Đầu năm, giữa bao nhiêu bận rộn, lo toan người ta vẫn thường tìm đến những gì đẹp nhất, nhiều màu sắc nhất. Người chọn hoa, người chọn quả, người lựa chim muông. Tôi chọn thơ. Một lựa chọn tưởng có gì đấy không bình thường, mà lại rất bình thường. Bởi thơ là kết tinh của những gì đẹp nhất. Mà tính tôi lại thích cái đẹp, phải đẹp, gì thì gì cứ phải đẹp trước đã. Và tôi đã chọn cuốn Thơ tình (NXB Văn học ấn hành tháng 11 năm 2015) của tác giả Trần Đình Nhân để bắt đầu một năm mới của mình…

Thơ của Trần Đình Nhân đẹp. Là cái đẹp mà ta cứ có cảm tưởng như nó đang chỉ chực biến mất, không có gì níu giữ lại được. Điều này xuyên suốt tập thơ, bắt đầu từ bài thơ đầu tiên Cho mình cho người có những câu: “... Ngọt ngào chút ấm ban trưa./ Hanh hao một thoáng đã xưa cả thời... Đường qua lối cũ nát nhàu./ Trắng mây thuở trước lạnh màu thu đi.” Cho đến bài cuối cùng Tết lại màu mây: “Anh tết lại màu mây năm tháng cũ./ Để thương miền mây xám lẫn trong mơ.../ Đừng se lạnh khoảng trời cuối hạ/ Một chút thôi cho đủ dại khờ./ Đừng vội vã trắng miền sương phủ./ Giọt nắng nào ấm lại câu thơ...”. Có yêu thương, có hạnh phúc đấy chứ, mà sao vẫn thấy có điều gì mông lung, xa vời.

Hay như có người đã nói: “Thơ là cái gì đó thực mờ ảo”. Nhưng thơ Trần Đình Nhân rõ ràng đấy chứ, cũng mùa, cũng mây gió, cũng tôi, cũng em, cũng quá khứ đã qua, còn hiện tại thì như chực biến thành quá khứ, cũng là con người thơ buồn bã, cô đơn. Mà sao cứ thấy châng lâng thế nào ấy. Đọc thơ như gặp phải một mùi hoa hiển hiện đấy nhưng rất mong manh, dễ dàng mất ngay được. Như trong bài Lang thang mây trắng: “Nỗi buồn ngỡ thành sương gió./ Lẫn vào xanh hút trời mây./ Ngỡ chẳng bao giờ thấy được./ Ai ngờ trăng lay - mưa bay... Tháng năm đi về khắc khoải./ Nhưng miền mưa nắng chênh chang./ Ngọn gió ngày nào thổi lại./ Bốn bề mây trắng lang thang.” Sang đến bài Với Langbian lại là một sự kiếm tìm, cái tưởng có trước mặt mà rồi: “Chạm vào em./ Em hoá thành huyền thoại./ Ta đi đâu?/ Sương trắng đến mơ hồ./ Ta đi đâu?/ Hỡi miền biêng biếc thắm...”. Rồi bài Em làm thợ mỏ, tưởng hiện thực đấy, cuộc sống bộn bề đấy, mà vẫn: “Mặn mà chưa bén bước chân./ Bờ lau đã buốt vội hờn tóc xanh.”. Sang đến Thu biếc, tôi và em hoá thân vào những gì sinh động, mạnh mẽ nhất như con tàu, nắng lửa, bão giông... Có một điểm nối gặp nhau, nhưng điểm nối đó có là gì đâu, có giữ lại được gì, khi mà: “Tôi và em qua điểm nối con tàu./ Mùa xuân đi qua mùa hè nắng lửa./ Mùa thu trong bão giông chìm nổi./ Ngày đông ken xao xác cánh rừng thưa.”

Ta bắt gặp nhiều lắm trong tập hình ảnh chia rẽ, mất mát, hao hụt hoà cùng nhịp thơ chầm chậm, câu này nối sang câu kia như đang kể một câu chuyện, thường bừng vỡ ở các câu cuối. Từ thơ bảy chữ, tám chữ hay năm chữ, lục bát... cũng thế. Tổng hợp lại các ý của cả bài và mở ra lối thoát nhiều khi bất định. Như trong bài Thành phố này: “Êm như là giọt nhớ giữa đời quên./ Một chút bâng quơ một bờ hư ảo./ Như cơn khát nổi chìm trong ký ức./ Và nỗi buồn bất chợt vu vơ.” Rồi Hoa gáo: “Giữa chợ đời chẳng kịp nhận ra em./ Một thoáng vô tình, một thời mất hẳn./ Thời gian chạy ảo mờ trong sương gió./ Ta ngỡ ngàng sắc trắng một loài hoa.” Sang đến Viết trong chiều lạnh, vẫn đấy, một sự buồn không duyên cớ do thời gian, cảm thức của người thơ đưa đẩy tới: “Về đâu em nước cuốn chân cầu./ Năm tháng cũ nghiêng chiều sóng dội./ Có lẽ nào thời gian chìm nổi. Nhịp tim còn thổn thức giữa mù xa.” Sang đến Thu bất chợt: “Mây trắng trôi về đâu./ Ngấn vàng xao xác lá./ Có một người rất lạ./ Ngược lối về xa xưa.” Liên tục tìm kiếm, ngụp lặn, tái tạo lại, tuần hoàn... rồi lại tìm kiếm (quay trở lại từ bước đầu tiên). Lúc nào cũng trong trạng thái mấp mé bên bờ vực của sự đổ vỡ (không ngờ, không thể phòng thủ, chống đỡ) đến từ các phía.

Nhưng thơ Trần Đình Nhân không chỉ đẹp, nó còn có cái gì đó khác, cái khác đó giống như sự bất cần, nổi loạn. Tuổi trẻ của riêng tôi yêu thích sự nổi loạn như người ta yêu một cô gái đẹp vậy. “Đừng đổ lỗi cho ta./ Ta chẳng có tội gì./ Nàng Mỵ Nương xinh đẹp nhường kia./ Ta có hận là hận ta chậm bước. /Không lẽ nào một chút đa mang./ Ta thành kẻ tội đồ muôn kiếp...” Như lời Thuỷ Tinh trong bài Lời Thuỷ Tinh. Phải dám làm, dám yêu, dám hận thì mới là cuộc sống muôn màu. Trần Đình Nhân đã làm tốt điều này trong tập thơ. Dù “bến đa đoan” vẫn “mặc định đời tôi” như chính ông đã nói…

Phạm Trân