Đăng bởi Vanachi vào 14/11/2005 01:28, đã sửa 5 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 19/03/2013 11:00

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân


3-1968

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (9 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”

Trải qua bao đời chinh chiến giành lại độc lập chủ quyền cho dân tộc, ông cha ta đã trở thành một tấm bia anh hùng dân tộc cho muôn đời sau. Hiểu được nỗi vất vả khó nhọc của những người lính, nhiều nhà thơ đã sáng tác ra những tác phẩm để đời nhằm ca ngợi công lao cũng những vị anh hùng. Nổi bật là bài thơ Dáng đứng Việt Nam của tác giả Lê Anh Xuân.

Dáng đứng Việt Nam là một bài thơ điển hình cho đề tài người lính trong kháng chiến. Đề tài này cũng chính là khởi đầu cho nguồn cảm hứng thơ ca bất tận của bất kì nhà thơ yêu nước nào. Bài thơ giúp chúng ta như được trở về thời chiến đấu đầy đau thương mà oanh liệt, giúp chúng ta cảm nhận và thêm bao tự hào về tinh thần chiến đấu hi sinh anh dũng của các anh chiến sĩ oai hùng.

Bốn câu thơ đầu đã cho ta thấy được hình ảnh người chiến sĩ hiện lên thật oai phong, lừng lẫy:

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Mặc dù người chiến sĩ đã kiệt sức, ngã xuống vì chiến trường khốc nghiệt, vì bom rơi đạn nổ trên đường băn Tân Sơn Nhứt. Nhưng ý chí sắt đá và lòng yêu nước đã dìu người chiến sĩ vùng dậy bằng chút sức lực cuối cùng để tì súng trên xác trực thăng tiếp tục chiến đâu.

Anh ra đi giữa cơn mưa lửa đạn. Từng tên địch ngã xuống là từng giọt máu anh rơi, anh đã đánh đổi cả mạng sống, gửi gắm cả tấm lòng vào nơi chiến trường với hi vọng đất nước được độc lập, con cháu được ấm no, hạnh phúc.

Chính sự ra đi anh hùng, khí thế lừng lẫy đó của anh đã làm giặc khiếp sợ:
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Giặc có mạnh đến đâu nhưng cũng phải đầu hàng trước ý chí bất diệt của chiến sĩ Việt Nam ta. Anh ra đi nhưng tâm hồn anh vẫn ở đó, tiếp thêm động lực cho những người bạn nơi chiến trường, tạo nỗi bàng hoàng cho quân giặc. Anh ra đi nhưng lòng dũng cảm vẫn ở đó làm nên tấm bia kiến cố cho đồng đội đội nổ súng tiến công. Anh ra đi nhưng những công lao của anh vẫn được ghi nhớ đến muôn đời.

Tác giả Lê Anh xuân đã khắc hoạ thành công bức tượng đài người lính giải phóng quân kiên trung, bất khuất. Suốt mấy nghìn năm lịch sử, đất nước dù có đổi mới, phát triển đến đâu nhưng lịch sử vẫn sẽ nêu vang tên anh, nêu vang những người anh hùng thầm lặng. Những người anh hùng vất vả ngày đêm, hao tổn trí và sức lực để rồi ngã xuống anh dũng vì bảo vệ tổ quốc. Dẫu lúc hi sinh họ chỉ để lại vỏn vẹn một đôi dép nhưng đó cũng chính là sự phi thường, kiệt xuất của người lính được hiện thực hoá trong những điều bình dị, giản đơn.

Bởi đâu phải những con người vĩ đại mới có thể làm nên những điều lớn lao mà từ những điều tưởng chừng đơn giản mới hình thành nên con người vĩ đại. Dẫu ta không thể biết được tên tuổi những vị anh hùng đó nhưng họ vẫn mãi là bức tượng đài quý giá của dân tộc. Chính họ đã tạo dựng nên dáng đứng oai hùng của Việt Nam ta:
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Anh hi sinh cho tổ quốc mà không màng danh lợi. Những giọt mồ hôi, giọt máu anh đỗ đã hoà chung với máu của biết bao chiến sĩ khác để kết tinh nên một màu cờ sắc thắm của Tổ quốc Việt Nam mến yêu. Sự hi sinh của anh đã tạo nên dáng đứng oai hùng, là mốc son chói lọi đánh dấu thời kì đổi mới của tổ quốc, thời kì tiến thời hoà bình, bát ngát mùa xuân.

Lê Anh Xuân đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ mang tính hình tượng, tính cá thể hoá và tính truyền cảm cao làm khắc hoạ rõ nét và nổi bật hình bức tượng đài vững trãi với dáng đứng lừng lẫy muôn đời của người chiến sĩ Việt Nam khiên trung, anh dũng.

tửu tận tình do tại
134.31
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Trong dáng đứng của anh có dáng hình Tổ quốc

Trong những ngày tháng tư lịch sử này, nhiều người lại nhớ đến bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân. Bài thơ là khúc tưởng niệm về một thời kỳ oai hùng, về những con người oai hùng mà tên các anh đã hoà vào tên đất nước.

Trước hết phải khẳng định rằng, trong những bài thơ đi cùng năm tháng, Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân được xem như một bản anh hùng ca về đề tài chiến tranh cách mạng. Ở đó, hình ảnh người lính hiện lên với vẻ đẹp đầy tính biểu tượng.

Vượt lên trên cả những đau thương mất mát, bài thơ tôn vinh cái đẹp của sự hy sinh cao cả cho lý tưởng cách mạng. Viết về sự hy sinh nhưng hình ảnh chiến sĩ giải phóng quân hy sinh trên sân bay Tân Sơn Nhất đã trở thành một bức tượng đài đầy tính biểu cảm:

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Ở đầu bài thơ, hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân đã hiện lên rất dũng cảm. Trong lúc đối mặt với kẻ thù, người chiến sĩ ấy đã trúng đạn. Ở phút giây anh ngã xuống ấy, anh vẫn không chịu đầu hàng, không chịu khuất phục, anh đã dùng ngay xác trực thăng để làm điểm tựa chiến đấu tiếp.

Chính cái tư thế không chịu lùi bước trước kẻ thù của anh đã làm quân giặc hoảng sợ nhận ra rằng sức mạnh của vũ khí tối tân hiện đại cũng không thể nào thắng nổi ý chí quật cường của những người lính giải phóng. Sự quả cảm ấy đã làm cho kẻ thù khiếp sợ mà đầu hàng. Ta có thể thấy được hành trang của người lính giải phóng như một sự đối nghịch với máy bay tối tân của giặc Mỹ đã nằm lại dưới chân anh:
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
...
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Khổ thơ này có thể coi là cao trào khắc hoạ hình ảnh những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ. Những người lính không để lại một tấm hình hay một dòng địa chỉ nhưng đã để lại bao thổn thức nhớ thương trong lòng Nhân dân Việt Nam.

Điệp từ “không” thêm một lần nữa nhấn mạnh những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ. Họ chiến đấu vì lý tưởng, độc lập, vì muốn có một cuộc sống hoà bình. Đó là một sự hy sinh cao cả. Bởi thế, dáng đứng của các anh trên đường băng Tân Sơn Nhất ấy đã nâng Tổ quốc lên tầm cao mới.
Anh là chiến sỹ giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
Dáng đứng Việt Nam là thi phẩm cuối cùng của nhà thơ - chiến sĩ Lê Anh Xuân, được viết tháng 3/1968 trong những ngày khói lửa của cuộc Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân. Bài thơ đã khắc hoạ thành công chân dung của người giải phóng quân một cách rõ nét nhất bởi chính anh cũng là một người lính trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, trong đội hình của mũi tấn công vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Được lệnh, các chiến sỹ băng qua hàng rào thép gai đánh chiếm lô cốt địch, tràn vào sân bay phá huỷ máy bay.

Tuy nhiên, lực lượng địch rất đông. Nhiều chiến sĩ bị thương vẫn chống trả lại rất kiên cường. Họ gượng dậy tì súng vào máy bay giặc để chiến đấu, lấy máy bay giặc làm nơi che chở. Hình ảnh ấy nhà thơ chiến sỹ của chúng ta chứng kiến và ghi lại bằng những con chữ thấm máu, để rồi hai tháng sau khi bài thơ ra đời, nhà thơ, chiến sĩ Lê Anh Xuân đã vĩnh viễn nằm lại tại một mặt trận ở ven thành phố Sài Gòn ngày 24/5/1968.

Giáo sư John Dumbrell - tác giả cuốn Rethinking the Vietnam War (Nghĩ lại về Chiến tranh Việt Nam) xuất bản năm 2012 cho rằng: “Sự thất bại của Mỹ tại Việt Nam là trường hợp rõ ràng đầu tiên khi Mỹ để thua một cuộc chiến. Thất bại đó dẫn đến nhiều thập niên người Mỹ ngờ vực chính mình, và khủng hoảng bản sắc sâu đậm trong chính trị Mỹ. Làm thế nào giải thích thất bại của cường quốc số một thế giới trước quân đội cộng sản Việt Nam tương đối nhỏ? Sức mạnh và quyết tâm của lực lượng chống Mỹ, cả ở Bắc và Nam Việt Nam, là một phần câu trả lời…”

Và một phần câu trả lời nữa đó là lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong những vần thơ nồng đượm tình yêu đất nước, quê hương, ngập tràn lý tưởng cách mạng và vững vàng một niềm tin chiến thắng. Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân là một bài thơ như thế.


Lâm Lâm (báo Hà Tĩnh, 4-2021)
tửu tận tình do tại
34.67
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Dáng đứng Việt Nam: Vẻ đẹp của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam

Cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc ta đã đi vào thơ ca như một huyền thoại. Và trong cuộc trường chinh ấy đã có bao lớp thế hệ thanh niên sẵn sàng ra mặt trận cầm súng để bảo vệ Tổ Quốc, trong đó có những người mang danh hiệu “nhà thơ - chiến sĩ”. Đã có rất nhiều nhà thơ của chúng ta đã ngã xuống trên chiến trường như một người lính như nhà thơ Hoàng Lộc, nhà thơ Lê Anh Xuân... Nhắc đến nhà thơ Lê Anh Xuân người ta nhớ ngay Dáng đứng Việt Nam - một bài thơ mang vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, là con thứ của nhà giáo - nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Ca Văn Thỉnh quê tỉnh Bến Tre. Năm 1954 ông cùng gia đình tập kết ra miền Bắc, được học hành đào tạo bài bản. Có lẽ vì thế nên dù là nhà sử học (ông học Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Sử) nhưng lại bén duyên và bộc lộ tài năng với thơ ca rất sớm. Năm 1964 ông được trở về miền Nam quê hương, công tác ở tiểu ban Giáo dục rồi sau đó chuyển về Hội Văn nghệ giải phóng. Trong gia sản thơ của mình, Lê Anh Xuân sáng tác nhiều bài thơ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam như: Nhớ mưa quê hương (1961), Trở về quê nội (1965), Nguyễn Văn Trỗi (trường ca, 1968)... Lê Anh Xuân hy sinh tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vào ngày 24/5/1968 sau một trận đối đầu với giặc Mỹ.

Nếu ở Tây Tiến (1948), Quang Dũng viết về những chàng trai đô thành Hà Nội tài hoa bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp với chí khí coi cái chết nhẹ tựa lông hồng - “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”; thì ở Dáng đứng Việt Nam, với âm hưởng anh hùng ca, Lê Anh Xuân đã khắc chạm tư thế hy sinh hiên ngang, bất khuất của chàng trai miền Nam trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất (Xuân Mậu Thân): “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng”. Những hình ảnh diễn tả về sự hy sinh của người lính được nhà thơ khắc hoạ hết sức sinh động, thể hiện tinh thần yêu nước, niềm lạc quan và lòng tự hào dân tộc, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ trước sự hy sinh đầy quả cảm và niềm tin yêu mãnh liệt vào sự tất thắng của cách mạng Việt Nam. Lịch sử sẽ không bao giờ lãng quên sự hy sinh anh dũng và thầm lặng của những chiến sĩ giải phóng quân, mặc dù có thể họ không để lại “một tấm hình” hay “một dòng địa chỉ” nhưng họ mãi mãi là những “bức tường đồng” được tôn vinh, gìn giữ và ghi nhận như những giá trị văn hoá vĩnh hằng của một dân tộc anh hùng. Và những hành động tưởng chừng như đơn giản ấy bất ngờ được nâng lên thành hình tượng cao cả, vĩ đại trở thành giá trị mới của văn hoá Việt Nam. Chính hình ảnh “Anh là chiến sĩ giải phóng quân” đã tạo nên “... cái dáng dứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”! Thế giới đã nhìn nhận Việt Nam trong thế kỷ XX như biểu tượng của thời đại đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều đó có lẽ đã được Nhà thơ - Liệt sĩ Lê Anh Xuân dự báo từ những vần thơ mang âm hưởng chủ đạo về sự bi tráng của chiến tranh, song vẫn toát lên sự hào hùng, lạc quan của người lính trước sự hy sinh anh dũng, thanh cao và thầm lặng để trở thành những hình tượng bất tử của dân tộc; có sức sống mãnh liệt và lan toả rộng lớn, mang dấu ấn thời đại sâu sắc. Hình tượng người lính được nâng lên thành biểu tượng của đất nước, của dân tộc, toả sáng đến hôm nay và mai sau... Bài thơ khép lại bằng hình ảnh: “Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” đã mở ra một chân trời mới tràn ngập niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi đẹp của dân tộc Việt Nam.

Nhà thơ - chiến sĩ - liệt sĩ Lê Anh Xuân đã ra đi nhưng bút tích và trang đời của anh vẫn sống mãi. Thi phẩm của ông đã ghi dấu vào ca khúc nổi tiếng cùng tên và được nhiều ca sĩ dòng nhạc thính phòng biểu diễn trên những sân khấu lớn (Sao Mai, Những bài ca đi cùng năm tháng...).

Tổ quốc hôm nay đang bay lên trong mùa xuân mới: mùa xuân của hoà bình, hợp tác và hữu nghị. Thắng lợi của ngày nay được vun trồng bởi máu xương của ngày hôm qua. Bài thơ nhắc nhở ta về một thái độ sống có trách nhiệm đối với những người đã ngã xuống cho bầu trời Tổ quốc thêm xanh.


Anh Đức (báo Quân khu 7, 6-2016)
tửu tận tình do tại
34.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

“Dáng đứng Việt Nam” đi vào bất tử

Tôi đã đọc và nghe bài thơ Dáng đứng Việt Nam tới trăm lần. Mỗi lần nghe tôi lại có một cảm xúc riêng. Hơn 40 năm qua, bài thơ đọng lại trong lòng tôi cùng với những kỷ niệm về bước đi của đất nước, của thời đại và của thế hệ mình. Sau 40 năm những suy nghĩ, liên tưởng và cách hiểu của tôi về bài thơ mỗi lần một khác.

Lần thứ nhất, tôi đọc bài thơ trên đường vào chiến dịch Quảng Trị. Tôi mơ ước sẽ viết được một bài thơ như của Lê Anh Xuân, mơ ước thành thi sỹ một bài – một tác phẩm để đời là mãn nguyện. Nhưng rồi tôi lại phân vân khi nhớ câu tuyên ngôn nghệ thuật của Platon. Nhà triết học cổ Hy Lạp cho rằng: thà làm người anh hùng cho nhà thơ ca ngợi, chứ không làm nhà thơ đi ca ngợi các anh hùng. Mỗi khi không gieo được vần thơ nào, mỗi khi cắn bút, bỏ trang bản thảo đứng dậy, tôi lại lẩm bẩm câu châm ngôn hành động của Platon. Tôi tìm được ở Platon sự vỗ về, an ủi. Mãi sau này tôi mới vỡ lẽ ra rằng, thơ trong quan niệm của Platon chỉ là sự mô phỏng một cách thụ động cuộc sống, chỉ là cái bóng nhợt nhạt của cuộc đời, rất cách xa thế giới ý niệm. Thời của Platon chưa xuất hiện mô hình nhà thơ chiến trận – “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”, “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ”. Đọc bài thơ Dáng đứng Việt Nam ta có thể đồng nhất dáng đứng của người chiến sỹ với dáng đứng của nhà thơ. Nhân vật trữ tình với chủ thể trữ tình gần như thống nhất.

Lần thứ 2, tôi đọc bài thơ theo kiểu nghiên cứu văn học sử. Tôi nhớ tới nhận định của nhà phê bình Hoài Thanh. Ông cho rằng thơ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) không có đoạn nào đạt tới độ toàn bích, vì có thể thay chữ này, câu nọ, nhưng cái quý nhất trong thơ anh là tình cảm dạt dào, da diết, thơ anh viết trong sáng, mượt mà, viết khá tự nhiên nhưng không rơi vào thô mộc.
Em ơi sao tóc em thơm vậy
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng

Khen phụ nữ, tôi nghĩ ít ai khen kiểu ấy. Sau ngẫm lại, đọc lại, mới biết anh không nói về phụ nữ, về tình yêu mà đang nói về quê hương. Phụ nữ ở đây không mấy quan trọng. Mùi sầu riêng ở đây là mùi quê hương.

Đọc một số bài thơ anh, tôi cảm thấy thơ anh như dấu nối của hai thời kỳ sáng tác: thời thơ ca đấu tranh thống nhất đất nước với nguồn cảm xúc “hướng về Nam” và thời thơ chống Mỹ. Chính việc anh từ giã giảng đường đại học, lên đường vượt Trường Sơn trở về quê hương cũng là một dấu nối - dấu nối vật chất, làm tiền đề cho dấu nối của hai thời thơ Việt Nam.

Ngay trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam chúng ta cũng nhận ra hơi thở nóng của hiện thực chiến trận – một đặc điểm cơ bản của thơ chống Mỹ mà Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật ngay sau anh đã đẩy lên thành ưu điểm vượt trội.

Lần thứ 3 tôi đọc Dáng đứng Việt Nam là vào thời kỳ trước đổi mới, thời “thóc cao gạo kém”, các nhà giáo của Trường đH Tổng hợp HN phải bán nước ngọt, làm kem bản để sống lần hồi qua ngày tục gọi là kế hoạch 3. Tôi rất băn khoăn trước tiêu đề bài thơ. Tại sao lại đặt tên là Dáng đứng Việt Nam. Rõ ràng đồng nhất dáng đứng của người chiến sỹ hy sinh trong thơ với dáng hình tổ quốc Việt nam là có gì đó bất ổn. Vì rõ ràng là nhìn xuyên qua cái ánh sáng thi vị, lý tưởng hoá, đây vẫn là thi thể của một liệt sỹ. Tôi nghi nhà sử học Ca Lê Hiến không đặt tên bài thơ theo kiểu đó. Quả nhiên sau này tôi được biết, bài thơ đó Lê Anh Xuân đặt là Anh giải phóng quân. Bài thơ được anh gửi lại cho Ban biên tập tạp chí “Văn nghệ giải phóng” trước khi đi vào tham gia tổng tiến công đợt 2. Khi in, nhà văn Anh đức đã đổi tên bài thành Dáng đứng Việt Nam. Ở đây nảy sinh vấn đề bản quyền tác giả. Nhưng tôi nghĩ, nếu có biết điều đó, trên chốn cao xanh thăm thẳm kia Lê Anh Xuân hài lòng mỉm cười. Vì đó là cách đặt tên tuân thủ theo thi pháp thơ cách mạng, đặc biệt là thơ cách mạng Việt Nam. Khi Chế Lan Viên viết:

Ở đâu, ở đâu có sự diệu kỳ
Ta xé vải chôn ta - để may cờ chiến thắng
Ta phá xích xiềng ta làm súng đạn
Những vết thương đỏ chói sắc quân kỳ
mà độc giả vẫn không hề thắc mắc trước cái tinh thần quyết tử một cách đáng ngờ này. (Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ ra trận trong tuyệt vọng, chưa bao giờ chuẩn bị vải liệm trước khi giao tranh).

Khi Lê Anh Xuân viết “Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất / Tổ quốc bay lên mãi mãi mùa xuân” thì cũng là chung lối viết với Nguyễn đình Thi “Nước Việt Nam từ trong máu lửa / Rũ bùn đứng dậy chói loà”.

Lần thứ 4 tôi đọc bài thơ khi viếng nghĩa trang đường 9, nơi có rất nhiều sinh viên trong đại đội tôi yên nghỉ. Tôi chợt nhớ tới 2 cách ví von trái chiều nhau. Một triết gia thông thái nào đó ở phương Tây gọi thư viện sách là nơi lưu giữ hài cốt của trí tuệ. Còn người Việt Nam, nhà thơ Diệp Minh Tuyền trong bài thơ Tản mạn trong nghĩa trang chiều lại ví nghĩa trang như một thư viện lớn, mỗi tấm bia là một cuốn sách dày, mỗi cuốn sách đều đang viết giở. Cách nhìn cuộc đời của nhà thơ Việt Nam ở đây có chiều sâu nhân văn hơn. Sau mỗi tấm bia hồi hộp những linh hồn. Tôi nghĩ, bài thơ Dáng đứng Việt Nam cũng là một tấm bia, cũng là một nén hương thắp cho người chiến sỹ vô danh hy sinh trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Khi viết bài thơ này, Lê Anh Xuân và các chiến sỹ trong hậu cứ chưa hề xác định được danh tính liệt sỹ đó. Chính vì vậy mới có câu hỏi vừa có chức năng tu từ vừa phản ánh đúng sự thật: “Anh tên gì hỡi anh yêu quý?”.

Chuyện kể rằng, năm 1966, không quân Mỹ ném bom miền Bắc, tàn sát nhiều người dân vô tội. để trả thù cho đồng bào Hà Nội, có hai đơn vị quân giải phóng được lệnh đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trận đánh thắng lợi, ta phá huỷ hàng trăm máy bay các loại trên các đường băng. Nhưng trên đường rút lui, có một chiến sỹ bị kẹt lại giữa vòng vây địch. Anh bị thương nhưng vẫn gượng đứng lên nổ súng. Bọn giặc gọi hàng, anh trả lời: “Quân giải phóng không biết đầu hàng” và tiếp tục chiến đấu. Tư thế chết đứng của anh làm quân thù kinh sợ. Khi khám tử thi, bọn giặc không thấy trong anh có một mảnh giấy nào để xác minh họ tên, đơn vị… Nghe câu chuyện kể lại, ngay đêm ấy Lê Anh Xuân viết xong bài thơ cho kịp ngày hôm sau lên đường. đoạn đầu của bài thơ đậm tính tự sự, miêu tả một câu chuyện có thật về người chiến sỹ vô danh. Hình tượng thơ vận động từ cụ thể tới khái quát, từ hiện thực tới lãng mạn. Cuối bài thơ, không gian nghệ thuật mở rộng thành một không gian sử thi hoành tráng. Câu chuyện riêng của một người đã thành câu chuyện chung của đất nước. Trong một chừng mực nhất định, có thể gọi đây như là bài thơ “tượng táng”. Nhà thơ đã tượng táng chiến sỹ vô danh đó bằng ngôn ngữ thi ca. Hôm nay, người chiến sỹ của Lê Anh Xuân không còn vô danh nữa. Theo nhà văn đinh Phong, anh giải phóng quân đó chính là Nguyễn Văn Mao, quê ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh, khi ở lại yểm hộ, chặn đường cho đồng đội rút ra khỏi sân bay, rồi hy sinh là Trung đội phó trung đội trinh sát thuộc tiểu đoàn 6 - Bình Tiên, tiểu đoàn từng 3 lần nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Liệt sỹ Nguyễn Văn Mao cũng đã được hoàn thiện hồ sơ để truy tặng danh hiệu Anh hùng. Cả hai - nhân vật trữ tình và thi sỹ, đều đang “thành tên đất nước”.


PGS.TS Phạm Thành Hưng, Bản tin ĐHQGHN số 243, tháng 5/2011
tửu tận tình do tại
35.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

nghĩ

Thơ hay đánh thức tâm hồn lạc lối

104.50
Trả lời
Ảnh đại diện

cảm nhận của tôi về bài thơ

cái bi hùng của con người việt nam
sống chẳng cúi đầu. chết vẫn hiên ngang

224.50
Trả lời
Ảnh đại diện

Chưa rõ

Vẫn đứng đoàng hoàng nổ súng tiến công .............xin cho hỏi câu này là đứng đàng hoàng hay là đứng đoàng đoàng ? bởi cả 2 câu đều có nghĩa

222.64
Trả lời
Ảnh đại diện

Kha

Bài thơ này sai so với nguyên mẫu nhiều lắm... Mình đang cầm trên tay tập thơ Lê Anh Xuân của NXB Giáo Dục, 1981.
Nguyễn Văn:
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng - đứng - Việt - Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân

Hôm ấy bãi trường,
Em đi... còn tôi ở lại
Gió đầy trời...
Gió lạnh phía người dưng.
234.30
Trả lời
Ảnh đại diện

thơ hay quá

bạn nguyenhuynhduc nhầm to rồi, nếu để là "đứng đoàng đoàng" thì nghe ngang phè ra, chả hợp tí nào cả, mà nghĩa lại ko hay bằng cái kia !

183.94
Trả lời