Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [41] [42] [43] [44] [45] [46] [47] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sự tích cá gỗ và ông đồ xứ Nghệ





http://www.rlblair.com/images/wall/angel-fish-wall.jpg
Cá gỗ người Nghệ An gửi Viện bảo tàng Dân tộc học Việt Nam



Năm tròn bẩy tuổi đầu
Theo cha ra Hà Nội
Biết con ai bằng cha
Đang lập loè lớp một

Cơ quan ở Ngọc Hà
Trường mượn Đinh Hữu Tiệp
Tan học băng về nhà
Ôm hơi cha ngủ thiếp

Lớp Một trong làng hoa
Hương thơm tràn trang vở
Cạnh sân xanh bóng nước
Ao làng mây trắng qua

Cả lớp toàn người Bắc
Riêng mình con Nghệ An
Hay giơ tay thắc mắc
Mà giọng thì oang oang

Cô giáo nghe không rõ
Nhiều khi xuống tận bàn
Giọng cô trong như gió
Nói chậm cho rõ ràng

Ngay buổi học đầu tiên
Đã bị nhà trường phạt
Đứng úp mặt vào tường
Trán bây giờ vẫn rát

Bữa ấy đến phiên trực
Của nhóm ngồi bàn đầu
Con trai trèo lau bảng
Con gái xếp ghế bàn

Con chỉ cái giẻ lau
Nói với hai bạn gái
Đưa hộ cái nùi trồi
Bạn lại mang mũ đến

Chuyện bắt đầu chỉ vậy
Cả nhóm ra rửa tay
Đằng ấy người mô rứa
Nói như Chi -ca - gô

Hai bạn cười ngặt nghẽo
Tóc đuôi gà cười theo
Lại còn nheo cả mắt
Lại còn dẩu cả môi

Đúng là dân cá gỗ
Giẻ lau gọi nùi trồi
Đã thế còn hay nói
Phát biểu nghe không ra

Tức thì con bốc hoả
Không nói cũng không rằng
Ngồi giữa đứng bật dậy
Gạt phăng bạn xuống ao

Con gái không biết bơi
Suýt nữa thì chết đuối
Cả lớp nháo nhào nhào
Như bầy ong vỡ tổ

Vốn là con rái cá
Của hai bờ sông Lam
Con nhào ngay xuống nước
Kéo hai bạn lên bờ

Trường mời cha đến vội
Lo lắng con mò theo
Thầy đón cha trước cổng
Ngực con trống đổ hồi

Không biết cha thưa gì
Thầy bắt tay thật chặt
Tủm tỉm nhìn con cười
Còn dắt tay vào lớp

Lớp Một ơi lớp một
Thật chẳng hiểu làm sao
Hai bạn gái ngã ao
Lại chơi thân con nhất

Trái sấu non xanh mướt
Que kem giờ ra chơi
Bạn giấu mang đến lớp
Dúi vào tay tớ mời

Mỗi lần qua trường cũ
Tôi bần thần bờ ao
Soi tìm trong bóng nước
Đôi bím tóc đuôi gà

Về nhà gạn hỏi cha
Sự tích chuyện cá gỗ
Cha cười hẹn buổi tối
Cùng nhau ra vườn hoa

Dọc đường níu tay cha
Con luôn mồm lục vấn
Cặp con toàn sách vở
Có con cá nào đâu

Xoa đầu con cha kể
Tục truyền từ ngày xưa
Có ông đồ hay chữ
Người xứ Nghệ - quê mình

Ông đồ ham học lắm
Chữ của làng hết rồi
Ông cất đường lên tỉnh
Tìm thầy toát mồ hôi

Đói cơm còn chịu được
Đói chữ thì khổ to
Trong làng người già bảo
Phải ra thị thành thôi

Tìm thuê nơi ở trọ
Cùng nhà lắm kẻ giàu
Mình áo nâu, tráp vá
Phận nghèo ăn muối rang

Học chữ thì ông giỏi
Cái nghèo giấu vào đâu
Nằm vắt tay qua trán
Suốt đêm ông ôm đầu

Hôm sau ông lẳng lặng
Mượn trăng khuya làm đèn
Lấy một khúc củi nhỏ
Ngồi gọt cả màn đêm

Thế rồi từ khúc củi
Một con cá ra đời
Một con cá bằng gỗ
To bằng ba ngón tay

Ông lật ngang lật dọc
Trổ thêm vẩy thêm vi
Con cá trông như thật
Nhìn qua chẳng biết gì

Lựa một nơi quạnh vắng
Xa tít tận ngoài đồng
Ông cho rơm bén lửa
Và đem cá lên hơ

Con cá gỗ được nướng
Toàn thân đã rộm vàng
Lưng trông như cá chép
Bụng lại giống cá tràu

Nướng xong đem rang muối
Muối mặn bám đầy vây
Trông xa tưởng cá ướp
Nhìn gần hoá cá kho

Thế rồi từ buổi đó
Cứ bữa cơm hàng ngày
Ông cho thêm nước mắm
Bày cá gỗ ra mâm

Cơm hết cá vẫn còn
Ông toàn chan nước mắm
Bạn bè không ai biết
Xong rồi cá vẫn nguyên

Cứ mỗi lần ăn xong
Nhè lúc không ai thấy
Ông bọc lá chuối khô
Giấu cá vào trong tráp

Ông ngày càng học giỏi
Không còn ai chê nghèo
Được ăn cơm với cá
Nhà trọ khối người ghen

Như cái kim trong túi
Lâu ngày cũng lòi ra
Rồi một bữa vô tình
Bị mọi người phát hiện

Hôm ấy ông lơ đãng
Hết sạch lá chuối khô
Ông vội chạy ra vườn
Bỏ cá nằm trên đĩa

Bà chủ trọ đi dọn
Vô tình đánh rơi mâm
Bát đĩa vỡ tung toé
Con cá vẫn cứng đơ

Thấy lạ bà nhặt lên
Săm soi nhìn kỹ lắm
Thì ra con cá gỗ
Của ông đồ miền Trung

Khe khẽ đặt lên bàn
Bà lặng người vào bếp
Ông thầy đồ trở lại
Trong mắt đầy bóng đêm

Từ đó khắp nhà trọ
Chuyện cá gỗ loang xa
Chuyện ông đồ xứ Nghệ
Học giỏi nhưng giấu nghèo

Rồi khoa thi năm ấy
Ông giật lèo Trạng nguyên
Sau làm quan to lắm
Thượng thượng thượng đẳng thần

Ban đêm ngồi luyện chữ
Ban ngày giải oan gia
Làm quan mà liêm khiết
Bạc đầu vì thiên thư

Ngày ông về với đất
Lương dân lập đền thờ
Cái tráp cũ vẫn cất
Con cá gỗ gầy xơ

Sự tích con cá gỗ
Là giai thoại mà thôi
Con cố học cho giỏi
Để mai sau thành người

Giọng cha tối hôm đó
Còn đượm ấm đến giờ
Trời đêm bằn bặt gió
Mắt con đầy mộng mơ

Cá gỗ ơi, cá gỗ
Là người dân đất này
Trầm mình trong đói khổ
Vẫn thả hồn gió bay

Như bát cà trắng muốt
Mặn mà và giòn tan
Như nước chè xanh đặc
Chát môi lại đậm lòng

Cần cù và học giỏi
Chịu khó lại chăm làm
Trọng nghĩa tình khí khái
Đối đầu cùng gian nan

Cá gỗ ơi, cá gỗ
Nghe vừa giận vừa thương
Giận một thời giông tố
Bạc mặt vì quê hương

Thương một thời quá khứ
Tự mình với mình thôi
Giấu nghèo như giấu nhục
Đổi đắp khoảng yên bình

Vùng đất của địa linh
Tít tắp chân trời rộng
Những người dân đất này
Chưa ngơi tay chèo chống

Sông đặt tên sông Lam
Mộng trùm xanh biển cả
Núi thì kêu rú Quyết
Chí vững tựa thạch bàn

Ôi ! Xứ Nghệ, xứ Nghệ
Đất vàng của xưa sau
Giữa mưa bào nắng phế
Lung linh vẫn giữ màu

Yêu thì thật là yêu
Ghét thì rành là ghét
Những người dân đất này
Không nhùng nhằng khoảng giữa

Người xứ Nghệ có lửa
Tự thuở còn sơ sinh
Muối tẩm vào măng nứa
Thích rau sống bốn mùa

Đã chơi chơi hết mình
Đã làm làm kiệt sức
Thẳng thắn và đẫm tình
Nói xong là hết chuyện

Khi vui nhường bè bạn
Khi buồn chịu một mình
Thời chiến là xung lính
Súng lằm lằm trong tay

Trung thành mà quyết đoán
Tỉnh táo đầy đam mê
Có lỗi thường nhận hết
Được thưởng ít mang về

Không nói thì ngồi im
Đã nói là nói thật
Dối trá chui xuống đất
Vẫn lật đá móc lên

Ghìm đầu vào công việc
Vẫn lo toan gia đình
Như người mặc áo gấm
Đi về lẫn vào đêm

Xứ Nghệ ơi, xứ Nghệ
Cực đoan đến vô cùng
Có rừng chen với bể
Buốt lạnh cùng nắng nung

Ai người đi ra bể
Ai người ngược lên rừng
Vẫn đậm chất xứ Nghệ
Nóng nảy đầy bao dung

Biết ngày mai gạo hết
Sấp mặt xuống luống cày
Rít thuốc lào ăn khói
Trằn mình trả nợ vay

Xứ Nghệ ơi xứ Nghệ
Hiện hình cùng miền Trung
Đã thế và mãi thế
Giữa tháng năm điệp trùng

Bây giờ con cá gỗ
Thong dong giữa đại ngàn
Nghe nói rồi hoá thạch
Lặn vào dòng sông Lam.

Luu Van Chuong sưu tầm trên Internet, không thấy đề tên tác giả.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sự tích cá gỗ và ông đồ xứ Nghệ

(tiếp theo)

http://blog.yimg.com/1/nPEHGal7s589HzXr32P54NdwZ6O1k2y0Ym.OgYqWgV3gzGrCf7NpDA--/76/l/VLY4iMMKcQQ7OjEYhWwuKg.jpg
Cơm nắm (mo cau), muối lạc (vừng) và cá gỗ là bữa ăn thường trực của trò Nghệ An



Một sự tích khác thời phong kiến

    Có một trò nghèo đi ra bắc đi thi, hành trang mang theo gồm sách, bút, lọ mực, vài bộ quần áo, đùm cơm, lọ muối vừng, mấy quan tiền và 1 con cá gỗ. Đi từ xứ Nghệ qua xứ Thanh, cơm đùm đã vơi, muối vừng đã cạn, anh chàng nghỉ dừng chân nơi mô là vô quán xin họ bát nước mắm: "cho tui xin tí nước mắm để chấm con cá", sau đó len lén ra một góc khuất nhẹ nhàng dở con cá đẽo bằng gỗ chấm nước mắm ăn với cơm ngon lành.

   Cứ như vậy anh chàng học trò nghèo đã ra đến kinh kỳ dự thi và quay về quê khi đã tiêu tằn tiện hết mấy quan tiền còm cõi và con cá gộ đã bị mòn vẹt mất khúc đuôi.

Một hôm, có phái đoàn của nhà vua về tận làng công bố kết quả Trạng nguyên, chàng học trò nghèo đã đỗ đạt, võng lọng đưa đón lên kinh kỳ nhận lộc vua ban, khi đi qua hàng cơm ngày xưa, chủ quán nhận ra đó là anh trò nghèo với con cá gộ dạo trước đi thi.

    Chàng thì không hề biết nhưng các hàng cơm đều theo dõi và truyền miệng nhau, và câu chuyện loang ra đến kinh kỳ. Và truyền thuyết về dân "cá gộ" có từ đó.

    Ngày nay, các nhà giàu sang, các ngài quan chức có lương tâm răn dạy con cái tấm gương bản lĩnh vượt qua nghèo đói để học tập của anh học trò nghèo xứ Nghệ để chúng noi theo.

Sự tích thời bao cấp trước 1975

Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có một cậu học trò xứ Nghệ học học giỏi lắm, nhưng nghèo lắm...Tuy nghèo, nhưng cậu vẫn quyết tâm đi thi đại học để mong kiếm lấy mấy cái kiến thức về giúp quê hương. Nhà nghèo, mỗi lần từ quê lên thành phố học tiếp, cậu chẳng có tiền mua vé tàu, chỉ xin đi nhờ. Đến bữa, cũng chỉ có mo cơm trắng mẹ gói cho. Cậu bèn nghĩ ra một kế. Cậu lôi con cá gỗ do cậu đẽo lấy, đã được sơn phết trông như cá thật, bỏ vào cái đĩa, rồi cậu đi đến chỗ mấy người đang ăn cơm nói rất lễ phép:

-Thưa bác, bác có thể cho cháu xin chút nước mắm để cháu ăn con cá rán này với cơm được không!

Và cứ như vậy cậu đã học xong 4 năm 1 cái bằng đại học chính quy, và nghe đâu sau này cậu còn học thêm mấy cái bằng ĐH tại chức nữa, vẫn với con cá bằng gỗ ấy....


Sự tích truyền khẩu thời Pháp thuộc

   "Có một gia đình nọ - như phần đông các gia đình nghèo ở quê mình - có 4, 5, hay 6,7 đứa con gì đó, nhà nghèo lắm, bữa ăn hàng ngày chẳng có gì ngoài một nồi cơm độn khoai, một ít rau luộc, và một bát nước mắm....Người cha nghĩ ra một cách đẽo một con cá bằng gỗ, sơn phết vào trông y như con cá rán. Hàng ngày đến bữa cơm, ông treo con cá lên xà nhà, quy định với mấy đứa con, mỗi bát cơm chỉ được nhìn vào con cá, chép miệng 3 cái, coi như đã được ăn cá rán - và chỉ được chép miệng đúng 3 cái, không được hơn.

   Một hơm đứa con út của ông lỡ miệng chép 4 cái, thằn anh nó ngồi bên cạnh trông thấy vội mách bố:

- Bố ơi, thằng Út chép miệng 4 lần.

- Thằng này hư. Mày ăn mặn thế, cho mày chết khát, con nhá..."

       Sự tích Cá gỗ nhiều giai thoại, nhưng toát lên trong đó tính chịu thương chịu khó của muôn ngàn thế hệ các ông đồ nghèo xứ Nghệ lai kinh ứng thí. Thuở xa xưa lai kinh ứng thí phải đi bộ lều chõng hàng tháng ròng, thậm chí có ông đi trước vài ba năm để bổ túc thêm những hiểu biết sâu rộng về thiên hạ mà trong các quyển kinh không nói hết. Trên đường đi các ông vừa kết hợp dạy chữ cho các môn sinh dọc đường để lấy tiền trang trải cho chuyến lều chõng. Có nhiều ông còn bén rễ xanh cây với các tiểu thư đài các con các quan lớn đồng hương được bổ nhiệm nơi đất khách, hoặc các thôn nữ chị em của môn sinh. Nghe nói cụ Nguyễn Khuyến cũng có sự tích gần gần như vậy. Trong chuyến lai kinh ứng thí có biết bao con cái nhà giàu mang theo nhiều tiền bạc hòng đút lót quan trường nhằm kiếm chút danh lợi. Lẽ đương nhiên là khi thấy các ông Đồ Nghệ chiếm hết bảng thì ghen tức và dựng lên những câu chuyện để khích bác, dèm pha, trong đó có chuyện con cá gỗ.

Nhưng chuyện đời không như ý kẻ dựng chuyện. Với danh xưng Cá gỗ, các ông Đồ Nghệ càng quyết chí học cao để chứng minh cho thiên hạ ý chí của mình. Kết quả là Danh sách các ông Đồ Nghệ chiếm bảng vàng ngày càng đông.

Đó chính là niềm kiêu hãnh được truyền từ đời này qua đời khác đến mãi muôn đời!


Luu Van Chuong
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

21 bài hát của Phạm Duy được cấp phép



TT - Thông tin trên được ông Nguyễn Thành Nhân (phó phòng quản lý nghệ thuật - Cục Nghệ thuật biểu diễn) chính thức xác nhận.

Ông Nhân cho biết: 21 bài hát vừa được cấp phép là những tác phẩm đã được một hội đồng xét duyệt cẩn thận. Ngoài ra, phía đơn vị độc quyền là Công ty Phương Nam cũng gửi đơn xin cấp phép một số ca khúc khác.

Các ca khúc được cấp phép lần này bao gồm: Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp, Mẹ chờ mong, Lúa mẹ, Nước mắt rơi, Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Phố buồn, Tiếng hát trên sông Lô, Viễn du, Xuân nồng, Biển khúc, Em hát, Khúc ru tình, Nỗi nhớ vô thường, Tình qua tin nhắn.

Bên cạnh đó là bốn ca khúc do Phạm Duy phổ nhạc, thơ Nguyễn Tất Nhiên: Anh vái trời, Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Em hiền như ma soeur, Thà là giọt mưa rớt trên tượng đá (tên phổ biến lâu nay là Thà như giọt mưa). Hai ca khúc sáng tác năm 1947 là Bên cầu biên giới và Mùa đông chiến sĩ cũng nằm trong danh sách được cấp phép lần này.

HÀ HƯƠNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đào pháo đài trong thành cổ



TT - Đơn vị thi công dự án trùng tu, tái tạo di tích thành Diên Khánh - di tích cấp quốc gia - đã “hồn nhiên” đào phá pháo đài của thành này.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/657/601657.jpg
Công nhân khôi phục núi đất ở khu vực cửa tây thành Diên Khánh - Ảnh: DUY THANH



“Cách đây hơn mười ngày, chúng tôi đi qua khu vực cửa tây thành Diên Khánh thì sửng sốt khi thấy đơn vị thi công dự án trùng tu, tôn tạo di tích này đào nát quả đồi đất đã tồn tại hơn 200 năm nay trên bờ thành” - ông Lương Văn Sáu, phó chủ tịch UBND huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), kể.

Đào... nhầm
Ông Sáu nói: “Ngay lập tức huyện mời đại diện chủ đầu tư là Sở VH-TT&DL Khánh Hòa về làm việc thì họ nói đơn vị thi công đào nhầm. Tôi hỏi ông giám sát thi công có mặt trong cuộc họp hôm đó tại sao để xảy ra chuyện như vậy thì ông này ú ớ!”.

Đồi đất mà ông Lương Văn Sáu đề cập trên đây là một trong bốn núi đất được sách Đại Nam nhất thống chí nhắc đến khi viết về thành Diên Khánh: “Thành mở sáu cửa, đều có nhà lầu, bốn góc thành có núi đất”. Trong bài Thành cổ Diên Khánh trong lịch sử, tiến sĩ Nguyễn Công Bằng - cố giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa - viết: “Mỗi góc thành đều có đắp một ụ đất cao khoảng 2m dùng để đặt súng đại bác, gọi là pháo đài góc. Đây là đặc điểm nổi bật của lối kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban”.

Theo ông Trần Đình Dũng - trưởng phòng kế hoạch - tài chính Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, đại diện chủ đầu tư, hiện ở cửa đông và cửa tây thành Diên Khánh còn lại hai quả đồi đất là các pháo đài ngày xưa. Ông Dũng thừa nhận: “Đơn vị thi công tường thành thấy ụ đất ở cửa tây cây cối lộn xộn nên họ đào mất khoảng 1/3 ụ đất. Chúng tôi đã phát hiện và yêu cầu họ đắp lại ngay”.

Ông Trương Đăng Tuyến, giám đốc Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, nói: “Tôi nghĩ di tích không biến dạng gì vì ụ đất đã lỡ đào nhầm được đắp lại như cũ rồi”.

Ngày 19-11, tại khu vực vai trái của cửa tây, nhiều công nhân tập trung đắp lại phần đồi đất đã bị đào “nhầm”, song người dân địa phương cho biết quả đồi không còn nguyên vẹn như trước mà bị thu nhỏ lại vì phải “ngắt” một phần để làm đường đi trên bờ thành. Trong khi đó, nhiều người dân lớn tuổi ở phía cửa đông, cửa tiền (cửa nam) của di tích cho hay đơn vị thi công đã “gọt” bớt tường thành tồn tại hàng trăm năm nay trong quá trình trùng tu, tôn tạo.

Di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo hồ sơ của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa - đơn vị quản lý di tích thành Diên Khánh, các đồi đất nơi làm pháo đài xưa kia của thành thuộc phạm vi bảo vệ 1, theo quy định của Luật di sản văn hóa là phải được bảo vệ nguyên trạng.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học VN) cho biết: “Tôi không có điều kiện trực tiếp đến thành Diên Khánh xem xét chính xác việc đơn vị thi công “lỡ” xâm phạm di tích thế nào. Tuy nhiên, yêu cầu số một trong trùng tu một di tích, nhất là di tích cấp quốc gia, theo quy định của Luật di sản văn hóa, là phải giữ tối đa nguyên gốc”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Huế, khẳng định: “Việc một pháo đài góc của thành cổ Diên Khánh bị đào rồi sau đó đắp lại thì chắc chắn di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng về giá trị vì không còn nguyên trạng nữa”.

Ông Thông đề nghị nên có một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng về việc trùng tu, tái tạo thành Diên Khánh, từ đó tổ chức một hội thảo để các chuyên gia góp ý kiến phương án tối ưu nhằm tránh nguy cơ di tích này bị biến dạng.

Đợt trùng tu, tôn tạo di tích thành Diên Khánh giai đoạn 1 được thực hiện từ tháng 7-2012 và dự kiến hoàn thành vào quý 2-2013, có vốn đầu tư 20 tỉ đồng. Một lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết đơn vị lập dự án và thi công không được mời tham gia về chuyên môn khoa học khi thiết kế trùng tu, tôn tạo di tích thành Diên Khánh giai đoạn 1, dù di tích này do trung tâm quản lý. Vì vậy, vị này lo lắng việc làm hỏng di tích có thể xảy ra.

DUY THANH - VĂN NGHỆ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bạo hành tiếng Việt để câu khách?



"Iêu anh, em zám hok?" - Thoạt nghe, người ta cứ tưởng như lời tỏ tình của một cậu trai choai choai nào đó với bạn gái trên mạng. Nhưng đó là tựa bộ phim mới nhất của đạo diễn Nguyễn Quang Minh, dự kiến khởi chiếu dịp Tết sắp tới hẳn hoi. Hãng Phước Sang vừa ra mắt bộ phim, cái tựa đậm chất "xì tin" này đã khiến dư luận lên tiếng chỉ trích dữ dội.

Nếu viết rõ ra là "Yêu anh, em dám không?", ý nghĩa vẫn không có gì thay đổi so với cách viết lắt léo, đứt gãy như đánh đố khán giả không rành ngôn ngữ teen. Với các bạn trẻ, thì cái tựa này không có gì là khó hiểu. Thậm chí nó chẳng nhằm nhò gì so với những ký hiệu rối rắm như ngôn ngữ ngoài hành tinh khi giao tiếp trên thế giới ảo. Phải chăng nhà sản xuất đặt tựa như thế như một chiêu gây ấn tượng, câu khách vì nội dung phim khá cũ và vốn dĩ hầu hết phim hài Việt hiện nay bị khán giả đánh giá là vô cùng nhảm và nhạt?

Trong khi các nhà ngôn ngữ đang đau đầu vì Tiếng Việt trong giới trẻ đang bị "bạo hành" một cách không thương tiếc mà chưa có cách gì khả dĩ để cứu vãn, thì một món ăn tinh thần dịp Tết - dịp hướng về các giá trị văn hóa dân tộc, lại vô tư dùng cái tựa có ngôn ngữ quái dị, xa rời ngôn ngữ truyền thống như vậy. Dù bộ phim có hài hước, trẻ trung đến đâu thì nó cũng là sản phẩm văn hóa, không vì thế mà đặt tựa a dua theo ngôn ngữ chat, bóp méo chữ nghĩa cha ông.

Trước bộ phim có cái tựa nhảm nhí và gây sốc này, tháng 10/2011, khán giả đã phải một phen té ngửa trước tựa phim hài hết sức tào lao, tối nghĩa: "Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó" (đạo diễn Nhất Trung, Vinacinema sản xuất). Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày công bố trên các phương tiện truyền thông, bị dư luận chỉ trích gay gắt nên nhà sản xuất phải nhanh chóng đổi tựa thành "Hoán đổi thân xác". Đọc đi đọc lại hàng chục lần, nhiều người vẫn không hiểu tựa phim muốn nói gì. Ngay cả khi đảo lại trật tự ngôn ngữ cho câu văn đúng nghĩa: "Ca sĩ, siêu mẫu, nhà khoa học và con chó", cũng không thể hiểu nổi tại sao những người làm nghệ thuật lại có thể đặt một cái tựa dài ngoằng, rối rắm, thô thiển như thế? Phải chăng đặt tựa khiến người khác "đoán già, đoán non" mới là sáng tạo, kiểu như giới trẻ cắt nghĩa về ngôn ngữ teen của mình?

Mới đây, Công ty Truyện tranh Art Sign kết hợp với NXB Giáo dục, Công ty Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam đã phải thu hồi bộ truyện tranh cổ tích cải biên (phần 1 gồm 20 tập truyện). Sẽ không có gì đáng ngại nếu những cuốn truyện tranh như "Tấm Cám", "Thạch Sanh", "Sự tích dưa hấu", "Cây tre trăm đốt"... không cải biên quá lố. Chưa bàn đến yếu tố bạo lực, sex, chỉ riêng lời thoại rất "hiện đại" nhưng vô nghĩa đã khiến độc giả choáng váng. Kiểu như mẹ ghẻ mắng Tấm: "Tấm! Tao cấm mày xào nấm với giấm rồi cơ mà? Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm" hoặc "Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày đâm thủng cái mâm?". Hầu hết lời thoại của nhân vật cổ tích đều cải biên theo lối nói của một bộ phận giới trẻ hiện nay, kiểu như: "ồ yeah", "Gì thì gì, ăn uống free, không đi cũng phí"; "Bụt mới cười mà rằng: "Xời, tưởng gì, chuyện nhỏ". Đôi khi rất chợ búa kiểu: "Vua liền ngóc đầu lên chửi với theo "Mẹ đứa nào ném giầy vào đầu ông". Tấm sợ rằng sẽ đến muộn giờ trẩy hội nên Tấm mặc kệ và không quên vứt lại câu chửi thề về phía vị Vua trẻ đó: "Sư cha đứa nào chửi bà"".

Những lời thoại này không chỉ làm nhân vật cổ tích vốn rất đẹp, trở nên xấu xí, biến dạng một cách thê thảm, mà còn làm sai lệch nội dung tác phẩm và các giá trị truyền thống dân gian, hoen ố sự trong sáng của Tiếng Việt. Đáng chú ý là nhà sản xuất cho biết, bộ truyện tiêu thụ rất nhanh ngay khi vừa phát hành. Bộ truyện đã thu hồi nhưng tốc độ sao chép, lan truyền trên mạng vẫn diễn ra với một tốc độ chóng mặt.

http://vnca.cand.com.vn/Uploaded_VNCA/6_bo188-450new.jpg
Bộ truyện tranh cổ tích cải biên dù đã bị thu hồi nhưng vẫn lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng.



Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thứ ngôn ngữ mà chúng ta quen gọi là ngôn ngữ teen (hay ngôn ngữ chat, @) là ngôn ngữ sản sinh ra từ nhu cầu tán gẫu (chat) trên mạng. Tán gẫu qua mạng không thể đốp chát, ầm ĩ náo nhiệt như tán gẫu bằng miệng và tốc độ gõ bàn phím cũng không thể nhanh bằng lời nói. Vì thế mà cư dân mạng đã sáng tạo ra rất nhiều kiểu viết "tối ư giản lược" đến mức kinh hoàng: không = ko, k; biết = bit, tình yêu = ty; xin chào = hi, 2; Good night to you = G92U, ASL? (# what is your age, sex, location? - bạn bao nhiêu tuổi, giới tính, ở đâu?), ~ = những; # = khác ...  

Chưa hết, do tâm lý lứa tuổi mới lớn, khi tán gẫu qua mạng, nếu nghiêm túc thì có cảm giác rất nhàm chán, do đó giới trẻ thường đối đáp với ngôn ngữ  tượng hình, dí dỏm. Ví dụ như nghe câu "hem bit âu nà" (không biết đâu nè), người ta hình dung một đứa con nít nhõng nhẽo, nũng nịu.

GS, TS Nguyễn Đức Dân cũng cho rằng, giới trẻ tạo ra ngôn ngữ chat để thể hiện một cách vui nhộn những thông tin riêng tư, đồng thời muốn khẳng định cá tính. Vui nhộn theo cách nói vần như đọc vè và tạo ra những từ khó hiểu, hoặc vô nghĩa: "Đau khổ như con hổ", "Ghét như con bọ chét", "Tào lao bí đao"… Sáng tạo ngôn ngữ càng quái dị, càng lạ, càng thể hiện "đẳng cấp". Điều đó sẽ dẫn tới thứ ngôn ngữ chat lạ hóa tiếng Việt theo cách dùng xen tiếng nước ngoài; dùng phương ngữ tùy tiện; dùng những ký tự lạ, biến đổi tùy tiện con chữ; thay đổi, rút gọn tùy tiện âm đầu, thanh điệu, nguyên âm, âm cuối trong một vần. Đồng thời, họ muốn giữ những bí mật riêng tư với phụ huynh bằng những ngôn ngữ lạ hóa. Tuy nhiên, phần lớn những người chat dùng nickname (biệt danh), đối tượng chủ yếu là "trước lạ sau quen" nên văn hóa giao tiếp không có tôn ti, trật tự, nhu cầu giữ thể diện… Do đó sẽ tạo nên thứ ngôn ngữ vô văn hóa. Ngôn ngữ giới trẻ phát triển mạnh mẽ đến độ một số nước đã bổ sung chúng vào từ điển. Ở Việt Nam, có hẳn phần mềm V2V để "dịch" tiếng Việt sang … tiếng Việt. GS, TS Nguyễn Đức Dân cũng đề xuất nên đưa ngôn ngữ teen vào từ điển Tiếng Việt. Tuy nhiên đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi.

Ngôn ngữ teen được xem như sản phẩm trong quá trình biến chuyển liên tục của ngôn ngữ. Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì khiến xã hội lo ngại nếu nó chỉ dừng lại ở giao tiếp trên không gian ảo như một dạng giải trí, được sử dụng đúng nơi đúng lúc chứ không ăn sâu vào lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, hành văn của giới trẻ. Vấn nạn nhức nhối đến nỗi các trường phổ thông của tỉnh Phú Yên và Tp HC phải mở nguyên một chiến dịch chống ngôn ngữ chat xâm nhập vào môi trường học đường.

Trong khi ngành Giáo dục, phụ huynh và các nhà ngôn ngữ tìm mọi biện pháp để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, định hướng cho thế hệ mai sau thì không ít người làm văn hóa, nghệ thuật dường như lại đang làm điều ngược lại. Họ quên mất vai trò quan trọng của mình trong vấn đề này. Tác phẩm văn học, truyện tranh, điện ảnh là sản phẩm văn hóa được quảng bá rộng rãi, có ảnh hưởng sâu sắc đến công chúng, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Bộ truyện tranh "Sát thủ đầu mưng mủ" mặc dù đã bị thu hồi nhưng nó đã nhanh chóng bám rễ, ăn sâu vào lời ăn tiếng nói của giới trẻ hiện nay. Hàng loạt "thành ngữ" được giới trẻ sáng tạo thêm, tiếp tục nối gót "Sát thủ đầu mưng mủ" với mức độ nghiêm trọng, nhảm nhí hơn. Một bài văn kể chuyện Tấm Cám của học sinh phổ thông đã khiến thầy cô tá hỏa khi người viết vô tư sử dụng ngôn ngữ hiện đại, chợ búa không khác là mấy so với bộ truyện cổ tích cải biên nói trên.

Điều quan trọng trước tiên của một sản phẩm văn hóa là phải có tính định hướng thẩm mỹ, phải chuyển tải cái hay cái đẹp, những thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến với công chúng. Đáng buồn khi một số sản phẩm văn hóa hiện nay không những không góp phần bảo vệ cái hay, cái đẹp của Tiếng Việt mà lại đi cổ súy cho ngôn ngữ teen cộc lốc, làm méo mó, dị dạng Tiếng Việt. Có thể những người sáng tạo cho rằng cần làm mới ngôn ngữ, lời thoại để tác phẩm của mình gần gũi hơn với đời sống đương đại. Thế nhưng, giữa gần gũi với đời sống đương đại và chạy theo nhu cầu thị trường, thị hiếu thấp hèn của một bộ phận công chúng là ranh giới rất mong manh. Việc sử dụng ngôn ngữ teen vô tội vạ trong các sản phẩm văn hóa rất dễ khiến nhận thức của giới trẻ lệch lạc. Điều này cho thấy sự hời hợt, phông văn hóa kém cỏi và vô trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ những người làm văn hóa, nghệ thuật.

UYÊN PHAN  (Báo Công an nhân dân)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những tượng Phật lạ ở Pyay



SGTT.VN - Phố nhỏ Pyay thường bị lãng quên trong các tour du lịch đến Myanmar vì đường đất xa xôi cách trở. Tuy nhiên, với người bản xứ mộ đạo, được viếng thăm thành Pyay một thời vang bóng luôn là mơ ước cháy bỏng. Nên theo lời khuyên ông chủ nhà trọ ở Yangon, tôi tìm đến miền đất này.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=186918
Triền sông Phật tượng Akauk Taung có từ mấy trăm năm trước được chạm trổ trực tiếp vào vách đá dựng đứng bên dòng sông Ayeyarwady



Còn được gọi là Prome, Pyi… thời gian trước đó Pyay được biết đến bởi các nhà khảo cổ nhiều hơn là khách du lịch. Vì những di tích xưa đặc sắc tìm thấy ở kinh thành cổ Pyu từ thế kỷ thứ 5 của vương triều một thời lừng lẫy Thayekhittaya gần đó. Nằm bên con sông vàng sánh phù sa Ayeyarwady, phố nhỏ Pyay bây giờ và vùng lân cận có nhiều di tích lịch sử, các điểm tham quan thường sẽ giữ chân du khách ở lại đây lâu hơn dự định – như nhiều nhận xét trên các diễn đàn du lịch. Rồi tôi cũng vậy!

Còn được gọi là Prome, Pyi… thời gian trước đó Pyay được biết đến bởi các nhà khảo cổ nhiều hơn là khách du lịch. Vì những di tích xưa đặc sắc tìm thấy ở kinh thành cổ Pyu từ thế kỷ thứ 5 của vương triều một thời lừng lẫy Thayekhittaya gần đó. Nằm bên con sông vàng sánh phù sa Ayeyarwady, phố nhỏ Pyay bây giờ và vùng lân cận có nhiều di tích lịch sử, các điểm tham quan thường sẽ giữ chân du khách ở lại đây lâu hơn dự định – như nhiều nhận xét trên các diễn đàn du lịch. Rồi tôi cũng vậy!

Tượng đá bên triền sông và tượng tre
Với khách du lịch tâm linh, sao có thể không viếng ngôi chùa Shwesandaw Paya, một trong những chùa cổ nhất và lớn nhất nhì Myanmar. Xây dựng lần đầu năm 589 trước Công nguyên (CN), chùa nổi tiếng vì được cho là nơi lưu giữ răng, tóc Đức Phật. Thật thú vị khi lang thang trên chiếc cộ bò cọc cạch đi thăm thành xưa huyền thoại Thayekhi taya (Sri Ksetra – “Thành phố Huy hoàng” theo tiếng Pali), có từ thế kỷ thứ 5, dù truyền thuyết dân gian cho rằng nó đã được xây dựng từ những năm 443 trước CN. Khách thích sông nước, mê điêu khắc đã có triền sông Phật tượng Akauk Taung. Từ mấy trăm năm trước, người dân nơi đây đã đục đẽo, chạm trổ trực tiếp vào vách đá dựng đứng bên dòng Ayeyarwady hàng trăm tượng Phật lớn nhỏ…

Hai pho tượng, tuy mới nhưng lạ và đẹp của Pyay trước tiên là pho tượng Phật ở ngôi chùa Shwesandaw Paya – pho tượng Phật đan bằng tre độc đáo. Sinh sống ở nước Việt tre xanh bạt ngàn, với bao nhiêu vật dụng thân thương trong nhà, ngoài ngõ… bằng tre kể không xiết, nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến những pho tượng đan từ tre, kể cả những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở đương đại... Nên dù sách du lịch chưa đề cập, nghe cậu tiếp tân ở nhà nghỉ giới thiệu, tôi vội tìm đến và nếu như không được biết trước, tôi sẽ khó mà biết pho tượng Phật kia được đan từ tre, rồi mới dát vàng. Cao đến 4m, pho tượng tre được đan rất tinh xảo, sinh động. Cả những đường nét nhỏ như nét mày, mi mắt, vành tai hay nếp gấp li ti trên vạt cà sa, đặc biệt là thần thái hiền từ, thanh cao của Đức Phật đều được thể hiện rất rõ. Qua những hình ảnh, thông tin treo gần đó, tôi càng sững sờ khi biết được pho tượng này được đan ngay tại vị trí hiện giờ và cũng chỉ mới thực hiện trong những năm đầu thế kỷ 21! Nhìn hình ảnh pho tượng lúc ban đầu, rồi từ từ nên hình nên dáng, thấy những cọng tre mong manh, hình ảnh những vị sư, các nghệ nhân cũng bé nhỏ bên pho tượng cao hơn 4m này, tôi càng khâm phục hơn tài năng và ý chí của người dân Myanmar. Nhất là trong thời gian đó, họ còn gặp rất nhiều khó khăn chứ chưa được thoải mái như bây giờ.

Tượng Phật đeo kính dát vàng

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=186917
Mỗi khi làm vệ sinh pho tượng phải cần đến chín vị sư để khiêng chiếc kính dát vàng này.



Rời ngôi chùa Shwesandaw, tôi lên xe máy hướng đến ngôi chùa Shwemyetman Paya. Nằm cách Pyay 14km qua những con đường xanh êm, chùa Shwemyetman được xây dựng từ thời vương triều hùng mạnh Konbaung (1752 – 1855) trị vì Myanmar. Lúc đầu, pho tượng Phật to lớn trong chùa cũng bình thường nhưng từ những câu chuyện mang tính tâm linh huyền bí, người dân địa phương bèn cúng dường cho chùa cặp mắt kính để bảo vệ đôi mắt. Pho tượng Phật ở chùa Shwemyetman bắt đầu đeo mắt kính từ đó. Phải cần đến chín vị sư để khiêng chiếc kính có gọng dát vàng y này mỗi khi chùa làm vệ sinh cho pho tượng! Ngoài ra, chùa còn có cặp mắt kính lớn khác, quà tặng của một quan chức người Anh ngày còn trị vì miền đất này. Để cất giữ chiếc kính này, người ta cần đến cả một gian phòng. Đúng như lời cậu nhỏ tiếp tân giới thiệu, “có thể không thật cổ và đẹp rạng rỡ, tượng Phật đeo kính ở chùa Shwemyetman này là độc nhất trên thế giới!”

Rồi bị níu chân ở Pyay, lang thang đây đó, ngó tìm những di tích xưa cũ, những đền đài mới xây tinh tế của miền đất này, tôi thầm nghĩ, sao miền đất đẹp hiền như vậy mà đến giờ vẫn náu mình sau những con đường lấm bụi mù? Hy vọng với tình hình đổi mới tốt đẹp từng ngày của Myanmar hiện nay, sẽ có thêm nhiều du khách được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp lạ của miền Pyay.

bài và ảnh: T. Trà Khúc
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dịch loạn và người đọc bỏ chạy



TTCT - Sau những thảo luận “nóng” về “thảm họa” dịch thuật, một cuốn sách đã bị ngừng phát hành, một nhà xuất bản phải hứa sẽ “xem xét, thẩm định lại chất lượng bản dịch”...

Nhưng chuyện dịch ẩu không còn là vấn đề của chỉ một cuốn sách, cũng không dừng lại chỉ ở một dịch giả, mà đã là một vấn nạn của văn hóa nước nhà. Bởi rất nhiều bản dịch trong thời gian gần đây đã làm khổ độc giả Việt Nam với sự cẩu thả và chất lượng thảm hại của chúng. Dường như không ai để ý đến nạn nhân của dịch loạn chính là hàng triệu người đọc sách tại VN.

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/471/558471.jpg



Nạn nhân của dịch loạn
Các cuốn sách dịch tuy là sản phẩm văn hóa nhưng cũng được bán như những món hàng. Và như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn đến quyền lợi của khách hàng. Chưa biết ăn phải thực phẩm có chất gây ung thư và đọc một cuốn sách tệ hại thì cái gì có hại hơn với người tiêu dùng. Văn học dịch nói riêng, các bản dịch nói chung đóng vai trò rất quan trọng trong văn hóa VN.

Chúng ta đã có một quá khứ rất đáng tự hào trong ngành dịch thuật. Những bản dịch qua tiếng Việt của các tác phẩm như Thép đã tôi thế đấy, Bố già, Chiến tranh và hòa bình, Tội ác và trừng phạt, Chuyện cổ Grim, Trăm năm cô đơn, và hàng ngàn tác phẩm khác của các tác giả lớn đã trở thành một phần văn hóa Việt Nam, là ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Những dịch giả bỏ tâm huyết vào việc chuyển ngữ các tác phẩm đó đã mở cánh cửa cho chúng ta bước vào những nền văn hóa khác.

Nhưng rất nhiều tác phẩm hiện nay đã không có số phận may mắn như thế nữa. Nhiều tác phẩm văn học gây chú ý và được các giải thưởng danh giá ở nước ngoài, khi chuyển ngữ qua tiếng Việt thì hết sức tầm thường, có đoạn ngây ngô khó hiểu đến độ làm nhiều người đọc phải tự hỏi có phải mình ngu dốt hay không mà không thể cảm nhận được sự hấp dẫn và tư tưởng của tác phẩm?

Những chiến dịch lăngxê của truyền thông cũng thổi phồng quá mức các nhóm dịch trẻ tuổi, làm công chúng bối rối, mất tự tin với khả năng thẩm định văn học của chính mình.

Có quan điểm cho rằng những bản dịch ẩu cũng có tác dụng nhất định, góp phần đưa nhanh các tác phẩm hiện đại đến với người đọc VN. Để dịch tốt được một tác phẩm văn học cần có thời gian và hãy đọc “tạm” những bản dịch sơ sài trong khi chờ đợi những bản dịch công phu hơn, do các dịch giả có trình độ tốt hơn chuyển ngữ. Nhưng trong thực tế, dịch ẩu sẽ làm tác phẩm khó tìm lại được độc giả ngay cả khi chúng được dịch lại nghiêm túc hơn.

Một ví dụ có nhiều điểm tương đồng là các bản phim lậu quay trộm bằng camera với chất lượng tệ hại đã làm mất rất nhiều khán giả khi phim chính thức ra rạp. Hàng trăm ngàn người Việt mê phim đã xem Harry Potter phần cuối qua các bản phim quay trộm, phim DVD không bản quyền... Đến khi bộ phim này được chiếu chính thức ở VN vào năm 2012 trong các rạp chiếu đảm bảo chất lượng hình ảnh và âm thanh theo tiêu chuẩn quốc tế thì không còn thu hút được khán giả nữa.

Không chỉ nhà phân phối phim thiệt hại, mà khán giả VN cũng đánh mất những cảm xúc mà bộ phim này có thể mang lại.

Lạ lùng thứ tiếng Việt của các bản dịch
Thu nhập quá thấp cho công việc dịch thuật có thể đã làm nhiều người có tài năng thật sự không còn mặn mà với công việc này nữa. Nhưng hãy nói thẳng một trong những nguyên nhân làm cho các bản dịch có chất lượng thấp lại chính là khả năng viết tiếng Việt của nhiều dịch giả.

Nhiều bản dịch tràn ngập một thứ ngôn ngữ mập mờ, khô cứng, lai căng, đánh đố và gây phản cảm cho người đọc, nhất là khi họ không đủ khả năng ngoại ngữ để tra cứu bản gốc. Chưa kể những lỗi dịch sai về ngữ pháp, về từ vựng, lối dịch vụng về do thiếu hiểu biết thực tế về xã hội hiện đại... của cả những tên tuổi dịch thuật có tiếng.

Một dịch giả tốt cần rất nhiều phẩm chất, trong đó khả năng viết tiếng mẹ đẻ tốt phải là phẩm chất quan trọng hàng đầu. Đáng tiếc khả năng này lại đang là điểm yếu của nhiều dịch giả hiện nay. Các phần mềm dịch tự động, từ điển trực tuyến, tìm kiếm thông tin trực tuyến - những công cụ hiện đại giúp chuyển ngữ nhanh chóng - đã gây ảo tưởng cho rất nhiều người về khả năng đọc hiểu ngoại ngữ của mình. Cuộc sống trên các trang mạng xã hội đã là trung gian ngăn cản giữa con người và cuộc sống thực, làm méo mó ngôn ngữ và cách nhìn nhận cuộc sống của họ.

Có thể nhiều dịch giả cho rằng các bản dịch chỉ là những hòn đá cho bước thang danh vọng của mình, là công cụ kiếm cơm tạm thời khi chưa có cơ hội gì tốt hơn. Có thể nhiều nhà xuất bản chỉ nghĩ đến lợi nhuận khi vội vàng phát hành các bản dịch tệ hại. Nhưng những gì họ thu lượm được không đáng là bao so với những mất mát mà một thế hệ độc giả phải chịu.

Biết đến khi nào mới có những người có đủ tâm và tài để bắt tay vào dịch lại tất cả tác phẩm đã bị dịch loạn tại VN? Và ngay cả khi những bản dịch đó được phát hành, thì liệu độc giả có còn đủ đam mê và dũng cảm gạt bỏ tất cả những ấn tượng xấu, để đọc lại một lần nữa? Hay họ đang tự bắt đầu việc cứu mình khỏi các bản dịch tồi, các dịch giả ẩu bằng cách thôi đọc sách?

TỪ PHONG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Sản phẩm của cụ Google Translater đấy mà. Ngạc nhiên mần chi rứa!

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nude và câu chuyện từ chiếc lá nho!



SGTT.VN - Các hoạ sĩ trẻ vẫn thường truyền miệng một chuyện lạ có thật sau: Trong cuộc triển lãm gần đây của hoạ sĩ X diễn ra tại bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, có một bức tranh sơn dầu khoả thân bị nhà quản lý văn hoá “thổi còi”. Hoạ sĩ đã cố gắng diễn giải, nhưng rốt cuộc vẫn không công khai lột nổi tấm nhãn “yếu tố khiêu dâm” mà cán bộ văn hoá dán vào tác phẩm.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=167630
Tác phẩm Tinh cầu lạ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên.



Cuối cùng, giải pháp dung hoà được đưa ra. Một chiếc lá nho giả bằng vải được treo phất phơ vào vị trí “chỗ kín” trên bức tranh. Nhờ đó, bức tranh lách qua được trưng bày. Nhưng, nằm ngoài mong muốn của nhà quản lý lẫn tâm lý chuẩn bị của hoạ sĩ, chiếc lá nho mong manh phản hài hoà với tổng thể bức tranh kia lại gây ra sự tò mò. Từ giới chuyên môn cho đến người xem bình thường đều dành cho nó sự một sự chú tâm đặc biệt. Họ bảo nhau rằng, chiếc lá nho tục tĩu như thế sao có thể lách qua được con mắt của các nhà quản lý? Phải chăng nhà quản lý nghệ thuật đã có cái nhìn thông thoáng hơn khi cho cả “cái lá nho” đi vào phòng tranh với một tinh thần châm biếm trần trụi như thế?

Hội thảo lấy ý kiến Thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh diễn ra vào ngày 29.2 tại Hà Nội vừa qua đã chạm đến một vấn đề lâu nay bị coi là nhạy cảm trong lĩnh vực nhiếp ảnh: ảnh nude. Nhiều phát biểu từ giới nhiếp ảnh và đại diện cơ quan quản lý văn hoá được nêu ra, gây tranh cãi, xoay quanh chuyện nên đánh giá và quản lý ảnh nude như thế nào, ranh giới giữa ảnh khoả thân nghệ thuật và khiêu dâm thuần tuý…

Một hoạ sĩ đồng thời là quan chức quản lý đã phát biểu với báo giới đại ý ảnh nude (khoả thân nghệ thuật) và ảnh khiêu dâm có ranh giới được phân biệt bằng giá trị mỹ cảm mà tác phẩm mang lại. Nhưng mỹ cảm lại tuỳ thuộc vào cảm tính cá nhân của người tiếp nhận, cho nên không ai giống ai. Chính vậy, ông cũng thừa nhận thực tế rằng, ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có một triển lãm ảnh khoả thân nghệ thuật nào, vì nơi này cấp phép thì nơi kia cấm. Song ảnh tươi mát tràn lan trên mạng không quản lý xuể, các nhiếp ảnh gia bị “chặn đầu” triển lãm thì mang ảnh đi in sách và… bán rất chạy.

Diễn ngôn của hoạ sĩ nọ xem ra hợp logic, khi mà tại Việt Nam chưa có không gian đào tạo nghệ thuật bài bản để tạo ra công chúng nghệ thuật lẫn người sáng tạo có ý thức, nhà quản lý nghệ thuật có chuyên môn tốt. Mặt khác, thiếu vắng những công cụ luật pháp để nghệ sĩ tự bảo vệ mình và tác phẩm trong các trường hợp “con đẻ” bị quy kết. Chưa có một tác giả nào dám lôi cơ quan chức năng ra toà án dân sự để bảo vệ quyền công bố tác phẩm. Những nhiếp ảnh gia chọn con đường sáng tác ảnh nude vẫn chưa thể có không gian thực sự thoải mái để sáng tạo, hầu hết vẫn còn lầm lũi trong môi trường sinh hoạt nghệ thuật còn nhá nhem, nhiều giai thoại thành kiến lẫn điều tiếng.

Không có công cụ tự bảo vệ, đầu ra và sự công khai ảnh nude trông chờ vào cái gọi là “mỹ cảm tiếp nhận” chi phối thẩm định của nhà quản lý. Mới sinh ra chuyện có thể với nhà quản lý này một tác phẩm được coi là nude nhưng với cơ quan chức năng kia thì bị cấm trưng bày vì cho là kích dục.

Sự đánh giá mập mờ cảm tính, thiếu chuyên môn của nhà quản lý là một trong những nguyên nhân gây nhiễu các giá trị. Những biện pháp quản lý áp đặt thiếu thuyết phục đã kích hoạt sự tò mò, gây phản ứng ngược trong tâm lý tiếp nhận của công chúng thưởng lãm, cộng với sự thiếu vắng hệ giá trị, tiếng nói phê bình chuyên môn dẫn đến thực tế lẫn lộn giữa hoạt động sáng tạo nghệ thuật với việc mượn “danh nghĩa chụp nude” để gây scandal tranh cãi không hồi kết về vấn đề đâu là nude đâu là… ở truồng thuần tuý.

Không quá bất ngờ khi sau các cuộc ồn ào về các nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh ăn mặc hở hang, sau những cuốn sách bị dán nhãn truyền bá dâm ô, thì nay đến lượt ảnh nude được đưa ra mổ xẻ. Nhưng có lẽ cũng như chuyện “nhạy cảm” ở các lĩnh vực khác, trong nhiếp ảnh, cũng khó trông chờ vào một giải pháp khả dĩ tạo môi trường thông thoáng hơn cho người sáng tạo và thưởng thức trong nước khi những nền tảng căn bản thuộc cơ chế, chiến lược đào tạo… chưa được tính tới.

Xin hãy chú ý đến thực tế này: chiếc lá nho không dừng lại là giải pháp thủ công mà nhà quản lý nghệ thuật dán vào một bức tranh hay tác phẩm nhiếp ảnh, mà nguy hiểm hơn, nó đổ bóng xuống tư duy sáng tạo của nghệ sĩ và làm cho một đời sống nghệ thuật bị bóp méo đến hài hước.

Trong một sinh cảnh nghệ thuật quá tĩnh lặng, ù lì, cũng không quá khó hiểu khi chuyển động phất phơ của chiếc lá nho kia lại có sức gây chú ý, tò mò đến vậy.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bảo tồn di sản là để sống tốt



TT - Kỹ sư Phan Văn Trường kể câu chuyện những người bán quán cà phê sau Nhà hát TP.HCM đã khoan tường bắt vít trực tiếp vào vách sau của nhà hát, một hành động mà ông so sánh "ở các nước phát triển, thậm chí dùng bút chì để viết lên một di tích, người ta cũng không làm".

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/708/605708.jpg
Một trong những dấu vết về một Bình Đông xưa - cầu Máy Rượu bằng sắt, mặt lát bằng ván gỗ - nay đã được cải tạo thành cầu bêtông - Ảnh: T.T.D.



Dẫn ra điều đó, ông Phan Văn Trường nhận định: "Nói thế để thấy rằng nhiều người không coi trọng bảo tồn như chúng ta tưởng đâu". Ðây chỉ là một nội dung tại hội thảo "Di sản kiến trúc đô thị TP.HCM" do UBND TP.HCM và Hội Kiến trúc sư TP tổ chức ngày 14-12. Các chuyên gia, kiến trúc sư, cán bộ bảo tồn đã gặp nhau ở mối ưu tư về việc bảo tồn di sản kiến trúc TP như thế nào trong xu thế phát triển hiện nay.

Những thách thức
Theo tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Quang Ninh, một thách thức lớn khi đề cập vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc TP hiện nay là đã có nhiều công trình kiến trúc bị phá mất trong thời gian qua. Ông Ninh dẫn trường hợp chiếc cầu ở Thảo cầm viên bắc qua kênh Nhiêu Lộc đã bị phá bỏ. Theo ông, chiếc cầu này là công trình đẹp "không thua chiếc cầu bắc qua sông Seine ở Pháp".

Ông nhớ lại quá trình quy hoạch TP đã cho phép đập đi rất nhiều công trình. Theo ông, trong số 108 đối tượng trong danh mục cảnh quan kiến trúc cần nghiên cứu bảo tồn do UBND TP.HCM ban hành năm 1996, đến nay chỉ còn khoảng 75%.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đối với đô thị như TP.HCM, việc ứng xử sao cho vừa phải đạo với di tích, vừa không kìm hãm đà phát triển kinh tế cần phải tổng hợp kinh nghiệm để giải bốn bài toán cơ bản: bài toán tri thức, tư vấn thiết kế, quản lý và kinh tế.

Trong đó, bài toán tư vấn thiết kế vừa là định hướng ứng xử. Thông thường có bốn cách ứng xử với công trình di sản: bảo tồn di sản, cải tạo, phục hồi, tái thiết di sản. TP.HCM thiên về cách ứng xử cải tạo di sản (rehabilitation), tức là định hướng cho phép sửa chữa, nâng cấp và bổ sung thêm các công trình di sản, nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc tạo lập nên bản sắc lịch sử của công trình.

Trong khi đó, KTS Phạm Phú Cường ghi nhận tại TP.HCM có ba hiện tượng xâm hại di sản đô thị với hàng loạt dẫn chứng: phá bỏ ngay chính các công trình di sản (cầu Ông Lãnh không còn, nhiều công trình nhà, kho, cầu, xưởng có tuổi đời trăm năm dọc kênh Tàu Hủ - rạch Bến Nghé đã hoàn toàn bị xóa bỏ trong quá trình thi công đại lộ Ðông - Tây); phá vỡ tính chất bối cảnh của các di sản đô thị (đây là hệ quả của phương thức xây chen nhà cao tầng vào các khu đô thị lịch sử, từ năm 1991 đến nay có trên 100 công trình cao từ 15 tầng trở lên được thỏa thuận chỉ tiêu kiến trúc trên địa bàn các quận 1, 3, 4); sự tương phản gay gắt giữa kiến trúc cũ và mới: "Do thiếu những nguyên tắc định hướng hình thức cơ bản, chúng ta phải chứng kiến một hình ảnh đô thị hỗn loạn về thị giác, mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, đối lập về phong cách, màu sắc, vật liệu và kiểu dáng".

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/709/605709.jpg
Dãy nhà cổ trên bến Trần Văn Kiểu, Q.6, TP.HCM bị giải tỏa cho dự án đại lộ Đông - Tây - Ảnh: Minh Đức




Nên thực hiện dự án con đường di sản của TP.HCM
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu trong tham luận của mình đưa ra quan điểm "Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ dù là tốt đẹp đến đâu".

Ðồng ý với quan điểm này, GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu nêu các bài học về bảo tồn mà vẫn phát triển tốt tại các đô thị lớn như Roma, Venice (Ý), Prague (Cộng hòa Czech), đại lộ Gracia ở Barcelona (Tây Ban Nha). Ông cho rằng ngày nay bảo tồn di sản được hiểu theo nghĩa rộng: không chỉ bản thân di sản mà còn là môi trường cảnh quan khu vực, không chỉ phạm vi một di tích mà còn là một khu phố, thậm chí cả TP. Bảo tồn và phát triển tưởng như đối nghịch song bản chất là hai mặt cùng tồn tại trong một thực thể di sản. Ông cũng nhấn mạnh rằng bảo tồn đi đôi với phát triển là nguyên tắc quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị.

Theo hướng đó, KTS Lê Quang Ninh nêu ý tưởng về việc nên thực hiện dự án con đường di sản của TP.HCM, với hình dung có thể từ ngã ba sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé vào đến Lò Gốm. Ông Nam Sơn đề nghị việc quản lý di sản đô thị ở TP.HCM nên bắt đầu bằng việc thống kê danh sách các công trình có giá trị lịch sử, và xác định khu vực lõi trung tâm lịch sử cần bảo vệ di sản. Theo ông, khu vực lõi trung tâm này đánh dấu 300 năm phát triển của Sài Gòn xưa và tồn tại đến ngày nay, cần đặc biệt quan tâm trong quy
hoạch khu trung tâm TP.

Trong phiên thảo luận, ban tổ chức đặt vấn đề liệu sự hài hòa trong kiến trúc mới và cũ có phải là một điều không tưởng hay không? KTS Phạm Phú Cường cho rằng: Ðô thị là một cơ thể sống, nó có "mã di truyền" và cội nguồn của nó. Vấn đề hài hòa cũng có nhiều cấp độ: hài hòa đồng dạng; tương đồng có biến chuyển; tương quan về quy mô, bối cảnh chung. Sự hài hòa như vậy sẽ làm mối nối giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển đô thị.

LAM ÐIỀN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [41] [42] [43] [44] [45] [46] [47] ... ›Trang sau »Trang cuối