“Ôi, có những câu hát ta biết bao giờ hát lại. Những tấm ảnh thời thanh xuân của em chẳng là những câu hát như vậy đó sao?”. Đó là những câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo trong bài Những tấm ảnh thời thanh xuân mà mỗi lần đọc, tôi thấy như được trở lại thời thanh xuân của chính mình, và trở lại thời thanh xuân của một ai đấy nữa! Thanh xuân của tình yêu đầu đời! 54 bài thơ trong tập thơ nhỏ xinh và mỏng mảnh này là 54 trạng huống tình yêu, say đắm và buồn, buồn như một ngày xuân không còn hoa cúc, buồn như cây khóc lá, buồn như một đêm tỉnh giấc, ta chợt thấy nỗi buồn đang ngồi bên: “Là khi tỉnh giấc trong đêm/ một mình ta thấy ngồi bên nỗi buồn”… và một van nài lạ lùng, hi hữu:
Buồn ơi, Buồn có thương tôi.
Đừng làm tôi phải mồ côi Nỗi Buồn.
(Xon-nê buồn)
Cách nói, cách cảm và cách thơ ấy chỉ riêng Nguyễn Trọng Tạo mới có. Ngoa ngôn chăng, thậm xưng chăng, phách lối chăng? Ai nghĩ gì thì nghĩ, nhưng Tạo không thể sống nổi nếu không có một Nỗi buồn cặp kè bên cạnh: “Buồn đừng đi, Buồn đừng tan/ mất Buồn còn lại tro tàn mà thôi!” Trong con mắt nhà phê bình Trần Mạnh Hảo thì thế nào Nguyễn Trọng Tạo cũng sẽ biến thành một nhà “Buồn học”, nhưng nếu thay nỗi buồn kia thành niềm vui chẳng hạn, thì cơ sự sẽ ra sao? Chẳng lẽ lại phải đọc là: “Vui đừng đi, vui đừng tan/ Mất vui còn lại tro tàn mà thôi!” Vô duyên biết mấy, nông nổi và hạn hẹp vô cùng!

Hình như, với Nguyễn Trọng Tạo, tình yêu là cặp song sinh với Nỗi Buồn. Cả tập thơ với 54 bài này, tôi không bắt gặp Tạo cười hơ hớ lần nào, chỉ thấy anh đã buồn và sẽ lại buồn hơn, ngay cả trong một ngày vui là ngày có Quà sinh nhật:
hai mươi bài hát vui
hát tặng một nỗi buồn
hai mươi bài hát buồn
hát tặng nỗi buồn hơn…
Ngay cả một ngày vui là trong tiệc cưới của Em: “Nếu ngày mai khi tiệc cưới của em/ bạn bè đến nói cười và chúc tụng/ xin em hãy coi tôi như bè bạn/ và xin đừng dù khẽ gọi tên tôi…” giọng điệu bài thơ này phảng phất chất giọng Nguyên Sa một thời xa lắm, nhưng nó hiện đại hơn vì không sướt mướt và quá bi luỵ, nó ở một chiều kích khác của tâm thức,
tôi còn đi. Mưa gió. Đường dài
trái tim phải lội qua bao thác lũ
dẫu gió lạnh thổi mãi con chim nhỏ
em đừng buồn - trời rộng phía yêu thương…
(Nếu ngày mai)
Nỗi buồn trong tình yêu của Nguyễn Trọng Tạo đã được nâng lên thành một triết lý hoặc là một định đề - bất di bất dịch. Nhiều khi nỗi buồn của anh lại khiến cho người đọc phải bật cười, cười trong cay đắng và như thế còn hơn cả nỗi đau thương.
hoa đã tặng. Người đã không còn nữa.
em đã yêu. Em đã bỏ tôi đi
sẽ dở hơi nếu là tôi đứng khóc
nhưng cười vui thì tôi sẽ còn gì?
Nói tập Thơ trữ tình của Nguyễn Trọng Tạo là thơ tình yêu thì đúng rồi, nhưng hình như chưa đủ, chưa thoả đáng, chưa thấu suốt cái nội hàm của nó. Thơ tình của Tạo chứa cả một trời thế sự, một biển tâm linh, thăm thẳm linh hồn người. Không có tình yêu con người, tình sự sống, tình yêu hoa cỏ, gái trai, sẽ không viết được những câu thơ đau xót như thế này, và cũng hài hước như thế này:
Anh làm vua không ngai, em vẫn là hoàng hậu
chàng hoàng tử khóc nhè, nàng công chúa hờn dai
chợt thương quan không dân
chợt thương ngai không chủ
thương những đời người chung thân
trong áo mão cân đai…
(Cổ tích thơ tình)
Và rồi đây nữa:
Chặt cây mà bắc cầu sang
Không em, anh sống lang thang hai lần
Ước chi em giận một tuần
Em xa vài tháng, em gần… cả năm.
(An ủi)
Phẩm chất cốt lõi trong thơ tình Nguyễn Trọng Tạo trở thành bức thông điệp gửi tới người đọc là tình yêu, yêu đến hết mình, đến tan xác, đến rỗng không, đến không còn hồn vía:
Chia cho em một đời tôi
một cay đắng
        một niềm vui
                 một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai.
(Chia)
Người biết yêu đến tận cùng thì cũng biết hiến dâng đến tận đáy. Nhiều khi nhà thơ tự ví mình như bông hoa ly vàng, nhỏ tí xíu, khuất lấp trong muôn ngàn loài hoa rực rỡ, khiêm nhường và cao thượng: “Dẫu nhỏ nhoi tôi có một cái tên/ khi ngập nước và khi thì ngập nắng/ hoa li vàng mùa hạ chính là tôi…” và một niềm run rẩy rất đỗi dịu dàng, mong manh và thuỷ chung biết bao:
Biển đầy vơi thương nhớ, biển xanh ơi
Thân thể ai hồng hào pha ngọn sóng
Da thịt người chạm vào tôi nóng bỏng
Rồi có thể người quên
Còn tôi mãi giữ gìn…
(Hoa li vàng)
Càng đi sâu vào mê cung thơ tình Nguyễn Trọng Tạo, người đọc càng khám phá thêm những miền tâm trạng mới, đặng làm phong phú thêm, chất lượng tâm hồn người. Cái mà nhà thơ tưởng mất lại là phù sa bồi đắp cho tâm tưởng ta thêm phì nhiêu, và đó chính là cái mà ta được:
tôi về khép lại căn phòng
thấy trong lồng ngực như không có gì
trái tim đã bỏ tôi đi
ai mà nhặt được gửi về giùm tôi.
(Gửi)
Ở đây chỉ là cách nói, cách diễn đạt bằng thơ những điều khó nói. Tuy nhiên một nhà thơ thực sự tài năng không nhờ vào cách nói, phải có một nội lực cường tráng để có gì mà nói! Với nhà thơ “trữ lượng tâm hồn” là điều cần thiết hơn cả, cái mỏ ấy hệt như một mỏ dầu, càng khai thác, càng phát sáng. Và tôi không nghi ngờ Tạo là một mỏ dầu có trữ lượng cao, anh đã từng làm cháy, thậm chí thiêu đốt bao tâm hồn yêu và đang yêu:
cho thơ tôi được nói lời
tình-yêu-tôi, gửi tới người-tôi-yêu.
bởi tôi tin những sớm chiều
người không quen… sống rất nhiều cho tôi.
(Thơ gửi người không quen)
Đọc Thơ trữ tình của Nguyễn Trọng Tạo, bạn đọc sẽ không muốn ngồi trong nhà nhìn ra mưa nữa, mà bạn sẽ… nhảy ra đường. Ra đường để làm gì thì chưa biết, nhưng cứ phải ra đường, để có thể đắng cay nhặt lại được một “nỗi buồn” nào đó, đau xót và quyết liệt vô cùng:
một ngày người bán rẻ ta
ta thành đồ vật giữa nhà người dưng
một ngày người đến rưng rưng
mua gì vô giá? xin đừng mua ta
(Nỗi buồn kiêu)
Yêu và buồn là cặp trẻ song sinh, Nguyễn Trọng Tạo đã minh chứng cho điều ấy.

Ai từng quen biết Nguyễn Trọng Tạo, chỉ ngồi với anh một buổi chiều thôi, uống rượu và nghe anh hát Làng quan họ quê tôi hay Khúc hát sông quê… sẽ cảm nhận rằng, Tạo là người vô tư lắm, hồn nhiên và sung mãn lắm! Không, không phải vậy đâu, Nguyễn Trọng Tạo vốn là người cả nghĩ, đến nỗi: “Người đẹp nhìn tôi trên đường/ về đêm tôi cảm thấy buồn…”, đến nỗi nhìn ai cũng ngỡ là mình thuở ấy, thuở xa xôi nào:
có ai ngồi xuống chỗ chúng mình kia
chàng trai ấy cùng với cô gái ấy
cô gái đẹp sao giống em đến vậy
và chàng trai run rẩy giống anh sao
cỏ biếc xanh như cỏ đêm nào…
(Cỏ xanh đêm trước)
Trong tập thơ này của Nguyễn Trọng Tạo, tôi đặc biệt yêu thích bài Thơ tình người đứng tuổi. Có cảm giác rằng anh viết cho tôi, và viết riêng cho một người nào đấy nữa, một người nào trong vô vàn chúng ta:
bây giờ cao bổng vòm cây
dòng sông trôi đã vơi đầy tháng năm
áo tôi đạn xé bao lần
tóc người hao mấy mùa xuân đợi chờ
(Thơ tình người đứng tuổi)
Con người ngỡ là từng trải, từng trải qua chiến trường, qua cả “tình trường” mà không hề chai sạn, cứ run rẩy như thuở mới vào đời, như một khúc mộng mơ, như một kẻ mắc nợ. Nợ cái gì thì chưa biết, nhưng Tạo là con nợ của trăm năm:
tôi còn mắc nợ áo dài
một làn gió trắng một bài thơ hay
tôi còn mắc nợ mi mày
một con thuyền lá xanh đầy mắt nai
(Tôi còn mắc nợ áo dài)
Trắng nợ như thế thì sẽ còn nợ tiếp, nợ chung thân, nợ tử hình! Tử hình rồi còn chưa hết nợ: “Có lúc ngôn từ biệt tích/ đam mê trơ đá gan lỳ/ em mèo ơi đừng đến nữa/ sợ em dựng dậy tử thi!…” (Chiêm cảm). Và đến nông nỗi ấy thì phải giấu biệt mình đi, lặn một hơi để không ai tìm thấy nữa:
có một chàng đơn độc
bước trên đường Không Tên
có một nàng Hạnh Phúc
ở số nhà Lãng Quên…
(Nỗi nhớ không tên)
Nguyễn Trọng Tạo đã tự mình làm ra một đường phố, một số nhà cho riêng mình, đấy là số nhà Lãng Quên trên đường Không Tên vậy! Có tin được không? “Tin thì tin không tin thì thôi”. Và tôi gọi tập Thơ trữ tình của Nguyễn Trọng Tạo là Bức tranh tình không năm tháng!…

Hà Nội, tháng 4 năm 2004
Trịnh Thanh Sơn

Thơ trữ tình: NXB Hội Nhà văn - Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, ấn hành, 2004

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]