15.00
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong
Thời kỳ: Nguyễn
2 bài trả lời: 1 bản dịch, 1 bình luận

Đăng bởi Vanachi vào 14/12/2018 17:20

贈覺林圓光禪師

憶昔太平時,
鹿洞方盛美。
釋迦教興崇,
林外祖富貴。
我爲燒香僮,
師作持戒士。
雖外分青黄,
若默契心志。
風塵識良朋,
世界入餓鬼。
萍梗任浮沈,
泡影等生死。
奄四十餘年,
恍瞬息間事。
西郊適閒行,
山門偶相値。
我協辨鎮公,
師大和尚位。
執手擬夢魂,
談心雜驚悸。
往事何足論,
大道合如是。

 

Tặng Giác Lâm Viên Quang thiền sư

Ức tích thái bình thì,
Lộc Động phương thịnh mỹ.
Thích Ca giáo hưng sùng,
Lâm ngoại tổ phú quý.
Ngã vi thiêu hương đồng,
Sư tác trì giới sĩ.
Tuy ngoại phân thanh hoàng,
Nhược mặc khế tâm chí.
Phong trần thức lương bằng,
Thế giới nhập ngạ quỷ.
Bình ngạnh nhiệm phù trầm,
Bào ảnh đẳng sinh tử.
Yểm tứ thập dư niên,
Hoảng thuấn tức gian sự.
Tây giao thích nhàn hành,
Sơn môn ngẫu tương trị.
Ngã Hiệp biện trấn công,
Sư Đại hoà thượng vị.
Chấp thủ nghĩ mộng hồn,
Đàm tâm tạp kinh quý.
Vãng sự hà túc luân (luận),
Đại đạo hợp như thị.


Bài thơ được Nguyễn Liên Phong in trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, không thấy ghi đầu đề, được chép từ nguyên bản thủ bút (nay không còn) của tác giả lưu giữ tại chùa Giác Lâm (nay ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), không có trong Cấn Trai thi tập.

Lạc khoản: “Khâm sai Lại bộ Thượng thư hành Gia Định thành Hiệp Tổng trấn sự An Toàn hầu Trịnh Cấn Trai đề” 欽差吏部尚書行嘉定城協總鎮事安全侯鄭艮齋題.

Trịnh Hoài Đức và sư Viên Quang vốn là bạn bè. Theo thông tin từ một nguồn khác, bài thơ được Trịnh Hoài Đức tặng khi hai người gặp nhau ở chùa Tập Phúc tại Biên Hoà.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Cao Tự Thanh

Nhớ thuở thái bình xưa
Đồng Nai vừa thịnh mỹ
Đạo Thích được tôn sùng
Nhà ngoại còn phú quý
Ta làm trẻ dâng hương
Sư là người giữ giới
Áo tuy chia xanh vàng
Lòng vẫn chung ý khí
Bạn giỏi xót phong trần
Quỷ đói ngập thế giới
Bọt nước chuyện mất còn
Bèo hoang phận chìm nổi
Trải hơn bốn mươi năm
Mà như không mấy đổi
Đồng tây rảnh dạo quanh
Cửa núi chợt gặp lại
Ta Hiệp trấn thành này
Sư Hoà thượng ngôi ấy
Cầm tay tựa mơ mòng
Mở lòng còn run rẩy
Chuyện xưa nói làm gì
Đạo lớn thảy như vậy

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Về bài thơ của Trịnh Hoài Đức tặng Hoà thượng Viên Quang

Là một Tổ đình nổi tiếng của Phật giáo ở đồng bằng Nam Bộ từ thời Đàng Trong, chùa Giác Lâm cũng là một địa điểm bước vào lịch sử phát triển văn hoá của cộng đồng Việt Nam ở địa phương từ rất sớm. Trên phương diện văn chương, ngôi chùa này còn là nơi chứng kiến sự ra đời đồng thời là nơi lưu giữ bài thơ ngũ ngôn cổ phong tặng Hoà thượng Viên Quang bằng chữ Hán của Trịnh Hoài Đức, bài thơ không thấy có trong tập Cấn Trai thi tập được chính ông cho khắc in năm 1819 nhưng lại là một tác phẩm đặc sắc của nhà thơ vẫn được coi như người đứng đầu nhóm Gia Định tam gia.

Chín mươi năm sau khi Cấn Trai thi tập được ấn hành, bài thơ nói trên mới bắt đầu được phổ biến với bản sao của Nguyễn Liên Phong có kèm theo mấy dòng “tiểu dẫn”:

Giác Lâm chùa tổ sơ khai,
Tục kêu Cẩm Đệm lâu dài thạnh sung.
Thuở xưa Hoài Đức Trịnh công,
Viên Quang Hoà thượng cũng đồng bạn chơi.
Kẻ Vương người Phật theo đời.
Khi sau hội ngộ có lời tặng ngôn.
Một bài cổ điệu ngũ ngôn,
Trịnh công thủ bút thuyền môn rõ ràng
(Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Phát Toán, Sài Gòn, 1909, quyển I, tr. 28 - nguyên văn chữ Hán)
Sau đoạn giới thiệu trên, Nguyễn Liên Phong đã chép lại nguyên văn chữ Hán của bài thơ với hàng mở đầu “Ngũ ngôn cổ diệu thi vân”, kế tới bài thơ gồm 22 câu 5 chữ, cuối cùng là hàng lạc khoản “Khâm sai Lại bộ Thượng thư hành Gia Định thành Hiệp Tổng trấn sự An Toàn hầu Trịnh Cấn Trai đề”. Chưa biết thủ bút của Trịnh Hoài Đức ở chùa Giác Lâm là viết trên giấy, trên vải hay trực tiếp trên tường, song chắc chắn là đến đầu thế kỷ XX thì nó vẫn còn để Nguyễn Liên Phong có thể trực tiếp sao chép và mô tả. Và tuy hiện nay bản gốc của bài thơ đã không còn nữa, nhưng chắc chắn Nguyễn Liên Phong không phải là người duy nhất lúc ấy được đọc nó từ chính thủ bản của Trịnh Hoài Đức, nên mức độ chính xác của văn bản mà ông giới thiệu năm 1909 là một vấn đề không cần phải đặt ra. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Nguyễn Liên Phong không hề nhắc tới nhan đề chính thức của bài thơ nói trên, nên những tên gọi loại như Tặng ngôn, Tặng Viên Quang Đại Lão Hoà thượng... mà một số người trước nay vẫn gán cho nó cho dù có ít nhiều hợp lý cũng không hề có cơ sở về mặt văn bản.

Dĩ nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội dung bài thơ. Mặc dù chỉ là lời “tặng ngôn” giữa hai người bạn xa cách lâu ngày tình cờ gặp lại, đây không phải là một bài thơ thù tạc hay kỷ niệm thông thường. Vì nó là của một bậc danh nho tặng cho một vị cao tăng, và hơn thế nữa, còn là một tặng phẩm được cả người nhận lẫn giới tăng nhân trân trọng. Không phải ngẫu nhiên mà trải qua hàng trăm năm với mấy phen binh lửa, chùa Giác Lâm vẫn còn giữ được thủ bản của bài thơ này đến tận đầu thế kỷ XX. Và có thể nói rằng đây là một trong những bài thơ thiền hiếm hoi nếu không phải là duy nhất của Trịnh Hoài Đức, một bài thơ mà ý nghĩa nội dung và hình thức chưa được truyền đạt một cách chính xác và trọn vẹn tới người đọc (phần lớn không nắm vững chữ Hán) qua một số bản dịch hiện hành. Chỉ nói về câu chữ, bài thơ này ít ra cũng cần được hiểu như sau:

[Lược bài thơ và bản dịch]

Mở đầu với câu “Nhớ thuở thái bình xưa”, Trịnh Hoài Đức đã theo hoài niệm trở về dĩ vãng, từ tình bạn thuở thiếu thời với Hoà thượng Viên Quang tới cuộc nội chiến thế kỷ XVIII ở Việt Nam trong đó ông vừa là kẻ chứng nhân vừa là người tham dự. Đáng chú ý là cuộc nội chiến ấy lại được ông nhìn cùng lúc bằng con mắt của cả người xuất gia lẫn người nhập thế - dường như ông luôn đưa Hoà thượng Viên Quang đi cùng mình suốt mấy mươi năm loạn lạc, và người bạn tu hành trong tâm tưởng dường như đã đưa ông vào tâm thức Thiền môn... Số phận con người trong chiến tranh là như bọt nước, như cái bóng, còn sự tàn khốc trong cuộc chiến mang bóng hình ngạ quỷ, biểu trưng của nhà Phật về cái ác ở trần gian. Chỉ trong bốn câu “Bạn giỏi xót phong trần... Bèo hoang phận chìm nổi” mà thế giới thanh bình ngày cũ đã tan tành, và bằng cách thức của mình, cả nhà nho lẫn nhà sư ở đây đều cùng phải lên đường để đi theo lý tưởng mà mỗi người đã chọn. Nhưng tác giả là một con người hành động, nên ánh hồi quang dĩ vãng được nhìn qua lăng kính nhà Phật kia chỉ vừa đủ cho người ta chán ghét cái ác chứ không gây ra sự chán ngán cuộc đời. Cho nên, một cách tự nhiên, Trịnh Hoài Đức đã bày tỏ sự quý mến chân thành với người bạn cũ. Đối với ông, việc Hoà thượng Viên Quang đi tu cũng là đi theo một lý tưởng, xuất gia là hành động chứ không phải tu hành chờ giải thoát. Khác với Lương Hiểu Khánh trong bài thơ “Một bầu kinh sử, níp Kim Cương” đề cao nhưng vẫn chia tách đôi đường Nho Thích, với cách nhìn “nhất thị đồng nhân” ấy, Trịnh Hoài Đức đã tỏ ra là một người thực sự nắm vững yếu chỉ Thiền môn.

Đặc biệt, cần nhấn mạnh đến sự đăng đối không chỉ mang ý nghĩa hình thức trong ngôn từ của bài thơ. Dễ nhận ra rằng những câu đối nhau như “Ta làm trẻ dâng hương - Sư là người giữ giới”, “Bọt nước chuyện mất còn - Bèo hoang phận chìm nổi”, “Ta Hiệp trấn thành này - Sư Hoà thượng ngôi ấy”... kéo dài suốt bài thơ không phải chỉ được Trịnh Hoài Đức viết ra theo tập quán thẩm mỹ đơn thuần, mà còn được ông gia công một cách có dụng ý. Cái thế đăng đối về chữ nghĩa ở đây còn góp phần biểu hiện cả sự phân biệt đạo - đời, Nho - Thích, và ngay cả những câu như “Áo tuy chia xanh vàng - Lòng vẫn chung ý khí” cũng hàm chứa một sự phân biệt thân - tâm. Song với bốn câu cuối thì những ranh giới dĩ vãng - hiện tại, kẻ xuất gia - người xuất sĩ... kia đã nhạt nhoà trong một tâm thế khác. Bạn cũ gặp nhau, cầm tay rồi mà còn ngỡ như trong mơ, tình nặng lắm. Nhưng ngay đến lời vô ngôn (đàm tâm) cũng không muốn nói. Vì tình là tình thế nhân, mà tâm là tâm đạt sĩ. Cần gì phải nói khi mà theo con đường mình chọn ngày xưa, cả hai người đều đã đạt? Hai tấm lòng “chung ý khí” ngày xưa giờ cũng chỉ còn là sắc tướng. Ở đây, không mở lời chính là phá chấp. Mở lời, dù là lời vô ngôn, cũng là còn vọng tưởng lấy đạo sánh đạo, tách đạo khỏi đời. Đạo lớn thảy như vậy, là vượt khỏi những hiện tướng nhất thời thì đều vào hoá cảnh ở đó dường như tất cả đều vừa bất trụ thường hoại vừa vô sinh vô diệt. Đạo lớn thảy như vậy, là đều phải sinh hoá theo cái đạo của dòng đời vô cùng vô tận, là vạn pháp quy tông, vạn tông quy nguyên...

Từ một khía cạnh khác, cũng có thể nhận thấy nét độc đáo của bài thơ này trong thơ chữ Hán của Trịnh Hoài Đức. Tình thương nhớ bạn bè đan xen với ký ức về quãng đời hơn bốn mươi năm dồn lại tại một hiện điểm của tâm thế và thời gian đã phá tung tất cả các khuôn mẫu tư duy và cảm xúc quen thuộc nơi ông, buộc ông phải nhận thức nó bằng một thao tác xử lý nhân sinh - nghệ thuật khác hơn, và vì vậy đã đưa ông tới một sát na đốn ngộ. Chính yêu cầu ghi nhận lại chính xác và trọn vẹn cái sát na đặc biệt ấy khiến Trịnh Hoài Đức tìm tới một cách thức đặc biệt cần được người đọc ghi nhận: trong 327 bài thơ chữ Hán in trong Cấn Trai thi tập chỉ có một bài gởi Thượng thư bộ Binh Nguyễn Đăng Hựu về trí sĩ (bài cuối cùng trong quyển Cấn Trai khả dĩ tập) là viết theo thể ngũ ngôn cổ phong.


3-1992
Cao Tự Thanh

Đăng trên Tập văn Phật đản, số 23, 1992.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời