Mê” nghĩa là “quên”).

* Toàn bộ giáo lý Phật giáo, hay cả toàn thể đạo học Đông phương, nói về tri kiến tuyệt đối, tri kiến chỉ đạt được trong thế giới vô niệm, trong đó sự thống nhất toàn thể mọi nhị nguyên đối lập là sự chứng thực sinh động. (Giáo sư vật lý Fritjof Capra) – (Đạo Của Vật Lý; F. Capra; dịch giả: Nguyễn Tường Bách).

* Bản ngã - một ảo tưởng - là kết quả của bộ não bị quy định, bị chương trình hoá.(Giáo sư tiến sĩ vật lí David Bohm).

* (Thầy Đa-ram nói) Năng lượng linh hồn là năng lượng ở ngoài electron và ngoài proton. Nhưng tâm năng mạnh mẽ vô cùng, nó có khả năng tác động lên lực hấp dẫn. Năng lượng của nhiều tâm có một sức mạnh lớn lao. Có tâm năng tích cực và tâm năng tiêu cực, chúng gắn liền với nhau.(…) Tâm năng tiêu cực (xấu ác) có thể thu hút các đối tượng phá phách của vũ trụ, tác động lên thiên nhiên. Bởi vậy, cùng với xung đột và chiến tranh, khá thường xuyên xảy ra động đất, rơi thiên thạch… (Nhà bác học-giáo sư tiến sĩ y học E-rơ-nơ Mun-đa-sep) – (Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu; E. Mun-đa-sep; dịch giả: Hoàng Giang).

* Gọi là Thượng Đế hay chân lý đều như nhau; chân lý là giải thoát tâm trí khỏi mọi gánh nặng của trí nhớ (tâm lý). (Thiền sư J. Krishnamurti).

* Nhược ngộ tịch vi lạc / Thử sinh nhàn hữu dư. (Nếu ngộ tịch là lạc / Đời này nhàn có dư). (Thiền thi sĩ Vương Duy).

Chùm 9:

* Này thiện tri thức, nếu trong các ông hàng hữu học, mỗi lần niệm khởi trong tâm, hãy hồi quang phản chiếu (tận nguồn tâm). Khi niệm diệt trong tâm, sự phản quán tâm cũng tự diệt, đó là vô niệm. Vô niệm hoàn toàn thoát ngoài các duyên ngoại cảnh, bởi vì nếu còn có cảnh duyên nào thì không thể là vô niệm được. (…) Nếu khởi chánh chân Bát-nhã quán chiếu thì trong khoảng một sát-na vọng niệm đều diệt. Nếu biết tự tánh, một phen ngộ tức đến quả vị Phật. (…). Nếu để cho tâm chẳng nghĩ gì hết, đó là diệt niệm, tức bị pháp trói buộc, gọi là thấy một bên. (Lục tổ Huệ Năng) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).

* Theo Lục Tổ, Bát-nhã là tên đặt cho Tự tánh hoặc Vô niệm, khi Tự tánh tự nhận biết mình, hoặc đúng hơn là hành vi tự nhận biết chính mình. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).

* Thoại (lời nói) từ tâm khởi, tâm là đầu (ở trước) của thoại. Niệm từ tâm khởi, tâm là đầu của niệm. Vạn duyên đều từ tâm khởi, tâm là đầu của vạn duyên. Sự thật, “thoại đầu” tức là “niệm đầu”; trước niệm chính là tâm. Nói thẳng, trước khi một niệm chưa sinh là thoại đầu. Do đây, chúng ta biết khán thoại đầu tức là quán tâm. Khán “trước khi cha mẹ chưa sinh, mặt thật xưa nay là gì?” là quán tâm. (Thiền sư Hư Vân) – (Thiền Đốn Ngộ; dịch giả: Thích Thanh Từ).

* Người trí xem năm uẩn là những cấu trúc của tưởng. (…) Ba cõi không gì khác hơn là sự phân biệt. (…) Khi một sự chuyển hoá (chuyển y) xảy ra thì có một trạng thái vô tưởng vốn là cảnh giới của người trí. (…) Khi người ta nhận biết rằng không có gì ngoài những thứ được thấy từ chính cái Tâm thì sự phân biệt về hữu và phi hữu đứt đoạn.(Kinh Lăng Già; bản tiếng Anh của D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

* Tà đến phiền não sanh / Chánh đến phiền não dứt;
Tà chánh đều không dùng / Thanh tịnh mới hoàn toàn.
(Pháp Bảo Đàn Kinh; dịch giả: Thích Thanh Từ).

Chùm 10:

* Mười phương thế giới thu vào một điểm hiện tiền; quá khứ, hiện tại, vị lai tụ trong một niệm đương thời. Dù ở giữa hàng chư thiên cũng khó có niềm vui nào so được với đây; ở loài người lại càng hiếm lắm. Sự tiến bộ như thế trong đời sống tâm linh có thể thâu đạt được chỉ trong vài bữa, nếu hành giả dốc lòng tu tập. (Thiền sư Bạch Ẩn) - (Thiền Luận - quyển trung; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

* Tối kị nhằm trong ngôn cú tạo kế sống. Vì sao? Vì bánh in đâu có nước. Người ta phần nhiều rơi vào ý thức. Cần phải nhắm về trước khi ngữ cú chưa sinh để hội lấy, mới được đại dụng hiện tiền tự nhiên thấy được. (Bích Nham Lục; dịch giả: Thích Thanh Từ).

* Không (trong Bát-nhã) là thành quả của trực giác tâm linh, chứ không phải là hậu quả của suy luận. (Thiền sư D.T.Suzuki) – (Thiền & Bát-Nhã; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

* Được gia trợ bởi năng lực của chư Phật, chư Bồ-tát Ma-ha-tát đang ở cấp độ thứ nhất của mình (sơ địa) sẽ đạt đến Bồ-tát Tam-ma-địa gọi là Ánh sáng đại thừa (phát quang địa), thuộc về chư Bồ-tát Ma-ha-tát. (Kinh Lăng Già; bản tiếng Anh của D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

* Thiền, cốt yếu nhất là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát. (…) Bấy giờ, ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống, ta biết rằng đó không phải là một nỗ lực mù quáng, mà cũng không phải là trường thao diễn những bạo lực vô tri; nhưng dầu không thấu hiểu được những ý nghĩa tối hậu của kiếp người, vẫn có cái gì đó khiến ta vui không cùng để mà sống, và qua mọi cuộc thăng trầm ta vẫn thảnh thơi mà an thân lập mệnh, không thắc mắc, không hoài nghi, không bi quan yếm thế. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển thượng, luận I; D.T.Suzuki; dịch giả: Trúc Thiên).
------------------

THAM KHẢO THÊM:

* Emoto và các cộng sự (ở Nhật) dán các mảnh giấy được đánh máy các câu, chữ khác nhau lên thành chai thuỷ tinh đựng các mẫu nước và để qua đêm. Kết quả là những thông điệp mang tính tích cực như “cảm ơn”, “tình yêu và sự cảm kích” đã khiến cho tinh thể nước tạo thành những cấu trúc rất đẹp. Ngược lại, những thông điệp mang tính tiêu cực như “mày làm tao phát ốm, tao sẽ giết mày” lại tạo nên những cấu trúc tinh thể xấu xí và méo mó. (Báo Giáo dục & thời đại Chủ nhật số 47 năm 2006).

* Các nhà khoa học tham gia hội nghị của Hiệp hội thần kinh-sinh vật học Mĩ tổ chức tại Washington năm nay đã rất ngạc nhiên trước việc phát hiện ra sự khác biệt rõ rệt trong cấu trúc não của những người ngồi thiền và của những người chưa bao giờ luyện tập thiền. Hơn nữa, nghiên cứu này lại được thực hiện ở những người dân Mĩ bình thường (…). (Báo GD & TĐ ngày 22/11/2005).

* Theo các nhà khoa học Phần Lan thì sóng tư duy là loại sóng từ trường có cường độ bằng khoảng 0, 000 000 001 cường độ từ trường của Trái đất. (Báo GD & TĐ).

* Đề tài nghiên cứu ứng dụng năng lượng sinh học (nhân điện) vào việc trồng lúa đã được nghiệm thu bước 1 vào năm 2004 (…). (Báo GD & TĐ Tết Tân Hợi, 2007).

* Bản ngã-một ảo tưởng-là kết quả của bộ não bị quy định, bị chương trình hoá.
(…) Việc nghiên cứu về bộ não và hệ thần kinh đã xác minh cho lời tuyên bố của J. Krishnamurti rằng, cái nhìn sâu sắc có thể thay đổi tế bào não. (Tương lai nhân loại; nhà vật lí D. Bohm). (Vì thế Krishnamurti thường nhắc nhở về sự quán tâm tự tri trong thiền).

* Viện nghiên cứu về sức mạnh của tinh thần và siêu tâm lí ở Ban-ga-lốp đã khảo sát 250 trường hợp đầu thai giống như Ti-tu đã đăng kí từ năm 1975 (…). Các nhà nghiên cứu đã nói rằng 82 phần trăm tổng số các trường hợp là các cháu nhớ rõ tên mình “trong đời trước” và những chi tiết của “kiếp trước”. (…) N.K. Chan-đra ở trường đại học tổng hợp Đê-li và E. Min-đơ ở đại học tổng hợp Vic-gin-ni-a (Mĩ) đã khám phá người cháu bé (…) và mổ tử thi (…). (Tạp chí Đại học & giáo dục chuyên nghiệp, 2/1990).
---------------

16 ĐỀ MỤC QUÁN NIỆM HƠI THỞ (Theo Kinh Satipaṭṭhāna-sutta)

(Trích trong bài viết “Pháp quán niệm hơi thở theo bài kinh Tứ niệm xứ” của Thầy Thích Giác Chinh; Chuabuuchau com). (Tứ niệm xứ: bốn chỗ để an trú tâm niệm).
--

(“… Chú tâm và duy trì chánh niệm, tỉnh giác về hơi thở một cách liên tục với quyết tâm làm cho hơi thở, thân, và tâm trở nên an tịnh, có mặt trong lúc thực tập…”. Thích Giác Chinh).

THÂN NIỆM XỨ:

1. Thở vào một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi dài.

2. Thở vào một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi ngắn.

3. Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta. Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta. Người ấy thực tập như thế.

4. Ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Người ấy thực tập như thế.

THỌ NIỆM XỨ:

5. Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Người ấy thực tập như thế.

6. Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc. Người ấy thực tập như thế.

7. Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Người ấy thực tập như thế.

8. Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Người ấy thực tập như thế.

TÂM NIỆM XỨ:

9. Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta. Người ấy thực tập như thế.

10. Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Người ấy thực tập như thế.

11. Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Người ấy thực tập như thế.

12. Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Người ấy thực tập như thế.

PHÁP NIỆM XỨ:

13. Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

14. Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

15. Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

16. Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Người ấy thực tập như thế.
---

* Ở đề mục 15, “bản chất” là “bản thể”. Theo tôi, mỗi đề mục mình có thể thực tập bao lâu tuỳ ý; có thể nhiều phút, có thể nhiều giờ, có thể nhiều ngày, có thể nhiều tháng. Có thể chọn một đề mục, hoặc chọn vài đề mục cho thời gian thực tập. (Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn).
---------------------------

Ảnh đại diện

Sống thiền (Tuệ Thiền): Thiền Ngôn Của Các Minh Sư (phần 2)

Chùm 4:

* Những cấu trúc mà nhà khoa học quan sát được trong thiên nhiên thực ra liên hệ rất chặt chẽ với cấu trúc của tâm ý họ; với khái niệm, tư tưởng và hệ giá trị của họ. Do đó, kết quả khoa học mà họ thu được và sự ứng dụng kỹ thuật mà họ tìm hiểu sẽ rất tuỳ thuộc vào khuôn khổ tâm thức của họ. (…) Thế nên, nhà khoa học phải chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình, không những chỉ về tri thức, mà cả về mặt đạo lý. (Giáo sư vật lý Fritjof Capra) – (Đạo Của Vật Lý; F. Capra; dịch giả: Nguyễn Tường Bách).

* Pháp môn vô niệm thuộc về hàng thánh nhân, nhưng nếu phàm phu tự tu tập theo đó, họ không còn là phàm phu nữa. (…) Ai quán vô niệm, kẻ ấy tức thì tăng trưởng phước đức nhiều như cát sông Hằng. (…) Ai quán vô niệm, kẻ ấy ôm trọn vạn vật trong lòng mình. (…) “Vô” có nghĩa là vô nhị tướng, “niệm” là niệm Chân như. (Thiền sư Thần Hội) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả:Thuần Bạch).

* Tột trước cùng sau cứu cánh trở về niệm hiện tiền. (Kinh Lăng Già Tâm Ấn; phần Tổng Luận của nhà sớ giải; dịch giả: Thích Thanh Từ).

* Các nhà khoa học cũng đang quay lại và hướng sự tập trung vào việc tìm hiểu cách thức suy nghĩ và trạng thái của chúng ta thực sự ảnh hưởng đến lực từ trường bên trong và xung quanh chúng ta. (Tiến sĩ sinh học Karen Nesbitt Shanor) – (Trí Tuệ Nổi Trội; K.N.Shanor; dịch giả: Vũ Thị Hồng Việt).

* Các nghiên cứu tại trường Đại học Stanford đã chỉ ra rằng thông qua suy nghĩ, chúng ta có thể gây ảnh hưởng tới huyết áp và nhịp tim của một người ở cách xa chúng ta. Còn các nhà khoa học tại trường Đại học Princeton đã chứng minh được quá trình trao đổi thông tin giữa hai người ở cách xa nhau hàng nghìn dặm. (Tiến sĩ sinh học Karen Nesbitt Shanor) – (Trí Tuệ Nổi Trội; K.N.Shanor; dịch giả: Vũ Thị Hồng Việt).

* Khái niệm quan trọng nhất trong hệ thống các thức là Tập khí. Tập khí là gì? Về mặt tâm lý, như đã được nêu trước đây, tập khí là ký ức, vì đấy là cái gì để lại sau khi một hành động được thực hiện, thuộc tâm lý hay vật lý, và được nó giữ lại, được chứa đựng trong A-lại-da như một thứ năng lực tiềm tàng sẵn sàng được trở thành hành động. Cái ký ức hay tập khí này, hay sự quen xông ướp, không nhất thiết thuộc cá biệt, không những chỉ giữ trong nó cái ký ức cá biệt mà còn giữ tất cả những gì mà các chúng sinh hữu tình đã kinh nghiệm. Khi kinh bảo rằng A-lại-da có tất cả những gì đã diễn tiến từ thời vô thỉ được chất chứa một cách hệ thống như một loại hạt giống, thì điều này không trỏ vào những kinh nghiệm đặc thù cá nhân mà trỏ vào những gì tổng quát, vượt khỏi cái đặc thù, theo một cách nào đó, tạo thành cái nền mà dựa vào đó mọi hoạt động tâm lý cá nhân được phản ánh. Do đó, A-lại-da vốn là thanh tịnh, nó là trú xứ của Như Lai tính, ở đó không có sự ô nhiễm của cái tri thức và tình cảm đặc thù hoá nào có thể đến được; sự thanh tịnh, về mặt luận lý, có nghĩa là tính phổ quát, và các ô nhiễm (lậu hoặc) hay tội lỗi có nghĩa là sự cá biệt, từ đó những chấp trước và các hình thức khác nhau được phát sinh. Tóm lại, thế giới khởi sự từ tập khí và chính tập khí vì vẫn có tính chất phổ quát trong A-lại-da nên không có gì xấu, và khi chúng ta được gỡ khỏi cái ảnh hưởng của sự phân biệt sai lầm thì toàn bộ hệ thống thức được đặt thành chung quanh A-lại-da, lấy lại A-lại-da làm trung tâm, sẽ kinh nghiệm một sự đột biến (paràvritti) mà thành sự nhận thức thực sự. Đây là điểm chủ chốt trong giáo lý của Lăng-già.
Sự đột biến này đánh dấu cái đỉnh điểm của tâm lý học thực hành của Lăng-già, vì chính nhờ sự kiện này mà có thể có được sự thể hội về tự chứng Thánh trí cảnh giới, và sự thể hội này là chủ đề trung tâm của bộ kinh. (…). (Thiền sư D.T. Suzuki) – (Nghiên Cứu Kinh Lăng Già; D.T. Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

* Người cổ xưa cho rằng, vật chất sinh ra từ khoảng không. Nhà vật lý thiên tài Nga Ghên-na-đi Si-pốp, người đã lập được phương trình (A. Anh-xtanh đã không lập được) mô tả vật lý chân không, tức Tịnh vô tuyệt đối hoặc Tuyệt đối, cũng cho như vậy. (…).
Tuyệt Đối đó không đơn thuần là tịnh vô; đó là Khoảng Không có Cái gì đó. Trước mắt, khoa học chưa biết Cái gì đó. Theo G. Si-pốp, nguyên tử và phản nguyên tử phát sinh từ Tuyệt đối. Chúng sinh ra, đụng độ nhau và huỷ diệt nhau. Nhưng có một lần, cách đây nhiều tỉ năm, vào một thời điểm các nguyên tử và phản nguyên tử sau khi tạo thành trong không gian, đã tản đi. Vật chất phát sinh từ Tuyệt đối là như vậy.
Các trường xoắn và phản xoắn (xoắn theo cách khác) siêu tần số cùng phát sinh từ Tuyệt đối, chúng cùng huỷ diệt lẫn nhau và hỗ trợ Tuyệt đối. Nhưng cũng có thể xuất hiện thời điểm, khi các trường xoắn huỷ diệt nhau tản đi. Thế giới tế vi phát sinh từ Tuyệt đối là như vậy.
Theo giả thuyết của G. Sipốp: giữa các trường xoắn của thế giới tế vi và ý thức có mối liên hệ trực tiếp, bởi các trường xoắn là những chất chứa đu-sa và đu-khơ.
(…) Dần dà trong quá trình tiến hoá trong thế giới tế vi xuất hiện đu-khơ – là khối năng lượng tâm thần kết đông dưới dạng các trường xoắn có thể bảo toàn vĩnh cửu trong mình một khối lượng thông tin to lớn. Nhiều đu-khơ tạo thành giữa chúng những mối liên hệ thông tin và tạo ra Không gian thông tin toàn thể, tức Cõi kia (…).
(…) Mọi ngưòi đều biết rõ khái niệm karma (nghiệp), tức là các “vết tích” của các tiền kiếp để lại trong đu-khơ. Giai đoạn trần thế ở thế giới vật thể, đu-khơ có thể hoàn thiện mà cũng có thể thoái hoá. (…). (Nhà bác học-giáo sư tiến sĩ y học E-rơ-nơ Mun-đa-sep) – (Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu; E. Mun-đa-sep; dịch giả: Hoàng Giang).

Chùm 5:

* Tùng Duyệt, toạ chủ chùa Đâu Suất, thường đặt ra ba câu hỏi sau đây để khảo nghiệm sở kiến của môn nhân đối với đạo lý của Thiền. 1) Ông bái phỏng từ chỗ này sang chỗ khác, chỉ cốt là để thấy tánh; vậy, ngay lúc này, tánh của ông ở đâu? 2) Biết được tự tánh mới có thể thoát khỏi sinh tử; nhưng khi ông chết rồi làm sao thoát? 3) Thoát khỏi sinh tử là biết chỗ đến của mình; vậy khi tứ đại tan rã, chúng ta đi về đâu?
“Tôi là gì?” “Tôi ở đâu?” “Tôi từ đâu đến?” “Tôi đi về đâu?” Tất cả chỉ là một vấn đề, được hỏi khác nhau. Hiểu được một sẽ giải quyết tất cả còn lại. “Tôi là gì?” là một nghi vấn dò vào tự tánh của thực tại, căn cơ của mọi sự vật chủ quan và khách quan. (…).
Trên phương diện tâm lý, trả lời cho cái “ở đâu?”, cho thấy thái độ tâm lý căn bản của ta đối với thế giới khách quan một cách tổng quát, và ở Thiền câu hỏi này thường khoác dưới hình thức “ở đâu đến?”, nhờ đó thiền sư mong thấy tăng chúng tìm ra nơi trú ẩn tâm linh của họ nằm ở đâu. Toàn bộ sự đào luyện của Thiền tông, có thể nói, cốt ở sự đặt để này, cũng gọi là tìm tòi hay đào xới. (…) “Từ đâu?” và “Đến đâu?”, những ai có thể trả lời đích đáng, những vị ấy quả là đã tỏ ngộ.
(…) Đạo Phật, là một lối luyện tập tâm linh thực tiễn, dù có những lời nhằm phô diễn thẳng về kinh nghiệm, không cho phép có sự can thiệp của lối giải thích trí năng hay siêu hình nào ở đây. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển hạ, luận I; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

* Đây là trụ xứ của các bậc hay thương xót,
Thấy khắp các loại quần sinh trong ác đạo,
Chịu các khổ sở không nơi nương tựa,
Phóng ánh sáng đại từ nhằm dứt hết.
(Sách nêu trên; mục Trụ Xứ Bồ Tát).

* Tất cả tâm ý thức đều từng phần, cục bộ, tù hãm, trong khi chú tâm toàn vẹn là bao trùm ý thức với những giới hạn của nó; do đó chú tâm có khả năng xoá bỏ biên cương và giới hạn. (…) Thấy biết cái giả như giả là chú tâm, nhưng cái giả sẽ không được thấy là giả khi còn có ý kiến, phán đoán, lượng giá, trói buộc… Mọi thứ này là hậu quả của sự không chú tâm. Chú tâm toàn vẹn là quán chiếu vào mọi cơ cấu của sự không chú tâm. Tâm có chú tâm là tâm rỗng rang. (…) Chỉ có chú tâm tỉnh giác với một trung tâm chú tâm, nơi đó cội gốc của tư tưởng biến mất, không bạo lực, thật tự nhiên, thật dễ dàng. (Thiền sư J. Krishnamurti) – (Bút Hoa; J. Krishnamurti; dịch giả: Ẩn Hạc).

* Chỗ không có niệm tưởng dấy khởi, rỗng thênh và vô sở trụ, đó là Định. Khi không niệm tưởng, rỗng thênh và vô sở trụ được nhận biết thì đó là Tuệ. Ở đâu việc (vi diệu) này xuất hiện thì ta bảo rằng Định này tự thể hiện và chính là Thể của Bát-nhã, không khác với Tuệ mà chính là Tuệ; lại nữa Tuệ này, tự thể hiện và chính là dụng của Định, không khác với Định mà chính là Định. (…) Ta nói về Định, nhưng đối với Thể của nó thì không có gì phải sở đắc. Khi thấy được cái Thể bất khả đắc này, luôn luôn tịch lặng tròn đầy bất biến, nhưng vẫn diệu dụng bất tư nghì, thì đó là Tuệ. Chỗ này Định Tuệ đồng đẳng. (Thiền sư Thần Hội) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; Thuần Bạch biên dịch).

* Ánh sáng chiếu soi, đó là Tuệ; chẳng động và bất biến, đó là Định. Bồ-tát dùng pháp Định Tuệ đồng thể đó được Vô thượng giác. Cho nên nói “Định Tuệ đồng thể tức là giải thoát”. Nói tự tại khỏi nhiễm ô có nghĩa là không còn phàm tình chứ không phải hết thánh tình. (Thiền sư Huệ Hải) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; Thuần Bạch biên dịch).

* Ngộ là một hình thái của tri giác, một thứ tri giác nội tại, phát hiện trong phần sâu thẳm nhất của ý thức. Đó là ý nghĩa của đặc tính tự tri; tức là sự thực tối hậu. Cho nên người ta thường bảo rằng Thiền giống như uống nước, nóng hay lạnh tự người uống biết lấy. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển trung, luận I; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).
* Đừng nghĩ đến thiện, đừng nghĩ đến ác, mà ngay bây giờ hãy nhìn xem bản lai diện mục của ngươi, trước khi nhà ngươi sinh ra là gì? (Lục tổ Huệ Năng) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; Thuần Bạch biên dịch).

Chùm 6:

* Tự tri là thấy mình, nhìn thấy tâm trí mình từ giây phút này đến giây phút khác trong lăng kính của tương giao tương hệ của mình đối với tài sản, đối với những sự việc, đối với con người, đối với những ý tưởng… (…) Đây là việc chính yếu: khi mà tôi chưa hiểu được mình, tôi không thể có được căn bản để suy tư, và tất cả sự tìm kiếm của tôi chỉ là vô vọng hão huyền. (…) Chính sự kiện ý thức trực tiếp về hiện thể (cái đang là) là chân lí rồi. (…) Đừng phân tích tâm thức để tâm trí tĩnh lặng. (Thiền sư Jiddu Krishnamurti) – (Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng; J.Krishnamurti; dịch giả: Phạm Công Thiện).

* (Tôi chỉ là người đang học tập, nhưng để nêu cái mẫu số chung về giá trị nhân sinh của đạo và đời, nên xin được góp vào đây vài lời).

“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lý của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình. (Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen org).

* Từ trước cho đến thời Lục Tổ, khái niệm về Phật tánh hiện hữu nơi tất cả chúng sinh, tự thể hoàn toàn thanh tịnh và bất nhiễm, rất thịnh hành. Bổn phận sự của người tu là làm hiển lộ Tự tánh, tức Phật tánh nơi mình, vốn xưa nay thanh tịnh. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả:Thuần Bạch).

* “Nguyên” (“nguồn”) là chơn tánh bản giác của tất cả chúng sinh, cũng gọi là Phật tánh, cũng gọi là tâm địa. Ngộ đó gọi là huệ, tu đó gọi là định; định huệ chung gọi là thiền-na. Tánh này là cội nguồn của thiền cho nên gọi là thiền nguyên (nguồn thiền), cũng gọi là “lý hạnh thiền-na”.
(…) Chơn tánh này không riêng nguồn của thiền môn, cũng là nguồn của muôn pháp, cho nên gọi là pháp tánh; cũng là nguồn mê ngộ của chúng sinh, cho nên gọi là Như Lai tàng, tàng thức; cũng là nguồn muôn đức của chư Phật, nên gọi là Phật tánh; cũng là nguồn muôn hạnh của Bồ-tát, nên gọi là tâm địa. (Thiền sư Tông Mật) – (Nguồn Thiền; Tông Mật; dịch giả: Thích Thanh Từ).

* Lục Tổ đã giảng rõ cho chúng ta hiểu về Tánh theo cái nhìn của ngài. Tánh là sinh lực ngự trị toàn thể sinh mệnh chúng ta, là nguyên lý của sự sống vật chất lẫn tinh thần. Không chỉ có thân mà cả tâm, trong ý nghĩa cao tột nhất, đang sống vì sự có mặt của Tánh. (…).
Tự tánh nói một cách khác là tự tri, không phải chỉ là hiện hữu suông mà còn biết. Chúng ta có thể nói như thế vì tự tri tức đang là, tri tức hữu và hữu tức tri. Đây là ý nghĩa câu nói của Lục Tổ: “Nơi bản tánh riêng có trí Bát-nhã và vì thế có tự tri (tự dụng trí huệ). Bản tánh thường quán chiếu và không dùng ngôn ngữ để diễn tả được”. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả:Thuần Bạch).

* Chỉ có một câu mà thiền gia nên ra sức công phu và tìm thấy giải đáp chung quyết là: “Bản lai diện mục của ta là gì?”(Thiền sư Đại Ứng). “Khi các ngài được dạy cho đặt nghi tình vào cái nghĩa của niệm Phật, hãy cứ tự nhiên mà chú tâm ngay trên chỗ “ai” niệm Phật”. (Thiền sư Bản Thiện) - (Thiền Luận - quyển trung, luận I; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

(Còn nữa)

Ảnh đại diện

Sống thiền (Tuệ Thiền): Thiền Ngôn Của Các Minh Sư (phần 1)

(Hỗ trợ những tâm trí thật sự có khát vọng ngộ nhập Sự Sống Bất Sinh Bất Diệt)

(Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn) sưu tầm. Xin tạm dùng từ “thiền ngôn”).
---
Chùm 1:

* Giác ngộ không phải là một công việc riêng tư chẳng can dự gì đến khối lớn cộng đồng; điểm tựa của nó được đặt ngay trong lòng vũ trụ. (…) Cái được gọi là “thiện căn” chỉ có giá chừng nào nó làm lợi ích cho tất cả thế gian. Nếu không thể phụng sự cho toàn thể môi trường gồm những thân thuộc mà mình đứng trong đó – nghĩa là, nếu cái nhìn tâm linh của mình mà không trải ra đến bờ cõi xa xôi nhất thì “thiện đức” của y không phải là “thiện đức” thứ thiệt, và chẳng có cái lối chứa nhóm nào như vậy mà lại có thể làm trỗi dậy ước vọng giác ngộ (tức Bồ-đề tâm). (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển hạ, luận IV; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

* (…) Đại thừa đứng vững trên hai chân, Trí tuệ và Từ bi, cái ý niệm siêu việt và tình yêu trùm khắp đối với tất cả các loại chúng sinh, hữu tình cũng như vô tình. Trí tuệ nhìn thấy vào cái nhất tính của các sự vật và từ bi thể hội cái tự tính của chúng. Vị Bồ-tát khóc cùng với các chúng sinh đau khổ và đồng thời hiểu rằng có một vị không bao giờ khóc, ở bên trên mọi đớn đau, sầu khổ và ô nhiễm. (…) Và sự cân bằng này được nhìn thấy trong Pranidhàna hay bổn nguyện của vị Bồ-tát. (Thiền sư D.T. Suzuki) – (Nghiên Cứu Kinh Lăng Già; D.T. Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

* Nền vật lý này bây giờ đã thấy rằng vũ trụ là một mạng lưới chằng chịt vật chất và tâm linh liên quan mật thiết với nhau, mà mỗi phần tử chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với toàn thể. (Giáo sư vật lý Fritjof Capra) – (Đạo Của Vật Lý; F. Capra; dịch giả: Nguyễn Tường Bách).

* Những điều kiện tất yếu cho việc làm trỗi dậy ước vọng giác ngộ (tức Bồ-đề tâm) có thể được tóm tắt như vầy: 1. hành vi đạo đức, 2. thân cận chư Phật (các bậc giác ngộ viên mãn), các thiện tri thức, và 3. tâm thanh tịnh, chân thật và từ bi. Khi làm tròn ba điều kiện này, Bồ-đề tâm (Bodhicitta) được coi là đã ngóc đầu dậy và sẵn sàng để tăng tiến.

(…) (Theo kinh Hoa Nghiêm) “Bồ-đề tâm như đại dương vì chứa tất cả các hạt ngọc công đức. Bồ-đề tâm như núi Tu-di (Sumeru) bình đẳng đứng cao trên tất cả mọi vật. Bồ-đề tâm như núi Thiết-vi (Cakravada) vì bảo trì hết thảy thế gian. Bồ-đề tâm như núi Tuyết (Himàlaya) vì sản xuất tất cả các cây thuốc trí tuệ. Bồ-đề tâm như núi Hương (Gandhamàdana) vì xuất sinh tất cả các thứ hương công đức. Bồ-đề tâm như hư không vì trải rộng vô biên phước đức”. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển hạ, luận IV; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

* Các ngài (Bồ tát) phát khởi Bồ đề tâm (ước vọng giác ngộ tối thượng) để cho toàn thể (các cõi) thế gian được tăng thiện ích. (...).
Để mang lại sự an ổn cho ba cõi (thế gian - tam giới), các ngài trụ vững nơi Trí (Bát nhã). (...).
Các ngài mong cầu hạnh phúc cho ba cõi, làm tròn các trợ đạo.
(Kinh Thập Địa; trích theo sách trên).

* Người học kinh, xem giáo lý, mỗi câu mỗi câu đều phải uyển chuyển xoay về nơi mình để làm sáng tỏ tánh giác. (Thiền sư Bá Trượng) - (Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng; dịch giả: Thích Thanh Từ).

* Dĩ nhiên chúng ta phải sử dụng các ngôn từ khi một điều gì đó được truyền đạt từ người này sang người khác, nhưng các ngôn từ chỉ là sự nêu trỏ suông chứ không phải là chính sự thực. Như kinh bảo, chúng ta phải dùng đến ngọn đèn ngôn từ để đi vào trong cái chân lí nội tại của kinh nghiệm vượt khỏi ngôn từ và tư tưởng. Nhưng quả thực là hoàn toàn khờ dại khi tưởng ra rằng ngọn đèn ấy là mọi sự. (Thiền sư D.T.Suzuki) – (Nghiên Cứu Kinh Lăng Già; D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

* Khi đức Phật dạy về Khổ thánh đế, Ngài nói đến năm uẩn; Ngài muốn cho chúng ta biết và thấy năm uẩn. Thế giới loài người của chúng ta là sự hiện hữu của năm uẩn, và trừ phi chúng ta biết và thấy được năm uẩn này, bằng không chúng ta không thể hiểu rõ lời dạy của đức Phật. (…) Khi hành giả phát triển được định tâm mạnh mẽ, hành giả sẽ thấy rằng đối tượng được phản chiếu trong ý môn như trong một tấm gương. (Thiền sư Pa-auk Sayadaw, thiền sư theo truyền thống Theravàda-Phật giáo Nam tông) – (Biết Và Thấy; P. Sayadaw; dịch giả: Pháp Thông).

* Năm uẩn (các tố chất, hay các thành tố) là: sắc chất (sắc), cảm thọ hay tri giác giác năng (thọ), suy tưởng (tưởng), tập hành hay sự tác thành (hành), và thức.
Uẩn thứ nhất là thế giới vật chất hay chất thể của mọi vật; bốn uẩn còn lại thuộc về tâm giới. Thọ xuất hiện qua các quan năng của chúng ta; tưởng tương đương với suy tưởng theo nghĩa rộng; hành (...) chỉ cho cái tạo nên hình chất, là nguyên lí tạo hình; thức là ý thức hay hoạt động của tâm. Có những hoạt động của tâm khá rõ như thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó và nghĩ tưởng.
(Thiền sư học giả Daisetz Teitaro Suzuki; Thiền luận, quyển hạ; dịch giả: Tuệ Sỹ. Người đọc, dựa theo sách, đã chuyển các từ tiếng Phạn sang tiếng Việt).

* Tu-bồ-đề hỏi: "Như thế nào là Bồ-tát có thể học năm uẩn khi thực hành Bát- nhã ba-la-mật sâu xa?"
Phật nói: "Bồ-tát có thể học năm uẩn khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa do như thực biết: 1) tướng của năm uẩn; 2) sinh diệt của năm uẩn; 3) chân như của năm uẩn".
(Trích theo sách trên của D.T.Suzuki.
Theo sách trên, chân như là tánh không.  Đắc có nghĩa là chú tâm vào và giữ chặt lấy sở tri vốn là kết quả từ suy luận đối đãi; không có thứ đắc nào có bản chất như vậy cả).

Chùm 2:

* Tất cả nhân loại không quý gì bằng sinh mệnh, sinh mệnh được coi trọng nhất trên trần gian này. Bởi vì tất cả của cải sự nghiệp, danh vọng tài sắc… đều để tô điểm cho sinh mệnh. Mất sinh mệnh, tất cả cái ấy trở thành vô nghĩa. Song sinh mệnh con người thời nay, nếu kéo dài lắm chỉ trong vòng bảy tám mươi năm. Cái đau khổ nhất của con người là khi nghe mình sắp mất sinh mệnh. (…) Thực là mối đau khổ truyền kiếp không ai thoát được. Nếu có một phương pháp nào khiến con người thoát được cái chết thì trên nhân gian này còn gì quý bằng! Ở đây chúng tôi xin giới thiệu quý vị phương thuốc hi hữu duy nhất trên đời, nếu quý vị uống nó vào thì “bất tử”, chính là tánh giác của quý vị đấy. Người giác ngộ tánh giác là nhận ra được cái “bất tử”. Vì thế tánh giác này được Phật dụ là hòn ngọc như ý. Được hòn ngọc này rồi, con người dứt sạch mọi đau khổ; mọi mong cầu đều toại nguyện. (Thiền sư Thích Thanh Từ) – (Thiền Tông VN Cuối Thế Kỉ 20; Thích Thanh Từ).

* Lục Tổ nói lên câu đầu tiên liên quan đến sự chứng nghiệm của Tổ là “xưa nay không một vật” và sau đó là “kiến tánh”, cái tự tánh vì là “không một vật” nên là “Không”. Vì thế “thấy tánh” là “thấy Không” như Thần Hội nói. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả:Thuần Bạch).

* Chúng ta biết Niết Bàn là Visankhàra (vô hành), tức là “không có các hành”. Các hành (sankhàra) là danh sắc và các nhân của chúng, còn Niết Bàn thì không có cả hai. Tâm biết Niết Bàn được gọi là tâm không có các hành sinh, visankhàragara citta (vô hành sinh tâm). Nhưng tự thân nó không phải là visankhàra (vô hành); vì hành vi thấy Niết Bàn đòi hỏi phải có sự hình thành của tâm. (Thiền sư Pa-auk Sayadaw, thiền sư theo truyền thống Theravàda-Phật giáo Nam tông) – (Biết Và Thấy; P. Sayadaw; dịch giả: Pháp Thông).

* Trước Big Bang thời gian chưa trôi: mỗi giây tương ứng với vĩnh cửu. Chúng ta ước đoán thế vì vật lý lượng tử xuyên qua ảo ảnh thời gian, tách khỏi đồng hồ nguyên tử để đi sâu hơn vào nhà máy Tự nhiên. Rung động dừng lại tại mức độ sâu nhất. Đáy của vũ trụ giống như bộ não chết. Tuy nhiên biểu hiện của cái chết là ảo giác, vì biên giới nơi mọi hoạt động chấm dứt đánh dấu sự bắt đầu một vùng mới, gọi là thực tại ảo – nơi vật chất và năng lượng tồn tại dưới dạng tiềm năng thuần tuý. Cơ sở của thực tại ảo rất phức tạp nhưng nói một cách đơn giản nhất, vùng phi vật chất phải tồn tại để sinh ra vũ trụ vật chất. Vùng này trống rỗng nhưng không hề hư vô. (…) Sáng tạo nhảy vọt từ trống rỗng lên đầy tràn, cũng như vĩnh cửu nhảy vọt từ phi thời gian sang đầy tràn thời gian.

Nếu vĩnh hằng đang cùng với ta bây giờ, làm cơ sở cho toàn bộ tồn tại vật chất, nó phải làm cơ sở cho tôi và bạn. (Tiến sĩ y học Deepak Chopra) - (Sự Sống Sau Cái Chết; Deepak Chopra; dịch giả: Trần Quang Hưng).

* Trong Truyền Đăng có chép rằng: “Thượng thư Ôn Tháo hỏi ngài Khuê Phong: Người ngộ lý, một phen tuổi thọ hết, gá nương chỗ nào? Khuê Phong đáp: Tất cả chúng sinh đều có đầy đủ linh minh tánh giác, cùng với chư Phật không khác. Nếu hay ngộ tánh này tức là pháp thân, vốn tự vô sinh có gì nương gá? Cái linh minh chẳng muội, rõ ràng thường biết, không chỗ đến cũng không chỗ đi. Chỉ lấy không - tịch làm tự thể, chớ nhận sắc thân. Lấy linh tri làm tự tâm, chớ nhận vọng niệm. Vọng niệm nếu dấy lên đều không theo nó, đến lúc mạng chung, khi ấy nghiệp tự nhiên không thể cột. Tuy có thân trung ấm mà chỗ đến tự do. Cõi người cõi trời tuỳ ý gửi nương. Đây tức là chơn tâm trước và chỗ đến của thân sau vậy”. (Thiền sư Phổ Chiếu) – (Chơn Tâm Trực Thuyết; Phổ Chiếu; dịch giả: Thích Đắc Pháp).

* Vì nhục thể rữa nát khi chết, linh hồn rời đi nhập vào giới siêu hình tương ứng với sự tồn tại của nó ở bình diện vật chất, vào tần số tương ứng với cuộc sống cũ của nó nhất. (…) Quá trình biến đổi sau cái chết không phải là sự di chuyển đến một nơi chốn khác hay thời gian khác; nó chỉ là sự thay đổi về chất sự chú tâm của chúng ta. Bạn chỉ có thể nhìn thấy những gì có rung động tương ứng với bạn. (Tiến sĩ y học Deepak Chopra) - (Sự Sống Sau Cái Chết; D. Chopra; dịch giả: Trần Quang Hưng).

Chùm 3:

* Bảo rằng “Duy tâm” là do bởi tâm, cũng là được sinh ra từ tâm; khi thông hiểu được các tướng trạng đặc thù trong tất cả những biến đổi có thể có được thì chúng không gì khác hơn là chính cái Tâm. (Phần Tổng kệ của kinh Lăng Già) – (Nghiên Cứu Kinh Lăng Già; D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn). (Tác phẩm này được thầy Trần Tuấn Mẫn (dịch giả) sửa bản in. Đây là một việc làm vô cùng quan trọng đối với những kinh sách có giá trị cho sự tu học và ấn chứng. Ngày nay có nhiều tác phẩm Phật học bị sai lệch nội dung nghiêm trọng sau khi in ấn! Mong sao điều này được quý vị tác giả và dịch giả quan tâm. –TT LBB).

* Trường ý thức là cơ sở của mọi hiện tượng trong Tự nhiên, bởi vì khe hở tồn tại giữa mọi electron, mọi ý nghĩ, mọi khoảnh khắc thời gian. Khe hở là điểm khống chế, sự tĩnh lặng ở tâm của sáng tạo, nơi vũ trụ liên kết mọi sự kiện. (…) Chúng ta cần nhớ nguồn gốc chung của mình. Tinh thần con người suy thoái khi chúng ta hạn chế mình trong một kiếp người và giam trong một thể xác. (Tiến sĩ y học Deepak Chopra) - (Sự Sống Sau Cái Chết; D. Chopra; dịch giả: Trần Quang Hưng).

* Tôi tuyệt đối tin rằng sự sống vật thể trên trái đất đã được tạo ra bằng cách hồn cô đặc dần. Mọi học lý cho rằng, sự sống trên trái đất xuất hiện do những phân tử phức tạp tự phát sinh và cô đọng thành những cơ thể sống, không vững vàng, xét cả trên quan niệm tôn giáo lẫn quan điểm vật lý học và hoá học hiện đại. (Nhà bác học-giáo sư tiến sĩ y học E-rơ-nơ Mun-đa-sep) – (Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu; E. Mun-đa-sep; dịch giả: Hoàng Giang).

* Sự ô nhiễm tâm linh không phát xuất từ đâu khác cả mà chính là ở trong mạt-na (ý), căn gốc của tri thức và của ý chí. (Thiền sư D.T.Suzuki) – (Nghiên Cứu Kinh Lăng Già; D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

* Giác ngộ phải gồm cả ý chí lẫn tri thức. Đó là một hành vi trực giác phát sinh từ ý chí. Ý chí muốn tự biết nó là gì, y như thực, ngoài tất cả các điều kiện chi phối sự hiểu biết. (…) Khi nói đến chứng đạo hoặc giác ngộ, tự nhiên ta dễ liên tưởng đến khía cạnh nhận thức và quên mất động lực phi thường của ý chí tác động ở bên sau, mà cũng chính là động lực cấu tạo nên cốt cách của một cá nhân. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển thượng, luận III; D.T.Suzuki; dịch giả: Trúc Thiên).

* Giác là vậy, một trạng thái tuyệt đối của tâm dứt bặt hết phân biệt - vọng tưởng hoặc biến kế chấp. Để thể nghiệm trạng thái kiến chiếu muôn vật “trong một niệm” ấy phải có một khí lực dũng mãnh. (…) Và vì lẽ có “nhất niệm” mới có giác nên cần nỗ lực vượt qua cái thế đối đãi ấy của ý thức kinh nghiệm chấp dính vào cái nhiều thay vì cái một của sự vật. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển thượng, luận III; D.T.Suzuki; dịch giả: Trúc Thiên).

* Xin đừng hỏi: “Làm cách nào để thấy?” Ngay lúc ngài hỏi làm thế nào, có người sẽ sẵn sàng giúp ngài, rồi ngài trở thành nô lệ của người đó. Nhưng nếu ngài tự thấy rằng suy nghĩ và thời gian (tâm lí) thực sự là gốc rễ của sợ hãi, không cần phải đắn đo hay quyết đoán ngài cũng vẫn hành động. Ví như gặp con bọ cạp nguy hiểm, con rắn độc – khi nhìn thấy chúng ngài sẽ hành động tức thì. (…) Vậy thì mỗi người chúng ta có thể cảm thấy được trách nhiệm mà chúng ta đã tạo ra cái xã hội chúng ta đang sống không? Cái xã hội quái gở, vô đạo đức ngoài tưởng tượng! (…) Vậy có cần nên hết sức tỉnh thức, nhận biết được mỗi suy nghĩ? Chúng ta có thể là vậy không? (…) Tư tưởng, suy nghĩ có thể nào mang lại trật tự không, trong khi chính cái tư tưởng bị giới hạn này là nguồn gốc của hỗn loạn? (…) Có thể nào trí não chỉ dùng đến suy nghĩ khi cần thôi? Những lúc cần sống với suy nghĩ là khi lái xe, khi ăn, khi viết thư, khi làm điều này điều nọ trong thực tế. Mọi thứ này là hoạt động của cái suy nghĩ giới hạn – nghĩa là khi cần thì suy nghĩ có thể hoạt động. Nhưng ngoài những chuyện đó ra, sao nó lại ba hoa suốt cả ngày vậy? (Danh nhân giác ngộ Jiddu Krishnamurti, người không theo tôn giáo nào cả, được Liên Hiệp Quốc tôn vinh) – (Lời Cuối Bình Yên; J. Krishnamurti; biên dịch: Mộc Nhiên).

* (Ví dụ) Tôi đã hoang phí năng lượng để phân tích, trấn áp, xung đột với cơn giận. Nhưng khi tôi thấy cơn giận đó là tôi, khi tôi thấy rằng tôi được làm bằng những phản ứng - sợ, giận và v.v... - năng lượng mới được tập trung; năng lượng không còn bị hoang phí nữa. Với năng lượng đó, chính là chú tâm, tôi thu nhiếp cái phản ứng được gọi là sợ hãi. Tôi không động đậy xa lìa cái sợ hãi bởi vì tôi là cái đó. Bấy giờ, bởi vì tôi đã dồn hết năng lượng vào đó, cái sự kiện được gọi là sợ ấy biến mất.
(...)
(Người hỏi: Nhưng thưa ông, ai đứng ra quan sát?).
Không có "ai" quan sát. Chỉ có hành động quan sát.
(...)
Ta có thể thảo luận một sự kiện (tâm lí) không? Ta có thể cầm giữ, thu nhiếp bất cứ vật (sự kiện tâm lí) gì trong trí não ta một phút hay ngay cả một vài giây không? Ta có thể thu nhiếp bất cứ vật gì không? (Ví dụ) Tôi yêu thương, tôi có thể ngồi lại cùng tình tự đó, cái đẹp đó, sự trong sáng do tình yêu mang lại không? Liệu tôi có thể thu giữ nó, chỉ giữ (thu nhiếp) thôi, không nói tình yêu là gì và không là gì? Chỉ cực kì đơn giản thu giữ, thu nhiếp tựa cái cốc chứa nước không?
(...)
Tuệ giác là tri giác tức thì điều gì đó. Ta vốn có cái giác ấy.
(Lửa giác ngộ; J. Krishnamurti; Đào Hữu Nghĩa dịch).

(Còn nữa)

Ảnh đại diện

Mái ấm (Tuệ Thiền): Tâm Tịnh Độ: mái nhà xưa-quê hương chung

- Danh nhân giác ngộ Jiddu Krishnamurti - người không theo tôn giáo nào cả, được tôn vinh bởi Liên Hiệp Quốc, bởi nhà vật lí danh tiếng David Bohm và nhiều người khác - nói (đại ý) rằng: Cái mà đức Chúa Giêsu gọi là Nước Chúa, các đức Phật gọi là Niết Bàn, cái đó tôi gọi là Cuộc Sống Tỉnh Thức.
Ngài cũng nói rằng: Gọi là Thượng Đế hay chân lí đều như nhau. Chân lí là giải thoát tâm trí khỏi mọi gánh nặng của trí nhớ tâm lí.

- Sống tỉnh thức là không để ý chí chuyển thành trạng thái cái-tôi-vô-minh. (Đại thiền sư D.T.Suzuki nói (đại ý) rằng: Cái “tôi” là ý chí ở trạng thái vô minh. Vô minh là bỏ nhà ra đi; giác ngộ là trở về, trở về với quê hương chung (bản thể) của mọi ý chí-tâm linh cá thể).

- Trong bài thơ Mái Ấm, Tịnh Độ có nghĩa là Tâm Tỉnh Thức. (Có nhiều tên gọi khác nhau về Tâm Tỉnh Thức - tuỳ theo các tôn giáo và các nền văn hoá tâm linh).

Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn
--------------

- "Ngày nay, một số người, tăng cũng như tục, mong nhờ Niệm Phật để được thác sinh cõi Tịnh Độ, và tự hỏi Niệm Phật có khác Thiền chăng. Theo ý tôi, họ không hề nhận ra Thiền và Niệm Phật không phải đồng mà là đồng; vì đích của Thiền là thấu hiểu ý nghĩa của sự sống, đích của Niệm Phật thì cũng vậy.
Thiền chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật; trong khi đó, Niệm Phật nhắm đi tới cõi Tịnh Độ vốn dĩ không chi khác hơn chính là tự tâm, và nhắm thấy rõ tự tính vốn dĩ chính là đức A Di Đà".

(Theo lời thiền sư Thiên Như Duy Tắc. Thiền Luận quyển trung; thiền sư học giả D. T. Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

Ảnh đại diện

Nhành hoa bể khổ (Tuệ Thiền): Thăng hoa tâm linh

Theo cách nói của Phật giáo, có hơn tám vạn bốn nghìn pháp môn (lục độ vạn hạnh) để hỗ trợ minh tâm, kiến tánh; tuỳ theo nhân duyên mà lựa chọn. Mẫu số chung của giá trị tu tập và cuộc sống là tự tri-tỉnh thức-vô ngã (tức là minh tâm, kiến tánh).
---
Minh tâm: sáng tỏ được tâm ý ở bản thân mình.
Kiến tánh: tỏ ngộ bổn lai diện mục, Phật tính, tánh viên giác... ở bản thân mình. (Đại thừa vô lượng nghĩa, nên có nhiều tên gọi để chỉ chân lí tuyệt đối).
---
Minh tâm: rõ biết tâm sinh diệt.
Kiến tánh: ngộ nhập tâm thể bất sinh bất diệt.
(Có ước vọng giác ngộ có nghĩa là tâm bồ-đề đã được đánh thức).
------------------------------------------
MỘT SỐ GÓP NHẶT “LỜI THIỀN” GIÁC NGỘ
Mạn phép sắp xếp gợi ý – có thể hỗ trợ sơ ngộ (kiến tánh khởi tu)

Thầm lặng thực hiện hạnh nguyện tự lợi lợi tha-tự giác giác tha tối thượng (tâm linh đại thừa) = quán tâm nơi tâm = nghe-thấy-biết những nói năng-nhớ nghĩ trong tâm (tâm ngôn tâm hành-cái “tôi”) = hiện hữu với hiện thể = tỉnh thức-vô tác-tự tại = tâm chuyển y-dừng lại-im lặng = hiện tiền nguồn mê-ngộ (nguồn vô minh-giác ngộ) = nhận biết chỗ không có niệm tưởng dấy khởi = tâm vô ngôn vô hành (chỗ không nói-không nghĩ tưởng-không tạo tác trong tâm) = tri huyễn tức li-li huyễn tức giác = tâm không = vô niệm = niệm chân như vô nhị tướng = vô ngã = tánh không = tự tánh = tự tri = bổn lai diện mục = tâm đang là = tự tri-tỉnh thức-vô ngã = tâm tỉnh giác vô trụ = tánh giác = tri giác như thực = Phật tánh = mặc như lôi (im lặng như sấm sét-niệm khởi liền không) là hành thâm bát nhã = chú tâm thụ động một niệm đương thời-một điểm hiện tiền = cái biết tuỳ duyên dứt nghiệp-dưỡng thần-trưởng dưỡng thánh thai viên giác = định tuệ đồng thể = định tuệ-hải triều âm = chấm dứt thời gian tâm lí = hiện tiền tâm vô tưởng = thấy nghe vô niệm = sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa lắng nghe = phản văn văn tự tánh = tâm bất sinh bất diệt = tánh niết bàn = trí tuệ siêu việt = trí vô sư = chân ngã vô tướng (báo thân-pháp thân) = Viên Giác = ánh sáng nhất thiết trí = trí tuệ vũ trụ = ánh sáng Thượng Đế = báo thân-pháp thân-pháp giới = như lai tạng = ánh sáng tâm tịnh độ an lạc-giải thoát sinh tử luân hồi trong bể khổ = thể dụng của trí lương tri đại thừa = diệu dụng sáng tạo của tâm từ-bi-hỉ-xả vô ngã = Chân-Thiện-Mĩ.
------
(Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn góp nhặt)
---------------------------------------------
LỜI DÂNG
(Trích trong Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn; nxb Văn Nghệ, 2007; Thuvienhoasen org-bản có bổ sung)
---

Nghề nghiệp, công việc chỉ có tính chất quan trọng (nhiều hay ít), chứ không có tính chất cao quý. Sự cao quý thuộc về nhân cách, lương tâm.

Không thật lòng tôn trọng sự lao động chân tay thì không biết yêu nhân dân; không biết yêu nhân dân thì không thể có lương tri trong sáng, không thể có nhân cách cao.

Không ghét thói hối lộ thì không yêu sự công bằng; không yêu sự công bằng thì không yêu dân; không yêu dân thì không yêu nước, không yêu nhân loại, không thật có tinh thần cách mạng.

Xây và chống, mà không chống thói hối lộ-thói nhận hối lộ, là không chân chính.

Nếu giàu tri thức, giàu tài năng nhưng yếu kém lương tâm, lương tri thì chỉ là công cụ; chưa có nhân cách; còn nghèo trí tuệ; chưa trưởng thành toàn diện.

Không có sự liêm khiết trí thức thì không có năng lực tư duy minh triết về những vấn đề trọng đại của cuộc sống, dù có học vị tiến sĩ triết học hay bất cứ gì.

Chưa có triết lí về giá trị nhân sinh thì văn hoá-giáo dục còn khập khiễng, chính trị còn khập khiễng.

Sự xấu ác là biểu hiện của cái “tôi” (bản ngã) đen tối.

Cái “tôi” càng lớn thì tình thương càng nhỏ. Càng chấp thủ cái “tôi, bệnh tinh thần càng nặng; càng ảnh hưởng có hại cho tha nhân, môi trường bằng hành vi, bằng thái độ, bằng năng lượng tâm ý.

Theo cách nói của nhiều nhà vật lí thì vũ trụ là một mạng lưới chằng chịt vật chất và tâm linh tương quan với nhau. Hiểu như vậy, sẽ thấy toàn vũ trụ là một cơ thể bất khả phân.

Con người cần có sự định tâm tỉnh trí để thấy biết trọn vẹn tâm hồn mình. Không tự tri thì không tự chủ, không có sự liêm khiết và tự do tinh thần, không có Thiền.

Tham cứu Thiền là tham cứu sự sống và ý nghĩa cuộc sống.

“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.

Thiền là tự tri, là siêu vượt tín ngưỡng, hình tướng, khái niệm…, là sống tỉnh thức toàn diện với trí vô sư, với trí tuệ siêu vượt quy định nhị nguyên (tức là sống với trí bát-nhã).

Về tôn giáo cũng như về các lĩnh vực khác, rất nhiều người đạt đến đỉnh cao bằng con đường tự học, tự đào tạo, bằng cách sống thông thường. Khát vọng lớn thì thành công lớn.

Có thể có tinh thần tôn giáo mà không theo tôn giáo nào, tín ngưỡng nào.

Một người ngoại đạo có thể sống khế hợp giác ngộ nếu có khát vọng. Ngộ đạo không khó, cái khó là có khát vọng.

Một nguyên thủ quốc gia, một nhà thơ, một bộ trưởng, một sĩ quan, một giáo sư... nếu mang nặng thói tham ô, hối lộ, bè phái thì giá trị làm người không bằng một người ăn xin lương thiện.

Người đảng viên không thật lòng kính yêu nhân dân thì chỉ là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” ích kỉ.

Không phải “danh ngôn” nào, “lễ nghĩa” nào, “truyền thống” nào cũng giá trị, cũng đáng theo.

Tinh thần càng tự do thì trí tuệ-lương tri càng sáng.

Bệnh thành tích sinh ra thói dối trá, thói dối trá sinh ra sự thối nát.

Ở giữa vườn hoa, xác chuột chết vẫn thối; ở giữa đầm bùn lầy, đoá sen vẫn thanh khiết.

Đồng tiền nhà nước là mồ hôi của nhân dân, trong đó có cả mồ hôi của người ăn xin (vì người ăn xin cũng tiêu thụ hàng hoá, tức là đã gián tiếp đóng thuế). Tham ô, lãng phí tiền nhà nước là có tội với toàn dân.

Không ai là không có tâm xấu ác, điều quan trọng là phải nỗ lực cải tạo. Thực hành “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là trách nhiệm của mọi người.

Có những thứ “vinh quang” dính đầy sự bẩn thỉu. Ai mới thấy hào quang danh lợi đã trọng vọng, đó là người không minh mẫn, không biết chính tà.

Chưa nghiên cứu nghiêm túc về bản ngã (cái “tôi”) thì chưa thể có đường lối giáo dục đúng đắn.

Không biết phục thiện thì không thể học được những bài học vĩ đại trong trường đời; dù có bằng cấp cao cũng chỉ là kẻ ấu trĩ về trí tuệ.

Muốn giác ngộ chân lí tuyệt đối, phải biết “đạt lí, quên lời”, không chấp thủ ngôn từ, hình tướng - dù hình tướng thánh nhân.

Tâm hồn đen tối tạo ra xã hội đầy tệ nạn. Muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, phải có nền giáo dục có khả năng giáo dục tất cả mọi người (không trừ một ai) nhận thức sâu sắc các bệnh tâm hồn, phải làm cuộc cách mạng nội tâm tận đáy cái “tôi”.

Nhà giáo yếu kém nhân cách thì chỉ là công cụ tồi, có hại cho xã hội rất lớn (vì nhiều người ngây thơ tin tưởng vào họ). Tu sĩ yếu kém nhân cách cũng thế.

Một vấn đề lớn của thời đại chúng ta, là làm thế nào để xây dựng vững chắc cảm hứng sống có đạo đức nhân văn ở con người.

Thiền định tự tri thì không thuộc riêng tôn giáo nào hay nền văn hoá giáo dục nào; đó là tài sản cực kì quý giá của nhân loại muôn đời, của vũ trụ.

Tu viện lớn, lễ lược nhiều không có ý nghĩa bằng chăm lo chu đáo và khoa học cho sự tu tập và đời sống vật chất của tu sĩ.

Bắt học sinh, sinh viên học quá nhiều là bóc lột tuổi trẻ.

Một tinh thần thật sự trẻ trung và đầy sinh lực là một tinh thần trong sạch. Tinh thần đó ít lệ thuộc vào thể trạng và hoàn cảnh.

Không xiển dương sự thanh tẩy tâm thức thì tôn giáo, tín ngưỡng chứa đầy mê tín có hại.

Sách báo là thầy, là bạn, là nguồn cảm hứng.

Trái đất đang nóng dần lên; tâm hồn nhân loại đang nóng bỏng. Nhà khoa học nỗ lực vá tầng ô-dôn; thiền gia nỗ lực thiền định để góp phần chuyển hoá tâm trí nhân loại bằng năng lượng tỉnh thức, an lạc, thanh thoát, từ bi.

Nên thấu hiểu rằng, lòng tự hào tôn giáo cũng là cái “tôi” hiếu chiến vô minh.

Tư tưởng “trọng thầy khinh thợ” là tư tưởng của hạng người yếu kém văn hoá (dù có bằng cấp cao, địa vị cao), là tư tưởng của hạng người vong ân bội nghĩa đối với nhân dân lao động, là tư tưởng phản giáo dục (dù đang làm nghề dạy học, lãnh đạo giáo dục).

Nhà tâm lí học không thể hiểu biết sâu sắc cơ cấu tâm lí nếu không thiền định tự tri. Nhà giáo dục học, nhà chính trị học sẽ không có tầm nhìn minh triết về giáo dục, về chính trị nếu không hiểu biết sâu sắc cơ cấu tâm lí con người. Nhà truyền bá tôn giáo sẽ hạ thấp giá trị tôn giáo nếu thiếu quan tâm vấn đề này.

Tham quyền cố vị thì không yêu dân, không yêu nước.

Làm chính trị chân chính thì đừng sợ bị chê bai, bị phê phán; không có lời chê bai, phê phán thì khó nhận thấy khuyết điểm, sai lầm.

Cái đầu tham ô làm tổn thất hơn một nửa chất xám cho công việc thuộc trách nhiệm của nó.

Nếu các cơ quan, các nơi công cộng, các phương tiện truyền thông thường xuyên dùng khẩu hiệu để chống tham ô, hối lộ, bè phái… thì các tệ nạn này sẽ giảm nhanh.

Phải thấy rằng nạn hối lộ là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại, của đất nước.

Đôi tay thì đưa hối lộ và nhận hối lộ, còn miệng thì ca tụng đường lối cách mạng, chắc chắn đó là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” độc hiểm, hay “chụp mũ” người tốt.

Có đức mà không có tài, không phải là vô dụng, vì vẫn có tác dụng giáo dục lớn lao đối với xã hội (qua lối sống), vì vẫn mang năng lượng tinh thần (thiện ích) ảnh hưởng tốt đến môi trường sống của cộng đồng (có cả giá trị giáo dục). Có tài mà không có đức, không chỉ có hại cho xã hội về hành vi xấu, mà còn mang năng lượng tâm thức độc hại cho môi trường (và cho bản thân mình). (Vấn đề này Phật giáo gọi là tạo nghiệp tốt xấu; nghiệp cũng mang năng lượng; toàn vũ trụ là những dòng chảy năng lượng).

Viên mãn “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” rất khó, nhưng chỉ có hướng đến đó mới xây dựng được mẫu số chung cho nhân cách, cho ý nghĩa cuộc sống. Chỉ có hướng đến đó mới tạo nên tiếng nói chung cho hoà bình, công bằng, nhân ái - thật sự biết tôn trọng nhau giữa người với người.

Thiền chân chính, tôn giáo chân chính không thể không lấy “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” làm lí tưởng, làm mục đích. Đó là cốt tuỷ của Thiền học chân truyền, của hành trạng Đại thừa.

(Mời đọc tiếp phần dưới)

Ảnh đại diện

Đi tới hiện tại (Tuệ Thiền): Thiền định

ĐÀM ĐẠO VỀ “NHƯ HUYỄN”
Truyện ngắn (Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn)

Tôi có người bạn thích trò chuyện về thiền về đạo. Chú ấy ít hơn tôi chừng mười tuổi. Chúng tôi quen nhau đã lâu nên thường thật lòng với nhau.

Một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi đang đàm đạo thì có hai người hàng xóm ghé chơi. Họ cũng còn trẻ. Sau khi chào hỏi và dùng trà, một người hỏi tôi:

- Mấy bữa nay anh có theo dõi thời sự không?

- Độ này tôi ít xem tivi.

- Anh bận thiền, tôi biết quá mà!... Họ đang xử án mấy tay tham nhũng cỡ bự.

Thế là hai người hàng xóm hăng say phê phán tệ nạn tham ô, hối lộ, bè phái… Họ đang nhiệt tình bày tỏ quan điểm của mình, đột nhiên người bạn của tôi chen ngang:

- Mấy thứ huyễn mộng đó, quý vị quan tâm làm gì? Để tâm trí lo làm ăn nuôi con nuôi vợ… Các tệ nạn thì có nhà nước lo, chứ quý vị thì làm được gì. Chỉ là ôm ấp thị phi vô thường!

Hai người hàng xóm vừa bất mãn, vừa có vẻ mắc cỡ. Họ đứng dậy gượng gạo bắt tay chúng tôi cáo về.

Tôi châm thêm trà và ngồi im lặng một lúc. Rồi tôi đọc một bài kệ của Phật giáo:

“Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kì ý

Thị chư Phật giáo”.

(Chớ làm các điều ác / Nên làm các việc lành / Tự thanh tịnh ý kia / Đó là lời dạy của chư Phật).

Tỏ vẻ băn khoăn, người bạn hỏi tôi:

- Anh muốn nói điều gì vậy?

- Chú không thấy hai người kia có cái tâm thiện, biết yêu điều tốt, biết ghét điều xấu hay sao?

Là người biết phục thiện nên nghe tôi nhắc nhở, người bạn chợt hiểu. Cạn chung trà, chú ấy hỏi:

- Nhưng trong trường hợp này, cái thiện tâm đó của họ có ý nghĩa gì đâu.

- Chú lại quên lí tương quan tương duyên của vạn sự vạn vật. Tâm ý hướng thiện của họ, dù là cái thiện tương đối, mang năng lượng tích cực ảnh hưởng đến nhiều người khác, đến tất cả. Khi xã hội bớt đi tệ nạn hối lộ tham ô bè phái, chắc chắn có sự đóng góp năng lượng thiện lành của họ. Mà xã hội thì có cuộc sống của tôi và chú, dù rằng mình chọn sự nghiệp thiền định, mang năng lượng tuệ giác.

Người bạn mỉm cười:

- Xin lỗi anh nhé! Học Thiền mà anh quên thuyết Như Huyễn rồi sao? Tất cả các tướng đều là hư vọng, không thật.

Tôi tỏ thái độ nghiêm túc:

- Nếu chú muốn chúng ta cùng khơi sáng vấn đề, xin nghe tôi trình bày.

- Thì xin anh cứ nói. Anh em mình thẳng thắn với nhau mà.

- Thuyết Như Huyễn không phủ nhận thế giới huyễn tướng, tức là thế giới hiện tượng. Thế giới hiện tượng đang hiện hữu, phiền não khổ đau của chúng sinh đang hiện hữu. Thuyết Như Huyễn nhắc mình rằng, có thực tại bất sinh bất diệt “đằng sau” thế giới huyễn tướng sinh diệt vô thường. Người hiểu đạo phải nỗ lực ngộ nhập thực tại bất sinh bất diệt, ngay khi đang sống với quy luật của thế giới sinh diệt vô thường này… Tôi xin nhấn mạnh, thân tâm chúng ta đang sống trong thế giới như huyễn cùng với những quy luật của nó. Người hiểu đạo thì không si mê theo thế giới huyễn tướng, nhưng không thể phủ nhận các quy luật của nó. Theo cách nói của nhà thiền, chúng ta “bất mị nhân quả”, chứ không thể “bất lạc nhân quả”.

Tôi mừng vì thấy bạn có biểu hiện hoan hỉ. Tôi chậm rãi nói tiếp:

- Học tập thuyết Như Huyễn để ngộ nhập tâm phi huyễn (pháp thân, tánh Không, pháp nhãn); ngộ nhập tâm phi huyễn thì sẽ soi sáng hành tác của mình (báo thân) giữa mọi huyễn tướng (hoá thân)… Không có thực tại phi huyễn ở ngoài huyễn tướng; không có huyễn tướng ở ngoài thực tại phi huyễn. “Tam thân nhất thể” nên huyễn và phi huyễn “bất nhị”; không thiên chấp Không (phi huyễn) và cũng không thiên chấp Hữu (huyễn tướng). Giác ngộ đích thực là hiện tiền Tâm Không - diệu dụng (Chân Không - diệu hữu).

Bạn tôi cười vui:

- Xin cảm ơn anh. Giờ thì tôi mới hiểu tại sao kinh luận nói rằng Bồ-tát quán thấy thế gian, thấy chúng sinh, thấy nghiệp chướng đều như huyễn như mộng, mà lại từ bi cứu khổ chúng sinh.

- Người có tâm giác ngộ thì không chấp thủ những thị phi thiện-ác, nhưng biết tuỳ hỉ với những thị phi thiện lành… Kinh luận cho mình biết, Bồ-tát tuỳ căn cơ chúng sinh mà ban vui cứu khổ. Họ cũng biết tuỳ nhân duyên của mình mà chọn cho mình cách tu tập phù hợp thực tế…

Bạn tôi hoan hỉ, tự thưởng mình một chung trà.

(Đường Về Minh Triết-có bổ sung; Thuvienhoasen org)
---------------------------------
THIỀN ĐỊNH

Ngài Bồ Đề Đạt Ma nói: “Không lập văn tự / Truyền riêng ngoài giáo lí / Chỉ thẳng tâm người / Thấy tánh thành Phật.”
Ngài J.Krishnamurti nói rằng: “Im lặng là chiều sâu của cái Không”.

Cũng chính là:
- “Im lặng sấm sét” (mặc như lôi) là hành thâm Bát Nhã, trưởng dưỡng thánh thai Viên Giác.
- Nhận biết và chết đi mọi che bít con mắt Tâm Không (Niết-Bàn hiện tiền).
- Cảm nghiệm Tâm Không (chân như) siêu việt tướng trạng đạo-đời.
- Cảm thọ cực lạc cái tịch tri đầy từ bi và diệu dụng (Như Lai tạng).
- Chú tâm vô trụ.
- Đắc cái bất đắc.
- Niệm vô niệm hiện tiền.
- Cảm nghiệm tâm bất nhị giữa nhị nguyên.
- Sống với ánh sáng tâm phi thời gian (tâm bất sinh bất diệt) vô biên vô lượng.
- Hành thâm “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”.
- Cảm nghiệm thâm sâu Nhất thể vũ trụ.
- Nhập Viên Giác (nhập Pháp giới).
- Sống với những giây phút hiện tiền Viên Giác đại thừa, có nghĩa là sống với những giây phút Tâm-Rỗng-Không đang tri giác, tiếp xúc, cảm thọ, cảm nhận, cảm xúc, yêu thương, suy nghĩ, hành tác, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi, cầu nguyện, sám hối, hồi hướng năng lượng công đức, chúc lành hướng thiện-hướng thượng cho tất cả tâm linh, thiền định, “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”, quán hơi thở, toạ thiền, vô ngôn-vô niệm-vô tác, thưởng ngoạn, thưởng thức, trực nghiệm Niết-bàn, kính ngưỡng Chân Thiện Mĩ, kính ngưỡng Thượng Đế, kính ngưỡng tâm linh chư Phật và thánh hiền, kính ngưỡng sự sống vĩnh hằng, hiện nghiệm tuệ giác vô sư trí, chánh tín quy luật nhân quả luân hồi, phụng sự chánh đạo, an lạc tự do-giải thoát, sống tuỳ duyên-bất biến với cuộc đời, biết ơn, tri túc, diệu dụng, sáng tạo, “là với cái đang là”, “đối diện với hiện thể”, “ngộ nhập đại thừa vô lượng nghĩa trong một nghĩa Viên Giác”…
-----
KỆ TOẠ THIỀN
Tâm Tỉnh Giác vô trụ
Đại định hải triều âm...
Tròn đại thừa hạnh nguyện
Khắp nơi và muôn năm.
12/6/2020 - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

Ảnh đại diện

Được tặng chân kinh (Tuệ Thiền): Vài Trải Nghiệm Hành Thiền (phần 2)

(Tiếp theo)

* (Trích trong Bút Hoa (nhật kí); thiền sư Jiddu Krishnamurti, dịch giả Ẩn Hạc. Ngài Jiddu Krishnamurti là một danh nhân giác ngộ, không theo tôn giáo nào cả; được Liên Hợp Quốc tôn vinh; được rất nhiều người với đủ mọi thành phần xã hội ngưỡng mộ, trong đó có ngài Đạt Lai Lạt Ma & nhà khoa học danh tiếng-giáo sư tiến sĩ vật lí David Bohm).

“CHỨNG NGHIỆM VỀ BẢN THỂ LÀ ĐỈNH CAO CỦA CƯỜNG LỰC, của nhạy cảm. Đây là vẻ đẹp vượt trên ngôn ngữ và cảm thức.

(…) Nó theo chúng tôi chí đến giờ đi ngủ và DUY TRÌ THÀNH TIẾNG RÌ RÀO SUỐT ĐÊM. Điều này không thuộc phạm vi kinh nghiệm, nó chỉ ở đó một cách giản dị, bằng một sức mạnh dữ dội, một phép lành.

(…) TÂM trong tính toàn thể bao trùm cả trí óc, tư tưởng của nó, cảm thức của nó, đang rỗng rang; VÀ TỪ CÁI RỖNG RANG ĐÓ, NĂNG LỰC CÀNG LÚC CÀNG THÂM SÂU, LAN RỘNG, VÔ LƯỢNG. Bởi vì mọi so sánh, mọi lượng giá đều xuất xứ từ tư tưởng tức là thời gian, “BỜ BÊN KIA” LÀ TÂM PHI THỜI GIAN, là hơi thở của chân chất an nhiên và của cái bao la vô tận. NGÔN TỪ KHÔNG PHẢI LÀ THỰC TẠI; chúng chỉ là một phương tiện truyền thông chứ không phải là cái chân chất an nhiên, cái vô lượng vô biên. Cái trống rỗng (TÂM KHÔNG) là cái một mình (NHẤT THỂ)”.

(“Chứng nghiệm tâm linh của ngài J. Krishnamurti”. Đường Về Minh Triết-có bổ sung; có bảng mục lục ở cuối file: https //thuvienhoasen org/a22566/duong-ve-minh-triet).
-----

* (Trích trong: Vài dòng giới thiệu về chữ OM Phạn ngữ; tiến sĩ Huệ Dân; https//www daitangkinhvietnam org/node/8087?page=13)

“Chữ OM (AUM) là một phiên âm tiết hay phiên âm vần của những âm thanh được kết lại từ những chữ: A, U, M trong Phạn ngữ, và cũng là một âm thanh có một không hai trên đời, bởi vì Âm Thanh Vần này bao gồm tất cả sự cấu tạo của Vũ Trụ và thường dùng trong các câu Thần chú của đạo Phật, đạo Hinđu, đạo Giai Na, đạo Sikh, đạo Bà La Môn.

Ý nghĩa chính xác của chữ Om, chưa có tài liệu nào khẳng định một cách xác thực về nguồn gốc của nó, nhưng người ta nghĩ rằng, đây là một chữ mà áo nghĩa của nó chắc chắn có liên quan đến việc tín ngưỡng thuộc về thần linh, THƯỢNG ĐẾ, đấng tạo hoá… trong tôn giáo Ấn Độ.

Theo những văn bản ghi chép đầu tiên của kinh Vệ Đà, thì nội dung và ý nghĩa của chữ Om hay Aum được xem như là biểu hiện đầu tiên của Brahman qua sự kết hợp của những hiện tượng hình thành trong vũ trụ. Bởi vì những cơ bản trong chiêm tinh học của Hindu có khái niệm rằng: TẤT CẢ NHỮNG HIỆN TƯỢNG HÌNH THÀNH TRONG VŨ TRỤ ĐỀU BẮT NGUỒN TỪ NHỮNG RUNG ĐỘNG CỦA “OM” (HAY “AUM”).

(…)
OM là ý nghĩa căn để của chữ Brahman, là âm thanh rung động sâu sắc có sức THÂM NHẬP ĐỒNG NHẤT, mà vũ trụ lực của chính nó là TÂM THỨC nằm trong BẢN THỂ của tất cả vạn vật.

CHỮ OM ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT TRONG CÁC BIỂU TƯỢNG QUAN TRỌNG CỦA PHÁI DU GIÀ. Khi nó thoát ly thuật thần bí và ma lực của các thực hành hiến tế, hay thoát khỏi các lối suy luận triết lý của tư tưởng trước đây, thì nó biến thành MỘT PHƯƠNG TIỆN THIẾT YẾU TRONG SỰ THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH. Một phương thức tâm lý để cứu trợ.
(…)
Những ý nghĩa khác của chữ AUM trong Phật học: OM có nghĩa là Quy mệnh. OM tượng trưng cho thân các vị Phật (pháp thân) trong các câu thần chú. OM ĐÓNG CÁNH CỬA LUÂN HỒI. OM THANH TỊNH HOÁ BẢN THÂN. OM là lời cầu nguyện hướng về thân thể của các vị Phật (pháp thân). OM LÀ TRÍ TUỆ THANH THẢN, AN BÌNH. OM cũng là thân, khẩu, ý.
(…)
Chữ AUM có 100 ý nghĩa khác nhau và là một từ tối cao và từ tạo được mọi điều. NẾU BẠN ĐANG HÀNH THIỀN TRONG IM LẶNG SÂU SẮC, BẠN CÓ THỂ NGHE NHỮNG ÂM THANH TRONG AUM. ĐÓ LÀ NHỮNG ÂM THANH NGUYÊN THUỶ CỦA VŨ TRỤ”.
-----

* (Trích trong: Sự Sống Sau Cái Chết-gánh nặng chứng minh; tiến sĩ y học-nhà nghiên cứu tâm linh Deepak Chopra; dịch giả Trần Quang Hưng)

“Các bình diện tồn tại khác nhau TƯƠNG ỨNG VỚI CÁC TẦN SỐ Ý THỨC (tâm thức) khác nhau. Thế giới vật chất chỉ là biểu hiện của một tần số nhất định. (Vài chục năm sau tôi mê mẩn khi được biết các nhà vật lí cho rằng CÓ MỘT ÂM THANH NỀN CỦA VŨ TRỤ, rất đặc biệt, kêu như nốt nhạc Si giáng, mặc dù nó rung ở tần số thấp hơn mức tai người nghe được hàng triệu lần).
(…)
Yoga sử dụng các khoảng thời gian kéo dài trong TRẠNG THÁI TĨNH LẶNG SÂU SẮC (ĐỊNH-SAMADHI) để đưa CÁC RUNG ĐỘNG PHÚC LẠC vi diệu lên bề mặt của tâm trí, khiến người ta LĨNH HỘI ĐƯỢC ÂM “O O” CỦA VŨ TRỤ hiện diện trong mọi thể nghiệm”.
-----

* (Trích trong Bích Nham Lục; hoà thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng)

“Trên trời, nhân gian chẳng tự hay / Trong MẮT trong TAI lắm thích thú.” (Thiền sư-thi sĩ Tuyết Đậu).
-----

* (Trích trong: Lửa Giác Ngộ; danh nhân giác ngộ Jiddu Krishnamurti; dịch giả Đào Hữu Nghĩa)

“(…) Não không còn nhai đi nhai lại, không còn tiếp diễn, nếu bạn thấy chỗ tôi muốn nói. Não tịch lặng.
(…) Khi não thực sự LẮNG NGHE VÀ TỊCH LẶNG, không do bất kì động cơ nào, bấy giờ mới có TUỆ GIÁC. Tôi không cần giải thích đủ cách về sự hạn chế của tư tưởng. Nó là thế.

(…)
Khi não tuyệt đối tịch lặng thì KHÔNG CÓ TIẾNG ĐỘNG TẠO RA BỞI TỪ NGỮ (tâm ngôn-tâm hành, nghĩ ngợi-nói năng trong tâm). Đó mới là LẮNG NGHE SỰ THỰC. (…).
Não khi nó động nó tạo tiếng ồn. Trở lại vấn đề âm thanh, vì vấn đề này hết sức thú vị. Âm thanh là gì? ÂM - THUẦN ÂM - CHỈ CÓ THỂ TỒN TẠI KHI CÓ KHÔNG GIAN VÀ SỰ TỊCH LẶNG; khác đi thì chỉ là sự ồn ào náo động.

(…)
Giác đòi hỏi một tâm thái tuyệt dứt quá khứ. GIÁC LÀ PHI THỜI GIAN. Thế đấy. TÔI TRI GIÁC HAY GIÁC. Trí não tôi đầy nghẹt định kiến, kiến thức, kết luận, tin tưởng, tín điều và TÔI NHÌN HIỆN TẠI QUA CÁC CÁI ĐÓ. Và hiện tại đó được cải biên bởi thách thức - tôi có thể thay đổi vài tin tưởng nhưng tôi vẫn ở trong cùng một phạm vi. Hiện tại được cải biên và do đó, tương lai là sự cải biên.

(…)
Tôi đã nói: GIÁC NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ NGƯỜI GIÁC. Hãy thấy nghĩa lí hàm súc trong đó. Giác giả hay người giác là quá khứ và vị lai. CÒN GIÁC LÀ BÂY GIỜ, HIỆN TẠI. Cho nên, giác là phi thời gian, như hành động là phi thời gian vậy.

(…)
Bạn có thấy điều gì diễn ra ngay bây giờ không? NGHE KHÔNG THUỘC THỜI GIAN. Nếu tôi nghe, cái nghe đó là BÂY GIỜ. Thưa ông, ông hiểu chứ?

(…)
Nhưng hãy nhận rõ điều gì đã diễn ra trước khi ta khám phá. TRÍ NÃO ĐÃ TỰ GẠT BỎ hết mọi khái niệm, mọi lí thuyết, mọi hi vọng, dục vọng. Ngay bây giờ trí não đang sống trong một TRẠNG THÁI SÁNG SUỐT. Đúng chứ? Trong trạng thái đó, bạn mới có thể KHÁM PHÁ KHÔNG THÔNG QUA NGÔN TỪ (tâm ngôn-tâm hành, nghĩ ngợi-nói năng trong tâm). Đó là chỗ tôi muốn đề cập.

(…)
Bạn không thể hiểu CHÂN LÍ bởi vì bạn muốn hiểu nó thông qua tiến trình tri thức: bằng tranh luận, lí luận, bằng một tiến trình phản ứng, SỬ DỤNG TRIỀN MIÊN TỚI LUI NHỮNG TỪ NGỮ. (…).

(…)
(Người hỏi:… Nhưng làm sao khám phá mà không từ? Chắc ông thấy, tâm thái này, theo tôi, là chấm dứt khám phá, chứ không phải bắt đầu công cuộc khám phá).
Đúng đấy, nếu là chấm dứt khám phá thì bạn có DỪNG Ở ĐẤY không? Não - nó có THẤY ĐIỀU ẤY không? NẾU THẤY, THẾ LÀ DỨT, LÀ HẾT. Bạn theo kịp chứ?

(…)
Đừng phản ứng mà hãy LẮNG NGHE SỰ KIỆN rằng não bộ bạn là một mạng lưới gồm những từ và từ, và rằng bạn không thể thấy bất cứ cái mới nào nếu bạn còn luôn luôn dùng từ, từ, từ. (…).
Khi bạn NHÌN MÀ KHÔNG CÓ TỪ (tâm ngôn-tâm hành, nghĩ ngợi-nói năng trong tâm), thực sự chứ không phải bằng lí thuyết, biến cố gì diễn ra? (Từ là kí hiệu, là biểu tượng, là kiến thức và tất cả mọi cái đó).

(…)
Thế giới là tôi, thế giới là cái “tôi”, cái ngã, THẾ GIỚI LÀ NHỮNG CÁI “TÔI” KHÁC. Cái ngã đó là tôi. Vậy sự cố gì diễn ra khi có trạng thái ấy (trạng thái chấm dứt sự động đậy của ngôn từ, của cái tôi-tâm lí quy ngã), có thực sự chứ không phải nói năng suông? Trước hết, có một năng lượng khủng khiếp, MỘT NĂNG LƯỢNG GIẢI THOÁT - không phải thứ năng lượng tạo ra bởi tư tưởng, không phải thứ năng lượng xuất sinh từ kiến thức, mà là một thứ năng lượng hoàn toàn khác, bấy giờ đứng ra HÀNH ĐỘNG. Năng lượng đó là LÒNG TỪ, năng lượng đó là tình yêu. Bấy giờ tình yêu và lòng từ là TRÍ TUỆ - trí tuệ đó đứng ra hành động.

(…)
Tôi thấy rằng toàn bộ sự động đậy là để bảo tồn CÁI TÔI VẬT LÍ VÀ TÂM LÍ. Đó là một sự kiện. Phải chăng đó là phá hoại “trí”, phá hoại “não”? (…).
Vậy thưa ông, vấn đề đặt ra là: ngưng dứt động đậy, chấm dứt động đậy CHỨ KHÔNG PHẢI CHẤM DỨT TRI KIẾN THỨC. Thực sự đó mới là vấn đề.

(…)
“Tôi sẽ giải thích chỗ tôi hiểu LẮNG NGHE là gì. (…).
Tôi hiểu “nghe” là không chỉ nghe bằng tai thuộc giác quan, mà còn nghe với tai bất động (tức là tri giác nội tâm - cái nghe nội tại, không bằng tai thuộc 5 giác quan). Đó mới thực là nghe (CÁI NGHE NỘI TẠI). Nghe không phải là diễn dịch; nghe không phải là so sánh; nghe không phải là CỐ GẮNG để tìm thấy. Nghe là cái gì đó trọn vẹn, hoàn toàn…”.

(…)
“… Bạn thấy đấy, nếu bạn nói với tôi điều ấy, tôi sẽ muốn tìm thấy CỘI NGUỒN. Và khi tôi thật sự khai mở cội nguồn – với tôi là một nỗi đam mê – tôi muốn khám phá, tôi muốn khám phá cội nguồn của tất cả sự sống. Và khi cội nguồn được khai mở, lúc đó cuộc sống của tôi, hành động của tôi - tất cả - sẽ khác đi”.

(…)
“Bất cứ người nào có CHÚ TÂM, muốn nghe, đam mê thực sự chứ không phải do tình cờ hay bất chợt và thực sự nói, “Tôi phải thấy CỘI NGUỒN của sự sống” - người ấy sẽ nghe. Người ấy sẽ nghe – không phải nghe tôi; người ấy sẽ nghe, thế thôi. Nó ở trong trời đất ấy”.

-----

* (Trích trong: Chấm Dứt Thời Gian - một đối thoại của ngài Jiddu Krishnamurti và nhà khoa học; dịch giả Đào Hữu Nghĩa)

David Bohm (nhà vật lí danh tiếng): (…). Nhưng CÁI MÊNH MÔNG VÔ TẬN ẤY SẼ TÁC ĐỘNG HAY THAY ĐỔI NHÂN LOẠI cách nào? Khi ông nói thế, gợi ý người ta hiểu rằng có một hiệu quả siêu-cảm-giác lan toả khắp.

Krishnamurti: Đó là chỗ tôi đang nắm bắt đây. (...).

David Bohm: Vâng. Bởi vì thức tâm cũng khởi lên từ nền tảng, nên hoạt động này ẢNH HƯỞNG TOÀN NHÂN LOẠI CŨNG TỪ NỀN TẢNG (bản thể tâm thức).

Krishnamurti: Vâng.

(...)
Krishnamurti: (...) “X” nói, có lẽ chỉ cần có MƯỜI NGƯỜI được trang bị bằng TUỆ GIÁC này là có thể làm THAY ĐỔI XÃ HỘI, không phải tổ chức lại hệ thống chính trị này, khác. Công cuộc thay đổi đó hoàn toàn khác hẳn và ĐẶT NỀN TẢNG TRÊN TRÍ TUỆ VÀ TỪ BI.

(…)
Krishnamurti: (…). Nhưng để đánh lệch hướng đi vào chỗ huỷ diệt của con người, ai đó phải BIẾT LẮNG NGHE. Đúng chứ? Ai đó, người nào đó – MƯỜI NGƯỜI NÀO ĐÓ CŨNG ĐƯỢC - phải biết lắng nghe.

David Bohm: Vâng.

Krishnamurti: Lắng nghe TIẾNG GỌI CỦA CÕI MÊNH MÔNG VÔ TẬN ĐÓ.

David Bohm: Vậy là cái mênh mông vô tận có thể làm lệch hướng đi của con người. Cá nhân không thể làm được việc đó.

(...)
Krishnamurti: Tôi muốn thảo luận với bạn và có lẽ cả Narayan (hiệu trưởng trường Rishi Valley) xem điều gì đang diễn ra nơi bộ não nhân loại. Ta có một nền văn minh mở mang, tiến bộ rất cao nhưng đồng thời cũng rất dã man, tàn ác với tính vị kỉ được nguỵ trang dưới mọi lớp áo tinh thần, tôn giáo. TẬN SÂU TRONG NỘI TÂM CŨNG CÓ TÍNH VỊ KỈ KHỦNG KHIẾP ĐÓ. Não bộ con người đã tiến hoá liên tục qua nhiều ngàn năm để đi đến GIAI ĐOẠN CHIA RẼ HUỶ DIỆT NÀY mà tất cả chúng ta đều biết. Vì thế tôi tự hỏi phải chăng não bộ người, không phải não bộ đặc biệt riêng tư nào cả, mà là NÃO BỘ LOÀI NGƯỜI, ĐANG HƯ HỎNG, SA ĐOẠ? Phải chăng não đang ở trong tình trạng suy đồi một cách chậm và chắc? Hay liệu trong một đời người ta, ta có thể MANG LẠI TRONG NÃO MỘT SỰ ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN - một cuộc đổi mới toàn vẹn, triệt để, bất nhiễm? Tôi đã tự hỏi mọi điều ấy và tôi muốn thảo luận.

Tôi nghĩ não bộ nhân loại không phải là não bộ của cá nhân nào, nó không phải của tôi hay bất kì của ai khác. Đó là NÃO BỘ CỦA NHÂN LOẠI ĐÃ TIẾN HOÁ QUA NHIỀU NGHÌN NĂM. Và trong cuộc tiến hoá đó, não đã tích luỹ một lượng lớn khủng khiếp kinh nghiệm, kiến thức và những hành động tàn ác, hung bạo và thô bỉ CỦA TÍNH VỊ KỈ hay ích kỉ (cái “tôi” tâm lí). Có thể nào cởi bỏ tất cả mọi thứ ấy và đổi khác không? Bởi vì rõ ràng NÃO ĐANG VẬN HÀNH TRONG NHỮNG MÔ HÌNH. Dù đó là mô hình tôn giáo, khoa học, kinh doanh... hay mô hình gia đình thì não vẫn luôn luôn vận hành trong CÁI VÒNG LUẨN QUẨN NHỎ NHEN CẠN CỢT. Các vòng luẩn quẩn ấy VA CHẠM NHAU, mâu thuẩn dường như không có chỗ dứt. Vậy cái gì, yếu tố nào sẽ đứng ra phá vỡ việc hình thành các mô hình này mà không rơi vào mô hình mới khác, mà PHÁ VỠ TOÀN BỘ HỆ THỐNG MÔ HÌNH, dù là đau khổ hay khoái lạc? Tóm lại, não đã chịu nhiều cú sốc, nhiều thách thức và áp lực. Và nếu nó không đủ khả năng ĐỂ TỰ ĐỔI MỚI hay tự trẻ hoá lại thì có rất ít hi vọng. Bạn hiểu chứ?

(…)
Krishnamurti: Hãy đi xa hơn. Bấy giờ, có sự trống không hoàn toàn.

David Bohm: Đúng. Trống không nội dung. Nhưng khi ông nói trống không hoàn toàn, phải ý ông muốn nói TRỐNG KHÔNG TẤT CẢ NỘI DUNG TÂM LÍ NÀY?

Krishnamurti: Đúng thế. Và sự trống không đó có một năng lượng khủng khiếp. CÁI KHÔNG ĐÓ LÀ NĂNG LƯỢNG”.
-----

* (Trích trong Pháp Bảo Đàn Kinh):

"(...) Trong tâm mình không có sai quấy, không có ác, không tật đố (ghen ghét), không tham sân, không cướp hại, gọi là giới hương (hương thơm giới hạnh)”.
"(...) Khuyên thiện tri thức quy y TỰ TÁNH Tam Bảo (Tam Bảo trong tâm mình). Phật là Giác vậy. Pháp là Chánh vậy. Tăng là Tịnh vậy (...).” (Pháp Bảo Đàn kinh; hoà thượng-thiền sư Thích Thanh Từ dịch và giảng).
-------

(Thuvienhoasen org; Vài Trải Nghiệm Hành Thiền; TT LBB)
-------------

* "Sinh Mệnh Tuệ Giác Đại Thừa lắng nghe Tâm Không-nhất thể-hải triều âm-cái đang là".

* Thiền gọi Tuệ-Giác-đại-thừa (Tự tánh Viên Giác) là Hòn-ngọc-như-ý.

* Theo cái đang là-Tâm Không-nhất thể
Tuệ Giác liêu xiêu
Lấm bụi đời...
Tìm hiền triết - ẩn cư bên xóm chợ
Tâm không tịch-linh tri
Hiển lộ
Giữa vầng trăng
Lặng lẽ hải triều âm.
(Gặp đoá hoa vô danh; T.Th).

* Sống với Ánh sáng Tự tánh Viên Giác (Tâm Định Tuệ - Tâm không tịch-linh tri), mang năng lượng đại thừa thiện ích vô biên. (Không tịch là tâm rỗng không-tĩnh lặng, linh tri là tự tri-đang là-nhận biết-thấy nghe-cảm nhận một cách linh hoạt, linh diệu).

* (Phần tham khảo thêm có 10 trích đoạn; trừ trích đoạn cuối cùng, 9 trích đoạn còn lại, với cách nói khác nhau, có nói đến Hải triều âm, tức âm Om - âm thanh của Nguồn cội muôn vật và tất cả sinh mệnh tâm linh).

* ("Trưởng dưỡng Tuệ Giác đại thừa: Miên mật hải triều âm-tuệ quán về Nguồn (định-tuệ nhất thể)"...
Mời đọc thêm "Ngân vọng lòng tôi tiếng quê xưa" dưới bài thơ Chùm Thơ Vô Đề, và phần tham khảo dưới bài thơ Quê Hương Trong Tôi - cùng tác giả).
------------------------

Ảnh đại diện

Được tặng chân kinh (Tuệ Thiền): Vài Trải Nghiệm Hành Thiền (phần 1)

VÀI TRẢI NGHIỆM HÀNH THIỀN
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

- Là cư sĩ, tôi chọn cách sống bình thường (thông thường) của một người dân.
- Tìm hiểu, học hỏi Chánh Pháp Giác Ngộ.
- Có chủ hướng ngộ nhập tâm thể bất sinh bất diệt (Tánh Viên Giác) vì thiện ích cho mình, cho tất cả chúng sinh, cho sự nghiệp giác ngộ chung.
- Hoan hỉ và thật tâm tôn trọng tất cả các tôn giáo, các tông phái, các pháp môn, các đường lối tu tập có giá trị hướng thiện-hướng thượng tâm linh.
- Sống nương theo lời khuyên của Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.
- Không chấp thủ bất kì khái niệm-tướng trạng nào trong thế giới vô minh của cái “tôi” (huyễn tướng âm thầm chấp ngã, vị ngã - nguồn cội khổ đau, xung đột).
- Thấy rằng bất kì nhân cách chân chính nào, bất kì sự tu tập chân chính nào cũng phải có sự ý thức về cái “tôi” vọng tưởng (tâm lí ngã chấp).

- Khi cảm nghiệm tâm ý thì nhận ra rằng, cái “tôi” vọng tưởng là vận hành ngôn từ trong tâm (tâm ngôn tâm hành - động thái tạo tác, nói năng trong tâm); diễn trình chánh tư duy cũng vậy.
- Con người có khả năng nhận ra được những nói năng, những vọng niệm trong tâm (tâm ngôn tâm hành), vì tâm ai cũng có sẵn Tánh Nghe (Tánh Giác - thấy nghe nội tâm, tri giác nội tâm).
- Biết nghe lại tâm mình (tự tánh), tức biết sống tỉnh giác, là bắt đầu sống với Huệ Mạng (sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa).
- Tôi thực hành thiền “Phản văn văn tự tánh” (xoay cái nghe nghe tự tánh); cũng chính là quán tâm, tự tri.

- Khi có vọng tưởng thì “tự tánh” là chúng-sinh-tâm; khi vọng tưởng tịch lặng thì tự tánh là Tâm Không (Chân Tâm, Viên Giác) hiện tiền (hiện hữu).
- Khi toạ thiền, lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng là “độ thoát tất cả chúng sinh”; chúng-sinh-tâm ở cá nhân và chúng-sinh-tâm trong toàn vũ trụ là một mạng lưới tương quan tương duyên với nhau, biết tự độ là có tác dụng độ tha.

- Tâm Không là Tâm thấy biết-vô ngôn vô niệm, là bổn lai diện mục, là Tánh Không, là bản thể Tuệ Giác.
- Tâm Không là pháp thân, tâm ngôn chánh tư duy là hoá thân, Lắng Nghe là báo thân; tam thân nhất thể.
- Thường sống với năng lực Lắng Nghe (báo thân); lắng nghe Tâm Không tịch chiếu là ngộ nhập bản thể; lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng, tâm ngôn chánh tư duy, tâm thái đối cảnh (sự-vật) là diệu dụng.

- Với người đang học tập như tôi, trong thời gian chuyên dành cho thực hành thiền định, quan trọng là lắng nghe cái “tôi” vọng tưởng; và ngộ nhập thâm sâu bản thể bất sinh-bất diệt, tức là thường an định lắng nghe Tâm Không.
- Thường tỉnh giác lắng nghe với tâm thái tự tại-từ bi-vô tác-vô cầu-đang là với cái đang là.

- Để chia sẻ với các bạn lữ, xin tóm tắt ngắn gọn như sau:
----
SINH-MỆNH-TUỆ-GIÁC-ĐẠI-THỪA LẮNG NGHE

Tâm xuất hiện cái “tôi” vọng tưởng, lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng (tức là lắng nghe lời thì thầm trong tâm);

Tâm khởi chánh tư duy, lắng nghe tâm ngôn chánh tư duy (tức là lắng nghe những nói năng suy nghĩ cần thiết cho thực tế cuộc sống, cho đạo lí giác ngộ);

Tâm đối diện với sự việc, lắng nghe tâm thái đối cảnh (tức là tỉnh táo-chú tâm-không nghĩ ngợi miên man đến chuyện khác, trong lúc đang làm việc, lái xe, thảo luận…);

Tâm-Vô-Ngôn (vô niệm) hiện tiền, lắng nghe Tâm Không (tức là Tâm bất sinh-bất diệt).

Thường tỉnh giác lắng nghe với tâm thái tự tại-từ bi-vô tác-vô cầu-đang là với cái đang là.
***

“Tri huyễn tức li, li huyễn tức giác”. (Kinh Viên Giác).
“Phản văn văn tự tánh” - (Xoay cái nghe nghe tự tánh). (Kinh Lăng Nghiêm).
***

* “Sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa lắng nghe” chính là “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”.
* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình. (Đường Về Minh Triết-có bổ sung; Tuệ Thiền Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen org).
***

* Tâm Không: Tánh Không, Tâm bất sinh-bất diệt, chân lí tuyệt đối, Thượng Đế, bản thể vũ trụ, cội nguồn cuộc sống-cội nguồn muôn vật, Phật tánh, Viên Giác, Như Lai tạng, trường tiềm năng, trường trí tuệ, pháp thân, pháp giới, thực tính Chân-Thiện-Mĩ...
(Đại thừa vô lượng nghĩa trong một nghĩa Viên Giác).

* Sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa chú tâm vô niệm.
(Chú tâm vô niệm là sự chú tâm mang ánh sáng vô niệm; đó là động thái thấy-biết vô trụ, đang là không tịch-linh tri).
***

(Tham khảo: http //www daophatngaynay com/vn/cuoc-song/16210-vai-trai-nghiem-hanh-thien-cua-mot-cu-si.html)
-----------------

Ghi chú:
Dưới bài thơ Ấm Áp Niềm Tin (thivien net - cùng tác giả) có lời kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.
--------------------------------

MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN THAM KHẢO:

(Các chữ IN HOA là để nhấn mạnh; có vài chỗ trong ngoặc đơn do người đọc, dựa theo nội dung tác phẩm, thêm cho rõ nghĩa).

(Phần tham khảo thêm có 10 trích đoạn; trừ trích đoạn cuối cùng, 9 trích đoạn còn lại, với cách nói khác nhau, có nói đến Hải triều âm, tức âm Om - âm thanh của Nguồn cội muôn vật và tất cả sinh mệnh tâm linh).

* (Trích trong: Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông giảng giải; cư sĩ Lê Sỹ Minh Tùng; https//thuvienhoasen org/a9781/quan-the-am-bo-tat-nhi-can-vien-thong-giang-giai)

“Tôi không quán âm thanh đối tượng mà tôi QUÁN CÁI TÂM NĂNG QUÁN CỦA MÌNH, khiến cho chúng sinh khổ não trong mười phương quán âm thanh như vậy thì được giải thoát”.

Quán âm thanh đối tượng bên ngoài thì âm thanh này không phải là diệu âm. Chỉ có âm thanh phát xuất từ tấm lòng của chính mình thì mới là diệu âm. Diệu Âm tức là Quán Thế Âm, là HẢI TRIỀU ÂM, là tiếng Pháp tự nói trong lòng của mình. CHÚNG SINH TỰ NGHE RỒI HUÂN TẬP MÀ TU LẤY ĐỂ SỬA LẠI CHO TÂM ĐƯỢC THANH TỊNH. Tránh điều ác nghĩ điều lành cho đến khi không còn tránh ác phục thiện thì đạt được vô tác diệu lực, tức là tự nó có thanh tịnh, nghĩa là có giải thoát. (…)”.
-----

* (Trích trong: Kinh Pháp Hoa - phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn; hoà thượng Thích Thanh Từ giảng;
http//thuongchieu net/index php/chuyende/kinhphaphoagiang/3011-phamphomon)

“Diệu Âm, Quán Thế Âm
Phạm Âm, Hải Triều Âm
Tiếng hơn thế gian kia
Cho nên phải thường niệm”. (“Niệm” là “nhớ”).

Diệu Âm là tiếng nhiệm mầu, Quán Thế Âm là quán tiếng của thế gian. Phạm Âm là tiếng thanh tịnh. Hải Triều Âm là tiếng sóng biển nó vang không dừng.
Vậy tiếng gì là tiếng nhiệm mầu, tiếng thanh tịnh, tiếng hải triều? ĐÓ LÀ TIẾNG KHÔNG LỜI Ở NƠI MÌNH, NGHĨA LÀ VƯỢT KHỎI CĂN VÀ TRẦN NÀY, KHÔNG CÒN MẮC KẸT NƠI CĂN, KHÔNG CÒN MẮC KẸT NƠI TRẦN THÌ MỚI NGHE ĐƯỢC TIẾNG ĐÓ. Cho nên ở đây thường niệm luôn luôn, nhớ chỗ đó không quên, được như vậy đó là không theo tiếng mà mất mình”.
-----

* (Trích trong: Tưởng niệm Daisetz Teitaro Suzuki; bài: Thiền và Từ Bi - giáo sư Masao Abe; dịch giả Hạnh Viên)

“(…) Vô vị chân nhân” của Lâm Tế chẳng qua là chủ thể tuyệt đối này. (…) Cho nên Lâm Tế nói về “Nhân” này: “Nó là kẻ năng động nhất ngoại trừ nó không có gốc rễ, cũng không có thân cành. Có thể các ông cố nắm bắt nó, nhưng nó không ngưng tụ lại; có thể các ông cố xua nó đi, nhưng nó không tan ra. Càng cố đạt nó các ông càng xa nó. Khi không muốn đạt nó nữa, thì kìa, nó ở ngay trước các ông. TIẾNG GỌI SIÊU GIÁC QUAN CỦA NÓ VANG DỘI TRONG TAI CÁC ÔNG”. (…)”.
-----

(Mời đọc tiếp phần dưới)

Ảnh đại diện

Hướng đến mẫu số chung (Tuệ Thiền): Một gợi ý trong Bát Nhã Tâm Kinh

Thực hành giác ngộ tối thượng theo Tâm Kinh (Bát Nhã Tâm Kinh, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh – bản dịch của ngài Huyền Trang), có thể lắng nghe và thầm niệm câu chân ngôn “Yết đế…” để thêm định lực khơi tỏ ánh sáng “chiếu kiến” (soi thấy, thấy biết như thực, tri giác tịch lặng-thuần khiết). (TT LBB)

Trang trong tổng số 14 trang (131 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: