Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [76] [77] [78] [79] [80] [81] [82] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

51
THI LANG
Quan Thanh “lập dị


Thi Lang vốn cũng là một nhân vật lịch sử, không chỉ lập đại công trong việc giúp triều đình nhà Thanh thống nhất Đài Loan, mà còn khuyên triều đình bố trí phủ quan tại đảo này, trong lịch sử Đài Loan của Trung Quốc, ông được coi là một nhân vật vô cùng quan trọng. Ngoài ra, mấy người con trai của Thi Lang cũng rất nổi tiếng, con trai thứ hai Thi Thế Luân chính là nhân vật chính “Thi thanh thiên” trong chuyện dân gian “Thi công án”; con trai thứ sáu là Thi Thế Phiêu làm thuỷ sư đề đốc Phúc Kiến, nhân cứu trợ tai hoạ ở Đài Loan mà hi sinh. Tôi đoán tác giả dựa theo nguyên tắc “Con nào cha ấy” mà xây dựng hình tượng Thi Lang thành vị quan thanh liêm trong bộ tiểu thuyết Lộc đỉnh ký. Có điều là vị quan thanh liêm này rất khổ sở, điêu đứng, thậm chí nhiều khi bất lực. Nguyên nhân rất đơn giản, trong một thể chế chính trị tham ô tràn lan, muốn làm một vị quan thanh liêm thì đúng là “kẻ lập dị”, bị các quan từ trên xuống dưới không ưa.


I

Thi Lang sở dĩ thành “kẻ lập dị”, thoạt nghe tưởng là vì ông phản bội Trịnh Thành Công, đầu hàng vương triều nhà Thanh. Như vậy, dưới con mắt người Đài Loan, Thi Lang là một kẻ phản bội, thậm chí là một tên Hán gian, đến một kẻ không phân biệt Mãn-Hán như Vi Tiểu Bảo mà cũng làm cho Thi Lang khổ sở không dám ngẩng mặt lên. Mặt khác, trong triều đình nhà Thanh, các quan viên chỉ coi Thi Lang là một viên tướng đầu hàng, một quan quân thấp kém, thậm chí là một kẻ không đáng tin cậy. Thân phận đặc thù đó khiến suốt một thời gian dài Thi Lang không được coi là người đàng mình ở trong cũng như ngoài triều đình. Thật ra, thân thế của Thi Lang rất đơn giản. Ông là một quân nhân, hơn nữa, là một quân nhân thực thụ, đúng tiêu chuẩn, một vị tướng ưu tú. Tố chất và tính cách ấy chẳng những không đem lại vận may cho Thi Lang, ngược lại, còn là căn nguyên gây bao sóng gió cho cuộc đời ông.

Nói trắng ra,Thi Lang không hiểu chính trị, nhất là không hiểu chính trị và văn hoá chính đàn Trung Quốc, không hiểu nhân tình thế cố ở bên ngoài quân đội và quân sự. Thi Lang cho rằng ông có thể không biết đến chính trị, chỉ cần coi phục tùng mệnh lệnh là thiên chức, chỉ cần trung thành, không hổ thẹn với lương tâm, thì vạn sự đại cát. Thi Lang không hiểu rằng ông không cần biết đến chính trị, thì chính trị sẽ sờ gáy ông, sẽ làm cho ông điêu đứng, thậm chí nhà tan cửa nát. Thi Lang sở dĩ chạy sang đầu hàng triều đình nhà Thanh, chỉ vì một nguyên nhân rất nhỏ: một tên sĩ quan cấp thấp là thuộc hạ của ông vi phạm quân kỷ, theo lý sẽ bị phạt nặng. Không ngờ tên đó lại chạy đến nhờ phu nhân Trịnh Thành Công che chở, bịa đặt cấp trên của hắn là Thi Lang có dị tâm này nọ.

Thế là Đổng phu nhân đứng ra xin tha tội cho tên kia, nhưng Thi Lang không chịu, quyết ý áp dụng quân luật, cuối cùng xử bắn hắn. Làm thế là đắc tội lớn với Đổng phu nhân, cũng là đắc tội với nhà đương cục tối cao. Cấp trên của Thi Lang sắp bắt ông để trị tội, ông đành bỏ trốn, không ngờ gia đình ông ở lại bị giết sạch. Vì thế Thi Lang có mối thù không đội trời chung với họ Trịnh ở Đài Loan. Thi Lang bỏ chạy vào đại lục theo triều đình nhà Thanh, thề báo thù rửa hận. Ta thấy Thi Lang là người chỉ biết đến việc trị quân, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu thuộc hạ nghiêm chỉnh tuân thủ chế độ trong quân đội để bảo đảm tác phong tốt đẹp của quân nhân. Nhưng Thi Lang không biết, trước hết, thiên hạ của Đài Loan là thiên hạ của nhà họ Trịnh, thượng ti là thượng ti đã đành, song phu nhân của thượng ti cũng là thượng ti, ý muốn của phu nhân là tuyệt đối, còn cao hơn mọi qui chế trong quân đội. Thứ nữa, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh là cần, song cũng không lợi hại bằng vài câu nói nhỏ với phu nhân thượng ti.

Thi Lang dám công nhiên đắc tội với phu nhân thượng ti, há chẳng khiến người ta nghi ông có bụng phản trắc hay sao? Thi Lang không biết chính trị là thống soái, là linh hồn, Thi Lang chỉ biết quân sự đơn thuần, chẳng trách dẫn đến đại hoạ. Thi Lang bỏ trốn, thượng ti không giết cả nhà ông đi mới là lạ . Vậy là ở Đài Loan không có đất sống cho Thi Lang, ông đành vào đại lục đầu hàng triều đình dị tộc. Lúc mới vào, đương nhiên được hoan nghênh nhiệt liệt, hơn nữa còn được phong làm thuỷ sư đề đốc Phúc Kiến, chức Tịnh Hải tướng quân. Nhưng chỉ ít lâu sau, tình hình thay đổi hẳn. Hoàng thượng triệu Thi Lang về thủ đô Bắc Kinh, nói là muốn nghe ông thuật chức, nhưng mấy năm liền cũng không cho gọi vào triều kiến. Thật không hiểu tại sao Thi Lang lại bị “ngồi chơi xơi nước” như vậy.

Hoàng thượng không gọi, đành phải tự mình tìm cách, chạy vạy khắp nơi cầu xin người này người nọ. Một viên tướng trung thành, ngay thẳng, cứ phải lo nghĩ như thế đến là khổ. Nghe nói Vi Tiểu Bảo là người được tin cậy số một trong triều đình, đường đường tướng quân Thi Lang phải hạ mình đến bái kiến gã đô thống Vi Tiểu Bảo cấp bậc thấp hơn, ít tuổi hơn hẳn mình, thuê làm một chiếc chén ngọc có khắc chữ “Vãn sinh Thi Lang kính tặng”, chúc Vi Tiểu Bảo “gia quan tiến tước” một cách cung kính. Tại sao Thi Lang lại làm như thế ? Người quen của ông ở Bắc Kinh là Sách Ngạch Đồ, bạn thân của Vi Tiểu Bảo, có nói với ông rõ ràng thế này : “Lão Thi, huynh ở Bắc Kinh mấy năm, đã học được cách nói năng rồi, không như hồi mới đến Bắc Kinh, làm gì cũng đắc tội với mọi người... Huynh biết rồi đấy, Vi đại nhân là vị quan được hoàng thượng tin dùng số một trong triều đình, đến gõ cửa nhà Vi đại nhân, còn hơn là đi cầu khẩn hàng chục vị vương công đại thần”. (Xem Lộc đỉnh ký).

Điều này chứng tỏ Thi Lang thoạt đầu không như thế, chẳng biết cầu cạnh người, cũng chẳng biết nói năng chốn quan trường, động một tí là đắc tội với người khác. Rõ ràng Thi Lang không hiểu chính trị. Sau mấy năm khổ sở, vị tướng cuối cùng phần nào hiểu ra, học được cách ra vào quan trường, tác phong tập tục của nha môn, bắt đầu thay đổi quan điểm và tác phong quân nhân đơn thuần, bắt đầu hiểu được chính trị. Việc đó hiệu nghiệm ngay. Vi Tiểu Bảo chỉ bẩm một lời với hoàng đế Khang Hy, Khang Hy liền hạ lệnh cho Thi Lang làm một cái chén vàng đến tặng Vi Tiểu Bảo và phục vụ dưới trướng Vi Tiểu Bảo. Tuy bảo tướng quân phải phục vụ đô thống thật trái với thể chế quân đội, rồi lại phái đường đường một vị thuỷ sư đề đốc đi đánh hòn đảo Thần Long nhỏ xíu, tức là “dao trâu mổ gà”, nhưng cuối cùng thì anh hùng cũng có đất dụng võ, huống hồ trong đó có sự huyền diệu của chính trị.

II

Từ khi bám được vào cành cao Vi Tiểu Bảo, số phận của Thi Lang quả nhiên có chuyển biến tốt. Mấy năm sau, nhân khi Vi Tiểu Bảo ra đảo Thông Ngật, Thi Lang quả nhiên suất binh vây đánh Đài Loan, con cháu nhà họ Trịnh đành phải đầu hàng triều đình nhà Thanh. Đài Loan một lần nữa qui nhập bản đồ thống nhất của Trung Quốc. Điều lý thú là tướng Thi Lang bản tính khó cải, cho rằng mình chỉ cần một lòng tận tuỵ với triều đình, triều đình ắt sẽ luận công hành thưởng. Thế là ông nhanh chóng phục hồi nếp nghĩ giản đơn, tác phong ngay thẳng của một quân nhân, tóm lại là muốn phục hồi bản tính một vị quan thanh liêm, tạo phúc cho dân.

Sau khi thu phục Đài Loan, Thi Lang không hề nghĩ đến việc báo đáp cái ơn “giúp đỡ đề bạt” của đại nhân Vi Tiểu Bảo, khiến hoàng đế Khang Hy phải đích thân nhắc nhở, Thi Lang mới “phụng mệnh” ra đảo Thông Ngật cảm tạ Vi Tiểu Bảo, một kẻ mấy năm vừa rồi không làm gì vẫn cứ được thăng quan tiến tước. Hồi này Vi Tiểu Bảo căn bản không nể tình gì với Thi Lang, bởi vì Thi Lang thu phục Đài Loan, lấy được bao nhiêu vật quí của nước ngoài, đem nộp hết cho triều đình. Khang Hy bảo Thi Lang mang vài thứ tặng Vi Tiểu Bảo. Thi Lang cũng có vài món lễ vật, ấy là thổ sản của Đài Loan, như giỏ mây, chiếu cỏ, toàn là thứ thô lậu. Vi Tiểu Bảo vừa nhìn thấy, đã chán ngấy, nghĩ bụng: “Trương đại ca, Triệu nhị ca, Vương tam ca, Tôn tứ ca bình định Ngô Tam Quế, tặng ta bao nhiêu thứ quí, ngươi lại mang biếu ta mấy thứ đồ của kẻ ăn mày này, thử hỏi có coi ta ra gì hay không?” (Xem Lộc đỉnh ký).

Các bạn thấy Thi Lang hoá ra là kẻ “vong ân bội nghĩa”, một gã “lập dị” phải không? Vi Tiểu Bảo tỏ ý khó chịu giận dữ, làm cho Thi Lang sợ toát mồ hôi hột, cuối cùng đành chiều theo ý chỉ của Vi Tiểu Bảo, mạo hiểm mất chức đưa Vi Tiểu Bảo đi du lãm Đài Loan, mới làm cho Vi đại nhân vui vẻ trở lại. Sau khi Thi Lang thu phục Đài Loan, nghe đồn trong triều đình có nhiều người bàn tính bỏ hòn đảo này, đưa dân cư vào đại lục, Thi Lang rất lo lắng, nghĩ mấy chục vạn dân có nguy cơ bị mất hết gia viên, khổ nỗi ông chẳng biết làm thế nào. Lại Vi Tiểu Bảo vạch kế hoạch cho ông, bố trí cho ông lên Bắc Kinh bẩm với hoàng thượng về cái hại lớn nếu bỏ đảo Đài Loan, Thi Lang mới đại ngộ , tìm ra cách giải quyết vấn đề. Quan trọng hơn, Vi Tiểu Bảo hiểu rõ nhân tâm thế cố, nắm vững bí quyết quan trường, trước khi Thi Lang vào triều, đã nhắc nhở, hỏi ông có chuẩn bị lễ vật cho các vị đại thần trong triều hay chưa. Thi Lang ban đầu còn chưa hiểu ý, cho rằng lấy được Đài Loan là nhờ uy đức của thiên tử, xương máu của binh sĩ, chứ các vị đại thần trong triều đâu có công lao gì.

Vi Tiểu Bảo lại phải lên lớp cho ông : “Lão Thi, huynh vừa đắc ý, bệnh cũ lại tái phát rồi. Huynh thu phục Đài Loan, ai ai cũng biết huynh hốt cả núi vàng núi bạc, một mình nuốt sạch, đại phát tài. Các quan trong triều ai chẳng thèm nhỏ dãi?” Thi Lang vội trần tình, ông không dám đút túi riêng một lượng bạc nào cả, thì Vi Tiểu Bảo nói toạc ra : “Huynh muốn làm vị quan thanh liêm, nhưng mọi người không ai muốn làm quan thanh liêm như huynh đâu. Huynh càng thanh liêm, người ta càng dễ nói xấu huynh, bảo huynh ở ngoài đảo Đài Loan thu phục nhân tâm, nuôi ý đồ làm phản đấy. (Xem Lộc định ký). Vi Tiểu Bảo nghe Thi Lang bảo có chuẩn bị một ít giỏ trúc, chiếu cỏ, tượng gỗ nhỏ, túi da làm lễ vật vào triều, hắn không nói gì, chỉ cười hô hô mãi, Thi Lang chẳng hiểu gì hết, cuối cùng đỏ mặt, hiểu ra, quyết định “sửa chữa sai lầm”. Thế là Thi Lang nghe theo chủ ý cao minh của Vi Tiểu Bảo, để Vi Tiểu Bảo đứng ra trưng thu một khoản “phí thỉnh mệnh” tại Đài Loan, được cả trăm vạn lạng để lo quà biếu. Sau đó, Thi Lang còn được Vi Tiểu Bảo chỉ vẽ cụ thể biếu ai nhiều ít thế nào, ông mới cứ thế làm theo ở Bắc Kinh, mọi việc thuận lợi. Không có sự chỉ dẫn của Vi Tiểu Bảo, chắc hẳn ThiLang sẽ thất vọng ra về.

III

Chuyện Thi Lang trong sách miêu tả rất đơn giản, nhưng mỗi chi tiết đều điển hình. Thi Lang là người như thế nào, muốn làm một người như thế nào, về sau biến thành một người ra sao, tất cả đều rõ ràng. Tác giả không đề cập hoạt động tâm lý của Thi Lang, nhưng chúng ta dễ thấy rằng một người có tính cách như Thi Lang căn bản sẽ coi khinh Vi Tiểu Bảo, không muốn có quan hệ với hắn. Thế nhưng bước vào mái hiên thấp, người ta phải cúi đầu. Muốn báo thù rửa hận, ắt phải nhờ đến thực lực của triều đình. Mà muốn có chỗ đứng trong triều đình, phải tìm được lối đi sống còn trong cái thế giới chính đàn ấy; muốn tìm ra lối đi, phải lấy lòng gã Vi Tiểu Bảo đáng khinh bỉ. Bởi vì Vi Tiểu Bảo là người được hoàng đế tin dùng.

Lần đầu tiên đi “bái kiến” Vi Tiểu Bảo, Thi Lang trong bụng lúng túng khổ sở, nhưng ngoài mặt cố tươi cười, đối với một người như Thi Lang, như thế thật là khó chịu. Cho nên sau khi bình phục Đài Loan, Thi Lang không đi “tạ ơn” Vi Tiểu Bảo, chẳng phải ông “vong ân bội nghĩa”, thậm chí cũng không phải ông quên mất Vi Tiểu Bảo, mà chủ yếu chỉ e rằng trong thâm tâm ông không muốn đi, vì làm như thế nó quá nhục. Cần phải nói rằng hình tượng Thi Lang trong bộ tiểu thuyết Lộc đỉnh ký là vị quan thanh liêm duy nhất, hoặc là người duy nhất muốn làm quan thanh liêm. Những kẻ khác đều là đồng đảng của Vi Tiểu Bảo. Chính vì thế mà Vi Tiểu Bảo mới như cá gặp nước, còn Thi Lang thì đến đâu cũng gặp trở ngại. Vi Tiểu Bảo nói rất đúng : “Huynh muốn làm quan thanh liêm, cứ việc, nhưng đừng có bảo mọi người làm quan thanh liêm!” Ngay đến hoàng đế Khang Hy cũng không chỉ coi đấy là việc không bình thường, mà còn hạ lệnh cho Thi Lang đi hối lộ Vi Tiểu Bảo.

Mà Khang Hy được coi là vị hoàng đế vĩ đại sáng suốt nhất trong lịch sử Trung Quốc, vậy thì các triều đại khác tình hình ra sao, khỏi nói cũng biết. Trong tiểu thuyết có đoạn làm cho độc giả phải suy nghĩ rất lâu, ấy là thái độ của dân chúng Đài Loan về việc này. Họ không chỉ thừa nhận, mà còn tán thành việc Vi Tiểu Bảo trưng thu khoản “phí thỉnh mệnh” một trăm vạn lượng bạc làm quà hối lộ, họ còn cảm kích hắn đến rơi nước mắt. Tuy Thi Lang thanh liêm chính trực, song dân chúng Đài Loan lại chẳng có thiện cảm gì với ông. Trong sách viết : “Tuy ‘Thi thanh Vi tham’, nhưng dân chúng lại cảm thấy Vi đại nhân hoà nhã dễ gần, thà để Vi đại nhân trấn thủ Đài Loan thì hơn, Thi Lang tốt nhất đừng trở về đây nữa”. (Xem Lộc đỉnh ký).

Điều này chứng tỏ quan viên hủ hoá tham ô, nhận và đưa hối lộ, quan trường đen tối, hiện tượng “làm tri phủ thanh liêm ba năm, bạc trắng xoá như tuyết”, không những không phải là vấn đề kẻ xấu cá biệt, thậm chí cũng không chỉ là vấn đề thể chế xã hội, mà còn là vấn đề bản chất nghiêm trọng hơn: vấn đề truyền thống văn hoá và tính dân tộc, tính quốc dân. Mà trong thể chế xã hội như thế, Thi Lang đương nhiên muốn làm người tốt, làm quan thanh liêm là không thể được. Tác gia nổi tiếng người Đài Loan, Bá Dương tiên sinh nói văn hoá Trung Quốc truyền thống là một hũ tương lớn, thật không thể không tin. Hiện tượng Thi Lang trong bộ sách Lộc đỉnh ký cũng chỉ là một hình tượng nghệ thuật, chứ không phải truyện ký lịch sử, bên trong còn có phần hư cấu của tác giả bộ tiểu thuyết, nghĩ thế, trong lòng càng thêm buồn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

52
HỒNG AN THÔNG
Thần lộ chẳng thông


Thần Long giáo chủ Hồng An Thông trong Lộc đỉnh ký, tôi đoán Kim Dung tiên sinh khi sáng tác nhân vật này có lấy tư liệu từ cuộc “đại cách mạng văn hoá” ở đại lục Trung Quốc. Một là vì bộ sách này viết trong khoảng thời gian 1967 - 1972, lúc “đại cách mạng văn hoá” đang trong cao trào; hai là những câu khẩu hiệu và nghi thức chào hỏi trongThần Long giáo cũng rất giống cái kiểu “sáng thỉnh thị, tối hội báo” vào những năm “đại cách mạng văn hoá” ở đại lục Trung Quốc; ba là Thần Long giáo chủ Hồng An Thông tin yêu phu nhân Tô Thuyên trẻ đẹp, chẳng hiểu tại sao cứ tìm cách sát hại các cán bộ lâu năm, đề bạt trọng dụng thiếu niên nam nữ, cổ vũ họ tạo phản đoạt quyền, tựa hồ cũng theo kiểu “thiên hạ đại loạn, càng loạn càng tốt. Xem ra hình tượng Hồng An Thông nhiều lắm cũng chỉ là tác giả gộp làm một tính cách ba nhân vật: Bạch Tự Tại tự đại thành cuồng, Đinh Xuân Thu đầy những dã tâm và Nhậm Ngã Hành hoành hành bá đạo; nói về tính cách nhân vật, không có gì mới lạ, song hình tượng Thần Long giáo chủ Hồng An Thông dưới con mắt thuộc hạ gần như là thần thánh, khác hẳn với ba nhân vật vừa nói. Chuyện Hồng An Thông có thể mở rộng tầm mắt cho chúng ta.

I

Nói hình tượng Hồng An Thông dưới con mắt thuộc hạ gần như là thần thánh, không chỉ căn cứ vào thái độ sợ hãi cực đoan thần bí của Đào Hồng Anh khi nhắc đến Thần Long giáo, cái cảnh mà Vi Tiểu Bảo gặp phải càng chứng minh điều đó. Chương Lão Tam suất lĩnh mấy chục giáo đồ Thần Long giáo, võ công của họ rõ ràng không cao, bình thường không thể địch nổi bọn Từ Thiên Xuyên, Ngô Lập Thân ... nhưng một khi họ sắp xếp lại đội hình, tình hình sẽ khác hẳn. Người cầm đầu làm một số động tác thế là mọi người nhất tề niệm chú Thần Long giáo : “Hồng giáo chủ vạn năm không già, phúc tiên mãi hưởng, thọ sánh ngang trời!” “Hồng giáo chủ thần thông quảng đại, giáo phái ta đã đánh là thắng, kẻ địch mạnh mấy, vững mấy cũng phải sụp đổ”, “Hồng giáo chủ thần thông phù hộ, chúng đệ tử dũng khí gấp trăm lần, lấy một địch trăm, lấy trăm địch vạn. Hồng giáo chủ thần mục như điện, chiếu sáng bốn phương, chúng đệ tử giết địch hộ giáo, Hồng giáo chủ thân chinh cất nhắc, thăng nhiệm thánh chức. Đệ tử giáo phái ta hộ giáo mà chết, đều được lên thiên đường ?” (Xem Lộc đỉnh ký).

Thế là quả nhiên dũng khí, niềm tin của Thần Long giáo đồ tăng lên gấp bội, võ công cũng mạnh hẳn lên, biến thành bất khả chiến bại. Họ đánh gục hoặc bắt sống bọn Từ Thiên Xuyên, Ngô Lập Thân. Như vậy, Hồng giáo chủ chẳng gần như là thần hay sao? Đương nhiên, trong tình tiết trên, nếu Vi Tiểu Bảo không sợ ma quỉ từ nhỏ, bọn Từ Thiên Xuyên không cho là lạ, thì kết quả đã khác hẳn. Nghĩa là các câu niệm chú linh nghiệm như thần, rõ ràng là bên trong có sự huyền diệu của nó. Nói cụ thể, thứ nhất, đội hình của họ là một thứ trận pháp, không những có thể phát huy sức mạnh tập thể, mà còn tăng cường niềm tin của tập thể. Thứ hai, Chương Lão Tam dùng hai cây phán quan bút của y cọ mạnh vào nhau, quá nửa là bút có bôi thuốc kích thích, thuốc gây ảo giác gì đó, khi cọ xát sẽ tán phát, làm cho người ta tinh lực đột nhiên gia tăng. Tôi đoán thế vì sau đó biết Hồng An Thông là một chuyên gia thảo dược. Thứ ba, các câu niệm chú của họ, kiểu như “Hồng giáo chủ thân chinh cất nhắc, thăng nhiệm thánh chức”, có tác dụng như treo một giải thưởng tại chỗ, kích thích tinh thần.

Thứ tư, quan trọng hơn, ấy là câu hộ giáo mà chết, được lên thiên đường”, có tác động mạnh nhất đến lòng người. Ba trăm năm sau, ngay cả bây giờ, ước mơ được lên thiên đường vẫn còn làm cho bao nhiêu con người thần hồn điên đảo nữa là. Thứ năm, ban đầu chúng ta còn chưa để ý thái độ của bọn Chương Lão Tam, tinh thần họ hăng hái thật đấy, song tựa hồ họ lo sợ nhiều hơn, nếu họ không đánh thắng đối phương, không hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà giáo chủ giao phó, thì kết cục họ sẽ phải chết còn đáng sợ hơn, đấy là nguyên nhân căn bản khiến bọn Chương Lão Tam liều chết chiến đấu như thế. Vậy thì cảnh tượng đã thấy cũng không có gì là thần bí. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa về phương diện di truyền văn hoá lịch sử trong tâm lý dân tộc ở cấp độ sâu hơn, phức tạp hơn. Đó là tư duy và sự mê tín phù chú từ thời nguyên thuỷ về nguồn gốc lịch sử văn hoá Trung Quốc, và cho đến nay rất nhiều ngườI vẫn chưa biết đến biểu tượng tập thể và sự thôi miên tập thể. Các khẩu hiệu và niệm chú do Thần Long giáo và giáo chủ Hồng An Thông nghĩ ra chẳng qua cũng không ngoài điều vừa nói. Các khẩu hiệu và niệm chú của Thần Long giáo quả nhiên có tác dụng thần kỳ đối với quần chúng, khiến cho võ công của bọn Chương Lão Tam gia tăng gấp bội, hiển nhiên còn có một nguyên nhân sâu sắc, ấy là tư duy nguyên thuỷ, cũng là biểu tượng tập thể; niềm tin nguyên thuỷ, cũng là sự mê tín.

Sự mê tín trong tâm lý, thông qua câu niệmchú, có thể làm cho tinh thần biến thành vật chất, mộng tưởng hoá thành hiện thực. Đấy là một thứ sức mạnh tinh thần kỳ diệu. Đến cuối thế kỷ hai mươi ở thành thị và nông thôn Trung Quốc, vẫn có rất nhiều người tin rằng các vị luyện khí công hoặc học khí công, ngày ngày tự nhủ với mình “Sỏi thận tự tan, tự tan? Cục đông trong máu tự tiêu, tự tiêu! là sỏi thận và cục máu đông sẽ tự tan, tự tiêu thật. Cho nên chuyện Thần Long giáo đâu phải là chuyện tức cười.Tôi cho rằng khi nào khoa học thực chứng, tư duy lôgich, tinh thần lý tính chưa đủ mạnh, thì sự mê tín đương nhiên còn tồn tại. Những kẻ như Hồng AnThông còn xuất hiện dài đài, các đệ tử tín đồ Thần Long giáo và con cháu của họ sẽ còn tiếp tục tạo ra thần, tin thần, vái thần đến mức mê cuồng.

II

Đến khi Thần Long giáo chủ Hồng An Thông chính thức xuất hiện, chúng ta sẽ thấy đằng sau thần nhân, thần thoại và thần quang ấy kỳ thực chỉ là câu chuyện phàm tục nhân gian chẳng đẹp đẽ gì. Trước hết, Thần Long giáo không phải là một tổ chức tôn giáo thông thường, mà thực chất là một tổ chức chính trị. Vi Tiểu Bảo có thể làm chứng, cơ cấu tổ chức của Thần Long giáo chẳng khác gì Thiên địa hội; còn nghi thức triều bái của nó thì mô phỏng y như trong triều đình. Vì vậy, một kẻ lạ mặt như Vi Tiểu Bảo mới nhanh chóng được tổ chức này kết nạp và hơn nữa, còn giao cho trọng trách. Chứng cứ hùng hồn hơn là sau này ở Vân Nam, Vi Tiểu Bảo phát hiện Hồng An Thông liên lạc với Ngô Tam Quế, rồi liên lạc với nước Nga-la-tư ý đồ chia lại Trung Quốc. Nói chính xác, Thần Long giáo là một tổ chức chính trị mang tính chất một tập đoàn bán nước, và để đạt mục đích ấy, chúng không từ thủ đoạn nào. Thứ hai, cái gọi là thần giáo này thực chất chỉ là tà giáo, Hồng An Thông chẳng phải thần thánh gì, mà chỉ là một giáo chủ tà giáo.

Chứng cứ là , cái Thần Long giáo do hắn lập ra không hề có cương lĩnh tôn giáo hoặc đơn thuần một sức mạnh tinh thần nào đó để đoàn kết giáo chúng, mà ngoài nghi thức tạo thần, chỉ có thủ đoạn thống trị tàn khốc mà thôi. Cụ thể là sử dụng nhiều loại độc dược để mê cảm, uy hiếp, khống chế tâm linh giáo chúng. Chương Lão Tam, Bạn đầu đà, Lục Cao Hiên sở dĩ vừa đánh vừa lo sợ là vì họ biết rõ thủ đoạn dùng độc dược vô cùng lợi hạI của giáo chủ. Giáo chủ có thể biến Bạn (mập) đầu đà thành một kẻ vừa cao vừa gày, hoặc biến Sấu (gày) đầu đà thành một kẻ vừa lùn vừa mập. Nói trắng ra, giáo chủ không phải dùng đức độ để giáo hoá, mà dùng lối đe doạ để thống trị giáo chúng, trấn áp người nào làm trái ý mình. Trong Thần Long giáo, chỉ có giáo chủ Hồng An Thông là người duy nhất đúng đắn, quang vinh, vĩ đại; cũng chỉ có phu nhân giáo chủ mới được quyền ăn nói, hết thảy mọi ngườI còn lại chỉ là lũ cừu đáng thương dưới sự dẫn dắt của giáo chủ.

Khi Vi Tiểu Bảo tới đảo Thần Long, thì phát hiện nơi đây có chuyện lạ là mọi người lớn tuổi đều lo âu, còn bọn thiếu niên thì dương dương đắc ý. Không lâu hắn biết rằng đó là giáo chủ và ả phu nhân trẻ của lão ta gần đây có đưa ra một chính sách mới, đánh đổ các huynh đệ đứng tuổi, đề bạt và trọng dụng bọn trẻ. Thông minh lanh lợi như Vi Tiểu Bảo còn không hiểu tại sao áp dụng chính sách đó, nói gì các vị giáo chúng có tuổi. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là giáo chủ Hồng An Thông muốn phát động một phong trào tạo thần đại qui mô, mà muốn vậy, không thể không đánh đổ các huynh đệ nhiều tuổi, lợi dụng bọn trẻ. Đáng tiếc là Hồng An Thông không phải là ngườI có pháp lực vô biên. Các huynh đệ nhiều tuổi của y cố nhiên kính nể và sợ hãi y, nhưng vào giờ phút sinh tử, không phải ai cũng là phường ngu trung. Thanh Long sứ Hứa Tuyết Đình đã có ý chống đối từ sớm, cuối cùng lợi dụng “Bạch Hoa phúc xà cao “pha vào rượu để đầu độc toàn bộ giáo chúng Thần Long giáo.

Tuy không đạt mục đích hoàn toàn, nhưng kỳ thực đã có tác dụng quan trọng, ấy là gạt Thần Long giáo chủ Hồng An Thông xuống khỏi thần đàn. Nhìn Hồng An Thông cũng bị độc dược chế ngự như hết thảy mọi người phàm tục hiện diện tạI chỗ, nhìn vị giáo chủ trang nghiêm vốn được tung hô như thần thánh cũng bị chới với tuột khỏi ghế ngồi của mình, ngã sóng soài xuống đất như một phàm nhân, người ta không còn tin vào chuyện thần thoại Hồng An Thông nữa. Bấy giờ Vi Tiêu Bảo nghe lời cầu khẩn của tiểu quận chúa Mộc Kiếm Bình, nên không hạ sát vợ chồng Hồng An Thông, chứ không thì mạng sống của vị giáo chủ thần thánh ấy đã chẳng còn. Bấy giờ trong đại sảnh của Thần Long giáo diễn ra một cảnh tức cười : “Mấy trăm người trong đạI sảnh đều ngã xuống đất, chỉ có một người đứng thẳng lưng. Người này quá thấp, nhưng vì hết thảy mọi ngườI đều ngã nằm dưới đất, nên trông hắn nổi bật lên như con hạc giữa bầy gà”. (Xem Lộc đỉnh ký ).

Kẻ quá thấp kia đương nhiên là Vi Tiểu Bảo. Tôi nghĩ mọi người đều hiểu, đây không chỉ là một hiện trường bình thường, mà nó còn mang tính tượng trưng khiến người ta phải suy nghĩ mãi. Vi Tiểu Bảo là kẻ như thế nào, hình tượng hắn “cao” bao nhiêu, chúng ta đã biết. Ngay như hắn ở đây còn nổi bật lên như con hạc giữa bầy gà, thế thì từ giáo chủ Thần Long giáo đến các giáo chúng “cao bao nhiêu, họ không rõ hay sao? Dĩ nhiên, lúc này Thần Long giáo chúng đều đã ngã, nhưng vì sao họ ngã, không dậy nổi, thật đáng suy nghĩ. Sau biến cố kinh người đó, phong trào tạo thần của Thần Long giáo vẫn chưa chấm dứt. Bọn Vi Tiểu Bảo, Hồng An Thông, Lục Cao Hiên vẫn lẩm bẩm niệm chú. Bọn giáo chúng trẻ tuổi của Thần Long giáo thì cuồng nhiệt hô to khẩu hiệu : “Giáo chủ phúc tiên mãi hưởng, thọ sánh ngang trời. Càng kinh ngạc hơn, bọn Vô Căn đạo nhân lão huynh đệ cũng tự nhiên hoảng sợ, nghĩ : “Giáo chủ và phu nhân trên ứng tượng trời, không được mạo phạm”. (Xem Lộc đỉnh ký) .

Đáng chú ý là chân tướng của việc đó thế nào, không riêng Vi Tiểu Bảo, Lục Cao Hiên, mà chính Hồng AnThông cũng biết rõ. Chứng cứ là sau đó y từng nói : “Lục Cao Hiên mưu trí thâm trầm, võ công cao cường, viết bài văn hay tuyệt (Xem Lộc đỉnh ký ). Hồng An Thông thừa biết, song vẫn làm như thế, rõ ràng là xuất phát từ nhu cầu chính trị, về bản chất là vì mục đích chính trị của mình mà tiếp tục tạo thần, lừa dối giáo chúng. Như vậy Hồng An Thông là một kẻ như thế nào, không cần nói thêm cũng rõ.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

III

Vi Tiểu Bảo đương nhiên cũng biết Hồng An Thông là người như thế nào. Vì vậy, mặc dù Hồng An Thông cử hắn làm Bạch Long sứ của Thần Long giáo, cho hắn mang Ngũ Long lệnh như một thứ Thượng phương bảo kiếm, sau khi dạy cho hắn “ba chiêu mỹ nhân”, lại dạy “ba chiêu anh hùng”, phảI nói là đầy ân sủng, song Vi Tiểu Bảo vẫn chưa bằng lòng, còn tìm cho bằng được tấm bản đồ giấu trong “Tứ thập nhị chương kinh”, dò xét ra bí mật câu kết giữa Thần Long giáo với Ngô Tam Quế, vương tử Hoài Cát Nhĩ, Tang Kết lạt ma và Nga-la-tư sau đó đem quân bắn phá đảo Thần Long, huỷ diệt sào huyệt chính của Thần Long giáo, làm cho Hồng An Thông từ một vị giáo chủ hiển hách, một thứ thủ lĩnh bang phái chính trị biến thành một con chó săn cho một bang thổ phỉ hắc ám.

Tiếp đó, vẫn lại Vi Tiểu Bảo, tại viện Lệ Xuân ở Dương Châu, lợi dụng Tô Thuyên trúng thuốc mê, đã cưỡng gian nàng ta, không những làm cho vợ của Thần Long giáo chủ Hồng An Thông có thai, mà sau khi sự Việc vỡ lở, Tô Thuyên còn công khai đứng về phe Vi Tiểu Bảo chống lại Hồng An Thông. Chính việc đó làm cho Hồng An Thông phát điên, định giết người diệt khẩu, cuốI cũng lão ta cùng với mấy thuộc hạ còn lại bên mình, như Lục Cao Hiên, Hứa Tuyết Đình, Trương Đạm Nguyệt, Bạn đầu đà tàn sát lẫn nhau, cùng chết một lượt. Hồng An Thông đến lúc chết vẫn khôngthể hiểu, tại sao lão ta lại thất bại như vậy? TạI sao thuộc hạ của lão lại không vâng lệnh lão. TạI sao ngay cả người vợ mà lão hết lòng sủng ái cũng phản bội lão? Câu trả lời có thể tìm thấy một phần trong câu nói cuối cùng của lão lúc hấp hối : “Các ngươi đều sai, chỉ có ... chỉ có mình ta đúng.

Ta muốn giết chết tất cả các ngươi, chỉ một mình ta mới’... mới phúc tiên mãi hưởng ... thọ... thọ sánh ngang ... trời”. (Xem Lộc đỉnh ký). Tên bá quyền chính trị này cuối cùng đã bị ngườI chống đối giết chết, cái đó gọi là ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Kẻ tạo thần, rốt cuộc không thể lừa dối người khác, hoá ra tự lừa dối mình, cho rằng chỉ một mình mình đúng, một câu của mình bằng vạn câu của người khác, kết quả đương nhiên là bị bệnh tâm thần phân liệt hoặc tâm lý mê cuồng, đến chết cũng không hiểu nổi chân tướng thành bại của cuộc đời mình. Nghĩ lại vai trò của Vi Tiểu Bảo trong giai đoạn cuối đời của Hồng An Thông thật nhiều ý vị sâu xa. Trung Quốc có câu tục ngữ “Cao nhân ắt có cao nhân trị,” Hồng An Thông tuy võ công siêu quần, gian ngoan lão luyện, Thần Long giáo tuy oanh liệt một thời, không ngờ Vi Tiểu Bảo lại trở thành khắc tinh của vận mệnh Hồng An Thông. Nguyên nhân bảo phức tạp thì phức tạp, bảo đơn giản thì cũng đơn giản.

Chẳng qua đó là vì, thứ nhất, Vi Tiểu Bảo là một kẻ phàm tục, cách thần giới rất xa, hắn cũng không muốn làm thần linh , hắn chỉ hành sự theo qui tắc hành động và thói quen tâm lý của người phàm tục, nên hắn thành đại khắc tinh của “kẻ tạo thần giới”. Thứ hai, Vi Tiểu Bảo là một phàm nhân, có đủ tính người của phàm nhân, nôm na là có ham muốn và biết hoạt động tình dục. Trong khi Hồng An Thông đã già yếu hoặc do tinh lực kém sút, hoặc do chuyên tâm cao luyện võ công, tưởng thành thần thành tiên, cuối cùng lại mất tính người bình thường. Nếu bảo sự phản bội của Tô Thuyên đối với lão là đòn trí mạng, thì căn nguyên của cú đòn ấy là Tô Thuyên thèm khát và tôn trọng tính người. Người và thần khác hẳn nhau. Hồng An Thông muốn hành sự trái đạo trời, đi tạo ra một thiên quốc thần giới dưới cõi trần, mê hoặc, đầu độc và tàn hạI chúng sinh nhân gian, tội ác quá lớn, đường lối ấy há có thể an thông?

************************************************** ******************************************
Viết thêm

Tôi là người, cũng giống nhân vật Hamlet của Shakespear, “Viết, hay không viết? cũng thường thường trở thành vấn đề nan giải đối với tôi. Rõ ràng ban đầu đã nói, nếu không có ý gì Chi Tường tiên sinh ở Tam Liên thư điếm Thượng Hải, không nghe mình, thì cũng phải nể người thế là viết. Phần khác, cũng có thể coi là nguyên nhân của nguyên nhân, ấy là một, hai năm nay, trong và ngoài nước liên tiếp xuất hiện nhiều bài viết, bài nghiên cứu về chủ đề liên quan đến kim Dung và tiểu thuyết của ông. Tôi hoan nghênh trăm nhà đua tiếng, tôn trọng mọi ý kiến của người khác, nhưng tôi không thích cái mới, thì sẽ không viết thêm về trước tác của tiểu thuyết gia Kim Dung, vậy mà sau đó vẫn cứ viết, mà không phải một, hai lần.

Nếu không, đã không có cuốn sách mới. Thú thật, hiện tại chẳng có ý gì mới nảy sinh. Lý do tôi viết cuốn sách này, một phần là do tôi đã nhận lời mời của Phùng Chi Tường tiên sinh ở Thượng Hải Tam liên thư điếm đã mời tôi, tôi không nỡ khước từ thịnh tình đó, nên đã đáp ứng. Một lý do khác có thể coi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, ấy là hai năm gần đây đề tài Kim Dung, và tiểu thuyết của Kim Dung không ngừng được báo chí đề cập, khiến việc nghiên cứu Kim Dung gặp nhiều khó khăn. Tôi thích trăm nhà đua tiếng, tôi tôn trọng mọi ý kiến của người khác , nhưng tôi không thích chỗ nào cũng nhảy vào bút chiến, đương nhiên tôi càng cố tránh sắm vai quan toà trong các cuộc tranh cãi. Vấn đề là không ít bạn hữu quan tâm đến tôi, cứ hi vọng tôi “bày tỏ thái độ vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến tôi, ngụ ý muốn tôi tham gia bút chiến; nhưng tôi không quen và cũng không thích làm như thế.

Hoàn toàn không phải vì tôi không hiểu, chân lý càng tranh luận càng sáng, nhưng nếu tôi nói đậu phụ và hành, người ta nói gió đông gió tây, thì kết quả sẽ ra sao? Nghĩ đi nghĩ lại, thôi thì lại đi trồng hành, thế là có cuốn sách này. Bây giờ sách đã viết xong, đưa đi xuất bản, muốn nói gì khác cũng không thể nói nhiều nữa. Điều tôi muốn nói bây giờ là thế này. Phùng Chi Tường tiên sinh đầy kinh nghiệm biên tập đã thẩm duyệt và đính chính bản thảo cho tôi đã đành. Sau đó tôi được biết, một vị giáo sư ngữ văn danh tiếng ở Thượng Hải là giáo sư Chu Thuý Đê, cũng đã bỏ nhiều công sức đọc và hiệu chính bản thảo của tôi; hơn nữa, khi bắt đầu viết cuốn sách này, thông qua Phùng Chi Tường tiên sinh, tôi từng được giáo sư Chu Thuý Đê dành cho nhiều chỉ giáo. Bởi vậy ở đây tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với Chu giáo sư. Cuối cùng, tôi muốn cám ơn vợ tôi và con gái tôi đã theo tôi chạy trọn cuộc marathon ít lý thú này, đến mức suốt cả dịp nghỉ Tết và nghỉ đông, do tôi bận viết quyển sách này mà họ phải ru rú ở nhà, không được đi đâu.

Tôi biết chạy trọn cuộc marathon không phải chuyện đùa, khi tôi viết trôi chảy thì còn đỡ; chứ gặp lúc tôi viết không trôi, thì họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cái tâm trạng khó chịu và cái bộ mặt khó coi của tôi. Cho nên, ngoài cái ý cám ơn, tôi còn phải xin lỗi họ. Cũng may họ biết rằng trong lúc tôi viết “Cái tướng của chúng sinh , có lúc hỉ nộ vô thường, âu cũng là chuyện bình thường trong cái tướng của chúng sinh.

Trần Mặc
Tháng hai đầu xuân năm 2001
Tại Bắc Thổ thành Bắc Kinh
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TẠP LỤC
VỀ
TIỂU THUYẾT
VÕ HIỆP KỲ TÌNH
KIM DUNG


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhL0oX1oK_32F1S2Rx8k794VkgukAXV-AGMDTc66kdOpbR4Mham1hWlHJNIZcorkb-64VYD02sAAiuhcfA3BT8wJckX1bIJvzjPvAP4Ybu-IIaj94h2iwrdQbn05FpkGqPEuITEUXMTy6ErYG70ELDeHw2XGh88WyDI3JnXT0ADbb1JHFyFC5gUlXj36w/w640-h422/100-0-KD.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

1
Bàn về chữ “thù”
trong các tác phẩm của Kim Dung


Thập niên 70 khi xây dựng phim kiếm hiệp hoặc truyện kiếm hiệp, đại đa số tác giả đều dựa trên chữ “thù”. Nhân vật chính là một đứa bé toàn gia bị thảm sát hoặc cha mẹ bị giết, lớn lên bôn tẩu giang hồ đầy cạm bẫy, tầm sư học võ, tầm thù rửa hận hoặc nhân vật chính là một nông dân chất phác, một thư sinh nho nhã rơi vào cạm bẫy kẻ thù, vợ con bị giết chết; nhân vật chính có trách nhiệm phanh phui vụ án, vạch mặt kẻ thù và sau cùng là tiêu diệt kẻ thù để rửa hận. Mở đầu cũng là một chữ “thù” và kết thúc cũng là một chữ “thù”. Ngay cả ngày nay công thức đó vẫn còn được xem là khuôn thước cho một số tác giả khi xây dựng truyện kiếm hiệp.

Từ ngàn xưa, việc báo thù rửa hận đối với người Trung Quốc cực kỳ quan trọng. Có thể được xem là căn bản trên mọi căn bản. Một người có thể bỏ phí cả một cuộc đời hoặc tiêu tốn cả gia sản chỉ nhằm mục đích để trả thù.

“Huyết trái huyết hoàn” (nợ máu trả máu), “làm người có thù mà không trả thì trời tru đất diệt” hoặc “làm quân tử mười năm báo thù cũng chưa muộn”...

Đừng nói chi đến người Trung Quốc, ngay cả đến người Tây phương cũng đặt chữ “thù” lên hàng đầu đến nỗi Hitler phải viết trong quyển “Cuộc đời chiến đấu của tôi” câu: “Kẻ nào không dám thọc con dao vào tim kẻ thù thì kẻ đó không có khả năng lãnh đạo một dân tộc”.

Nhưng chữ “thù” trong truyện Kim Dung lại được xây dựng trên một căn bản khác. Đó là “không trả thù”. Vào những thập niên 70, 80 phát triển truyện dựa trên suy nghĩ mới mẻ này là một bước đột phá so với các khuôn thước cũ.

Cha mẹ Trương Vô Kỵ bị lục đại phái truy bức đến nỗi phải tự vẫn nhưng lớn lên Vô Kỵ đã không trả thù lục đại phái mà trái lại còn tìm cách hoá giải mối thù của lục đại phái và Minh giáo, tìm cách giải cứu người của lục đại phái khi bị quân Mông Cổ giam giữ ở Vạn An tự.

Dương Qua cha bị Hoàng Dung giết chết, bái sư Toàn Chân giáo thì bị Toàn Chân giáo trù dập, Hoàng Dung không chịu dạy võ công vì sợ bị Dương Qua trả thù, lại bị Quách Phù chém cụt tay nhưng đến khi Dương Qua võ nghệ tinh thâm thì vẫn không trả thù Quách Phù và Toàn Chân giáo trái lại còn giúp Toàn Chân giáo đối phó với quân Mông Cổ.

Trương Vô Kỵ với tuyệt kỹ võ công như Cửu Dương thần công, Càn Khôn Đại Nã Di, bản thân lại là đương kim Giáo chủ Minh giáo thì dư sức làm một cuộc trả thù lục đại phái hay chí ít cũng có thể tạo thành một cuộc “gió tanh mua máu” nhưng Vô Kỵ lại không làm như thế. Dương Qua sau khi học được Độc Cô cửu kiếm và Ngọc Nữ tâm kinh tuy ngang ngửa với Quách Tỉnh nhưng vẫn có thể trả thù Quách Phù và Toàn Chân giáo nhưng Dương Qua vẫn không trả thù.

Nhân vật chính trong truyện Kim Dung không báo thù rửa hận không phải vì không có khả năng hoặc tính tình nhu nhược không có ý chí báo thù mà bởi vì đơn giản là họ không muốn trả thù. Đó là ý nghĩa câu của Trương Vô Kỵ nói với Trương Tam Phong ngay khi còn là một đứa bé: “Cháu không muốn báo thù, cháu không muốn báo thù, cháu chỉ muốn cha mẹ cháu sống lại thôi....” và lớn lên Vô Kỵ cũng nói với người của lục đại phái: “Giết chết quý vị rồi cha mẹ tôi có sống lại được đâu”. Trái lại có những nhân vật vì chữ “thù” mà tạo ra biết bao nhiêu bi kịch.

Bi kịch cho chính bản thân mình và cho cả người thân của mình. Tiêu Phong vì trả thù mà gây ra cái chết của A Châu. Tiêu Viễn Sơn vì muốn trả thù mà phí mất mấy chục năm trời nằm ẩn phục trong chùa Thiếu Lâm, gây nhiều ngộ nhận cho Tiêu Phong (giết Huyền Khổ, Đàm công, Đàm bà) rốt cuộc được nhà sư già thức tỉnh, ông đã ngộ ra rằng công cuộc báo thù chỉ tạo ra một trường kiếp oan oan tương báo không bao giờ dứt nên cuối cùng đã xuất gia đầu Phật. Lâm Bình Chi vì muốn báo thù Dư Thương Hải đã huyết tẩy Phước Oai tiêu cục mà tìm mọi cách để được vào làm môn đồ của Hoa Sơn phái và học Tịch Tà kiếm phổ. Nhưng sau khi trả được thù thì kết cục của Lâm Bình Chi cũng rất là bi thảm. Tạ Tốn vì muốn báo thù Thành Khôn nên đã giết rất nhiều cao thủ võ lâm (nhằm làm cho Thành Khôn xuất đầu lộ diện), tạo nên nhiều oan kiếp. Sau khi giết được Thành Khôn, Tạ Tố tự phế võ công và tự nguyện để cho các môn phái bang hội nào có người thân bị chết trong tay Tạ Tốn đến trả thù. Nhưng những người này cũng không trả thù Tạ Tốn bởi vì bấy giờ Tạ Tốn chỉ là một ông già mù mất hết võ công.

Mỗi một bãi nước bọt phun vào người Tạ Tốn là một hình thức trả thù hết sức mới mẻ của Kim Dung.

Với một góc độ nhìn về chữ “thù” tương đối mới phải chăng Kim Dung muốn dẫn dắt độc giả đến gần với quan điểm từ bi hỷ xả trong tư tưởng nhà Phật: oan oan tương báo biết bao giờ mới dứt, khổ hải vô biên quay đầu là bờ.

Nguyễn Hữu Hoan
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

2
Bàn Về Truyện Và Phim
Kim Dung


Nguời viết tiểu thuyết lắm tay nghề

Nhiều nguời đọc truyện chuởng Kim Dung thuờng ngáp dài mỗi khi phải xem các bộ phim phóng tác từ tiểu thuyết võ hiệp của ông. Điều này thực ra chẳng có gì khó hiểu cả. Ngoài tình tiết ly kỳ bất ngờ, truyện Kim Dung sở dĩ đuợc người xem ưa thích bởi vì ông là cây viết biết nắm bắt tới nơi tới chốn tâm lý độc gỉa. Nói cách khác khi Kim Dung cho các nhân vật của mình nghĩ thầm hoặc nói thầm điều gì đấy , thì đó cũng chính là những buớc “đi guốc trong lòng nguời đọc” cực kỳ đắc địa của tác giả Lộc Đỉnh Ký .
Diễn viên, đạo diễn và nói chung kỹ nghệ xi nê Tàu khổ nỗi lại chưa đủ khả năng “chuyển ngữ” các phản ứng tâm lý cực sắc sảo đó thành hình ảnh để bắt mắt khán giả . Cho nên đại đa số, nếu không phải tất cả các bộ phim phóng tác từ tiểu thuyết Kim Dung, rút cục đều… hột kê huề.

Nghiã là nếu coi chúng cỡ nửa tiếng thì cũng tàm tạm. Nhưng coi một tiếng, mắt người xem đã gà gà.Còn bị buộc phải thưởng thức chúng khoảng một giờ sắp lên, thì sức người chứ sức voi đâu mà nguời xem không gục đầu vô cổ đi một đường …. hôn mê tới bến?

Đọc tiều thuyết võ hiệp của Kim Dung thì lại khác. Tuy biết tác giả phiạ đứt đuôi ra đấy, nhưng sao độc giả vẫn muốn lật trang hoài? Nhiều tờ báo Việt ngữ truớc 75, còn ăn nên làm ra là nhờ đăng phơi-ơ- tông truyện kiếm hiệp.

Có một nghịch lý thuộc loại khó tin nhưng có thật đáng nói khác. Là dù đã nghiến ngấu bao nhiêu pho võ hiệp Kim Dung đi nữa , độc giả sau khi coi xong cũng chả nhớ tên những chiêu thức, quyền cước gì cả . Thậm chí gặp những đoạn tác giả múa bút đi một đường… đấm đá diễn nghĩa hơi kỹ, độc giả ,để đốt giai đoạn, còn nhẫn tâm lật trang bỏ qua chúng là khác. Nguợc lại chính các cuộc tình nam nữ trong thế giới võ hiệp do Kim Dung tạo dựng lại làm cho nguời đọc khó quên.

Tới bây giờ, nhiều nguời vẫn bảo Kim Dung là nguời truớc tác tiểu thuyết đấm đá số một. Tôi nghĩ, tác giả Thư Kiếm An Cừu Lục còn nên được nhắc nhở như một nguời viết chuyện tình cóc giống ai và không thua ai.

Nguời đẹp hiền dịu

Cái tính khác đời này thấy rõ khi Kim Dung tạo-nặn ra những nhân vật nữ của các chuyện tình nam nữ. Cụm chữ " cuộc tình nam nữ” thoạt nghe hơi lỉnh kỉnh nhưng không thừa tí nào. Bởi vì dù đã cố ‎ ý ‎ ‎‎ lấy cái mốc từ đầu triều Thanh trở về trước khi sáng tác tiểu thuết võ hiệp , nhưng để tăng tính ly kỳ, Kim Dung vẫn " thời đại hoá” các sáng tác của ông ít ra bằng một cuộc tình đồng tính luyến aí của Đông Phuơng Bất Bại và Lữ Liên Đình trong bộ truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Và bảo các vai nữ chính trong thế giới Kim Dung tạo dựng không giống ai là vì họ không yểu điệu thục nữ theo kiểu “gái bên song cửa”.

Cái gu của tác giả Cô Gái Đồ Long cóc phải gái bên song cửa. Cho nên hễ Kim Dung khoác chiếc áo hiền ngoan cho cô nàng nào , bảo đảm cô nàng ấy sua là chỉ chơi một vai phụ mờ nhạt và thế nào cũng tắt đèn đi ngủ sớm truớc khi truyện kết thúc.

Thì đấy! Ngoan hiền còn ai hiền ngoan hơn cô " tiểu sư muội” Nghi Lâm của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ? Bởi lậm tình, cô gái xuất gia thánh thiện đó đã và sẵn sàng phạm lung tung giới. Nhưng chỉ cần Lệnh hồ đại ca của nàng bổ khoẻ, bình an. Chỉ cần thế. Là đủ để Nghi Lâm mãn nguyện, vĩnh viễn không hối tiếc.

Sư muội Nghi Lâm dễ cảm quá. Độc giả Hồng Kông chịu Nghi Lâm quá.Cho nên dù đã định cho Nghi Lâm đột xuất “đi té re “, hay nói cách khác bắt cô em phải ngủm củ tỏi sớm, để làm nổi bật lên cái cá tính ma đầu và sinh động của ma nữ Nhâm Doanh Doanh, rút cục Kim Dung vẫn không dám... hạ sát Nghi Lâm.

Đối với người sống bằng nghề viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông như ông, ý của độc giả là ý Trời. Cho nên tôn trọng ý kiến cuả độc giả, Kim Dung đành lờ Nghi Lâm đi để mặc cho nguời đọc muốn hiểu thế nào về nàng thì hiểu.

Cô nhỏ Tiểu Siêu hiền thục trong bộ võ hiệp Cô Gái Đồ Long cũng yêu Truơng Vô Kỵ tới bến. Nhưng đấy chỉ là chuyện tình chay. Đúng hơn chuyện tình hoa lá cành để đề-co cho pho kiếm hiệp thêm màu mè riêu cua. Một khi nhiệm vụ đề-co hoàn tất, Kim Dung bèn cấp visa cho em Tiểu Siêu hồi cố quốc hiến mình cho Thánh giáo. Nơi xứ Ba tư xa vời từ đấy, Tiểu Siêu luôn mong có ngày trút bỏ chức danh Thánh Nữ cao trọng để trở về Trung nguyên làm kẻ gia nhân hèn mọn suốt đời đuợc phục dịch và vì thế suốt đời được kề cận Truơng Vô Kỵ.

Đáng thuơng nhất trong số các nhân vật nữ dịu dàng của Kim Dung là A Châu. Có cô gái ngoan hiền, thông minh ấy bên cạnh, lòng đại hiệp Kiều Phong ấm áp khi đông tới, mát rượi lúc hè sang. Ông tạm quên những trận gió tanh những cơn mưa máu . Quên luôn những mơ ước “vĩ mô” . Và cóc ke, cóc thèm chú ý miệng tiếng đời. Đại hào kiệt Kiều Phong đối với ông khi đó cũng vây. Mà nếu Kiều Phong có bị mọi nguời nhất trí phỉ nhổ là tên tiểu nhân dơ đáy , ông cũng không bận tâm.

Yêu A Châu quá, Kiều Phong chỉ có và chỉ còn độc nhất một khát vọng. Là trả xong mối huyết cừu cho phụ thân, Kiều Phong sẽ lập tức dắt A Châu ra quan ải sống cuộc đời đuổi thỏ, chăn cừu.

Giấc mơ cực giản dị. Giấc mơ không bao giờ thành. Nguời xoá nát mơ ước cũng chính là người gieo mầm mơ ước. Trong một đêm mưa tan nát nơi cây cầu định mệnh, phát chuởng bạt đồi xẻ núi vì trúng kế kẻ thù của Kiều Phong đã lấy mạng A Châu.

Nhạc Linh San trong Tiếu Ngạo Giang Hồ là một nhân vật gái dịu dàng, khả ái khác trong thế giới do Kim Dung tạo dựng. Lệnh hồ Xung cảm cô tiểu sư muội đậm. Nhưng bởi Linh San dịu hiền quá, tác giả Kim Dung sức mấy chịu đứng làm mối... se duyên cho nàng với Lệnh Hồ đại ca?

Nói của đáng tội, lỗi một phần cũng tại nàng. Nàng chê Lệnh Hồ Xung nhan sắc tuỳ nguời đối diện. Nàng mê anh chàng bảnh trai “có tiếng không có miếng” Lâm bình Chi. Chả trách cả đời nàng làm nguời vợ không bao giờ động phòng.

Mỹ nhân khó gần nhưng dễ cảm

Khác với các nữ hiệp hiền thục nhưng xấu số, cá tính những vai nữ chính trong truyện Kim Dung , nguợc lại tinh quái, thông minh, độc hiểm, đầy tà khí. Bơi thế truớc khi trở thành vợ Truơng Thuý Sơn, ma nữ Hân Tố Tố trong Cô Gái Đồ Long từng khiến Truơng Thuý Sơn ngất ngư con tàu đi vì ngón đòn ma giáo của nàng.

Quận chuá Triệu Minh cũng ma đầu không kém. Cô em ăn nói sảnh sẹ, buớng bỉnh, móc họng. Đã thế còn phục kích cho Truơng vô Kỵ lọt xuống hố rồi mới chịu in love với chàng. A Tú cô nuơng trong Lục Mạch Thần Kiếm làm tình làm tội Du thản Chi không kém.

Thế nhưng đù độc hiểm tới đâu, dù ma nữ cỡ nào, đám ma nữ hình thức đó rút cục rồi cũng đều... đồng quy về một điểm. Điểm hễ vướng lưới tình là các nàng cực kỳ tha thiết, thành thật, chung thuỷ với người tình.

Chả thế mà “Thánh cô” Doanh Doanh dù coi trọng thể diện không ai bằng vẵn sẵn sàng dẹp bỏ tự ái tự tìm lên chuà Thiếu Lâm nộp mình nhận cái tội vô cớ giết người của Thiếu Lâm tự. Nàng làm thế, và hơn thế nàng còn sẵn sàng dẹp bỏ “thể diện quốc gia” của một Thánh cô cao trọng để thúc đẩy các cao tăng Thiếu Lâm chịu đem bửu bối bản môn ra cứu mạng nguời yêu Lệnh Hồ Xung của nàng.

Lừ đừ như ông Từ giữ đình

Hình tượng những nhân vật nữ của Kim Dung vì thế phải nói là quái chiêu. Mà các nhân vật nam chính trong thế giới do Kim Dung tạo dựng cũng hơi khác nguời bình thuờng.
Họ hoặc khù khờ, cả đẫn, quân tử Tầu như Đoàn Dự, Hư Trúc, Quách Tĩnh, Lệnh Hồ Xung. Nhưng chẳng thà là vậy. Còn hơn đi mê gái tới mức ngu xuẩn, mê muội cỡ Du thản Chi khi để mặc cho con ma nữ tròng chiếc thùng sắt vô đầu và làm đủ mọi trò tàn độc để thoả mãn cái thói khổ dâm tàn độc của nó.

Khi đẻ ra các vai nam chính ấm ớ đó , tiểu thuyết gia Kim Dung chỉ muốn khẳng định và hơn thế hoằng dương cái “triết thuyết” lù khù có ông Cù độ mạng. Ông Cù trong truyện Kim Dung rất chịu khó trồng cây sung, tuới cây sung và chăm bón cho trái sung mau chín. Rồi ông trải chiếu mời các vai nam chính trong truyện Kim Dung tới nằm dưới gốc cây để há miệng chờ sung rụng đều đều, dài đài. Võ công của các vai nam chính nhờ thế khỏi cần luyện cũng bảo đảm đệ nhất cao thủ ngay tút suỵt.

Nhờ thế, họ trở thành võ lâm chí tôn. Nhưng họ chê làm võ sĩ đấu vật vô địch thế giới. Họ cả đời chạy theo ái tình, lận đận bởi ái tình, khổ não vì ái tình.

Gã si tình Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm là thí dụ.

Đoàn Dự mết Vuơng Ngọc Yến quá xá.

Dù bị Vuơng Ngọc Yến hất hủi, Doàn Dự vẫn hạ quyết tâm bám đuôi Vuơng Ngọc Yến full time. Chả phải tại gã muốn ca bài ca con cá nó sống vì nước cho người đẹp mủi lòng đâu. Gã bám đuôi mỹ nhân Vương Ngọc Yến để luôn mong, và chỉ mong cho nàng gặp sự cố kỹ thuật gì là a lê gã nhảy phóc ra cõng nàng chạy trốn nhanh như điện.
Nguời đọc bộ Lục Mạch Thần Kiếm thoạt đầu tưởng Doàn Dự si tình ngớ ngẩn. Có biết đâu gã là đứa lõi đời, trải đời. Thời xưa nam nữ vốn thụ thụ bất thân. Dù đã được em gái chịu đèn đứt đuôi ra đấy nhưng nếu anh trai lại muốn cầm tay em gái và tiện thể cầm thêm những chỗ khó cầm, đồng thời đáng cầm khác, là anh trai rõ ràng nghèo mà ham ngay.

Truờng hợp Đoàn Dự còn khó khăn hơn một bực. Cô em Vuơng Ngọc Yến luôn bĩu môi mỗi bận nhìn thấy Đoàn Dự mặt dày mày dạn lót tót bám đuôi theo mình để xin ăn mày tí ái tình. Trong hoàn cảnh “ẩm nhão” như vậy, việc cầm tay Vương Ngọc Yến, đối với Đoàn Dự nếu không phải là nhiệm vụ bất khả thi, vậy biết gọi nó là cái gì khác nữa nhỉ? Thế mà chỉ nhờ nắm vững Thiên thồi, điạ lợi, nghiã là biết kiên tâm chờ đợi tới khi nguời đẹp gặp nguy nan thì xông ra cứu khổn phò nguy, mà Đoàn Dự đã bỏ túi được cái yếu tố Nhân hoà... tiền không đó bác. Thì đuợc Vuơng Ngọc Yến cho cõng free mà lại khỏi phải ăn bạt tai, nhất là lại đuợc hai cái quả qúit băng trinh ngọc khiết của Vuơng Ngọc Yến liên tu bất tận cạ qua cạ lại trên đầu mình, Đoàn Dự bảo đảm có cõng Vương Ngọc Yến mệt mửa mật ra cũng không thấy mệt.

Chơi được chứ không chơi đẹp

Tất nhiên không phải tự nhiên Kim Dung lại chọn các nhân vật nam thì đần, nữ thì tinh ranh quỷ quái để sắm vai chính trong truyện của ông đâu.

Lý do tại thế này.

Vào thập niên 50, Kim Dung chưa danh trấn thiên hạ. Ông làm nghề cạo giấy truớc khi nhảy sang bắt cái chân ký giả quèn cho một tờ báo kịch truờng. Nhờ thế, Kim Dung quen biết cô đào hát Hạ Mộng. Mà ở đời này, có em đào hát nào mà lại không lẳng lơ, nhí nhảnh chớ? Bởi vậy bữa gặp anh Kim Dung lù khù tới xin phỏng vấn phỏng viếc, em Hạ Mộng theo thói quen nghề nghiệp bèn... phát chẩn cho chàng ký giả hạng bét vài phát “đá lông nheo” để gọi là mua hời một chút ân tình.

Chàng ký giả “cả đẫn” tưởng Hạ Mộng mết mình thật nên lập tức ghi tâm khắc cốt sóng mắt của giai nhân vào lòng.

Chừng hay tin Hạ Mộng gá nghĩa với một thằng trọc phúc, ký giả Kim Dung bèn ngã ngửa.

Bởi trót ngây thơ yêu... hàm thụ hơi nhiều, nên chàng đau nhiều. Phút vội vã bổng thấy mình du thủ, một thi sĩ bảo thế, nhưng vốn thuộc loại chân cò tay vượn, sức voi đâu Kim Dung du thủ cho nổi, sưc voi đâu Kim Dung xin tí huyết gã trọc phú nổi. Lạng quạng thằng trọc phú xịt chó rượt chạy toé khói hoặc thưa lính bắt chứ giỡn?

Cực chẳng đã Kim Dung bèn đẻ ra Lệnh Hồ Xung, Truơng Vô Kỵ, Doàn Dự… để trả thù vô thức hộ cho văn sĩ Kim Dung.

Những nhân vật đó tuy khác nhau nhiều điểm nhưng cùng giống Kim Dung ở một điểm. Điểm lừ đử lừ đừ như ông Từ giữ đình.

Bọn ma nữ quỷ quái trong các pho võ hiệp của Kim Dung cũng đâu phải ai khác hơn cái bản sao của em gái Hạ Mộng?

Riêng thằng trọc phú khốn nạn từng chớp đẹp cũng như vuốt đẹp Hạ Mộng, thỉ khỏi cần là thầy bói, độc giả ai cũng biết nó ắt phải là Lâm Bình Chi.

Khi buộc nhân vật Lâm bình Chi trong Tiếu Ngạo Giang Hồ vung dao " cung kiếm tự thiến” cũng là lúc Kim Dung hoàn tất cái tâm nguyện “trả hận vô thức” tên trọc phú khốn nạn mà ông hằng ấp ủ.

Xin quý độc giả đừng vội trách Kim Dung ra tay tàn độc. Ông phải... Trung cổ vậy , ông phải ác ôn côn đồ thế thì “Nhạc Linh San” Hạ Mộng của ông mới có cơ hội muôn năm thủ tiết cùng “Lệnh Hồ đại ca” Kim Dung được chứ.

Văn An
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

3
Huỳnh Ngọc Chênh
Kim Dung với cõi sắc sắc không không
Kỳ 1




Tôi đọc truyện Kim Dung qua nhiều thời kỳ trong đời: khi còn bé, khi đã trưởng thành và mới đây khi Nhà nước cho xuất bản truyện Kim Dung trở lại. Cũng chừng ấy tác phẩm nhưng đọc đi đọc lại vẫn thấy thích, vẫn thấy mình bị cuốn hút. Dĩ nhiên mỗi thời kỳ, tôi có những cảm nhận khác nhau. Hồi còn bé khi đọc Kim Dung, tôi như bị mê muội, nhập hẳn vào thế giới tươi đẹp kỳ ảo và diễm lệ mà tác giả đã vẽ ra. Tôi thấy như mình đang sống thực trong thế giới ảo đó - nơi mà con người chỉ lo học võ, lo hành hiệp, lo làm những chuyện nghĩa thượng cao đẹp, bỏ qua lợi danh nhỏ nhen; nơi mà những kẻ xấu xa độc ác luôn luôn bị công lý trừng trị một cách thích đáng, hả lòng.
Lớn lên một chút, vẫn bị Kim Dung cuốn hút nhưng cũng đã bắt đầu thấy những chỗ sơ sót, những nhược điểm, những chỗ lồi lõm bất hợp lý... trong truyện. Bây giờ khi đã có chút tuổi, đọc lại Kim Dung, càng thấy rõ hơn những chỗ lồi lõm bất hợp lý kia nhưng đồng thời cũng thấy được đôi điều có thể để suy gẫm, để đọng lại đằng sau những pha tung quyền, phóng chưởng thần kỳ hoặc những mối tình diễm lệ giữa các nhân vật trong thế giới võ lâm mà tác giả dựng lên.

Sắc không của hai người họ Đoàn
Trong Thiên long bát bộ, Đoàn Chính Thuần không phải là nhân vật chính nhưng ông lại xuất hiện ấn tượng và xuyên suốt từ đầu cho đến hết thiên tiểu thuyết thần kỳ này. Kể cả những lúc ông không có mặt nhưng người đọc vẫn thấy có ông. Ông là nhân vật xương sống để tác giả gửi gắm tư tưởng nhà Phật vào tác phẩm của mình.

Đoàn Chính Thuần có tất cả. Ông là Trấn Nam Vương, hoàng đệ của vua nước Đại Lý Đoàn Chính Minh. Vua Đoàn không có con để nối dõi, tuổi đã lớn, lại có ước nguyện đi tu, sẵn sàng nhường ngôi lại cho em. Đoàn Chính Thuần có một đứa con trai nối dõi rất mực thông minh và tốt bụng là nhân vật chính Đoàn Dự. Đoàn Chính Thuần võ nghệ lại tuyệt luân với ngón Nhất Dương Chỉ gia truyền oai trấn thiên hạ. Ông lại là người phong nhã, tài hoa, các ngón cầm kỳ thi hoạ rất tinh thông, do vậy tuy đã có vợ là Thư Bạch Phụng (mẹ của Đoàn Dự) là tuyệt thế giai nhân, đẹp thoát tục như tiên nữ giáng trần nhưng vẫn còn được bao nhiêu giai nhân tài sắc vẹn toàn khác say mê đắm đuối. Đó là các nàng Tần Hồng Miên, Nguyễn Tinh Trúc, Chung phu nhân, Vương phu nhân. Những người đẹp này vì quá yêu thương mà sẵn sàng dâng hiến đời mình cho họ Đoàn và mỗi nàng sinh ra cho ông từ một đến hai cô con gái sắc nước hương trời. Vương phu nhân thì sinh ra Vương Ngọc Yến (bản dịch mới đọc là Vương Ngữ Yên), Tần Hồng Miên thì sinh ra Mộc Uyển Thanh, Chung phu nhân thì có Chung Linh và Nguyễn Tinh Trúc với hai nàng A Châu, A Tử.

Nghĩa là Đoàn Chính Thuần có đầy đủ tất cả. Có ngai vàng đang chờ phía trước, có muôn dân Đại Lý thương yêu thần phục, có võ công trác tuyệt, có một bà vợ và bốn người tình chính thức vô cùng xinh đẹp, có một đàn con trai tài gái sắc. Họ Đoàn dường như có tất cả những gì mà thiên hạ mơ ước.

Ngược lại, Đoàn Diên Khánh là hoàng thái tử nhưng không có gì cả. Ngai vàng Đại Lý là của phụ thân ông nhưng khi phụ thân ông bị kẻ xấu hại chết ông lại đang bị giam hãm ở nơi xa xăm không về được để kế nghiệp ngôi vua. Ngai vàng đáng lẽ thuộc về ông nhưng lại trao cho Đoàn Chính Minh là anh của Đoàn Chính Thuần. Ông trở nên người tứ cố vô thân, không gia đình, không vợ con. Thân thể cũng không còn nguyên vẹn và do vậy ông không còn nhân tính, trở thành một người vô cùng hung ác, ác nhất trong tứ ác của võ lâm.

Nhưng phải chăng ông không có gì cả?

Mộ Dung Phục, Đoàn Dự và Hư Trúc: Ai có ai không?

Trong ba chàng trai trẻ của thế hệ thứ hai kể trên thì Mộ Dung Phục là người có nhiều nhất. Y là dòng dõi quý tộc chính thống của nước Yên. Tuy nước mất rồi nhưng vẫn giữ được truyền thống hoàng gia. Y còn rất trẻ nhưng đã sở hữu một bản lĩnh võ công cao cường, y có danh tiếng vào hàng bậc nhất trong thiên hạ. Danh tiếng của y ngang tầm với người anh hùng số 1 của giới võ lâm Trung Nguyên là bang chủ Cái bang Kiều Phong: Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong. Y lại là người có bề ngoài tao nhã hào hoa, am thông cầm kỳ thi hoạ. Chung quanh y luôn luôn có một đám tôi trung là những người can trường, mưu trí đi theo phò trợ để giúp y mưu đồ nghiệp lớn. Y lại có một người yêu là giai nhân tuyệt sắc như tiên giáng trần Vương Ngọc Yến luôn cận kề, lo cho y từ bữa ăn, giấc ngủ đến cả chuyện rèn luyện võ công vì yêu y say đắm và tôn thờ y như tôn thờ thần thánh. Y có một sự nghiệp để theo đuổi là khôi phục lại nước Đại Yên và lên ngôi hoàng đế. Y có đầy đủ hình ảnh lãng mạn của một ông hoàng lưu vong anh hùng đang chuẩn bị khôi phục đại nghiệp.

Tương phản sắc nét với Mộ Dung Phục phải có đến hai chàng trai trẻ là ông hoàng khờ Đoàn Dự và nhà sư khờ Hư Trúc. Đoàn Dự tuy là con của Trấn Nam Vương hoàng đệ Đoàn Chính Thuần nhưng lại chẳng có gì ra vẻ một ông hoàng. Chàng bỏ nhà đi lang thang trên giang hồ để chạy theo hình bóng của những người đẹp. Chàng đói rách, bị hết người này đến người nọ ức hiếp, làm nhục và bao lần suýt bị giết chết trong đường tơ kẽ tóc. Chàng không có một chút võ nghệ nào, chỉ may mắn tình cờ học được phép Lăng Ba Vi Bộ là môn võ chuyên dùng để... chạy trốn. Về sau, chàng cũng tình cờ học được tuyệt kỹ công phu của dòng họ Đoàn là Lục Mạch Thần Kiếm, nhưng không kiểm soát được nó vì tuỳ hứng có lúc tung chiêu ra được có lúc lại... tịt đi.

Chàng cũng mê gái như cha, nhưng không tài hoa lại thêm gặp điều bất hạnh. Chàng gặp cô gái đẹp nào chuẩn bị được yêu thì y như rằng phát hiện ra nàng là con rơi của bố mình. Hết Chung Linh rồi Mộc Uyển Thanh, đều là em cùng cha khác mẹ với chàng. Cuối cùng thì chàng yêu mê mệt điên cuồng, yêu đến ngu khờ tiên nữ Vương Ngọc Yến. Nhưng người đẹp này lại đã hẹn ước và gửi trái tim của mình trọn vẹn cho chàng trai lẫy lừng họ Mộ Dung ở đất Cô Tô. Vì lê thê lếch thếch đi theo Vương Ngọc Yến như thằng ăn mày (ăn mày tình yêu) mà chàng bao nhiêu lần suýt bị họ Mộ Dung giết chết, chưa kể là bị đám cận thần của nhà này căm ghét, xua đuổi và coi khinh. Nhưng bi kịch nhất là đến cuối cùng khi được Vương Ngọc Yến đáp lại mối tình si thì cũng là lúc chàng phát hiện ra nàng cũng là em gái của chàng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

4
NGHI VẤN ĐẠO LÝ
QUA KIẾN GIẢI CỦA KIM DUNG
Huỳnh Ngọc Chiến


V ào sớm mai đẹp trời, một chàng trai khôi ngô tuấn tú từ biệt sư phụ hạ sơn. Con đường hành đạo của chàng đang mở ra trước mắt với lời dặn dò của sư phụ - thường là bậc cao nhân tuyệt thế qui ẩn chốn lâm tuyền hay bậc kì nhân dị sĩ trong u sơn cùng cốc. Thế rồi từ đó, chàng “thân hoài tuyệt kĩ, nghĩa khí can vân” (Mình ôm võ công tuyệt thế, và tâm hồn nghĩa khí ngất trời) cứ ung dung đem võ công và đạo lí được thầy truyền thụ ra hành hiệp. Từ phá hắc điếm đến đả lôi đài hay giết kẻ thù...., tất cả đều được tiến hành với sự chiến thắng đã được định trước. Chàng luôn luôn là nhân vật bách chiến bách thắng và được xem như hiện thân cho công đạo của võ lâm.

Đó hầu như là cái mẫu chung cho loại tiểu thuyết võ hiệp cổ điển vốn thường đi theo khuôn khổ : nhân vật chính diện bao giờ cũng là nơi tụ hội của những điều tốt đẹp, lí tưởng. Không ai nghi ngờ gì về những việc anh ta làm và cái đạo lí mà anh ta đại diện. Thông thường câu chuyện võ hiệp cổ điển bắt đầu khi nhân vật chính đã học thành tài và hạ sơn. Trên con dường hành hiệp, nếu anh ta có tầm thù đi nữa thì kẻ thù đó cũng thường là một kẻ thù chung của nhiều người, đại diện cho một thế lực của tội ác. Chuyện tầm thù rưả hận đã dời bình diện, nó không còn là chuyện cá nhân của riêng anh ta nữa mà đã mang một í nghĩa xã hội. Trả mối tư thù và duy trì Công đạo đã trở thành một. Anh ta chỉ thay mặt cho Thần Công lí để thưởng thiện phạt ác, trả lại sự công chính cho võ lâm.Người đọc cứ yên tâm là anh ta sẽ sống đến cuối câu chuyện với sự chiến thắng tất yếutrước mọi kẻ thù. Trong khi đó, các nhân vật phản diện luôn luôn là nơi tập trung của những cái xấu xa, tồi tệ, thậm chí đến mức gần như cường điệu. Các nhân vật chính và tà đối lập nhau rất rõ ràng về nhân cách. Nhìn chung, hiện thực được mô tả trong tiểu thuyết võ hiệp cổ điển là một thứ hiện thực được qui định. Loại tiểu thuyết đó luôn luôn chỉ tảcái phải là, cái nên là ( what should be) mà không bao giờ tả được cái đang là, cái thực sự là ( what is).

Dường như trước khi cầm bút thì các tác gia tiểu thuyết cổ điển đã có sẵn một cái công thức trong trí để mô phỏng theo, theo dạng các bài tập mẫu. Mọi diễn biến về nội dung cũng như tâm lí nhân vật, với đôi chút thay đổi về bối cảnh, đều phát triển theo lối đơn tuyến và đơn điệu. Đó là một nền văn học rập khuôn của các nhà tâm lí học thô thiển, và của các nhà đạo đức học ngây thơ.

Đến Kim Dung thì mọi chuyện thay đổi hẳn. Cái biên giới phân biệt chính tà, vốn được xem là rõ ràng và không thể chối cãi trong tiểu thuyết võ hiệp cổ điển, giờ đây đã bị xoá nhoà và thay vào đó là nỗi trăn trở băn khoăn. Ông sẵn sàng gán cho các nhân vật Tà giáo những nét quyến rũ tuyệt vời và không ngần ngại để lộ những bản chất xấu xa tàn độc của một số nhân vật Chính giáo. Người đọc làm sao có thể quên được nhan sắc lộng lẫy của Hân Tố Tố, kiến văn uyên bác của Kim mao vương Tạ Tốn, tài hoa tuyệt vời của Đông tà Hoàng Dược Sư hay tâm hồn sâu lắng của Khúc Dương trưởng lão ?. Người đọc ắt hẳn phải giật mình trước âm mưu thâm hiểm của Tả Lãnh Thiền cũng như cái dã tâm ghê gớm của Nhạc Bất Quần. Một kẻ không ngần ngại, bằng mọi thủ đoạn, tàn sát đồng đạo để thực hiện cho được tham vọng thống nhất Ngũ nhạc kiếm phái, rốt cuộc lại sa vào bẫy của một kẻ khác thâm hiểm cao tay hơn. Mà cả hai đều là đại tôn sư võ học của phe Chính giáo ! Ai có thể không kinh hoàng trước cảnh tượng Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn một môn phái chuyên lấy từ bi của đức Phật làm gốc là Nga mi, lại thản nhiên vung °ỷ Thiên kiếm tàn sát một lúc mấy trăm giáo đồ Ma giáo trên hoang mạc khi những người này không còn đủ sức chống cự ! Một nhân vật trong phe bạch đạo có thể bình thản giết môt nhân vật khác trong phe hắc đạo và xem đó là một nhiệm vụ tất nhiên, với một lí do vô cùng đơn giản:
người bị giết là người thuộc phe hắc đạo, có nghĩa đó là người xấu. Cái đạo lí mà họ làm cơ sở để dựa vào trong việc đồ sát được xem như là công đạo của võ lâm. Và ngược lạicũng thế đối với người thuộc phe hắc đạo. Người ta có thể an tâm giết người vì những cái cái nhãn hiệu mà người ta gán cho nhau. Trước kia, một người bị giết thường là vì một tội ác nào đó, còn giờ đây, khi bị ném vào cõi gíang hồ phức tạp mênh mông, chính tà lẫn lộn, thì y phải lo tự vệ để khỏi bị chết trước lúc kịp thắc mắc mình bị giết vì lí do gì !.

Dường như Kim Dung muốn chứng minh cho ta thấy sự phân biệt rạch ròi tà chính là điều hoàn toàn không thực. Người đọc không còn tin vào cái đạo lí được dại diện bởi phe được coi như tượng trưng cho chính nghĩa. Phải, làm sao tin nỗi khi mà bên cạnh những bậc chân tu đạo hạnh như Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng, Không Kiến thần tăng hay khoáng đạt như Phong Thanh Dương, Hồng Thất Công lại còn không ít những người gàn dỡ như Diệt Tuyệt sư thái, tàn độc như Tả Lãnh Thiền, thâm hiểm như Nhạc Bất Quần và sa đoạ đến mức thô bỉ như bọn môn đệ phái Toàn Chân ? Và có thể xem thường Ma giáo được không, một khi đã nghe được khúc Tiếu ngạo giang hồ cao nhã cuả Trưởng lão Khúc Dương, hay được chứng kiến phong độ kiêu hùng của Bạch mi ưng vương Hân Thiên Chính trên Quang Minh đỉnh ? Công thức cũ đã bị phá vỡ và kéo theo nó là sự sụp đổ của định kiến về Chính Tà. Mọi việc không còn đơn giản như gán cho đối tượng một nhãn hiệu nào đó và an tâm đánh giá người đó qua cái nhãn mà y bị gán vào !

Những người anh hùng của Kim Dung đã không ít phen phải một mình trăn trở trước các vấn đề chính tà thiện ác nhằm xác định một đường đi, một giới tuyến cho chính mình. Họ thường bị đẩy đối diện với hai vấn nạn : một bên là giáo huấn của sư môn và truyền thống, bên kia là cái thực tế mà họ chứng kiến và sống. Lệnh Hồ Xung khi ngồi sám hối trên núi Hoa sơn đã nhiều phen băn hoăn trước lời giáo huấn của sư phụ lên án Ma giáo. Do bản tính khoáng đạt nên chỉ sau một lúc băn khoăn, gã viện dẫn một vài việc làm tồi tệ của phe Ma giáo và kết luận ngay : Ma giáo là một phe tồi tệ đốn mạt. Hơn nữa điều đó đã được khẳng định bởi sư phụ, sư nương là những người mà gã tôn kính, thì nó chắc chắn là đúng rồi ! Cái cách qui kết ngây thơ và vội vã ấy chỉ có thể tạm thời làm yên tâm gã theo kiểu bịt tai để ăn cắp nhạc ngựa mà thôi. Thực ra trong tâm hồn gã vấn đề chính tà đã bị nghi vấn hoá ! Cái nền tảng đạo lí mà gã hấp thụ đã bắt đầu bị lung lay. Để rồi sau này, khi đã chứng kiến được cái thủ đoạn thâm độc của phái Tung sơn và ngẫu nhiên giao du với các tay kiêu hùng trong Ma giáo như Hướng Vấn Thiên, Nhậm Ngã Hành thì cái khuôn khổ đạo lí ước thúc gã lại càng lung lay thêm nữa !

Một cậu bé Vô Kị lang thang khắp giang hồ để chứng kiến một thế giới tà không ra tà, chính không ra chính. Mọi cái công thức chính tà, mọi cái khuôn khổ giáo huấn đều bị đổ vỡ khi cậu thấy rõ và thậm chí còn là nạn nhân của sự thâm độc của các nhân vật phe Chính giáo. Các bài học vỡ lòng mà cậu tiếp thu từ các bậc trưởng bối phái Võ đương nó khác xa thực tế biết bao. Bên cạnh tinh thần trượng nghĩa của nhân vật Ma giáo là Thường Ngộ Xuân thì, dưới mắt Vô Kị, nhân cách của chưởng môn phái Côn luân Hà Thái Xung trông thật đê hèn và đáng khinh đến ngần nào ! Khi nhìn thấy cảnh Diệt Tuyệt sư thái tàn sát giáo chúng Ma giáo, Vô Kị vì cảm phục cái hào khí của bọn người bị truyền thống cho là tàn độc xấu xa đó, mà đã liều thân nhảy ra can thiệp. Tiếng nói của lương tri đã chiến thắng ! Lúc đó, giữa cái gọi là Chính và Tà, ai đúng ai sai và thử hỏi ai tàn độc hơn ai ?

Sẽ dễ dàng biết bao nếu để cho một kẻ độc ác như Tây độc Âu Dương Phong bị chết thảm để đền bù lại những điêù tàn ác mà y đã gây cho người khác. Nhưng Kim Dung đã rất sâu sắc khi để hai nhân vật sống như hai thái cực của Thiện và ác Hồng Thất Công và Âu Dương Phong, sau khi giao đấu với nhau mấy ngày đêm, cùng ôm nhau chết trên đỉnh non tuyết lạnh. Mẹ Thiên Nhiên vĩ đại đã hoá giải tất cả ân cừu và ôm hai đứa con, dầu hư đốn hay tốt đẹp, vào trong vòng tay bao dung của mình. Và không phải ngẫu nhiên mà một nhân vật cao ngạo cổ quái như Hoàng Dược Sư lại gây được ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với người đọc. Ông chẳng thèm coi cái đạo lí giang hồ vào đâu và suốt đời, ông đạp đổ thị phi, xoá nhoà tà chính mà chỉ tôn thờ một điều duy nhất : đó là sự tự do tuyệt đối của chính mình. Ông được gán ngoại hiệu Đông Tà chỉ vì đối với ông, mọi phân biệt chính tà thiện ác trên giang hồ đều là trò hề, thậm chí ngu xuẩn, vì chúng không hề có thực mà chỉ là những nhãn hiệu ! Xét cho cùng, đó cũng có thể là sự phản kháng lại định kiến xã hội của một tâm hồn minh triết hay một loại l’ homme révolté -con người phản kháng - của A.Camus trong võ học ! Một Tạ Tốn sẵn sàng trích dẫn sử sách để biện minh cho việc sát nhân của mình. Ta gặp lại lối cưỡng từ đoạt lí mà Đạo Chích dùng để công kích Khổng Tử trong Nam hoa kinh (Nam hoa kinh, Tạp thiên, chương Đạo chích).

Có phải Kim Dung muốn xoá bỏ mọi phân biệt chính tà để đẩy tất cả đến chỗ hoài nghi, xoá bỏ biên giới thị phi để đi đến một quan điểm hư vô chủ nghiã (nihilisme) trong đức lí ? Không, Kim Dung có một cách nhìn khác về đức lí dưới quan điểm võ học. Đó là nỗ lực muốn thay thế các phạm trù chính tà thiện ác theo tiêu chuẩn nhân văn và qui định xã hội bằng các nguyên lí trong tự nhiên: Âm và Dương. Dường như chỉ trong tác phẩm Kim Dung, võ học mới được chia thành hai phạm trù đối lập tương đối rõ rệt : Âm công và Dương công. Võ học thuộc Âm công thì thường biến hoá phức tạp, thâm hiểm và tàn độc, võ học thuộc Dương công thì cương mãnh, dứt khoát, minh bạch. Thông thường phe Ma giáo sử dụng môn võ thuộc Âm công và phe Chính giáo sư dụng môn võ thuộc Dương công. Võ công giờ đây đã trở thành một thứ chứng minh thư để xác định nguồn gốc. Mà đã là võ công thì thứ nào, dù là Âm hay Dương, lại không thể giết người ?.

Trong thiên nhiên vốn không có thiện ác, cũng không hề có sự phân biệt chính tà. Một cơn cuồng phong kéo qua gây bao tang tóc là ác hay là thiện ? Có lẽ Kim Dung muốn nối tiếp và triển khai quan điểm của bậc đại nho đời Tống là Trình Hạo Thiện ác giai thiên lí (Thiện hay ác cũng đều là thiên lí cả). Âm hay Dương cũng chỉ là hai mặt của tự nhiên. Chúng đối lập bổ sung cho nhau, mâu thuẫn đối kháng và chuyển hoá lẫn nhau trong sự hoà điệu vĩ đại. Không hề có việc cái này sẽ triệt tiêu toàn bộ cái kia. Võ công trong Thánh hoả lệnh có cao siêu đến đâu đi nữa vẫn bị vây khổn trong vòng Phục ma khuyên của ba vị cao tăng Thiếu lâm tự. Thiên thủ như lai chưởng của Phương Chứng đại sư biến hoá kì diệu là thế nhưng cũng không thể thắng nổi chưởng pháp chậm chạp, thô phác của Nhậm Ngã Hành!.

Trang tử đã viết hàng vạn lời trong Nam hoa kinh, đặc biệt là thiên Tề vật luận, chỉ để chứng minh rằng phân biệt rạch ròi thị phi là điều không thể, vì đó là những vấn đề của vô cùng (Thị diệc nhất vô cùng, phi diệc nhất vô cùng dã - Nam hoa kinh, Tề Vật luận). Kim Dung viết hàng chục pho sách cũng là một cách để nối tiếp truyền thống trên. Đã hơn một lần, Kim Dung cố gắng đưa đến một tổng hợp chính tà bằng tình yêu cũng như tình bằng hữu. Tình yêu Trương Thuý Sơn và Hân Tố Tố cùng tình bằng hữu tri âm giữa Khúc Dương với Lưu Chính Phong cho dù có kết thúc trong đau thương đi nữa thì điều đó cũng cho thấy nỗ lực của Kim Dung muốn chống lại định kiến, nhằm mở rộng tâm thức nhân gian để con người nhìn lại vấn đề !. Dường như những tâm hồn lớn, Đông cũng như Tây, đều có cách nhìn sâu thẳm về bản chất của cái gọi là tà chính thị phi. Cái nhìn đó sẽ vượt qua đức lí thông thường để nhận thức vấn đêù dưới làn ánh sáng của Đức Lí Uyên Nguyên (éthique Originelle ). Biết đâu cái Chính hôm nay sẽ là cái Tà của ngày mai và cái Thị ngày mai sẽ là cái Phi của ngày sau nữa ! Nguyễn Du ắt hẳn đã lịch hành hết cuộc bể dâu mới nói được Thị phi tận thuộc thiên niên sự ( Vấn đề đúng hay sai đều thuộc vào chuyện của ngàn năm.- Vịnh Tần Cối tượng).

Nhìn qua phương Tây, ta vẫn có thể gặp được một chút hoà âm cộng hưởng. Một tâm hồn cuồng ngạo và nổi loạn với truyền thống như Đông tà Hoàng Dược Sư biết đâu sẽ tìm được mối thanh khí ứng cầu trong tư tưởng của một Shakespeare : There is nothing either good or bar but thinking makes it so [1], hay trong một Emerson : Good and bad are but names very readily transferable to that or to this. [2]
Có phải chăng đó là chỗ gặp gỡ nhỏ giữa Đông và Tây trong những tâm hồn lớn ?
_______________________
Chú giải của tác giả bài viết:
[1] Không có gì tốt hay xấu, mà chính do ta nghĩ thế nào thì nó ra thế ấy (Hamlet, Act II, Scene II )
[2] Thiện ác chính tà cũng chỉ là các danh từ, chúng có có thể hoán chuyển dễ dàng từ cái này sang cái kia ( Self -Reliance, Emerson, The Havard Classics, tr.62 )
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

4
NGHI VẤN ĐẠO LÝ
QUA KIẾN GIẢI CỦA KIM DUNG
Huỳnh Ngọc Chiến


V ào sớm mai đẹp trời, một chàng trai khôi ngô tuấn tú từ biệt sư phụ hạ sơn. Con đường hành đạo của chàng đang mở ra trước mắt với lời dặn dò của sư phụ - thường là bậc cao nhân tuyệt thế qui ẩn chốn lâm tuyền hay bậc kì nhân dị sĩ trong u sơn cùng cốc. Thế rồi từ đó, chàng “thân hoài tuyệt kĩ, nghĩa khí can vân” (Mình ôm võ công tuyệt thế, và tâm hồn nghĩa khí ngất trời) cứ ung dung đem võ công và đạo lí được thầy truyền thụ ra hành hiệp. Từ phá hắc điếm đến đả lôi đài hay giết kẻ thù...., tất cả đều được tiến hành với sự chiến thắng đã được định trước. Chàng luôn luôn là nhân vật bách chiến bách thắng và được xem như hiện thân cho công đạo của võ lâm.

Đó hầu như là cái mẫu chung cho loại tiểu thuyết võ hiệp cổ điển vốn thường đi theo khuôn khổ : nhân vật chính diện bao giờ cũng là nơi tụ hội của những điều tốt đẹp, lí tưởng. Không ai nghi ngờ gì về những việc anh ta làm và cái đạo lí mà anh ta đại diện. Thông thường câu chuyện võ hiệp cổ điển bắt đầu khi nhân vật chính đã học thành tài và hạ sơn. Trên con dường hành hiệp, nếu anh ta có tầm thù đi nữa thì kẻ thù đó cũng thường là một kẻ thù chung của nhiều người, đại diện cho một thế lực của tội ác. Chuyện tầm thù rưả hận đã dời bình diện, nó không còn là chuyện cá nhân của riêng anh ta nữa mà đã mang một í nghĩa xã hội. Trả mối tư thù và duy trì Công đạo đã trở thành một. Anh ta chỉ thay mặt cho Thần Công lí để thưởng thiện phạt ác, trả lại sự công chính cho võ lâm.Người đọc cứ yên tâm là anh ta sẽ sống đến cuối câu chuyện với sự chiến thắng tất yếutrước mọi kẻ thù. Trong khi đó, các nhân vật phản diện luôn luôn là nơi tập trung của những cái xấu xa, tồi tệ, thậm chí đến mức gần như cường điệu. Các nhân vật chính và tà đối lập nhau rất rõ ràng về nhân cách. Nhìn chung, hiện thực được mô tả trong tiểu thuyết võ hiệp cổ điển là một thứ hiện thực được qui định. Loại tiểu thuyết đó luôn luôn chỉ tảcái phải là, cái nên là ( what should be) mà không bao giờ tả được cái đang là, cái thực sự là ( what is).

Dường như trước khi cầm bút thì các tác gia tiểu thuyết cổ điển đã có sẵn một cái công thức trong trí để mô phỏng theo, theo dạng các bài tập mẫu. Mọi diễn biến về nội dung cũng như tâm lí nhân vật, với đôi chút thay đổi về bối cảnh, đều phát triển theo lối đơn tuyến và đơn điệu. Đó là một nền văn học rập khuôn của các nhà tâm lí học thô thiển, và của các nhà đạo đức học ngây thơ.

Đến Kim Dung thì mọi chuyện thay đổi hẳn. Cái biên giới phân biệt chính tà, vốn được xem là rõ ràng và không thể chối cãi trong tiểu thuyết võ hiệp cổ điển, giờ đây đã bị xoá nhoà và thay vào đó là nỗi trăn trở băn khoăn. Ông sẵn sàng gán cho các nhân vật Tà giáo những nét quyến rũ tuyệt vời và không ngần ngại để lộ những bản chất xấu xa tàn độc của một số nhân vật Chính giáo. Người đọc làm sao có thể quên được nhan sắc lộng lẫy của Hân Tố Tố, kiến văn uyên bác của Kim mao vương Tạ Tốn, tài hoa tuyệt vời của Đông tà Hoàng Dược Sư hay tâm hồn sâu lắng của Khúc Dương trưởng lão ?. Người đọc ắt hẳn phải giật mình trước âm mưu thâm hiểm của Tả Lãnh Thiền cũng như cái dã tâm ghê gớm của Nhạc Bất Quần. Một kẻ không ngần ngại, bằng mọi thủ đoạn, tàn sát đồng đạo để thực hiện cho được tham vọng thống nhất Ngũ nhạc kiếm phái, rốt cuộc lại sa vào bẫy của một kẻ khác thâm hiểm cao tay hơn. Mà cả hai đều là đại tôn sư võ học của phe Chính giáo ! Ai có thể không kinh hoàng trước cảnh tượng Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn một môn phái chuyên lấy từ bi của đức Phật làm gốc là Nga mi, lại thản nhiên vung °ỷ Thiên kiếm tàn sát một lúc mấy trăm giáo đồ Ma giáo trên hoang mạc khi những người này không còn đủ sức chống cự ! Một nhân vật trong phe bạch đạo có thể bình thản giết môt nhân vật khác trong phe hắc đạo và xem đó là một nhiệm vụ tất nhiên, với một lí do vô cùng đơn giản:
người bị giết là người thuộc phe hắc đạo, có nghĩa đó là người xấu. Cái đạo lí mà họ làm cơ sở để dựa vào trong việc đồ sát được xem như là công đạo của võ lâm. Và ngược lạicũng thế đối với người thuộc phe hắc đạo. Người ta có thể an tâm giết người vì những cái cái nhãn hiệu mà người ta gán cho nhau. Trước kia, một người bị giết thường là vì một tội ác nào đó, còn giờ đây, khi bị ném vào cõi gíang hồ phức tạp mênh mông, chính tà lẫn lộn, thì y phải lo tự vệ để khỏi bị chết trước lúc kịp thắc mắc mình bị giết vì lí do gì !.

Dường như Kim Dung muốn chứng minh cho ta thấy sự phân biệt rạch ròi tà chính là điều hoàn toàn không thực. Người đọc không còn tin vào cái đạo lí được dại diện bởi phe được coi như tượng trưng cho chính nghĩa. Phải, làm sao tin nỗi khi mà bên cạnh những bậc chân tu đạo hạnh như Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng, Không Kiến thần tăng hay khoáng đạt như Phong Thanh Dương, Hồng Thất Công lại còn không ít những người gàn dỡ như Diệt Tuyệt sư thái, tàn độc như Tả Lãnh Thiền, thâm hiểm như Nhạc Bất Quần và sa đoạ đến mức thô bỉ như bọn môn đệ phái Toàn Chân ? Và có thể xem thường Ma giáo được không, một khi đã nghe được khúc Tiếu ngạo giang hồ cao nhã cuả Trưởng lão Khúc Dương, hay được chứng kiến phong độ kiêu hùng của Bạch mi ưng vương Hân Thiên Chính trên Quang Minh đỉnh ? Công thức cũ đã bị phá vỡ và kéo theo nó là sự sụp đổ của định kiến về Chính Tà. Mọi việc không còn đơn giản như gán cho đối tượng một nhãn hiệu nào đó và an tâm đánh giá người đó qua cái nhãn mà y bị gán vào !

Những người anh hùng của Kim Dung đã không ít phen phải một mình trăn trở trước các vấn đề chính tà thiện ác nhằm xác định một đường đi, một giới tuyến cho chính mình. Họ thường bị đẩy đối diện với hai vấn nạn : một bên là giáo huấn của sư môn và truyền thống, bên kia là cái thực tế mà họ chứng kiến và sống. Lệnh Hồ Xung khi ngồi sám hối trên núi Hoa sơn đã nhiều phen băn hoăn trước lời giáo huấn của sư phụ lên án Ma giáo. Do bản tính khoáng đạt nên chỉ sau một lúc băn khoăn, gã viện dẫn một vài việc làm tồi tệ của phe Ma giáo và kết luận ngay : Ma giáo là một phe tồi tệ đốn mạt. Hơn nữa điều đó đã được khẳng định bởi sư phụ, sư nương là những người mà gã tôn kính, thì nó chắc chắn là đúng rồi ! Cái cách qui kết ngây thơ và vội vã ấy chỉ có thể tạm thời làm yên tâm gã theo kiểu bịt tai để ăn cắp nhạc ngựa mà thôi. Thực ra trong tâm hồn gã vấn đề chính tà đã bị nghi vấn hoá ! Cái nền tảng đạo lí mà gã hấp thụ đã bắt đầu bị lung lay. Để rồi sau này, khi đã chứng kiến được cái thủ đoạn thâm độc của phái Tung sơn và ngẫu nhiên giao du với các tay kiêu hùng trong Ma giáo như Hướng Vấn Thiên, Nhậm Ngã Hành thì cái khuôn khổ đạo lí ước thúc gã lại càng lung lay thêm nữa !

Một cậu bé Vô Kị lang thang khắp giang hồ để chứng kiến một thế giới tà không ra tà, chính không ra chính. Mọi cái công thức chính tà, mọi cái khuôn khổ giáo huấn đều bị đổ vỡ khi cậu thấy rõ và thậm chí còn là nạn nhân của sự thâm độc của các nhân vật phe Chính giáo. Các bài học vỡ lòng mà cậu tiếp thu từ các bậc trưởng bối phái Võ đương nó khác xa thực tế biết bao. Bên cạnh tinh thần trượng nghĩa của nhân vật Ma giáo là Thường Ngộ Xuân thì, dưới mắt Vô Kị, nhân cách của chưởng môn phái Côn luân Hà Thái Xung trông thật đê hèn và đáng khinh đến ngần nào ! Khi nhìn thấy cảnh Diệt Tuyệt sư thái tàn sát giáo chúng Ma giáo, Vô Kị vì cảm phục cái hào khí của bọn người bị truyền thống cho là tàn độc xấu xa đó, mà đã liều thân nhảy ra can thiệp. Tiếng nói của lương tri đã chiến thắng ! Lúc đó, giữa cái gọi là Chính và Tà, ai đúng ai sai và thử hỏi ai tàn độc hơn ai ?

Sẽ dễ dàng biết bao nếu để cho một kẻ độc ác như Tây độc Âu Dương Phong bị chết thảm để đền bù lại những điêù tàn ác mà y đã gây cho người khác. Nhưng Kim Dung đã rất sâu sắc khi để hai nhân vật sống như hai thái cực của Thiện và ác Hồng Thất Công và Âu Dương Phong, sau khi giao đấu với nhau mấy ngày đêm, cùng ôm nhau chết trên đỉnh non tuyết lạnh. Mẹ Thiên Nhiên vĩ đại đã hoá giải tất cả ân cừu và ôm hai đứa con, dầu hư đốn hay tốt đẹp, vào trong vòng tay bao dung của mình. Và không phải ngẫu nhiên mà một nhân vật cao ngạo cổ quái như Hoàng Dược Sư lại gây được ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với người đọc. Ông chẳng thèm coi cái đạo lí giang hồ vào đâu và suốt đời, ông đạp đổ thị phi, xoá nhoà tà chính mà chỉ tôn thờ một điều duy nhất : đó là sự tự do tuyệt đối của chính mình. Ông được gán ngoại hiệu Đông Tà chỉ vì đối với ông, mọi phân biệt chính tà thiện ác trên giang hồ đều là trò hề, thậm chí ngu xuẩn, vì chúng không hề có thực mà chỉ là những nhãn hiệu ! Xét cho cùng, đó cũng có thể là sự phản kháng lại định kiến xã hội của một tâm hồn minh triết hay một loại l’ homme révolté -con người phản kháng - của A.Camus trong võ học ! Một Tạ Tốn sẵn sàng trích dẫn sử sách để biện minh cho việc sát nhân của mình. Ta gặp lại lối cưỡng từ đoạt lí mà Đạo Chích dùng để công kích Khổng Tử trong Nam hoa kinh (Nam hoa kinh, Tạp thiên, chương Đạo chích).

Có phải Kim Dung muốn xoá bỏ mọi phân biệt chính tà để đẩy tất cả đến chỗ hoài nghi, xoá bỏ biên giới thị phi để đi đến một quan điểm hư vô chủ nghiã (nihilisme) trong đức lí ? Không, Kim Dung có một cách nhìn khác về đức lí dưới quan điểm võ học. Đó là nỗ lực muốn thay thế các phạm trù chính tà thiện ác theo tiêu chuẩn nhân văn và qui định xã hội bằng các nguyên lí trong tự nhiên: Âm và Dương. Dường như chỉ trong tác phẩm Kim Dung, võ học mới được chia thành hai phạm trù đối lập tương đối rõ rệt : Âm công và Dương công. Võ học thuộc Âm công thì thường biến hoá phức tạp, thâm hiểm và tàn độc, võ học thuộc Dương công thì cương mãnh, dứt khoát, minh bạch. Thông thường phe Ma giáo sử dụng môn võ thuộc Âm công và phe Chính giáo sư dụng môn võ thuộc Dương công. Võ công giờ đây đã trở thành một thứ chứng minh thư để xác định nguồn gốc. Mà đã là võ công thì thứ nào, dù là Âm hay Dương, lại không thể giết người ?.

Trong thiên nhiên vốn không có thiện ác, cũng không hề có sự phân biệt chính tà. Một cơn cuồng phong kéo qua gây bao tang tóc là ác hay là thiện ? Có lẽ Kim Dung muốn nối tiếp và triển khai quan điểm của bậc đại nho đời Tống là Trình Hạo Thiện ác giai thiên lí (Thiện hay ác cũng đều là thiên lí cả). Âm hay Dương cũng chỉ là hai mặt của tự nhiên. Chúng đối lập bổ sung cho nhau, mâu thuẫn đối kháng và chuyển hoá lẫn nhau trong sự hoà điệu vĩ đại. Không hề có việc cái này sẽ triệt tiêu toàn bộ cái kia. Võ công trong Thánh hoả lệnh có cao siêu đến đâu đi nữa vẫn bị vây khổn trong vòng Phục ma khuyên của ba vị cao tăng Thiếu lâm tự. Thiên thủ như lai chưởng của Phương Chứng đại sư biến hoá kì diệu là thế nhưng cũng không thể thắng nổi chưởng pháp chậm chạp, thô phác của Nhậm Ngã Hành!.

Trang tử đã viết hàng vạn lời trong Nam hoa kinh, đặc biệt là thiên Tề vật luận, chỉ để chứng minh rằng phân biệt rạch ròi thị phi là điều không thể, vì đó là những vấn đề của vô cùng (Thị diệc nhất vô cùng, phi diệc nhất vô cùng dã - Nam hoa kinh, Tề Vật luận). Kim Dung viết hàng chục pho sách cũng là một cách để nối tiếp truyền thống trên. Đã hơn một lần, Kim Dung cố gắng đưa đến một tổng hợp chính tà bằng tình yêu cũng như tình bằng hữu. Tình yêu Trương Thuý Sơn và Hân Tố Tố cùng tình bằng hữu tri âm giữa Khúc Dương với Lưu Chính Phong cho dù có kết thúc trong đau thương đi nữa thì điều đó cũng cho thấy nỗ lực của Kim Dung muốn chống lại định kiến, nhằm mở rộng tâm thức nhân gian để con người nhìn lại vấn đề !. Dường như những tâm hồn lớn, Đông cũng như Tây, đều có cách nhìn sâu thẳm về bản chất của cái gọi là tà chính thị phi. Cái nhìn đó sẽ vượt qua đức lí thông thường để nhận thức vấn đêù dưới làn ánh sáng của Đức Lí Uyên Nguyên (éthique Originelle ). Biết đâu cái Chính hôm nay sẽ là cái Tà của ngày mai và cái Thị ngày mai sẽ là cái Phi của ngày sau nữa ! Nguyễn Du ắt hẳn đã lịch hành hết cuộc bể dâu mới nói được Thị phi tận thuộc thiên niên sự ( Vấn đề đúng hay sai đều thuộc vào chuyện của ngàn năm.- Vịnh Tần Cối tượng).

Nhìn qua phương Tây, ta vẫn có thể gặp được một chút hoà âm cộng hưởng. Một tâm hồn cuồng ngạo và nổi loạn với truyền thống như Đông tà Hoàng Dược Sư biết đâu sẽ tìm được mối thanh khí ứng cầu trong tư tưởng của một Shakespeare : There is nothing either good or bar but thinking makes it so [1], hay trong một Emerson : Good and bad are but names very readily transferable to that or to this. [2]
Có phải chăng đó là chỗ gặp gỡ nhỏ giữa Đông và Tây trong những tâm hồn lớn ?
_______________________
Chú giải của tác giả bài viết:
[1] Không có gì tốt hay xấu, mà chính do ta nghĩ thế nào thì nó ra thế ấy (Hamlet, Act II, Scene II )
[2] Thiện ác chính tà cũng chỉ là các danh từ, chúng có có thể hoán chuyển dễ dàng từ cái này sang cái kia ( Self -Reliance, Emerson, The Havard Classics, tr.62 )
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

5
MINH GIÁO


Nguyễn Duy Chính
Hình như ai trong chúng ta khi đọc Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung (được Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch ra Việt ngữ dưới nhan đề “Cô gái Đồ Long”) đều tự hỏi Minh giáo có thực hay không, những bang phái, giáo hội đã sinh hoạt và ảnh hưởng thế nào trong xã hội. Theo bộ tiểu thuyết kiếm hiệp này, Minh giáo là một tôn giáo được tổ chức chặt chẽ và qui mô, đứng đầu phe tà và đã từng nhiều lần đụng độ với phe chính phái. Sự xuất hiện của họ thật kỳ bí và như một tấm màn dần dần vé lên, mỗi lúc lại cho chúng ta biết thêm một số chi tiết về hoạt động, về tổ chức cũng như về giáo qui của họ.

Trong sử sách, Minh giáo cũng được nhắc đến, tuy không phong phú như những tôn giáo khác, nhưng cũng đại biểu cho một hệ thống tư tưởng, cái hệ thống nhị nguyên không những phổ biến trong nhiều cơ sở triết học của thế giới, mà lại cũng dễ dàng được quần chúng chấp nhận hơn vì phân biệt trắng đen, thiện ác, có những tiêu chuẩn nhất định không mơ hồ như hệ thống nhất nguyên. Nhìn theo quan điểm xã hội, hệ thống tư tưởng của Minh giáo lại tương đồng với Tây phương và trong một thời gian khá dài, những cơ sở đó tranh huy với những tôn giáo khác, tuy trên bình diện triết học không áo diệu bằng Phật học hay Lão học, nhưng về phương diện tổ chức, Minh giáo có tính quần chúng hơn và phát triển cũng có qui củ hơn. Chỉ về sau này, khi Nho giáo được đưa lên thành hệ thống học thuật làm thước đo cho khả năng của kẻ sĩ, đẩy lùi các tôn giáo khác ra khỏi quan trường, Minh giáo mới suy yếu và dần dần biến mất. Trong phạm vi bài này, chúng tôi sẽ đối chiếu những chi tiết mà Kim Dung đưa ra trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký với Minh giáo trong sách vở để nhìn lại một vấn đề luôn luôn hiện hữu trong suốt lịch sử Trung Hoa: vai trò của tôn giáo trong các cuộc nổi dậy.
Minh Giáo: Bái Hoả giáo hay Mani Giáo?

Khi nói tới Ba Tư (tức Iran ngày nay), chúng ta vẫn hình dung đó là một xứ mà mình vẫn gọi là “nghìn lẻ một đêm” với những truyện thần kỳ thật phong phú. Có lẽ ít ai biết rằng ở vào những thế kỷ đầu Công Nguyên, khu vực Trung Đông cũng đã có nhiều giao tiếp với Trung Hoa trên nhiều mặt, và tôn giáo chính của họ khi đó cũng khác hẳn với thế giới Muslim chúng ta thấy ngày nay. Đã có những triều đại thân cận với nước Tàu đến nỗi khi họ bị xâm chiếm, họ chạy qua cầu cứu và nhờ viện binh để quay về “phục quốc”, chẳng khác gì những Lê Chiêu Thống, Trần Thiêm Bình ở nước ta. Đời nhà Đường, vì gốc tích của họ cũng mang giòng máu ngoại vực, việc trao đổi văn hoá giữa các dân tộc vùng Trung Đông và Hán tộc cũng được dễ dàng. Sự phát triển và thịnh trị của thời kỳ này cũng nhờ vào chính sách tương đối khai phóng thuở ấy. Không những khoa học, kỹ thuật, các loại sản phẩm công nghiệp được trao đổi, mà tôn giáo cũng từ bên ngoài du nhập vào Trung thổ rất nhiều.

Thời kỳ đó, phía Tây Trung Hoa có một dân tộc tương đối phát triển là Thổ Phồn, tổ tiên của dân tộc Tây Tạng ngày nay, là một chi lưu của người Khương. Khi vua Đường Thái Tông lên ngôi (626 Tây Lịch), vua nước Thổ Phồn là Tùng Tán Hãn Bố giao hiếu với Trung Hoa, được vua nhà Đường gả Văn Thành Công Chúa cho (641 TL). Sử sách chép rằng Công Chúa mang theo một đoàn tuỳ tùng rất lớn đến hơn năm ngàn năm trăm người, lại không biết bao nhiêu là sản vật, gia súc, tư trang, hàng hoá. Từ đó những vương tôn công tử nước Thổ Phồn sang Trường An du học mở đầu cho một thời kỳ giao lưu văn hoá giửa Trung thổ và các nước phía Tây. Chính thời này, các phát kiến của Trung Hoa như chế tạo nông cụ, dệt vải, nuôi tằm, xây cất, làm giấy, đồ gốm, luyện kim, lịch toán, y học... truyền ra bên ngoài và ngược lại nhiều kỹ thuật từ các nước Trung Đông cũng truyền vào nước Tàu. (Dư Tử Lựu, Nguồn Gốc Con Rồng – Long Đích Căn, Thương Vụ Ấn Thư Quán , Hongkong 1985, tr. 176)

Về tôn giáo, việc truyền bá từ bên ngoài vào Trung Hoa đã có từ lâu. Ngay thời Nam Bắc Triều, một tôn giáo từ Ba Tư có tên là Bái Hoả Giáo (Zoroastrianism) được truyền vào Trung Quốc. Tôn giáo này do một người Ba Tư tên là Zarathushtra – nguyên nghĩa là con lạc đà già – thành lập từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên tại Đại Hạ (nay ở biên giới A Phú Hãn). Người ta gọi họ là Majus hay Mazdeans. Giáo đồ của tôn giáo này lấy kinh của Ba Tư là A Duy Tư Đà (Àvesta Gatha)[1] làm kinh điển, chủ trương phân ra làm hai bên thiện ác, nhị nguyên. Theo họ, việc gì quang minh, lửa, thanh tĩnh, sáng tạo, sự sống thuộc về thiện đoan. Còn hắc ám, ác, dơ bẩn, phá hoại, chết thuộc về ác đoan. Con người được tự do chọn lựa để làm điều thiện hay điều ác. Khi chết đi sẽ được Thượng đế (tức Ahura Mazda) phán xét, ai qua được thì lên thiên đường, người nào không qua thì xuống địa ngục. Vì thế khi còn sống mọi người phải làm lành, lánh dữ, bỏ chỗ tối mà tìm chỗ sáng. Châm ngôn đạo đức của họ là nghĩ điều lành, nói điều lành, làm điều lành. Họ có một nghi thức riêng để lễ “thánh hoả” dưới quyền chủ tế của một “majus”. Tôn giáo này có thời là quốc giáo của Ba Tư trong triều đại Sasanian.

Đạo Bái Hoả truyền vào bắc Trung Hoa từ năm 516-9 theo phái đoàn của người Ba Tư. Đến đời Tuỳ, họ được thành lập ở Trường An những khu vực riêng để hành đạo. Ngoài việc trao đổi các sứ thần giữa hai bên, các thương nhân Ba Tư cũng sang Trung Hoa buôn bán. Hiện nay, tại Quảng Châu, Tuyền Châu, Dương Châu và Trường An, Lạc Dương vẫn còn nhiều dấu tích của người Ba Tư thời đó.

Năm 621, tiên từ (shrine) đầu tiên được xây dựng cho người “hồ” ở kinh đô và đến năm 631 thì một tu sĩ (Magi) được vào làm quan trong triều. Đến năm 652, khi người Muslim từ Ả Rập (Islam) sang xâm chiếm Ba Tư, họ bị đánh đuổi, một phần chạy sang phía tây nước Ấn (nay còn lại ở Bombay được gọi là Parsees có nghĩa là người Persian) nhưng một số lớn chạy sang Trung Hoa, khi đó vào đời nhà Đường. Vua cuối cùng của triều đại Sasanian là Yazdegird đệ tam (Yazdagard III) cầu viện vua Đường Thái Tông để đem quân khôi phục đất nước. Tuy nhiên, nhà Đường từ chối và họ đành phải sống lưu vong với dân chúng vùng Tân Cương ở Trung Á nhưng lại bị thổ dân phản bội. Gần đây, khi khai quật một số địa điểm vùng Tây An, người ta đã tìm thấy một số tiền làm bằng bạc của Ba Tư thời kỳ này, nhiều mộ chí bằng cả hai thứ tiếng Ba Tư và chữ Hán. (Dư Tử Lựu, tr. 183)

Nhà Đường tiếp tục bảo vệ con của Yazdegird là Peroz (Firuz) và cho phép họ được xây cất đền thờ và tiếp tục hành đạo. Peroz vẫn được công nhận là vua nước Ba Tư và được phong một chức võ quan tại triều. Ông ta chết ở Trường An và con là Narseh được tập tước vương. Narseh cố gắng đem quân Tàu về lấy lại nước nhưng thất bại và những người thuộc triều đại Sasanian định cư tại Trung Hoa trong khoảng 200 năm. Một số tiểu quốc được hình thành nằm giữa biên giới Ba Tư và Trung Hoa không theo đạo Hồi, độc lập đã tồn tại trong nhiều năm và nhiều phái bộ, sứ thần đã đến kinh đô nhà Đường trong khoảng từ 713 đến 755 sau TL. Những cư dân của các tiểu quốc này trở thành những người buôn ngọc, phù thuỷ, thợ thủ công và thương nhân. Họ xây dựng bốn, năm tiên từ (thánh đường), tại Trường An, hai, ba tiên từ tại Lạc Dương, một tại Khai Phong và nhiều nơi khác như Dương Châu, Đôn Hoàng, Thái Nguyên … Họ cũng di cư đến nhiều nơi khác, có người tới tận Hải Nam và vùng nước ta nhưng không biết rồi ra sao.
Đến năm 845, nhà Tống tiêu diệt các tôn giáo và bài xích tất cả các tôn giáo từ nước ngoài, nhất là đạo Phật và Bái Hoả giáo cũng bị tiêu diệt. Vì họ coi lửa là đại biểu của quang minh (sáng sủa), nên việc thờ phụng “lửa thần” (thánh hoả) là nghi lễ chính yếu. Người Trung Hoa gọi tôn giáo này dưới nhiều tên như tiên giáo, hoả tiên giáo, bái hoả giáo, Ba Tư giáo … Bái hoả giáo đến đời Nguyên hay Minh thì không còn ai biết đến. Theo sách vở, Bái hoả giáo là một tôn giáo chỉ thu hẹp trong phạm vi chủng tộc và không chủ trương bành trướng hay chiêu dụ người ta theo đạo. Kinh điển của họ không được dịch sang tiếng Tàu và có lẽ người Tàu cũng không ai đổi qua theo đạo này. Tuy nhiên, họ cũng đem lại một số ảnh hưởng, vì đời Đường là triều đại mở cửa nên nhiều kỹ thuật mới được du nhập, nhiều sắc thái văn hoá được đón nhận trong sinh hoạt hàng ngày.

Một tôn giáo khác cũng truyền từ Ba Tư là Ma Ni giáo (tức Manichaeism, do Mani người Ba Tư sáng lập vào thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên). Ma Ni giáo kết hợp nhị nguyên luận của hoả tiên giáo, đồng thời dung hợp nhiều tôn giáo trong đó có một số tư tưởng của Phật giáo và Ki tô giáo mà thành. Ma ni giáo được gọi là tôn giáo của ánh sáng (Religion of Light) và truyền vào Trung Hoa qua nhiều sự tích ly kỳ. Cho đến giờ phút này, người ta vẫn chưa rõ Mani là tên người hay là một cách xưng hô tôn quí. Nghĩa của chữ này cũng không rõ ràng, theo cổ ngữ Hi Lạp thì là skeuos và homilia, nhưng hình như nguyên thuỷ lại bắt nguồn từ tiếng Babylonian-Aramaic có nghĩa là Vua của Aùnh Sáng.

Mani sinh ra tại Baghdad, khoảng thế kỷ thứ 3, dưới thời mà người Ba Tư làm chủ cả khu vực Mesopotamia, ngày nay là Iraq. Cha ông hình như là người Mandaeans. Sau khi đi lang thang trong vài năm, sống đời khổ hạnh để suy tưởng về giáo lý, năm 242 (có chỗ chép rõ là ngày 20 tháng 3) ông được mặc khải và tự cho mình là một nhà tiên tri, lập nên một giáo phái mới. “Cũng như Phật Thích Ca đến Aán Độ, Zoroaster[2] với Ba Tư, hay chúa Jesus đến miền Tây, thời kỳ này thiên sứ đến với ta, tức Mani, đến với vùng Babylonia”. Đó là lời tuyên bố của ông và tự cho mình là một tông đồ của Thượng đế. Ông lại đi lên Bactria ở miền tây bắc Ấn Độ, và nghiên cứu thêm về Phật giáo. Ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tư tưởng Gnostic (mộït chi phái của Thiên Chúa giáo thời kỳ sơ khai, bị coi như tà giáo). Đến năm 241, ông quay về Ba Tư sau khi vua Shapur đệ Nhất lên ngôi, là người dung chứa các tôn giáo. Ông bắt đầu truyền giáo, dung hợp cả Gnosticism, Zoroastrianism, Christianity, Buddhism, Lão giáo và những tôn giáo địa phương tại Ba Tư.

Trong suốt thời vua Shapur, ông được tự do truyền giáo và hoạt động trong khối giáo đồ của mình. Thế nhưng khi vua Bahram đệ nhất lên ngôi, người giáo đồ Bái hoả coi Mani là thù nghịch. Mani bị cầm tù và bị đóng đinh, xác bị bêu tại cổng thành để răn đe những người theo ông. Những tín đồ của đạo Mani cũng bị tàn sát không thương tiếc. Theo sử sách ông chết khoảng 276-277 sau Công Nguyên. Tôn giáo của ông truyền sang tận Bắc Phi, Nam Âu châu và Trung Hoa.

Tư tưởng chính yếu của đạo Manichaeism là nhị nguyên đối đãi và mục tiêu của con người là làm sao giải thoát được bằng cách khai mở luồng ánh sáng vốn bị vật chất giam hãm. Có hai đẳng cấp trong giáo phái này, đẳng cấp tu sĩ là thành phần được “thiên khải”, và “giáo đồ” là đại số quần chúng phục vụ cho thành phần được Thượng Đế lựa chọn. Tu sĩ sống độc thân, khắc kỷ, chỉ lo đi truyền giáo và học đạo. Những tu sĩ chắc chắn sẽ được giải thoát ngay khi chết vì họ đã được ân sủng của minh tôn. Giáo đồ có quyền lập gia đình nhưng phải chăm lo phục vụ các trưởng lão, và khi chết đi sẽ được tái sinh làm tu sĩ. Chính đạo này, dưới cái tên Ma ni giáo, Minh tôn giáo hay Minh giáo đã ảnh hưởng quan trọng trong sinh hoạt xã hội của Trung Hoa trong một thời gian khá dài, hơn hẳn những tôn giáo khác cũng xuất xứ từ Ba Tư.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [76] [77] [78] [79] [80] [81] [82] ... ›Trang sau »Trang cuối