Trang trong tổng số 44 trang (432 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [32] [33] [34] [35] [36] [37] [38] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Gần hai mươi năm tự mình đốt lửa



SGTT.VN - Dường như trong lòng người phó chủ tịch hiệp hội Làng nghề Việt Nam này, lúc nào cũng có một nỗi đau khi nhìn thấy vẻ đẹp văn hoá, lịch sử, con người… của biết bao vùng đất cứ ngày một phai đi, ngày một lấp vùi. Số phận đã chọn chị, hay là vùng đất nghèo khó này đã chọn chị, để 18 năm nay lặng lẽ vun bồi 22ha đầm lầy chi chít hố bom thành không gian mướt xanh của cỏ cây và hồn người.

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=119141




Mấy hôm nay, người ta thấy chị – “người đàn bà tóc trắng” tả xung hữu đột giữa đám thanh niên làm hội thảo về biến đổi khí hậu. Vì sao chị lại chọn thanh niên là một “cổng thông tin” cho Một thoáng Việt Nam?

Để gìn giữ và phát huy văn hoá dân tộc, tôi nghĩ nếu chỉ riêng Một thoáng Việt Nam thì không làm được, cần tập hợp sức mạnh cực lớn của mọi nguồn. Những chương trình hành động sắp tới của làng nghề liên kết với hội Liên hiệp thanh niên chính là để khôi phục giá trị của lực lượng tiên phong này. Không có thanh niên, thì cũng không có cuộc chống Pháp, chống Mỹ. Đã có một thời họ sống đẹp, sống thật, sẵn sàng chết vì bạn bè, vì đất nước… tại sao bây giờ tinh thần ấy không còn? Tại sao lớp trẻ bây giờ sống không thấy lý tưởng, không thấy niềm vui, không biết san sẻ… phải chăng vì văn hoá đã mất? Tôi rất mừng là suốt năm ngày, hơn 300 thanh niên tham gia tới ngày cuối cùng, không ai bỏ cuộc.

Chị vừa nói đến sự mất mát trong đời sống văn hoá, đó phải chăng là nỗi đau thường trực trong chị?

Một đất nước mà văn hoá mất thì xã hội sẽ lụi tàn. Chúng ta có thật nhiều tiền để làm gì? Tiền có thể mang lại sự sung sướng, nhưng tiền không mang lại hạnh phúc. Hạnh phúc là sự thăng hoa về tinh thần, về đạo đức. Qua đại lễ 1.000 năm Thăng Long, điều lo lắng bấy lâu của tôi không còn mông lung nữa, mà hiện lên hết sức cụ thể, đau lòng. Nếu chúng ta phát triển Hà Nội bằng mọi giá, bất chấp sự thiếu hụt về văn hoá, nếu chúng ta chạy theo sự hãnh tiến bên ngoài, Hà Nội sẽ không còn là trái tim của cả nước nữa… Sự thiếu văn hoá trong truyền thông, trong giáo dục cũng góp phần không nhỏ làm văn hoá xuống cấp. Ngày hôm qua, tôi vừa chứng kiến một chuyện đau lòng: ngay trước cổng trường kỹ thuật Cao Thắng, chiếc xe đạp của người sửa xe bốc cháy, mà cả đám thanh niên tan trường chỉ đứng ngó, chẳng ai phụ dập lửa… Lên máy bay mà cũng chen lấn xô đẩy nhau, chẳng ai nhường ai. Ở một đất nước mà sự vô cảm đang diễn ra hàng ngày như thế quả thật là có vấn đề. Khi người lớn biết làm gương, quần chúng biết làm gương, thì đám trẻ đâu có dễ dẫn tới cướp bóc, chém giết nhau một cách vô cớ, kinh hoàng như thế. Tôi cảm giác bây giờ người ta sống chỉ biết có tiền… Nếu những người lãnh đạo quan tâm đến phát triển kinh tế hơn là văn hoá, ắt sẽ dẫn đến tai hoạ.

Chị vừa dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tâm trạng của chị thế nào?

Những ngày ở Hà Nội, tôi thấy lo, sợ. Với tôi, tổ chức đại lễ trước hết là để làm sao người ta yêu thương đất nước mình hơn, sống tốt hơn, đẹp hơn, hạnh phúc hơn, là dịp để truyền lửa tới mọi người, giáo dục cho lớp trẻ lòng tự hào, ý thức trách nhiệm với thành phố ngàn tuổi của mình. Nhưng chúng ta đã không làm được chuyện đó. Nhiều hoạt động chạy theo bề nổi. Tôi chỉ mong mười năm nữa, thế hệ tương lai rồi sẽ trả lại Hà Nội như xưa, trả lại vẻ đẹp phố cổ như trong tranh Bùi Xuân Phái.

Chị nghĩ gì về Sài Gòn – một thành phố sống tốt?

Mới đây tôi ghé đền thờ Trần Hưng Đạo, thấy mỗi bàn thờ một hòm công đức chìa ra. Người ta đến đây không phải học tấm gương của cha ông, mà để bỏ một đồng, xin một tỉ. Những nơi tôn nghiêm đã mất dần vẻ tôn nghiêm bởi mạnh ai nấy kinh doanh thần Phật. Ngay những trò chơi trên truyền hình cũng vô bổ, chỉ là quảng cáo để bán hàng. Cái no bây giờ không phải là “ấm no”, mà đang làm người ta phát bệnh… Mọi thứ đều không an toàn, từ giao thông, thức ăn, đến không khí để thở… Một thành phố sống tốt theo tôi hiểu là thương mại đồng đẳng, cuộc sống phát triển bền vững. Khái niệm hạnh phúc bây giờ khác hẳn so với cách đây một thế kỷ, đó là sự an toàn, bền vững trong văn hoá, giáo dục, an sinh xã hội… để mỗi cá nhân thấy được tương lai của mình, của thành phố mình, và có thể chia sẻ những trăn trở với người xung quanh. Kinh tế phát triển phải chứa đựng nội hàm tri thức, trí tuệ, đạo đức và môi trường, nếu không chỉ là khoe mẽ. Nếu sự phát triển của đất nước chỉ là cuộc chạy đua giữa các thế lực tài chính thì không biết đất nước sẽ đi về đâu.

Phải chăng vì thế mà chị đã kiên trì đeo đuổi Một thoáng Việt Nam suốt 18 năm qua? Vì sao một người quá nhiều ý tưởng, sáng tạo như chị lại chưa thành công với làng nghề này?

Một đất nước tồn tại mấy ngàn năm bởi lòng yêu nước và tình đoàn kết, chất thiêng dân tộc ấy càng phát tiết, càng sáng rỡ, làm thế nào để gìn giữ là trách nhiệm của chúng ta. Gọi là “một thoáng”, vì bằng sức lực nhỏ bé của mình, với một quy mô nhỏ, tiền bạc có hạn nhưng sự nghiêm túc tối đa, trung thực tối đa, tôi cố gắng không phản bội lại lịch sử, không phản bội lại tiền nhân. Với lịch sử quá đẹp như thế, chỉ cần trình bày nghiêm túc trong một không gian xanh, sạch, đẹp, chất thiêng ấy sẽ lan toả, bàng bạc trong không gian, trong mỗi bước đi thanh thản, nhẹ nhàng của du khách… để nghĩ tới đất nước, làm được gì cho đất nước. Khi đàn Xã tắc tại Hà Nội được khai quật nhưng không được gìn giữ, chúng tôi đã mang đất đào được tại vùng đất thiêng đó về, hợp cùng đất và nước của nhiều vùng miền trong cả nước, từ địa đầu Lũng Cú đến mũi Cà Mau, với tro lấy từ lư hương ở nghĩa trang Trường Sơn và chùa Hoa Yên, Yên Tử làm thành một khối thống nhất, tượng trưng cho đất nước Việt Nam. Lịch sử và văn hoá Việt Nam được tái hiện đơn sơ nhưng trọn vẹn ở đây, như ba chiếc cọc Bạch Đằng cùng bài học giữ nước thiêng liêng của tổ tiên…

Thực sự đến bây giờ, Một thoáng Việt Nam vẫn rất căng về nguồn thu, bởi các trường không đưa học trò tới, các công ty du lịch chưa đưa khách tới… Cũng có người nói tôi phải thêm vào những trò vui chơi giải trí mới thu hút du khách, nhưng tôi không thể chạy theo thị trường. Phải giữ được sự yên tĩnh, trong lành nơi đây. Thầy trò tôi vẫn cố gắng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, thực phẩm sạch ăn liền để nuôi nhau. Tôi cũng đang tìm cách mở cửa hàng ở nội thành để bán thực phẩm sạch và các loại tinh dầu cho spa, các loại mắm, rượu từ trái cây… Tôi rất mong được nhiều người chung sức.

Chị đến vùng đầm lầy từ hồi tóc còn xanh, giờ đã bạc trắng… Đài Truyền hình TP.HCM từng trả chị 300 tỉ để mua lại Một thoáng Việt Nam kết hợp làm phim trường, bây giờ lại có người trả gấp đôi, sao chị không bán đi cho đỡ cực?

Cũng có một số đại gia đặt vấn đề, nhưng tôi không tin là họ giữ được Một thoáng Việt Nam. Đã có ngân hàng nói thẳng vào mặt tôi là “chuyện này để Nhà nước làm, chị làm làm chi cho mệt!” Tại sao ngành ngân hàng không có cơ chế dành cho những nhà đầu tư lưu giữ văn hoá dân tộc? Càng ngày, sức ép càng lớn, đụng tới trình độ, nội dung, bởi những người bạn từng giúp tôi đã mất. Nhiều người thương tôi cũng khuyên thôi dẹp đi, dù họ biết tôi làm đúng, nhưng không còn sức để phụ giúp tôi. Quả thật có lúc cô đơn, cảm giác bị lạnh lưng. Thôi thì cứ đi, đứng lại là cay đắng, hoang mang, chùn tay…Mười tám năm tự mình đốt lửa, bởi không ai đốt lửa thay mình, chỉ có hy vọng cháy lên.

Chị có thấy mình gắn bó với làng nghề này như một định mệnh?

Tôi nghĩ đó là cái duyên, duyên tới thì làm thôi. Tôi là người đã sống, chiến đấu ở Củ Chi, ban đầu chỉ muốn xây một ngôi trường coi như trả ơn cho vùng đất từng chở che mình. Nhưng khi đến, mới thấy để làm được việc đó người dân phải có tiền để sống, phải đưa văn hoá về. Nếu không, Củ Chi mãi mãi là góc khuất. Phải nói người Củ Chi rất tốt, biết thương cây, nhớ cỏ, trọng người. Phải làm tới, làm tới hoài, vì không thế thì không tròn trách nhiệm. Tôi muốn Một thoáng Việt Nam phải đầy đặn và nên thơ hơn, bình dị hơn… Tôi gắn bó với nơi đây còn vì mẹ tôi, vì những người dân quanh mình. Mẹ tôi cả đời sống, chết cho cách mạng (bà từng là hội trưởng hội Phụ nữ giải phóng miền Nam). Sẵn sàng gạt bỏ cái tôi, cắn răng chịu, nín thở chịu, 18 năm qua tôi học được nhiều, trưởng thành nhiều, bị lừa cũng nhiều, nhưng tôi vẫn còn cái ngây thơ của một người yêu nước rằng mình làm như thế thì thể nào mọi người cũng giúp mình. Thực sự càng sống, tôi càng thấy xung quanh mình còn quá nhiều người sống đẹp. Tôi tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ sự giúp sức của nhiều người. Một sinh viên Việt Nam học ở Anh đã làm thêm suốt bốn năm nay để gửi cho tôi 100.000 USD. Có người gửi cho tôi thùng dầu ăn, mấy tấm bạt che mưa, bao gạo… Bà Sáu Nở năm nay đã 90 tuổi cho tôi 100 triệu đồng để làm Một thoáng Việt Nam… Thử hỏi mình có sống khác được không? Chính điều đó giúp tôi… chịu nhục, sẵn sàng năn nỉ ngân hàng: “Tôi lạy em…” Nhiều người hỏi tôi tại sao khổ thế mà cứ theo hoài, tôi nói cứ coi như tôi đi tu đi. Tu là làm người một cách đúng nghĩa, biết sống có ích vì xung quanh, chứ không chỉ cho mình. Có lẽ do vậy mà mình không thấy khổ. Khi tự tay mình rửa chiếc cọc Bạch Đằng, tự tay đem đất, nước từng vùng miền về, tôi thấy mình chết được rồi.

Khi chị bán căn nhà duy nhất của mình ở nội thành để làm Một thoáng Việt Nam, gia đình chị có lo lắng nhiều không? Giáo dục gia đình đã giúp chị niềm tin như thế nào khi đối diện với những bất trắc?

Gia đình lo không phải vì sợ tôi làm sai, mà sợ tôi quá phiêu lưu. Tôi thấu hiểu tình yêu nước, thương nòi từ gia đình, bạn bè, từ mẹ tôi. Mẹ tôi dạy con kỹ lắm. Sáu tuổi tôi đã theo hướng đạo, biết lo cho trẻ mồ côi, leo núi, xông vào nơi gai góc nhất… Rồi khi vào học trường Tây, lại được học rất kỹ về văn chương, lịch sử Việt Nam. Tất cả như một nền tảng để tôi chỉ có một con đường để đi, không có quyền thối lui. Mỗi đêm, tôi chỉ ngủ ba tiếng, tỉnh dậy là toan tính, là đọc, là học. Nếu không, mình sẽ lỗi thời ngay.

Làm thế nào để mỗi sáng thức dậy, chị lại tràn ngập năng lượng mới?

Tôi không thế lực, không tiền bạc, tôi cống hiến theo kiểu của tôi. Tôi có người bạn là anh Trương Thìn, anh ấy đang bệnh nặng, phải chạy thận ngày ba lần, nhưng vẫn trị bệnh cho mọi người, vẫn sáng tác thơ, ca hát cho bạn bè nghe. Anh sống cuộc sống như thần thánh, suy nghĩ rất đẹp về đường tu. Những bài thuốc trị bệnh anh đặt tên nghe rất thiền như bài thuốc ung thư tên Đường sống, bài thuốc cho người đau thần kinh tên Yên bình… Anh đã tặng Một thoáng Việt Nam câu thơ: “Nơi đây đất lành, chim về chim đậu trên cành bình yên”… Những người bạn như thế khiến mình lúc nào cũng được tiếp thêm năng lượng, vui lắm, yêu đời lắm!

thực hiện: KIM YẾN
chân dung hội hoạ: HOÀNG TƯỜNG

Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt:
“Tôi thực sự tâm phục khẩu phục chị, người có một tình yêu tuyệt đối với văn hoá dân tộc. Không ai đủ đam mê như chị với cỏ cây và hoa trái quê nhà, để 18 năm qua đã tạo ra một “vương quốc” thân quen mà lạ lẫm, tĩnh lặng và nên thơ. Hãy đến Một thoáng Việt Nam để học một “gánh” càn khôn, để thưởng thức những món ngon vật lạ ba miền, và để cảm nhận sự linh thiêng của văn hoá dân tộc”.

Nhà thơ Nguyễn Duy:
“Chị là người có một tinh thần lãng mạn rất cao cả và nghị lực để thể hiện tinh thần ấy một cách quyết liệt, đã nghĩ là làm, đã làm là làm tới cùng. Bao năm nay chị một mình thực hiện ý tưởng cao cả của mình, chỉ tiếc rằng khó khăn đến với chị quá nhiều, sức vóc nam nhi cũng không thể vượt qua được. Tôi chỉ mong sao Một thoáng Việt Nam rồi sẽ thành công, bởi đây là một công trình đầy tinh thần nhân văn, đầy tinh thần ái quốc”.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

NT cũng có tình cờ đọc được về bác sĩ Trương Thìn, thấy rất phục, ngưỡng mộ.
Nhưng tên của "Người đàn bà tóc trắng" là gì vậy bạn? Mình đọc trong bài, không thấy nói?
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đúng là bài viết ở trên không nhắc nhở tới tên của người đàn bà tóc trắng ấy.

Trên internet có đăng lại một bài của Thời báo Kinh tế Sàigòn, viết về vị nữ chủ nhiệm tên là Trần Thị Tuyết Nga. Nguyệt Thu xem thêm tại đây nhé.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lỗi kỹ thuật mạng.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lỗi kỹ thuật mạng.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lỗi kỹ thuật mạng.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đội chống đinh tặc



TT - Cách hút đinh làm sạch đường phố, chống nạn đinh tặc bắt đầu từ các bạn trẻ ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) giờ đây đã được nhân rộng đến các quận 2, 9, 12.

Hằng ngày, hai xe hút đinh của quận thường gom về quận đoàn gần 1kg đinh các loại. Những thông tin về cách làm của bọn xấu được các bạn chuyển đến Công an Q.Thủ Đức để nơi này lên phương án xử lý.

Không còn ngại đinh tặc
Những ngày đầu mới thành lập, điều mà các bạn trẻ đội xung kích chống nạn rải đinh trên địa bàn Q.Thủ Đức lo ngại là những bất trắc có thể xảy ra khi đối tượng xấu “làm bậy”. “Những đối tượng này dám rải đinh trên đường thì cũng dám làm những chuyện phi pháp khác”, đội trưởng Trịnh Minh Tài bày tỏ.

Bạn Hồ Trung Hiếu, một thành viên trong đội, cho biết: tâm lý của các bạn tham gia đội chống nạn rải đinh giờ không còn lo lắng như trước nữa, do nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của mọi người. Người dân thường chạy theo xe hút đinh hoặc gọi điện báo nơi nào có nhiều đinh để đội này đến làm sạch.

Hiện đội đang tuyển thêm các bạn trẻ để mở rộng hoạt động của lực lượng. Đội hình ban đầu có năm người thì nay đã tăng nhiều hơn, nhờ đó công việc hút đinh được duy trì đều đặn và phủ khắp các tuyến phố.

Các thành viên ngày đầu tham gia thành lập đội như Tài, Hiếu, Tân, Công... giờ đây ngoài việc hằng ngày đi hút đinh còn thêm nhiệm vụ chiêu mộ “lính mới”.

Xã hội, doanh nghiệp ủng hộ
Đầu tháng 9-2010, hai xe hút đinh đầu tiên được Quận đoàn Thủ Đức mua về từ Bình Dương được đưa vào sử dụng. Và số điện thoại đường dây nóng trên thùng hút đinh (0917456469) đã nhận được nhiều phản ảnh của người dân về những tuyến đường có “mùi đinh tặc”.

Cuối tháng 9, Quận đoàn Thủ Đức được UBND quận đầu tư thêm tám xe hút đinh nữa. Quận còn phụ cấp 60.000 đồng/ngày/bạn và có bảo hiểm tai nạn.

Anh Trần Bá Cường, giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM, cho biết khi nghe phía Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank nói về chuyện tài trợ kinh phí cho chương trình đi hút đinh làm sạch đường phố của Quận đoàn Thủ Đức, trung tâm đã nhanh chóng đứng ra “làm mối” để đưa nhà tài trợ này đến ngay với chương trình.

Đồng thời trung tâm cũng kết nối các quận đoàn khác như 2, 9, 12 với Quận đoàn Thủ Đức để học tập nhân rộng mô hình chống đinh tặc.

Sau đợt tập huấn chuyên môn cho các thành viên trong đội hình xung kích chống đinh tặc của các Quận đoàn 2, 9, 12, Thủ Đức do Trung tâm Công tác xã hội thanh niên làm “chủ xị”, lực lượng phản ứng nhanh vì đường phố an toàn - văn minh - sạch đẹp đã ra đời ngày 15-10.

Hằng ngày lực lượng trên sẽ đi hút đinh, vá xe lưu động, thu thập thông tin về nạn rải đinh, hỗ trợ người bị tai nạn giao thông... trên tuyến xa lộ Hà Nội (thuộc các quận 2, 9, Thủ Đức) và quốc lộ 1A (thuộc hai quận 12, Thủ Đức).

Hiện nay lực lượng phản ứng nhanh vì đường phố an toàn - văn minh - sạch đẹp có tổng cộng 20 xe hút đinh. Các bạn tham gia đội hình trên được trang bị thêm mũ bảo hiểm, gậy chống tội phạm, đồng phục để làm việc tốt hơn.

Niềm vui của những bạn áo xanh hằng ngày xuống phố đi hút đinh là thấy việc của mình được người dân ủng hộ chứ không còn “lạnh lưng hở sườn” như buổi ban đầu.

NGUYỄN NAM

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=458043
Lực lượng chống nạn rải đinh làm sạch đường phố trong buổi ra quân hôm 15-10 - Ảnh: N.NAM




Doanh nghiệp cùng tham gia
Phía Eximbank cho hay trước đây đơn vị này đã làm nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng, nên khi biết thông tin hoạt động xung kích chống nạn rải đinh của Quận đoàn Thủ Đức cần nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, Eximbank đã quyết định hỗ trợ chương trình thiết thực trên. Theo đó, từ ngày 15-10 đến 31-12 Eximbank sẽ tài trợ chương trình 100 triệu đồng và ủy thác cho Trung tâm Công tác xã hội thanh niên điều phối kinh phí. Phía Eximbank hi vọng sau đợt này sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp góp tay hỗ trợ các hoạt động vì cộng đồng có tính thiết thực của các bạn áo xanh.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Hồng Hải

HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG

Cả buổi sáng ở ngoài vườn, nhìn cả khu vườn ngập tràn hoa mà nghĩ đến câu nói: "Hữu xạ tự nhiên hương". Câu nói ấy ám ảnh tôi suốt và nhận thấy đang có một tâm trạng không tốt lắm liên quan đến câu nói này.

Khi còn bé, Mẹ tôi thường hay nói với tôi khi dạy tôi cách làm vườn và nhận ra nét đặc trưng của từng loài hoa. Người rất sâu sắc khi nói với tôi như thế này: Những bông hoa rực rỡ, nhiều màu sắc thường hay thu hút rất nhiều bướm, nhưng chưa hẳn đã thu hút được loài ong. Con có biết vì sao không? Tôi ngơ ngác, Mẹ vừa tỉ mỉ xới tơi từng luống đất vừa bảo với tôi: Loài bướm thích vẻ bề ngoài, còn để thực sự thu hút được loài ong thì bông hoa ấy phải có hương thơm. Và chúng ta cũng thế, khi phân biệt các loài hoa, ngoài màu sắc thì điều quan trọng đặc biệt là hương thơm của loài hoa ấy. Chính hương thơm mới là điều khiến người ta chú ý và luôn nhớ. Vậy có phải hương thơm ấy chính là trung tâm của bông hoa, là tâm hồn của bông hoa. Có lẽ đúng là như thế.

Và như thế mới thấy con ong tưởng tầm thường kia lại sâu sắc biết mấy. Bởi hình như nó hiểu được hương thơm, tâm hồn của bông hoa mới chính là giá trị đích thực của bông hoa ấy. Khi thực sự được toả ra thì nó sẽ tạo nên một sự quyến rũ lạ lùng gấp nhiều ngàn lần so với vẻ bề ngoài rực rỡ. Hương thơm và mật hoa không những làm nên giá trị cuộc sống mà nó còn là thức ăn để duy trì sự sống. Ít nhất là với loài ong trong nghĩa gần nhất.

Hương thơm ấy, tâm hồn của bông hoa ấy không nhất thiết phải bằng các hình thức PR nhưng vẫn được biết đến và luôn nhớ. Hương thơm gắn với tên gọi, tên gọi nhắc đến hương thơm tồn tại vĩnh viễn và không giới hạn.

Khi Mẹ tôi có tuổi, môt ngày người bảo với tôi: Từ mai mẹ bắt đầu ăn chay! Tôi ngạc nhiên nhưng thật lòng tôn trọng nguyện ước của Mẹ. Vậy mà đã mười năm, đến năm tròn thứ mười ngày Mẹ ăn chay, Mẹ bảo: Ngày Mẹ bắt đầu ăn chay không phải là thích hoặc là nghe theo một ai đấy mà là có một sự thôi thúc trong tâm của Mẹ. Thành tâm niệm phật, phát tâm ăn chay và làm việc thiện. Kinh kệ nhà phật không phải là cao siêu mà là do con người thần thánh hoá. Mọi câu chữ của kinh kệ đều xuất từ tâm và hướng về chữ thiện cả mà thôi.

Mười năm, tôi mới hiểu cuộc đời này chỉ vỏn vẹn trong hai chữ ấy. Ngẫm nghĩ có ý nghĩa lắm thay.

Thế mới biết mọi điều mẹ dạy, được đúc kết từ cuộc sống của chính người, là những bài học vô giá, cứ tưởng nó không liên quan với nhau nay gắn kết lại hoá ra nó hoàn chỉnh, hoàn hảo vô cùng: Người có tâm và hướng về điều thiện tất hữu xạ tự nhiên hương.

Người có tâm và hướng về điều thiện không bao giờ hô hào hoặc kêu gọi để mọi người chú ý. Điều ấy dễ làm cho người ta liên tưởng đến việc cái tâm mình đang làm ngỡ là tốt nhưng cái nghĩa tốt ấy không tích cực mà nó lại theo hướng chủ quan mà cá nhân ấy thích. Làm một việc tốt cho ai đấy, xin hãy xuất phát từ cái tâm. Khi có tâm mọi người ắt sẽ nhận ra không cần phải kêu gào lên như thế. Hữu xạ, tự nhiên hương.

Có rất nhiều người thông qua việc làm từ thiện, đã tạo cho mình một vỏ bọc rất tốt dưới những cái tên mỹ miều : mạnh thường quân. Thời gian sẽ chứng minh hương thơm mà mọi người ngửi được ấy là tự nhiên hay được khuyếch đại dưới bàn tay con người.
Làm từ thiện- là một việc tốt, được xã hội khuyến khích, trân trọng và đánh giá cao. Nhưng xin hãy dành phần đánh giá ấy cho những người ngoài cuộc. Thật sự thấy gai hết cả người khi thấy môt số người hô hào kiểu: Cả nhà ơi, xem tôi làm từ thiện . Ngại lắm!

Hình như bây giờ chuyện này trở thành phổ biến, và có vẻ như đó là một cách lăng xê mình hiệu quả nhất.

Không biết đưa những suy nghĩ này vào đâu, lang thang và thấy chữ TÂM nên xin phép tạm trú một chút cảm xúc dễ mất lòng này.
Ta về khuất bóng tây sơn nhạn
Tịch mịch rả cánh bay
Quay đầu là núi
Gửi lòng bằng hữu
Chỉ chút hương cay.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thước đo ý nghĩa cuộc đời là sự đóng góp



TTCT - 15 năm qua, mỗi năm bác sĩ nhi khoa Quỳnh Kiều từ Mỹ về Việt Nam hai lần theo chương trình mà bà thành lập Project Vietnam Foundation (Quỹ Dự án Việt Nam).

Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã trò chuyện với bà ngày 6-11, sau khi bà cùng các chuyên gia Mỹ chia sẻ với các phụ huynh kinh nghiệm nuôi dưỡng trẻ em tại TP.HCM.


* Thưa bà, nhìn các bậc phụ huynh dành thời gian đến để nghe cách chăm sóc con khiến chúng ta cảm thấy có nhiều hi vọng về việc các em nhỏ ngày càng được chăm sóc tốt và đúng cách hơn. Các phụ huynh vốn hay lấy lý do quá bận rộn nên những dịp này quả là dịp quý?

- Cha mẹ luôn là người sát cánh với con mình nhất, giúp con phát triển nhiều nhất. Bất kỳ ai khác can thiệp chỉ là những người tư vấn vì họ có chuyên môn mà thôi. Vấn đề là các gia đình ngày càng bận rộn lo lắng cho kinh tế, vì vậy họ phó mặc thời gian chăm sóc và vui chơi với con cái cho người giúp việc, cô giáo, nhà trường.

Dẫu thế, trước và sau khi đón bé từ trường về, cha mẹ vẫn có thể dành thời gian trực tiếp tiếp xúc với bé, dù thời gian đó ít ỏi nhưng rất có ý nghĩa. Các ông bố bà mẹ về thì hay làm việc nhà, thời gian dành thật sự toàn vẹn tâm trí cho các bé hay thông tin, trò chuyện với các bé không nhiều.

Trong quãng thời gian ít ỏi đó, để giúp bé phát triển, nếu cha mẹ làm việc nhà thì nên cố gắng lôi kéo sự quan tâm của bé vào việc đó. Ví dụ khi giặt giũ thì rủ bé cùng làm, chỉ màu sắc, đồ đạc và nói chuyện để bé phát triển nhận thức. Nếu cha mẹ mang về nhà sự căng thẳng của công việc thì chẳng ích gì cho sự phát triển của con.

Hành động sẽ kéo theo cảm giác. Nếu họ luôn nghĩ đứa con vô cùng quan trọng với mình và cần làm gì để giúp bé phát triển, đó mới là sứ mệnh cao cả và quan trọng nhất của cha mẹ khi họ bước chân về đến nhà.

* Nhưng các bậc cha mẹ cần đi làm để kiếm tiền lo cho tương lai của con...

- Tương lai của con nằm ở chỗ cha mẹ giúp con phát triển ra sao. Không phải cha mẹ lo cho tương lai bằng sự trọn vẹn về tài chính, mà là làm sao cho con phát triển tối đa, thông minh nhất, phát triển tất cả tiềm năng của bé.

Theo tôi, mấu chốt là cha mẹ phải ở bên con, làm sao cho con hiểu được những giá trị mà bản thân cha mẹ cũng đề cao và tôn trọng. Ví dụ cha mẹ muốn con mình học hỏi nhiều nhưng chỉ lo chuyện vật chất thì con cái họ sẽ nghĩ thế nào?

Cha mẹ là người mà con cái tiếp xúc đầu tiên khi vừa mở mắt, sáng thức dậy, tối đi ngủ. Qua những gì cha mẹ làm, con cái sẽ khám phá ra thế giới. Bởi vậy, giả sử cha mẹ có những người không có điều kiện học hoặc không học được, nhưng họ có tinh thần học hỏi thì con cái sẽ hấp thu được tinh thần đó.

Ở Mỹ, các gia đình thành công không phải là gia đình giàu có. Tỉ phú Warren Buffett không để lại tài sản cho con mà gửi hết vào từ thiện, vì ông tin rằng con ông phải tự lo cho cuộc sống của mình, và quả thật con ông ấy tự làm được. Vấn đề quan trọng là cha mẹ giúp cho con hiểu những ưu tiên của họ về đời sống, giá trị tinh thần và khi con cái thông minh, sắc bén thì chúng sẽ làm được.

* Bà đã đưa đoàn thiện nguyện trở về Việt Nam thực hiện các đợt khám chữa bệnh, đào tạo cho các trẻ em Việt Nam hoàn toàn miễn phí. Các thành viên không được lợi gì về vật chất, thậm chí họ phải tự bỏ tiền trả các chi phí của chuyến đi (khoảng 2.500 USD/người). Bà đã thuyết phục mọi người tham gia và duy trì công việc đó ra sao?

- Ước mơ của chúng tôi là mỗi em bé Việt Nam đều có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. Muốn vậy các em phải khỏe mạnh. Những phái đoàn của chúng tôi đã đi đến các vùng sâu vùng xa của 29 tỉnh thành. Đây là lần đầu tiên chúng tôi không đem phái đoàn lớn mà chỉ đi đoàn đào tạo.

Tháng 3-2011, chúng tôi sẽ có đoàn lớn khoảng 80 chuyên gia vừa làm phẫu thuật, khám bệnh và giảng dạy. Chúng tôi trao đổi, đem tin mới ở nước ngoài mà chúng tôi tin rằng có thể ứng dụng vào thực tế cải thiện sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.

Như tôi đã nói, mình không cần nhiều tiền mà quan trọng là thời gian và bố mẹ, xã hội hiểu những nhu cầu đặc biệt của các cháu, tuổi nào cần gì, tuổi nào giúp phát triển sức mạnh. Chồng tôi vẫn nói đây là công việc mà tôi dành toàn bộ thời gian dù lẽ ra đó phải là việc liên quan tới chuyên môn ở Mỹ. Dù làm ở Việt Nam tôi không có thù lao nhưng lại có sự thỏa mãn về tinh thần, mà điều này tiền bạc không mua được.

Với các thành viên tham gia có tới 50% là người Mỹ, để có thể quyên góp được tiền cho các dự án, điều quan trọng để họ cảm thấy muốn tiếp tục tham gia chính là nhìn thấy rõ tác dụng và hiệu quả của chương trình ngay cả khi họ đã rời khỏi Việt Nam.

* Bà bắt đầu quan tâm công việc thiện nguyện ở Việt Nam từ khi nào?

- Tôi trở về bắt tay vào công tác thiện nguyện ngay khi Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ (bà Quỳnh Kiều đến Mỹ năm 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn khóa cuối cùng). Tôi vẫn nhớ bố tôi nói rằng giá trị của con người đo lường bằng sự đóng góp của họ cho xã hội. Và quan điểm đó tạo thành cách nhìn cho tôi.

Nhưng tôi cũng may mắn hơn rất nhiều người, nhất là khi chồng tôi có cùng triết lý sống với tôi, hỗ trợ tôi làm việc. Lần này chồng tôi không về cùng vì là bác sĩ gây tê, chỉ về Việt Nam khi có phái đoàn phẫu thuật.

Suy nghĩ về sự đóng góp cho đất nước trong tôi không thay đổi suốt mấy chục năm qua. Tôi vẫn luôn cảm thấy mình là người Việt Nam. Càng thấy trẻ em bên Mỹ được sự may mắn nhờ các dịch vụ hỗ trợ tốt, tôi càng cảm thấy sự xa cách và khác biệt trong y tế với trẻ em càng lớn. Tôi ước ao có thể đóng góp với mong muốn là trong nước tạo điều kiện nhiều hơn.

Lần này tôi hướng dẫn chương trình mới về cấp cứu trẻ em ở trường mầm non và các nhà trẻ, giúp các giáo viên và bảo mẫu kiến thức chăm sóc trẻ em theo chuẩn của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ mà tổ chức chúng tôi là đối tác thành viên. Chúng tôi đã dạy được hai buổi rồi, nhưng nhiều người đăng ký quá. Chúng tôi muốn dạy thêm một buổi nữa nhưng không được vì không được cấp phép kịp. Lẽ ra chúng tôi có thể đóng góp nhiều hơn nữa.

* Những khi gặp khó khăn như vậy, bà cảm thấy sao?

- Tôi cũng bực mình, nhưng nghĩ lại thấy mình đang đem lại điều gì đó cho những người chăm sóc trẻ em và gia đình thì thấy phấn khởi trở lại để tiếp tục con đường. Tôi làm vì niềm tin, vì trẻ em Việt Nam. Chăm sóc nhi khoa ở Việt Nam đang có những thay đổi. Y tế ổn hơn, dinh dưỡng tốt hơn. Nhưng cần phải dinh dưỡng đúng cách vì có tiền không có nghĩa là dinh dưỡng phù hợp và tốt cho sự phát triển của bé.

Trẻ em Việt Nam thường chỉ được đưa đến bác sĩ khi cần chủng ngừa, ốm đau và ít ai hỏi bé đã nói được mấy chữ, thích chơi trò gì. Ở Mỹ, tiêu chuẩn bác sĩ nhi là phải tầm soát sự phát triển của bé theo giai đoạn và tư vấn cho các gia đình.

* Năm 2007, bà được trao tặng giải thưởng Vinh danh nước Việt. Bà nghĩ thế nào về những giải thưởng mình có được?

- Khi lễ trao giải diễn ra, tôi bận dự khai mạc hội thảo nhi ở Huế. Khi người phát biểu khai mạc sự kiện nói “Tôi được biết đáng lẽ bác sĩ Quỳnh Kiều phải có mặt ở Hà Nội lúc này để nhận giải thưởng”, tôi trả lời chỗ mà tôi phải có mặt là ở đây (hội nghị nhi) vì đây là công việc của tôi.

Tôi làm công việc này đâu phải để được vinh danh. 15 năm qua, chúng tôi đã trao đổi với các cơ quan quản lý y tế về nhi để đóng góp, tìm kiếm phương thức phù hợp trong nước nhằm tăng an toàn cho trẻ em từ lúc lọt lòng. Giá mà thay vì trao giải thưởng, Nhà nước tạo điều kiện để công việc giúp đỡ cộng đồng của chúng tôi được thuận tiện thì tôi sung sướng biết bao nhiêu. Đó chính là sự giúp đỡ thực tế.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

KHỔNG LOAN
thực hiện phỏng vấn


Quỹ Dự án Việt Nam của bác sĩ nhi khoa Quỳnh Kiều thực hiện nhiều công việc và dự án khác nhau nhằm mục tiêu nâng cao hỗ trợ sức khỏe cho những trẻ em đang gặp nguy hiểm, cho các cộng đồng nghèo ở nông thôn và đào tạo các chuyên viên y tế tại Việt Nam.

Bác sĩ Quỳnh Kiều sinh ở Hà Nội, là người đầu tiên trong lịch sử Mỹ cùng lúc được trao hai giải thưởng: Phụ nữ xuất sắc nhất trong năm của quốc hội bang California và Bác sĩ mang lại hãnh diện cho ngành y khoa do chính các đồng nghiệp thuộc Hội Y sĩ Hoa Kỳ bầu chọn. Bà có ba con và đều đã trưởng thành.


http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=462430
Bác sĩ nhi khoa Quỳnh Kiều (trái) cùng các chuyên gia Mỹ chia sẻ kinh nghiệm với các bậc phụ huynh về chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em từ 0-5 tuổi tại dinh Thống Nhất (TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng




Nhồi sọ quá sẽ không sáng tạo được
Trẻ em ở Việt Nam vừa từ trường về nhà không những phải làm bài mà còn phải đi học thêm. Mới bé tí xíu mà phải học thêm. Thời gian các em không đi học chính là lúc não bộ các em phát triển. Thời gian các em chơi đùa với đồ chơi, với chúng bạn chính là lúc các em sáng tạo.

Bắt trẻ em đi học theo kiểu nhồi sọ, lúc nào cũng đến lớp không phải là điều quý. Người Mỹ không tiết kiệm được như người Nhật vì họ đặt cao nhu cầu thụ hưởng của cá nhân. Nhưng nước Mỹ vẫn tồn tại và phát triển vì người Mỹ có óc sáng tạo. Nhồi sọ quá sẽ không sáng tạo được.

Trên thế giới này, những gì quan trọng là được phát triển vượt ngoài khuôn mẫu. Bố mẹ muốn con phát triển thì phải tính toán tới những gì ngoài khuôn mẫu, phải tin con mình có sức mạnh, là một cá nhân riêng và phải có phương pháp phù hợp với sự phát triển của con.

BS QUỲNH KIỀU
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bà giáo nguyện suốt đời dạy học



SGTT.VN - Đều đặn mỗi ngày, trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, người ta lại bắt gặp hình ảnh bà giáo già gầy gò có ánh mắt nhân hậu, tươi vui cùng đám học trò nhỏ ríu rít trên đường đến lớp...

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=121241
Bà giáo với công việc lặng thầm cống hiến trọn đời.




Bất kể ngày mưa hay nắng, cô giáo Nguyễn Thị Thiền vẫn miệt mài đi bộ gần ba cây số từ nhà đến với bọn trẻ ở lớp học tình thương thuộc khu phố 3, phường Phú Thuận, quận 7. Lý do khiến bà giáo quyết định đi bộ chẳng phải vì đoạn đường quá gần hay vì bà không có phương tiện đi lại, mà chính vì học trò nhỏ của mình – những đứa trẻ nghèo không đủ điều kiện đến trường ngày ngày vẫn chờ cô giáo Thiền đưa đến lớp.

Chung tấm lòng yêu trẻ
Sự tận tuỵ của cô Thiền cũng là tấm lòng chung của những cựu giáo viên đã góp tay xây dựng và duy trì lớp học tình thương này. Mỗi người một cách nhưng tất cả đều chung sự nhiệt tâm đem con chữ đến cho trẻ em nghèo không có điều kiện đi học.

Năm 2006, thầy giáo Nguyễn Văn Nhãn, một cựu giáo viên tiểu học ở phường Phú Thuận vì thương trẻ em nghèo trong khu phố không có điều kiện đến trường, đã tình nguyện dành một phòng trong khu nhà trọ của mình để làm nơi dạy chữ. Cùng chung tấm lòng yêu trẻ và nghiệp đưa đò như thầy Nhãn, cô giáo Nguyễn Thị Thiền, cựu giáo viên trường trung cấp Ngân hàng 3 và cô Nguyễn Thị Biết, một cựu giáo viên trường tiểu học ở Nhà Bè đã đều đặn ngày ngày dành thời gian đến tham gia lớp học tình thương này.

Những ngày đầu, lớp chỉ có vài đứa trẻ, chủ yếu là con em người lao động nhập cư không đủ điều kiện đến trường nên tìm đến đây để học chữ. Cuộc sống của người lớn bấp bênh nên chuyện học hành của trẻ nhỏ ở đây cũng vì thế chỉ là chuyện được chăng hay chớ. Với tấm lòng yêu trẻ, các cô tìm đủ mọi cách để duy trì sĩ số của lớp. Mỗi ngày, thay vì nhờ người nhà chở đến lớp, cô Thiền lại chọn cách đi bộ. Để trên đoạn đường ấy, cô còn kịp tạt vào nhà học trò này, ghé qua nhà trò khác để thuyết phục phụ huynh, động viên các em đến lớp. Rồi, khi thì cái kẹo, cái bánh; lúc thì cuốn tập, cây viết, các cô luôn dành những món quà nho nhỏ để động viên các em đến lớp. Dần dà, từ vài học sinh, đến nay, sau bốn năm thành lập, lớp học được gầy dựng bằng tấm lòng của các thầy cô giáo về hưu đã có khoảng 60 học sinh độ tuổi tiểu học. Dù là lớp học tình thương, các cô vẫn cố gắng bám theo chương trình chung của ngành để sau khi học ở đây, em nào đạt kết quả cao sẽ được địa phương tạo điều kiện cho thi hết cấp tiểu học và thi vào trường công lập.

Niềm vui công việc thầm lặng
Trong căn nhà cũ kỹ và giản đơn như chính cuộc sống của mình, mỗi ngày sau giờ lên lớp, bà giáo Thiền lại tận tuỵ sửa từng phép tính, từng lỗi chính tả cho học sinh như công việc bao năm qua bà vẫn làm khi còn đứng trên bục giảng. Gắn bó với công việc trong ngành từ trước ngày đất nước giải phóng, từ công việc của một nhân viên huấn học, rồi giáo viên dạy toán cấp ba của trường trung học Ngân hàng, đến khi về hưu cô Thiền đã tình nguyện về dạy học ở một trường vùng sâu thuộc thị trấn Nhà Bè. Cuộc sống khó khăn vẫn không làm vơi đi tình yêu mà cô Thiền dành cho nghề giáo, cho những đứa học trò.

Khi tuổi đã cao, không thể tiếp tục đến với học trò vùng sâu, bà giáo già chọn cách tiếp tục nghề dạy học bằng công việc dạy lớp tình thương. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, tài sản quý giá nhất của cô Thiền là sự thành đạt của hai người con mà cô đã truyền ngọn lửa hiếu học và giúp cho con nguồn tri thức để vào đời. Bây giờ, cô lại tiếp tục vun vén cho những đứa trẻ nghèo trong khu phố. Bởi cô hiểu rằng, tri thức là cánh cửa quan trọng cho các em vào đời. Với cô, tuổi tác có thể có hạn nhưng tinh thần cống hiến sẽ theo mãi khi mỗi người đã chọn được lý tưởng cho cuộc đời mình. Với tâm nguyện, sẽ hiến xác cho khoa học khi mình ra đi, cô mong ước, ngay cả khi nằm xuống, cô vẫn còn cơ hội để góp thêm một điều tốt đẹp cho cuộc đời.

Và cứ như vậy, ngày ngày, cùng với đồng nghiệp đều là cựu giáo viên ở tuổi thất thập, bà giáo Thiền vẫn cần mẫn với công việc thầm lặng của mình. Với các thầy cô dạy lớp học tình thương này, thêm một đứa trẻ biết chữ là thêm niềm vui. Và họ đã tiếp tục với những chuyến đò tri thức của mình như thế.

bài và ảnh: Ngọc Bích
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 44 trang (432 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [32] [33] [34] [35] [36] [37] [38] ... ›Trang sau »Trang cuối