Tôi bị tập thơ “Về người ơi miền hư không” của nhà thơ Trần Tất Tiến cuốn đến đây, và dừng lại với bài thơ cùng tên “Về người ơi miền hư không”. Bài thơ 7 lời tâm sự – 7 khúc trầm tư.
Khúc 1 gửi vào tiếng đàn nàng Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh để giải bầy nỗi thương cảm: “Một phận người mấy phận long đong”.
Khúc 2 gửi vào tiếng chuông chùa thức tỉnh:
“Gọi mê đắm trở về bờ giác
Có âm thanh nào chạm sâu vào lòng người
Như tiếng chuông chùa chiều muộn
Trên cánh đồng một làng quê, bóng tre”
Khúc 3 gửi vào lời nhà tu hành để luận bàn về thế thái nhân tình, về nguyên do thống khổ ở trần gian. Anh tự hỏi tự trả lời:
“Có phải cõi về là vĩnh hằng mang điều kỳ diệu nhất
Đem đến cho đời vẻ đẹp bi tráng và bình đẳng
Đó là khoảnh khắc con người được quý trọng ngang nhau
Không ghen tỵ”
Rồi khái quát:
“Cõi thế vô thường
Trả vay oan gia sám hối
Dù có đến 3 toà lâu đài
con người cũng chỉ có thể ngủ yên trên 1 cái giường mỗi tối”
Khúc 4 gửi lời vào rừng già chim thú, để thổ lộ lòng mình trước đời sống, thiên nhiên: “Nơi những cánh rừng không tên, không bàn chân thú”
Khúc 5 gửi lời vào nhà thơ để chia sẻ với mọi người về giấc mơ hạnh phúc:
“Hạnh phúc ở nơi thái độ
Không phải ở nơi phương tiện
Hạnh phúc cần chi quá nhiều thứ
Sao quá bận lòng”.
Anh lấy lời ai đó nói về giấc mơ của nhà thơ: “Hãy làm cho kiếp người được sống như trong mộng”. Vâng! Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại dân làng Chùa của ông nói rằng “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”.
Khúc 6 gửi vào lời cổ nhân “Tố nhân bất khả hữu ngạo thái, nhiên bất khả vô ngạo cốt” mà bàn về thái độ sống trước thời cuộc. Thói kiêu ngạo thì phải bỏ, nhưng:
“Cái ngạo cốt của con người
Vốn là khát vọng vươn lên
Là hiên ngang khí phách
Như một dân tộc biết ngạo nghễ trước kẻ thù
Như kẻ sĩ ngạo nghễ trước cường quyền đè ngang dân chủ”.
Khúc 7, lời kết của bài thơ:
“Về thôi người ơi miền hư không nhắn nhủ
Hãy về thôi – về với chính con người”.
Vậy là lời cuối cùng thức tỉnh tất cả những ai còn rơi vào cõi mê đắm, hư vô, ngông cuồng, phù phiếm hãy trở về với sự thật bản chất của con người “Để vươn tới những chân trời khát vọng”.
Đến bài thơ trường thiên này, thấy như Trần Tất Tiến đã khai vào đúng mạch ngầm của tư tưởng, cảm xúc, nghĩ suy tâm trạng, vốn học, vốn sống của mình. Câu chữ tràn chảy trên ngòi bút, tình ý sáng láng khúc chiết, bài thơ không chỉ cho ta ngẫm ngợi chăm chắm vào điều tác giả luận bàn mà còn mở ra những cung bậc đối thoại cho người đọc. Bài thơ thấm ngẫm một tinh thần rất mới mà cũng rất cổ truyền, sáng tỏ tâm thiền, ý đạo, màu vẻ dân gian, cốt cách quân tử, mơ mộng thi nhân. Đấy là thơ thật – thơ Trần Tất Tiến, kẻ “Ngồi bên khe buông gió” viết nên câu “Đời quý nhất là vô danh”.
Nhà thơ Văn Đắc
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam