Trong kho tàng văn học hiện đại Việt Nam, có rất nhiều tác phẩm xuất sắc. Nhưng em thích nhất là bài thơ “Kỷ niệm” của nhà thơ BT12A3.

***

Bài thơ “Kỷ niệm” được tác giả viết vào năm 2010 trong hoàn cảnh lịch sử đất nước trong thời bình và tác giả đang tham gia một cuộc thi thơ ở trường THPT - nơi BT12A3 đang theo học.
Đặt mình vào vị trí của một người học trò hơn mấy mươi năm mới về thăm lại trường cũ, tác giả đưa người đọc trải qua từng giây phút lắng đọng với những kỷ niệm mà thời áo trắng nào cũng đã đi qua.

Ngay từ câu đề từ “Những kỷ niệm ùa về xao xuyến…”, tác giả như báo hiệu cho người đọc rằng sẽ có rất nhiều kỷ niệm được nhắc đến trong bài thơ, sẽ có hàng tá hình ảnh thân thương hiện về, và biết bao nỗi niềm sẽ lại thổn thức.
Với cái tâm (và cái tầm) của một người nghệ sĩ chân chính, tác giả cảnh báo người đọc hãy chuẩn bị sẵn khăn giấy trước khi thưởng thức tiếp áng thơ đầy xúc cảm này.

Là một người học sinh về thăm trường cũ, bạn sẽ thấy gì?

Bước vào cổng trường sau hơn mấy mươi năm rời xa, tác giả bắt đầu thổn thức:

___”Thời gian chẳng phủ mờ lên tất cả?”

Liệu sau ngần ấy năm, ta có còn nhớ được quang cảnh và con người của mái trường một thời gắn bó? Liệu trường lớp có gì đổi khác? Hay gặp lại thầy cô cũ, liệu ta có còn nhớ mặt, nhớ tên người?

Thật may thay:

___Vẫn hàng cây, vẫn ghế đá, cỏ, hoa
___Vẫn mực bút, bảng đen, trang giấy trắng
___Vẫn tiếng thầy văng vẳng ấm trong ta…

Đập vào mắt tác giả là những hàng cây xanh che bóng mát rợp khắp sân trường. Bên dưới tán lá xanh ấy là những chiếc ghế đá đã mờ đi hàng chữ “Niên khoá xxx kính tặng” - đây chính là những món quà kỷ niệm mà mỗi thế hệ học sinh khi tốt nghiệp đều mua tặng cho trường. Dưới chân ghế, những bụi cỏ, hoa dại như tô điểm thêm giúp sân trường thêm phần nên thơ.

Bước gần hơn đến dãy lớp học, kìa, vẫn là những hình ảnh quen thuộc đã gắn bó với một thời cắp sách đến trường: mực, bút, bảng đen, giấy trắng...
Và làm sao quên được tiếng thầy, cô giảng bài ôi sao thân thương và gần gũi đến thế!

Khổ thơ lặp đi lặp lại từ “vẫn” khẳng định rằng những kỷ niệm ấy không thể nào phai mờ theo năm tháng.
Điều đó càng được chứng minh qua khổ thơ kế tiếp:

***

___…Cầu thang ấy có mắt ai ngấn nước
___Chuyện không vui: điểm thấp, giận vu vơ…?
___Hành lang ấy, tím bằng lăng, phượng đỏ
___Bỗng dậy hồn thi sĩ hoá thành thơ…

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên?” Tuổi học trò biết bao nhiêu kỷ niệm ngốc xít, đáng yêu.
Một đứa học trò nhút nhát cũng có thể giật micro tỏ tình ngay tiết chào cờ đầu tuần, để cho cô gái vừa giận dỗi, vừa ngại ngùng chui tọt vào cầu thang tránh đi ánh mắt dòm ngó của bàn dân thiên hạ.
Hay một thằng con trai ăn nói vụng về, môn Văn không quá nổi điểm trung bình cũng “dậy hồn thi sĩ” để viết nên bức thư tình dài 4 trang giấy gửi nàng thơ của mình.

Chỉ qua 4 câu thơ, tác giả làm người đọc bồi hồi nhớ lại những ký ức thân thương của một thời áo trắng.
Tài tình đến thế là cùng!

Nhưng đẳng cấp của tác giả không chỉ dừng lại ở đó:

***

___…Tà áo trắng thướt tha sân trường vắng
___Gió nắng thôi đùa, ngơ ngẩn, lặng yên

Lớp của tác giả chắc là học trên lầu. Sáng đến lớp sớm, cất vội cặp, chạy ra ban công, đảo mắt nhìn từng tốp học sinh đang đến lớp, cố tìm cho được hình bóng ấy.

A, thấy rồi!

“Tà áo trắng thướt tha sân trường vắng”. Sân trường đầy ắp học sinh, nhưng vắng đến kỳ lạ - Vì trong mắt ta chỉ có mình nàng! (Nghe rất vô lý nhưng cực kỳ thuyết phục).

Thời gian, không gian khẽ ngừng lại. Như một cảnh quay slow motion trong phim Ấn Độ, gió khẽ hất tóc nàng tung bay, và ánh nắng buổi sáng xuyên qua từng chân kẽ tóc, đậu lại trên khuôn mặt của nàng càng làm ánh lên vẻ rạng ngời, thướt tha của nàng thơ.

Trong sự lắng đọng của thời gian và không gian ấy, tim của tác giả cũng hưởng ứng đứng hình vài nhịp 1 2 3 5, rồi lại rộn ràng liên hồi như bản nhạc Vinahouse mà Khá Bảnh thường quay tay múa quạt.

Bức thư dài 4 trang giấy đấy có nên đưa hay không đây? Đưa, không đưa, đưa, không đưa...

___Thư còn đó, ôi tình đâu dám ngỏ!
___Bởi ngại ngùng- đôi mắt ấy- hồn nhiên…

Với những kẻ phàm phu tục tử, thì đoạn này chỉ có thể được diễn dịch bằng: đồ này không ăn được, chỉ để cúng thôi.
Nhưng bằng ngòi phím điêu luyện của mình, tác giả thả 2 chữ “hồn nhiên” vào cuối đoạn thơ thật tinh tế. Sẽ chẳng còn thắc mắc đưa - không đưa nào nữa. Chỉ còn hình ảnh một cô bé xinh tươi hồn nhiên và một mối tình vẫn còn lơ lửng.

Nếu lúc đó tác giả có khả năng du hành thời gian đi đến 10 năm sau để nghe bài “Đi đu ĐƯA ĐI” của Bích Phương thì chắc giờ tác giả đã vợ con đuề huề rồi. Thật đáng tiếc!

***

___Nắng ơi nắng, xin đừng phai màu ấy!
___Và gió ơi, xin chẳng cuốn theo mây!
___Những kỷ niệm vẫn ùa về xao xuyến

Câu đề từ một lần nữa được lặp lại, với sự xuất hiện thêm của chữ “vẫn”. Những kỷ niệm thơ ngây, trong sáng của tuổi học trò ấy thật đẹp đẽ và đáng trân trọng xiết bao. Sử dụng biện pháp ẩn dụ “xin nắng đừng phai màu”, “xin gió đừng cuốn đi”, tác giả mong muốn sẽ không bao giờ quên được và muốn đắm chìm trong những ký ức khó phai ấy.

Nhưng thời gian phải chăng là quá phũ phàng?

___Bỗng giật mình! Chiếc lá úa… rơi nghiêng…

Tác giả vừa xin nắng đừng phai màu, thì chiếc lá bây giờ đã úa.
Tác giả vừa cầu gió đừng cuốn đi, thì chiếc lá ấy cũng đã rơi.

Không gì thắng được thời gian. Và kỷ niệm rồi sẽ dần phai theo năm tháng.
Cuộc sống xoay vần cuốn ta vào những lo toan, nhọc nhằn và dần quên đi những ký ức đẹp đẽ ấy.

Trí não con người có hạn. Và để lưu giữ được những kỷ niệm, không gì tốt hơn những bức ảnh.
“We keep this love in a photograph - We made these memories for ourselves” - Ed Sheeran