Bùi Giáng yêu cũng thật lạ lùng. Trong lòng ông có rất nhiều người đẹp, nữ nghệ sĩ Kim Cương và diễn viên điện ảnh Mỹ Marilyn Monroe chiếm một vị trí đặc biệt. Đối với hai người này, Bùi Giáng mạnh dạn nói năng mà không hề e ngại điều gì. Bởi trong tâm thức ông, họ là hiện thân của cái đẹp nhân gian.

Hiện có rất nhiều giai thoại về chuyện Bùi Giáng mê Kim Cương, nhưng có lẽ ta cũng không cần tìm hiểu rằng chúng thật giả bao nhiêu phần trăm, bởi điều đó không mấy quan trọng. Vì như trường hợp Marilyn Monroe, một người ở tận bên kia đại dương mà vẫn nhập vào hồn ông được, huống gì là Kim Cương tài sắc ở ngay tại Việt Nam.

Kim Cương là đối tượng số một của Bùi Giáng. Hình bóng của người đẹp này dường như thường trú trong vô thức của ông chứ không phải thỉnh thoảng mới hiện ra như một số người khác. Bùi Giáng đã dùng mọi cách biểu đạt kỳ quái nhất để nói về Kim Cương. Bài thơ sau đây hẳn sẽ làm cho một số độc giả nữ cảm thấy “kỳ kỳ” nhưng đồng thời nó cũng cho thấy sự ám ảnh kinh khủng của người đẹp Kim Cương đối với ông. Đó là bài Cô Kim Cương ơi, in trong tập Sa mạc phát tiết, nguyên văn như sau: “Nếu ngày sau tôi chết đi, mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt/Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được/(Nhớ giỏ ngay trên nấm mồ)/Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười mà đón nhận/(Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)”. Thật là một bài thơ không thể nào tưởng tượng nổi.

Nhưng không chỉ có vậy. Trong cuốn sách Con đường ngã ba, Bùi Giáng còn bị ám ảnh dữ dội hơn nhiều. Suốt mấy trang liền, ông nhắc đi nhắc lại “lời đề nghị” ở trên: “Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Thiên tài buổi Hoàng Hôn thốt một lời như thế. Nhưng Vũ Lâm Xuân của Thệ Đa Lâm vẫn không thể trùng sinh trên đống xương tơi tả của mình...”... “Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Đó quyết nhiên là lời rốt ráo tối hậu. Không cách gì nói khác. Nấm mồ tại hạ. Không thể đổi tiếng đó ra làm một tiếng nào khác. Hãy đi tiểu. Có thể nào đổi tiếng đi tiểu ra làm một tiếng khác...”... “Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ vẫn vĩnh viễn là ngôn ngữ tuyệt trù bất tận thi nhiên. Vì chỉ nói như vậy thì ngàn vạn năm sau riêng hình ảnh cô Kim Cương sẽ vĩnh viễn đi về Trong Tháng Ba Lễ Hội để giải oan cho Tượng Vương hồi xứ Hoa Nghiêm Kinh...”... “Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ là sự vụ cần yếu ban sơ cho cuộc tối sơ đi về huỷ thân giữa trần thổ. Cô Kim Cương vén xiêm đi tiểu xong rồi, thì từ nấm mồ của trần thổ huỷ thân đó sẽ nảy nở ra cuộc đầu thai nơi núi đá...”. Cứ một ý như vậy mà Bùi Giáng nói dông nói dài mãi. Nhưng sau đó, cách khoảng mấy trang, Bùi Giáng lại đổi ý, không muốn giữ lời đề nghị trên nữa: “Hỡi mẫu thân Kim Cương! Mẫu thân hãy dừng cuộc đi tiểu trong một thời gian để suy ngẫm trở lại xem có thể tạo ra một vũ trụ khác để đi tiểu”.

Chúng ta không cần quan tâm đến ý nghĩa của từng câu chữ. Nhưng chúng mang cái ý nghĩa tổng quát, đó là sự ứng xử của vô thức đối với từng khái niệm. Ở đây là sự ứng xử với cái đẹp khác giới tính của thi sĩ trong trạng thái tâm thần không bình thường.

Theo sau Kim Cương, Marilyn Monroe cũng được Bùi Giáng mê cuồng. Ông đã sáng tác một số bài thơ về người đẹp này. Ta hãy đọc bài Trời khóc Marilyn để xem Bùi Giáng viết về người đẹp này như thế nào: “Trời xanh úp mặt nghe tin/Thôi rồi! Em Má Ri Lyn đi rồi/Từ đây ta bỏ ngai trời/Thu thời gian đập tơi bời càn khôn/Giữa hư vô nếu em còn/Nhớ ta em gửi cái hồn cho ta/Úp môi ôm mặt khóc oà/Cồn lê lên miệng là ba bốn lần”.

Đó là bài thơ ông in trong tập Hoa lá cồn, xuất bản năm 1963. Sau đó trong phần Mưa nguồn hoà âm, ông lại viết một bài thơ với cái tựa cũ là Trời khóc Marilyn. Bài thơ có mấy chục câu bắt đầu từ chữ luống, một loạt câu khác bắt đầu từ chữ một. Bài thơ này có một số câu chữ đi vượt quá giới hạn “đố tục giảng thanh”, không thể trích dẫn vào đây được. Nhưng nó cho thấy rõ cái cách mà Bùi Giáng trình bày về cái đẹp trần tục theo cảm hứng của ông.

Có lẽ nói mãi cũng không hết được chuyện Bùi Giáng làm thơ về những người đẹp. Cho nên ta hãy đọc mấy câu thơ mà ông “phân loại đánh giá người đẹp” trong bài Quốc sắc Việt Nam sau đây: “Nam Phương Hoàng hậu đẹp một cách thong dong/Kim Cương Nương tử đẹp một cách thoải mái/Hà Thanh Công chúa đẹp một cách cởi mở/Trí Hải Ni cô đẹp một cách không lời”. Bài thơ này còn dài nhưng chỉ trích dẫn chừng này câu cũng đủ cho thấy “vị giám khảo cuộc thi Người đẹp Việt Nam” này có con mắt tinh đời lắm.

Trần Đình Thu