Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [97] [98] [99] [100]

Ảnh đại diện

Poet Hansy

994
TRỜI ĐẤT MÊNH MANG

Bảng lảng cuối chiều mây thướt tha
Không gian im ắng buổi sương già
Vương ngang nét ngọc lùa trong lá
Chập chùng ảo diệu cuối trời xa.

Dịu dàng bướm trắng lượn vờn hoa
Róc rách suối đưa nhịp hiền hoà
Thoang thoảng nắng thơm khe khẽ loá
Xuyến xao tâm trạng nỗi thương nhoà.

Chập chờn trong điệu múa kiêu sa
Thả hồn bay bổng giữa giang hà
Giăng ngang niềm nhớ luồn khe đá
Cúi xuống giữa đời, ta với ta...

Nâng cánh xuân tình vịnh ngân nga
Hương thơm dậy ngát uốn la đà
Một phút thiếp hồn mơ giữa dạ
Ngàn năm đọng lại khúc tình ca...

HANSY
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

995
VẪN NGỜI QUÁ VÃNG

Dẫu xa nhau vẫn ôm tròn kỷ niệm
Của tháng ngày hong mầu nhiệm thương yêu
Lời thơ em cùng dáng nét yêu kiều
Thấp thoáng trong Ta giữa chiều xế bóng.

Này Em hỡi, tình chúng mình dài rộng
Cách ngăn này đâu xé mộng đời ta
Bởi trời cao ganh ghét khiến chia xa
Nên hai đứa phải vật và thăm thẳm.

Ta sẽ về cùng Em vầy duyên thắm
Để đền bù năm tháng đẫm không nhau
Thế nhé Em, chớ nuôi mãi u sầu
Chờ Ta nhé, cùng vui câu tương ngộ...

Mình nhóm lại bài thơ đang lỡ dở
Cho hương nồng oà vỡ khúc tình hoan
Này Em ơi, lúng liếng dưới trăng vàng
Nồng ân ái lả lơi màn tương hiệp…

HANSY
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

20-11


NHẤT TỰ VI SƯ
[Ngũ độ]

Toả rạng lòng con nét chữ Thầy
Nhân từ đức độ bổng trầm vây
Ngời trên mộng cũ nguồn thơm ấy
Đượm giữa mơ tròn vẻ ngát đây
Cõi phấn theo đời nương dạ trẩy
Văn bài dõi kiếp lộng hồn xây
Hằng đêm nghĩ ngợi tìm phương thấy
Toả rạng lòng con nét chữ Thầy

Toả rạng lòng con nét chữ Thầy
Hoa người phả mượt giữa vòng xây
Ngôn từ thoả bụng thầm yêu đấy
Nẻo đức nghiêng mình dễ phục đây
Lộng nghĩa bừng thơm nhiều vẻ thấy
Loang tình khoả ngọt lắm điều vây
Nhằm khi ngoái vọng ngày thơ vẫy
Toả rạng lòng con nét chữ Thầy

HANSY

*
Thầy giáo và nghề dạy học đã được xã hội Việt Nam tôn vinh từ xa xưa, qua câu tục ngữ quen thuộc:  _“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”_ [một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy], hàm ý nhằm nhắc nhở mỗi chúng ta về đạo thầy trò ở đời. Ý rằng chúng ta phải biết ơn người dìu dắt, dạy dỗ mình, dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất. Trải qua nhiều năm tháng, trong bối cảnh xã hội hiện nay, câu nói đó vẫn còn phù hợp và luôn là kim chỉ nam để mỗi lứa học trò khắc dạ ghi tâm. Nhà thơ HANSY đã khẳng định thêm điều đó qua bài thơ NHẤT TỰ VI SƯ .

Lần đầu tiên đọc bài thơ Đường luật NHẤT TỰ VI SƯ vào đúng dịp lễ 20 -11, đã để lại trong lòng tôi những xúc động, bồi hồi. Từng câu chữ mượt mà tuôn chảy, câu thơ mở bài được nhắc lại 4 lần trong bài thơ “Toả rạng lòng con nét chữ Thầy” như một điệp khúc đầy yêu quí, kính trọng người Thầy. Không phải đang nhiên người ta thường so sáng công lao của Thầy Cô với đấng sinh thành ra ta “Ân truyền thụ minh tâm khắc trí/ Nghĩa sinh thành tạc dạ lưu tâm” , và những người học trò thường gọi Thầy [cô] và xưng con. Chính vì sự tôn kính đó đã đặt trên vai người giáo viên trọng trách nặng nề của mình đối với lớp trẻ, mầm non của Tổ Quốc.

Là một người Thầy chân chính phải có rất nhiều đức tính mẫu mực để học trò lấy làm gương, không ít những học trò thành đạt khi ra trường có phong cách, lời nói hao hao giống thầy giáo của mình, người thầy giáo trong bài thơ được nhà thơ Hansy dùng những từ ngữ thật đẹp để ca ngợi:

Nhân từ đức độ bổng trầm vây
Ngời trên mộng cũ nguồn thơm ấy
Đượm giữa mơ tròn vẻ ngát đây

Chính vì trọng trách lớn lao xã hội giao phó nên hình ảnh người thầy cũng gắn liền với những vất vả mà nghề giáo đeo đẳng suốt đời. Những tình cảm chân thành của học trò đã níu kéo làm động lực để người Thầy vượt qua mọi gian khó của cuộc sống, vui vẻ, tự hào với sự nghiệp trồng người của mình:

Cõi phấn theo đời nương dạ trẩy
Văn bài dõi kiếp lộng hồn xây

Hình ảnh Thầy soạn bài hằng đêm bên ánh đèn với tập giáo án để ngày mai học trò có những bài học hay đã trở thành nét đẹp gây xúc động tâm hồn biết bao người:“Hằng đêm nghĩ ngợi tìm phương thấy”  Mái tóc thầy bạc nhanh theo từng nét chữ để học trò sáng lòng, tỏ dạ. hình ảnh ấy dễ mấy ai quên!
-----------------------
Sang thức 2 cũng vẫn bắt đầu và kết thúc bằng câu “Toả rạng lòng con nét chữ Thầy” để nhấn mạnh thêm câu “Nhất tự vi sư” Mỗi chữ của Thầy là hành trang cuộc sống suốt đời con mang theo, là nền móng tâm hồn và sự nghiệp để chúng ta lớn lên thành người.

Tình cảm thầy trò đẹp đẽ biết bao, gắn liền với thời học sinh áo trắng vô tư trong sáng. Thầy đã chắp cánh cho những ước mơ bay cao bay xa. Xin được nghiêng mình kính trọng đức độ và tri thức của Thầy:

Ngôn từ thoả bụng thầm yêu đấy
Nẻo đức nghiêng mình dễ phục đây

“Nhằm khi ngoái vọng ngày thơ vẫy” ai trong chúng ta không thầm tiếc nuối quãng đời đẹp nhất, và mỗi ngày 20 -11 đến, một ngày như bao ngày nhưng lại trọng đại hơn bao ngày bởi đây là ngày Hội của các thầy cô, những trò ngoan lại dành những đoá hoa tươi thắm và những lời chúc tốt đẹp để thể hiện tình cảm và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.

Bài thơ không chỉ hay ở từng câu chữ được lựa chọn rất khéo thể hiện vốn từ phong phú của tác giả còn được viết theo thể Ngũ độ thanh của thơ Đường luật nên rất giàu tính nhạc. Nhạc sỹ Hải Anh có lẽ cũng có niềm xúc động như Minh Hien khi đọc bài thơ nên đã phổ nhạc cho bài thơ, mời các bạn lắng nghe giai điệu sâu lắng của bài hát NHẤT TỰ VI SƯ với lời thơ của thi sỹ Hansy:
http://sannhac.com/mp5239...-haianhyeunhacvietnam.htm
-------------------------
Để kết bài, Minh Hien cũng xin có  bài hoạ cùng với Nhà thơ Hansy, gọi là tỏ chút tình đồng điệu:

BÁN TỰ VI SƯ
[Ngũ độ thanh]
Dù cho nửa chữ biết ơn Thầy
Học lễ thêm nhiều để thấm hay
Đức độ ngời thơm tràn nghĩa khảm
Minh hiền toả rạng thắm tình thay
Từ khi nhỏ dại tôn thờ dáng
Tận thủa khôn già kính mãi ai
Tâm này khắc đậm lòng sâu thẳm
Dù cho nửa chữ biết ơn Thầy

Dù cho nửa chữ biết ơn Thầy
Lễ hội hôm này tỏ kính ai
Nhạc nhã mừng vui chào đón thả
Thơ vần rộn rã ngỏ lời thay
Muôn đời kết nghĩa tình yêu đẹp
Một quãng cùng nhau hiểu biết hay
Ôn nhiều kỷ niệm đừng quên nhé
Dù cho nửa chữ biết ơn Thầy

Minh Hien

https://1.bp.blogspot.com/-jHrzH8gbuVU/YZhvhj5j1rI/AAAAAAACR3M/56dTNuxfR1012Vaj4EoxVAXh5_ki6FSrACLcBGAsYHQ/w640-h396/2.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

20-11


THẦY ƠI

Con về lại trường xưa
Tìm thầy
Trên bục giảng, tóc xanh nhoà như mây trắng
Giọng giảng bài giờ đâu còn sang sảng
Mắt cay cay
Con thầm gọi:
Thầy ơi!

Quá vãng như cuốn phim chầm chậm tìm về
Nào bạn, nào bè, nào những giờ thầy lên lớp
Tháng năm bão giông, chúng con đứa còn đứa mất
Nhưng lòng nhớ hoài
Lớp cũ
Thầy xưa.

Con lặng người giữa căn phòng học năm nào
Nghe xôn xao ùa về biết bao kỷ niệm
Bóng phượng sân trường có còn lưu luyến
Một thuở ngu ngơ để ngỏ trái tim lòng
Một thuở dại khờ nhưng biết mấy hồn nhiên
Đùa vui cùng bạn bè, sách vở…
Lắng tai nghe bài giảng của thầy…
…………

Con nhoè mắt chập chờn trong thảng thốt:
Thầy ơi!
Rồi thời gian
E rồi cũng sẽ dần lấp chìm tất cả
Thầy và con có thể không còn gặp lại
Nhưng những lời thầy dạy
Hôm nào vang sang sảng
Giữa phấn trắng bảng đen
Cứ dội trong lòng
Để suốt đời chúng con mãi nhớ
Thuở học trò áo trắng được thầy thương…

HANSY


*
Ai cũng có một thời đi học, thuở áo trắng học trò có biết bao kỷ niệm thân thương với thầy cô, bạn bè, đó sẽ là hành trang theo ta suốt cuộc đời. Giờ đây, khi đàn chim năm xưa đã lớn khôn, ngoái lại thời cắp sách đến trường lòng ta lại dưng dưng, thầy cô đã già, người còn, người mất, mái tóc bạc phong sương... Có lẽ sau tình ân nghĩa cao quý nhất mà cha mẹ dành cho con cái chính là tình cảm của những người đã dạy dỗ cho chúng ta thành người, không ai khác họ xứng đáng được xã hội tôn vinh, những người thầy chân chính:

Ân truyền thụ minh tâm khắc trí
Nghĩa sinh thành tạc dạ lưu tâm

Xuất phát từ tình cảm chân thành của học trò dành cho thầy cô giáo của mình, có biết bao bài thơ, bài viết xúc động đã ra đời. Khi những học trò ấy lớn lên, nhớ trường, nhớ bạn, nhớ thầy cô năm xưa đã yêu thương, bao dung chúng ta, lòng thầm thốt lên 2 tiếng: THẦY ƠI! cũng là lúc con tim ta rung lên những cung bậc của lòng biết ơn vô hạn, sự kính trọng, tình cảm sâu sắc nhất gửi đến thầy cô giáo của mình. Bài thơ THẦY ƠI của nhà thơ HANSY viết về tình cảm của một học trò cũ khi trở lại thăm mái trường và gặp lại được người thầy năm xưa. Bao nhiêu năm đã trôi qua, bóng thời gian đã in hằn lên mái tóc thầy, quá khứ và hiện tại đan xen như một thước phim, giọng nói của thầy năm xưa nay đã yếu hơn nhưng những lời giảng của thầy vẫn đọng lại trong tâm trí con, giúp con trên mỗi bước đường đời

Con về lại trường xưa
Tìm thầy
Trên bục giảng, tóc xanh nhoà như mây trắng
Giọng giảng bài giờ đâu còn sang sảng
Mắt cay cay
Con thầm gọi:
Thầy ơi!

Mở đầu bài thơ, với khổ thơ tự do viết rất tự nhiên như đang kể chuyện cho chúng ta về buổi gặp lại thầy giáo năm xưa của mình, tác giả đã thầm thốt lên 2 tiếng “Thầy ơi!” Khi tình cảm trở lên sâu lắng, mỗi chúng ta chỉ cảm nhận được mà khó nói lên thành lời, bởi tất cả câu từ đều trở nên xáo rỗng. “Thầy ơi!” chỉ là một tiếng gọi nhưng ở mỗi hoàn cảnh lại mang một sắc thái riêng, người học trò chỉ thầm thốt lên trong lòng 2 tiếng yêu thương đó bao hàm cả sự kính trọng, thương yêu, tôn quý biết nhường nào. Thầy là sư phụ của chúng con, thầy là trung tâm, là tấm gương cho lũ học trờ năm xưa. Tiếp đến những khổ thơ viết về trường lớp kỷ niệm học sinh nhưng đều là những lời của con nói với thầy. Con đã trưởng thành, một quãng thời gian khá dài “Tháng năm bão giông, chúng con đứa còn đứa mất” thời gian có thể là 10 năm, 20 năm... đủ để con thấm thía hơn những lời giảng và tấm lòng của thầy dành cho chúng con. Những khổ giữa của bài thơ, tác giả dành để tâm sự lại những kỷ niệm xưa cùng Thầy, tất cả hiển hiện lại như những thước phim rõ nét và hình ảnh thầy chính là những gì đẹp đẽ nhất của “Một thuở ngu ngơ để ngỏ trái tim lòng” Ước gì cho thời gian trở lại, được sống lại quãng đời hồn nhiên đó, lại được thầy chỉ bảo, quát mắng khi làm những điều dại dột, để rồi chợt tỉnh mới biết cuộc đời đã sang trang vở mới. Những niềm vui, nỗi buồn và những âu lo của cuộc sống không còn giống với thời cắp sách, bỗng thấy một chút xót xa, để một lần nữa tác giả lại thốt lên 2 tiếng: Thầy ơi!

Con nhoè mắt chập chờn trong thảng thốt:
Thầy ơi!

Thầy vẫn là sư phụ soi đường cho chúng con trong suốt quãng đời khó nhọc, giúp chúng con có kiến thức làm hành trang cuộc sống, công ơn đó không gì sánh được, như lời người xưa đã nói: “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy” Những luyến tiếc trong lòng người học trò về những kỷ niệm xưa, những trăn trở về công lao của thầy mà chúng con vô cùng biết ơn phải chăng đó là phần thưởng quý giá của người thầy. Trong những học sinh ấy có những người thành đạt, cũng có những người chỉ là những con người bình thường, hay có những người còn thiếu may mắn trong cuộc đời nhưng tất cả đều được thầy thương. Như người mẹ hiền với những đứa con của mình, lớp lớp học sinh đã được thầy dạy dỗ bằng tình yêu thương, chính nhờ tình yêu thương đó đã lâng bước cho con vững vàng hơn trong sóng gió cuộc đời, đưa con đến những chân trời ước mơ. Khổ thơ cuối kết lại đầy xúc động, một nốt nhạc trầm xuống, ngân vang:

Rồi thời gian
E rồi cũng sẽ dần lấp chìm tất cả
Thầy và con có thể không còn gặp lại
Nhưng những lời thầy dạy
Hôm nào vang sang sảng
Giữa phấn trắng bảng đen
Cứ dội trong lòng
Để suốt đời chúng con mãi nhớ
Thuở học trò áo trắng được thầy thương…

Con đò đã sang sông, người lái đò lại cặm cụi chở những chuyến tiếp theo, cứ như vậy không biết bao nhiêu học trò đã trưởng thành lên nhờ công ơn dạy dỗ của thầy. Thầy hôm nay vẫn lên lớp như vậy, hình ảnh thầy đã khắc sâu vào tâm trí mỗi chúng con, dù không gặp lại nhưng “suốt đời chúng con mãi nhớ”. Những tình cảm thân thương đó là động lực để các thầy cô tiếp tục sự nghiệp trồng người đầy vất vả nhưng cũng đầy niềm vui, hạnh phúc. Sự hi sinh, lòng yêu nghề của các thầy cô để lại sự kính trọng của xã hội, mỗi năm đến tháng 11, tháng tri ân các thầy cô giáo, mỗi người học trò lại dành cho người thầy của mình những tình cảm thiêng liêng, tấm lòng biết ơn sâu sắc, những lời thơ cảm động, những bó hoa tươi thắm kính chúc tới các thầy cô.

Bài thơ THẦY ƠI! kết lại nhẹ nhàng, những âm hưởng của từng câu chữ lắng đọng trong tim người đọc. Ai cũng dành một góc trong tâm hồn để nhớ về thầy cô giáo của mình đã gắn bó suốt quãng đời tuổi thơ.

Minh Hien

https://1.bp.blogspot.com/-uhcxrEN0AsY/YZhviqJ7SvI/AAAAAAACR3Y/OrFJPNQMaYQwlRL3VRxJB-QbSj-QdZl5ACLcBGAsYHQ/w640-h478/3.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRƯỜNG XƯA

Trường xưa về lại một chiều
Dậy hương kỷ niệm khiến liêu xiêu hồn...

Đây gốc phượng ngồi ôn thuở nọ
Dưới hiên trường lọ mọ làm quen
Kịch vui vang dội tiếng kèn
Mặt mày hớn hở, vội  chen chúc nhòm...

Kìa cửa lớp còm nhom lão Tú
Tếu táo đời lủ khủ bày ra
Ghẹo hoài cái ả Hằng Nga
Làm cho cả lớp mặt sa sầm hoài...

Rồi thầy cô hằng ngày giáp mặt
Nhớ làm sao chân thật cõi lòng
Giờ đâu gặp lại mà mong
Thời gian vô định cứ sòng sọc phiêu...

Trường xưa về lại một chiều
Dậy hương kỷ niệm khiến liêu xiêu hồn...

HANSY


https://1.bp.blogspot.com/-u88jgnIyFa4/YZhvjoIN-qI/AAAAAAACR3k/MxkiCKtfn6gXMrEgSOfBPd-TfXBNe_91gCLcBGAsYHQ/w456-h640/6.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

PHƯỢNG GIÀ ƠI…

Cây phượng già
Vừa hạ xuống chiều qua
Kỷ niệm ơi!
Những mùa hoa học trò
Biết treo vào đâu.

Cây phượng già
Vừa hạ xuống chiều qua
Nghe niềm nhớ của vở sách áo trắng tìm về
Lặng lẽ như mưa rơi rơi
Ru hồn quá vãng.

Cây phượng già
Vừa hạ xuống chiều qua
Có dìm luôn không
Những tháng ngày ước mơ của tuổi xuân
Những niềm vui thuở nhỏ
Mái ngói sân trường bạn bè cũ mới.

Cây phượng già
Vừa hạ xuống chiều qua
Nghe trong lòng tiếc nuối
Kỷ niệm ơi, lơ lửng giữa tâm hồn
Thầy cô ơi, tạc dạ ghi lòng
Trường lớp ơi
Bạn bè ơi
Phượng già ơi……………

HANSY


https://1.bp.blogspot.com/-J44E1YlEkp0/YZh1iPA0FwI/AAAAAAACR38/GJTrKqetst8WOYw6skletYtmZLbfDAVRwCLcBGAsYHQ/w480-h640/1.gif

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO
HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG?


Trong bài viết “Thầy là quý nhưng chân lý còn quý hơn thầy”, tác giả Trương Khắc Trà đề cập về triết lý đã thành truyền thống “Tôn sư trọng đạo” xuất phát từ quan điểm của Nho giáo và đã lỗi thời trong xã hội hiện đại ngày nay.
Vì thế, khi đọc xong bài viết, tôi thấy cần trao đổi lại và làm rõ hơn về một thành ngữ đã trở thành quen thuộc trong xã hội Việt Nam ta.

“Tôn sư trọng đạo” trước hết là sự phản ánh một quan niệm truyền thống đã có từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

Theo đó, Sư ở đây được hiểu là thầy và Đạo được hiểu là học, là kiến thức, là chân lý mà thầy truyền giảng. “Tôn sư” là sự đề cao vai trò và vị trí của người thầy.

Trong quan niệm truyền thống, đó cũng là thể hiện sự tôn kính trước học vấn của thầy, trước sự đức độ của thầy.

“Trọng đạo” có nghĩa là đề cao việc học, xem việc học và kiến thức là quan trọng.
            
“Tôn sư trọng đạo” theo đó là sự phản ánh tinh thần đề cao vai trò người thầy giáo trong xã hội và sự hiếu học, coi trọng kiến thức của nhân dân.

Tuy nhiên, trong cách tiếp cận về Nho giáo theo quan điểm của tác gỉả Trương Khắc Trà thì “Tôn sư” cũng có nghĩa là đặt thầy vào vị trí trung tâm của giáo dục.

Theo đó, tác giả viết: “Tôn sư trong Nho giáo là khẳng định vị trí số một của người thầy trong giáo dục.

Đây là triết lý giáo dục lấy người thầy làm trung tâm, lời thầy là khuôn vàng thước ngọc”.

Tuy nhiên, trong cách hiểu truyền thống thông thường về câu thành ngữ “tôn sư trọng đạo” thì “Tôn sư” không có nghĩa là đặt người thầy vào vị trí trung tâm của của việc truyền giảng.

Nếu như thế là ta đã hiểu sang vấn đề kỹ thuật chuyên môn ngành sư phạm. Tôn sư là đề cao vai trò của người thầy, và người thầy luôn ở vị trí được tôn kính.

Theo như một câu tục ngữ của người Việt Nam ta: “Không thầy đố mày làm nên”.

Bởi lẽ, trong giáo dục, nói một cách cụ thể là trong việc dạy và học, người học luôn đóng vai trò là trung tâm của sự hội tụ kiến thức.

Theo đó, người thầy giáo phải đánh giá đúng đối tượng là người học, hiểu và nắm bắt suy nghĩ của người học, hiểu tâm lý và khả năng nhận thức của người học để từ đó xây dựng nội dung giảng dạy, lựa phương pháp truyền thụ cho thích hợp và định lượng nội dung giảng dạy.

Mọi sự đánh giá chủ quan, phiến điện không đúng về đối tượng người học đều dẫn đến thất bại trong giáo dục.

“Tôn sư” không nghĩa là thầy luôn luôn đúng, vì điều đó còn tuỳ thuộc vào sức khoẻ, trạng thái tâm lý của thầy giáo, sự thay đổi của điều kiện ngoại cảnh mà đã tác động đến hoạt động giáo dục.

“Trọng đạo” cũng có nghĩa là trọng chân lý, xét trong tình huống giáo dục cụ thể chân lý là của cùng một chủ thể thầy dạy đưa ra, nhưng cũng có khi là chân lý được học trò đúc kết, tích luỹ trong hoạt động sống nói chung.

Vì thế, trong giáo dục, học trò vẫn có thể tranh luận với thầy, phản biện lại thầy về kiến thức chân lý mà vẫn giữ nguyên đạo lý và sự tôn sư.

Như thế, sự “tôn sư” đi liền với “trọng đạo” không tách rời nhau mà luôn ở trong cùng một quan niệm nên không hề lỗi thời như quan điểm của tác giả Trương Khắc Trà trong bài viết.

Trong bài viết, tác gỉả viết: “Tiếc thay, chế độ phong kiến - Nho giáo đã hết vai trò lịch sử, đã lùi vào hậu trường nhưng tư tưởng giáo dục của nó vẫn hằn in trong cách nghĩ, cách học, cách làm giáo dục của người Việt trong thế kỷ XXI.

Ngày nay, “tôn sư trọng đạo” vẫn mang ý nghĩa tôn vinh người thầy và nghề dạy học, nhưng giáo dục ngày nay cơ bản đã khác xưa, mối quan hệ thầy trò cũng cũng phải vận động sao cho phù hợp với thời cuộc”.

Ở đây, cho dù là sự vận động như thế nào đi chăng nữa thì vai trò của người thầy cũng không thể thay thế được.

Người Trung Quốc có câu: “Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi”.

Mặt khác, sự “tôn sư” ở đây còn được hiểu là kính trọng thầy về kiến thức và đạo đức, nhưng cũng còn ý nghĩa khác nữa là quý mến thầy trong cách hiểu về tình người.

Lẽ tất nhiên, người thầy phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với sự “tôn” ấy.  

Theo dẫn dụ của tác giả Trương Khắc Trà thì quan niệm ngày nay, cần đề cao kiến thức hơn là người dạy kiến thức, nghĩa là “Thầy là quý nhưng chân lý còn quý còn quý hơn thầy”.

Theo đó, trong quan niệm hiện đại sẽ đề cao sự phản biện, kể cả việc học trò có thể phản biện lại thầy.

Ở đây cần nói rõ hơn là, trong chữ “trọng đạo” trong quan niệm truyền thống cũng đã bao hàm sự coi trọng chân lý, kiến thức.

Trọng đạo có nghĩa là coi trọng kiến thức của thầy dạy nhưng cũng có khi là những kiến thức khác không phải là của thầy dạy, điều đó cũng có nghĩa là kiến thức cũng luôn được đề cao.

Do đó, trong giáo dục Việt Nam hoàn toàn có chuyện học trò phản biện lại thầy và vượt qua thầy về mặt khoa học.

Đối với những thầy giáo bảo thủ, cho rằng học trò phản biện lại mình là hỗn láo, là không được phép đều cần phải xem lại.

Như thế, bản thân chữ “trọng đạo” đã nói nên đầy đủ, không phải chỉ trong sự ảnh hưởng của Nho giáo hay quan niệm hiện đại của người phương Tây.

Môi trường học tập là môi trường thân thiện, dân chủ và mang tính khoa học. Nhưng môi trường học tập cũng rất nhạy cảm.

Vì thế, “trọng đạo” mà vẫn giữ sự “tôn sư” mới là điều cần thiết đáng nói.

Đối với câu nói “chân lý còn quý hơn thầy” có thể dễ dẫn đến cách hiểu là học trò có thể sẽ coi thường thầy giáo nếu phát hiện ra những kiến thức, chân lý hơn cả những kiến thức mà thầy đã dạy.

Và cũng từ đó mà có hành động tiêu cực với thầy, gây tổn thương cho thầy, đó đều là không phù hợp với đạo lý của người Việt Nam.

Vì thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù xã hội phát triển văn minh hiện đại đến đâu thì truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Sự vinh danh các nhà giáo, sự coi trọng kiến thức vẫn luôn được đặt nên hàng đầu trong giáo dục.

Trần Trí Dũng

https://1.bp.blogspot.com/-om_jv0ZjcS4/WhD_QMS2V2I/AAAAAAABPQo/JkXXFl2cGw0e76AOUAQrFRX59ESzNEFugCLcBGAs/s640/1.1.gif

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THẦY LÀ QUÝ
NHƯNG CHÂN LÝ CÒN QUÝ HƠN THẦY


Hàng năm, cứ vào dịp 20/11 (Ngày Nhà Giáo Việt Nam), toàn xã hội đều hướng về các thầy cô giáo.

Với người Việt ta, đó là dịp để truyền thống “tôn sư trọng đạo” được lớp lớp học trò bày tỏ với những “người đưa đò”.

Nhân đây, người viết cũng bày tỏ một góc nhìn về truyền thống tốt đẹp này.

“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp, một triết lý sống thượng tôn tri thức của người Việt mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng sánh được.

Là người Việt Nam, ai cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của đạo lý này. Tuy nhiên, để hiểu cho hết ý nghĩa sâu xa của nó cả ngày xưa và hôm nay thì không đơn giản chút nào.

Tư tưởng ảnh hưởng của Nho giáo đã lỗi thời

Truyền thống Nho học sắp xếp thứ tự Quân, Sư, Phụ, trong đó Quân là vua, Sư là thầy, Phụ là cha.

Sự sắp xếp này đã “mặc định” cho người thầy một vị trí cao trong xã hội chỉ sau vua và xếp trên cả cha mẹ.

“Tôn sư” trong Nho giáo là khẳng định vị trí số một của người thầy trong giáo dục.
Đây là triết lý giáo dục lấy người thầy làm trung tâm, lời thầy là khuôn vàng thước ngọc.

Có thể coi đó là chân lý trong cách nhìn của Nho học.
Vậy, người thầy trong Nho giáo lấy gì để khẳng định mình là trung tâm?

Đó chính là buộc người học phải “trọng đạo”, đạo mà nhà Nho muốn nói đến không gì khác hơn ngoài “Lễ” và “Nhạc” của nhà Chu. Chính là lời dạy của cổ nhân đã được mặc định là đúng và đúng tuyệt đối.

Bởi vậy, sự học ngày xưa chỉ là học thuộc lòng những gì cổ nhân đã nói, làm theo những gì cổ nhân đã làm bất kể đúng sai, trọng lý thuyết nhẹ thực hành.

Ngót ngàn năm song hành với chế độ phong kiến Phương Đông, Nho giáo đã tạo ra được sự ảnh hưởng ghê gớm, hằn sâu vào tư duy của hàng chục thế hệ.

Chính Nho giáo đã tạo ra một truyền thống học tập mang thói quen “thọ giáo” và “đàm đạo” chứ ít khi phản biện.

Đồng thời, làm dấy lên một sự thèm khát cao độ về cái sự học để được người đời công nhận là…“quân tử”!

Tiếc thay, chế độ phong kiến - Nho giáo đã hết vai trò lịch sử, đã lùi vào hậu trường nhưng tư tưởng giáo dục của nó vẫn hằn in trong cách nghĩ, cách học, cách làm giáo dục của người Việt trong thế kỷ XXI.

Ngày nay, “tôn sư trọng đạo” vẫn mang ý nghĩa tôn vinh người thầy và nghề dạy học, nhưng giáo dục ngày nay cơ bản đã khác xưa, mối quan hệ thầy trò cũng cũng phải vận động sao cho phù hợp với thời cuộc.

Vậy nên, “tôn sư trọng đạo” cũng cần có cái nhìn hiện đại hơn.

Cái nhìn hiện đại hơn

Triết gia Arixtot từng nói rằng: “Thầy là quý nhưng chân lý còn quý hơn thầy”.

Vì câu nói này mà ông đã đoạn tuyệt với người thầy vĩ đại - Platon. Quan điểm của Arixtot như một phát đại bác nã vào thành trì Nho giáo.

Nói như vậy, không phải ở Phương Tây không có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, không coi trọng người thầy, mà ở đây Phương Tây đề cao sự phản biện.

Lịch sử giáo dục thế giới đã chứng minh luận điểm của Arixtot vô cùng tiến bộ, nó mở ra một triết lý giáo dục mới mẻ và hiện đại.

Sau này, chính Fukuzawa Yukichi đã vận dụng để đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.

Mặc dù vậy, trong bất cứ thời đại nào, bản thân mệnh đề “tôn sư trọng đạo” luôn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc.

Trước hết, đó là sự tiếp nối truyền thống luôn coi nghề giáo là một nghề cao quý, người thầy luôn được coi trọng dù bất cứ trong hoàn cảnh nào.

Nếu “tôn sư” ngày xưa lấy người thầy làm trung tâm trong giáo dục thì ngày nay phải lấy người học làm trung tâm.

Người thầy phải gắn bó mật thiết với sự nghiệp trồng người, để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh.

Giáo dục phải tạo ra sự sáng tạo, tiến bộ chứ không chỉ là những kiến thức mang tính hàn lâm, sao chép.

“Trọng đạo” ngày nay phải đào tạo ra con người có đạo đức, chân chính, ngay thẳng, dám đấu tranh với cái ác để bảo vệ lẽ phải.

Họ còn phải là những ngươi có trình độ chuyên môn cao gắn liền với thực tiễn và thậm chí giỏi hơn cả người thầy thì xã hội mới thực sự tiến bộ.

Sản phẩm của giáo dục và đào tạo trong thời đại ngày nay phải là con người của trí tuệ, con người của hội nhập, con người nhập thế để hành động, chứ không phải con người yếm thế chỉ coi trọng kinh sách, nhẹ thực hành.

Bởi chẳng ngẫu nhiên mà cử nhân Việt Nam thường thiếu kỹ năng mềm và hụt năng lực thực tiễn.

Cách đây hơn 1,5 thế kỷ, Nguyễn Trường Tộ - một nhà Nho lừng danh đã nhận ra điểm yếu của phương pháp giáo dục Nho giáo:

“Ngày nay, cái mà nước mình quý trọng là Nho.
Mà Nho thì quý trọng ở nhiều văn chương, chữ nghĩa, lý thuyết. Nếu như bỏ cái công phu bền bỉ dùi mài chữ nghĩa văn chương mà học lấy cái phong phú vô vàn của tạo vật thì sẽ được biết bao điều quý báu”[1].

Với một dân tộc hiếu học như người Việt mình, cũng không phải ngẫu nhiên mà giáo dục đào tạo là “quốc sách hàng đầu”.

Và vì thế, ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của lớp lớp các thế hệ người Việt nhằm tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý.

Từ một đạo lý truyền thống của dân tộc, tôn sư trọng đạo đã mang một ý nghĩa cách mạng mới trong thời đại ngày nay gắn liền với tư tưởng trồng người của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nó không chỉ là đạo lý, tình cảm mà còn là sức mạnh, hành động cách mạng để đưa đất nước đi lên giàu mạnh. Đó chính là nét tươi mới của truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong thời đại ngày nay.

Trương Khắc Trà
Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo, Trương Bá Cần, Nxb Tp.HCM 1988.

https://4.bp.blogspot.com/-mz2kCaWoypg/W_OOskI_gZI/AAAAAAAB-nA/SQLpCzAW81wyUH2DKWodm6asSolyxznqwCLcBGAs/s640/1.3.gif

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

HIẾN CHƯƠNG CÁC NHÀ GIÁO


Lời mở đầu

Các nhà giáo thực hiện một chức trách quan trọng trong xã hội, vì giáo dục trẻ em là một vấn đề cốt tử, không chỉ cần cho sự phát triển cá nhân, mà còn cho sự tiến bộ của toàn xã hội. Nghề dạy học đặt cho người thầy những trách nhiệm, và những trách nhiệm này đòi hỏi những quyền tương ứng. Các nhà giáo cần có quyền thực hiện một cách tự do toàn bộ những quyền dân sự và nghề nghiệp.

Thừa nhận việc phát triển tính cách cá nhân của trẻ như mục tiêu của giáo dục, nhà giáo phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập.

Điều 1. Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là phải tôn trọng tính cá thể của trẻ, khám phá và phát triển khả năng, chăm lo quá trình giáo dục và đào tạo, luôn hướng tới việc hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hoà bình và hữu nghị giữa con người với nhau.

Điều 2. Quyền của nhà giáo không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc, màu da, không phụ thuộc vào niềm tin và định kiến cá nhân, miễn là họ không áp đặt niềm tin và định kiến của mình cho trẻ.

Nhà giáo không  bị  phạt nếu việc giáo dục học sinh tuân thủ các quy định ở Điều 1.

Điều 3. Nhà giáo có quyền có các thoả thuận về các biện pháp bảo vệ họ chống lại quyết định tuỳ tiện ảnh hưởng đến nhiệm kỳ công việc và nghề nghiệp của họ. Cụ thể, các biện pháp bảo vệ cần được thực thi để chống lại các quyết định tuỳ tiện về tuyển dụng, tập sự, bổ nhiệm, đề bạt, hay các biện pháp kỷ luật bãi nhiệm.

Điều 4. Liên quan đến chương trình học và thực hành giáo dục, sự tự do sư phạm và tự do chuyên môn của nhà giáo phải được tôn trọng, các sáng kiếncần được khuyến khích, đặc biệt trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy và sách giáo khoa, cũng như trong việc nghiên cứu các vấn đề sư phạm và chuyên môn, thông qua đại diện nhà giáo.

Điều 5. Nhà giáo phải có quyền tự do tham gia tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức ấy phải có quyền đại diện cho nhà giáo trong mọi hoàn cảnh.

Điều 6. Tất cả các nhà giáo phải có quyền được đào tạo về mặt học thuật và chuyên môn theo các tiêu chuẩn cao nhất có thể, bao gồm cả những yêu cầu về giáo dục để có thể theo học ở bậc đại học.

Hoàn cảnh xã hội và tài chính không được trở thành một rào cản để ngăn cấm một sinh viên theo học để trở thành nhà giáo.

Điều 7.  Nhà giáo cần được tạo cơ hội để tiếp tục học nâng cao trình độ chuyên môn. Họ có quyền tham gia các khoá học bổ trợ với sự hỗ trợ tài chính ở mức cần thiết, kể cả việc tạo điều kiện đặc biệt để họ có thể tham quan, trao đổi ở nước ngoài, nhằm giúp họ có kiếnthức thực tế về cuộc sống của chính họ ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Điều 8. Nhà giáo được hưởng tiền lương phù hợp với tầm quan trọng của chức năng xã hội và giáo dục mà họ đảm nhận, để có thể cống hiến hoàn toàn cho nghề nghiệp mà không phải lo lắng về tài chính.

Đối với những nhà giáo có trình độ và thâm niên công tác ngang nhau, cần áp dụng nguyên tắc trả lương công bằng, công việc như nhau thì lương cũng như nhau, không phân biệt.

Điều 9. Nhà giáo được nghỉ có lương trong toàn bộ thời gian nghỉ của trường học, được nghỉ ốm có lương và hưởng chế độ trợ cấp đầy đủ, kể cả trợ cấp cho goá phụ, trẻ em và người phụ thuộc.

Điều 10.  Nhà giáo có quyền được làm việc trong điều kiện thích hợp, với các trang thiết bị cần thiết và quy mô các lớp học đủ nhỏ để giảng dạy hiệu quả.

Điều 11. Trang thiết bị trường học không nên phụ thuộc vào địa vị xã hội của học sinh cũng như thể loại trường mà chỉ phụ thuộc vào mục đích hay nhu cầu giáo dục. Các trường cần được cung cấp nơi ăn ở phù hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên đủ trình độ, có thể đảm đương các dịch vụ chuyên biệt được giao như chăm sóc y tế và nha khoa, cung cấp bữa ăn tại trường và giáo dục thể chất.

Trường học cũng cần có các phòng thí nghiệm, phòng hội thảo và thư viện.

Điều 12. Nhà trường cần đóng góp vào sự phát triển nhân cách. Một nguyên tắc nhân đạo, phù hợp với lòng tự trọng của cả học sinh và nhà giáo, là phải loại trừ áp bức và bạo lực.

Điều 13. Trẻ em lệch lạc về hành vi cần được giảng dạy trong các lớp học đặc biệt nhằm điều chỉnh càng sớm càng tốt để các em có thể vào lớp học bình thường và có cuộc sống bình thường.

Trẻ khuyết tật về thể chất không thể tham gia vào hoạt động học đường bình thường cần được giáo dục trong các trường đặc biệt, bằng các phương pháp phù hợp với đặc điểm và tình trạng khuyết tật của các em.

Điều 14. Cần hỗ trợ các nghiên cứu giáo dục tại các cơ sở giáo dục, nơi mà các thực nghiệm về phương pháp có thể được tiến hành trong điều kiện thích hợp, nhằm có thể đẩy mạnh tiến bộ của lý thuyết và thực hành về giáo dục. Cần có dịch vụ thông tin để công bố các kết quả nghiên cứu.

Điều 15. Thông qua đại diện do mình bầu, nhà giáo cần có cơ hội để xây dựng các chính sách nhằm cải thiện hoạt động quản lý các trường học và thực thi nghề nghiệp của mình.

https://1.bp.blogspot.com/-M9uV1utAzl8/YZiUMuoYLHI/AAAAAAACR4c/pIBPZBznBpoToRPLZmghVotNg3qdqF0jQCLcBGAsYHQ/w640-h420/%2540-HI%25E1%25BA%25BEN%2BCH%25C6%25AF%25C6%25A0NG.PNG



SỰ KIỆN:
Năm 1946, ở Paris, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập mang tên: “Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục” (Féderation International Syndicale des Enseignants) viết tắt là FISE.

Ba năm sau đó - năm 1949, tại Warszawa, thông qua một hội nghị quốc tế, FISE  đã xây dựng một bản The Teachers’ charter - Hiến chương các nhà giáo, gồm 15 chương,

Công đoàn giáo dục Việt Nam là thành viên của FISE từ năm 1953. Còn Hiến chương các nhà giáo được thông qua vào những ngày 9-11/8 năm 1954, tại hội nghị lần thứ XIX của Liên hiệp quốc tế các công đoàn nhà giáo tại Moscow.

Sau đó, từ ngày 26-30/8/1957, tại Warszawa, hội nghị FISE gồm 57 nước tham dự, trong đó bao gồm Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

https://1.bp.blogspot.com/-1HAmEMvKaAc/WhI_wjqoSWI/AAAAAAABPU8/bUxrbmBaJzAX8bkJ5yt0UnMbwB0Pb4ZJgCLcBGAs/w640-h448/18.gif

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

https://1.bp.blogspot.com/-j3f4IGrl6e4/WG3g9GdueoI/AAAAAAAAkxU/OE6evdlSfvQt8KP6r-wHOyxQhCzneU1KgCLcB/s640/1.2.jpg


CHÀO CÁC BẠN
CHÂN THÀNH CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ THEO DÕI VÀ ỦNG HỘ NHIỆT TÌNH.
MỜI CÁC BẠN THƯỞNG THỨC TIẾP:
Tập 2: Truyện thơ: TÌNH SỬ TRẦU CAU
https://www.thivien.net/f...c-tFiiIzvyqXIhPaOHfRrpyQ\


https://1.bp.blogspot.com/-W6ruh1N9TtY/YZk2rKVZemI/AAAAAAACR5o/jXohH301Im0nvZxAgGbiBH_BWvIZO0UiwCLcBGAsYHQ/w640-h428/1.2.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [97] [98] [99] [100]