Trên văn đàn hợp pháp ba mươi năm đầu thế kỉ XX, Á Nam Trần Tuấn Khải là một tên tuổi để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Thơ Trần Tuấn Khải đã rung vào dấy đàn yếu nước thương nòi của mọi lòng người (Xuân Diệu).

Là một hồn thơ yêu nước lưu hành công khai, hợp pháp, nên nội dung yêu nước trong thơ ông thường được biểu hiện một cách riêng biệt để có thể lọt qua vòng kiểm duyệt khắt khe của chính quyền thực dân lúc bấy giờ. Mượn đề tài lịch sử để kí thác tâm sự yêu nước là một cách thức biểu hiện hữu hiệu và là một thành công lớn của Trần Tuấn Khải. Trong đó có thể xem: Hai chữ nước nhà là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ ấy.

Hai chữ nước nhà là bài thơ mở đầu cho tập Bút quan hoài I (xuất bản năm 1924). Bài thơ lấy đề tài lịch sử thời quân Minh xâm lược nước ta. Nhà thơ đã mượn lời của người cha là Nguyễn Phi Khanh dặn dò con là Nguyễn Trãi để gửi gắm nỗi lòng của mình.

Bài thơ mở đầu bằng một cuộc chia li đầy máu và nước mắt:
Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,
Cõi giời Nam gió thảm đìu hiu,
Bốn bề hổ thét chim kêu,
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình.
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước.
Chút thân tàn lần bước dặm khơi,
Trông con tầm tã châu rơi,
Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên.
Nhà thơ đã chọn một bối cảnh không gian thật đặc biệt để làm nền cho cuộc chia li của hai cha con. Đó là chốn Ải Bắc heo hút, ảm đạm. Ải Bắc là một địa danh có sức gợi cảm lớn, và đối với cuộc ra đi không ngày trở lại của ông Nguyễn Phi Khanh thì đây là điểm cuối cùng để rồi chia biệt vĩnh viễn đối với Tổ quốc, với quê hương:
Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,
Cõi giời Nam gió thảm đìu hiu,
Bốn bề hổ thét chim kêu,
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình
Và cảnh vật tang tóc, thê lương càng tô đậm thêm nỗi buồn đau trong lòng người hoá thành máu và lệ chia li:
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước,
Chút thân tàn lần bước dặm khơi.
Trông con tầm tã châu rơi,
Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên.
Nước đã mất, nhà đã tan, hai cha con trở thành một kẻ vong quốc. Hơn nữa, tình cảnh của ông Nguyễn Phi Khanh là tình cảnh của một tù binh đang phải chịu cảnh lưu đày biệt xứ. Hình ảnh người cha già với chút thân tàn đang lê bước tới chốn lưu đày khiến người con rất đỗi đau lòng. Nguyễn Trãi những muốn đi theo để phụng dưỡng cha già cho tròn đạo hiếu. Nhưng thù nhà, nợ nước chất chồng, làm sao ông Nguyễn Phi Khanh có thể để con báo hiếu. Đối với người cha, nỗi đau mất nước đè nặng tâm hồn ông như: hạt máu nóng thấm quanh hồn nước, khiến ông không thể nghĩ đến tình riêng. Người cha ngậm ngùi gạt nước mắt chia li, dằn lòng khuyên con quay trở lại tìm cách diệt thù báo quốc. Cảnh nước mất nhà tan, cha con li biệt thật đau đớn, xót xa. Bao trùm lên nỗi đau thương ấy là tình nhà nghĩa nước thiết tha, sâu đậm khiến người đọc không thể không bồi hồi, xúc động.

Trong hoàn cảnh cha con chia lìa, lời khuyên của người cha trở thành lời trăn trối thiêng liêng và xúc động. Trong lời trăn trối đầy máu và nước mắt của người cha, hiện tình đất nước hiện ra đầy đau thương tang tóc:
Bốn phương khói lửa bừng bừng,
Xiết bao thảm hoạ xương rừng máu sông!
Nơi đô thị thành tung quách vỡ,
Chốn nhân gian bỏ vợ lìa con,
Làm cho xiêu tán hao mòn
Thảm cảnh ấy gắn liền với tội ác của giặc thù, của bọn lòng lang, dạ sói: Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu.

Thảm cảnh của đất nước và tội ác của quân giặc khiến người cha tột cùng đau đớn và căm uất:
Thảm vong quốc kể sao xiết kể,
Trồng cơ đồ nhường xé tâm can,
Ngậm ngùi đất khốc giời than,
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!
Khói Nùng Lĩnh như xây khôi uất,
Sông Hồng Giang nhường vật cơn sầu,
Con ơi! Càng nói càng đau,
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?
Vượt lên trên sô phận của cá nhân là số phận của một dân tộc, một quốc gia. Vì thế nỗi đau của ông Nguyễn Phi Khanh đã trở thành nỗi đau lớn lao, cao cả: nỗi đau non nước; một nỗi đau thấu cả đất trời: Ngậm ngùi đất khóc giời than.

Gắn bài thơ với hoàn cảnh ra đời của nó là bối cảnh đầu thế kỉ XX, thì những người dân Việt Nam lúc này cũng chỉ là những kẻ vong quốc đang chịu cảnh lầm than cơ cực. Nỗi đau mất nước của người xưa cũng là nỗi đau thương của cả dân tộc ta đầu thế kỉ XX. Lời thơ Trần Tuấn Khải đã tác động đến sâu thẳm trái tim yêu nước thương nòi của người dân đất Việt.

Trở lại với đoạn thơ và tâm sự của ông Nguyễn Phi Khanh, ta nhận thấy hình như trong tiếng nấc xót xa cho tình cảnh đau thương của đất nước, có cả sự ngậm ngùi chua xót của một người cảm thấy mình có lỗi với nước, với dân:
Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Nên ông càng thêm tha thiết mong mỏi con trai có thể thay mình mà phục thù, báo quốc, rửa được mối hận cho cha già:
Giang sơn gánh vác sau này cậy con.
Có lẽ, đây cũng là lời tâm huyết cuối cùng của người cha!

Càng đọc kĩ đoạn thơ, ta càng xúc động sâu sắc trước tâm sự yêu nước mãnh liệt của người cha, cũng là tâm sự yêu nước mãnh liệt của nhà thơ. Và ta càng hiểu vì sao thơ Trần Tuấn Khải lại nhận được sự đón chào nồng nhiệt của công chúng độc giả, nhất là tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)