Dưới đây là các bài dịch của Phạm Vĩnh Cư. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Những cuộc yến tiệc (Boris Pasternak): Bản dịch của Thanh Thảo, Phạm Vĩnh Cư

Uống vị đắng cay hoa huệ, chất cay đắng trời thu
Uống nóng bỏng nơi em những dòng phản bội
Uống nỗi đắng cay chiều tà, trò ồn ào tụ hội
Tôi uống cái đắng cay sống sượng những khổ thơ thổn thức này

Bước ra từ xưởng thợ mỏi mòn, chúng tôi không chịu nổi sự tỉnh táo
Chúng tôi tuyên chiến với miếng ăn chắc dạ
Gió lo âu đêm đêm rót tràn cốc rượu
Cho những lời chúc tụng có lẽ không được thực hiện bao giờ

Di truyền và thần chết ăn cùng bàn với chúng tôi
Trong yên tĩnh bình minh - những ngọn cây bừng cháy
Như chuột nhắt, vần thơ lục lọi đĩa đựng bánh khô
Và Lọ Lem vội vã thay quần áo

Sàn nhà được quét, không một mẩu bánh vương trên khăn bàn
Câu thơ thở bình yên như chiếc hôn con trẻ
Và Lọ Lem bỏ chạy - những ngày gặp may thì vù xe ngựa
Lúc cạn xu rồi - thì xài đến đôi chân


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Đêm đông (Bụi tuyết mờ trần gian) (Boris Pasternak): Bản dịch của Thanh Thảo, Phạm Vĩnh Cư

Bụi tuyết mờ trần gian
Khắp mọi miền
Ngọn nến sáng trên bàn
Ngọn nến sáng

Như đàn ruồi mùa hè
Bay qua ngọn lửa
Những bông tuyết phơi ngoài sân
Đậu vào khung cửa

Bão tuyết vẽ trên ô kính mờ
Hình những mũi tên và đồng xu
Ngọn nến sáng trên bàn
Ngọn nến sáng

Trần nhà sáng lên những bóng chập chờn
Chập chờn
Tay quấn vào tay, chân quấn chân
Hoà chung số phận

Và đôi giày nhỏ chợt rơi
Xuống sàn
Và nước mắt từ ngọn nến đêm
Nhoè trên áo choàng

Và tất cả tan trong tuyết bay
Bạc trắng
Ngọn nến sáng trên bàn
Ngọn nến sáng

Góc nhà gió lay lay đốm lửa
Và hơi nóng cám dỗ
Bốc lên, như thiên thần
Đôi cánh hình chữ thập

Bụi tuyết mờ tháng Hai
Cứ thế thôi, cứ thế
Ngọn nến sáng trên bàn
Ngọn nến sáng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

“Em - trang giấy cho ngòi bút của anh...” (Marina Svetaeva): Bản dịch của Phạm Vĩnh Cư

Em là trang giấy cho ngòi bút của anh
Em tiếp nhận tất cả. Em là trang giấy trắng
Là kẻ giữ cho anh tài sản
Để trả lại - giàu có gấp trăm lần

Em là thôn quê, là đất đen
Với em anh là mưa, là nắng
Anh là Chúa Tể, là Chủ Nhân
Còn em là đất đen và giấy trắng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

“Tôi nói, và người khác nghe thấy...” (Marina Svetaeva): Bản dịch của Phạm Vĩnh Cư

Tôi nói, và người khác nghe thấy
Rỉ tai người thứ ba - người ấy hiểu ra ngay
Người thứ tư đứng dậy, cầm cây gậy gỗ sồi
Bước vào đêm - lập công tích. Thế là
Trên thế gian có thêm một bài ca
Và với bài ca ấy - hỡi cuộc sống - tôi đón chào cái chết


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Gặp gỡ (Boris Pasternak): Bản dịch của Thanh Thảo, Phạm Vĩnh Cư, Việt Thương, Nguyễn Thuỵ Kha

Tuyết rơi rơi kín đường
Mái nhà ai tuyết phủ
Anh đi bộ cuồng chân
Em đứng hoài sau cửa

Một mình, áo mùa thu
Không mang ủng đội mũ
Em chống chọi cơn run
Và liếm môi tuyết ủ

Cây cối với hàng rào
Lùi xa trong bóng mờ
Góc đường giữa tuyết rơi
Em đứng một mình thôi

Nước từ tấm khăn vuông
Chảy luồn theo tay áo
Trên mái tóc tuyết vương
Lấp lánh từng giọt nhỏ

Cả khuôn mặt, dáng người
Khăn choàng, áo mùa thu
Được chiếu sáng rỡ ràng
Nhờ nơi búi tóc vàng

Tuyết ướt đọng trên mi
Nỗi buồn trong đôi mắt
Toàn thân em là chi
Từ vẹn nguyên khắc tạc

Dường như bằng mũi sắt
nhúng vào ăngtimoan
Người ta đã khắc em
Vào tim anh rất thật

Ôi những nét dịu dàng
Mà ẩn sâu mãi mãi
Chẳng việc gì hết thảy
Dẫu đời đầy nhẫn tâm

Nên được tách làm đôi
Mình và đêm tuyết ấy
Làm sao chia ranh giới
Hai chúng mình em ơi

Nhưng chúng ta là ai
Đến từ đâu, năm tháng
Sao chỉ toàn chuyện nhảm
Khi ta khuất trên đời?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Mùa hè ở thành phố (Boris Pasternak): Bản dịch của Thanh Thảo, Phạm Vĩnh Cư, Việt Thương, Nguyễn Thuỵ Kha

Những thì thầm trò chuyện
Những vội vã nồng nàn
Những lọn tóc búi gọn
Cuốn từ sau gáy lên

Bên dưới chiếc lược gỗ
Mắt sáng qua khăn choàng
Nàng ngửa đầu duyên dáng
Bím tóc dày lơi buông

Trên phố đêm oi bức
Báo hiệu một cơn dông
Người đi bộ tản mác
Rảo bước về nhà mình

Sấm ầm lên từng đợt
Bất ngờ nghe âm vang
Tấm màn giăng cửa sổ
Gió cứ lay phập phồng

Và bắt đầu im ắng
Và cứ thế oi nồng
Và cứ thế tia chớp
Rạch trời đêm nhoáng nhoàng

Rồi ban mai óng ả
Thêm một lần nóng khan
Làm khô những vũng nước
Sau trận mưa hồi hôm

Nhìn lầm lì cau có
Vì giấc ngủ không tròn
Những cây gia cổ thụ
Toả xanh vòm hương thơm


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

“Làm người nổi tiếng có gì hay...” (Boris Pasternak): Bản dịch của Phạm Vĩnh Cư, Thanh Thảo

Làm danh nhân hay hớm gì đâu
Chẳng phải điều này bốc ta lên cao
Không cần chạy vạy lập kho lưu trữ
Run rẩy giữ từng trang bản thảo

Mục đích sáng tạo - là xả thân
Không phải trò rùm beng - không phải mưu thành đạt
Thật nhục nhã khi anh chả ra gì
Mà tên tuổi anh lại lừng lẫy khắp

Nhưng phải sống không mạo danh
Sống làm sao để sau rốt cuối cùng
Mình thu phục tình yêu không gian
Nghe được tiếng tương lai gọi thầm

Và cần để những khoảng trắng
Không phải trên trang giấy, mà trong số phận
Từng khúc từng chương cuộc đời
Có thể bị gạch chéo bên lề

Tự dìm mình trong cảnh tờ mờ
Dấu bước đi của mình lặng lẽ
Như miền đất ẩn dật sương mù
Khi nhìn vào chỉ thấy âm u

Những người khác theo vết chân sống động
Sẽ lần bước hết con đường của anh
Còn ra đâu bại đâu thành
Chính anh cũng chẳng cần phân biệt

Dù chỉ một phần bé nhỏ
Cũng không chối bỏ mặt mình
Hãy sống, sống và cứ thế
Sống và cứ thế, đến cùng.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Mùa thu (Boris Pasternak): Bản dịch của Thanh Thảo và Phạm Vĩnh Cư

Tôi đã xa những người yêu dấu
Những người thân ly tán lâu rồi
Chỉ còn niềm cô đơn vĩnh cửu
Đầy nghẹt con tim dâng ngập đất trời

Nơi ấy tôi với em ở ngôi nhà gác rừng bé nhỏ
Hoang vắng trống trơn
Như trong bài hát, những đường viền, những lối mòn
Cỏ đã trùm lên một nửa

Giờ đây những bức vách gỗ tròn
Nhìn chúng ta buồn bã
Chúng ta thề chấp nhận mọi chông gai
Chúng ta sẽ gục chết công khai

Ngồi giờ tý và đứng lên giờ sửu
Tôi đọc sách em đan len
Chúng ta không nhìn thấy rạng đông
Làm ngừng những chiếc hôn

Lộng lẫy hơn kiêu bạt nữa
Lá lá ơi cứ rơi cứ xạc xào
Cho nỗi sầu chất ngất hôm nay
Tràn lên chén ngày qua cay đắng

Quyến luyến, say mê, tuyệt mỹ
Ta nguôi tan trong ồn ào tháng chín
Ta vùi mãi vào xao xác mùa thu
Sững sờ hay có thể điên rồ!

Em cởi áo
Như cánh rừng trút lá
Em buông mình cơn ghì siết mê man
Vòng tay dịu êm qua lớp áo choàng

Em là vĩnh phúc trên bước đường thảm khốc
Khi đời sống còn ghê sợ hơn cơn đau
Thì can đảm - cội nguồn cái đẹp
Chính là điều quấn ta lại gần nhau.


Trích trong tập Thơ tình cho La Ra, Ban vận động hội văn nghệ Lâm Đồng xuất bản năm 1987.
Ảnh đại diện

Không đề (Osip Mandelstam): Bản dịch của Phạm Vĩnh Cư

Thao thức với Homère. Những cánh buồm căng gió
Tôi mới đọc đến giữa bản danh sách những chiến thuyền-
Cái đàn chim trời, cái đoàn tàu sếu ấy, mà xưa kia
Đã cất cánh bay qua khắp đất Ellade!

Đàn sếu ấy, như mũi tên nhằm biên cương xa lạ
Trên đầu các đấng vương hầu - bọt trắng thánh thần.
Các vị đi đâu, hỡi các trượng phu Akheen.
Giả sử không vì nàng Hélène, thành Troie có ý nghĩa gì với các vị!

Cả biển, cả Homère - tình yêu vận hành tất cả
Tôi biết nghe ai đây? Và thế là Homère lặng im
Nhưng biển đen vẫn rì rầm, say sưa hùng biện,
Và vỗ những tiếng gầm nặng chịch vào đầu giường tôi.

Ảnh đại diện

Giác quan thứ sáu (Nikolai Gumilev): Bản dịch của Phạm Vĩnh Cư

Tuyệt vời rượu vang vì ta mà nồng say
Tuyệt vời bánh mì đôn hậu vì ta mà tự vào lò nướng
Tuyệt vời người đàn bà đã làm ta đau khổ chán chê
Rồi mới cho ta hưởng niềm hoan lạc.

Nhưng biết làm gì đây với ánh hoàng hôn hồng tía
Trên bầu trời cứ mỗi phút lạnh dần
Nơi chỉ có sự im lặng, yên tĩnh ngoài trần thế
Biết làm gì đây với những vần thơ bất tử?

Không ăn, không uống, không ôm hôn được
Những phút giây bay qua không thể giữ lại,
Và chúng ta vật vã khóc than, như cứ phải
Đi qua tất cả, đi qua tất cả.

Như cậu bé quên bẵng những trò chơi con trẻ,
Thỉnh thoảng nhìn trộm những thiếu nữ tắm trần.
Dẫu chưa biết gì về tình yêu,
Vẫn khắc khoải một ước mong bí ẩn,

Như thuở nào trong rừng nguyên thuỷ
Con vật bò sát với tấm thân trơn nhầy
Rống lên vì bất lực, khi cảm thấy
Sức nặng của đôi cánh, trên vai mình, còn chưa mọc.

Và cứ thế, hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, cho đến bao giờ hỡi Chúa
Dưới dao mổ của thiên nhiên và nghệ thuật
Trí tuệ chúng con gào thét, xác thịt chúng con suy kiệt
Cố đẻ ra cơ quan cho giác quan thứ sáu.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối