Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [43] [44] [45] [46] [47] [48] [49] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRẦN MẠNH HẢO


Đối ẩm với Nguyễn Bắc Sơn tại nhà Trần Mạnh Hảo mà quên nhắc đến họ Trần thì quả là điều không phải phép. Khi tôi 15 tuổi tham gia phong trào sinh viên học sinh đấu tranh đô thị ở Sài Gòn thì bộ đội Trần Mạnh Hảo đã siết cò AK ở trong rừng. Ngay giải văn học TPHCM đầu tiên sau giải phóng 1976 – 1977 tôi và Trần Mạnh Hảo đã biết nhau khi anh đoạt giải thơ với tập TIẾNG CHIM GÕ CỬA còn tôi đoạt giải thơ với tập HẠNH PHÚC CÓ THẬT. Tôi với anh còn thân nhau bởi cùng đi lưu diễn đọc thơ các trường đại học cùng với Nguyễn Duy, Văn Lê, Nguyễn Nhật Ánh. Phải nói thật tôi thân với Trần Mạnh Hảo hơn những nhà thơ ngoài Bắc khác một phần vì quê quán cha tôi thuộc tỉnh Nam Định, đồng hương với anh.

Trần Mạnh Hảo và tôi mỗi người đều tạo ra những sóng gió và dư luận riêng bởi cá tính và thơ của mình. Trong bàn nhậu đám đông, tôi và anh luôn luôn giữ vai trò chủ lực trong việc đọc thơ phục vụ bè bạn bằng thơ trí nhớ hoặc thơ ứng khẩu. Ai cũng khẳng định rằng tôi và anh đều có trí nhớ đặc biệt, thuộc lòng bất kỳ bài nào của mình viết ra, cho dù là viết giỡn chơi. Thậm chí giới giang hồ mỗi lần nghe tôi và anh đấu khẩu bằng thơ đều gọi là “Nam Chinh, Bắc Chiến”. Một lần ngồi dưới chân cầu Công Lý trước nhà chị Phương Huệ, có mặt khá đông bá tánh tín đồ Phật Giáo, Trần Mạnh Hảo đã cao hứng đọc oang oang bài thơ chinh phục thiên hạ. Bằng trí nhớ tôi chép ra đây sau một thời gian quá lâu hơn 20 năm, nếu có sơ xuất hoặc thiếu câu nào đoạn nào mong Trần Mạnh Hảo thông cảm:

PHÙNG PHẬT, SÁT PHẬT

Phùng Phật phải sát Phật
Sát Phật, Phật quay về
Ngộ rồi mà chưa ngộ
Tỉnh tỉnh mà mê mê

Thuý Kiều vừa thành Phật
Mười lăm năm tu hành
Cõi tâm là cõi Phật
Lầu không lầu không xanh

Phật tự thân người đẹp
Không dưng, sao Phật Bà
A Di Đà sát Phật
Phật hoá thành đôi ta!

Tôi thấy tình hình căng quá bèn giải thoát cho các tín đồ Phật Giáo bằng bài thơ thức ngộ sau đây:

PHÙNG PHẬT, CỨU PHẬT

Trần Mạnh Hảo sát Phật
Giữ lại mình Quan Am
Nói theo kiểu phàm tục
Diệt dục mà sinh dâm
Nói theo kiểu cờ bạc
Úp Tây mà lật Đầm
Nói theo Bùi hiền sĩ
Muốn vậy chìa hai trăm!

Bao giờ cũng vậy, những cuộc đấu khẩu thơ giữa tôi và Trần Mạnh Hảo đều làm thiên hạ bật cười nhẹ nhõm tới bến sau khi thần kinh căng thẳng cũng tới bến. Anh em văn nghệ mà. Những người có khả năng khuấy đảo thiên hạ chỉ đếm trên đầu ngón tay, tại sao lại không biết thương nhau bảo vệ nhau trước những cặp mắt cú vọ của đám tiểu nhân rình mò tâu hót ám hại.

Một giai thoại nữa có liên quan tới Trần Mạnh Hảo khi họ Trần dẫn theo hai vị chức sắc thuộc tỉnh Hà Nam Ninh đến Hội Văn Nghệ 81 Trần Quốc Thảo ăn nhậu và ra câu đối thách thức. Chuyện đó đã hơn 15 năm. Hôm đó tôi đang ngồi uống bia dưới gốc cây đa cùng với Nguyễn Quốc Chánh, Đoàn Vị Thượng … và nhiều anh em văn nghệ khác. Hai bên chào nhau và ráp bàn. Trần Mạnh Hảo tuyên bố “Có một câu đối chúng tôi ra vế mà từ Bắc vô Nam chưa ai đối được hoàn hảo về mặt nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu các bạn trong bàn giải được, chúng tôi cá độ một chầu nhậu thả giàn”.
Vế đối ra như sau:

“BATA đi giày vải”

Phải thú thật là vế ra quá độc. Bởi băng “Hà Nam Ninh” của Trần Mạnh Hảo gồm đúng 3 người, mà cả 3 đều đi giày vải, và giày vải đều mang hiệu BATA. Thế là anh em chiến hữu đều hướng mắt về phía tôi. Trong tình thế chỉ mành treo chuông, tôi gật đầu cái rụp.

Sau 15 phút động não nhằm xác minh một đơn vị tiểu thủ công nghiệp mang tên “Đại Chúng” chuyên sản xuất dép râu ở Chợ Lớn, tôi hùng hồn đứng dậy đối lại như sau:

“ĐẠI CHÚNG lết dép râu”

Câu đối lại đã quá rõ ràng. Khi ba cán bộ đi giày Bata thì đám đông đại chúng nghèo khổ đành phải mang dép râu lết bánh. Thế là sau một hồi tranh cãi gọi điện thoại bàn xác minh cơ sở sản xuất dép lốp Đại Chúng có thật hay không thì băng Trần Mạnh Hảo đành phải chung độ chứ còn phải hỏi.

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUYỄN BẮC SƠN


Cũng trong thời gian đó tôi lang bạt rất nhiều nơi, làm quen với nhiều người, trong đó có thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn từ Phan Thiết vô là tác giả tập thơ CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TÔI nổi tiếng. Nguyễn Bắc Sơn có hẹn hò đâu với Trần Mạnh Hảo nên rủ tôi lên chung cư Hội Văn Nghệ số 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa lai rai ba sợi chơi. Khi đi, tôi có rủ thêm Trần Hữu Dũng, Vũ Ngọc Giao là hai chiến hữu giang hồ cùng cạn chén tang bồng hồ thỉ.

Rượu vào lời ra. Tôi và Nguyễn Bắc Sơn thay phiên nhau khạc thơ chan chát. Có lẽ Nguyễn Bắc Sơn không ngờ tôi là một kẻ hậu sinh chưa hề có tên tuổi trước giải phóng mà khạc thơ quá đã, nên anh “bốc” liền một câu: “Thằng cha Bùi Chí Vinh này làm bài thơ nào cũng hay hết, nhưng thơ họ Bùi là Đồ Long Đao, còn thơ Nguyễn Bắc Sơn ta mới là Ỷ Thiên Kiếm”. Nguyễn Bắc Sơn đâu biết câu phát biểu đó vô tình làm “mồi” cho một bài thơ giai thoại về anh và tôi sau này. Bài thơ được tôi ứng khẩu tại chỗ như sau:

CÁCH NHẬU VỚI NGUYỄN BẮC SƠN

“Ta làm thơ bài nào cũng hay”
Nghe gã Nguyễn Bắc Sơn nói thế
Té ra gừng già ngươi chưa cay
Ta chỉ hạt tiêu mà rơi lệ
Làm thơ ta làm từ bụng mẹ
Đợi ngươi nổi tiếng là ta sinh
Sinh sau đẻ muộn giống Hạng Thác
Cho người Khổng Tử đỡ hợm mình
Sinh sau đẻ muộn giống chim hạc
Cho đàn cò đói đỡ ăn đêm

Nhà ngươi bốc ta cứ như chưởng:
Rằng thơ ta ngông như Tạ Tốn
Câu trước câu sau Đồ Long Đao
Vần dưới vần trên Ỷ Thiên Kiếm
Đao kiếm dành cho bọn cường hào
Có đâu đưa vào thơ bố trận
Tại đời lắm muối nên thơ mặn
Chứ thiết gì ta nghiệp võ công
Kìa coi hoàng đế Quang Trung đó
Đến chết còn ghê chữ má hồng

Tiếc rằng ngươi không là thiếu nữ
Thiếu nữ bốc, ta thành vua Trụ
Nhà ngươi bốc, ta thành bia hơi
Uống say bọt bay hết lên trời…

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

PHẠM THIÊN THƯ


Riêng đối với Phạm Thiên Thư thì tôi “quậy” theo kiểu bụi đời hơn. Năm 1980 tôi được nghỉ phép mặc đồ bộ đội rách xác xơ đi lang thang cùng Hoàng Linh qua đường Lý Chính Thắng (tức Yên Đỗ cũ). Hoàng Linh là bạn giang hồ của tôi, anh là con trai nhà văn Hoàng Ly và là em vợ Phạm Thiên Thư lúc đó. Anh giới thiệu tôi với Phạm tiên sinh đang mở tiệm hớt tóc và bỏ mối rượu ngay trên đường này.

Cuộc hội ngộ diễn ra y chang truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Ngoài trời mưa tầm tã, bên trong tiệm Phạm tiên sinh ngừng hớt tóc cho vị thân chủ mặt mũi kỳ dị và kéo vị ấy ngồi xuống rót chai rượu màu xanh tiếp tôi và Hoàng Linh. Sau tuần rượu đầu đàm đạo về thơ, vị khách lạ đứng dậy chỉ vào mặt tôi và phán “tuổi Giáp ngọ phải không, sanh vào cuối tháng 9 âm lịch phải không, chào đời nửa đêm phải không?” Rồi ông ta đứng dậy bỏ đi một mạch. Lời phán của kẻ dị nhân khiến tôi hoang mang nhưng hai anh em Phạm Thiên Thư, Hoàng Linh chỉ khẽ gật gù khoái trá. Đến giờ này tôi vẫn chưa hiểu dị nhân đó là ai và tại sao chỉ sau một quẻ Dịch ông ta lại biết ngày giờ năm sinh tháng đẻ của tôi trong khi cả bàn không ai biết. Hôm đó trong lúc cụng ly nghe Phạm tiên sinh thố lộ về cuộc đời trôi nổi lên voi xuống chó của ông làm tôi ngậm ngùi vô tận. Tôi thừa biết họ Phạm sở trường về thơ bốn chữ nên ứng khẩu tặng ông bài thơ cùng thể loại mà ông ưa thích. Bài thơ như sau:

GHẸO PHẠM THIÊN THƯ

Rượu Phạm Thiên Thư
Thơ Bùi hiền sĩ
Một chén càn khôn
Đất trời tuý luý

Tưởng huynh tên “Thị”
Nên mới vào chùa
Dè đâu tửu sắc
Cũng ghiền nam mô

Huynh giữ một bồ
Chứa toàn thịt chó
Ta giữ bồ kia
Chứa toàn tín nữ

Vì huynh quân tử
Như Nhạc Bất Quần
Ta đành tiểu tử
Như Điền Bá Quang

Tiếu Ngạo cung đàn
Một gian lều cỏ
Huynh mới bẻ gươm
Ta còn mãi võ

“Đoạn Trường” hai chữ
Huynh ngâm nát lòng
“Vô Thanh” đâu chứ
Cửa thiền huynh trông

Ta con nhà tông
Giống lông giống cánh
Quen ngủ chiếu rơm
Dùng cơm khổ hạnh

Gặp chiều mưa lạnh
Chén tạc chén thù
Đem thơ tặng Phạm
Đếch cần Thiên Thư!

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUYỄN ĐỨC SƠN


Chuyện gặp Nguyễn Đức Sơn giang hồ hơn. Trước đó khi mạn đàm về thi ca cùng đồng nghiệp, tôi luôn luôn khẳng định miền Nam trước giải phóng có 4 chưởng môn nhân đại diện cho 4 trường phái thi ca tiêu biểu. Đó là Bùi Giáng thơ trên trời, Nguyễn Đức Sơn thơ dưới đất, Thanh Tâm Tuyền thơ tự do kiểu Tây phương, Tô Thuỳ Yên thơ hành cổ điển kiểu Đông phương. Vì thế lần hạnh ngộ Nguyễn Đức Sơn trên cao nguyên Đại Lào sơn lam chướng khí, tôi đã ăn những gì ông tự trồng tự hái và đã đấu khẩu những gì ông muốn.

Nguyễn Đức Sơn vốn sở trường thơ lục bát và nổi tiếng trước những bài thơ tinh gọn đến mức độ tối thiểu về chữ mà vẫn dào dạt ý tứ. Có bài thơ chỉ hai câu, mỗi câu hai chữ như “Cái lỗ – Tối cổ” đủ nói hết về chế độ mẫu hệ, về nơi khai sinh ra loài người. Có bài thơ chỉ ba câu, mỗi câu một chữ như “Hột – Thì – Le” đủ nói hết về bản chất sinh tồn thiện ác của nhân loại. Và tôi đã mượn những ý thơ độc đáo đó để đưa vô bài thơ làm tặng ông như một thứ giai thoại truyền khẩu:

ĐỤNG ĐỘ NGUYỄN ĐỨC SƠN

“Hột thì le” thật đó sao?
Ta dân “thảy lỗ” đến chào đồng môn
Xưa nay hai kẻ du côn
Ít khi đời sống cô hồn như nhau
Như miếng trầu khác miếng cau
Nhưng có cau, chẳng có trầu, như không
Như không sinh chuyện động phòng
Hột sao le được “nụ hồng thi ca”
Như không sinh nở đàn bà
“Cái lỗ tối cổ” thành ra tầm thường
Ta thừa văn, bác dư chương
Hôm nay một chén Hồ Trường chao nghiêng
“Thiên tài” nhờ lỗ “tai thiền”
Buồn lên núi hú chẳng phiền Tarzan
Buồn hái nấm luyện thành sâm
Buồn quay vào vách thương thầm Đạt Ma
Buồn hơn xuống động bẻ hoa
Buồn hơn chút nữa kiếm ta đỡ buồn
Kiếm ta ta cứ ngông cuồng
Sánh vai với Nguyễn Đức Sơn cũng kỳ
“Kỳ” thì theo “Thiệu” mà đi
Ta theo bác đã chắc gì tịnh tâm
Chẳng thà bút vẩy thơ đâm
Rong chơi đợi trận cát lầm đi qua
Đừng khen chê trước mặt ta
Sợ e tiếng gáy làm gà ghét nhau
Chẳng thà trong cuộc bể dâu
Cưa nhau chén rượu cho sầu chia hai…

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÙI GIÁNG


Vừa rồi sau khi ra mắt hai tập THƠ TÌNH BÙI CHÍ VINH và THƠ ĐỜI BÙI CHÍ VINH trong nước lẫn trên mạng, tình cờ tôi được nghe một số giai thoại hay hoặc không hay của thiên hạ bàn tán về mình. Đối với tôi, hay hoặc không hay đều vẫn là giai thoại. Nhưng giai thoại phải có cơ sở xác đáng, có thực tế chứng minh, có những người trong cuộc chứng kiến thì giai thoại đó mới trường tồn, truyền khẩu hợp lý và khoa học được. Những giai thoại đồn đại chung quanh hình tích, sự đi đứng, năng khiếu làm thơ ứng khẩu của tôi xuất hiện ngay từ sau giải phóng, lúc tôi còn rất trẻ, đang làm việc tại một tờ báo và chỉ mới 21 tuổi đầu. Giai thoại mỗi ngày mỗi phát triển thêm lúc tôi đi bộ đội, rồi đi giang hồ, rồi làm đủ mọi thứ nghề để sống, thậm chí cả giai thoại lúc tôi bày tỏ chính kiến của mình…

Trong phạm vi bài viết này tôi xin mở đầu bằng một giai thoại quái đản nhất vừa nghe được. Sự quái đản ở đây tuỳ nghi ai muốn hiểu sao thì hiểu trong khi câu thơ đồn đại về tôi lại khởi nguồn từ một tình bạn rất đẹp. Cụ thể từ hai câu thơ tam sao thất bổn sau đây:

“Trọc đầu BÙI làm sao CHÍ ở
Nhục còn chưa có lấy gì VINH”

Và họ nói rằng hai câu thơ trên là do Bùi Giáng ứng khẩu tặng tôi trong bàn nhậu lúc tôi đang múa may chữ nghĩa, khiến tôi hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Suy nghĩ như thế không riêng gì tôi mà những người quen biết tôi đều phải phì cười. Bởi một lẽ đơn giản, tác giả hai câu thơ trên không phải là Bùi Giáng tiên sinh mà là ông anh Mặc Tuyền, một nhà thơ kiêm kịch tác gia bụi đời làm “chọc quê” tôi khi tôi mạt lộ đang ngồi ở vĩa hè phụ sửa xe cùng anh Phan Văn Bồng tự Bế Văn Bồng mưu sinh kiếm sống vào thời điểm cuối thập niên 80 đói rách.Thời điểm ấy nạn dịch bo bo khoai mì hoành hành, mâm cơm không có gạo trắng mà ăn, Mặc Tuyền cố kiềm chế sự ngông cuồng của tôi nên làm hai câu khá cảm động. Vừa chơi chữ, vừa nói về chữ “nhục”, nhục ở đây có nghĩa là “thịt”, thi sĩ lớn cỡ nào mà đầu cạo trọc và thiếu thịt ăn thì bao tử cũng đói meo và chí khí lẫn chí mén cũng đi chơi chỗ khác.

Còn Bùi Giáng tiên sinh đương nhiên thuộc về đẳng cấp khác. Ông và tôi không phải huynh đệ hoặc thân thiết tri kỷ nhưng khi gặp nhau chưa bao giờ ông dèm pha biếm nhẽ thế hệ sau mình. Giai thoại giữa tôi và ông độc đáo hơn nhiều. Cách đây hơn 20 năm tôi và Hồ Lê Thuần (con trai cố bí thư Thành Đoàn trước 1975 là Hồ Hảo Hớn) vi hành xuống miệt Gò Vấp chợ Long Hoa lúc nửa đêm. Nhằm vào lúc Bùi Giáng rời chùa Long Huê gần đó ra chợ quậy tưng bừng khói lửa với một cây chổi rách tượng trưng cho ấn kiếm. Gọi là ấn kiếm vì Bùi Giáng luôn vỗ ngực xưng vương bất cứ lúc nào cao hứng.

Đêm đó chúng tôi ngồi uống rượu vĩa hè chứng kiến “vua cỏ” Bùi Giáng làm bà con chạy tán loạn và nhìn ông múa chổi tiến về phía chúng tôi. Ông vừa đi vừa khạc thơ rồi dòm trừng trừng vào mặt tôi. Trong cơn say xỉn ngất trời, Hồ Lê Thuần xúi tôi đọc thơ đáp lễ. Thế là người ngồi người đứng xuất khẩu thành thi qua lại liên tục. Không biết Bùi tiên sinh “phê” thơ tôi ra sao, chỉ biết Người tự động quỳ xuống bàn chúng tôi dâng cây chổi rách lên và tuyên bố “Đêm nay Trẫm thay mặt cựu hoàng Bảo Đại giao ấn kiếm cho thế hệ Hồ Chí Minh”. Câu nói đầy tính “chính trị” và đối phó của Bùi Giáng bắt buộc tôi phải nhận cây chổi và làm một bài thơ tặng ông tại chỗ, có chép lại nhét túi ông đàng hoàng, xin mạn phép ghi ra đây để khép lại lời đồn về sự “tâm phục khẩu phục” của tôi trước Bùi Giáng:

CÁCH LẠY CỦA BÙI GIÁNG

“Liên tồn, l… tiên, liền tôn”
Bác Bùi chưa gặp đồng môn đây mà
Ta hăm bảy tuổi đăng khoa
Bác hơn sáu chục mới là Trạng Nguyên
“Bác đi, bi đát” cơn điên
Để mua trí tuệ “l… tiên, liên tồn”
“Riêng ta” thành “ra tiên” con
Lúc say xỉn vỗ hậu môn cười khà
“Bán dùi Bùi Giáng” xót xa
“Bình Chí Vui” ta vốn là “Bùi Vinh”
Bác không màng nhắc triều đình
Có đâu ta nỡ cố tình làm vua
Chi bằng giữa chợ say sưa
Bùi to Bùi nhỏ đi lùa các em
Kìa sao bác lạy như điên
Đợi ta đỡ dậy chiêu hiền nữa sao?!?

Ngoài ra tôi còn chép cho Bùi tiên sinh bài thơ BÌNH CHÍ VUI khi ông muốn tôi bình tĩnh chí nam nhi trở lại để có thể tồn tại trước bọn sâu bọ làm người. Tôi đã làm bài thơ này theo “môđen “ tiếng lái và chơi chữ của ông:

BÌNH CHÍ VUI

“Bùi Chí Vinh, Bình Chí Vui”
Không bình chí, chắc tiếng cười mất tiêu
Chí trong bình, chí mốc meo
Chui ra bình, chí mới nhiều nhục vinh
Bùi làm thiên hạ giật mình
Sờ ngay “cái đó” kẻo em mếch lòng
“Bùi như lạc” nhậu sướng không?
“Trần như nhộng” Bùi tồng ngồng đái chơi
Bất bình nên chí chưa vui
Các em nên gọi ông Bùi Chí Vinh

BÙI CHÍ VINH
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

HAI MÙA NOEL
CỦA NHẠC SỸ ĐÀI PHƯƠNG TRANG


“Hai mùa Noel” của nhạc sĩ Đài Phương Trang là một trong những ca khúc được nhiều người nghe nhất vào mỗi dịp Giáng sinh về. Nhưng sau những ca từ đượm buồn của ca khúc này là một câu chuyện nhân hậu giản dị như chính tâm hồn của người nhạc sĩ.

Lễ Giáng Sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel hay Christmas là một ngày lễ kỷ niệm ngày Chúa Jesus sinh ra đời của những người theo đạo Công giáo và Tin Lành. Ngày lễ Giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25.12 hàng năm, nhưng thường được mừng sớm từ đêm 24.12. Ngoài ý nghĩa tôn giáo, lễ Giáng sinh đến nay đã trở thành lễ hội văn hoá cho tất cả mọi người trên thế giới và đêm Noel đã thu hút đến hàng triệu người tham gia chứ không còn bó hẹp trong cộng đồng người theo đạo.

Lễ Giáng sinh cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ sáng tác ra những ca khúc hay mà chúng ta vẫn thường nghe trong dịp này. Về bản chất, Noel là một lễ hội mang tính vui tươi để mừng ngày đức Chúa Jesus giáng thế. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy điều này trong âm nhạc quốc tế khi nghe những ca khúc mang giai điệu vui tươi rộn ràng qua các ca khúc nổi tiếng như Jingle Bell, I Wish You A Merry Christmas, Santa Claus is Coming to Town, The First Noel…

Thế nhưng không hiểu sao trong âm nhạc Việt Nam, dường như dịp Giáng sinh thường tạo cảm giác gợi buồn cho các nhạc sĩ. Có lẽ trong tiết trời lành lạnh của mùa đông, cùng không khí rộn ràng xung quanh khiến cho trái tim người nghệ sĩ rung lên cùng những cảm xúc khi họ cảm nhận được nỗi buồn, sự mất mát đổ vỡ trong tình yêu của chính mình hoặc của người khác khi không có người mình yêu thương bên cạnh để cùng chia sẻ và cảm nhận.

Có lẽ vì thế mà những bài hát về Giáng sinh của các nhạc sĩ Việt Nam đa số đều mang giai điệu chậm buồn, nội dung ca từ thường chất chứa những da diết, nhớ nhung, nuối tiếc về những cuộc tình tan vỡ, những ước mộng không thành… Nhưng thật kỳ lạ, những bài hát như thế thường được ở lại rất lâu trong lòng của nhiều thế hệ người nghe nhạc Việt. Trong số những bài hát bất hủ về Noel mang âm điệu buồn của các nhạc sĩ Việt Nam có thể kể đến các ca khúc như Giáo đường im bóng (Nguyễn Thiện Tơ - Phi Tâm Yến), Bài thánh ca buồn (Nguyễn Vũ), Bóng nhỏ giáo đường… và bài hát Hai mùa Noel của nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng nằm trong những ca khúc Noel được nhiều người yêu thích nhất.

Bài hát Hai mùa Noel của nhạc sĩ Đài Phương Trang ra đời cách đây hơn 40 năm, kể về một câu chuyện tình “Mùa Noel đó chúng ta quen nhau bên giáo đường. Mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu…” của một chàng trai với một cô gái. Tình yêu và ước nguyện của họ được bắt đầu vào một đêm Giáng sinh đầy lãng mạn khi cả hai cùng đến nhà thờ để thề nguyện “Hẹn nhau năm tới khi Giáng Sinh về muôn nơi. Mình trao cho nhau hoa lòng nhẫn cưới thiệp hồng. Dìu nhau xem lễ đêm Đông. Bên nhau muôn đời em ơi!...”. Thế nhưng đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất chàng trai được quỳ cạnh người mình yêu trong đêm Noel. Không hiểu vì lý do gì, mối tình đẹp đó đã tan vỡ để lại bao khổ đau tiếc nuối cho người trong cuộc.

“Rồi Noel qua như mộng ước cũng xa rồi.
Gặp nhau chi để thương đau?
Yêu nhau sao đành xa nhau?

Cái kết buồn trong ca khúc khiến cho không ít người bâng khuâng day dứt tự hỏi chàng trai trong bài hát là ai? Đó có phải chính là mối tình của nhạc sĩ Đài Phương Trang thời trai trẻ hay không? Câu hỏi ấy sẽ mãi mãi là điều bí mật nếu như không được chính nhạc sĩ Đài Phương Trang kể ra. Và khi bí mật đó đã được “bật mí” thì nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng khi biết đây là một cuộc tình hoàn toàn… hư cấu.

Theo chia sẻ của nhạc sĩ Đài Phương Trang thì Hai mùa Noel được ra đời trong một dịp rất tình cờ. Vào dip Giáng sinh năm ấy ông rất hạnh phúc cùng người người yêu của mình (hiện bây giờ đang là vợ của ông). Khi chở người yêu đi chơi Giáng sinh, nhạc sĩ Đài Phương Trang vô tình bắt gặp một chàng trai đứng một mình ở khu vực nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) hàng giờ liền. Không biết chàng trai đó đứng làm gì đang đợi ai, nhưng hình bóng lẻ loi cô đơn đó đã gợi lên cho ông nhiều cảm xúc, thương cảm và muốn được chia sẻ suốt một thời gian dài.

Hai năm sau đó, theo đề nghị của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nhờ ông viết một ca khúc về chủ đề Noel cho hãng đĩa Sơn Ca thì hình ảnh chàng trai cô đơn đứng bên gốc cây cạnh nhà thơ Đức Bà đã trở thành nguồn cảm hứng  cho ông hoàn thành bài hát này.

Ngay sau khi ra đời, Hai mùa Noel đã được rất nhiều người yêu nhạc đón nhận. Bài hát cũng trở nên phổ biến rộng rãi hơn với công chúng nghe nhạc Việt trong và ngoài nước khi được các ca sĩ nổi tiếng như Anh Khoa, Như Quỳnh, Mạnh Đình, Tuấn Vũ, Vũ Khanh, Hương Lan, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc chọn thể hiện và đưa vào các album nhạc Giáng sinh hàng năm.

Về mặt âm nhạc, bài hát Hai mùa Noel của nhạc sĩ Đài Phương Trang rất thành công, nhưng đây chưa hẳn là niềm vui của ông. Nhạc sĩ Đài Phương Trang chia sẻ rằng vì nội dung của ca khúc này mà ông áy náy trong suốt một thời gian rất dài. Đây là câu chuyện hoàn toàn tưởng tượng nhưng nỗi buồn trong đó đã gợi lên cho ông quá nhiều suy tư. Vì vậy sau mấy chục năm ông quyết định “chuộc lỗi” bằng một ca khúc Hai mùa Noel 2. Ca khúc nối tiếp này vẫn là câu chuyện tưởng tượng nhưng chàng trai trong câu chuyện đã khác, anh đã vượt qua nỗi đau riêng, vượt qua sự cô đơn mất mát trong tình yêu để hướng đến một tình cảm lớn hơn trong mỗi dịp đi lễ nhà thờ đó là “cầu xin ơn lành ban cho những mối duyên đời luôn được chung đôi mãi không chia rời”.

Không biết chàng trai đứng ở gốc cây bên cạnh nhà thờ Đức Bà mà nhạc sĩ Đài Phương Trang bắt gặp năm ấy bây giờ đang ở đâu, làm gì? Anh có vượt nỗi buồn vì cô đơn ngày đó hay chưa? Anh đã có một gia đình êm ấm cùng với người mình yêu hay chưa? Nhưng chắc chắn khi biết được hát Hai mùa Noel nhạc sĩ Đài Phương Trang được lấy cảm hứng từ một khoảnh khắc cô đơn của chính mình và chuyển tải vào đó sự an ủi sẻ chia cảm thông thì có lẽ đó là niềm vui đủ để lấn át những nỗi buồn xưa cũ.

Một mùa Giáng sinh nữa lại về, hàng triệu triệu người đang hân hoan chào đón với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong đêm Giáng sinh thiêng liêng nhưng rộn ràng ấm áp sẽ có rất nhiều chàng trai cô gái tay trong tay hạnh phúc bên nhau cùng đến giáo đường cùng cầu nguyện cho tình yêu của họ trở nên bền chặt…Thế nhưng đâu đó trên mỗi góc phố con đường, mỗi gốc cây bên cạnh vẫn còn những chàng trai, cô gái đang cô đơn đứng trong đêm lạnh để chờ đợi một điều gì đó. Và có lẽ nếu vô tình nghe được bài hát Hai mùa Noel của nhạc sĩ Đài Phương Trang, họ sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn, an ủi hơn một phần nào.

Tiểu Vũ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THƠ “BỎ DẤU XUỐNG CHỮ”
CỦA BÙI CHÍ VINH


Sau những cơn stress nặng về cơm áo gạo tiền công danh địa vị phù phiếm hư ảo, con người ta luôn cần có sự thư giãn. Nối tiếp tiền nhân, tôi tự thể nghiệm mình qua kiểu thơ chơi chữ đời mới cho thanh thản tâm hồn. Cụ thể tôi bỏ các dấu gồm “dấu huyền, dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng” xuống các mẫu tự của 24 chữ cái hoặc các từ để chúng thành thơ.

Xin giới thiệu cùng các bạn một số bài thơ về chữ A, B, C, các từ bão, quậy, thớ như sau:

A
Con gái ta thường kêu bằng: ả
Ðôi khi đụng “xẩm” đổi thành: a
Các em xinh đẹp thì ta: á
Giống Chung Vô Diệm thì ta: ạ
Á ạ gặp ta cũng phải: à

B
Nhìn em, ta muốn: bế
Muốn bế thì phải: bê
Bê em như bê: bệ
Bê bệ dễ rớt: bể
Ðặt xuống giường, ta: bề

C
Trong tình yêu không xài: xể
Làm như thế hai đứa: xệ
Thà rằng giận nhau, ta: xê
Ta đi bộ, em đạp: xế
Lúc gối chăn, bụng sẽ: xề

BÃO
Giữa cuộc đời giông: bão
Ta ruột xé gan: bào
Văn miếu nuôi cường: bạo
Triều đình nuôi hổ: báo
Mình ta nuôi chiêm: bao

QUẬY
Ở biển ta là cá: quẫy
Sao ngươi đem bỏ mặt: quầy
Giang hồ có câu phải: quấy
Lẽ nào ta chịu lăn: quay
Lẽ nào ta không dám: quậy

THỚ
Có con ong: thợ
Không thèm hít: thở
Khí hậu đền: thờ
Cho nên có: thớ
Mật thành ra: thơ

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

HỒ XUÂN HƯƠNG
THUỶ TỔ THƠ TIẾNG LÁI


Ngoài trường hợp độc đáo của tôn sư Lê Quý Đôn về mặt trí nhớ như đã nói ở trên, còn một nhân vật nữa trong văn học sử Việt Nam mà tôi cực kỳ ngưỡng mộ. Ðó là nữ sĩ Hồ Xuân Hương, từng được mệnh danh là “Bà Chúa thơ Nôm”, từng được coi là một trong những người phụ nữ hiếm hoi trên trái đất dám thực hiện nữ quyền một cách triệt để nhất trong thời đại phong kiến trên đe dưới búa bất chấp có thể bị nguy hại đến tính mạng. Tuy nhiên, những danh xưng ấy vẫn chưa đủ để nói về sự mở mang ngôn ngữ của bà. Theo tôi, thiên tài Hồ Xuân Hương còn là thuỷ tổ làm thơ về tiếng lái, là chưởng môn nhân đầu tiên của môn phái “đảo ngữ” một cách kỳ ảo tạo nên tứ thơ đối nghịch khôn lường mà những người đi sau như Bùi Giáng tha hồ kế thừa để phát huy nghệ thuật chơi chữ.

Hồ Xuân Hương là một nhà thơ ngôn ngữ hai mặt, người đời thường truyền tụng là thơ “đố tục giảng thanh”. Nhưng thơ tiếng lái của bà lại chơi đòn tréo ngoe là “chuyển thanh sang tục”.

Một minh chứng trong bài “KIẾP TU HÀNH” như sau:

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo

Nếu chịu khó đọc kỹ và có máu giang hồ một chút, ai nấy phải bật cười bởi “đá đeo” tức là “đéo đa”, “trái gió” tức là “chó dái”, “lộn lèo” tức là “lẹo… l”
Một thí dụ khác trong bốn câu đầu bài thơ “CHÙA QUÁN SỨ”:

Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình, tiểu để suông không đấm
Tràng hạt, vãi lần đếm lại đeo…

Tương tự bài trước, nếu chiết tự ba chữ “đáo nơi neo” tức là “đéo nơi nao”, “suông không đấm” tức là “đâm không sướng”, “đếm lại đeo” tức là “đéo lại đêm”.

Sự tài hoa của nữ sĩ họ Hồ biến thành phát minh mở đường cho các thi sĩ. Tôi không có máu ngông cuồng như Bùi Giáng khi xài tiếng lái bắt chước bà, tôi cũng không sử dụng tiếng lái trong chốn phòng the, tôi “thảy” tiếng lái của thế kỷ 21 vào những nỗi đau thế thái nhân tình, những trận phong ba cơm áo tạo nên tiếng cười cay đắng cho những ai đang bị áp bức. Ít nhất tôi cũng thu thập từ truyền khẩu, giai thoại của nhân dân để viết hơn 10 bài thơ tiếng lái, xin chép ra đôi bài sau để mọi người thưởng lãm. Ðó là 2 bài thơ mang tựa “QUỐC KỲ” và “ĐẢO NGỮ HÀNH”.

QUỐC KỲ

CỜ VÀNG thì tình CÀNG VỜ
CỜ XANH sao rụng CÀNH XƠ xác cành
CỜ ĐỎ ông CÒ ĐỠ anh
CỜ HỒNG cái CÒNG HỜ nhanh lắm bồ
Treo CỜ GÌ đỡ KỲ GIỜ?
Ê, CỜ TÂY hạ CẦY TƠ ra đời!

ĐẢO NGỮ HÀNH

Hành đảo ngữ kể từ GIẢI PHÓNG
Thi ca làm PHỎNG DÁI niêm vần
Muốn in báo phải làm đầy tớ
Nhưng ta nào phải kẻ lòn trôn

Ta nào phải là ông Hàn Tín
Phò Lưu Bang phản bạn lừa thầy
KỸ SƯ vì thế thành CƯ SĨ
THẦY GIÁO từ đây chịu THÁO GIÀY

Họp ĐỒNG CHÍ thấy toàn ĐÌ, CHỐNG
XÔ VIẾT ngày nay khoái XIẾT VÔ
Hình treo LỘNG KIẾNG như LIỆNG CỐNG
Ðể thằng TO DỰ hét TỰ DO

Chú đeo BẢNG ĐỎ mà BỎ ĐẢNG
Mượn SAO VÀNG che đậy SANG GIÀU
CĂNG BỒNG nhờ nói CÔNG BẰNG nhỉ
LƯU MANH nào lại chẳng LANH MƯU?

Theo CHÍNH PHỦ ai ngờ CHÚ PHỈNH
Vào CHIẾN KHU thì bị CHÚ KHIÊNG
Mồm ĐÁNH MỸ mà tâm ĐĨ MÁNH
TIỀN ĐÂU? chú chặn họng ĐẦU TIÊN

GIÁO CHỨC đói meo đành DỨT CHÁO
Làm NHÀ THƠ vô bót NHỜ THA
THIÊN TÀI không đủ THAI TIỀN hả?
CẤT ĐUỐC về quê CUỐC ĐẤT à!

KHIẾN CHÁN ta làm thơ KHÁNG CHIẾN
Gào THI ĐUA chú bịp THUA ĐI
LÀM THƠ mà LỜ THAM mới nhục
THÌ CẤY cày mất đất THẤY KỲ

LÃNH TỤ sạch nhờ ôm TỦ LẠNH
BẨN NGƯỜI DO bác BỎ NGƯỜI DÂN
BÁC ĐI quá sớm thành BI ĐÁT
NGHỆ SĨ tụi con NGHĨ XỆ quần…

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LÊ QUÝ ĐÔN


Hồi nhỏ tôi rất phục Lê Quý Ðôn, thần đồng về mặt trí nhớ. Theo truyền thuyết ông có thể đọc vanh vách những gì mình chỉ nhìn thoáng qua hoặc nghe qua một lần, ông đã từng cứu bồ một bà chủ quán rượu bị mất sổ ghi nợ chép trên vách vì cháy nhà. Ông cũng đã từng thoát một trận đòn của thân phụ nhờ ứng đối trước mặt khách của cha một bài thơ Ðường Luật về rắn mà câu nào cũng đề cập đến từng chủng loài bò sát.

Tôi không “xịn” như tiên sinh Lê Quý Đôn, nhưng theo lời bạn bè thì trí nhớ cũng thuộc hàng cao thủ. Từ lúc 11 tuổi đến nay tôi đã làm trên 1000 bi thơ đủ nội dung thể loại và tự hào thuộc tối thiểu cũng hơn 800 bài mình ưa thích. Khác với bậc trí giả Lê Quý Đôn, tôi bắt buộc phải thuộc thơ mình vì yếu tố thời thế. Nói hú hoạ, chẳng may tôi bị bọn cường quyền bạo chúa nào đó bịt miệng thì với trí nhớ trời cho, ít ra tôi cũng để dành một số lượng thơ cần thiết để lại cho thế nhân qua ghi chép hoặc khạc thơ truyền khẩu trong bàn rượu thân hữu.

Năm nay bước qua tuổi ngũ thập tri thiên mệnh đáng lẽ trí nhớ kém dần, nhưng cũng may roi vọt cuộc đời không ngừng quất vào nên trí nhớ của thi sĩ lần lượt lại khôi phục. Nếu thiên tài Lê Quý Đôn có bài thơ thất ngôn bát cú câu nào cũng nói về RẮN thì tôi cũng nối chí cha ông bằng bài thơ năm chữ câu nào cũng nói về CHÓ, vừa mua vui trong bàn rượu, vừa được chủ quán cho “xù” trong việc trả tiền. Nhân đây, bằng trí nhớ cá nhân, tôi chép lại bài thơ RẮN của Lê Quý Đôn và bài thơ CHÓ của tôi để mọi người tủm tỉm cười chơi.

BÀI THƠ RẮN ĐẦU BIẾNG HỌC

Chẳng phải LIU ÐIU cũng giống nhà
RẮN đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn, HỔ LỬA đau lòng mẹ
Nay thét, MAI GẦM rát cổ cha
RÁO mép chỉ quen lời lếu láo
LẰN lưng cam chịu vệt năm ba
Từ nay TRÂU lỗ siêng năng học
Kẻo HỔ MANG danh tiếng thế gia

LÊ QUÝ ĐÔN

BÀI THƠ VỀ CHÓ

Sáng sớm nghe tiếng KHUYỂN
Giữa trưa bén mùi CẦY
Chiều bước vào quán CẨU
Chú TUẤT nằm đâu đây

Tiếng ÐỒNG QUÊ là NAI
Tiếng giang hồ là CỚM
Gần MỰC thì chú đen
Gần đèn thì chú ÐỐM

Thăm chú nhớ BÁNH TRÁNG
Mới nhất BẠCH nhì VÀNG
Nhâm nhi dăm XỊ ÐẾ
Mới tứ VỆN tam KHOANG

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUYỄN ĐỖ MỤC
và DƯƠNG BÁ TRẠC


Nguyễn Đỗ Mục (1882 - 1951), tự Trọng Hữu, bút hiệu Hì Đình Nguyễn Văn Tôi. Quê gốc của ông là làng Thư Trai, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (sau đổi là huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây; nay là huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Năm 1913, Đông Dương tạp chí ra đời. Ông đến cộng tác và viết đều đặn ở mục Gõ đầu trẻ, chuyên về giáo dục. Sau khi tạp chí này đình bản (ngày 15 tháng 9 năm 1919), ông viết cho tờ Trung Bắc tân văn.

Dương Bá Trạc (1884 - 1944) có tên hiệu là Tuyết Huy, ông sinh tại làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Khoái Châu (nay là huyện Văn Giang), tỉnh Hưng Yên. Năm 1906, ông tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1907, Dương Bá Trạc bị bắt giam, ông bị kết án tù Côn Đảo. Năm 1910, Dương Bá Trạc được đưa về đất liền an trí ở hạt Long Xuyên (nay thuộc An Giang). Năm 1932-1935, ông làm chủ bút tờ Văn học tạp chí. Năm 1943, ông sang Singapore. Ở xứ người, ông luôn mong tìm một kế sách giúp nước nhà sớm được độc lập, nhưng ý nguyện chưa thành, thì Dương Bá Trạc mất.

Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc thường viết ra những giai thoại nhằm đả kích thực dân Pháp và tay sai, trong số đó có một câu chuyện rất hay như sau: Một anh nông dân ở làng nọ có hai vợ. Do khéo đối xử và sắp xếp việc nhà, việc cửa, nên nhìn bề ngoài người ta thấy gia đình anh tương đối thuận hoà, yên ổn. Thế nhưng, chuyện chồng chung không ai dễ chịu ai. Về mặt tâm lý, anh chồng vẫn nể sợ người vợ cả, trong khi tình cảm yêu thương thì lại nghiêng về người vợ nhỏ nhiều hơn, bởi lẽ ngoài sức trẻ trung, và chút ít nhan sắc, chị ta còn là con gái của một ông đồ hay chữ nhất vùng. Một chiều nọ, nhân buổi rảnh rỗi việc đồng áng, ba vợ chồng ngồi bàn chuyện. Nhân không khí vui vẻ, cởi mở, anh chồng đưa ra đề nghị: “Anh ta ra một câu đối, nếu ai đối được thì tối nay, anh sẽ “vô buồng” người ấy”. Cả hai bà vợ đều đồng thanh tán thành.

Anh chồng bèn đọc: Vợ cả vợ hai, cả hai vợ đều là vợ cả
Cô vợ nhỏ khiêm tốn nhường lời cho người vợ cả đối trước. Suy nghĩ một hồi, chị vợ lớn lắc đầu: “Thôi dì Hai nó nói trước đi!”

Người vợ nhỏ bèn ứng khẩu đáp: Con dòng, con giống, dòng giống con mới thiệt con dòng

Câu đối khá chỉnh. Anh chồng vỗ đùi khen hay. Nhưng chưa dứt lời, thì bà vợ lớn mới nổi “máu Hoạn Thư”, đứng dậy túm lấy áo ông chồng, xỉa xói: “Thôi, tui biết tỏng cái mẹo của các người rồi, đừng giả vờ qua mắt tui, để tối vô buồng “con mẻ” chớ gì. Tui nói cho mà biết, tui mới là vợ chánh, mọi quyền hành ở nhà nầy đều do tui, tui chưa ưng thuận thì ông đừng hòng bước qua khỏi cửa buồng của dì ấy, chớ đừng nói “cả hai đều là vợ cả” nhen! Ông nghe rõ chưa?” Anh chồng đang hứng, bỗng yểu xìu một cách thảm hại.

Lúc đó, bên hàng xóm có 2 nhà Nho hay chữ là Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc đang ngồi đàm luận chuyện văn chương. Có thuyết khác lại cho rằng vế ra và vế đối thứ nhất đều do 2 vị sĩ phu này trông thấy tình cảnh như vậy mà đối đáp với nhau, còn vế đối của người vợ lẽ vẫn do người đó đối khi nghe thấy 2 ông đọc như vậy
Ông Nguyễn Đỗ Mục chợt nảy ra vế đối khác: Quan thừa, quan thiếu, thừa thiếu quan sao gọi quan thừa

Quan Thiếu ở đây ám chỉ Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (1872 - 1946), con trai thứ của Hoàng Cao Khải. Vì có hàm Thái tử Thiếu bảo, nên được gọi là cụ Thiếu Hà Đông.

Ông Dương Bá Trạc cũng có câu đáp lời: Con nuôi, con đẻ, nuôi đẻ con há đợi con nuôi

Mấy câu đối trên được 2 ông cho đăng lên tờ báo Trung Bắc, mục đích chính để đả kích những viên quan thân Pháp
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [43] [44] [45] [46] [47] [48] [49] ... ›Trang sau »Trang cuối