Cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc ta đã đi vào thơ ca như một huyền thoại. Và trong cuộc trường chinh ấy đã có bao lớp thế hệ thanh niên sẵn sàng ra mặt trận cầm súng để bảo vệ Tổ Quốc, trong đó có những người mang danh hiệu “nhà thơ - chiến sĩ”. Đã có rất nhiều nhà thơ của chúng ta đã ngã xuống trên chiến trường như một người lính như nhà thơ Hoàng Lộc, nhà thơ Lê Anh Xuân... Nhắc đến nhà thơ Lê Anh Xuân người ta nhớ ngay Dáng đứng Việt Nam - một bài thơ mang vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, là con thứ của nhà giáo - nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Ca Văn Thỉnh quê tỉnh Bến Tre. Năm 1954 ông cùng gia đình tập kết ra miền Bắc, được học hành đào tạo bài bản. Có lẽ vì thế nên dù là nhà sử học (ông học Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Sử) nhưng lại bén duyên và bộc lộ tài năng với thơ ca rất sớm. Năm 1964 ông được trở về miền Nam quê hương, công tác ở tiểu ban Giáo dục rồi sau đó chuyển về Hội Văn nghệ giải phóng. Trong gia sản thơ của mình, Lê Anh Xuân sáng tác nhiều bài thơ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam như: Nhớ mưa quê hương (1961), Trở về quê nội (1965), Nguyễn Văn Trỗi (trường ca, 1968)... Lê Anh Xuân hy sinh tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vào ngày 24/5/1968 sau một trận đối đầu với giặc Mỹ.

Nếu ở Tây Tiến (1948), Quang Dũng viết về những chàng trai đô thành Hà Nội tài hoa bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp với chí khí coi cái chết nhẹ tựa lông hồng - “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”; thì ở Dáng đứng Việt Nam, với âm hưởng anh hùng ca, Lê Anh Xuân đã khắc chạm tư thế hy sinh hiên ngang, bất khuất của chàng trai miền Nam trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất (Xuân Mậu Thân): “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng”. Những hình ảnh diễn tả về sự hy sinh của người lính được nhà thơ khắc hoạ hết sức sinh động, thể hiện tinh thần yêu nước, niềm lạc quan và lòng tự hào dân tộc, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ trước sự hy sinh đầy quả cảm và niềm tin yêu mãnh liệt vào sự tất thắng của cách mạng Việt Nam. Lịch sử sẽ không bao giờ lãng quên sự hy sinh anh dũng và thầm lặng của những chiến sĩ giải phóng quân, mặc dù có thể họ không để lại “một tấm hình” hay “một dòng địa chỉ” nhưng họ mãi mãi là những “bức tường đồng” được tôn vinh, gìn giữ và ghi nhận như những giá trị văn hoá vĩnh hằng của một dân tộc anh hùng. Và những hành động tưởng chừng như đơn giản ấy bất ngờ được nâng lên thành hình tượng cao cả, vĩ đại trở thành giá trị mới của văn hoá Việt Nam. Chính hình ảnh “Anh là chiến sĩ giải phóng quân” đã tạo nên “... cái dáng dứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”! Thế giới đã nhìn nhận Việt Nam trong thế kỷ XX như biểu tượng của thời đại đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều đó có lẽ đã được Nhà thơ - Liệt sĩ Lê Anh Xuân dự báo từ những vần thơ mang âm hưởng chủ đạo về sự bi tráng của chiến tranh, song vẫn toát lên sự hào hùng, lạc quan của người lính trước sự hy sinh anh dũng, thanh cao và thầm lặng để trở thành những hình tượng bất tử của dân tộc; có sức sống mãnh liệt và lan toả rộng lớn, mang dấu ấn thời đại sâu sắc. Hình tượng người lính được nâng lên thành biểu tượng của đất nước, của dân tộc, toả sáng đến hôm nay và mai sau... Bài thơ khép lại bằng hình ảnh: “Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” đã mở ra một chân trời mới tràn ngập niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi đẹp của dân tộc Việt Nam.

Nhà thơ - chiến sĩ - liệt sĩ Lê Anh Xuân đã ra đi nhưng bút tích và trang đời của anh vẫn sống mãi. Thi phẩm của ông đã ghi dấu vào ca khúc nổi tiếng cùng tên và được nhiều ca sĩ dòng nhạc thính phòng biểu diễn trên những sân khấu lớn (Sao Mai, Những bài ca đi cùng năm tháng...).

Tổ quốc hôm nay đang bay lên trong mùa xuân mới: mùa xuân của hoà bình, hợp tác và hữu nghị. Thắng lợi của ngày nay được vun trồng bởi máu xương của ngày hôm qua. Bài thơ nhắc nhở ta về một thái độ sống có trách nhiệm đối với những người đã ngã xuống cho bầu trời Tổ quốc thêm xanh.

Anh Đức (báo Quân khu 7, 6-2016)