Trang trong tổng số 1 trang (5 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Hoàng Hà Tĩnh

Xin đăng lại một vài ý kiến của bác Vân Long trước khi trình bày

      "Hoa chanh                    (bài viết của VÂN LONG ) http://www.qdnd.vn/qdnd/baongay.vanhoa.15577.qdnd          

(bài thơ ít người biết của nhà thơ Quang Dũng)
Hầu như giới thơ ai cũng biết tính đuểnh đoảng trong việc lưu giữ bản thảo của Quang Dũng. Chả thế, khi nhà thơ ngã bệnh, NXB Tác Phẩm Mới muốn in tập thơ “Mây đầu ô” cho ông đã phải nhờ nhà thơ Trần Lê Văn “sưu tầm” các bài thơ của Quang Dũng tản mát ở các nơi như sưu tầm di cảo của một người đã mất. Hồi ấy Trần Lê Văn rất vất vả vì bạn. Nhưng độ tản mát của bản thảo quá lớn nên “Mây đầu ô” (1986, tập thơ in riêng duy nhất của Quang Dũng) chỉ in được 22 bài. Nhà thơ Trần Lê Văn trong lời tựa tập thơ ấy đã phải viết: “Quang Dũng có một cái “tật”.
Hoa chanh

Ngàn năm bèo đọng ở trên ao
Cô gái vườn chanh thắm má đào
Quê Việt Nam nằm trong bóng trúc
Dòng đời thoang thoảng suối hương cau

Sao buồn tiếng nhạc trong khung cửi
Dệt lụa quay tơ đã mấy chiều
Mười tám đôi mươi sầu dạ khách
Ngẩn ngơ tình lạc biết bao nhiêu

Cô gái vườn chanh thắm má đào
Chồng cô xa vắng đã từ bao?
Sớm chiều ao nước ru bèo ngủ
Tre trúc hoàng hôn ngả nhạc sầu

Mà đêm nay khuya hoa chanh thơm
Ta bên vườn vắng cũng âm thầm
Lắng hồn nghe nhạt từng hương cỏ
Dạ buồn như kẻ nhớ tri âm

Bên kia nhà cô, đây vườn chanh
Sớm chiều bóng dáng ngất ngây tình
Than ôi cách biệt vườn thơm ngát
Đời thấy u sầu trong đêm xanh

Đêm đóng quân ở La Cả
Năm đầu tiên kháng chiến 1946

QUANG DŨNG
Ấy là sự vô tâm, đãng trí, để thất lạc nhiều tác phẩm đã in và chưa in của chính anh. Khoảng những năm 1952-1953, anh viết một truyện ký về Tây Tiến, đọc nghe rất thích. Anh lại tự tay vẽ bìa và minh họa cho tác phẩm của anh. Bản thảo dày mấy xếp giấy học sinh, chẳng biết anh để vào đâu, tìm mãi vẫn không thấy. Hiện nay, để có bản thảo cho tập “Mây đầu ô” này-nói không phải để kể công-tôi đã dành thì giờ “sưu tầm” thơ anh như người ta sưu tầm tác phẩm đã thất tán của những tác giả đời xưa. Những bài đã in chung với tôi trong tập “Rừng biển quê hương” đầu năm 1958 thì còn giữ được đã đành. Những bài đã in rải trên các sách báo cũng còn tìm được. Đến những bài anh chỉ mới chép tay, chưa in ở đâu thì gay thật! May sao, tìm trong rương tủ nhà anh cũng còn được một ít. Nhất là nhờ sự giúp đỡ của anh Chiêu Dương (xin đừng lẫn với Triêu Dương, nhà lý luận phê bình văn học đã qua đời) tôi thu thập được tương đối đầy đủ. Chiêu Dương (Nguyễn Ngọc Chương) là một bạn làm thơ nghiệp dư và là bạn học cũ rất thân của Quang Dũng, rất trân trọng lưu giữ tác phẩm của bạn, bất cứ tác phẩm nào…”.
Thế mà, đến ngày 1 tháng 10-2002 lại chính ông Chiêu Dương (nay cũng đã mất) gửi đến tôi một lá thư nhắc đến ngày giỗ lần thứ 14 sắp tới của Quang Dũng, kèm theo bài thơ “Hoa chanh” với lời ghi chú “… nhân dịp này tôi gửi đến anh bài thơ tình của Quang Dũng chưa in ở sách báo nào. Tác giả viết cách đây vừa 56 năm mà đọc thấy hãy còn tươi thắm trong tâm hồn…”. Tôi đã định sưu tầm thêm để có được một chùm “rơi vãi” của nhà nghệ sĩ vô tâm. Nhưng thời gian cứ trôi đi, e rồi chính tôi cũng làm rơi vãi thì thật có lỗi với độc giả và hương hồn nhà thơ, hôm nay tôi xin đưa ra công chúng kèm theo lời xin lỗi hương hồn hai ông Quang Dũng, Chiêu Dương và độc giả, đã để làm của riêng cho mình đến 5 năm trời!
Các bạn thơ và các nhà nghiên cứu chả khó khăn gì để nhận ra hơi thơ còn vang bóng chưa xa một thời thơ mới (1932-1945), không tránh khỏi những sáo ngữ nhưng vẫn hé lộ nét tài hoa sẽ phát triển sau này của nhà thơ Quang Dũng: Sớm chiều ao nước ru bèo ngủ… Mà đêm nay khuya hoa chanh thơm…./.  VÂN LONG "Thứ Sáu, 27/04/2007, 09:07




Thật sự theo tôi thì bài Hoa chanh của thi sỹ Quang Dũng đã được lưu truyền trong miền Nam trước những năm 1975. Các lớp anh chị lớn tuổi của tôi theo học ban văn chương thời ấy có chép tay bài thơ này. Xin chép lại nguyên văn:
            Hoa chanh
Ngàn năm bèo đọng ở trên cao
Cô gái vườn chanh thắm má đào
Quê Việt nam nằm trong bóng trúc
Giòng đời thoang thoảng suối hương cau
Sao buồn tiếng nhạc trong khung cửi
Dệt lụa quay tơ đã mấy chiều
Mười tám đôi mươi sầu dạ khách
Ngẩn ngơ tình lạc biết bao nhiêu
Cô gái vườn chanh thắm má đào
Chồng cô xa vắng đã từ lâu
Sớm chiều ao ước ru bèo ngủ
Tre trúc hoàng hôn nhả nhạc sầu
Mà đêm khuya khoắt hoa chanh thơm
Ta bên vườn vắng cũng âm thầm
Lắng hồn nghe nhạc từng cây cỏ
Dạ buồn như kẻ nhớ tri âm
Bên kia nhà cô đây vườn chanh
Sớm chiều bóng dáng ngất ngây tình
Than ôi cách biệt vườn thơm ngát
Đời thấy u sầu trong đêm xanh

Có một vài sự khác biệt so với bản của bác Vân Long công bố trên trang http://www.qdnd.vn/qdnd/baongay.vanhoa.15577.qdnd
Xem trong Thi viện phần nhà thơ Quang Dũng đăng khoảng 27 bài thơ cũng không thấy tên bài thơ này nên không biết những sai lệch trên do truyền miệng hay là nguyên nhân nào. Tuy nhiên đọc toàn bài thơ vẫn thấy ý thơ uyển chuyển, hay, nhưng không sáo ngữ như bác Vân Long nhận xét. Tôi mạn phép đưa lên diễn đàn để các bạn yêu thơ và có quan tâm đến thi phẩm của nhà thơ Quang Dũng  có thêm một vài ý kiến
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

PandaKid

PandaKid đồng ý với nhận xét của HHT, về việc dùng từ "sáo ngữ" của bác Vân Long trên trang kèm theo là không thật chính xác. Xin trích dẫn đoạn ấy như sau:
"Các bạn thơ và các nhà nghiên cứu chả khó khăn gì để nhận ra hơi thơ còn vang bóng chưa xa một thời thơ mới (1932-1945), không tránh khỏi những sáo ngữ nhưng vẫn hé lộ nét tài hoa sẽ phát triển sau này của nhà thơ Quang Dũng: Sớm chiều ao nước ru bèo ngủ… Mà đêm nay khuya hoa chanh thơm…"
Bài thơ có vẻ mang hơi hướng lãng mạn 30 - 45 nhiều hơn các sáng tác khác của Quang Dũng như "Tây tiến", "Mây đầu ô", ... do cách dùng hình ảnh, trau chuốt câu từ cũng như thanh điệu, và điều này cũng không đến nỗi gay gắt đến độ phải ghép vào "sáo ngữ" như vậy. Ý tứ bài thơ rõ, câu chữ tài hoa, gọt dũa có kì công, đặc biệt là việc sử dụng một loạt các thanh bằng trong câu "mà đêm nay khuya hoa chanh thơm" có tác dụng không kém câu "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi" trong "Tây Tiến". Cả hai đều nói về những cảnh nhẹ nhàng, hình ảnh có độ lan toả ("mưa" và "hương hoa"), việc dùng các chữ có vần bằng vừa tạo nên nhạc tính, vừa gián tiếp thể hiện cái lan toả khó nhận thấy ấy một cách tinh tế. "Sáo ngữ" là một từ nhận xét không tích cực, mang cảm giác phê phán, bài xích, thường được dùng với các nhà thơ hay "làm dáng" mà thật ra nội dung không rõ ràng, đặc sắc. Vậy nên, dùng ở đây, PandaKid cho là chưa thật chuẩn xác...
Mong các bạn có thêm ý kiến.
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu...
              ***
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vân Hạc

Cảm ơn Hoàng Hà Tĩnh. Nhờ có bạn mà VH được biết thêm một bài thơ hay của Quang Dũng.:) VH cũng cùng suy nghĩ với bạn và PandaKid. Nói "sáo ngữ" với thơ Quang Dũng nói chung và với bài Hoa Chanh này, quả là không đúng, thậm chí còn nặng nề nữa!
I "ớn" U...^_^
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Bài thơ này mình cũng chỉ biết loáng thoáng thôi, hôm nay đọc bài của HHT mới biết thêm được nhiều điều về "Hoa chanh". Để các bạn vào đọc có thể thấy rõ những chỗ câu, từ khác nhau ở bài Hoa chanh được Ô. Vân Long đưa lên báo QĐND và bản chép tay của bạn HHT cung cấp, NT tạm đối chiếu so sánh lại ở đây:

1/Ở khổ thơ thứ 3:

*Bài do Vân Long đưa lên báo QĐND:

Cô gái vườn chanh thắm má đào
Chồng cô xa vắng đã từ bao?
Sớm chiều ao nước ru bèo ngủ
Tre trúc hoàng hôn ngả nhạc sầu

*Bài chép tay do bạn HHT cung cấp:

Cô gái vườn chanh thắm má đào
Chồng cô xa vắng đã từ lâu
Sớm chiều ao ước ru bèo ngủ
Tre trúc hoàng hôn nhả nhạc sầu

2/Ở khổ 4 của bài thơ:

*Bài do Vân Long đưa lên báo QĐND:

đêm nay khuya hoa chanh thơm
Ta bên vườn vắng cũng âm thầm
Lắng hồn nghe nhạt từng hương cỏ
Dạ buồn như kẻ nhớ tri âm


*Bài chép tay do bạn HHT cung cấp:

đêm khuya khoắt hoa chanh thơm
Ta bên vườn vắng cũng âm thầm
Lắng hồn nghe nhạc từng cây cỏ
Dạ buồn như kẻ nhớ tri âm

Xưa nay, việc những bài thơ được sưu tầm, phát hiện thêm của các tác giả đã quá cố có nhiều dị bản cũng là chuyện thường gặp. Ngay cả những người làm thơ đang tại tiền cũng có khi bỏ sót thơ mình ở đâu đó, hoặc chép tặng bạn, người thân rồi không lưu lại, quên mất cũng đã từng...

Ở miền Nam trước 1975, đã có rất nhiều học sinh, sinh viên biết và yêu thơ Quang Dũng, đọc, nghe ở đâu đó rồi truyền miệng, chép vào sổ thơ riêng của mình không chỉ một mà nhiều bài thơ của ông. Các bản chuyền tay nhau để chép đôi khi cũng có thể không hoàn toàn chính xác cũng là một lý do để tạo nên sự khác biệt trên đây.
Tuy nhiên, đọc và cảm nhận tài thơ của Quang Dũng, quen hơi thơ của ông, có lẽ chúng ta cũng phần nào đó, theo cảm quan của mình, cũng có những nhận định riêng.
Ở đây, mình nghiêng về bài thơ của Ô. Vân Long đưa lên...Không dám phân tích, mà chỉ là cảm giác thơ của người đọc thơ thôi.

Theo mình, mình thích câu " Chồng cô xa vắng đã từ bao?" hơn là "Chồng cô xa vắng đã từ lâu". Một bên là câu hỏi, câu nghi vấn, một bên là câu khẳng định. Câu hỏi làm cho đoạn thơ sinh động, có hồn, gợi suy tưởng. Nếu ở đây là câu khẳng định thì khổ thơ lại quá bình thường. Thêm nữa, câu thơ này gợi mình liên tưởng đến những câu thơ khác của Quang Dũng: "Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt", "Em đã bao ngày em nhớ thương?", "Bao xác già nua ngập cánh đồng", "Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!","Em đã bao ngày lệ chứa chan?"...Tần suất dùng từ "bao" của Quang Dũng khá dày, và thực tế cũng cho thấy mỗi nhà thơ vẫn quen dùng bởi yêu thích một số từ thân thuộc nào đó...

Câu 1 của khổ thơ thứ tư, bản do Vân Long cung cấp:

"Mà đêm nay khuya hoa chanh thơm" rõ ràng là hay hơn " Mà đêm khuya khoắt hoa chanh thơm".

Trong thơ Quang Dũng, ta bắt gặp khá nhiều câu thơ sử dụng toàn thanh bằng - như một sự nương theo thanh điệu để câu thơ mang một dáng vẻ mênh mang, lan tỏa, không chỉ lan tỏa trong bài thơ mà còn lan tỏa, mở rộng trong lòng người đọc - như PandaKid đã nói trên đây:

"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"
"Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang"
"Ngồi đây năm năm miền ly hương"
...
Có lẽ vì đó là cái khí chất lãng mạn của thơ Quang Dũng  mà ta cũng đã bắt gặp ở Bích Khê: "Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông"...

Và rất nhiều những câu thơ của Quang Dũng cũng chủ yếu là thanh bằng, nhiều lắm chỉ một từ trong câu là có thanh trắc:

"Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
"Vầng trán em mang trời quê hương"
"Hồ xang hồ xang xự hồ xang"
"Mây ở đầu ô mây lang thang"
...

Từ mang thanh trắc trong các câu thơ trên cũng lại rất hài hòa trong cái tổng thể thanh bằng ở đó. Ở đây, trong bản thơ chép tay từ "khuya khoắt" không thể làm cho câu thơ hay hơn, ngược lại, nó cứ như một chiếc kim nhọn, phá vỡ cái không gian êm đềm, dịu dàng, mơ màng của một đêm được bao bọc trong làn hương hoa thanh khiết, ở đó có sự nhớ nhung, có một mối cảm tình tha thiết.

Với sự khác biệt ở câu còn lại, có lẽ ai cũng dễ dàng nhận thấy "Lắng hồn nghe nhạt từng hương cỏ" là đúng với logic của tứ thơ khai triển. Hương hoa chanh thơm ngát cả vườn thì hương cỏ còn làm sao để cho người ta dễ dàng cảm nhận nếu như không "lắng hồn" cùng?

Hì, hưởng ứng với bạn HHT chút kẻo bạn ấy buồn vì đưa vấn đề lên mà ít ai chịu khó tham gia. Có gì không phải thì NT xin được lắng nghe thêm ý kiến của bạn HHT cũng như các bạn khác nhé!:)

Còn nhận xét "sáo ngữ" ấy của Ô. Vân Long thì...mình rõ là không đồng tình rồi!:D Đơn giản chỉ vì mình thích thơ Quang Dũng. Nếu Quang Dũng không viết được những câu thơ có hồn như vậy- mà bị phê là "sáo ngữ" thì chắc gì mình và các bạn đồng lứa của mình hồi ấy đã biết đến thơ Quang Dũng chứ nói gì đến chuyện say mê mãi đến giờ!:)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Cảm ơn tât cả các bạn đã bình thật hay bài thơ "Hoa chanh". Mong rằng sẽ thường xuyên được đọc các bài bổ ich như thế này.Mình cũng đã định góp đôi lời khi mới thoạt thấy chủ đề này, nhưng đọc hết các bài ở topic này thì thấy mình hết ý.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài viết)
[1]