Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [50] [51] [52] [53] [54] [55] [56] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Sao Quốc hội chẳng sớm vào cuộc?

Bài đăng trên VietNamNet 10/6/2012 16:16

- Một loạt câu hỏi 'vì sao' được ĐB Dương Trung Quốc nêu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 7/6: vì sao khi xảy ra những vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang chẳng thấy QH sớm vào cuộc? Tại sao xảy ra hiện tượng người Trung Quốc nuôi cá ngay địa bàn quân sự Cam Ranh, người phát hiện chỉ là báo chí...

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/06/10/16/20120610161810_DTQ.jpg
ĐB Dương Trung Quốc nhắc lại đúc kết về thuật trị nước:
"Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên.
Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác".
Ảnh: Lê Anh Dũng.



VietNamNet giới thiệu phát biểu của ông Dương Trung Quốc:

Qua năm tháng tham gia Quốc hội, tôi nghiệm thấy một Quốc hội như thế nào sẽ có một Chính phủ như thế đó, phương thức hoạt động của Quốc hội là nửa năm triệu tập một kỳ họp nghe bản báo cáo với nội dung chủ yếu là nhìn lại 6 tháng vừa qua, hướng tới mục tiêu 6 tháng tiếp theo. Thời điểm cuối tháng 5, cuối tháng 10 mỗi năm thật lỡ dở để có dịp nhìn lại trọn vẹn từng năm, cứ tập trung vào bản báo cáo 6 tháng một lần khó có thể nhận dạng bức tranh toàn cảnh của đất nước. Với tầm nhìn mỗi nửa năm ấy, bản báo cáo của Chính phủ chỉ nêu lên việc đã làm như những thành tựu đã đạt được, đưa ra một số sai sót yếu kém gắn với những vấn đề nổi cộm dư luận đang quan tâm và đưa ra những giải pháp thường là ngắn hạn, ít mới mẻ.

Để ngắm bức tranh toàn cảnh cần có độ lùi về không gian và thời gian, hoàn cảnh cho tôi đến nay đã được dự khoảng 20 phiên, đọc chừng 20 bản báo cáo của Chính phủ, bằng cảm quan nghề nghiệp của mình nhận ra cái mạnh, cái chưa mạnh của Chính phủ, mạnh nhất của Chính phủ là khả năng ứng biến, năng lực giải quyết tình huống.

Phải chăng đây là sự kế thừa của truyền thống hình thành trong thời chiến. Năng lực ấy đã phát huy tác dụng tích cực khi chúng ta thực hiện mục tiêu chính nghĩa, một đường lối đúng đắn có sự hậu thuẫn về ý chí của toàn dân, lại có tầm nhìn sáng suốt của người đứng đầu.

Cái mạnh ấy đã giúp Chính phủ cứ 6 tháng một lần lại vượt qua được những thử thách của thực tiễn, đạt được những mục tiêu ngắn hạn và cũng vượt qua được một kỳ họp cũng là một kỳ chất vấn của Quốc hội để rồi lại dấn thân phấn đấu cho 6 tháng tiếp theo. Vì thế, những thành tựu ấy khó bền vững và những khuyết điểm yếu kém của Chính phủ luôn lặp lại gần như là một điệp khúc không mấy thay đổi qua các bản báo cáo.

Nói như vậy tôi hoàn toàn không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ và bộ máy của Chính phủ, cũng như chia sẻ những khó khăn khách quan mà cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền rất phức tạp mà Chính phủ phải gánh vác.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là xem thường năng lực ứng phó và giải pháp tình huống nhưng chỉ như vậy thì không đủ. Bởi vì nếu cứ tiếp tục như thế này thì mãi mãi chúng ta không thể theo kịp những yêu cầu ngày càng khắt khe của sự phát triển bền vững, cũng như hội nhập với thế giới đang cạnh tranh quyết liệt và đầy những biến động rủi ro. Hơn thế nó cũng không đáp ứng được mong muốn của nhân dân ngày càng có năng lực thể hiện quyền dân chủ của mình mà hoạt động của Quốc hội có trách nhiệm phải đáp ứng.

Năng lực lắng nghe bị hạn chế

Một trong những chức năng quan trọng cũng là trách nhiệm nặng nề nhất của Chính phủ là điều hành đất nước ở tầm vĩ mô và mang nội hàm về không gian to lớn lẫn thời gian lâu dài.

Ta có thể đặt ra những câu hỏi vì sao đất nước đã hòa bình gần 40 năm mà con đường huyết mạch số 1 hay hệ thống đường sắt vẫn gần như thời kỳ Tây cai trị? Vì sao trên lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực được coi là mục tiêu chiến lược và được Chính phủ đầu tư nhiều nhất, trong đó đặt vai trò là động lực hàng đầu cho các tập đoàn nhà nước lại là lĩnh vực kém thành công nhất? Để nhắc đến một thương hiệu hay một sản phẩm công nghiệp đáng để cho thế giới biết đến thì dường như chưa có còn nhắc đến con số như thất thoát ngân sách khổng lồ gắn với những đổ vỡ của một số tập đoàn như Vinashin, Vinalines thì có ai mà không sót ruột.

Trong khi đó như chúng ta vừa thảo luận về nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì chính những người nông dân, ngư dân vốn ít được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, thậm chí phải chịu đựng nhiều rủi ro không chỉ của thiên tai mà của cả môt số sai sót trong điều hành của Chính phủ lại làm nên những thành tựu, những thương hiệu hơn hẳn công nghiệp trên nhiều lĩnh vực quan trọng, thực tiễn đã vượt qua sự chủ động trong tầm nhìn và tầm tay quản lý của Chính phủ.

Một ví dụ nữa, đội ngũ cán bộ, công chức được tuyển chọn, đào tạo trong đó dường như ai cũng được bồi dưỡng những khoa học về quốc phòng toàn dân mà vẫn để hiện tượng sử dụng lao động người nước ngoài, cho thuê đất rừng hay khai thác khoáng sản và gần đây nhất là nuôi hải sản ngay tại những vị trí trọng yếu an ninh quốc gia đều vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bộ máy nhà nước.

Nhìn vào bản đồ quốc gia, chúng ta sẽ thấy không ít sự bất hợp lý và lãng phí, hệ quả của mối quan hệ giữa Chính phủ Trung ương và các chính quyền địa phương bị chi phối bởi tầm nhìn của bộ, cũng như sự thỏa hiệp của mối quan hệ xin, cho. Tôi nhấn mạnh mối quan hệ xin - cho đang ngày càng trầm trọng và gây tác hại lớn nhất cho điều hành đất nước, phá hoại những giá trị xã hội tạo nên hiện tượng đáng quan ngại không chỉ là những vụ tham nhũng và thất thoát lớn đã được phát hiện hay không thể phát hiện mà còn là hiện tượng đã được thừa nhận là tham nhũng vặt.

Trong khi đó, đối với dân chính bộ máy công quyền ấy lại phải chăng quá khắt khe cảnh giác để rồi hành xử có phần vụng về, thô bạo đối với bộ phận nhân dân làm phương hại đến hình ảnh của một nhà nước của dân, do dân vì dân mà chúng ta đang phấn đấu. Chỉ số lòng tin đối với Chính phủ chưa khi nào được quan tâm tính đến, nhưng chắc chắn không như chúng ta mong muốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó, nhưng theo tôi nguyên nhân đáng quan ngại nhất là năng lực lắng nghe của Chính phủ.

Nhìn lại một chặng đường dài, thời gian dài hơn mỗi kỳ họp, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều vấn đề đã được cảnh báo đến từ phát biểu của các nhà khoa học hay hoạt động xã hội trong đó có những đại biểu Quốc hội từ rất nhiều cuộc hội thảo về đề tài nghiên cứu v.v... mà Chính phủ chậm tiếp thu để rồi thực tiễn chứng minh những lời cảnh báo đó đã trở thành hiện thực. Năng lực lắng nghe bị hạn chế, phải chăng do Chính phủ chưa tin vào dân, vào những người không nằm trong bộ máy tư vấn gần gũi của Chính phủ liệu có phải là lợi ích nhóm hay không?

Trách nhiệm Quốc hội

Trong những hạn chế của Chính phủ đó có trách nhiệm của Quốc hội, vì sao khi thảo luận về luật Phòng, chống tham nhũng nhiều vị đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội đã can rằng không nên giao trách nhiệm đứng đầu cơ quan này cho cơ quan hành pháp, thế mà chính Quốc hội chúng ta lại thông qua luật để tới nay lại phải sửa lại?

Vì sao từ nhiệm kỳ trước Quốc hội, tôi đã thấy các vị đại biểu nêu lên sự cần thiết phải xây dựng luật nhằm quản lý và phát huy vốn của Nhà nước, Quốc hội vẫn chưa tiếp thu? Vì sao khi xảy ra những vụ việc như Tiên Lãng - Hải Phòng, Văn Giang - Hưng Yên chẳng thấy Quốc hội sớm vào cuộc? Tại sao xảy ra hiện tượng người Trung Quốc nuôi cá ngay địa bàn quân sự Cam Ranh, người phát hiện chỉ là báo chí? Tất cả các bản báo cáo ngân sách Chính phủ trình Quốc hội đều cho qua thì sự thất thoát ngân sách lớn như thế có trách nhiệm của Quốc hội không?

Khi nói đến Quốc hội, tôi cũng ý thức được rằng trong đó có cả chính mình. Từ những ý kiến trên, tôi kiến nghị các bản báo cáo mỗi kỳ họp của Quốc hội, của Chính phủ ngoài phần báo cáo như cách viết hiện nay, Quốc hội cần hướng việc giám sát vào những vấn đề nổi bật gắn với tầm điều hành vĩ mô của Chính phủ để thấy những tiến bộ của Chính phủ sau mỗi kỳ họp thông qua đánh giá việc thực hiện những mục tiêu lớn và dài hạn.

Cuối cùng, tôi xin nhắc lại lời của người xưa đúc kết về thuật trị nước, đó là câu đối thời hậu Lê Hoàng Ngũ Phúc và một thời kỳ lịch sử rối ren ông đã nhắc nhở: "Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác".

Thử đặt ra một câu hỏi vào thời điểm này khi nhiễu sự liệu dân có ra gánh vác như những thời kỳ đầy thử thách trong quá khứ lịch sử oai hùng của chúng ta không? Đặt câu hỏi đó Chính phủ sẽ thấy nhiều việc cần phải làm.

ĐBQH Dương Trung Quốc

Các chữ màu đỏ do tôi nhấn mạnh - TK
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thiềng Đức

-Xin xía vô chuyện này một tí...


Suy tư linh tinh về chữ Phi

Phi là trái với... là không đúng
“Phi trí bất hưng” phải diệt vong
Phi nghĩa chỉ còn đường chết chắc
“Phi nông bất ổn”... chạy lòng vòng*

         “Phi công bất phú” do anh giỏi
Phi ngã... cái không phải của ta
Phi đại gia... em còn xét lại
“Phi thương bất hoạt”... sĩ nông thua...

Thiềng Đức 1/2/2011
(Nhân đọc sách thánh hiền)
* hết gạo chạy rong...
------------------------------
-Thánh hiền TQ dạy...

“Phi trí bất hưng”
“Phi nông bất ổn”
“Phi công bất phú”
“Phi thương bất hoạt”
-Một chân lí đã "ngộ" ra và tôn thờ:
"Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ Tài"
Nguyễn Du
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hoa hậu bán dâm, thầy ném "phao": Trẻ học ai?



(VnMedia) - Tuần qua, liên tiếp hai vụ việc tiêu cực liên quan đến những “giới” có ảnh hưởng nhiều đến thế hệ học trò đã xảy ra: Người mẫu, hoa hậu bán dâm và thầy, cô giáo tự tay ném “phao” cho học sinh quay cop... Đây quả là điều đáng lo  ngại cho những đứa trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường...



Hoa hậu, người mẫu: Không thể cần tiền là bán dâm!

Liên tiếp những vụ hoa hậu, người mẫu kiêm diễn viên bị bắt quả tang hoặc bị phanh phui có liên quan đến đường dây mại dâm bị phát hiện trong tuần qua khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi dù chỉ là người mẫu hạng xoàng hay hoa hậu tỉnh lẻ, thì họ cũng được mang danh là người của công chúng.

Hãy thử hỏi một bé gái, xem ước mơ của bé sau này lớn lên là làm gì, chắc chắn nhiều bé sẽ nói rằng, bé muốn làm người mẫu hay hoa hậu. Còn nếu quan sát những bé gái lớn hơn, trong độ tuổi teen, sẽ thấy tràn ngập trong cặp sách, trong phòng riêng... những tấm hình của người mẫu, ca sĩ, diễn viên và hoa hậu.

Đối với các em, những tâm hồn non nớt, những hình ảnh đẹp đẽ không thể mang bên trong một nhân cách “bẩn”. Các em thần tượng họ, bởi các em chỉ nhìn thấy những khuôn mặt xinh đẹp, những nụ cười rạng rỡ, những bước đi đầy mê hoặc trên sàn diễn, những lời hứa “có cánh” khi đăng quang...

Chính vì vậy, nhân cách của người mẫu, diễn viên hay hoa hậu có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ “tuổi teen”.

Có vị đại biểu Quốc hội nói, mại dâm “gắn với sự tồn tại của xã hội từ khi loài người sinh ra.”, và “đừng nhìn nhận nó với góc độ tệ nạn và tội phạm mà nên quản lý có khuôn khổ, có địa điểm, có thu thuế”. Điều này còn phải tranh luận, bàn cãi vì có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng cho dù đến lúc xã hội Việt Nam chấp nhận mại dâm là một nghề, thì người chọn cách kiếm tiền bằng nghề bán dâm sẽ không được phép khoác trên mình cái danh “người của công chúng”.

Thầy giáo ném phao: Khủng hoảng lòng tin!
Ngay khi những vụ hoa hậu, người mẫu bán dâm còn đang trong quá trình điều tra và vẫn còn nhiều “chân dài” khác đang có nguy cơ bị vạch mặt thì vụ clip ném và sử dụng phao thi tại hội đồng thi Đồi Ngô (Bắc Giang) lại khiến dư luận “sôi sùng sục”.

So sánh thì có vẻ khập khiễng, nhưng cũng như chuyện bán dâm có từ đời nảo đời nào, thì chuyện học sinh quay cop cũng không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, việc thầy cô giáo, giám thị coi thi ngang nhiên ném bài, tổ chức cho học sinh quay cop tự do và đặc biệt, bị quay clip để tung lên mạng thì có lẽ đây là lần đầu tiên xuất hiện.

Điều đáng nói là, trong một phòng thì, người bị để ý, giám sát phải là thí sinh, còn người canh chừng để các em không mắc sai phạm là những giáo viên, thì ngược lại, trong vụ việc này, học sinh chính là người quay lại cảnh vi phạm trắng trợn của một số thầy cô giáo và giám thị.

Chắc chắn, điều này đã diễn ra từ lâu, kéo dài và công khai đến nỗi khiến chính học sinh cũng phải bức xúc. Đừng ai bao biện rằng, họ làm như thế là vì học sinh, là vì “thương” các em 12 năm đèn sách. Nếu họ thương các em thực sự, thì họ phải bằng tri thức, bằng tâm huyết của mình, đưa kiến thức đến cho các em, để các em sau này có thể dùng kiến thức ấy mà lập thân. Nếu họ thương các em, thì họ phải dùng nhân cách của mình để dạy các em làm người, để các em ra đời thì ngẩng cao đầu, và khi quay lại thì kính cẩn với thầy cô.

Nhưng ở đây, họ làm điều đó là vì thành tích của chính họ, của những người lớn, những thầy cô mà tỷ lệ đỗ của trường sẽ đem lại danh tiếng, lời khen cho chính họ: tỷ lệ đỗ năm nào cũng cao!

Chỉ có các em và gia đình mình là thiệt thòi, bởi lẽ, 12 năm các em vất vả đến trường, cũng là 12 năm cha mẹ phải nai lưng kiếm tiền nuôi con ăn học. Nào tiền ăn, tiền mặc, nào tiền học phí, tiền sách vở, rồi thì tiền học thêm học nếm. Đó là còn chưa kể đến những khoản tiền Tết cô, Lễ thầy (nếu có)… Để rồi bây giờ con cái họ học được điều gì?

Kiến thức ư? Chưa chắc. Bởi nếu các em học được kiến thức thì vì lẽ gì các em phải trông chờ vào mấy tờ phao? Kỹ năng sống, đạo đức làm người ư? Càng mơ hồ hơn, bởi các em đang bị ảnh hưởng bởi “kỹ năng” lừa dối, đối phó.

Những người thầy, đáng lẽ phải là tấm gương để các em soi vào mà học làm người, thì lại đang có những cách hành xử thiếu trung thực với cấp trên, với xã hội để che đi cái kết quả dạy học kém cỏi và để khoe một thứ thành tích ảo.

Một danh nhân đã nói: “Giáo dục sẽ vô hiệu nếu không có gương mẫu”. Và như vậy, sẽ cực kỳ tai hại nếu người làm giáo dục lại nêu một tấm gương xấu trước mắt học trò.

Xã hội đang có những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức, và người ta đổ nó cho cơ chế thị trường. Tuy nhiên, không có cơ chế nào cho phép bất cứ ai mang danh người của công chúng hay đứng trên bục giảng mà lại có những hành vi làm vấy bẩn tâm hồn trong trắng, làm tổn thương đến những ước mơ đẹp đẽ của các em.

Mỹ Hạnh
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Trẻ học người lớn, đặc biệt là học thấy cô và những người nổi tiếng chứ còn biết học ai .
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

van2011

Vodanhthi đã viết:

Hoa hậu bán dâm, thầy ném "phao": Trẻ học ai?


Mỹ Hạnh
Trẻ học sách ngoài luồng bác ạ!

http://i1075.photobucket.com/albums/w422/haiyp/chnhtar222.jpg
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Việt Nam cần sẵn sàng cho chiến tranh mạng

Bài đăng trên Tuần VietNamNet 12/6/2012 06:30

Gần đây, thông tin về sâu máy tính Flame có những khả năng gián điệp tinh vi hoành hành ở khu vực Trung Đông suốt 5 năm qua đã làm cho mối quan ngại về nguy cơ diễn ra các cuộc chiến tranh mạng hay xâm hại an ninh quốc gia thông qua không gian ảo ngày càng trở nên sâu sắc.

Trước đó, theo tờ The New York Times, sâu Stuxnet, một sản phẩm hợp tác giữa các cơ quan an ninh Israel và Mỹ, đã thành công trong việc chiếm quyền điểu khiển suốt một thời gian dài các máy tính vận hành các máy ly tâm có nhiệm vụ tinh chế uranium tại nhà máy hạt nhân Natanz của Iran. Sâu Stuxnet được cho là đã thành công trong việc phá hỏng hàng trăm máy ly tâm ở cơ sở hạt nhân này bằng cách thay đổi tốc độ vận hành của máy, gây thiệt hại không nhỏ cho chương trình hạt nhân của Iran.

Chiến trường internet và an ninh quốc gia

Sâu Flame hay Stuxnet là những ví dụ điển hình cho thấy mạng internet ngày càng trở nên khắc nghiệt, và không gian ảo giờ đây đã trở thành một chiến trường mà ở đó các quốc gia cũng cần dành sự quan tâm thích đáng để có thể bảo vệ an ninh và sự thịnh vượng cho chính mình. Không như chiến trường thực tế, chiến trường trên không gian mạng không hề có tiếng súng nhưng tác động và sức tàn phá của nó không hề thua kém các loại vũ khí, bom đạn thông thường, như phát biểu gần đây của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ William Lynn rằng: "Trong thế kỷ thứ 21, bit và byte có thể nguy hiểm như bom đạn vậy. Chỉ cần gõ bàn phím ở một quốc gia cũng có thể tác động đến phần còn lại của thế giới chỉ trong chớp mắt".

Quan trọng hơn, các cuộc tấn công trên không gian mạng vốn không có biên giới rất khó phát hiện, và nếu phát hiện ra cũng khó truy lùng nguồn gốc và quy trách nhiệm. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ cũng làm cho các thách thức và nguy cơ từ internet đối với an ninh của các quốc gia ngày càng phức tạp hơn. Tất cả những điều này làm cho chủ quyền và an ninh của các quốc gia trên không gian mạng trở nên mong manh, dễ vỡ hơn bao giờ hết.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/06/11/16/20120611164556_2.jpg
Ảnh minh họa



Đối mặt với tình hình đó, các quốc gia đã có những biện pháp khác nhau nhằm một mặt tăng cường bảo vệ an ninh thông tin của quốc gia mình, mặt khác tìm cách khai thác các công cụ trên internet để làm suy yếu an ninh của các quốc gia khác khi cần. Nhiều quốc gia như Mỹ, Úc... đã cho ban hành Chiến lược quốc gia về an ninh mạng. Trong khi đó, Trung Quốc đã thiết lập đội đặc nhiệm an ninh mạng để đối phó với các cuộc tấn công từ internet. Tuy nhiên, cũng có các cáo buộc cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang sử dụng những "chiến binh mạng" này để tiến hành các cuộc tấn công trên internet nhằm vào các quốc gia khác, đặc biệt là để phục vụ mục đích thu thập thông tin tình báo quân sự và thương mại.

An ninh thông tin tại Việt Nam

Từ khi Việt Nam chính thức kết nối với mạng internet toàn cầu vào cuối năm 1997, internet ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò sâu rộng trong mọi mặt đời sống của đất nước. Điển hình như việc số lượng website cũng như tỉ lệ dân số sử dụng internet tại nước ta đã tăng mạnh trong vòng hơn mười năm qua. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và cải cách hành chính cũng đã đạt được những kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ này của internet là nguy cơ ngày càng tăng của các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là nhắm vào các cơ quan nhà nước. Ví dụ, có báo cáo cho thấy trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 đã có hàng ngàn website tại Việt Nam bị đánh sập, trong đó bao gồm cả các website của các cơ quan nhà nước như cổng thông tin điện tử của các tỉnh Nam Định hay Hậu Giang. Việc một quốc gia có nền công nghệ khá tiên tiến như Iran đã bị sâu Stuxnet xâm nhập vào hạ tầng thông tin của một cơ sở an ninh trọng yếu suốt một thời gian dài cho thấy ở một quốc gia như Việt Nam, việc mạng máy tính của các cơ quan nhà nước, kể cả các cơ quan trọng yếu, bị tin tặc nước ngoài xâm nhập là một khả năng không phải khó hình dung. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ an ninh thông tin, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước trọng yếu, trở thành một vấn đề hết sức quan trọng ở nước ta.

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước ở nước ta đang gặp những thách thức không nhỏ. Đầu tiên, vấn đề ngân sách hạn chế gây khó khăn cho việc đầu tư thích đáng vào các giải pháp kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao khả năng bảo mật. Thứ hai, chính sách tiền lương hiện tại khó thu hút được những chuyên viên kỹ thuật giỏi, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực bảo mật, vào làm việc cho các cơ quan nhà nước. Thứ ba, ý thức từ các nhà lãnh đạo cho đến các chuyên viên trong các cơ quan nhà nước về vấn đề bảo mật và an toàn thông tin nhìn chung còn chưa cao. Thứ tư, các biện pháp của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm giải quyết vấn đề an ninh thông tin ở cấp quốc gia còn thiếu bài bản, đồng bộ và hệ thống.

Một số giải pháp

Việt Nam cần có những biện pháp, chính sách phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề này trên tinh thần an ninh thông tin chính là linh hồn và nền tảng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước. Nếu không có an ninh thông tin, hạ tầng thông tin sẽ trở thành con dao hai lưỡi, có thể trực tiếp gây phương hại đến an ninh quốc gia.

Thứ nhất, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho việc đảm bảo an ninh thông tin ở các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan trọng yếu về an ninh quốc gia, trên cả phương diện cơ sở vật chất lẫn con người. Các cơ quan cần được trang bị các thiết bị và phương tiện bảo mật phù hợp với mức độ nhạy cảm của thông tin mà họ xử lý, đồng thời có chính sách đặc biệt để thu hút những chuyên gia quản trị mạng, chuyên gia bảo mật giỏi... vào làm việc. Điều này rất quan trọng khi mà hiện tại những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này nếu làm việc ở khu vực tư nhân hay nước ngoài có thể có được thu nhập gấp nhiều lần so với khi làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Thứ hai, cần có biện pháp giáo dục và nâng cao nhận thức về an ninh thông tin cho không chỉ các chuyên viên mà cả lãnh đạo các cấp của các cơ quan thông qua các khóa tập huấn. Các lãnh đạo có nhận thức tốt về an ninh thông tin sẽ có các quyết định phù hợp nhằm đảm bảo an ninh thông tin cho cơ quan, bao gồm việc ban hành và thực thi các chính sách bảo mật, cũng như khi xem xét các khoản đầu tư cho việc đảm bảo an ninh thông tin. Trong khi đó, việc giáo dục ý thức bảo vệ an ninh thông tin cho nhân viên các cơ quan nhà nước cũng hết sức quan trọng, bởi ngay cả khi đã có các giải pháp kỹ thuật hoàn hảo thì con người vẫn là mắt xích yếu nhất trong việc đảm bảo an ninh thông tin. Ví dụ, việc click vào một đường link trong một email lạ, truy cập một trang web đen, hay công bố email cơ quan hoặc thông tin về nơi làm việc trên các trang mạng xã hội... đều là những việc làm có thể uy hiếp an ninh thông tin của một cơ quan. Đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần đưa chương trình giáo dục về an ninh thông tin vào chương trình đào tạo tiền công chức, và buộc các công chức mới ký cam kết tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm an ninh thông tin trước khi tham gia làm việc tại cơ quan.

Thứ ba, chính phủ cần sớm ban hành chiến lược quốc gia về an ninh thông tin để định hướng cho việc đảm bảo an ninh thông tin không chỉ trong lĩnh vực nhà nước mà cả lĩnh vực tư nhân. Ngoài ra, Chính phủ cần xác định một cơ quan đầu mối nhằm thực hiện thống nhất và hiệu quả chính sách quốc gia về an ninh thông tin, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước. Ví dụ ở Australia, Cơ quan Thám báo Quốc phòng (Defense Signal Directorate - DSD) thuộc Bộ Quốc phòng được giao là cơ quan đầu mối đảm bảo an ninh mạng cho Australia. DSD đã xây dựng Sổ tay An ninh Thông tin (Information Security Manual), trong đó xác lập các tiêu chuẩn kỹ thuật (thiết bị, thiết kế...), hay các quy trình, chính sách... liên quan đến an ninh thông tin áp dụng bắt buộc cho các cơ quan thuộc chính phủ liên bang. DSD cũng là cơ quan đầu mối giám sát và hợp tác quốc tế về an ninh thông tin quốc gia, đưa ra các cảnh báo về nguy cơ trên mạng, đồng thời hỗ trợ các cơ quan đối phó hoặc điều tra các cuộc tấn công mạng. Đây cũng là mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo và học tập.

Việc Bộ Quốc phòng Việt Nam hiện tại là một trong số ít các cơ quan cấp bộ ở Việt Nam cũng như các Bộ Quốc phòng trên thế giới không có website là một thực tế ít người biết nhưng không đáng ngạc nhiên. Khi mà các mối đe dọa trên mạng ngày càng nhiều nhưng khả năng bảo mật còn hạn chế thì việc một cơ quan trọng yếu về an ninh quốc gia lựa chọn đứng ngoài môi trường internet là một điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn tốt nhất trong một thế giới mà internet ngoài những mặt tiêu cực còn có thể mang lại những tác dụng tích cực to lớn. Trường hợp của Bộ Quốc phòng cũng là một ví dụ điển hình cho thấy Việt Nam còn nhiều việc phải làm để nâng cao hơn nữa an ninh thông tin và sẵn sàng cho một tương lai nơi mà internet vừa là một phần không thể thiếu của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội đất nước, vừa có thể là một mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh quốc gia.

Lê Hồng Hiệp

*Lê Hồng Hiệp là Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM, và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học chính trị tại Đại học New South Wales, Australia.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Những chiếc đồng hồ của Putin

Huỳnh Văn Úc

http://www.saga.vn/Saga_Gallery/CongNghe-Maytinh/clock_putin.JPG
Tùy theo sở thích cá nhân người ta có thể tạo cho mình một bộ sưu tập. Nghề chơi cũng lắm công phu. Người này thích chơi tem, người khác lại thích chơi đồ cổ. Ông Leonid Brejnev cựu lãnh tụ thời Liên Bang Xô Viết là người ham mê ô tô và có cả một bộ sưu tập xe trong đó có một số chiếc được coi là độc nhất vô nhị thời đó. Ông Putin là người thích sưu tập đồng hồ. Người thuận tay phải đeo đồng hồ ở tay trái. Ông Putin cũng là người thuận tay phải nhưng lại đeo đồng hồ trên tay phải của mình. Bộ sưu tập của ông gồm những chiếc Patek Philippe - tinh hoa của đồng hồ Thụy Sĩ, A.Lange & Sohne Tourbograph của Đức và nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khác. Tính theo tiền Nga bộ sưu tập đồng hồ của ông Putin trị giá 22 triệu rúp ( theo echo.msk.ru ). Hai mươi hai triệu rúp tiền Nga nó to ngần nào? Một đô la Mỹ ăn 32 rúp vị chi hai mươi hai triệu rúp tiền Nga quy ra đô la Mỹ là 687.500 USD. Chưa đến một triệu đô, chuyện nhỏ như con thỏ. Nhưng nếu ta biết tiền lương ông Putin lĩnh trong một năm thì chuyện không nhỏ tí nào. Ông Putin khai báo thu nhập chính thức từ tiền lương thủ tướng nước Nga của ông trong năm 2011 là 3.662.000 rúp. Như vậy để có được bộ sưu tập đồng hồ 22 triệu rúp ông phải 6 năm liền không ăn, không uống, không mua sắm quần áo, không cả thỉnh thoảng cho tiền hai cô con gái mua quà. Tội nghiệp ông Putin quá!
Tôi viết đến đây thì bạn tôi đến chơi nhà. Anh viết cái gì đấy? . Viết về ông Putin . Hắn cầm bài viết của tôi xem qua rồi ném toẹt xuống bàn:
- Thế mà cũng đòi biết và viết. Về mặt chính thức ông Putin không phải là triệu phú đô la. Điện Kremlin khẳng định rằng theo như kê khai ông Putin có trong sổ tiết kiệm khoảng 180 nghìn USD, một căn hộ 75 mét vuông ở Saint-Petersbourg, một căn hộ khác nhỏ hơn ở Matxcơva. Ông ấy kê khai như thế để tạo dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn và liêm khiết. Nhưng trên thực tế thì ngược lại, ông Putin là chính khách giàu nhất thế giới vào thời điểm hiện tại. Ông ấy đầu tư số tiền lên tới 40 tỷ USD của mình vào hai Công ty năng lượng Gazprom, Surgutneftegaz và Công ty dầu mỏ Gunvor. Mà càng giàu có thì ông Putin càng trở nên khó tính. Sau khi đắc cử tổng thống nhiệm kỳ ba ông ấy phê chuẩn Luật biểu tình mới theo đó người Nga vi phạm trật tự khi đi biểu tình có thể bị phạt tiền tương đương tiền lương cả năm. Nói cụ thể hơn, người tham gia biểu tình bị phạt 300.000 rúp (9.375 USD), mức tiền phạt đối với người tổ chức biểu tình là 600.000 rúp (18.750 USD). Mà thế nào là vi phạm trật tự khi đi biểu tình ? Khó định nghĩa lắm. Ông Putin nói luật này nhằm bảo vệ người Nga trước chủ nghĩa cực đoan nhưng phe đối lập lên án rằng luật muốn uy hiếp tinh thần của giới trung lưu. Ông Putin cũng là người ghét cay ghét đắng Internet, coi nó là một hình thức giải trí phù phiếm được sử dụng bởi những kẻ đồi trụy, vì vậy mà cảnh sát Matxcơva đã khám xét tư gia của các blogger nổi tiếng như Alexei Navalny, Sergei Udaltsov và Ilya Yashin. Những người này bị cáo buộc có liên quan đến cuộc biểu tình xảy ra hôm đầu tháng 5/2012...
Nghe bạn tôi thuyết giáo dài dòng một hồi, tôi hỏi thêm một câu:
- Theo như anh nói thì ông Putin còn giàu hơn cả tổng thống Mỹ?
- Barack Obama thì nhằm nhò gì! Ông ấy chỉ dám đeo một chiếc đồng hồ bình dân vỏ bằng thép không rỉ và dây đeo bằng da trâu giá 50 đô la. Cựu tổng thống Bill Clinton đeo chiếc đồng hồ hiệu Timex Triathlon giá cũng chỉ 50 đô la. Cựu tổng thống George W. Bush cũng thế, chiếc đồng hồ mà ông ấy yêu thích hiệu Timex Indiglo Watch giá 50 đô la. Sao mà họ khéo bảo nhau thế! Những chiếc đồng hồ đeo tay của tổng thống giá chỉ 50 đô la.
Hay thật! Nhờ có người bạn đến chơi nhà mà từ câu chuyện những chiếc đồng hồ tôi hiểu ra được nhiều điều về ông Putin.
....

Có lẽ chỉ có mỗi cụ Hồ một lòng vì dân vì nước, không tích cóp tài sản  cho mình như những ông nọ bà kia.(TTT)
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

“Các em chẳng có gì đặc biệt”



TTO - Phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ) tuần trước, giáo viên tiếng Anh David McCollough Jr đã gây sốc khi nói thẳng: “Các em chẳng có gì đặc biệt”.

http://dantri4.vcmedia.vn/i:vtfPRccccccccccccodZ/Image/2012/06/phat-bieu_63428/giao-vien-david-mccollough-r-khi-doc-bai-dien-van-gay-soc-anh-the-swellesley-report.jpg
Giáo viên David McCollough Jr khi đọc bài diễn văn gây sốc. (Ảnh: The Swellesley Report)



Thế nhưng, bài phát biểu của David McCollough lại được nhiều tờ báo và hãng tin Mỹ đăng tải, và thu hút được hàng chục ngàn comment (bình luận) trên mạng Internet, phần lớn đều ủng hộ thông điệp của ông McCollough.

Trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp năm 2012, thay vì lặp lại những câu sáo mòn như “Chúng tôi rất tự hào về các em”, “Các em rất tài năng”, “Thế giới là của các em”..., ông McCollough đưa ra một thông điệp mà giới truyền thông Mỹ mô tả là “Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực”.

Wellesley High là trường công nổi tiếng ở thị trấn giàu có Wellesley, có truyền thống lâu đời và từng sản sinh nhiều nhân tài cho nước Mỹ. David McCollough Jr là con trai của nhà sử học - nhà văn David McCollough, người từng đoạt giải thưởng Pulitzer.

Trước các học sinh của mình đang xúng xính trong bộ đồng phục tốt nghiệp giống nhau, đang háo hức cầm trên tay tấm bằng, McCollough dõng dạc nói rằng “Các em chẳng có gì là đặc biệt”, “chẳng có gì là phi thường”! Một gáo nước lạnh như được giội xuống mọi thành tích vẻ vang của trường!

Được chăm bẵm quá mức
Trước bao ánh mắt mở to sửng sốt, McCollough điềm nhiên nói tiếp: “Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng... cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ.

Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười tỏa sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và giờ các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Không có chuyện đó đâu nhé!”.

Đến đây, McCollough dẫn các học sinh vào một hiện thực đang chờ đợi mình. “Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu của các trường, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên... Nhưng tại sao lại tự giới hạn chúng ta ở trường trung học thôi? Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn toàn cảnh. Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệ mặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Các nhà thiên văn đã khẳng định vũ trụ không có trung tâm đâu, do đó các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì”.

McCollough dẫn dắt tiếp: “Người Mỹ chúng ta giờ đây yêu các danh hiệu hơn là những thành công thật sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực, hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị trí tốt hơn trong xã hội... Hậu quả là chúng ta đang coi rẻ các trải nghiệm đáng giá, thế nên việc xây dựng một cơ sở y tế ở Guatemala trở thành chìa khóa để chạy xin vào học tại Bowdoin (học viện nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ) hơn là việc này vì cuộc sống của người dân Guatemala”.

Hạnh phúc không tự tìm đến
McCollough nhấn mạnh mục tiêu thật sự của giáo dục không phải đem lại lợi thế vật chất mà là sự hiểu biết, yếu tố quan trọng của hạnh phúc. “Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có”.

Sau khi khuyên các học sinh hãy tiếp tục đọc sách thường xuyên, phát triển ý thức về đạo đức, khẳng định cá tính, dám ước mơ, làm việc chăm chỉ và tư duy độc lập, yêu những người mình yêu hết mình, McCollough nhắc nhở: “Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực, chứ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống vì các em là người tốt hay vì cha mẹ đưa đến tận tay các em.

Các em hãy nhớ rằng những người tạo dựng nên nước Mỹ đã nỗ lực đảm bảo quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu là một động từ, và tôi nghĩ các em sẽ không có nhiều thời gian để nằm ườn một chỗ xem mấy trò nhảm nhí trên YouTube. Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay”.

Kết thúc phát biểu của mình, ông McCollough nhắn nhủ các học sinh hãy tự chủ, độc lập, sáng tạo không vì sự thỏa mãn do hành động đó mang lại, mà vì những điều tốt đẹp nó đem đến cho người khác. “Và khi đó, các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống. Đó là lòng vị tha, sống vì người khác, và đó là điều tuyệt vời nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt”.

SƠN HÀ (Theo The Swellesley Report)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Họ giáo dục con cháu họ như vậy đấy . Còn chúng ta ????!!!!!!
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Bác Thái, chúng ta đây:

Ai mới thật đặc biệt?

Bài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị Ngày 13.06.2012, 09:44 (GMT+7)

SGTT.VN - Sau bài phát biểu “Các em chẳng có gì đặc biệt” của một giáo viên trung học Mỹ, trên mạng xuất hiện bài viết sau của một học sinh ẩn danh Việt Nam:

“Xem xong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp trung học Wellesley High bang Massachusetts, chúng em nhiệt liệt hoan nghênh tác giả David McCollough Jr vì quả là chúng em có gì đặc biệt đâu, chính người lớn mới thật đặc biệt!

Chúng em quay cóp, gian lận thi cử thì bị lên án, còn thầy cô bao năm nay vì chạy theo thành tích mà không cho phép tụi em được rớt, được ở lại lớp: đặc biệt quá đi chứ!

Sách giáo khoa nào cũng nhan nhản những câu “Trên kính dưới nhường”, “Thương người như thể thương thân”, nhưng đâu phải trẻ con chúng em chen nhau giật ấn, đạp đổ cổng trường? Đặc biệt quá đi chứ!

Chúng em được dạy phải bảo vệ môi trường, nhưng quán nhậu nào cũng treo bảng giới thiệu món ngon từ chồn cheo, nai gấu, trăn rùa... Thực khách là ai nếu không phải người lớn? Đặc biệt quá đi chứ!

Đâu đâu cũng trưng khẩu hiệu “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”, nhưng ai tạo ra cho chúng em những khoản nợ khổng lồ phải trả mai sau do quản lý yếu kém, do làm ăn thất bát, do tham nhũng? Đặc biệt quá đi chứ!

Nước nghèo không thể tự lo chuyện đường sá, cầu cống, môi trường... nên người ngoài thương tình bỏ tiền vào giúp, thế mà họ giúp ba đồng người lớn đã lượm mất một đồng: đặc biệt quá đi chứ!

Còn bao thứ đặc biệt ở người lớn, nhưng sực nhớ người lớn chém gió thế nào cũng được, còn chúng em vừa bày tỏ một chút chủ kiến thì đã bị kêu rùm là “văn lạ”, nên thôi không viết nữa!”

Người già chuyện
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [50] [51] [52] [53] [54] [55] [56] ... ›Trang sau »Trang cuối